Thôn xóm lạnh lẽo này hầu như bị lãng quên. Bây giờ lại có những người ở đoàn phim, cộng với máy móc kỳ khôi. Từ nơi nào rầm rộ kéo nhau tới “dán” lên bức tranh tĩnh tại này, khá nhiều số phận khác thường.
Rất nhiều chuyện chưa thật lắm, hư cấu và tưởng tượng thái quá, những điều như vậy, bây giờ thường được gọi là “phim truyện” song quả là bất ngờ, chính nơi này lại cũng có một “truyện phim” nan giải, thật hơn cùng tồn tại song hành.

°

° °

Vai nam chính của bộ phim là một ông già xấu xí. Ông diễn viên này đóng... vai trưởng thôn. Phim được quay khoảng một tuần, ông ta nhập vào vai sống động tới nỗi ai cũng kêu ông ta là trưởng thôn, rồi lần hồi trông ông ta không còn phân biệt đâu là trong phim, đâu là ngoài đời. Ông ta cứ mặc suốt một bộ trang phục, cái nón nỉ và mang đôi giày cao su dính đầy bùn nhão. Cả khi về thị trấn, vào khách sạn qua đêm, ông ta vẫn như vậy. Ông diễn viên này khoảng năm mươi tuổi, một người đàn ông vô danh, thấp đậm, có gương mặt buồn hiu, nhưng nhìn lâu thấy vui vui. Ông diễn như không diễn, đó là điều mà tay đạo diễn rất cần. Trong phim, trưởng thôn lúc nào cũng lo lắng, hay ngồi một mình lắc lắc đầu, bẻ bẻ mấy ngón tay. Cứ lo lo làm sao, nỗi lo hằn khắc thường trực trong mắt, trên mặt, lo nhiều thứ, mưa to gió lớn, lo con suối sâu kia nhiễm hóa chất của nhà máy giấy trên thượng nguồn, lo chuyện cô giáo trẻ gầy gò thiếu thốn. Dù lo, nhưng chuyện lo đó chỉ riêng ông, sau đó cô giáo cũng bỏ trốn về thành phố.

Bộ ba nhân vật nòng cốt trong phim: Trưởng thôn thật thà, xấu trai, lận đận, lật đật, tốt bụng siêng việc. Ông nhà văn già hết thời, nghiện ngập, song còn giữ tướng tá cao đẹp, ăn nói kiểu cách, cố chấp, khó tánh. Ông muốn mọi người thấy mình “bị thời cuộc gì đó” phải sống cô độc với chiếc máy chữ cũ, những cuốn sách rách long cả bìa. Và một người đàn ông trung niên thầm lặng, ít nói, lo lắng, khắc khổ, có vẻ bí ẩn, trốn tránh. Họ là ba con người đầu tiên “nhập cư” khai hoang lập xóm.
Bây giờ là công việc của ông chủ nhiệm phim. Ông ta đi với ông trưởng thôn thật, nhờ ông trưởng thôn nói với chủ các ngôi nhà. Có ba ngôi nhà mà hai người tại chỗ cho mượn, một nhà trên nền đất cao làm... nhà trưởng thôn (trong phim), hai là căn nhà phải trồng thêm hoa trước sân, cho văn sĩ khó tánh, chỉ cách nhà trưởng thôn mấy bước chân. Và ba là căn nhà thật xa kia, nếu như còn muốn gọi cái nơi dột nát, như chuồng bò bỏ hoang đó là nhà. Muốn tới đó phải lần hồi bước xuống một cái vực sâu thăm thẳm, như là xuống âm tì, đường nhỏ trơn trượt, vách núi lạnh băng. Nhà này hoang phế, cây rừng chèn cứng trước sau, nơi này dành cho vai người đàn ông trung niên bí ẩn, mà quá khứ là một con Bướm Vượt Ngục. Trưởng thôn thật, một chàng trai người Mèo, cứ chăm chú nhìn ông trưởng thôn giả, anh ta cười lớn phô ra hàm răng nhỏ rít, trắng phau. “Ông ngoại sao giống ông trưởng thôn trước kia quá mạng”- anh ta kể, có một ông trưởng thôn tiền nhiệm, và rồi ông này xin nghỉ hưu non, để chú tâm lo cái vườn cà phê bé tẹo của ông bên kia đồi. Anh ta lại kể và rồi lại cười tủm tỉm... Kể một lúc hai con mắt nhỏ tròn xoe, không giấu nổi ngạc nhiên - “Ủa mà sao cô giáo thật trong thôn cũng buồn buồn, đang dạy học trò thật kia... cũng có ý bỏ trường về miền xuôi. Còn một ông trưởng thôn khác hơn, lúc trước cũng trốn biệt cửa”.
Viên công an khu vực vùng cao và hoang vu này, theo chân anh trưởng thôn, cứ quan sát trong nhà, chung quanh. Anh cho mọi người trong đoàn phim biết an ninh trên con đường đèo. Cũng như các con dốc khúc khuỷu khác, cả khu vực ngôi nhà hoang này, vào lúc chiều tối, mấy hôm nay thật sự không ổn, có sự xuất hiện một nhân vật, không thua truyện phim đang quay. Một “sát thủ” thật sự, vừa mới thoát ra khỏi bệnh viện, khi người ta đưa y tới đó điều trị. Hiện y đang lẩn trốn chung quanh những đồi cà phê. Có khi vài người hái trà và một đứa con nít đi học về trông thấy y đang ngồi nhai bắp sống, hay dùng tay đào củ mì ăn ngấu nghiến. Người đàn ông này có đặc điểm không cao và khuôn mặt hằn lo âu.

