Khuông Việt xin chân thành cảm ơn Ông Quách Giao, con trai nhà thơ Quách Tấn, đã hoan hỉ cho phép chúng tôi được phổ biến tác phẩm « Má Tôi », trích từ chương « Song Thân » trong hồi kí « Bóng Ngày Qua » của Thi Sĩ. Hồi Kí này gồm tất cả 10 tập, và đang được chuẩn bị ấn hành.
Thành thật cảm ơn Anh Nguyễn Phú Hiệp đã nhập vi tính từ bản viết tay của tác giả cho số KV đặc biệt « Vu Lan Mùa Báo Hiếu » này.
Nhỏ thó, song thân vóc cân đối, thanh bai. Nước da trắng mịn. Tóc đen như huyền và dài chấm gót; mỗi lần gội phải đứng trên giường chải và hong cho khô. Thầy tôi bảo rằng lúc chải đầu, má tôi giống khóm liễu buông tơ trong bộ chén Mã-liễu của ông nội.
Má tôi là người có học, lúc nhỏ lại ở cùng bà ngoại tại An Thái là nơi thị tứ, cho nên từ ngôn ngữ, cử chỉ cho đến cách phục sức đều đoan trang thanh lịch. Ðoan trang thanh lịch chớ không kiểu cách xa hoa như phần đông con cái nhà phú trưởng giả chốn thị thành thời bấy giờ. Do đó, từ trong gia đình đến ngoài lân lý, ai nấy cũng thương yêu muốn làm thân. Dì hương Bỗng ở Xuân Hoà, mỗi lần về Trường Ðịnh thì trước hết chạy đi tìm má tôi. Và dì phó tổng Ninh ở Ðại Bình, "đi đâu cũng ghé vào nhà nói chuyện giây lát" 1. Bà Hay, bà Thi, bà Chiểu, bà Trét, bà tùng Dĩnh, bà Yên… ở trong thôn, tối nào cũng đến nhà chơi và làm dùm công việc… Bà Xã Cả (thân sinh cậu chánh Trần Trác, cậu tú Khương và dì hương Bỗng) mỗi lần gặp má tôi, đều cười:
- Thấy mầy, dù bận công bận việc đến đâu, tao cũng phải ngó.
Mợ tú Khương thường nói cùng chị em:
- Cùng một lứa tuổi mà bọn mình đứa nào cũng đã thành "đùm mắm nêm" cả (2) Chỉ có cô thông có bốn năm mặt con rồi mà vẫn còn mướt như mụt măng!
Mợ chánh Trác nghe mợ tú khen, không thích, nói:
- Người ta ăn ở không, chân giày chân dép. Còn mình rau heo, cháo chó, phơi lúa giã gạo, đầu tắt mặt tối, mà cũng bì.
Mợ hương Xuyến thêm vào:
- Ðược cái mẻ ngoài, chớ thử đi cắt đi cấy như bọn mình coi có theo kịp gót chân mình chăng.
Mợ hương Xuyến vì ở xa, nên lầm. Má tôi ngoài công việc bánh trái thêu thùa, nấu ăn, may quần áo là những món sở trường, còn biết cấy, biết gặt như mọi chị em khác ở thôn quê.
Sau khi thầy tôi mất, má tôi lấy lại một số ruộng bấy lâu cho làm rẽ, để làm nhà. Tá điền cày lấy rạ. Má tự coi ngó lấy. Ðôi khi cũng đi cấy, đi tát nước làm vui. Bà tuần Vĩnh ở cạnh nhà thường trầm trồ:
- Không biết cô thông học cấy lúc nào mà cấy khéo quá!

