Bàn gỗ, làm bằng thứ gỗ tạp, được kê giữa một khoảng đất trống. Phía trước mặt là hàng dương, những thân dương cao vút, săn chắc, như bờ đê chắn gió biển lạnh buôn buốt thổi vào. Và xung quanh là bóng đen, bóng đen khổng lồ, vĩ đại, đen thẫm, đen hút, đen đặc, đen quánh, phủ chụp lấy tất cả. Gió hù ào ào. Sóng gầm gào đe dọa. Tôi thật không thể tưởng tượng được, mới hồi sáng, khi tôi vừa đặt chân đến đây, biển hãy còn hiền hòa và yên ả lắm. Một bờ đất đen lầm lũi trải dài thoai thoải suốt bãi biển, và nước biển mang màu xám tro, phóng tầm mắt ra xa tít tắp tận cuối chân trời mới thấy một dải nước xanh dương mỏng như sợi chỉ vắt ngang. Biển không thấy đẹp, không thấy hấp dẫn, cho nên cái vẻ đẹp hiền hòa ấy, chứa đựng dường như là một sự lam lũ, một sự cam chịu. Thế mà bây giờ, biển mới dữ dằn và cáu gắt làm sao…
Chính giữa bàn có đặt một ngọn đèn hột vịt. Bên cạnh là một nồi nghêu luộc còn nghi ngút khói, một chai rượu thuốc, một cái chung nhỏ. Ánh đèn leo lét, lẩy bẩy hắt lên vừa đủ soi rõ những khuôn mặt vuông vức, đỏ au của những chàng trai miền biển. Chuyện đã xảy ra như mơ, hết sức trơn tru và trôi chảy như thể đã sắp đặt, đã định sẵn từ trước. Tôi – dân thành phố - chân ướt chân ráo theo đoàn du khảo về đây, trong tâm trạng của một kẻ tò mò, muốn xem cho biết cái vùng biển mà người ta đồn đi ra xa hàng cây số nước cũng chỉ tới đầu gối, và ở dưới chỉ toàn sình là sình. Còn, này Phương, này Danh, này Quảng, này Liêm – dân cào nghêu miệt Cần Giờ từ bao năm nay. Thế mà tự nhiên quen nhau, rồi bây giờ đương ngồi chung một bàn với nhau, xung quanh là đêm đen trộn lẫn tiếng gió. Tôi nhớ lại hồi ban trưa, giả như ở lại tham gia thi dựng lều cùng các trại sinh khác, giả như không nảy ra ý định lội biển một mình, thì bây giờ tôi đương chơi ở hội thi hóa trang cơ, giữa ánh điện tưng bừng chứ không phải tối hù hù như thế này đây, rồi đốt lửa trại, đàn hát gì đấy cho đến sáng, cổ khản đặc và người mệt lử, nhưng vui, rồi lục đục nhổ trại kéo nhau về. Và biển chỉ là nơi tạm dừng chân, vẫn chỉ là một cái gì đấy xa cách, lạc lõng, sẽ dần dần đi vào quên lãng, như những lần cắm trại trước đây.
Nhưng tôi đã lội biển, sình nhão nhoét dưới chân cũng không làm tôi ngại. Càng ra xa, càng thấy biển mênh mông, nhưng nước thì vẫn chấp chới đầu gối, không hơn. Tôi cứ lội mãi, rồi ra tời bãi nghêu hồi nào không hay. Ở đấy, tôi làm quen với họ, những chàng trai miền biển này, bằng cách sấn vào cùng họ dò nghêu, cào nghêu, xúc nghêu, cho nghêu vào những bao to, chất hàng trăm ký nghêu lên một cái xe gỗ và đẩy nó ra một bãi khác ngoài xa hơn, thả nghêu trở lại để nuôi nghêu lớn. Tôi lặn lội suốt cả buổi chiều bãi, người đẫm nước, lấm lem sình đất, da đỏ rân rân vì nắng, vì gió, đã có thể cầm đồ cào một cách thành thạo, và biết dò một cách chính xác chỗ nào có nhiều nghêu. Khi nắng chiều sắp tắt là lúc công việc xong xuôi, triều xuống thật nhanh, để lộ cả một vùng đất đen rộng lớn chi chít những vỏ sò, ốc vỡ trắng hếu. Chúng tôi trở vào bờ, băng qua những bãi sình mênh mông. Phương, người thanh niên đương cầm hai càng chiếc xe gỗ kéo đi, mắt hướng vào bọc nghêu to tướng toàn những con no tròn - những con nghêu còn sót của vụ trước nay đã lớn - để trong xe, bảo tôi tối nay có rảnh ghé qua chòi của anh chơi, chỉ cách khu cắm trại chừng vài trăm mét, nhân thể nhắm món nghêu luộc chấm nước mắm chanh mới nghe đã phát thèm. Tôi đã nhận lời, đã hứa, lời hứa còn mới nguyên, nóng hôi hổi…
Quảng mở bao thuốc “mèo”, chìa cho tôi một điếu. Tôi lắc đầu, bảo không biết hút. Quảng hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cười xoà: “Quên! Đằng ấy còn đang tuổi ăn tuổi học, xém chút nữa tụi này làm hư trai thành phố rồi”. Tôi co giò, ngồi xổm lên băng ghế ghép bằng những thân tràm, thân đước, cho vừa đỡ lạnh vừa tránh muỗi đốt. Đêm ở đây lạnh thật, lạnh se sắt, lạnnh thấu ruột thấu gan. Tôi mà ở đây chừng vài mươi bữa nữa, chắc rồi cũng phải có thói quen hút thuốc thôi.
