Lời nói đầu
Lời nói đầu
trong bản dịch Quê nội sang tiếng Pháp
của Alice Kahn

 Tiểu sử tác giả
Tên khai sinh: Võ Quảng, sinh ngày 1.3.1920. Quê ở Đại Hòa huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hiện nghỉ hưu ở Hà Nội. Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trình độ Đại học. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1965).
° Võ Quảng tham gia cách mạng từ năm 1935, chính thức gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế. năm 1939 làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế. Tháng 9 năm 1941 bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau đó bị đưa đi quản thúc vô thời hạn ở xã Đại Hòa. Năm 1945 làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng. Sau đó làm Phó Chủ tịch UB Kháng chiến hành chính Đà Nẵng. Năm 1947 làm Hội thẩm chính trị (tức là Phó Chánh án) tòa án quân sự miền Nam Việt Nam. Từ 1948 đến 1955 làm ủy viên Ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương, đồng thời lần lượt phụ trách Nhà xuất bản Kim Đồng và xưởng phim hoạt hình. Năm 1971 về Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Văn học thiếu nhi.
° Tác phẩm đã xuất bản:
Cái Thăng (truyện, 1961);
Chỗ cây đa làng (1964);
Cái Mai (1967);
Những chiếc áo ấm (truyện, 1970);
Quê nội, Tảng sáng (truyện, 1973);
 Bài học tốt (truyện, 1975);
Vượn hú (truyện, 1993);
 kinh tuyến vĩ tuyến (truyện, 1995);
 Gà mái hoa (thơ, 1957);
Thấy cái hoa nở (thơ, 1962);
Nắng sớm (thơ, 1965);
Anh Đom đóm (thơ, 1970);
 Măng tre (thơ, 1972);
Quả đỏ (thơ, 1980);
 ánh nắng sớm (thơ, 1993);
Sơn tinh thủy tinh,
Con 2 (kịch bản phim hoạt hình).
 Ngoài ra còn một số biên soạn viết bằng tiếng Pháp.
Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội của Võ Quảng người ta bảo tôi: Đây là một loại Tôm Xoyơ của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích tác phẩm Tôm Xoyơ. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn.
Võ Quảng đã đặt câu chuyện xảy ra tại chính quê hương mình, ấy là làng Hoà Phước, tỉnh Quảng Nam, một tỉnh nằm giữa nước Việt Nam. Ở đây các sự kiện nhỏ đặt liền nhau, khăng khít nhau tạo nên câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu sau Cách mạng tháng Tám, sau ngày lễ tuyên bố độc lập của nước Việt Nam năm 1945, một thời kì mà mãi đến nay vẫn còn để lại dấu tích trong nền văn học Việt Nam.
Tác phẩm phản ánh tâm trạng phấn khởi có phần hơi ngây thơ của dân làng, lòng tin tưởng kì diệu của họ vào tương lai đất nước. Tôi đã có dịp hỏi vài người từng sống trong thời kì ấy, khi họ còn trẻ. Ở họ đều còn đọng lại một niềm thương nhớ thắm thiết.
Bạn đọc người Pháp có thể tìm thấy gì qua các hình tượng ở đây? Có thể ở một số người sau bốn mươi năm, những nỗi đau xót nảy sinh từ cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa xoá hết được. Trong truyện, người Pháp hiện diện như kẻ áp bức, như những kẻ thù. Tác giả không nhào nặn lại lịch sử, nhưng ở đây trong mọi thể hiện đều có mức độ. Có một tí gì mỉa mai nhẹ nhàng và thân ái trong khi tác giả nhắc lại bài diễn thuyết có phần khoa trương của một cán bộ cơ sở. Nhưng chúng ta không thể nào nhầm, vì đây không phải là những lời trống rỗng. Chú Năm Mùi không hề thủ đoạn, không đầu cơ chính trị. Chú đấu tranh cho cách mạng, chú hiểu rõ bà con trong làng xóm của mình. Những lời nói của chú không phải là những câu châm ngôn sách vở, chú cũng không phải là kẻ khoe khoang. Trái lại, trong nhiều trường hợp chú tỏ ra biết nhiều kinh nghiệm, có những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người. Ngoài ra chú không phải không biết hóm hỉnh.
Ở Việt Nam, Võ Quảng được công nhận là một trong những nhà văn ưu tú viết cho thiếu nhi. Mặc dù sự khan hiếm về giấy đã hạn chế gay gắt số lượng bản in, tác phẩm của Võ Quảng được tái bản nhiều lần và nhanh chóng được tiêu thụ.
Trước kia trong thời kì thực dân Pháp đô hộ, ông hoạt động cách mạng chống Pháp. Năm 1941 ông bị thực dân Pháp bắt giam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông phụ trách chính quyền Đà Nẵng, phụ trách việc xét xử ở các toà án miền Trung. Từ năm 1957, ông chăm lo công việc giáo dục thiếu nhi bằng các phương tiện văn học nghệ thuật.
Sự đồng cảm về ngôn ngữ có phần hạn chế nhưng bản dịch ít nhiều cũng gợi lên được phong cảnh, những công việc làm ăn hàng ngày ở một vùng quê Việt Nam. Chúng ta hi vọng tài năng của tác giả trong việc sáng tạo những hình tượng văn học, trong việc tạo ra sự sống động của các nhân vật. Không phải không được cảm nhận ở đây. Làm sao người ta có thể quên được quang cảnh những ngọn đèn trôi dọc bờ rào của những người đi học lớp xoá nạn mù chữ trong đêm tối, quên được những con gà trống ở Hoà Phước, con trâu Bỉnh bước giữa ngàn sao, quên bà Hiến… Chúng ta hi vọng tính chất kín đáo rất mực tinh vi của những tình cảm bộc lộ trong câu văn được truyền qua bạn đọc. Chú Hai Quân bị lí trưởng đánh đòn buộc phải bỏ làng ra đi. Trước khi đi chú sửa lại tao nôi của đứa bé gái con chú. Những lời từ biệt của Cục và Cù lao được thể hiện qua tiếng hát của các cô lái đò xuôi Hội An. Lần chia tay thứ hai trái lại là một sự rứt ra đột ngột vào lúc bến đò Hoà Phước nhốn nháo giữa chiến tranh. Và câu chuyện của Cục và Cù Lao cũng kết thúc ở đấy.
Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên trước bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam. Chẳng hạn sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỉ đã từng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian.
Về phần tôi, tôi mong muốn trước hết được Cục và Cù Lao đưa lại cho chúng ta một sự hiểu biết nhiều hơn về một nước Việt Nam hầu như còn xa lạ đối với người Pháp.

1987