Lời người dịch

Bút ký về tiểu sử Nguyên soái Liên Xô G.C. Giucốp là những trang bản thảo chưa công bố của nhà văn Liên Xô K.M. Ximônốp mà bạn đọc Việt Nam từng quen biết qua những tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt, như "Người đồng chí cầm súng”, "Sống và chết" và đặc biệt là bài thơ “Đợi anh về" do Tố Hữu dịch.
Nhà văn K.M. Ximônốp đã có nhiều dịp tiếp xúc với Giucốp từ những ngày chiến đấu ở Khankhin Gôn cho tới những năm sau chiến tranh. Ông nuôi ý định viết truyện về Giucốp, song rất tiếc là nhà văn chưa kịp thực hiện được mong muốn ấy.
Năm 1968 trước khi qua đời, nhà văn đã trao cho Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô tập bút ký của mình ghi chép những buổi gặp mặt, những cuộc nói chuyện với Giucốp và mong sau này dẫu chỉ là một phần của những ghi chép trong bút ký được phục vụ cho các nhà viết tiểu sử mai sau về nhiều mặt của con người lỗi lạc này.
K.M. Ximônốp tự bạch:
"Tôi cũng là người đã tham gia chiến tranh, một người đương thời, suốt nhiều năm chúng ta được nghe nhiều, đọc nhiều về Giucốp và trước mắt tôi cũng như trước mắt nhiều người khác dần dà hình thành nên dung mạo về nhân cách cao đẹp này.
Cái đó không phải là những tình cảm chủ quan nảy sinh ở những cuộc gặp mặt và nói chuyện riêng, mà khách quan hơn, thông thoáng hơn, gắn với thái độ và những lời đồn thổi của nhân dân Liên Xô có từ hồi chiến tranh vệ quốc, đã công nhận Giucốp là một trong những người anh hùng của dân tộc.
Và vô luận thế nào, những tiếng đồn ấy vẫn tiếp tục tồn tại.
Với tôi, Giucốp là người được Xtalin phái tới cứu nguy cho tình thế hiểm nghèo ở Lêningrát trong những ngày cực kỳ khó khăn năm 1941 và rồi lại được triệu tập từ đó trở về Mátxcơva trong cái ngày cũng thật vô cùng nguy nan cho Mátxcơva, cái thời điểm mà vận mệnh thủ đô như đang treo trên sợi tóc.
Tính cách con người ấy bao giờ cũng vững vàng trước ngoại cảnh. Tình thế dẫu thay đổi song Giucốp vẫn đứng vững. Và cái tính cách vững vàng ấy không chỉ là bằng chứng của sức mạnh tinh thần, mà còn là cội nguồn của sức mạnh ấy. Sự ý thức được nghị lực mình không chịu khuất phục trước các tình thế càng làm cho nó vững chãi hơn.
Một phần của ái tình cảm chung đó có mặt trong nhận thức của tôi về nhân cách Giucốp".
Ông còn nói thêm, ông không phải là nhà viết tiểu sử Giucốp và những ghi chép ở đây cũng chưa phải là tiểu sử, mới chỉ là bút ký về tiểu sử, mới là cách nhìn của một nhà văn về con người hoạt động quân sự kiệt xuất đó
Bút ký lần đầu được đăng toàn văn trên Tạp chí Lịch sử Quân sự Liên Xô năm 1987 gồm có 2 phần:
+ Phần một - GẶP MẶT, gắn với những cuộc gặp và nói chuyện với Giucốp trong các năm 1939-1967, chủ yếu là hồi ức của Giucốp về những sự kiện xảy ra ở vùng Khankhin Gôn. Quy mô tác chiến ở đây chỉ diễn ra trong một khu vực có hạn (40-50 kilômét) và quân số của cụm quân Nhật cũng không tới 10 vạn người. Nhưng ý nghĩa và kết quả của nó thì khó mà đánh giá hết. Vì bài học ở Khankhin Gôn buộc các giới chính trị và quân sự Nhật phải từ bỏ âm mưu vượt qua Khankhin Gôn đánh chiếm miền đông Mông Cổ, tiến ra vùng Baican và Chia, tới các đường hầm, chặn đường trục Xibia. Kết quả những trận đánh ở Khankhin Gôn về sau này đã góp phần nhất định tới thái độ dè đặt và thận trọng của Nhật khi Liên Xô bắt đầu chiến tranh với Đức. Nhật đặt vấn đề khi nào quân Đức chiếm được Mátxcơva thì nước Nhật mới tuyên chiến với nước Nga.
+ Phần hai - GHI CHÉP NHỮNG CUỘC NÓI CHUYỆN, ghi lại những ý kiến, những nhận xét, phân tích và đánh giá của Giucốp về nhiều mặt, nhiều vấn đề qua các giai đoạn lịch sử nóng bỏng của cuộc chiến tranh. Từ sai lầm của Xtalin là lúc trước chiến tranh cho rằng đã lái được Hitle đi vào quỹ đạo của mình bằng việc ký kết hiệp ước không xâm lược đến sai lầm của Hitle trong quá trình chỉ đạo chiến tranh. Và sai lầm của Hitle càng làm cho Bộ Tổng tham mưu của chúng sai lầm thêm, bởi Hitle thường làm trở ngại cho Bộ Tổng tham mưu quân Đức không thể thông qua được những quyết định chín chắn và đúng đắn. Từ việc đánh giá những mặt mạnh của quân Đức đến tình trạng không ổn định của bộ đội Liên Xô trong thời kỳ đầu chiến tranh. Do không ổn định nên bộ đội chẳng những đã rút lui mà còn bỏ chạy và lâm vào tình trạng hoang mang.
Bút ký ghi lại những ý kiến của Giucốp đề cập tới những nhà hoạt động có tiếng tăm của Đảng, của Nhà nước và của các lực lượng vũ trang Liên Xô mà Giucốp có điều kiện tiếp xúc và cộng tác qua các thời kỳ. Và cả những “chặng đường thử thách" của Giucốp sau chiến tranh như năm 1946 bị Xtalin giáng chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, ra khỏi Ủy ban Trung ương Đảng. Sau được hồi phục và đến năm 1957 lại bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, ra khỏi Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương và ra khỏi Ủy ban Trung ương Đảng, trở về nhà.
Trước những thử thách khắc nghiệt ấy, Giucốp đã đấu tranh, đã hành động ra sao để dứt khoát không để mất, không làm hỏng mình, không bỏ mất sức mạnh của ý chí và tự khẳng định mình dẫu tình thế có nặng nề đến đâu.
Bút ký về tiểu sử của Giucốp có thể giúp bạn đọc nhìn nhận theo cách mới một số sự kiện đã qua và đưa ra những sự thật về tiểu sử con người Giucốp mà trước nay chúng ta ít được biết.
Người dịch
TRẦN ANH TUẤN