Có một cậu bé muốn học vài trò ảo thuật nhưng không tìm đâu ra trường và thầy dạy. Một hôm rỗi rảnh, người cha chở cậu con trai nhỏ xíu, khoảng 10 tuổi, ngồi háo hức sau yên xe Honda.
Vòng quanh đường phố một lúc, đang bình thường thì tự nhiên chiếc xe khục khịch ho khan, dừng lại đầu hẻm như là có hẹn trước, ngay chóc tiệm thuốc tây và cái tủ bán thuốc lá. Nhưng sau cái quầy trong tiệm, và trên chiếc ghế thấp nơi tủ thuốc lá đặt nhờ ngoài hè đường, không có người bán hàng nào.
Còn lạ hơn là mọi người, trong đó có ông cha cố (ông thích đi bộ, thường ngày vẫn đi bộ và bây giờ cũng vậy, đang mỉm cười đếm bước). Cha vẫy tay chào những người khác đang chạy xe quanh đó, dù họ đi hay chạy mà tới “giới hạn” này, tức khoảng đường có tủ thuốc lá thì ai cũng... mờ đi và mất tiêu. Cha cố vẫn nghe người ta nói với ông rằng thỉnh thoảng cha cũng... biến mất, khi đó ông lại mỉm cười đồng ý. Cha có quen với “nhà ảo thuật” và cha cũng thích xem ông diễn.
Chỗ đó ngược sáng hay ánh sáng bị khúc xạ chăng, chưa phải hẳn, một bác xích lô ngồi trong chiếc xe của mình, cách tủ thuốc khá xa, mỉm cười như thông cảm: chính “nhà ảo thuật” đang ở đâu đây, sử dụng những hồi quang, gia công thêm, và làm nhiều người biến mất rồi. Mánh đó cũng nằm trong chương trình biểu diễn quốc tế của một nhà ảo thuật hiện đại, khi anh ta phù phép biến mất tượng nữ thần Tự Do. Tất cả, ông cha cố và mọi người, cười toe, lại hiện ra sau khi qua khỏi con đường.
Cậu nhỏ leo xuống xe, còn người cha thì dẫn xe lên thềm. Hôm nay là ngày chủ nhật, cậu phải ngửa mặt, dùng bàn tay che mắt mới nhìn thấy tháp chuông nhà thờ cao vút tận mây, trên chỗ cao nhất có con gà sắt, nhưng không có một con bồ câu nào - những con bồ câu giờ cứ là trốn trong cái nón cao. Còn tối hôm qua một tay ảo thuật tre trẻ tới diễn trong nhà hàng Tây, người ta đã không cho anh ta diễn trò tung khăn thành chim câu, mà trong thực đơn của nhà hàng cũng bôi bỏ tên món bồ câu ra ràng chiên bơ, tuy nhiên lũ chim bồ câu vẫn trốn trong cái nón.
Chuyện khác nữa: cậu nhỏ trố mắt khâm phục, tuy là thấy đủ các cây căm trong bánh xe sau của chiếc Honda của cha cậu mà khi sờ vào thì căm không còn ở đó. Cậu lại cười, bởi khi những chiếc căm đi vắng, cậu ta thử khẽ sờ vào thì vẫn có chúng ở đó, trong vành xe như cũ: “Nhà ảo thuật khỉ khọn chỉ làm bộ biến nó mất thôi”. Ảo thuật không chỉ làm biến mất mà còn làm hiện ra, bay lên, ít hóa nhiều, lớn thành nhỏ, rất thích.
Một người xem ảo thuật hay là ngàn người xem cũng bị chính con mắt của mình lừa mình nhiều hơn, bởi những khúc xạ, những hồi quang, đèn cực tím của tiết mục màn đen, những ngăn lớp... và sau cùng là tài khéo tay. “Ông ấy có tài làm mất đi nhiều thứ, ông ấy chứ còn ai, ông làm cho chiếc xe Honda ngủ gật, khiến cho nó dụi mắt kèm rèm dừng lại, làm cho con đường vắng hoe nhé”.
Cậu nhỏ sờ vào người cha cậu, nắm bàn tay ông khi ông đang nhìn bác xích lô hỏi thăm đường vào hẻm. Ông ngạc nhiên nhìn xuống và rồi trông thấy đôi mắt nhỏ đen biết nói “Cha không sao, nhà ảo thuật không úm ba la cha mình”. Ông già, “nhà ảo thuật” mà hai cha con đang tìm, còn có thể làm hiện ra nhiều thứ khác. Nhưng chính ông cũng bị lóe đi vì những hồi quang.
Người ta hay hỏi ông một cách thách thức, chẳng hạn: “Nhà ảo thuật, ông biến tờ giấy thành tiền được không?”. Cách hỏi khó chịu như hỏi một nhà luyện kim: “Ông luyện kim, ông nấu cát thành vàng được không nào?”. Nghe nói một thời nào đó, thuật luyện kim đãi cát ra vàng nhưng người ta đã thiêu sống tay thuật sĩ, vì vàng có thể biến thái thành ra thế lực, và từ đó sẽ nảy sinh một nhà nước kiểu ngân hàng độc quyền khác. Nhà ảo thuật thì ít tai hại và cũng ít bị tai nạn hơn nhà luyện kim và văn sĩ, tuy đôi khi ông ta cũng làm cho người ta sợ, nhưng mà ông ta gần giống như một nghệ sĩ thuần túy hơn, ảo thuật hấp dẫn mà lại vô phước vì người ta không sắp cuộc vui gây tò mò này trong vòng bảy con số.
