Hoá ra đời người cũng lắm việc phải làm. Một vài hợp đồng làm ăn dang dở: vẽ kiểu nhà cho mấy vị trưởng giả học làm sang là một món ăn khó nuốt. Họ tự tin một cách ngớ ngẩn vào cái mớ kiến thức mỹ thuật hổ lốn của mình, bù lại họ rất giàu! Ðã thế, có người yêu nhỏ xinh cứ nằng nặng đòi đi du lịch ở Ðà Lạt một tuần. “Em thích thế”. “Em muốn thế”. Cô ấy cứ khăng khăng một mực. Tôi lừa dối em bằng đủ mọi lý do hợp lý trên đời: “Thời tiết chưa đẹp”; “Chờ đến mùa thu”; “Công việc còn nhiều”, và vân vân nữa. Tất nhiên, cái chính là vì tôi không có tiền để chiều em những sở thích đáng giá ấy. Em rất biết hờn. Em trừng phạt kẻ cứng đầu bằng cách mấy ngày liền không cho tôi đụng chạm đến người em.
Ðùng một cái, chị tôi ốm. Tội nghiệp em yêu, thế là tôi chẳng còn tâm trí nào để dỗ dành, vuốt ve cơn hờn của em. Tôi quên em, quên luôn cả mớ hợp đồng nọ. Chỉ còn chị Vân thôi.
Bệnh viện – tôi gọi là màu trắng. Thứ màu ít lời và nghiêm trang trong mọi thứ màu. Cô y tá trắng toát hất hàm cho tôi:
- Người nhà bệnh nhân Kiều Thanh Vân phải không?
- Dạ, phải!
- Thay đồ bệnh viện cho chị ấy.
Mệnh lệnh được truyền đi từ đôi môi xinh xinh của cô y tá, nghe cũng đỡ khó chịu.
Vân ốm, chị trở nên bé bỏng vô cùng. Tôi – thằng em trai hai mươi sáu tuổi, vừa đảm nhận sự điềm tĩnh của bố, nỗi lo âu của mẹ, và cả tâm trạng phấp phỏng của kẻ đang yêu... luôn luôn ở bên chị. Chăm sóc, vỗ về. An ủi. Tôi nhìn làn môi Vân phồng rộp và khô nẻ vì những cơn sốt hành hạ mà thương. Vầng trán chông chốc nhăn nhúm lại khổ sở. Hẳn chị đang phải chịu đựng trong cơn mê sảng những cơn ác mộng kinh hoàng.
Tôi ấp bàn tay lên trán Vân nóng rát. “Giá như có bàn tay của người đàn ông nào đó phủ nhẹ lên thân thể chị, truyền qua chị một nội lực yêu đương... hẳn chị sẽ khoẻ mạnh đến khó ngờ. Nhưng tôi biết tìm đâu con người có đôi tay nhạy cảm với thân thể của Vân...”
Vân nằm lọt thỏm giữa nệm giường màu trắng: nhỏ nhoi. Ðôi mắt chị nhắm nghiền và hơi thở nặng nhọc dồn qua ngực yếu ớt. Thân thể ốm đau của chị nằm bất động vẫn không tan đi vẻ yêu kiều mỏng manh – ba mươi hai tuổi, chị Vân vẫn trinh nguyên như xưa. Ít ra, trong ký ức của tôi, thằng con trai 14 tuổi...

°

° °

“Quê ngoại...Ðêm tháng bảy, nóng và oi. Ngọn gió Lào đã nhiều ngày lồng lộn và cuồng bạo, đêm nay bỗng im lìm, xoài trên ngọn bạch đàn ủ rũ. Mặt đất đang lên cơn sốt hầm hập, còn xóm làng như chết trong giấc ngủ mệt. Thi thoảng, ném vào không gian đôi ba tiếng chó sủa khô khốc, nghe càng thêm khó chịu. Có tiếng nước chảy róc rách, mát rượi như tuới dịu đi cái nồng bức của đêm hè. Chính âm thanh mát rượi đó đã đánh thức tôi choàng tỉnh khỏi cơn mê chập chờn trong bùng nhùng cái nóng. Tôi ghé mắt qua lỗ thủng bức phên nhà, nhòm ra. Ðúng là chị Vân đang tắm bên sân giếng đầu hồi. Tôi không thấy xấu hổ, không tội lỗi. Tâm thần tôi đã trở nên sáng tỏ khi khi niềm xúc cảm vô cùng chuyển thành sự chiêm ngưỡng thanh cao. Tôi thấy chị tôi rất đẹp. Ðẹp từ thân thể và cả linh hồn toát ra từ thân thể ấy. Ðôi chân trần của chị nuột nà, bờ vai tròn trịa... tạo những nét cong như gió thoảng. E lệ, dịu dàng. Vân nguyên sơ giữa đôi trăng vô biên vừa thực, vừa hư. Trời đất vẫn im bặt, như thể, chỉ một chút lá cây động khẽ là tất cả sẽ tan vào hư vô...”

