Huyện nghèo. Trẻ con nhếch nhác. Người lớn oằn lưng dưới gánh thóc tươi. Mùa hè nắng cháy, không nói gì. Mùa đông vẫn nắng, khô, lạnh và gió. Cứ một mùa gió, cát dời lên đồi như từng mảng da lưng bị bóc lớp. Cát không chảy xuôi, ai bảo thế là sai, cát chảy ngược. Qua mùa gió, đàn bà moi cát ra khỏi nhà như xua đuổi lũ ma tà ám chướng. Đàn ông gánh lúa bên kia đồi về bóng đổ dưới chân một khoảnh sâu sâu như lún dưới lớp cát mặt. Bóng đổ nhưng không mát là vậy. Nhưng dù sao, ngoài bóng mình chẳng có nơi nào mát bằng trong trùng trùng ngút trắng này.
Huyện nghèo nhưng không nghèo nghĩa nghèo tình, cấp cho cái giường tre, một cái gối và chẳng cần mền. Ở đây, ngày và đêm hầm hập. Một con gà lơ đễnh có thể cháy thui như được vùi trong tro nóng; Huyện lại "cấp thêm" cô Hai, ngày ngày gánh cho một "cặp" nước. Thầy giáo mà! Ở đây cần và quý lắm. Chả ma nào về. Kẻ liều, về được dăm hôm, biến toi.
Thử thách lòng kiên nhẫn bằng cái nắng, là vậy. Thôi thì hy vọng, vài ba tháng thầy mới nản chí, cũng là tốt rồi. trẻ con học vài ba chữ cho mát cái thân, cũng là cách trốn nắng.
Tôi ở hai ngày thì rộp da. Mặt mốc trắng như bạch tạng. Cô Hai cho cái khăn, quàng lên như thiếu nữ. Ráng đi thầy! Câu nói đó được nói đi nói lại với nhiều người khác, trước tôi. Và bây giờ, lại nói tiếp. Trẻ con ở đây, học mười chỉ biết một. Vẫn chưa đủ, học vài ba tháng thì quên tuốt. Nhìn đâu đâu cũng thấy cát, không thấy chữ. Đêm sâu trên đồi lại có gió, thì cứ ngỡ như cát trôi dưới chân mình. Căn nhà ọp ẹp thở hắt phả cái mồm lửa qua một ngày nắng nóng tối cứ hầm hập nóng. Trẻ con ngồi hai hàng, đã là kỳ công vận động đến gãy lưỡi. Học đi, ráng học cho mát thân. Cô Hai đêm nào cũng nhai nhải cái điệu ru buồn vào tai lũ trẻ, cái điệu ru mà cô chả khi nào ru được mình. Cô thất học, nếu học được thì cũng mát cái thân rồi. Nhưng đêm nào khi bọn trẻ tụ họp, cô cũng lõm bõm ê a theo để làm gương. Cô thì gương gì, chỉ là ráng khuyến khích cho chúng khỏi buồn ngủ, cháu đừng cười. Chẳng ai cười cô. Tuổi hai mươi, tôi tưởng mình lớn hóa ra dễ xúc động những chuyện như vậy. Cứ mui mủi trong lòng. Đêm không ngủ được vì nửa thương ở đây, nửa nhớ nhà. Ở quê xa, giờ này mẹ tôi đang ngồi dưới ánh đèn sáng dịu đọc tiểu thuyết châu Phi. rồi mẹ chua xót, ôi cái miền đất sao mà cằn khô đến vậy!
Lèo tèo dăm hôm đầu rồi lớp học cũng đông dần. Ông chủ tịch xã phát cho cái roi, nói đứa nào lì, thầy cứ đánh thẳng tay cho tôi. Đừng ngại ngần gì cả! Đánh mạnh thì chúng mới nhớ, cơ hội mở mang trí tuệ ở cái vùng này không nhiều đâu. Cái roi được treo lên vách như một thứ quyền lực của tri thức. Sĩ số lớp lên đến con số 29 thì dừng lại. Thằng bé số 29 mắt đen tròn và cứng đầu. Vậy mà, đêm nào cũng thế, cứ trần truồng trùng trục ngủ khoanh một khoanh một dưới cánh tay tôi. Con chẳng thích về nhà, ở với thầy thích hơn. Bà mẹ không la một tiếng, còn rối rít cảm ơn, vừa cảm ơn thầy vừa cảm ơn con mình. Giỏi lắm! Biết quí thầy thì sẽ biết quí chữ. Chẳng mấy chốc mày sẽ làm ông giáo về dạy lại cái làng này. Xã sẽ làm cho mày một cái roi, oách nhé! Nghe vui vui. Bài học đầu tiên cho lũ trẻ là mỗi đứa tự kể về mẹ. Chẳng có giáo án nào soạn thế nhưng ngẫu hứng thì cứ việc làm. Thầy mà! Thầy là cha, mẹ, tiên, Phật… như lời cô Hai.