Có gì mà suy nghĩ nhiều, tiền ấy à, hiện ra thì có gì khó nhưng nó lại “có có không không” vì nó là tiền, một vật thể rờ đụng nhưng đầy bất trắc, mà ngày nay người ta gọi là ảo, có đó rồi cũng mất đó. Trong xóm nhà thờ này rất nhiều người nói vậy; vịn vào trường hợp nhà ảo thuật họ nói thêm rằng ông già ấy làm nhiều trò rất hay, một tờ giấy trắng nhé, xếp lại làm tư, bằng khổ của tờ năm trăm ngàn, mở ra thì tờ giấy biến mất, tờ giấy thành tiền, lại còn đâm toạc qua nhiều thứ.
Còn một ví dụ khác, cũng trong vòng câu chuyện tiền mất còn, như trò đánh bài ba lá (bài cào) hay là binh xập xám trong những dịp tết (bài ba tụ 12 lá). Khi biểu diễn những trò cờ bạc này, ông ảo thuật chỉ có một nước thắng không thua. Đây nhé, ông đang cho mọi người thấy trên tay ông có ba lá bài “bù” nhưng chỉ cần lật úp lưng bài xuống, lật ngửa lên nó thành “ba tây” (bồi, đầm, già đủ mặt) mà không phải là ba lá bài cắt dán kỹ xảo nhiều lớp, chỉ có ba lá trước sau.
Ông chuyên nghiệp vậy nên nhiều nhà ảo thuật khác, và có cả các tay cờ bạc bịp ngoại quốc thường biểu diễn trong hộp đêm hay là các casino, vẫn hay tìm tới ngồi im tâm phục khẩu phục, cứng mắt coi ông chơi 72 phép bài lận, nào là điểm kim, mài góc, cho vào tay áo...; coi xong họ nói: “Chưa có nơi nào trên khắp trái đất này có một ông già chơi bài lận kỳ diệu như ông Ali Woong đây”. Cái tên đầy ấn tượng này là nghệ danh của ông, các nhà ảo thuật thích hóa trang thành người khác, tên khác. Đó là thời kỳ hoàng kim của ông Woong.
Cách đây hơn 60 năm, khán giả và báo chí đặt ông cái tên Ngọ Ma, một nhân vật lạ lùng trong giang hồ, vì họ có cột trói ông, bỏ vào bao, ngâm xuống sông... ông vẫn thoát. Ngoài ra ông “có bàn tay rất khéo”, bất kỳ ai (trong đó có ông cha cố) cũng khoái ông bạn già mình biểu diễn ảo thuật (và chính cha cũng học được vài trò). Ai ai cũng nói vậy, nhiều người cũng muốn học vài trò giúp vui trong các buổi tiệc. Trở thành một nhà ảo thuật cũng hay đấy chứ.
Tuy nhiên không hẳn là chuyện vui cho lắm; có nhiều khán giả thở dài lắc đầu: “Tội nghiệp, tổ trác”. Nghề chơi nào cũng vậy, nhiều khi bể mánh. Biểu diễn bài lận coi chắc cú ăn tiền vậy nhưng nó vẫn là “ảo thuật”, khổ thay nhà ảo thuật lại không biết, do vậy mà ông đã tự làm biến mất đi, một cách thiếu cẩn trọng, rất nhiều thứ của mình: nhà cửa, vợ con, bạn bè... Trong đó quan trọng hơn là toàn bộ số tiền lớn mà ông không thể có lại lần thứ hai, bởi người ta ai cũng chỉ có một thời trẻ trên sân khấu ảo thuật, lúc đó là những năm vàng son xa xưa của ông.
Lúc đó chỉ có một mình ông một cõi; là nhà ảo thuật ngôi sao ông đã dành dụm được khá nhiều sau bao nhiêu năm dài. Đâu phải bầu bì thương xót chi cho cam, nhà ảo thuật để biến hóa được nhiều thứ cũng phải suy nghĩ, vắt kiệt tài khéo, đổ mồ hôi thâu đêm trên khắp các sân khấu đại nhạc hội, sòng bạc, hội chợ, hộp đêm, vũ trường, quán cà phê nhạc...
Tiền của ông biến mất, một đi không trở lại trong những sòng bạc, mất hẳn trong những canh bài cào, hốt me, thậm chí bầu cua cá cọp, đổ xí ngầu ngày thường và ngày tết. Ai cũng nói một người có thần có tài, bản lĩnh “ảo thuật” hớp hồn và biết điều khiển người khác như nhà ảo thuật mà khổ thay, chỉ nghe tiếng kêu lóc cóc của con xúc xắc lăn trong cái dĩa ông đã ngây ngất xiêu lòng.
