Phần I
Tưởng nhớ Văn Cao

Chuyến tàu hoả Hà Nội xuôi Hải Phòng sáng hôm ấy mãi chín giờ mới chạy. Văn không ra ga Hàng Cỏ. Văn nhảy xe điện lên đầu phố Hàng Than rồi cuốc bộ ra ga Đầu Cầu. Văn mặc áo dài trắng, quần trắng, đi giày ba-ta trắng và cả cái mũ kiểu thầu khoán dày cộp cũng quét phấn trắng. Nhưng cái mầu trắng đã xuống nước, nhuôm nhuốm màu cháo lòng vì bụi bặm thời gian và vì lâu ngày chưa được thay giặt. Khuôn mặt Văn võ vàng, da tái mét, râu ria lởm chởm. Văn soi gương thấy khuôn mặt mình khá hợp thời, khuôn mặt của anh chàng nghiện oặt đang đói thuốc và đói ăn. Một anh hương sư nghèo hèn ở xó quê nào đó.
Lúc đó là mùa hạ năm 1945, nạn đói vừa qua đi để lại dấu vết khủng khiếp của cuộc tàn phá dữ dội trên các xóm làng vắng vẻ và xơ xác. Cây cối bị chặt trụi, loại cây ăn được thì bị đào bới tận củ, tận rễ, loại khác bị tróc đi để bán, chục cây tre mới đổi được bơ cám. Mọi thứ rau cỏ cũng bị vặt sạch, nhà cửa cũng đã dỡ ra làm củi bán hoặc đốt lên để sưỏi qua trận rét... Và trên cánh đồng, ven đường, chỗ nào cũng mọc lên những ngôi mả lùm lùm đất mới chưa xanh cỏ, có ngôi mả rộng to bằng cả gian nhà, dưới đó nằm mấy chục xác chết.
Nạn đói đã qua nhưng con tàu dường như chưa được hồi sức. Nó hồng hộc, phì phò lết đi trên đường sắt. Hành khách càng vắng. Toa của Văn ngồi là toa hạng ba, bẩn thỉu và đen ngòm bụi than. Mấy người đàn bà nhà quê rách rưới ngồi bẹt xuống sàn tàu, quang gánh thúng mủng xếp bên cạnh. Trên cái ghế dài, một người đang nằm chẳng rõ đàn ông hay đàn bà mặt mũi phù thũng húp híp và cả hai ống chân cũng phù nề xanh bóng những nước.
- Chết chết! - Một người đàn bà bỗng thốt lên khi nhìn ra cảnh đồng - Tôi chưa bao giờ thấy lúa chiêm tốt như năm nay. Lúa chín rục xuống mà chẳng có người gặt. Chết vãn cả rồi còn gì, lấy đâu ra người ở vùng tôi, chẳng ai dám bước chân xuống ruộng hễ xuống là giẵm phải xưong người...
- Ở làng tôi cũng vậy. Lại khổ nỗi, qua đận chết đói giờ đến chết no. Nhịn đói lâu ngày nên ruột mình nó mỏng như tờ giấy bản thấm nước. Cái giống gạo chiêm vừa rắn vừa lắm nhựa ăn vào ruột bục ra từng khúc. Chưa nuốt trôi bát cơm đã lăn ra chết. Khổ thế!
- Còn là chết, bà ơi! Chết đói, chết no giờ lại chết bệnh nữa... Làng tôi đang có bệnh tả... Chết mấy chục người rồi, có nhà chết tất, vợ chồng con cái chết tất tật...
- “Mười phần chết bảy còn ba... Đến khi vua ra chết hai còn một”. Sấm đã nói thế còn gì.
Những người đàn bà im lặng, nheo nheo nhìn ra ngoài nắng. Văn nhắm mắt lại, anh không muốn nghe, muốn nhìn gì hết. Những vẻ kinh hoàng còn hằn trên gương mặt họ, những câu chuyện càng nghe càng khủng khiếp... Tất cả gợi lại cho Văn những cảnh dữ dội của vụ đói vừa qua. Những xác người khô đét như cành củi rong chất đống trên các bãi chợ. Chiếc xe bò chở xác, những cẳng chân, cẳng tay lắt lẻo thò ra ngoài, chới với, chới với... Một con người hấp hối, cái chết đang đến, đôi tròng mắt trũng xuống không còn đồng tử bị kiến bâu đen ngòm chỉ có đôi chân run lên bần bật khi Văn đi qua...