Phương rót rượu ra chung, nói: “Đêm nay, cậu em là khách quý của tụi tui. Tôi tính mời cậu em cưa chung đầu, nhưng bây giờ ngại quá, biết cậu em có uống được không? Hay không khéo lại làm hư cậu em?”. Tôi đưa hai tay đỡ lấy: “Đệ xin! Rượu này rượu thuốc, uống vô nếu không bổ béo gì thì cũng… ra ngoài hết, ngại chi”. Tôi nhăn mặt ngửa cổ uống cạn. Một luồng nóng chạy xộc qua cổ họng, rồi từ từ lan ra, râm ran. Thấy người ấm hơn một chút. Chung rượu bắt đầu quay vòng vòng. Những câu chuyện phiếm cứ rì rầm, rì rầm giữa tiếng ào ào của gió, của sóng. Tiếng rì rầm ấy nghe mãi rồi như tiếng muỗi vo ve, u u, buồn tẻ. Một cảm giác nhàn nhạt, đơn điệu chợt ập đến làm choáng ngợp cả người tôi, cả tâm hồn tôi.
Đã ngà ngà, Liêm chợt cao hứng, muốn hát tặng chúng tôi một bản vọng cổ. Tôi cũng không ngờ những anh chàng miệt biển này lại mê vọng cổ đến thế. Họ chăm chú lắng nghe, say sưa, thật tình, không làm bộ, không thưởng thức kiểu cách. Mà phải công nhận Liêm hát hay. Chất giọng của anh tuy chất phác, không được gọt dũa nhưng trong trẻo, văn vắt. Liêm lại đẹp trai, khuôn mặt vuông vức, chân mày rậm, sống mũi cao và thẳng, mái tóc hơi xoăn bồng bềnh trông như nghệ sĩ. Tôi chợt buột miệng nói thành tiếng điều đương nghĩ trong lòng: “Anh Liêm ca hay quá, đâu thua gì kép Kim Tử Long trên thành phố, sao không đầu quân vô gánh hát nào hết vậy?”. Liêm không trả lời, vì anh đã úp mặt xuống bàn ngủ mất rồi. Vừa hát xong là ngủ. Phương cười: « Thằng này tửu lượng yếu quá! ». Quảng chợt lên tiếng, giọng trầm trầm: «Thật ra, thằng Liêm với tôi đâu phải dân xứ này. Hồi nhỏ nó mê cải lương quá cứ trốn học đi coi hoài. Rồi bỏ học, đi bụi. Gặp tôi, hai thằng lang bạt tứ xứ, thấy ở đây sống được mới đậu lại. Nó hay tâm sự với tôi, nói hoài, nói hoài, nói riết nghe phát chán phát ngán. Rằng nó muốn được một lần đứng trên sân khấu, người mặc kim bào lấp lánh, tay cầm phương kích hát tuồng Lã Bố hí Điêu Thuyền, một lần thôi, rồi chết cũng sướng lắm. Nhưng ai cho nó hát, dù nó có hát hay đi chăng nữa. Ông trời bất công, cho nó một khuôn mặt đẹp, một thân hình đẹp nhưng lại gắn trên một đôi chân cụt ngủn. Đằng ấy không để ý thấy ư, nó cao có mét năm à. Một dũng tướng như Lã Bố thì không thể cao một mét năm được... ».
