Ngõ nhỏ ngoại ô. Thằng bé đu trên chấn song cửa. Chân tay nó co rút, sẹo nham nhở. Vết bỏng kéo nhằng, che tịt một phía, không nhìn rõ tròng mắt. Ai đi qua nó đều nhí nhố gọi ra:
- Chú chú... bác bác... bố bố...
Tiếng gọi chưa dứt thì chuỗi cười hềnh hệch trên cao dội xuống. Đó là tiếng cười của đứa trẻ ở gác hai nhà đối diện đập xuống. Tiếng cười, tiếng gọi hú đuổi nhau, ngõ vắng khách lạ sởn gai ốc, rảo gót bước nhanh, còn dân ngõ chỉ biết thở dài...

*

Vị thiếu tá quân y bước vào ngõ, anh phân vân dừng lại trước nhà có thằng bé tàn tật. Viên sĩ quan tìm nhà ai? Thấy khách, đứa trẻ ríu rít: -“Chú chú... bác bác... bố bố...”

*

Thằng bé cười trên gác là con gã đàn ông nhà đối diện, nó bị ngẩn ngơ; đứa trẻ tàn tật là con người phụ nữ lỡ thì. Một thời người phụ nữ ấy xinh đẹp lắm, cô từng là thanh niên xung phong tuyến đường Trường Sơn. Tuổi trẻ qua đi trong năm tháng chiến tranh. Hoà bình cô khoác ba lô về, nhà cô sâu hoắm hố bom, trận mười hai ngày đêm Mỹ bắn phá Hà Nội. Không bố mẹ, anh em, đến nấm mồ thắp hương cũng là mộ giả. Đang lúc cô gái khóc trước “nhà”, mấy người hàng xóm và bà lão mù khua gậy đến an ủi. Cô gái về ở với bà cụ. Cuộc sống mặt trận và hậu phương khác nhau quá. Mấy năm cô gái mới quen thì bà cụ trăm tuổi ra đi. Cô lại thui thủi đơn côi. Và khi nhìn lại mình, tuổi trẻ lùi xa mất rồi, cô thành gái quá thì trong ngõ nhỏ ngoại ô ấy.
Người chẳng có gì, kẻ thừa mứa, đủ đầy. Gã đàn ông đối diện: căn nhà ba tầng bề thế, chồng-phó giám đốc một công ty, vợ- nhân viên ngân hàng. Nhà họ gần nhau, tiếng động bên này, bên kia nghe rõ. Buổi tối tiếng lũ trẻ hay cô vợ trẻ cười đùa vọng sang, người phụ nữ độc thân nghe rõ mồn một. Qua âm thanh cô mường tượng cảnh diễn ra bên kia, khi thì người bố giả làm ngựa, hai trẻ cưỡi, cười như nắc nẻ; lúc lại cảnh mẹ trêu con đánh yêu chồng, cô vợ trẻ cười tiếng cười trong vắt...
Đêm. Gió đập cửa thình thình. Người phụ nữ trở mình đè lên con búp bê nhựa. Con búp bê cô nhặt được, không rõ ai đã vứt đi. Nó cũ kỹ, tóc rối, váy áo xộc xệch, nhưng cô vẫn thấy đẹp. Hồi bé, cô thích chơi búp bê lắm. Loại bây giờ hồi ấy làm gì có, toàn búp bê vải, các mảnh vụn từ những tấm áo cũ mẹ cô xé cho. Thành lệ, từ hôm nhặt được con búp bê, trước khi đi ngủ, cô mang nó ra bồng bế, trò chuyện. Ngắm nó, cô càng khát khao được làm mẹ. -“Ước gì mình có con! Con ơi... mẹ sẽ dành dụm, mua một con búp bê thật mới, thật đẹp tặng con...”. ý nghĩ miên man, đêm dài ra, cô thao thức không ngủ.
Dân trong ngõ cho anh hàng xóm là quá đầy đủ, sung sướng. Người đàn ông đâu nghĩ thế, anh ta vẫn thấy thiếu thằng con trai. Vậy nên anh ta âm thầm mưu tính, dù cô vợ sư tử Hà Đông và bao thứ “rách việc” khác, phải kiếm bằng được thằng con giai. Gã đã thoáng nghĩ tới cô hàng xóm lỡ thì rồi vội gạt đi: -“Hừ... sao chàng màng được. Tính vẻ khô khan. Ngữ đàn bà ấy khó đăm đăm, trông thì biết...”
Chẳng rõ từ khi nào, quẩy gánh hàng đi chợ, người phụ nữ vô tình hay liếc sang nhà đối diện. Sáng ấy gã hàng xóm đứng trên ban công. Ngẫu nhiên ánh mắt họ chạm nhau, người phụ nữ đỏ mặt, bối rối nhìn nhanh đi nơi khác. Gã đàn ông nhận ra ngay. Hắn nhếch mép cười, nghĩ: -“Ta khờ quá! Mỡ kề miệng mèo, mèo không xơi. ừ, trông được, khá là đằng khác. Chà chà, một cuộc trao đổi đôi bên cùng lợi: Thị thèm khát đàn ông, mình cần thằng con giai. Ta sẽ chu cấp. Mà thân một mình, làm gì không có vốn ăn vốn để, đủ nuôi con... Hà... hà... cái giống đàn bà, tốt mơn, ruột gan tuôn ra hết, có khi còn cơm no, bò cưỡi”. Hắn cười khùng khục trước tưởng tượng đó, lạng bạng bước xuống gác, vợ con tròn mắt ngạc nhiên, nào biết gã cười gì.
Ngõ vắng. Đêm khuya dường như nghe thấy cả tiếng vỗ cánh chập choạng bầy dơi ăn đêm. Tắt đèn đã lâu người phụ nữ độc thân vẫn thao thức không tài nào chợp mắt nổi. Chợt tiếng gõ cửa khe khẽ, giọng đàn ông thì thầm. Quá quen với cảnh ấy người phụ nữ đâu có bất ngờ sợ hãi. Khuya, những gã đàn ông, nhiều lắm, già có, trẻ có, quen có, lạ có, cả những đứa chỉ đáng tuổi em út chị, giọng chúng méo mó say hay khàn nồng dục vọng- một lũ sổng chuồng. Chị ghê tởm. Bất chợt trong trí nhớ cô hiện về câu chuyện năm nào: Hình bóng chàng lái xe và tiếng cười trong trẻo. Lần gặp gỡ cuối cùng bên nhau chỉ có họ. Nàng ngột ngạt trước thác hôn cuồng si... Tiếng súng vang lên, họ rời nhau trong bịn rịn. Người con gái khoảng ngực mở tung trắng ngần giữa đêm rừng hoang dại. Chia tay không lời từ biệt. Vệt B52 xoá sổ cả đoàn xe. Chàng ra đi. Cho đến lúc ấy giữa tuổi đôi mươi, người trai vẫn chưa trở thành đàn ông.