... Rồi tôi lịm dần trong giấc mơ mềm mại, phảng phất chút hương ẩm ướt khi chị bước khẽ qua giường...
Hết hè, tôi đem theo cả những bí mật của Vân về thành phố. Một lần, tôi đang mải mê với lũ bạn thì nghe tếng gọi giật:
- Thắng, về ngay!
Tôi về, len lét nhìn gương mặt giận tái của mẹ là biết có chuyện chẳng lành. Mẹ chìa bức tranh ra trước mặt tôi, riết róng:
- Ðồ mất dạy! Tao cho mày ăn học tử tế để mày theo đòi cái lối rác rưởi, loã lồ tởm lợm hả thằng kia?
- Mẹ!
Tôi gào lên như man dại. Nhưng muộn mất rồi, vì mẹ tôi đã kịp xé vụn bức tranh trong cơn giận dữ mà không đợi một lời thanh minh nào cả. Nước mắt tôi chảy, và lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ghét mẹ. Mẹ tôi – người đàn bà ít nói, nhà mô phạm nghiêm khắc và lạnh lùng với nghệ thuật. Mẹ tôi không biết rằng người nữ trong bức tranh ấy chính là con gái của bà, hiện lên từ kỷ niệm bí mật của đêm trăng quê ngoại.
“... Thuở ấy tôi tôn thờ thứ nghệ thuật huyền diệu. Và, tôi yêu say đắm màu vàng – màu của sự thiêng liêng và ngưỡng vọng cao cả. Màu của trăng. Của trái chín. Và của rơm rạ ngày mùa. Bức tranh về một người nữ hoang sơ nằm e ấp trên những cọng rơm và lá trong vườn. Trên gương mặt Nàng, lóng lánh những giọt trăng như thực, như mơ hồ, giả tạo... Tất cả là một vẻ đẹp chưa viên mãn, đau đáu trên chồi vú ngập ngừng của Nàng...”
Tôi yêu bức tranh ấy, nhưng nàng tan biến mất rồi. Mẹ tôi thì cuồng nộ. Còn Vân, chị ngơ ngác đến tội nghiệp. Khi chỉ còn hai mẹ con trong buồng, chị khẽ khàng nói:
- Không sao đâu mẹ ạ, lắm lúc chẳng mặc gì trên người con lại thấy đẹp...
- Câm ngay! Tao tát vỡ mồm bây giờ – Mẹ tôi đay nghiến và hoảng sợ; Vân lủi mất tăm như một con chuột nhắt. Còn tôi áp mặt xuống gối, khóc vĩnh biệt Nàng.
Ðêm, mẹ tôi thức rất khuya. Bà thắp hương lên bàn thờ ba tôi rồi lầm bầm khấn “Ông sống khôn, thác thiêng! Ông về phù hộ cứu vớt hai đứa con ông...”
Ba năm sau, mẹ tôi đột ngột chết. Vân khóc lịm và tím ngắt như thể chỉ riêng chị là biết thương người vừa khuất. Chị nghẹn ngào, áp đầu tôi vào ngực:
- Thắng của chị, chị sẽ thương và yêu em... như mẹ.
Từ đấy, tôi ôm trong lòng một nỗi buồn trĩu nặng, mơ hồ hiểu rằng tôi chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi được gia đình cưu mang...
Vân khỏi bệnh, nhưng vẫn xanh xao nên cảm giác mong manh càng rõ rrệt. Chị lại say mê với chồng giáo án của mình và lũ học sinh nghịch như giặc.
