Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn ấm ức khi nghĩ lại cách xử sự của mình trong cái chuyện vớ vẩn đã xảy ra là đúng hay không đúng, là người rất biết điều hay là một kẻ hết sức ngu. Chắc là ngu thì đúng hơn vì tôi vốn là người nhút nhát, rất sợ người khác to tiếng vì họ phải chịu thua thiệt, chịu uất ức. Nhưng cũng chưa hẳn đã ngu đã dại vì cái mặt của ông ấy là mặt người lương thiện, cách nói năng cũng của người lương thiện. Ông ta lại còn nói: "Vì bác là người có tuổi nên tôi..." Quân lừa đảo, quân lưu manh làm sao có giọng nói nhỏ nhẹ ấy, hắn sẽ làm ầm lên đế đám đông bu đến rồi lấy họ làm áp lực để phân xử phải trái. Nhưng các con tôi không đồng ý với nhận xét của tôi. Chúng nói như đanh đóng cột rằng tôi đã bị lừa, kẻ kia giăng bẫy một cách trắng trợn, một cách hiển nhiên mà con mồi vẫn lao đầu vào không một chút ngờ vực, không một chút phản ứng thì thật lạ. Phải là người ngớ ngẩn lắm, không có một tí thông minh nào mới làm cái việc như tôi đã làm. Người ấm ớ như bố mà còn viết văn viết báo được nhỉ? Bọn trẻ còn nói thêm thế.
Buổi sáng hôm đó, vào khoảng 9 giờ, tôi nhận được điện thoại của một tờ báo lớn của thành phố mời tôi lại tòa soạn nhận tiền đọc bài và tiền nhuận bút. Tôi đạp xe đi ngay vì tôi cũng đang cần tiền. Tiền ăn và chi tiêu trong gia đình thì luôn luôn đủ vì mọi sự chi tiêu đã có lệ, có khoản, không bao giờ để thiếu nhưng cũng chả bao giờ có dư. Tôi cũng có một khoản tiền tiêu vặt nhưng cách tiêu thì vô chừng nên luôn luôn cảm thấy thiếu. Đã thiếu thì khó chịu lắm. Nhiều thứ lúc có tiền thì dửng dưng, chưa thấy cần mua nhưng hễ thiếu là lập tức khao khát được có, mong đợi được có. Người phát tiền nhuận bút đưa tôi một triệu, hai tệp tiền năm chục ngàn còn mới toanh. Nhận được tiền là về ngay. Có tiền trong túi, với người khác chả là bao, với tôi cũng là nhiều, nhìn thành phố quả nhiên có vui hơn mọi khi thật, vừa đạp xe tôi vừa tính toán những thứ cần mua và sẽ mua trong ngày mai để khỏi thất hứa với con cái. Chỉ tiêu có một triệu mà có thêm một niềm vui mới trong sinh hoạt gia đình, không chỉ một tuần, một tháng mà cái vui này có thể kéo dài thêm nhiều tháng. Cái vui của nhà nghèo cũng rẻ nhỉ? Xem chừng những anh chàng tỷ phú khó có được cái vui thơ ngây, hồn nhiên của một người chỉ có một triệu, sẽ được chi tiêu trong vòng một triệu. Những người giàu quá và những người no quá làm sao biết vui khi cầm tiền, biết vui khi được ăn một miếng ngon. Họ còn bận lo cái cách tiêu hóa và luôn luôn sợ rằng không thể tiêu hóa nổi. Giàu quá cũng như nghèo quá đều có nỗi khổ riêng của nó. Chỉ có anh thỉnh thoảng có được một chút tiền cầm tay như tôi là sướng, biết ngẫm nghĩ, biết thưởng thức cái sung sướng của mình. Vậy tôi là người đang sung sướng và sẽ còn sung sướng. Lúc đi lãnh tiền tôi đạp hơi nhanh vì có nhiều sự phấp phỏng lắm. Chẳng hạn lúc mình đến nơi thì gần hết giờ làm việc và người phát tiền đã về nhà. Hoặc cô ta lại vừa đi đâu đó không chừng đến giờ làm chiều mới