Chết, cái chết vẫn chưa buông tha mình. Nó đang chờn vờn quanh đây trong câu chuyện của mấy người đàn bà, trong tiếng thở rít lên của người đang nằm trên ghế gỗ, như thiếu hơi, người đó vươn cổ ra để đớp không khí, thứ không khí đặc quánh những bụi than và oi nồng.
Trưa nắng loá, con tàu ì ạch bò trên đường ray. Gió thổi không át được mùi thối khẳn từ đâu đó bốc lên. Văn úp mũ lên mũi, nhìn ra ngoài. Cánh đồng lúa hai bên đường vàng rực dưới nắng và những bông lúa chĩu nặng gục xuống, đan vào nhau trong cái thảm đậm đặc dài tít vào tận chân tre. Một đàn sẻ đổng bị tiếng còi tàu đánh động từ trong bụi lúa bay lên rào rào...
Nạn đói đã đi qua như cơn ác mộng và chính Văn cũng suýt nữa là con mồi của nó nếu như Văn không sớm chạy lên Hà Nội, sống bám vào mấy thằng bạn củng cảnh, ăn rình mỗi đứa một bát, khi cháo, khi khoai... Chưa bao giờ kẻ thù đánh vào dân tộc mình cú đòn hiểm như vậy. Chúng nó dồn ta vào sát chân tường rồi, chỉ còn một con đường là tự cứu lấy mình, cứu lấy giống nòi mình...
Xình xịch xình xịch... Con tàu hổn hển, nặng nhọc bò như bị quá sức... Xình xịch xình xịch, tiếng kêu buồn bã, đều đều... Xình xịch loảng xoảng... âm thanh ấy khiến Văn buồn ngủ quá. Đã mấy đêm liền thiếu ngủ rồi..
Tàu dừng lại ở ga Dụ Nghĩa thì Văn xuống. Văn ôm chiếc cặp da cà khổ đi men theo con đường sắt và rẽ vào nhà của Phúc. Chỉ có vợ Phúc đang ngồi nhặt rau và hai đứa con nhỏ đang chơi đùa trên chiếc chiếu rách trải giữa nhà. Ông ký ga chắc đang bận ở sân ga với chuyến tàu vừa tới...
Vợ Phúc ngẩng lên, vội xoa hai bàn tay vào nhau đứng dậy:
- Kìa bác, bác vừa về, bác không gặp nhà em ở ngoài ga?
- Tôi có trông thấy anh ấy nhưng không gọi anh ấy đang mải việc. Tôi xin chị cái xe đạp, tôi phải đi ngay mới kịp...
- Bác ở lại xơi cơm với nhà em. Ăn xong bác xuôi về Phòng kịp chán. Hôm nay có giăng.
Văn vội xua tay:
- Thôi xin phép chị, để khi khác. Tôi phải xuống ngay Quán Toan có chút việc rồi quay về chuyến tàu tối cho kịp...
Văn vừa dắt xe ra khỏi nhà thì gặp Phúc. Ông ký ga xép mắt mũi còn toét nhoèn của người vừa ngủ dậy, chắc đêm qua Phúc lại mò ra đám cô đầu ngoài phố. Hàm răng phô của Phúc càng thêm nhô ra, cái cằm đầy râu và tay Phúc phe phẩy cây cờ đỏ quấn tròn như chiếc dùi cui của đội xếp.
- Mày vừa trên tàu xuống hả, Văn? Sao tao không nhìn thấy nhỉ? Đi ngay à?
Văn gật đầu:
- Tao phải đi ngay. Mày có đồng nào trong túi, cho tao vài đồng..
Phúc lộn túi, móc ra đưa cho Văn ba tờ giấy bạc một đồng nhàu nát.
- Méc-xi(1)... Thôi tao đi đây, vài hôm nữa tao quay về, có thể vào chỗ mày nếu không có chuyện gì ô-rơ-voa(2).
Hai người bắt tay nhau. Văn nhắc chiếc xe qua đường sắt để sang đường quốc lộ số 5, con đường xanh biêng biếc...
