Con ong nâu bóng bay lạc vào văn phòng bộ lâm trường vắng ngắt cữ trưa hè, đôi cánh đập hết công suất trời cho như muốn át cả tiếng vù vù của chiếc quạt trần cũ kỹ, chững lại vài giây trước mặt Nai Thuyền, đủ cho cô liên tưởng đến một chiếc trực thăng apatchi thường xuất hiện trong các bản tin truyền hình chiến sự Iraq, rồi vụt thoát ra cửa sổ. Nai Thuyền nhìn đồng hồ, đã đến lúc hướng dẫn gã nhà báo đi thăm rừng theo phân công của giám đốc lâm trường. Bước vào phòng khách cạnh đấy, cô trông thấy anh chàng vừa đọc vừa ghi chép từ tập bản thảo của Quân mà cô cho mượn sáng nay. Nai Thuyền rùng mình với ý nghĩ giá như Quân ngồi đấy với những gì anh ấy đã viết ra chứ không phải là một người đàn ông xa lạ?
Gần mười năm trước, Nai Thuyền từ trường nội trú về Bản Sao, trời vừa sập tối. Leo nửa bậc thang, cô đã trông thấy một người đàn ông lạ ngồi giữa bếp, đọc dò những trang bản thảo vừa đánh máy xong. Đó là Quân. Sau mỗi chuyến đi khảo sát trong rừng sâu, anh quay về bản Sao, nơi đóng trạm tiền tiêu của viện nghiên cứu, lại đến bếp của già Cruyang Bok, cha của Nai Thuyền, trao cuốn sổ tay lấm lem bùn đất, thuê ông đánh máy. Hôm ấy, có Nai Thuyền về đột ngột, hai người đàn ông bỏ ngang cuộc rượu và câu chuyện phiếm cái cây con thú trong rừng. Khách vừa xuống khỏi thang một lát, cha con Cruyang Bok nổ ra cuộc tranh cãi đầy tính thời sự. Đây là kỳ nghỉ hè cuối bậc trung học, Nai Thuyền muốn cha xin việc cho cô ở tỉnh, tệ lắm là ở huyện, nhất định không quay về cái Bản Sao mùa đông nào cũng bị chia xé khỏi thế giới bên ngoài gần cả tháng trời vì nước sông Sao hung hãn dâng lên, cuốn phăng cây cầu gỗ. Ông Bok lắc đầu: “Khó lắm...”. Nai Thuyền dẫu môi: “Khó gì? Mấy ông ở ban tổ chức chính quyền tỉnh từng công tác với cha trong chiến tranh. Có ông còn được cha cứu mạng. Chẳng lẽ bây giờ xin một chỗ làm không được? Chưa nhờ sao biết khó?”. Ông Bok nhổ bãi nước bọt vào bếp lửa: “Khó là tao khó nè. Tao không thích làm chuyện đó!”. Nai Thuyền nuốt nước mắt, cắn môi câm nín, quay mặt vào vách. Ông Bok cũng im lặng, lóng ngóng cài giấy vào máy chữ, gõ lạch tạch cái bản thảo của Quân vừa giao cho. Nhưng cái bụng ông quặn thắt, không tập trung được, cái đầu ong ong với ý nghĩ: “Chao ơi, sao nó lì bướng giống con mẹ nó thế. Lấy vợ trẻ, nựng quá, hư. Gà trống nuôi con, chiều quá, hỏng!”. Ông Bok gỡ kính lão ra lau, nói trổng: “E hèm...Mình là người của núi rừng, sao cứ thích sống ở xuôi? Đi học cái chữ dưới xuôi là để trở về phục vụ bản làng chứ. Cán bộ kinh phần lớn đã về xuôi rồi, giờ đến lượt mày!”. Nói được, người nhẹ đi phần nào, ông đeo kính vào, tiếp tục gõ máy chữ, nhưng cơn ho giật trào lên, bẻ gập cái lưng gầy nhom. Nai Thuyền vội đến bên, vuốt ngực cho cha, như mắng trẻ con: “Ho còn đánh máy, bỏ đi!”