*

Tiếng gõ dai dẳng, giọng nói van xin, nài nỉ. Chị nhận ra kẻ ấy, gã hàng xóm. Đó là tiếng con đực rên khát dục. Chị trở mình giả cất nhịp thở đều như giấc ngủ say mệt nhọc. Ngõ sâu yên ắng trở lại, người phụ nữ vẫn chưa ngủ. Dòng suy nghĩ miên man... Bất chợt ẩn hiện đám ma buồn thương cụ già cô độc - người đón chị về ở cùng. Đám ma duy nhất một vành khăn, chị thắt cho hương hồn cụ khỏi tủi. “Nếu sau này mình... đến một vành khăn tang cũng không có nốt”. Nước mắt chị trào chảy. Đêm sau, đêm sau nữa, gã đàn ông vẫn dai dẳng nài gõ. Tới đêm... then cửa không cài, gã run lên vì sung sướng, quáng quàng đẩy cửa lách vào.
- Đứng lại! -giọng nói cất lên nghèn nghẹt- Tôi biết việc mình làm có lỗi với vợ anh. Nhưng tôi... tôi chỉ cần đứa con...
Tiếng người đàn bà nói trong hơi thở. Gã đàn ông mừng rơn. Trời run rủi! Hắn nào ngờ may mắn thế. Hắn có con mà không phải chu cấp. Chính cô ta tự nguyện làm cái việc ấp trứng tu hú. Vô cảm, qua những đêm dài người đàn bà âm thầm chịu đựng, có chăng là xúc cảm về đứa con rõ dần, lớn dần trong chị. Nhận được dấu hiệu làm mẹ đầu tiên chị thông báo ngay và yêu cầu gã chấm dứt như lời hứa. Gã đàn ông nhếch mép cười giữa căn nhà tranh tối tranh sáng. Sau buổi đó gã không tới nữa.
Tháng ngày chờ đợi, cuộc vượt cạn một mình êm xuôi, cặp song sinh bé gái, bé trai. Ngay đêm đó gã đàn ông mò tới. Người mẹ gượng ngồi dậy, cô định ngăn song chợt nghĩ. -“Thôi để các con một lần hưởng tình phụ tử”. Gã đàn ông sà vào sát giường, chằm chằm nhòm hai đứa bé, rồi xốc vội đứa trẻ trai, dâng thằng cu sát mặt, hắn chườm cái chim lên mũi, lên cằm, ư ứ nựng:
- Chim yêu... giống yêu của bố!
Động, đứa bé cựa quậy, rin rỉn. “Thằng bố” khừng khực cười, hớp nhanh tia nước. Nhìn cử chỉ đó người mẹ không khỏi xao xuyến. Giá các con có bố... Cô thoáng buồn cho con gái, “bố nó” không hề đoái hoài. Sau bận ấy, mặc người đàn bà phản đối, gã vẫn thậm thụt sang. Hắn nhâng nháo hôn hít thằng bé và để lại chút tiền, tất nhiên người đàn bà khước từ, không lần nào nhận. Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra, người vợ trẻ linh cảm thấy, để một lần sững sờ chứng kiến cảnh đêm khuya anh chồng vụng trộm từ căn nhà ấy mò ra. Trên ban công cô chết lặng. Cô muốn xông sang xỉa xói con đàn bà đĩ thoã ngấm ngầm dụ dỗ chim chuột chồng mình. Thế mà hàng ngõ cứ khen ả thế này, ả thế nọ. Thảo nào lâu nay nó tránh mặt mình. Những tưởng ả chửa hoang xấu hổ. Lúc chồng lách cách mở khoá, vờ vịt loạng choạng rượu bia họp hành cơ quan về muộn, cô vợ lại trấn tĩnh được. “Mình làm thế có phá nổi chúng không? Lão dại gái hay thèm khát thằng con giai?” Người đàn bà cười lành lạnh. Anh chồng nghi ngại liếc trộm mà chả thấy vợ nói năng gì. Bẵng đi đã lâu, rồi chợt vợ hắn tuyên bố xanh rờn: đã có mang. Nghe, gã đàn ông hốt hoảng, tíu lên giục vợ nạo thai. Ngọt nhạt không xong hắn định nổi xung hù dọa, cô vợ đối lại, tiếng rin rít qua kẽ răng, cái chuyện ăn chả ăn nem của hắn. Gã đàn ông thừ mặt.