Đến đây là hết địa phận của Hải Dương, bên kia là đất Kiến An rồi. Văn tháo chiếc dây lưng, gài cặp da vào khung xe đạp, buộc cẩn thận. Chiếc xe đạp cũ kỹ, cao lênh khênh, vành 700, ghi-đông ca-rê và chẳng có chuông, phanh, chẳng có chắn bùn, chắn xích nom thiểu não như chủ nhân của nó.
Văn chậm chạp móc trong túi ra chiếc cặp sắt, cặp chặt ống quần bên trái, xong vén tà áo phía sau, gài vào gọn ghẽ trong cạp quần. Anh sửa lại mũ, đội sụp xuống trán, lấy cặp kính trắng noóc-man(3) đeo lên mắt. Văn làm từng ấy công việc một cách từ tốn, mắt liếc nhìn chung quanh coi chừng.
Con tàu đã bỏ lại bên ga lẻ vài ba hành khách rồi tiếp tục chạy về Hải Phòng. Cảnh vật hoang vắng và đìu hiu, chẳng có ai thèm để ý tới anh chàng có vẻ là ông giáo nhà quê như Văn...
Văn đạp xe thong thả, đầu óc nghiền ngẫm về cái kế hoạch đã được sơ bộ bàn bạc với anh em trên Hà Nội. Gọi là kế hoạch cho có vẻ, thật ra nó chỉ vẻn vẹn có câu nói của Khang truyền đạt lại ý kiến của thành uỷ: phải khử cho bằng được tên chó săn ấy. Vậy thôi và Văn ra đi Hải Phòng, cái thành phố cảng ấy có cái gì hấp dẫn Văn? Nó đang kêu gọi Văn?
Cách đây hai tháng Văn đã xuống Hải Phòng cùng với Đạo thường gọi là Đạo “đen” vì nước da miền biển của anh. Chuyến đi ấy theo kế hoạch đã được thống nhất với anh em dưới Hải phòng.
Hôm ấy, Văn xách cái hộp đàn viôlông, còn Đạo thì cắp cặp. Bên trong cái hộp đàn của Văn chứa đầy những truyền đơn và cờ Việt Minh cùng với những khẩu hiệu kẻ tay: “Đả đảo phát xít Nhật, ủng hộ Việt Minh”. Anh em dưới Hải Phòng đã hẹn trước họ sẽ đón hai người ở ga An Dương vào chuyến tàu tối.
Tàu đến ga lúc 9 giờ khuya. Trời còn rét, phố xá im lìm trong những cơn gió lạnh và không khí chết chóc của nạn đói còn bao trùm lên thành phố.
Hai người đứng chờ trước cửa ga An Dương đến gần tiếng đồng hồ chẳng có ma nào ra đón.
- Làm thế nào bây giờ, Đạo? Tao đói quá...
Đạo đứng sững, đăm đăm nhìn suốt dọc con đường Cát Dài âm u:
- Chẳng lẽ chúng nó không ra? Các bố trẻ làm ăn như thế thì chết cha con nhà người ta!
- Chắc có chuyện gì rồi? Hay là chúng nó bị túm hết? Hay là lộ...?
- Thôi được, mày cứ đi theo tao...
Đạo ôm cặp vào nách rồi đi về phía chợ An Dương. Văn xách hộp đàn lẽo đẽo theo sau. Tới một quán nước còn sáng đèn, Đạo rẽ vào mua nửa nải chuối. Đạo bẻ chia cho Văn ba quả:
- Ăn đi cho đỡ đói...
Hai người đứng nép dưới mái hiên, tóp tép ăn chuối. Thốt nhiên Văn cười sặc lên.
- Mày cười cái nỗi gì thế? - Đạo hỏi.
Văn rướn cổ nuốt nốt miếng chuối và nói:
- Giá như lúc này bọn con gái Ary-Anhbe(4) chúng nó trông thấy tao thì cam đoan với mày là ngày mai cả thành phố đều biết nhạc sĩ Trần Văn đứng ăn chuối ở chợ. Chẳng gì tao cũng là giáo sư âm nhạc, dậy hát chúng nó...
- Chúng nó trông thấy không đáng sợ bằng lúc này bọn chó Nhật phát hiện ra tao với mày đứng co ro ở đây với một đống tài liệu... Bây giờ tao tính thế này: bọn Hải Phòng đêm nay chắc là không ra đón chúng ta rồi. Mà tao với mày cũng không thể ôm những thứ này về nhà được. Nhà tao với nhà mày bây giờ thường xuyên bị chúng nó bao vây.