°

° °

Thị trấn miền núi ngập trong mưa lớn, không còn thấy những chiếc áo dài trắng hay áo len xanh, cỡi xe đạp tới trường, và gió lạnh buốt mọi nơi, dù là sau bức tường dày. Ông đạo diễn đẩy cửa phòng diễn viên đóng vai nhà văn:

- Ông đóng vai trưởng thôn đâu?
Căn phòng nhỏ ẩm thấp, hai cái giường, tủ ngầm ẩn trong vách, sau phòng vệ sinh, không có bàn, không có ghế. Ông nhà văn là một diễn viên già khó chịu, mặc áo dày, chân mang vớ, đắp mền lên tận cổ, tay cầm cuốn kịch bản gạch xanh đỏ, ông ta đang học thoại:
- Mấy ngày nay chả ở lại trong thôn rồi. Mà nè cậu đạo diễn, cậu lượm được ông ta ở xó nào... mà hay vậy.
- Tuyển hơn bốn chục ông già, trong nghề có, ngoài nghề cũng có. Cuối cùng đang chạy xe ngoài đường chộp được ngay ông trưởng thôn này. Ông ta không chơi với ai, nín thinh, nhưng thuộc loại diễn viên bẩm sinh, không cần nói nhiều, vậy tốt rồi. Tôi chỉ cần những gì bên trong đôi mắt sương khói của ông ta.
Ông nhà văn cười:
- Mấy ngày đầu ở chung, thấy người lạ, kỳ kỳ, khó chịu, nhưng mấy ngày nay, tôi nhớ chả. Nói thiệt với bạn, trong đời tôi chưa gặp ai kỳ đời bằng cha này. Lâu lắm mới có dịp vui, chà chà đây là một con người dễ thương, một con người sống kỳ lạ. Coi nè, phòng có hai giường, tôi một, chả một, có ảnh hưởng chi tới ai đâu. Bạn biết sao không, chả nằm trên giường nệm, quạt máy, cứ thở ra nhìn tôi như xin lỗi. Nửa đêm tôi thức dậy không thấy chả đâu, nhìn xuống chỗ này... hà hà...
Ông nhà văn đưa tay chỉ xuống nền gạch, ẩm thấp:
- Chả trải cái võng mền, gối đầu trên cái ba lô, nằm đọc sách suốt đêm, lạ là có một cái đèn nhỏ, gắn trên trán như thợ mỏ, xài bình ắc-quy. Tôi cũng chưa thấy ai dành cho mình những tiện nghi như vậy: sách, đèn, dao nhỏ, nhíp, cắt móng tay, khóa mở đồ hộp, thuốc tây, băng bông cá nhân, đường muối, sữa hộp, v.v... Thứ nào chả cũng có, có điều là đồ hộp, sữa và thuốc tây hơi bị nhiều. Như là đi thăm nuôi bệnh.
Ông nhà văn nói chuyện ngắc chữ, không quen thì khó hiểu hết, nhưng quả là ông đang vui khi nói về người khác, mà ông cho là thú vị.
- Bây giờ ông trưởng thôn ngủ trong rừng. Tôi nhớ chả quá, ít khi nhớ tới ai mà tôi vui. Nè anh bạn đạo diễn, ông trưởng thôn mình có cái nết lạ, bao nhiêu nước nóng trong bình thủy, ông ta đều cho vô mấy chục chai nước suối không, đem theo vô rừng uống, cha này kỹ tánh. Nhưng vui không sao!