*

Má tôi lúc nào cũng nghiêm trang, nhưng hoà nhã, vui vẻ. Lời nói ôn tồn song những khi có điều phật ý thì giọng nói trở nên cứng rắn, và những lúc tranh luận cùng thầy tôi, cùng các cậu tôi thì lời nói rất đanh thép. Cậu tú thường mắng yêu mỗi khi cãi không lại:
- Cái miệng ngó sắt lẽm!
Cậu cửu Ðoàn Nhuận lại nói:
- May cổ sanh làm đàn bà, chớ làm đàn ông thì không bày "hiệp tung" cũng xúi "liên hoành", làm rối thiên hạ.
Nhưng rồi thêm:
- Tuy vậy mà nói có duyên nên nghe sướng tai.
Cậu chánh tổng Trác lắm khi nổi xung nói:
- Ðàn bà mà lão khẩu!
Còn thầy tôi thì khi thấy má tôi cãi hăng hái, chỉ cười hì hì. Thầy nói cùng các Cậu:
- Các anh chưa thạo phép đấu kiếm. Ðối phương giở thế sở trường ra thì ta nên né chớ không nên đỡ.
Ngoài những cuộc tranh luận trong lúc rỗi rảnh cùng người thân yêu để mua vui, tôi chưa hề thấy má tôi cãi cọ với ai lần nào.
Trong gia đình thì hiếu thuận, ngoài xã hội thì trung thứ.
Ðối với con thì lấy vẻ nghiêm của ông cha gói lòng từ của bà mẹ. Mỗi khi tôi hoặc em tôi có lỗi thì bắt nằm xuống, lấy chiếc roi mây để lên lưng; đoạn mới kể rõ tội lỗi. Kể xong trót một roi. Ðoạn đem lời người xưa ra khuyên răn. Răn xong trót một roi nữa, hỏi:
- Nhớ chưa?
Rồi cho đứng dậy, lạy má hai lạy, hứa không dám tái phạm.
Lỗi nhẹ thì đánh hai roi. Lỗi nặng thì bốn roi. Tái phạm thì gấp đôi. Nếu lỡ phạm đến lần thứ ba thì má hờn không nói đến tên, bỏ đi nằm. Chúng tôi phải quỳ bên giường khóc chịu tội suốt buổi má mới tha.
Những buổi trưa hè má thường nằm trên chiếc võng cột nơi mái hiên. Anh em chúng tôi kê đòn ngồi bên cạnh vừa nhổ tóc ngứa cho má, vừa nghe má kể những cổ tích thể hiện đạo nghĩa luân thường.
Hát ru con, má luôn luôn hát những câu thanh tao, những câu có tình có nghĩa, có thể trau dồi được tánh thiện của con em. Những câu hát ấy, một số là ca dao, một số do má tôi đặt ra. Tôi còn nhớ được một ít. Như:
- Tham vàng bỏ nghĩa mặc ai
Lòng đây sông giải non mài vẫn nguyên.
- Dù cho đất đổi trời thay
Trăm năm giữ một lòng ngay với đời.
- Những phường bất nghĩa bất nhân
Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài…v.v…
Ðó là lời khuyên giữ lòng chung thuỷ. Tả lòng hiếu thảo như:
- Ơn cha núi chất trời Tây
Láng lai nghĩa mẹ nước đầy biển đông.
- Ơn cha nghĩa mẹ trìu trìu
Mưa mai lòng sợ nắng chiều dạ lo. v.v…
Lòng mẹ đối với con thể hiện trong những câu, như:
- Trời đông gió lọt song hồ
Chỗ ướt phần mẹ, chỗ khô con nằm.
- Ðường xa sức mỏi chân rần
Chén con kiếm được nhịn phần cho con. v.v…
Những câu hát ấy có tánh cách phổ thông, các chị em trong xóm trong làng rất ưa thích, nên phần nhiều được lưu truyền và trở thành ca dao địa phương 3.

*

Ở nhà quê thời bấy giờ sách in rất hiếm. Những sách học như Ngũ kinh Tứ thư, Sử ký… mà cũng ít nhà có được trọn bộ. Nhà họ Trần có tủ, song sử thì chỉ có Hán sử và Tống sử là hai bộ sử cần thiết cho học trò đi thi. Má tôi mua được một bộ Nam sử, và mượn của ông nội tôi bộ Tây Sơn dã sử. Khi dạy chúng tôi thường đem sự tích nước nhà ra làm ví dụ. Một hôm nói về tình hình anh em, má trách vua Quang Trung sao nỡ đem quân về vây đánh vua Thái Ðức. Thầy tôi cười:
- Vua Quang Trung dựng nên sự nghiệp nghìn thu là do hai trận dẹp quân cướp nước là Xiêm La và Trung Quốc. Còn sự nghiệp vua Thái Ðức chỉ có nhất thời. Nếu không có vua Quang Trung đem quân vây Hoàng Ðế thành thì làm gì có được một lời nói bất hủ:
- Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn.
Má không đáp, chỉ mượn ý câu "bì oa…" mà ngâm:
- Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da nấu thịt sao đành hỡi em?!
Thầy nghe, cảm động ứa nước mắt.
Và lời ngâm của má tôi, giọt nước mắt của thầy tôi thấm sâu vào lòng anh em chúng tôi từ lúc nhỏ 4.