- Vậy thì mang đi đâu?
- Tán phát... Đằng nào thì cũng phải tán phát bằng hết. Cờ và khẩu hiệu thì dán lên tường, còn truyền đơn nhét vào các khe cửa, thừa ra thì tống vào các boát-đờ-lét(5)... Bọn mình đành làm thay các tướng ở đây vậy. Sáng mai chúng nó sẽ vô cùng ngạc nhiên cho mà xem... Đi thôi, mày đi một bên hè, tao đi một bên, cứ thế mà làm, cách nhau dăm chục thước. Có động thì huýt sáo bài “Bạch Đằng Giang”. Đây mày cầm mấy quả chuối mà dán...
Tán phát và dán khẩu hiệu. công việc ấy rất quen thuộc với cả hai người. Ôi, linh thiêng làm sao cái đêm mùa xuân ấy, đêm xuân của Hải Phòng! Gã con trai Hải Phòng nào chẳng có một đêm lang thang trên đường phố quê hương. Văn cũng có nhiều đêm như vậy, có khi đi một mình chệnh choạng như một lãng tử, miệng ngâm nga mấy câu thơ của Thế Lữ. Đêm Hải Phòng cô quạnh sau những đợt rắc bom của máy bay Đồng Minh, những trái bom nhằm triệt phá các căn cứ quân sự của Nhật Bản toàn trật ra khu đông dân ở ngõ Chè Chai, ở Cầu Đất, ở đường Bônnan. Đêm mùa đông rét đến cóng đôi bàn tay và từ những ngôi nhà bị bom sập, người ta nhặt nhạnh những mẩu gỗ vụn, khung cửa, bàn ghế đốt thành đống lửa sưởi. Văn đã nhiều lần phải sà ngồi bên đống lửa ấy hơ hai bàn tay, ngọn lửa bùng bùng cháy át cả ánh sáng nhợt nhạt của những ngọn đèn phòng. không lấp ló trong vòm cây phượng vỹ...
Đêm ấy, Văn cũng đi trên những phố phường thân quen nhưng bước đi không chệnh choạng làm duyên như xưa, những bước nhẹ và quả quyết. Đêm Hải Phòng giá buốt,, những đám người chạy trốn nạn đói từ Kiến An, Thái Bình nằm la liệt trên hè đường, dưới các mái hiên thành từng đống đen lùm lùm như những đống rác, ở đó hắt ra tiếng rên khe khẽ, tiếng khóc, tiếng thở khò khè hấp hối. Dù đói lả nhưng cũng phải cố đánh tiếng để tỏ là người còn sống, nếu không những cái xe bò đi qua sẽ hốt tất cả đem đổ vào những cái hố đã đào sẵn.
Văn cố đi cho nhanh, không dám dừng lại để nhìn vào những đám đen đen chất chồng những thân hình khẳng khiu đang bị cái đói và cái rét hành hạ. Văn bước đi len lén, chốc chốc lại quay nhìn sang bên kia đường, cái bóng cao lớn của Đạo khi ẩn, khi hiện trong các vòm vây. Tới mỗi mảng tường, Văn dừng lại, dí quả chuối nhoen nhoét lên đó rồi ấp vội lá cờ giấy. Trong bóng tối bỗng rực lên một chấm đỏ tươi, lá cờ Việt Minh, lá cờ kêu gọi mọi người đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, đứng lên cứu lấy dân tộc đang bị chết dần, chết mòn... Lá cờ cùng với dòng khẩu hiệu được viết nguệch ngoạc nhưng có sức lôi cuốn mãnh liệt.
Gần bốn giờ sáng hai người mới giải quyết hết những bó cờ, truyền đơn và khẩu hiệu nhét đầy trong hộp đàn của Văn và chiếc cặp da của Đạo. Khi Đạo đưa Văn lần về đến nhà thì đồng hồ điểm bốn tiếng. Đạo vừa đập cửa đã thấy bà cụ xuất hiện trong cánh cửa y như mẹ Đạo vẫn thức đợi con trở về. Hai người chui lên trần nhà, lăn ra mảnh chiếu trải sẵn và ngủ như chết...