Cả lớp kể xong chỉ có một thằng lầm lũi nhất định không nói. Hâm he hầm hè, cuối cùng nó mở miệng: Con không có mẹ! Bố kể, mẹ con mặt hiền, tóc dài mướt. Mẹ con gánh nước giỏi lắm! Đứng bóng, đi một mạch qua đồi cát ông Chín không nóng chân. Tôi lạnh mình vì ý nghĩ vừa tra tấn thằng bé bằng một đòn quan tâm đê tiện. Cuối buổi học, thằng bé đứng khóc ti tỉ vì bị lũ bạn ghẹo cái trò "mẹ con gánh nước giỏi lắm". Ở đây, đàn bà nào cũng thạo chuyện đó, không riêng gì mẹ thằng bé. Học được ba hôm, xã chuyển xuống cho thầy cái ghế có chỗ dựa, ngồi cho êm lưng. Cũng là cách xã quan tâm đến thầy giáo, thầy không nhận, chúng tôi buồn, chúng tôi giận. Vào ra, một tiếng là thầy, hai tiếng là thầy, thật cảm động. Tôi viết thư cho mẹ, mẹ ơi, con chỉ định đi vài tháng gọi là cho vui lúc ra trường rồi về, nhưng bây giờ muốn về cũng không được. Chẳng đành lòng. Thương lắm. Mẹ thở dài. Chẳng biết tại sao, khi nhận thư, tôi cứ mường tượng ra mẹ đang làm cái việc đó - Thở dài. Ở đó có nóng như châu Phi không con?
Đêm, cát dưới chân nhà lướt đi như sóng dậy, như tung hoành trong cõi không. Thằng bé khó ngủ, đổ mồ hôi hột. Mẹ con nói, gió như vầy là có rồng đi. Rồng không đi trên trời, rồng đi dưới chân, sau một đêm cát gần như lấp ngôi nhà ông Bảy dưới chân đồi. Ông là nhà giáo, nhà giáo già. Một đời tung hoành ở chỗ khác, cuối đời nghèo túng về làng, sức yếu, bệnh tật không giúp được gì bọn trẻ, uất ức, nhiều mặc cảm. Khi tao chết, cả làng này không được đưa tao đi, cứ bỏ tao ở đây cho cát vùi. Cái lý lẽ đòi được ở dưới chân đồi cát cũng vì vậy. Giá tao đừng có cái chân này thì không có gì cuốn tao đi được. Thầy nói, gần như khóc. Tôi im lặng, buồn lắm. Cái làng này, nhiều người tài giỏi bỏ đi, không riêng gì thầy.
Thằng bé khó ngủ, đem bài ra đọc. Mẹ già như chuối chín cây… câu này tôi dạy riêng lớp trừ thằng bé mất mẹ. Tôi sợ nó. Tôi sợ mình vô tình gợi nên một nỗi đau bên bờ cát trắng, cái nỗi đau đi qua một lèo không kịp nóng chân, bây giờ thì chẳng nóng được nữa rồi. Một hồi sau, thằng bé ngủ. Miệng há tròn như một chữ O. Tôi băng đường sang nhà thầy Bảy với nỗi lo vu vơ, gió quá, gió thế này không thể yên được rồi. Đến nơi, nhà thầy đông nghẹt người làng. Bên trong, tiếng thầy gào thét điên loạn. Chúng mày thổi đi, thổi nữa đi, thổi như thế không thể chôn sống tao được. Tít tít trên cao, cát mù bay như mưa từng vốc. Cô Hai bảo tôi, cháu vào nói thầy Bảy đi, cả làng này, thầy nể cháu nhiều nhất.
Tôi lẳng lặng vào nhà, xốc thầy lên vai rồi đi thẳng về làng. Mày thả tao ra! Mày sợ tao chết à? Đáng lý tao phải chết trước khi về đây mới phải!
Tôi cứ đi. Trên vai tôi là một người thầy. Tôi cũng đã từng có rất nhiều
người thầy đi qua cuộc đời tôi, nhưng chưa từng có một ai vật vã cho quá khứ xa xưa đến vậy. Tôi còn trẻ, quá khứ của tôi chẳng có gì nhiều, khiến tôi sợ. Tôi sợ một ngày nào đó, một sai phạm nào đó, chính tôi sẽ vật vã cho quá khứ của mình mà chẳng hề có một đồi cát nào để chôn. Tôi viết thư về cho mẹ, kể hết. Mẹ khóc. Mẹ khóc không phải vì thầy mà vì tôi. Mẹ sợ tôi không bao giờ trở về. Đã hai năm rồi tôi không về và những lời hứa cứ sai dần, cho đến lúc nỗi sợ của mẹ lớn mãi như một đồi cát vô hình lấp kín mẹ.