. Ông già ngoan ngoãn nằm xuống bên bếp lửa, co quắp tấm thân trong cái chăn vừa được con gái đắp ủ. Nai Thuyền ngồi xịch vào bàn, nhìn chăm bẳm cái máy chữ của cha, người cô bỗng chùng xuống. Có lẽ không còn tìm đâu ra một chiếc máy chữ cổ lỗ cỡ này. Vỏ tróc nhẵn sơn, lạnh một màu xám thép. Những hàng khuy chữ bóng nhẫy, lõm đến mức đẻ ra được một hệ thống ký tự chưa từng có trên các nền văn minh nhân loại. Từ bé Nai Thuyền đã nằm lòng “bản trường ca” về chiếc máy chữ này. Nó là chiến lợi phẩm của chàng Bok thời trai trẻ chỉ huy du kích đánh đồn Tây trên đỉnh Savan. Không một ai trong đội du kích thuộc hết bản chữ cái, bèn gửi máy tặng ban tuyên giáo khu, được cái giấy khen viết tay. Từ chiến trường này đến chiến trường khác trên bát ngát cao nguyên, cái máy chữ “tham gia” trọn vẹn hai cuộc kháng chiến. Ông Bok ra Bắc học văn hóa bốn năm, hòa bình, quay về làm công tác mặt trận huyện, lại gặp nó. Trong thời gian đó, nếu ông thêm được cái vốn tiếng Việt thì nó cũng được thêm bộ dấu tiếng Việt. Nhưng không còn ai thèm mó tới nó nữa, cơ quan đã được trang bị nhiều máy chữ mới. Ngày nghỉ hưu, đơn vị tặng nó cho ông Bok làm vật lưu niệm. Nhờ chiếc máy chữ “tư nhân” duy nhất trong vùng, ông Bok có việc làm đều đều. Từ bản khai sinh đến giấy khai tử bà con đều thuê ông đánh máy. Nhưng nhiều lần ông than buồn. Nai Thuyền hỏi thì ông bảo: “Đấy, từ ngày tao xách nó khỏi bàn viết của thằng quan ba đồn Sanvan, nó chỉ biết đánh cái chữ “phấn khởi”, “hồ hởi”, “thắng lợi”...Còn bây giờ, mày thấy đó, bao nhiêu đơn từ của bà con đều qua nó để xuống huyện, xuống tỉnh, ra tận trung ương, mà có đến chín mươi phần trăm là “khiếu nại”, “tố cáo”, “kêu cứu”...Sao không buồn cho được!”. Còn tập bản thảo của người đàn ông kia? Nai Thuyền tò mò nhìn vào trang giấy ông Bok đánh nửa chừng rồi không rời mắt được, rồi cô “đọc” tiếp bằng cách đánh máy giúp cha, nhất cử lưỡng tiện. Âm thanh lọc cọc của chiếc máy chữ “cổ kính” dưới hai ngón tay vụng về của cô con gái rượu ru ông Bok vào giấc ngủ hạnh phúc hiếm hoi của người già.
Người đàn ông nói ngay khi Nai Thuyền bước vào phòng khách: “Cám ơn cô, tập tư liệu đã nuốt trắng giấc ngủ trưa mà tôi không hề biết. Một công trình khoa học tâm huyết, diễn đạt lại cực kỳ văn chương!”. Lòng nể phục và sự no mãn trong đôi mắt luôn “đói” thông tin của nhà báo làm Nai Thuyền ngây choáng như vừa ngậm cần rượu mới. Điều đó giúp cho chuyến đi thăm rừng có được cảm hứng đồng điệu, gần gũi. Nai Thuyền tự lái chiếc land-cruiser trên con đường bazan đỏ sẫm quanh co. Những cánh rừng xanh mở dần trước mắt cũng mở dần những trang kỷ niệm bâng khuâng. “Anh biết không, ban đầu, mình đánh máy bản thảo của Quân là để giúp cha đánh thuê, nghĩa là đánh máy như cái máy! Rồi thấm dần, thấy hay. Rồi mình biết yêu cái cây, con thú nơi mình sinh ra nhờ những trang viết về cái cây, con thú của Quân...Mình nguôi dần mong muốn được sống dưới xuôi. Rồi mình nhớ Quân mỗi khi anh ấy rời bản Sao đi rừng hoặc trở về Hà Nội. Rồi yêu nhau, lấy nhau. Đám cưới nghèo lắm. Nhà khoa học nước mình những năm ấy nghèo hơn mấy tay lên ngược buôn muối...”