Gần hai năm sau khi cặp song sinh kia ra đời thì vợ gã đàn ông sinh con, một bé trai bụ bẫm, tuy cuộc sinh nở khó khăn, phải mổ đẻ cứu ngạt thai nhi. Suýt thì chết cả hai mẹ con. Qua đận sóng gió ấy hắn nghĩ: Thế vẫn mừng, có đứa nối dõi chính tông rồi. Mà lão thầy bói nói thánh thật, đầu năm rút quẻ lão tán: Sẽ gặp vận xúi nhưng kèm theo lộc lớn, phúc đức tiền tài. Y rằng lộc phúc đức cùng vận xúi đến liền một lúc. Chà chà, còn lộc tiền tài nữa... Cuối năm mà trúng quả đậm vài chục cây, ta phải tới tạ cái lão thầy mù thật hậu”. Từ khi vợ sinh con trai, những cuộc thăm nom vụng trộm thưa dần và rồi mất hẳn. Thậm chí có lúc đụng cửa gặp thằng bé hắn cũng dửng dưng luôn. Người đàn bà nghĩ bụng: “Thôi cũng tốt. Mình có muốn vậy đâu”.
Cuộc sống của ba mẹ con người đàn bà tuy chật vật nhưng bù lại, căn nhà ấm tiếng cười. Một sáng như mọi ngày, chị tong tả chuẩn bị cơm nước cho con rồi khoá cổng, quẩy gánh hàng đi chợ. Ra cửa người đàn bà thấy nhà hàng xóm nhộn nhịp chuẩn bị sửa soạn, kê dọn. Tối qua chị láng máng nghe nhà người ta cỗ đầy năm thằng út. Mẹ đi chợ, hai đứa trẻ ba tuổi léo nhéo khóc một lúc rồi nín, tự chơi với nhau trong nhà. Hết trò chúng dắt díu nhau ra vườn nghịch đất. Chợt xế trưa, cả ngõ nhốn nháo. Người trong ngõ tua túa kéo vào nhà người đàn bà. Tin truyền thằng bé sa xuống hố vôi sau vườn, nhà bên cạnh mới tôi. Dân ngõ vội đưa thằng bé đi viện. “ Sao khổ thế cơ chứ! Nó bị nặng quá. Mẹ con biết xoay xở ra sao?” Đấy là lời dân ngõ từ bệnh viện về nói thế. Còn biết xoay xở thế nào, đứa bé chớm lành vết thương, người mẹ đã phải cho con xuất viện. Như kẻ mất hồn, chị lơ đãng nghe lời bác sĩ khuyên: “ Cố gắng đưa cháu bé đến viện bỏng trung ương. Để vậy vết thương co rút, thằng bé sẽ tàn tật suốt đời...”. Lấy tiền đâu đưa con đi? Vật lộn nuôi ba miệng ăn còn vất vả, song chả nhẽ chứng kiến cảnh con lòng khòng, chân tay co rút dần lại sao? Đôi lúc người đàn bà nghĩ tới gã đàn ông kia. “ ừ, hay anh ta không tới vì giữ lời hứa? Hay vì bao lần mình từ chối sự chu cấp? Hay mình chưa có lời khi con gặp nạn? Dù sao anh ta cũng là bố nó, có máu có xót. Người đàn bà bừng lên tia hy vọng. Chị thầm nói với con: “Con ơi... con sẽ được cứu! Nếu phải cầu xin, van lạy ông ta, mẹ...”
Sặc sụa hơi rượu gã đàn ông khật khưỡng trên xe con bước xuống. Giữa đêm khuya rét buốt, hắn loáng thoáng thấy người đàn bà đứng đợi ngay đầu ngõ. Nghe lời rụt rè trình bày, giọng cầu khẩn van lơn, gã nhếch mép cười nhạt, nhắc lại câu nói của người phụ nữ trước đây và dài giọng tiếp:
- Tôi...tôi vốn trọng lời hứa.
Tuyệt vọng, uất hận, người đàn bà nước mắt lã chã, lao vào ngõ.
Cái thằng con nối dõi tông đường của gã đàn ông kia được cả nhà chăm bẵm, hơn một tuổi, nó to trắng ngần ngẫn bằng đứa bé lên ba. Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò... mà sao mười mấy tháng rồi, đặt đâu nó ngồi đó và thằng ấy nhiều dãi thế. Khách khứa đến chơi động viên: Đấy là tẩm bổ quá. Còn dãi nhiều là do bị cam hay lúc chửa mẹ không kiêng, ăn ốc. Thuốc cam thuốc tễ chả khỏi, dãi ngày càng lề thề chảy nhiều hơn, ngày thay năm bảy bận, áo yếm vẫn ướt sũng. Hôm gã đàn ông công tác miền Nam hơn tháng về, thằng bé ngó bố cười hềnh hệch. Bố ngồi ngắm con, chợt nhận thấy: “Quái... đầu nó như hơi to hơn những đứa trẻ khác thì phải?”. Hắn lo. Đưa con đi khám bệnh viện, họ chẩn đoán: Não thằng bé có vấn đề. Có thể ảnh hưởng do thai ngạt khi sinh nở. Tây y, đông y, tốn bao tiền thuốc vẫn không chuyển. Gã tới cả nhà lão thầy bói mù, lão phán động mả. Mả động thì biết đằng nào mà tìm, ông cha hắn dân lang bạt, chết có về làng đâu!
Cái đầu thằng bé cứ to dần. Tiếng cười càng dài dại.