Câu chuyện rơi vào im lặng. Gió biển vẫn thổi ù ù, nhưng bầu không khí sao mà nặng nề, ngột ngạt. Chung rượu lại quay vòng vòng. Được vài tua, thì có tiếng con gái gọi tên Phương từ cái chòi phía đằng kia. Phương đứng dậy, vỗ vai tôi: «Cậu em thành phố ở lại chơi. Tôi đi ngủ sớm! ». Danh, người chẳng nói tiếng nào từ đầu đến giờ, uống cạn chung nữa, đánh khà một tiếng, quệt mép: «Khổ cho thằng Phương, vợ con là dây cột tay cột chưn! Tôi chưa vợ đây, nhưng cũng kiếu xin về. Hôm nay tự nhiên mệt quá!». Danh lay Liêm dậy, dìu anh về phía căn chòi dưới kia. Liêm cười, nụ cười nửa tỉnh nửa mơ, đưa tay ngoắc tôi một cái rồi vật vờ mất hút trong đêm tối. Giờ đây, chỉ còn tôi và Quảng.
Tôi không biết nói gì, nên cứ mãi im lặng. Lát sau, Quảng lại lên tiếng, vẫn nói về Liêm, dường như dòng suy tưởng miên man về câu chuyện ban nãy vẫn chưa dứt trong đầu anh: «Đôi khi trên phố huyện người ta tổ chức thi hát, thằng Liêm nó muốn đi thi lắm, tôi biết. Nhưng lần lữa mãi, bao năm rồi mà nó chưa thực hiện được. Vì mặc cảm, nhưng không phải là chính. Cái chính là vì cuộc sống ở đây nghiệt lắm, đôi khi một cuộc sống dễ dàng quá cũng làm bào mòn con người ta. Đằng ấy đừng tưởng ở đây sống cực, không có đâu. Tuy có thiếu thốn, điện còn chưa về tới, nhưng tiền kiếm khá dễ. Trưa vác cào đi, mỗi ký nghêu cào được chủ bãi trả hai trăm đồng. Tụi tui kiếm khơi khơi ngày ba chục. Còn như thằng Phương, vợ con có rồi thì phải chăm hơn, ráng kiếm bốn chục. Kiếm tiền nhàn như thế, nên không còn muốn đi đâu nữa cả». Rồi giọng Quảng bỗng trở nên ngậm ngùi: «Thằng Liêm rồi sẽ chôn đời nó ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Cả tôi nữa, nhưng tôi thì không kể làm gì. Thằng Liêm có giọng ca đẹp quá mà... ».
Quảng đốt thuốc, rít một hơi dài. Tôi nhìn mông lung, bất giác trông thấy phía sau hàng dương, ở ngoài khơi, thành phố Vũng Tàu văn minh chợt hiện lên với những ánh đèn xanh đỏ lập lòe. Mà chao ôi, sao xa quá là xa, xa tít tắp, xa thăm thẳm, như cách nơi đây cả một vùng khói sương huyễn hoặc.
«Ở đây ngẫm ra cũng có nhiều cái buồn. Biển sâu cách mấy cũng chỉ tới đầu gối, vậy mà nó cứ níu mình chúi xuống, không ngóc mặt lên nổi. Tôi là dân xứ khác, ở đây cũng chỉ mới năm sáu năm, chứ thằng Phương, từ đời ba nó, nó, rồi còn thằng nhỏ chưa thôi nôi kia cứ thay phiên nhau úp mặt vô nước, dầm mình dưới nước mà cào nghêu. Ấy là tôi nghĩ thế thôi, chứ chưa chắc gì Phương nó nghĩ tới nổi. Vì tôi đã đi tứ xứ, sống cũng đã nhiều, còn nó, biết gì ngoài cuộc sống chật hẹp này? Cái thằng, mười chín tuổi, đã vợ, đã con, còn gì… »
Quảng cứ độc thoại miên man, như thể bao ẩn uất từ bấy đến nay được dịp tuôn trào. Rồi như sực tỉnh, anh ngưng bặt, cười xòa: «Thôi khuya rồi, ta về! Sáng mai nếu đằng ấy chưa nhổ trại thì ghé qua chơi chút nữa. Còn những lời ban nãy, coi như rượu nói, chớ không phải tôi nói, đừng để ý làm gì nghe!». Quảng kề miệng thổi phụp cây đèn dầu. Chút ánh sáng nhỏ nhoi cũng lịm nốt. Bóng đen như dày hơn, đặc hơn, tưởng chỉ cần đưa tay ra là có thể nắm được. Chợt có tiếng con nít khóc ré lên, vọng từ phía chòi của Phương. Tiếng khóc thằng nhỏ lập tức chìm hút trong đêm sâu thẳm.
Tôi thò tay vào túi quần, quờ quạng định móc cây đèn pin ra. Rất mơ hồ, tôi nghe đâu đây tiếng gọi huyền bí của biển.

Xem Tiếp: ----