Nói đến Cóc thì có lẽ ai cũng nghĩ đến ngay câu chuyện cổ tích dân gian "Cóc kiện Trời" và bài thơ "Con Cóc". Thêm nữa, theo một số người sành điệu, thì thịt cóc còn ngon hơn cả thịt ếch nữa. Dĩ nhiên là phải có gan lớn hơn gan cóc tía mới dám ăn thịt cóc. Vì thịt cóc mà làm không đúng cách hoặc sơ xuất sẽ bị ngộ độc và có thể mất mạng như chơi.
Theo câu chuyện "Cóc kiện Trời" thì Ngọc Hoàng ngủ quên, không có ra lịnh làm mưa nên hạ giới bị hạn hán. Chàng Cóc tía thuyết phục và dẫn đầu các thú vật khác gồm Cua, Cọp, Gấu, Cáo và đàn Ong lên thiên đình kiện Trời. Nhờ sự gan lì và mưu lược của Cóc nên phe chàng Cóc đã thắng được binh tướng của thiên đình. Đến nổi Ngọc Hoàng "sợ hãi" quá phải giảng hòa, nhận đại Cóc là Cậu và hứa hẹn khi nào nào hạ giới cần mưa thì Cóc chỉ cần nghiến răng là Ngọc Hoàng sẽ sai Rồng bay xuống làm mưa ngay. Sự thực là Ngọc hoàng "sợ" và muốn tránh việc Cóc lại lên "kiện" nữa sẽ làm mất mặt thiên đình hết. Vì vậy mà có câu đồng dao: "Con Cóc là câu ông Trời; Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho" truyền tụng đến nay. Và "hình như" Ngọc hoàng cũng giữ lời hứa, nên mỗi khi cóc nghiến răng là trời sắp mưa.
Thât ra câu chuyện "Cóc kiện Trời" không phải đơn thuần là một câu chuyện cổ tích cho trẻ con. Nếu xét cho kỹ sẽ thấy được bản chất và sự "thâm thúy" của tổ tiên ta. Như chúng ta biết, Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ từ trước Công nguyên cho đến khi Ngô Quyền (938) mới bắt đầu có được những thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài. Gần một ngàn năm Bắc thuộc, lẽ dĩ nhiên nền văn hóa Việt Nam phải bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Để giữ và phát huy được văn hóa thuần Việt, tránh được sự đồng hóa của Trung Hoa, cha ông chúng ta đã phải nhờ vào nền văn hóa dân gian để loại bỏ tối đa (như có thể) ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tại sao phải là văn hóa dân gian? Vì nền văn hóa dân gian dựa vào truyền khẩu chứ không lệ thuộc vào chữ viết. Cho nên dù sách vở có bị thiêu hủy, bị ngăn cấm, bị cưỡng bách theo chính sách ngoại bang khi bị đô hộ thì nền văn hóa dân gian vẫn tồn tại. Kế đến, văn hóa dân gian được dân chúng lưu truyền qua các thế hệ không bị ảnh hưởng lắm bởi các yếu tố chính trị của các thời đại. Chuyện cổ tích là một "bộ phận" rất quan trọng của văn hóa dân gian.
Căn cứ theo các nhà khảo cứu, thì có một điểm chung giữa những trống đồng cổ khai quật được là các mặt trống đồng đều có hình mặt trời ở tâm điểm, tỏa tia sáng ra khắp phía. Từ đó suy ra, tổ tiên người Việt có lẽ cũng giống như tổ tiên của nhiều dân tộc khác đã lấy mặt trời làm vị thần biểu tượng cho mình. Mặt trời hay Trời có lẽ là vị thần đầu tiên. Sau này bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên chỉ có vua mới được xem là con trời (thiên tử).
Theo câu chuyện cổ tích truyền khẩu của dân Việt "Con cóc là cậu ông Trời". Con cóc, dù chỉ là một con vật nhỏ, xấu xí, thuộc vào hạng động vật thấp (loại bò sát), không có gì nổi bật so với các loài động vật khác nhưng lại được dân Việt tôn vinh làm "Cậu" ông Trời. Trời, vị thần của muôn loài, lại là cháu của con cóc. Điều này phải làm ta suy nghĩ chứ! Kế đến là đâu phải chỉ có cóc mới báo mưa. Một số loài vật khác cũng có khả năng báo mưa như chuồn chuồn, kiến... Tổ tiên ta nhất định phải có lý do chính đáng nào đó để tôn vinh con cóc làm cậu ông Trời mà không chọn một con vật khác. Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao?