Trưa hôm sau, trong bữa cơm, bà mẹ Đạo kể lại buổi sáng bà đi chợ nghe người ta xì xầm không biết cơ man nào là Việt Minh mới về đêm qua, họ dán đầy cờ và khẩu hiệu trên các phố. Rồi nhà nào cũng có truyền đơn nhét trong khe cửa. Cảnh binh và hiến binh Nhật đi từng xe ô tô đỗ xuống để bóc và thu hết lại... Đạo im lặng, ngồi ăn, chốc chốc lại liếc mắt về phía Văn. Cả ông bố của Đạo cũng im lặng, mãi khi ăn xong, đứng lên ông mới bảo:
- Hai cậu đi phố phải cẩn thận. Chỗ nào chúng nó cũng rình mò... Tuần vừa rồi, chúng nó bắt đi đến vài chục người, toàn đám thanh niên học trò như các cậu... Phải cẩn thận...
Nói xong, ông cụ lẳng lặng lên gác. Chắc hẳn ông biết thừa biết cái chuyện Việt Minh dán cờ, khẩu hiệu và nhét truyền đơn đêm qua là do hai ông tướng trẻ đang ngồi ăn kia. Đêm qua mãi gần sáng chúng nó mới bò về là thế. Ông cụ biết nhưng ông không nói gì hết.
Văn nhìn thấy ông cụ, bụng nghĩ: “Thế là chúng nó bị bắt hết rồi... Hèn nào đêm qua chẳng thấy thằng nào ra đón... Nhưng tại sao lại bắt hàng loạt như vậy? Nội phản chăng? Hay bọn Nhật mới mộ được tên chó mới, khá nguy hiểm đây? Nó là ai, thằng nào?...”
Buổi trưa, tắm xong, Văn rủ Đạo ra phố. Mỗi người thay bộ đồ mới. Đạo hỏi:
- Mày có định về nhà không?
- Không... tao lộ quá rồi, về có thể bị chộp mất...
Hai người lững thững đi dưới cái nắng mới của Hải Phòng. Đi như chẳng có mục đích gì, như hai thằng vô công rồi nghề. Họ đi dọc theo con đường đêm qua. Những lá cờ, khẩu hiệu đã bị bóc hết chẳng để lại dấu vết gì nhưng Văn nhìn vào đó, trên những mảng tưởng vẫn còn những dấu đỏ son không thể nào xoá sạch. Họ đi hết con đường Cát Dài, vòng lên Cầu Đất rồi sang phố Lacôm. Thành phố im lìm trong nắng trưa và đâu đó Văn vẫn có cảm giác thấy những đôi mắt rình mò của bọn mật thám. Chúng lảng vảng trong các quán giải khát, ngồi vạ vật ở dưới mái hiên, theo dõi người qua lại. Vài ba tên đội xếp quẩn quanh ở các ngã ba, ngã tư. Chiếc xe nhà binh chở đầy lính Nhật lăn bánh ầm ầm về hướng cầu Hạ Lý. Nhà Bưu điện đứng sững, cái thùng thư to phình đêm qua nuốt gọn mấy bó truyền đơn bây giờ không biết còn hay mất? Sáu Kho ở sau lưng Văn. Gần đó là bến Muối, bến Ngự, nơi có căn nhà của gia đình Văn, có phòng làm việc của Văn, căn phòng nhỏ xíu lại chứa cái máy phát điện to kềnh chiếm gần kín chỗ... Ôi, cái tổ ấm quen thuộc và thân thương cứ muốn níu lại bước chân của Văn... Hai người lộn về phố Cầu Đất. Quá tiệm nhảy Palát, Văn nghe có tiếng chào sau lưng:
- Lạy thày ạ...
Văn quay lại. Hai cô gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi, áo dài trắng, một cô tóc kẹp và một cô tóc thề ngang vai đang khoanh tay lễ phép đứng sau lưng Văn.
- Lạy thày ạ! - Hai cô gái chào Văn lần nữa.
Và đoán chắc Văn chưa nhận ra, cô tóc thề e thẹn nói:
- Thưa thày quên chúng con. Chúng con học ở Lê Lợi, thày đã đến dạy hát chúng con...
- À, phải, xin lỗi... Chào hai cô...
- Thưa thày, chúng con mời thày... mời hai thày quá bộ vào nhà xơi nước. Nhà con ở ngay đây ạ.