Tôi tiếp tục lao vào cuộc sống hiện đại, hút hồn với những phi vụ làm ăn kinh tế. Gần như tôi quên Vân. Ðêm đêm, sau khi rời lũ bạn bè phóng túng. Rời bỏ một bàn đầy vỏ bia, tàn thuốc, vệt son nhem nhuốc và những chuỗi cười phù du, tôi về với chị. Như con chó sau một ngày rong ruổi đi tìm chốn ngủ.
Khuya, chị vẫn thức. Mùi ngai ngái thơm nồng của ngải cứu thoảng ra từ mái tóc chị buông dài như lụa. “Da chị ấy còn xanh quá... làn môi đầy đặn kia chưa bao giờ nói tục, dù chỉ lỡ lời. Loan khác, em yêu của tôi chửi bậy như hoạ mi hót”. Tôi nằm lười biếng trên giường, nhìn chị và thầm thì nói:
- Chị Vân này, phải đời lên một tý chứ. Bà cứ trong ngần như thế, chán bỏ mẹ, em nói thật đấy... mà bọn đàn ông nó thấy chị thiêng liêng quá... cũng khiếp. Ðời chứ có phải cõi niết bàn của Phật quái đâu.
- Cậu nói năng gì hay thế?
Giọng Vân trách móc mà vẫn dịu dàng đến khó chịu. Tôi chợt thấy ân hận vì trót lỡ lời.
Ngoài lan can, hoa quỳnh đang nở. Tôi biết thế dù mùi hương của nó rất khẽ. Dáng Vân nghiêng nghiêng bên cửa.
Dưới đường, vọng lên những âm thanh của cuộc sống đêm hôm.

°

° °

Vân đã vắng nhà mấy hôm nay. Tôi ngóng chị như ngóng mẹ về chợ. Chưa bao giờ Vân xa nhà lâu như thế. Tôi nhớ chị, chật cả một ngày suy nghĩ.

“Ðồng Châu ngày...
Biển thì bao giờ cũng đẹp, nhưng chứa đầy bên trong cả sự đe doạ, nguy cơ và thâm hiểm. Vậy mà sao mình vẫn yêu biển cả!... Thắng của chị, giờ này đã ăn tối chưa?
“Ngày...
Thời gian cứ mất dần đi, thế mà hạnh phúc vẫn chưa thể tìm thấy. Những sáng, những chiều đi trên phố, mình cứ ngong ngóng chờ những ánh mắt ngưỡng mộ... rồi thưa dần trong đám khách bộ hành. Dẫu chỉ là chút tình hờ, sao vẫn khó?”.
“Ngày...
Anh bỗng khó hiểu như một kẻ vô lương chạy trốn. Em bàng hoàng đau khổ. Anh đến, đôi mắt trầm tư, giọng buồn và nói: “Vân! Anh yêu em. Nhưng anh chỉ là một thằng đàn ông phàm tục. Anh sợ...sợ em ghê tởm, căm ghét anh... mà em lại quá trong trắng và ngây thơ”. Rồi anh quay đi, khó hiểu. Em muốn chồm tới anh, lao tới áp ngực anh. Em muốn hét lên: “Ðừng! Ðừng bỏ em! Em yêu anh!”. Em muốn hét lên thật to, nhưng lòng kiêu hãnh ngu xuẩn trong em trỗi dậy... và mãi mãi em đau khổ trong im lặng...”
Những giọt nước mắt trong veo làm nhoè trang nhật ký. Tôi đếm, đếm mãi, đếm mãi mà không hết. Vân của tôi đã khóc vì một gã đàn ông. Bất giác tôi nguyền rủa “Thằng cha đúng là một con bò đực”.
Tôi chợt nghĩ. Chợt buồn. Và chợt nhớ: Tối nay Loan hẹn đến đón em đi tân trang sắc đẹp – mái tóc tây phi và những chiếc móng rất được cưng chiều.
- Em ơi! Bao giờ cho hết khổ? – Tôi hằn học nghĩ.
“Tình yêu là những thiên thần có cánh và những đam mê bò lổm ngổm như sên”. – Một thằng bạn thạo đời đã dạy tôi như thế. Với tôi, tình yêu là Thanh Vân bên này, và bên kia – Loan!
Cuối thu năm ấy, Vân lấy chồng.
Hạnh phúc là hai kẻ đang đắm đuối Vân, và Thắng – chồng của chị ấy cũng tên là Thắng.