*

Vị sĩ quan quân y vào ngõ hỏi thăm chính là chàng lái xe năm nào. Chiến tranh nhiều chuyện xảy ra đâu ngờ được. Trận bom B52 anh bị thương nặng, may có đơn vị hành quân qua... Chiến tranh lùi xa hơn hai mươi năm, kẻ đầu người cuối thành phố mà nay họ mới tìm lại được nhau.

*

Thằng bé ngẩn ngơ vô phương cứu chữa. Gã đàn ông như kẻ mất hồn. Hắn lấy rượu giải sầu. Càng uống hắn càng tỉnh. Bữa nhậu tại cơ quan hắn nốc trọn chai rượu tây vẫn không say. Về ngõ ngơ ngác hắn nhìn ngôi nhà người đàn bà đối diện, chủ mới đang dọn tới. Chàng sĩ quan quân y đưa họ đi rồi, nghe nói ở một nơi đầu kia thành phố.
Hắn ngật ngưỡng bước. Bất chợt tiếng cười trên cao đập xuống... hu hu... ha ha... Chuỗi cười như tiếng ma kêu, quỷ khóc, dội vào tai hắn. Gã đàn ông giật mình loạng choạng. Hắn bước... hắn chạy... chạy qua chính cả nhà mình. Tiếng cười hú đuổi hắn vào sâu trong ngõ.
1996

Xem Tiếp: ----