Cờ bạc là bác thằng bần. Giờ thì ông ngồi sau cái tủ nhỏ bán thuốc lá, bệnh tật nghèo khổ. Ông ấy đâu rồi? Người già từng biết thì quên ông, người trẻ thì không biết ông, còn ông có thể... ảo thuật biến ra chính mình lại được không? Ông ấy đâu rồi? Cậu nhỏ nhìn vào tiệm thuốc tây. Hôm nay chủ nhật, một ngày lành dành cho sự nghỉ ngơi, có cảm giác đây là một ngày đầy “phép thuật”, ai cũng vui và không có ai lại bệnh vào ngày này, vì vậy mà người dược sĩ bán thuốc tây rỗi rảnh biến mất (thật ra anh ta ngồi ngủ sau cái quầy - không phải đâu, anh ta mới vừa được “ảo thuật” ra đó chứ).
Cậu bé hiếu kỳ và tò mò của chúng ta nghĩ vậy, và hình như đây là một trong những ý nghĩ có chất ma túy, nó gây nghiện không cưỡng lại nổi. Cũng là do chuyện này hay, hấp dẫn còn hơn tưởng tượng, cậu nhỏ mỉm cười nhìn chiếc ghế mây đan nhỏ, loại ghế mây các em bé ngồi, rách rưới, xiêu vẹo và trống không, sau cái tủ bán thuốc lá kính mờ đục, bên trong chỉ có vài bao không nhãn hiệu hờ hững. Ông ấy mượn chỗ ngồi chơi.
Ngộ nghĩnh quá, hình như đang có một em bé vô hình tinh nghịch, khỉ khọn, đang làm trò giữa khoảng không phía trước lưng ghế, tức ngang ngực một người nào đó, nơi hiện có một điếu thuốc lá vui tính, chỉ lơ lửng vậy thôi. Điếu thuốc đang bay chơi chơi đùa đùa với mấy sợi khói mỏng, thỉnh thoảng nó bay nhỉnh lên, hơi cao hơn một chút, khi đó ở đầu điếu thuốc đỏ lên như có ai đang rít thuốc. Điếu thuốc còn làm bộ “diễn” cùng những điếu thuốc khác, sau cùng cũng chỉ còn có một điếu, và có một tiếng thở dài...
Chút tàn cụt ngủn màu tro trên đầu điếu thuốc, dần dà dài hơn, cong quằn, rơi xuống biến thành chiếc gậy nhỏ. Khói nhiều hơn, ông già đang biểu diễn ảo thuật trên đường phố, mờ mờ sau một ít khói đó, hay chút khói này lẩn quẩn lần hồi vẽ nên chân dung nhà ảo thuật? Ô kìa... sau chiếc tủ thuốc lá, bây giờ đúng là có một ông già thật, ngồi bán thuốc lá vặt vãnh mà lại mặc bộ trang phục sân khấu. Ông Ali Woong danh giá kia mà, trong trang phục cũ rách nhưng tươm tất, đầu đội cái bêrê màu xanh, mình mặc áo len, chân mang dép nhựa và trên tay là bộ bài - lúc nào trên tay ông cũng có bộ bài, nay nó đã quá cũ và tang thương.
Còn một ông già nào khác lại già hơn nhà ảo thuật này. Ông đã 101 tuổi, với đôi đồng tử gần như lòa, ông nheo mắt nhìn cậu bé rồi nói: “Tới rồi, học ảo thuật à? Học gì cũng được, bóng bàn, khăn, bồ câu... tha hồ, nhưng không chơi bài nhé”. Cậu bé cũng khác thường vì cậu ta trông không giống những cậu nhỏ khác, nếu như các cậu đó có ở chung quanh.
Cậu nhỏ này thắt một cái nơ nhiều màu, ông ảo thuật đưa một ngón tay chỉ cái nơ, từ đó một con bướm bay thoát ra và biến thành cái khăn mỏng; cái khăn bay tận tháp chuông, khi nó rơi xuống lại là những quả bong bóng. Ông cha cố đi ngang qua tủ thuốc lá, đứng lại vỗ tay khen ngợi rồi nói với ông già: “Khi nào con cần đổ chuông thì nói”. Nói xong, cha cố thoắt chốc đã ở trên các bậc thang vào nhà nguyện.
Cậu bé đưa tay sờ cái nơ, chỗ con bướm nhỏ bay bay trở về sau khi nó đã lên tới chỗ cao nhất của tháp chuông, nơi có con gà sắt (chính con gà cũng bay trốn trên đó chứ sao). Còn những áng mây thì đang dừng lại ở rất xa con gà. Mây nhìn nhìn xuống con đường vắng, nơi xa kia có cậu bé đang học những trò ảo thuật, và tiếng chuông nhà thờ vui vẻ vang lên. Trên con đường, những lá bài bay phất phới úp ngửa, vui đến nỗi vị thánh giữ chìa khóa cửa vào thiên đàng cũng phải mỉm cười.
 

Xem Tiếp: ----