Loan thì đắc thắng ra mặt. Có một thứ đàn bà lòng đầy đố kỵ, loại trừ nhau giữa mẹ chồng, nàng dâu, để dành giật chút tình cảm của gã đàn ông nào đó. Loan thuộc loại này.
Tôi không hiểu là mình buồn hay vui. Món quà kỷ niệm chị Vân trong ngày cưới là bức tranh tôi mới vẽ.
- Ôi! Một thiên thần, chỉ tội không có cánh – Vân reo lên.
- Không phải đâu, chị đấy! – Tôi đính chính.
- Chị! – Vân ngỡ ngàng. – Chị mà thế này?
Vân đỏ mặt, giọng đầy trách móc và buồn. Tôi hoàn toàn lúng túng. Chị giận tôi... gương mặt, làn tóc, dáng người kia... sao tôi lại vẽ lên một hình hài đồng ấu ngây thơ? Sao không phải là thân thể người nữ như chị tôi đang đứng trước mặt? Tôi không tin vào chính bản thân mình nữa. Tôi đã cùn mòn trước nghệ thuật hay là một sự mẫn cảm nào đó đưa đẩy? Tôi không biết nữa.
- Em xin lỗi chị – Ðó là lời cuối cùng tôi nói với Vân trong ngày cưới chị.
Từ ngày chị Vân đi lấy chồng, cuộc sống của tôi bị đảo lộn và trở nên cẩu thả. Sự đắc thắng của Loan kéo dài không được bao lâu. Một trong hai vế của định nghĩa kia đã mất. Loan không đủ sức thay thế cho cả hai vế ấy. Ðừng đòi hỏi em quá nhiều. Hôm chia tay em khóc lã chã mà không sợ nhoè mặt phấn. Tôi an ủi em.
- Em xinh đẹp, rồi em sẽ tìm được một thằng khác khá hơn anh cho mà xem.
Sau hôm đó, lương tâm tôi thanh thản vì không lừa dối, nhưng còn biết đau khổ. Câu chuyện về con chim quạt lửa: càng hối hả càng lụi tắt. Còn kẻ đã trót ăn mặn: càng uống, càng khát. Tôi lao vào cuộc yêu đương bạo liệt và chóng vánh để không bao giờ tìm được sự cân bằng cho hai vế của cái định nghĩa ma ám kia.
Họ hạnh phúc vì họ lấy nhau khi đã chót yêu nhau cuống quýt. Tôi không được may mắn như thế – tôi chỉ có những cuộc tình. Nhưng ai mà chẳng phải có cho mình một cuộc sống yêu đương, dầu thế nào bất kể: thanh cao hay nhem nhuốc; sạch sẽ hay trần trụi... Tôi dự định sẽ cưới vợ vào cuối năm. Vị hôn thê của tôi rất xinh đẹp. Em có học hơn Loan và hiện đại hơn Vân rất nhiều.
Chiều này, em mặc chiếc áo hoa rực rỡ đến nhức mắt. Em nhún nhảy như mèo trên chiếc đi văng của tôi. Em líu lo như sáo:
- Chúng ta sẽ xây một cái nhà riêng anh ạ, kiểu thì anh tự vẽ lấy. Tây một trăm phần trăm đấy nhé... Ðại loại theo kiểu Gotic hay Tahoma gì gì đó... Những căn buồng bóng lộn, đèn chùm, tủ ly... Tụi bạn gái em đến vỡ mặt vì ghen tị...
Lấy đếch đâu ra tiền mà bở thế – Tôi cay cú nghĩ nhưng ôn tồn hỏi em:
- Em thử nghĩ đến một cái gì khác xem nào?
- Gì khác? – Em dẩu đôi môi xinh đẹp đai lại.
- Tỷ dụ, đặt một chậu hoa ở đâu đó?
- Dào! – Nàng cong cớn – lãng mạn nhà quê. Em thích hưởng thụ cái phần đời đang ngọ nguậy dưới chân đây này (nàng di mạnh gót giày nhọn xuống sàn nhà). Chim với hoa... thứ ấy xưa rồi, rởm bỏ mẹ, phát ớn lên được...
- Nhưng tôi là thằng không có tiền! – Tôi nhớ là mình đã gào lên như thế rồi bỏ đi không phải chứng kiến những giọt nước mắt đáng giá của em.