. Giọng Nai Thuyền đứt quãng khi cô điều khiển chiếc land-cruiser bò lên đỉnh dốc cao hoặc nghe như xa xôi lúc xe đang từ giữa rừng rậm phóng ra khoảng trống tạo bởi con sông lớn. Nhà báo ngọ ngoạy muốn nói một câu gì đấy thì Nai Thuyền hỏi đột ngột: “Thăm rừng của mình nhé?”. Anh ta gật đầu. Chiếc jeep vừa rẽ vào lối mòn một quãng đã nghe tiếng suối văng vẳng dẫn dụ. “Mình nhận khoán khu rừng này đấy”. Nhà báo nhìn quanh, lô nhô vô số gốc đại thụ còn lại sau cái chết của rừng già dưới bước chân đạo quân khai thác gỗ xen lẫn với rừng trồng mới lá chưa khép tán. “Phó giám đốc kỹ thuật lâm trường mà phải nhận lô rừng kém thế này?”. “Xin đấy”. “Nêu gương cho cán bộ hả?”. “Không. Mình cần nó, thế thôi”. Xe hết đường, hai người lội bộ. Chừng tàn điếu thuốc, nhà báo bất chợt trông thấy nóc nhà mồ đơn độc bên bờ suối. Hình khắc chim công và voi bằng gỗ quý dựng trước cổng đã nứt nẻ chằng chịt. Nai Thuyền khô khốc: “Quân đấy”. Nhà báo lúng túng trước điều không chờ đợi. Nai Thuyền nhìn theo làn khói nhang vừa đốt: “Lấy nhau được một năm, Quân ngả bệnh, chất độc màu da cam...”. Phải một lúc sau, cô mới có thể kể tiếp câu chuyện buồn: “Theo nguyện vọng của Quân, mình cất nhà mồ cho anh ấy ở đây, dưới tán rừng đẹp nhất bản Sao...Cũng theo lời Quân dặn dò trước khi vĩnh biệt, mình thi vào đại học Tây Nguyên, ngành lâm sinh...Tư liệu của Quân giúp mình rất nhiều khi làm nghiên cứu sinh ở Úc... Học xong về nước, về Bản Sao, mình chết lặng trước cánh rừng già đã biến mất, nhà mồ của Quân nằm trơ trụi giữa trăm nghìn gốc đại thụ, vết lưỡi cưa máy còn mới lắm...Đó chính là lý do mình nhận mảnh rừng này để chăm sóc...”.
Về đến văn phòng lâm trường trời đã sẩm tối. Trên hành lang, Nai Thuyền bảo: “Mai mình đi nhận giống sớm, không tiễn anh được”. Nhà báo cám ơn về tất cả những gì đã có được và nói rằng muốn liên lạc với Nai Thuyền sau này để viết một ký sự nhân vật về Quân. Cô mở ví trao danh thiếp. Anh ta đọc loáng qua, ngửng lên: “Thuyền ơi, họ Cruyang nghĩa là gì nhỉ?”. Nai Thuyền ngẩn ra một lát, đáp gọn: “Chiếc lá”. Khi còn lại một mình trong văn phòng, Nai Thuyền ngồi xịch xuống ghế, tay chạm vào bàn phím máy vi tính, màn hình vụt sáng làm cô giật thột. Thì ra quên tắt máy trước khi đưa khách đi thăm rừng. Con trỏ nhấp nháy mời gọi...Nai Thuyền bần thần gõ chậm rãi lên bàn phím: “Quân ơi, chiều nay em thăm anh, thăm rừng non của chúng mình, rừng quế. Ba em bảo người Bản Sao có câu lý hay: Người tốt sống thẳng như cau, sống thơm như quế. Anh là cây quế ngàn năm của em. Quân ơi, rừng của chúng mình đã trẩy lá, đã biết gọi gió, gọi nắng, gọi tên anh, tên em...Rừng sẽ đại ngàn, sẽ xoè tán xanh cùng em chở che anh mãi...Chiều nay có người hỏi họ em Cruyang nghĩa là gì. Em không biết. Nhớ anh, em bảo với người ta: Chiếc lá. Em là chiếc lá của anh...”.

Xem Tiếp: ----