°

° °

Cơn bão rớt vẫn chưa dứt, hai ngày rồi đoàn phim vẫn nằm chờ ngoài khách sạn nơi thị trấn mịt mờ mưa. Trưởng thôn không ngủ như nhà văn nói, một tay ông vịn cành cây cà phê, tay cầm con dao dài đi rừng, ông lần bước xuống vực và lia ánh đèn pin trên trán tìm đường, bên kia núi, giờ chỉ thấy cái ngọn sừng sững đen nhẻm, có ánh chớp lạ kỳ và tiếng ai lăn cái gì đó rất nặng trên trời. Theo con suối vẫn ầm ầm chảy, ông tìm ra con đường đầy gai, tay ông cầm chặt cán dao, ông chỉ phạt một ít dọn đường, sao cho vừa để vào tận cửa ngôi nhà hoang. Nơi mà ngày mai, nếu trời tạnh ráo, đoàn phim sẽ tới để quay cảnh sau cùng, phân đoạn chót gúc mắt của bộ phim, cảnh trưởng thôn gặp và khuyên nhân vật anh chị Năm Búa ra đầu thú.

Còn bây giờ, trước mắt ông là cánh cửa lạnh, ông đẩy nhẹ cửa, tiếng cánh cửa kẽo kẹt than phiền, cùng với gió cuốn dưới chân ông vào trong, kéo theo mấy cái lá khô. Ông khẽ mỉm cười nhìn một bếp lửa nhỏ, vài nhánh củi rừng mà mấy ngày trước ông lén đem vào nhà, cũng đã kịp khô, đang bén cháy lách tách, bập bùng soi, khi tỏ khi mờ khuôn mặt râu ria của một người đàn ông đang ngủ vùi. Bên cạnh vài củ khoai nướng, những trái bắp vẫn còn sống. Ông trưởng thôn treo chiếc võng, lấy trong ba lô mấy chai nước mà ông chiết ra từ cái bình thủy trong khách sạn, đoạn đổ vô một cái ca sắt cũ, khéo đặt nó trên bếp. Trong khi chờ nuớc sôi, ông khui một hộp sữa, soạn ra những viên thuốc, bông băng, rồi ngồi nhìn người nằm ngủ một cách trìu mến.

°

° °

Vẫn còn mưa nhưng trời sáng, trong mưa là tiếng cô thư ký trường quay la chí chóe. Người ta phải khiêng cái máy đèn không nhỏ lắm, máy quay phim và nhiều thứ đồ nghề khác vào tận rừng sâu, nơi có căn nhà vô chủ. Anh chàng trưởng thôn thật và viên công an khu vực thật, đứng ngoài suối. Đạo diễn có vẻ cáu bẳn, mồi điếu thuốc vào bếp lửa. Ông ngước nhìn diễn viên trưởng thôn. Trong khi chờ cơn bão qua, ông già đã ở đây một thời gian khá dài. Đạo diễn thầm nghĩ, ông già không ở một mình. Ông nhìn chung quanh, chỉ tay ra hiệu cho ánh sáng đặt lại một hộp đèn, chính ông cơi nhẹ lại cái bếp, cho lửa nhỏ hơn để nguyên ly sữa còn một nửa, bông băng, vỏ hộp thuốc tây, một lúc sau ông khe khẽ nói: “Quay”.