Tôi dồn mấy hồi chuông rồi chờ đợi. Người ra mở cửa lại là Thắng – chồng Vân chứ không phải là chị.
- Vân lên lớp chưa về – ông anh rể giải thích.
- Vâng, em chờ.
Hôm nay, mình gặp toàn chuyện ôi người, còn lão anh rể lại đang sắm một bộ mặt thoả thuê vì hạnh phúc, trông đến khó chịu. Hai gã đàn ông tên Thắng: tôi và anh rể tôi, đành cùng nhau diễn một màn kịch ngắn ngắn để đợi Vân về. Thắng say sưa bàn về những phái thơ hiện đại trên thế giới. Tôi khó nhọc đánh vật với các loại thuật ngữ sang trọng và khái niệm mà anh rất ưa dùng. Khi đã chuyển sang bình một bài thơ mà anh ấy cho là rất hay, tôi lại lo lắng vì sợ anh biết rằng tôi hoàn toàn mù mịt.
Thơ thẩn bây giờ sao mà lắm! Phát dị ứng vì các loại thơ dởm, cứ lăn lông lốc và bóng lọng ở khắp nơi như nhũng sọt cà chua giống Nhật Bản ngoài chợ vậy. Tôi cau có nghĩ và đưa mắt nhìn quanh cho đỡ chán. Bắt đầu là bức chân dung thi sĩ Puskin... chiếc đồng hồ điện tử... tấm rèm cửa nhẹ nhõm... ông anh rể vẫn say sưa nói.
... Cuối cùng là giường ngủ của Vân – đúng hơn là của vợ chồng Vân? Mình còn nhớ trước đây khi ngủ chị Vân thường ôm trong tay một chiếc gối tròn. Không hiểu bây giờ thì sao? Tôi tự trách mình hay tò mò vô lối.
... Ðệm trắng, gối trắng, chăn... chị ấy bao giờ cũng thiên về sự nhã nhặn. Chính vì thế mà cái của nợ ấy càng dễ đập vào mắt tôi dù nó bị vò nhàu nhĩ ở mép cuối giường. Máu nóng bốc lên mặt tôi như xát ớt, còn đối diện, diễn giả vẫn chưa ngừng lời.
- Tôi muốn biết anh vừa tiếp ai trong căn phòng này?
Một cái nhíu mày tỏ ý khó hiểu, khiến tôi điên lên. Tôi bước tới nhặt cái vật càn rỡ ấy giơ lên trong một tư thế đểu cáng:
- Hình như đây là cái áo con của đàn bà thì phải – Tôi cười khẩy – Nhưng anh đừng bảo nó là của Vân. Chị ấy không bao giờ dùng cái thứ càn rỡ và đắt tiền như thế này đâu? Vậy nó là của ai?
Mặt anh ta tái mét, còn tôi thì càng lồng lộn:
- Vân ngây thơ, còn tôi thì anh không lừa bịp được. Tôi quá quen với các loại đàn bà và cái hạng thích vung vãi đồ lót ở khắp nơi thì không thiếu.
Ông anh rể như vừa xơi một cú đấm quá mạnh, đầu cúi gục, rũ rượi trong khi tôi vẫn tiếp tục kết tội:
- Anh khá lắm! Ôm một con điếm trên giường của Vân mà còn sợ cả ánh mắt của chị ấy từ bức ảnh chân dung... nên anh gỡ từ trên tường xuống nhét vào gầm bàn. Chà, anh thanh cao quá! Thanh cao cả trong việc làm bẩn thỉu nhất... Con điếm ấy là ai? – Tôi gằn giọng.
- Ðừng nói thế... Cô ấy là sinh viên.
Anh ta chống cự yếu ớt. Tôi cười sặc sụa:
- Sinh viên à? Thế anh tưởng sinh viên không có người làm điếm?
- Cậu cứ cười, Thắng ạ... Nhưng đúng cô ấy là sinh viên... cô ấy không là điếm... những gì đã xảy ra là điều tôi quá bất ngờ. Cô ấy yêu thơ tôi và ngưỡng mộ tôi. Chuyện ấy đã lâu rồi. Có lần, cô ấy nói với tôi thế này: Anh là người sản xuất thơ chất lượng đấy, hệt như một người đàn bà mắn đẻ!.
- Thiên thần quá nhỉ? – Tôi mỉa mai.