Văn ngần ngừ nhưng bụng nghĩ: “Vào hỏi tình hình bọn này xem sao...”. Văn rủ Đạo đi theo hai cô gái nhỏ bước vào nhà, ở đó còn hai cô và ba cậu nữa. Hình như họ đang học hát vì trên bàn để mấy cuốn sách chép nhạc và hai cây đàn măngđôlin, một cây băng-giô đặt trên tấm phản...
Đám trẻ đứng cả lên, lễ phép chào. Văn hỏi:
- Các cô các cậu đang học hát?
- Vâng ạ... Thưa thày, chúng con đang chuẩn bị để tối nay trình diễn giúp Hội Truyền bá quốc ngữ. Tối nay ở Văn Minh Ca Quán ạ...
Một cậu khoanh tay thưa:
- Thưa hai thầy, tối nay chúng con mời hai thày tới dự... Chúng con xin gửi hai thày giấy mời, cả prôgam(6)...
- Méc-xi... Tối nay chúng tôi sẽ tới nếu không có việc gì trở ngại... Cảm ơn các cô, các cậu...
Đạo ngồi xuống ghế, đỡ chén nước từ tay một.
- Nghe nói sáng nay dưới này nhộn nhạo lắm!
Mấy cô bé, cậu bé tranh nhau kể:
- Dạ vâng thưa thầy, sáng nay toàn cờ với khẩu hiệu Việt Minh dán dầy tường...
- Lại cả truyền đơn nữa ạ. Sáng nay đẻ con dậy mở cửa hàng cũng thấy có truyền đơn Việt Minh nhét vào nhà...
- Thưa thày ở Hà Nội mới xuống ạ?
- Chúng tôi đến Phòng trưa nay... - Văn gật đầu - Vừa xuống ga đã nghe đồn ầm cả. Dưới này Việt Minh cũng hoạt động ghê nhỉ?
- Thưa thày, tuần trước Nhật bắt đi nhiều người lắm đấy ạ... Họ bảo bắt hết cả Việt Mình Hải Phòng, thế mà vẫn còn..
- Thưa thày, anh trai cậu này cũng bị bắt mới được về.
- Thế hả? Anh cậu về nhà có kể chuyện gì không? Làm sao nó bắt nhiều thế nhỉ?
- Thưa thầy anh con bảo tất cả là do thằng Phin đi báo Nhật ạ...
- Thằng Phin?
- Vâng, chính nó ạ. Phin, giáo sư tiếng Nhật bây giờ nó lảm cho Nhật Anh con bảo khi bị bắt vào hiến binh, chính thằng Phin hỏi cung anh con...
“À ra là nó!”. Văn ngửa người ra thành ghế suýt nữa bật lên tiếng kêu. Thằng Phin, cái gã Đỗ Đức Phin, giáo sư dậy tiếng Nhật vào buổi tối, dậy cả chữ Nhật, thứ chữ đã được Latinh hoá vẫn không kém phần rắc rối như thứ chữ tượng hình, cái gã giáo sư lâu nay đi đâu cũng tuyên truyền thuyết Đại Đông Á của Nhật, trước kia gã ăn mặc chững chặc trong bộ com lê đũi trắng, thắt cà vạt đen, từ ngày đảo chính, gã trút lốt, đóng bộ lính Nhật, cũng ghệt, cũng kiếm, cũng cái mũ lưỡi trai mềm có đính ba mảnh vải che nắng ở sau gáy, mắt cũng đeo kính trắng, đầu cao nhẵn thín và để ria Hít le. Gần đây, ở Hải Phòng cũng nảy nòi ra những anh lính Nhật “lô-can” như thế, đó là những tay nửa áp phe nửa du đãng, theo đóm ăn tàn, lệt sệt kéo lê đôi giầy đinh xì xồ dăm câu tiếng Nhật; “A-ri-ga-tô”, “dô-tô-nay”(7), miệng ư ử “ố sì nà nổ ì ố ru...”(8). Những gã lính Nhật ”lô-can” ấy chỉ đủ để hù doạ mấy mụ đầm già và trẻ con tây.
Thế là thằng Phin đã lộ chân tướng là một tên chó săn cho Nhật, phá hoại phong trào cách mạng của Hải Phòng. Văn biết nó nhưng nó chưa biết mặt Văn. Biết đâu vào giờ này, nó cho tay chân đi rình mò để bắt Văn.