Mỗi dân tộc đều có hệ thống giá trị khác nhau, để dễ dàng truyền bá hệ thống giá trị đó thì người ta thường dùng những hình ảnh tượng trưng cho dễ hiểu, thường thì họ linh thiêng hóa những con vật sống xung quanh. Như lịch sử của nền văn minh thế giới cho thấy, đa số các dân tộc đều tôn vinh những con vật để thể hiện giá trị mà họ tôn sùng như sư tử, diều hâu, đại bàng … Có lẽ chúng ta phải "nghiên cứu" đặc tính của loài cóc và đi ngược dòng lịch sử để "tìm hiểu " những mối liên hệ giữa loài cóc và ông cha chúng ta thuở xưa. Một điều chắc chắn là xã hội của VN dưới thời Bắc thuộc (nhà Hán) là một xã hội nông nghiệp và căn cứ vào hoàn cảnh địa lý của nước VN thì phải là thủy nông (trồng lúa nước).
Loài cóc thì có những đặc tính như: Với tốc độ của cái lưỡi lẹ như tia chớp nên bắt sâu bọ rất giỏi nên là một đồng minh tốt của nông dân. Kế đến, ít ai dám đụng vào cóc vì da cóc xấu xí, sần sùi và đầy những mụn độc, tuy không đến nổi chết người nhưng cũng tạo ngứa ngáy khó chịu, và mực độ của chất độc có thể so với rắn. Điều khác nhau là rắn dùng độc để tấn công, có thể đe dọa đến sự an toàn của nông dân, cóc chỉ dùng độc để tự vệ, để đuổi kẻ thù. Mồi của rắn có thể là gia cầm nên đụng chạm đến quyền lợi của nông dân, còn mồi của cóc chỉ là sâu bọ. Đặc tính này của loài cóc giống như tổ tiên của dân Việt. Nhìn lại lịch sử chiến tranh với Trung hoa, ông cha ta tự vệ khi bị xâm lược, chống đuổi ngoại xâm, nhưng luôn chừa đường cho kẻ thù rút chứ không bức sát. Cuối cùng là khả năng làm tình của loài cóc, các cô cậu cóc có thể yêu nhau từ vài ngày đến vài tuần. Và vì cách thụ tinh của cóc ở bên ngoài chứ không ở trong bụng. Cóc cái đẻ trứng, cóc đực "phun" tinh trùng lên trứng. Cách thụ tinh này không an toàn lắm, vì lỡ có chú cóc nào khác ở gần lén "phun ẩu" thì rắc rối. Vì vậy cóc đực thường bám sát bạn tình để bảo vệ và bảo đảm các cóc con tương lai là "nòi giống" của nó. Nhưng muốn cóc cái đẻ trứng thì cần phải có nước. Nếu trời hạn hán thì nước đâu để cóc đực làm cái nhiệm vụ truyền giống được. Cho nên trong cái câu chuyện cổ tích "Cóc kiện Trời", nếu ta để ý, trong số các loài vật tham gia đi kiện (cóc, cua, cọp, gấu,cáo, ong ) thì cóc là loài cần "nước" nhất cho nhu cầu bảo tồn nòi giống của loài cóc. Vì lý do này, anh chàng cóc tía mới hăm hở "mộ quân" và gan dạ cầm đầu đoàn thú ngang như cua, dữ như cọp, mạnh như gấu, gian như cáo, lẹ như ong lên thiên đình kiện....ông Trời. Cũng giống như vậy, hàng triệu con mực biển hàng năm tụ tập với nhau quanh khu vực chúng được sinh ra, làm một vũ điệu luân vũ rồi tất cả đều chết. Hay những con cá hồi ngao du bốn biển rồi cũng phải trở lại nơi đã sinh ra để làm nhiệm vụ cuối cùng trước khi chết. Cái nhiệm vụ cao cả đó là duy trì nòi giống. Để loài tồn tại thì có thể từng cá thể phải chịu những hình phạt ghê gớm. Ngoài mực, cá hồi, còn những giống vật khác như nhện, bọ ngựa... con đực có thể hy sinh làm mồi cho con cái để con cái có sức chăm sóc nòi giống. Hóa ra sự bảo tồn loài có lúc còn quan trọng hơn sự bảo tồn thân thể của từng cá thể. Cái chết của từng cá thể chưa phải là điều đáng sợ nhất mà điều đáng sợ nhất là sự tuyệt giống của loài.
Qua những sự việc trên chúng ta có thể hiểu được tại sao con cóc lại được chọn cầm đầu "đoàn thú" để kiện ông Trời và được tôn vinh làm "Cậu ông Trời" trong câu chuyện cổ tích. Nói cách khác, cóc là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân Việt thời đó, cần mẫn, hiền lành nhưng không dễ bị ăn hiếp. Cóc lại hữu ích trong việc bắt sâu bọ, nên có lẽ đã giúp cho mùa màng tăng thu hoạch khá hơn, cóc được xem như người bạn tốt của nông dân. Và trên hết, có lẽ người dân Việt lúc ấy đã ý thức rất rõ ràng cái nhiệm vụ cao cả của việc bảo tồn và duy trì nòi giống Việt.