quay lại. Hoặc người báo thì bảo đã có tiền rồi nhưng người phát tiền lại chưa nhận được cái lệnh ấy, hoặc giả số tiền hơi ít không như mình mong đợi, tiêu món lớn thì không đủ, đem tiêu vặt thì hơi phí. Đã trên bốn chục năm tới các nhà xuất bản, tới các tòa soạn báo để nhận đủ thứ tiền mà vẫn cứ phấp phỏng, lo sợ như cái thuở mới vào nghề, mới nhận được những món tiền nhuận bút đầu tiên. Nhưng mọi sự đã diễn ra rất suôn sẻ và số tiền nhận được cũng không ít, những một triệu. Nên lúc đạp xe về tôi đạp rất thong thả, có gì mà phải vội nhỉ? Một đời người lâu lâu lại có một hai giờ nhàn rỗi, thong thả, không làm gì hết, không nghĩ gì hết, đầu óc trống rỗng một cách khoan khoái cũng có thể xem là một đời đáng sống. Tôi đạp xe đã gần về đến nhà, khoảng non một cây nữa là về đến nhà, vẫn đạp rất thong thả, vẫn trong tâm trạng rất nhẹ nhõm, rất khoan khoái thì có ai đó đạp lướt qua. Rồi nghe tiếng rơi của một vật, tiếng rơi rất nhẹ. Cũng chả để ý nữa, vẫn đạp tiếp, vẫn nghĩ ngợi vẩn vơ tiếp. Rồi chợt có tiếng người nói sát bên cạnh: "Ông đụng vào tôi mà ông vẫn bỏ đi à?" Cái gì thế nhỉ? Tôi quay mặt lại. Một ông già khoảng ngoài năm mươi hay hơn một chút, mặt hốc hác, đầu để trần, đạp cái xe Trung Quốc, nhìn tôi và nói nhẹ nhàng như thế. Tôi dừng xe lại, ông ta cũng dừng xe lại. Tôi hỏi ngơ ngác: "Ông vừa nói cái gì?" Ông ta bảo: "Ta đứng vào trong hè nói chuyện". Tôi dắt xe vào hè ngay, vẫn thắc mắc: "Mình đụng xe vào ông ta à? Đụng lúc nào? Mình có thấy gì đâu". Người kia gạt chân chống xe, nhìn tôi rồi nói, giọng vẫn nhẹ nhõm: "Tôi nể ông là người có tuổi nên tôi..." Tôi hỏi lại, giọng hơi gắt: "Thì tôi đã làm gì ông? Tôi đụng vào xe ông à?" - "Ông đụng vào xe tôi, đã làm bể hai chai rượu của tôi chứ còn sao nữa!" Tôi càng hoang mang: "Tôi làm đổ xe của ông bao giờ, làm bể rượu của ông bao giờ?" Ông ta lặng lẽ mở hé cái bị cói rất nhem nhuốc vẫn quàng một bên tay xe để tôi nhìn vào trong. Hai chai rượu hình vuông, hơi lùn với cái nhãn màu vàng nhạt. Hai chai Hennessy! Ông kia nói tiếp: "Bây giờ tôi yêu cầu ông đi cùng tôi vào Chợ Lớn mua đền tôi hai chai rượu ông vừa làm bể. Đây là rượu tôi mua để mừng cưới thằng cháu". Hình như tôi đã chịu thua ngay thì phải, chịu là người có lỗi ngay thì phải, bởi vậy tôi mới hỏi giá tiền của hai chai rượu. Người kia nói: "Bảy trăm tám chục ngàn, hai chai". Chết cha tôi! Tôi lấy tiền đâu để đền một cú đụng xe, mà chưa hẳn tôi đã đụng, những gần tám trăm ngàn đồng, ngót nghét một triệu đồng? Vô lý nhỉ! Hết sức vô lý! Tôi vẫn nói rất yếu ớt: "Nhưng tôi lấy tiền đâu để mua đền ông hai chai rượu?" Người kia nói như vững tin hơn, như dứt khoát hơn: "Tôi không biết, nhưng ông phải đền tôi, ông muốn làm sao thì làm!" Tôi cũng không biết phải làm sao, đầu óc cứ rối mù vì sự việc vừa xảy ra, hết sức bất ngờ, hết sức vô lý. Tôi không thể chấp nhận cái sự vô lý ấy, nhưng cái thái độ không chấp nhận của tôi lại có những biểu hiện của người có lỗi, của người đầu hàng và đang tính toán sẽ phải đền bù như thế nào đây. Là chấp nhận, là bằng lòng nhận đền chứ không phản đối. Mà nào tôi đã làm gì nên lỗi, tôi không có lỗi, tôi không có một chút cảm giác nào tôi đã đụng phải xe người khác, đã làm rơi bể cái gì đó của người khác. Đã tin là thế tại sao tôi không phản đối, không to tiếng, không quát thét ầm ĩ lên để có nhiều người xúm đến rồi nhờ họ phân xử giùm. ít nhất cũng có người biết hai chai Hennessy để trong cái bị cà khổ kia là rượu tây thật hay rượu giả. Nếu là rượu thật thì vỏ hộp nó đâu? Rượu mua đàng hoàng tại các cửa hàng phải có vỏ hộp chứ! Nhưng tôi đã không nói gì cả chỉ vì cái mặt của người kia là mặt người lương thiện. Hình như ông ta cũng đang bàng hoàng vì đã làm bể vỡ hai chai rượu đắt tiền mua tặng thằng cháu nhân đám cưới. Cái mặt nhẫn nhục, chịu đựng và hoang mang. áo sơ mi dài tay bỏ ngoài quần, đi dép nhựa và cái xe đạp Trung Quốc là những dấu hiệu hiển nhiên của một ông cán bộ đã nghỉ hưu, lại nói giọng Bắc, chắc là mới vào Nam sống với con cái. Tiền mua rượu là tiền của con cái chứ ông ấy làm gì có tiền. Nên sắc mặt có ý sợ, xem ra đã cầm chắc cái sự mất tiền rồi. Nói thì cứ nói chứ cái ông già kia lấy tiền đâu ra đền. Chả lẽ đưa ông ta ra công an, nhờ anh em công an phân xử? Ông ta cũng đi xe đạp, chắc cũng là người ăn lương hưu, ăn nhờ con, tiền tiêu còn thiếu lấy đâu ra tiền đền? Lại phải đền những non một triệu! Chắc là đã tính toán tuyệt vọng như vậy nên ông ta mới nói: "Vậy hiện giờ ông có bao nhiêu tiền?" Tôi có thể nói tôi không có tiền, không có một đồng nào cả, muốn làm gì tôi thì làm chứ tôi không có tiền đền, nếu tôi nói thế chắc ông ta cũng phải chịu, có thể chửi ầm lên vài câu rồi cũng phải chịu. Nếu ông ấy làm to chuyện, có nhiều người ùa đến cùng tham gia xét xử rồi cũng đến xử hòa vì cả bên nguyên lẫn bên bị đều là những người già, lại cùng đi xe đạp, nếu có va chạm nhau là do sơ ý, do vô tình, bảo ai là người có lỗi cũng không phải. Cái lý là như thế. Lý đã là thế thì người bị bể hai chai rượu bị thua thiệt nhiều quá. Nếu ông ta còn làm được ra tiền thì con cái biết chuyện cũng chỉ trách nhẹ, tiếc tiền mà trách. Còn nếu ông ta ăn bám vào con cái thì vụ mất mát này là một tai họa thật sự, khó mà ăn ngon ngủ yên với chúng nó, chúng sẽ dằn vặt, đay nghiến ông không chừng đến hết đời. Nghĩ một thoáng như thế, ngẫm thân mình mà nghĩ liền như thế. Vì nghĩ như thế nên tôi trả lời ngay: "Tôi vừa mới lãnh lương hưu của cả vợ lẫn chồng được triệu bạc. Tôi đền ông một nửa số tiền bảy trăm tám chục ngàn, có được không?" Hỏi có được không, tức là đã sẵn sàng trả đủ nếu ông kia không chấp nhận. Bởi vậy người kia mới trả lời, giọng hơi lạ một chút, hơi gắt một chút: "Ông cứ sang Chợ Lớn với tôi, mua trả lại tôi hai chai rượu này là xong". Tức là ông già này không chịu bớt cho tôi một đồng nào cả, bắt bí nhau như thế cũng là không biết điều. Ví thử tôi không chịu trả ông một đồng nào thì ông đã làm gì được tôi chửa? Ví như tôi nói tôi chỉ có vài chục ngàn thì ông cũng