Trưởng thôn ngồi trên một thân gỗ tròn, tranh tối tranh sáng, trông ông không khác cây gỗ, sần sùi im lặng cúi nhìn bếp lửa. Năm Búa xuất hiện bằng cái bóng to lớn, ngả nghiêng trên vách phên tre. Ngoài trời tiếng sét nổ bùng, không phải do tổ ánh sáng làm mà trời đánh thật, và mưa rào trên mái lá, những giọt nước mưa long lanh nhỏ xuống căn nhà tối. “Diễn”. Ánh lửa bập bùng trong mắt trưởng thôn song vẫn không thấy bên kia, khuôn mặt Năm Búa khắc khổ, im lặng, lầm lì. Cô thư ký trường quay ngồi trong bóng tối. Đèn đỏ của ba cái máy quay phim vẫn sáng, nó sẽ thu hình chéo góc, một lúc ba kiểu ảnh, đặc tả, trung cận và toàn rộng, đạo diễn nói với trưởng thôn:
- Đổi thoại một chút. Trưởng thôn kêu Năm Búa bằng “chú em”.
Thư ký trường quay có vẻ phản đối. Đạo diễn nghiêm khắc nhìn cô ta, và cô lúng túng chuẩn bị ghi lại lời thoại. Một tiếng nấc nghẹn phát ra từ vai trưởng thôn:
- Năm Búa, chú nên đầu thú sớm. Ở trong đó ít lâu, khi nào ra, về đây sống với tôi.
- Không được, tôi còn phải nuôi con tôi cho lớn đã, nó đang học khá.
Trên màn hình trực của đạo diễn song hành ba cỡ ảnh, mắt của trưởng thôn nghiêm khắc nhưng nhân hậu, Năm Búa nóng nảy bực dọc, vì căn nhà chật, máy thu hình cho thấy chân đèn và nửa khuôn mặt đạo diễn. Ông ta cũng trông thấy mình trên đó, và thấy ở ngưỡng cửa xuất hiện anh trưởng thôn thật, khuôn mặt căng thẳng. Viên công an khu vực chăm chú nhìn Năm Búa. Cô thư ký trường quay vỗ nhẹ vai đạo diễn. Ông nói nhỏ: “Cho quay luôn, cắt làm ba, dựng sau”. Năm Búa quay lại nhìn thấy viên công an, ánh lửa trên tóc và đôi mắt đục ngầu vì cơn sốt nặng, anh ta vội đứng lên và chồm tới. Trưởng thôn nhìn anh ta nói nhỏ nhẹ:
- Chú Năm ngồi xuống, chuyện đâu còn đó. Đừng nghĩ tới người đàn bà đó mà nghĩ tới con trai của chú.
Năm Búa lưỡng lự, ba cái máy chéo góc vẫn đỏ đèn. Trên ba mẫu hình chỉ còn một mình Năm Búa, khuôn mặt lần hồi dịu lại, vẻ khắc khổ hằn học mất đi, hiện lên một người đàn ông đầy trắc ẩn. Ông đạo diễn chỉ còn có mỗi mẩu thuốc lá cụt sát môi, may thay nó cũng tắt lịm đi từ lúc nào, ông thở dài nói vào điện đàm “cắt... ốp máy”.
Đoàn phim ra khỏi căn nhà hoang, đi men theo dòng suối lên trên vực vào một buổi chiều mưa. Bên kia ngọn núi, ánh lên những tia sáng lạ, còn ngọn núi thì vẫn đen nhẻm. Cô thư ký trường quay tới bên ông đạo diễn cho biết còn sót một cảnh nhỏ, khi mọi người đã lên xe, và chờ ở chân đèo. Chỉ còn một anh quay phim đi theo ông đạo diễn ra con đường độc đạo vào thôn, nơi cái giếng nước mới đào... Đạo diễn cho đặt máy quay, ông trưởng thôn nhỏ bé ngồi bên thành giếng nước, giếng giả do họa sĩ thiết kế cho đào, phục vụ bối cảnh phim, nhưng nó đã dâng đầy một nguồn nước trong vắt, rồi đây những người trong thôn thật sẽ dùng nước này khi đoàn phim ra đi. Từ nơi giếng nước, trưởng thôn đi dọc theo một hàng rào gỗ, ông lang thang giữa mây trời và núi cao, trên con đường bùn nhão quánh dưới chân. Ông cúi xuống nhìn dưới chân mình, rồi ngước nhìn màu trời xám than nhỏ: Trời ơi, sao bữa nay tôi buồn quá vậy trời!
Đạo diễn cùng đi với trưởng thôn. Đằng xa, những chiếc xe của đoàn phim đang lún vào bùn nhão. Hôm nay là ngày ốp máy, khó có khi trở lại bối cảnh cũ, không nói nhưng ai cũng có vẻ bùi ngùi. Thư ký trường quay hỏi nhỏ: “Sao vậy?”. Cô không hiểu sao đạo diễn thay đổi bất ngờ những lời thoại, và cảnh cuối cùng không đúng như kịch bản. Ông đạo diễn nói:
- Sao là sao? Chuyện của tôi viết là giả, còn mới đây mới là... điện ảnh thật sự!

Xem Tiếp: ----