Mùa hè tưởng không dứt, cũng trôi qua. Bọn trẻ đã đọc được sách, còn làm cả tập làm văn tả cảnh. Bài viết cứ nhắc đi nhắc lại một màu cát trắng ngút ngàn; cát đêm rồi cát ngày, cả trong giấc mơ cũng một màu như vậy. Giống như khi tách chúng ra khỏi đụn cát kia, chúng không còn gì. Đây là một đoạn văn lạ, chỉ mình tôi hiểu. "Đêm qua, con rồng đã ăn thịt ngôi nhà thầy Bảy, chỉ chừa cái mái nhà. Mẹ em vui mừng bảo, vậy là thầy hết chỗ để về, để chết. Bố em nói,
thầy Bảy là người đáng thương. Em sợ thầy lắm. Thầy luôn thách con rồng".
Cuối cùng cô Hai cũng học được chữ. Tưởng chỉ làm gương lũ nhỏ thế mà thành chuyện. Đêm đêm, cô đọc bài ra rả như trẻ con. Lại còn thách đố: Tụi mày viết được chữ khúc khuỷu không? Chúng cười khúc khích, vừa chụm lưng nhau vừa tranh thủ viết. Chúng viết luôn cả tên bố, tên mẹ, tên tôi. Chúng viết tên đồi cát bằng con chữ thô mộc. Nhưng tôi "thề" với chúng rằng, đó là những con chữ đẹp nhất mà tôi được thấy. Tôi gởi những bài văn của chúng về cho mẹ xem. Mẹ viết, sao mẹ cứ thấy sợ. Chẳng lẽ một đời người, người ta cứ sống trên những đụn cát như vậy à? Tôi cười xòa rồi quên. Những đêm trăng, tôi cõng thầy Bảy về ngôi nhà cũ cho thầy xem lại cái nấm mồ mà thầy định chôn mình. Thầy đứng nhìn rồi bùi ngùi: "Giá như cả làng đừng đối xử với tao như vầy, tao thấy nhẹ nhàng hơn".
Tôi cõng thầy Bảy về. Đêm đó, con rồng cát phủ kín ngôi nhà, sáng ra không tìm thấy vết. Thằng Tí vỗ tay hoan hô, thầy Bảy không còn về chỗ nữa rồi.
Cách một tuần, mẹ lại gởi thư lên. Mẹ nhớ con quá. Con không về thăm mẹ
thì mẹ chết. Mẹ tự sát. Mẹ treo cổ. Tôi chỉ cười xòa. Mẹ làm sao chết được. Không có con chữ, thì bọn trẻ sẽ chết vì dốt nát, chết trong lòng cát này mà không thấy chân trời nào. Mẹ im bặt. Những lá thư sau không thấy dọa treo cổ nữa nhưng giọng văn rên rỉ thì vẫn còn. Mẹ nhớ con, nhớ lắm! À, thầy Bảy thế nào rồi? Tôi giấu mẹ. Tôi giấu nỗi suy sụp của thầy vào mỗi buổi chiều ngồi bên cửa sổ nhìn về căn nhà cũ. Cát đã lấp hết chưa? Cát lấp thì tao chết, tao mở mắt, tao muốn cái làng này phải nguyền rủa tao kia…
Tôi không cõng thầy đi nữa. Biết cõng đi đâu khi cái nấm mồ kia đã vùi dưới lòng cát rồi. Vả lại, thầy cũng quá yếu, cái tuổi 66 đi một bước bằng thở chín bước. Nhìn ngắm nỗi gì.
Những ngày tháng sau, thầy có vẻ nguôi ngoai. Nhìn cái cách bọn trẻ chụm đầu nghe thầy đọc Lục Vân Tiên thì biết. Mừng thì mừng đó, nhưng lại càng sợ hơn, thầy đã có dấu hiệu lẫn lộn. Đôi lúc, Từ Hải đi thi gặp Kiều Nguyệt Nga. Cô Hai lẳng lặng xuống chợ huyện đặt một cái hòm cho ngày đại sự. Đêm đêm, cả làng kéo đến đông nghẹt. Người ta muốn chứng kiến giây phút chia ly với một người thầy. Cô Hai nói, thôi, thế cũng đủ. Làng này vô phước không gặp thầy lúc còn trẻ thì cuối đời cũng học được vài ba câu Kiều, vài ba câu Lục Vân Tiên, xem như mãn nguyện lắm. Thầy hỏi, căn nhà cũ bị chôn rồi, đúng không? Tôi gật đầu mà nghe có bão đi qua tai. Thầy nói, vậy thì thầy cũng sắp chết rồi. Chừng nào thầy chết, nhớ bảo thằng Tí đọc cho thầy nghe vài câu Kiều. Đoạn nào hả thầy? Đoạn nào cũng được! Ừ, thôi thì bắt đầu từ đoạn: Chở che đùm bọc thiếu gì? Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay…

Xem Tiếp: ----