phải chịu nhận số tiền tôi đang có chứ còn biết làm gì hơn. Đằng này tôi đã chịu đền đến một nửa, tức là bỗng dưng tôi chịu mất gần bốn trăm ngàn, mất rất vô duyên, rất ngớ ngẩn mà còn chưa lấy làm vừa lòng là nghĩa làm sao? Chẳng lẽ ông ấy cố tình bắt chẹt tôi, chẳng lẽ ông không phải là người như tôi đã nghĩ một cách thông cảm? Vâng, tôi đã trả đúng bảy trăm ngàn, tức là còn thiếu tám chục ngàn, rất gọn ghẽ, rất nhanh chóng, nhanh chóng đến chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên, cứ như tôi là người rất giàu có. Người giàu có, người có bạc tỷ cũng chưa hẳn họ đã chịu chi một cách hào phóng như thế, một cách vô lý như thế. Ông ta cầm tiền rất cẩn thận, vẻ mặt dửng dưng, không có một chút ái ngại nào với một anh cán bộ già phải chi gần hết đồng lương hưu của hai vợ chồng, như tôi đã nói, cho một cuộc va chạm hết sức mơ hồ. Khi tôi nói, rồi vợ chồng tôi biết lấy gì mà tiêu trong tháng đây, thì ông ta cũng chỉ đưa mắt nhìn tôi một cách lạnh lẽo rồi lại cúi xuống đếm tiền ngoăn ngoắt. Đếm xong ông ta nhét tiền vào túi, dắt xe xuống đường, đạp lộn lại, tức là khi nãy ông ta còn mắc lỗi đi trái đường. Tôi cứ đứng ngẩn tại chỗ mất một lúc, bàng hoàng vì bỗng dưng mất một món tiền to quá. Như bị mất cắp. Mất cắp là một nhẽ. Còn tình nguyện móc tiền cho người khác lấy một cách ngớ ngẩn lại là một nhẽ. Mất tiền đã đau, về kể lại chuyện mất tiền rồi bị vợ con chê là quá ngu mới thật là đau, đau đến gan đến ruột. Đau vì ấm ức, vì không thể trả lời tại sao lại có thể ngu đến thế. Mà nào có phải là người đã quá ngu. Tôi thường vẫn có những việc làm rất ngu, nhưng là người ngu thì chưa hẳn. Nói cho ngay cái cách xử sự ngu ngốc của tôi trong chuyện vừa rồi không phải là lần thứ nhất. Tôi đã từng ngu nhiều lần, bị lừa nhiều lần, chẳng qua là do mình cả tin quá, cứ ngỡ những điều người ta nói là thật, không hề có ẩn ý nào, âm mưu nào. Tới lúc nhận biết đã bị mắc vào cạm bẫy cũng không biết phản ứng một cách gay gắt, một cách quyết liệt, mình đã bị tổn thương thì kẻ kia cũng khó có thể giữ được nguyên vẹn. Muốn tránh bị coi là người ngu, người dễ bị lừa cũng dễ thôi. Chỉ có một cách, phải chơi rắn và không được phép tin một ai cả, phải giữ vững một nguyên tắc sống, thà để kẻ khác chịu thiệt chứ nhất quyết không chịu để mình thiệt, là danh cũng thế, là lợi cũng thế, phải tự bảo vệ tới cùng, có trường hợp mình phải, có trường hợp mình trái, trái thì trái nhưng cứ to tiếng, cứ lấn tới thì trái sẽ thành phải. Thiếu gì người đã từng làm thế để tồn tại, để ngoi lên, để phủ bóng lên người khác mà rồi vẫn được xã hội trọng vọng. Có điều đã dám sống như thế thì phải bỏ nghề viết. Bởi nghề văn đòi hỏi các tín đồ của nó sống theo một nguyên tắc khác. Thà bị thua thiệt đến chín lần để khỏi có một lần xúc phạm tới nhân cách một người lương thiện. Đã là thế thì không chừng ngày mai, tháng tới, năm sau tôi vẫn có một cách xử sự hết sức ngu. Nghề ấy thì sinh ra nghiệp ấy, tránh sao được!
Tháng 12 năm 1997

Xem Tiếp: ----