-... Dẫu sao, cô ấy cũng là một cô gái hồn nhiên thật lòng và thẳng thắn. Không hiểu từ đâu ra, cô ta biết được địa chỉ và chiều nay tìm đến. Tôi ngỡ ngàng chưa kịp hiểu thì cô ấy đã chồm tới ghì riết đầu tôi vào ngực. Cô ấy cuồng nhiệt và mạnh mẽ đến khủng khiếp. Tôi trở thành kẻ hoàn toàn bị động, anh là đàn ông, chắc anh hiểu... Lúc cài khuy áo, tôi cũng không để ý rằng cô ấy chưa mang đồ lót... Tôi bắt đầu hoảng sợ, còn cô ấy thì trấn an hỏi tôi: Anh sẽ nhớ lại cuộc tình ngắn ngủi này trong một bài thơ nào đó!.
- Anh thật tởm! – Tôi hạ giọng.
- Cậu cứ nguyền rủa tôi vì tình yêu chị gái. Nhưng cậu có biết tình yêu của tôi dành cho Vân còn đau đớn hơn thế rất nhiều...
Một luồng gió đưa lên từ mặt hồ. Dường như nó giúp cho kẻ tử tội lấy lại can đảm trước khi bị hành quyết. Ông anh rể của tôi bình tĩnh dần. Anh ta nói mạch lạc không còn những chỗ thắt nút tối nghĩa và khó hiểu.
-...Tôi yêu Vân ngay từ lần gặp đầu. Vân mang một gương mặt trong trắng và nhẫn nhục như đức mẹ đồng trinh. Có người đàn ông nào lại không tin rằng được yêu Vân là một hạnh phúc! Và thế là chúng tôi cưới nhau. Ðêm tân hôn, Vân không chống cự nhưng không hề mong muốn được hiến dâng. Vân chịu đựng tôi miễn cưỡng. Tôi cảm nhận được điều đó vì toàn thân em cứng đờ và vô cảm. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì thèm khát em. Tôi thức và ngồi lặng yên ngắm em ngủ – yên lành và vô tư như giấc ngủ trẻ thơ. Tôi cứ chờ đợi đến mệt rã, mong một lần em chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya. Em cảm động và sung sướng thấy tôi thức bên em. Em sẽ ban phát cho tôi những khoảnh khắc đến bàng hoàng của yêu đương. Nhưng không, em vẫn ngủ yên lành. Em hành hạ tôi bằng giấc ngủ ngây thơ của em. Có lúc tôi căm thù em vì biết rằng tôi yêu em quá... Cậu hãy hiểu cho, tôi không thể là kẻ cưỡng bức ngay trong nhà mình, trên giường cưới của mình. Nhưng chạy trốn tội lỗi này, tôi lại rơi vào tội lỗi khác. Cậu có hiểu tâm trạng của một kẻ biết mình khốn nạn và vẫn tiếp tục khốn nạn... Chỉ vì yêu? Người ta khao khát vươn tới sự thanh cao thuần khiết, nhưng để hoà hợp được với nó là một cuộc phẫu thuật đau đớn và khó thành công...
Thắng nói nhiều, nhưng tôi chỉ nghe loáng thoáng. Bây giờ đến lượt tôi: toàn thân rũ xuống và bất lực. Tất cả các cơ bắp đều nhũn ra, nhão nhoét toàn bộ sinh lực của một cơ thể giống đực, tôi đã trút hết thành nỗi đau tột cùng.
Phố. Với những dòng người như vô định. Trong những dòng người như vô định kia, có bà nào, cô nào thường vung vãi những chiếc nịt ngực ở khắp nơi? Và ai đã bỏ quên nó ở trên đầu giường ngủ của Vân.
Lần thứ hai tôi khóc vì chị. Lần đầu, khi bức tranh huyền diệu bị vỡ vụn và bấy giờ khi toà tuyên án – hình như Vân là nạn nhân của tội lỗi, hay ngược lại thì phải: chị là thủ phạm gây nên điều tội lỗi này – Tội lỗi của những thằng đàn ông?
Có lẽ tất cả chỉ là cơn ác mộng. Giờ này Vân đã về chưa nhỉ? Ðằng tây ráng chiều đỏ ối, báo hiệu một cơn giông.

Xem Tiếp: ----