Dù là Cậu ông Trời, ai đụng đến cóc là ông Trời đánh liền, nhưng trong văn chương cóc lại bị ba anh học trò dốt nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh cóc và làm cóc mang tiếng luôn. Câu chuyện có thể tóm tắt đại khái như sau:
Có ba anh học trò dốt, một hôm, nhìn một con cóc, nổi hứng rủ nhau làm thơ vịnh.
Anh thứ nhất đọc: Con cóc trong hang / Con cóc nhảy ra.
Anh thứ hai tiếp: Con cóc nhảy ra / Con cóc ngồi đó.
Anh thứ ba nối lời: Con cóc ngồi đó / Con cóc nhảy đi.
Làm xong bài thơ, tự trầm trồ khen mình giỏi, rồi sực nhớ lời người xưa nói kẻ tài hoa thường mệnh yểu, ba anh rất lo, sai tiểu đồng ra phố mua sẵn ba cái quan tài. Ngoài phố, một khách qua đường, nghe tiểu đồng kể câu chuyện, dặn: - Mày mua luôn giùm tao một cái luôn, để lỡ cười quá, tao chết theo.
Nói đến "Thơ con cóc", thì ai cũng hiểu ngầm là thơ thuộc loại "ngoại hạng" và "dở hơn dở". Nhưng gần đây thì nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc viết một tiểu luận để dẫn chứng bài "Thơ con cóc" là một bài thơ có những cái hay riêng của nó. Bài tiểu luận của NHQ cũng là đề tài tranh luận khá sôi nổi trong văn giới. Nếu thích thú thì các bạn có thể tìm đọc và tự kết luận.
Phần tôi thì thú thiệt không thấy hoặc thưởng thức được cái hay của bài thơ ở chỗ nào. Có điều phải công nhận là bài "Thơ con cóc" hình như ai cũng biết hết. Có lẽ Thơ con cóc giống như trường hợp của Nam Quách trong câu chuyện dưới đây:
Tương truyền và thời Tề Tuyên Vương có Nam Quách là người không hề biết đàn sáo, cũng đút lót để xin cho được vào đội nhạc hợp tấu cung đình gồm 300 người để thổi sáo. Nam Quách chỉ giả vờ thổi sáo, chớ không biết thổi. Đến khi Tuyên Vương chết, con lên nối ngôi là Hổn Vương chỉ thích nghe độc tấu, nên gọi từng người biểu diễn, Nam Quách thấy không xong, bèn cáo bệnh và trốn luôn. Đời sau, chuyện này thành điển tích và hể ai dùng thủ đoạn gian dối thì người ta dùng tên Nam Quách để mà so sánh. Đội nhạc có 300 người mà chỉ có tên anh chàng Nam Quách, một người không biết thổi sáo là còn lưu truyền muôn thuở. Một cách tương tự, bài "Thơ con cóc" có số phận như "tên" của Nam Quách vậy.
Cũng như người Đại Hàn và Nhật Bản thích ăn cá nóc, một số người Việt thích thịt cóc. Cá nóc và cóc có điểm giống nhau là phải biết cách "làm", nếu sơ xuất thì người ăn có thể bị ngộ độc. Ở Nhật Bản và Đại Hàn, với cá nóc, cần phải có giấy phép hành nghề mới được phục vụ khách hàng. Còn ở Việt Nam thì những người làm thịt cóc không được huấn luyện theo một chương trình hay tiêu chuẩn nào cả, không có cơ quan trách nhiệm kiểm soát nghiêm túc để bảo đảm an toàn cho thực khách. Cho nên dù thịt cóc có ngon tới đâu thì cũng không đáng đem sinh mạng của mình ra đùa với tử thần. Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp ngộ độc vì ăn thịt cóc. Trong bối cảnh như vậy, thiển nghĩ, tránh đụng đến "thịt" của cậu ông Trời là một hành động thông minh. Kế đến, nếu hôm nào chàng cóc nghiến răng, trời nổi cơn mưa gió và bạn lỡ có tức cảnh sinh tình, muốn múa bút thì tránh làm thơ con cóc mà nên viết văn con cóc. Vì văn chương VN đã có bài thơ con cóc được giới phê bình chấm nhất rồi, nhưng văn con cóc thì chưa có bài nào được chấm là "nhất" cả. Và đây cũng là một chọn lựa không kém thông minh.
Một gạch là nhất
Hai gạch là nhị
Ba gạch là tam
Một đống gạch là … căn nhà sập vì trời mưa … và đây "chắc chắn" là "lỗi con cóc": Nghiến răng khiến trời mưa, ướt đất, động nền, sập nhà.
Lý Lạc Long
(TTL/TCT/MAI16/2/05)

Xem Tiếp: ----