*

Má tôi tuy rất thông Hán văn và chữ quốc ngữ không học, chỉ nghe thầy tôi dạy học trò, mà đọc được viết được rành rẽ. Song dạy con chỉ dạy cách làm người, còn chữ nghĩa thì phó thác cho thầy học.
Gặp trường hợp nào dạy con được là má chụp ngay để dạy.
Một hôm tôi làm được một chiếc ná cao su rất đẹp, lượm sạn toan đi bắn chim. Má tôi trông thấy hỏi tôi:
- Khi má đi đâu lâu về con có trông chăng?
Tôi không hiểu ý má tôi muốn dạy tôi điều gì, nghe hỏi liền thưa:
- Hôm trước má lên thăm ông nội, tối không về, chúng con nhớ ngủ không được; chốc chốc mở cửa ra đứng trông.
Má cười:
- Chim con cũng như các con. Chúng thương mẹ chúng lắm. Con bắn chết mẹ chúng, chúng làm sao sống?
Chúng tôi cảm động ứa nước mắt. Từ ấy không còn muốn bắn chim và bắt ổ chim nữa.
Trước nhà thờ trong vườn tôi có mấy cây lựu, chim sâu thường đến lót ổ để đẻ. Nhớ lời má, chúng tôi chẳng những không dám phá, mà còn thay phiên nhau canh không để cho lũ trẻ láng giềng đến bắt trộm.
Chim sâu đến lót ổ nơi cây lựu nhà thờ đó có ba giống. Một giống rằn ri, một giống xanh lá mạ và một giống lưng xám, ức đỏ; mỏ và chân vừa dài vừa đen nhánh. Mỗi giống một cặp. Hai cặp trước lót ổ dính sát trên cành như ổ chim thường và lót trên cao. Cặp áo xám lót ổ như ổ dồng dộc treo lòng thòng ngay ở trước cửa nhà thờ, vừa tay với. Thấy anh em tôi tới lui thường mà không có ý phá hại chúng, nên chúng không sợ hãi, tha mồi về đút cho con một cách tự nhiên. Chúng tôi đứng nhìn chúng, trong lòng vui thích lạ thường!
Chúng tôi sợ mất ổ chim áo xám lắm, nên luôn luôn chạy ra thăm chừng và ngõ luôn luôn khép, nhất là lúc chim sắp đi chuyền.
Một hôm đi học về, tôi chạy ra nhà thờ thì ổ chim áo xám mất, em tôi lại không có ở nhà, ngõ bỏ trống… Tôi tức giận chạy đi kiếm em về, xẳng giọng hỏi:
- Ổ chim đâu?
Em tôi mặt tái mét, vừa nói vừa mếu máo khóc:
- Em không biết. Má dặn không nên phá ổ chim. Em không có phá.
Trước mặt thì em run sợ, trên cành thì đôi chim sâu nhảy qua nhảy lại kêu thảm thiết, lòng giận của tôi đổi thành lòng thương. Tôi bưng mặt khóc. Em tôi cũng khóc theo, rồi lại một bên tôi nói:
- Em không phá. Anh đừng thưa với má đánh em…
Tôi lau nước mắt, dắt em tôi vào nhà. Ðôi chim sâu kêu hồi lâu rồi bay đi mất. Từ ấy không trở lại… Nhưng hình ảnh của đôi chim và cảnh tượng khi mất ổ chim vẫn còn mãi trong tâm khảm tôi. Ðã gần năm mươi năm nay rồi mà vẫn còn phảng phất…

*

Má tôi rất ưa thích truyện Tàu. thầy tôi mua được một bộ Ðông châu liệt quốc diễn nghĩa, Tây du diễn nghĩa, Tam quốc diễn nghĩa… Ðêm nào, sau bữa cơm tối, má cũng thắp đèn toạ đăng bảo anh em chúng tôi thay phiên đọc cho má nghe. Tới những đoạn hay, má bảo dừng lại, giảng thêm cho anh em chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa câu chuyện.
Má tôi bảo:
- Những nhân vật thời Ðông Châu, mỗi nhân vật tiêu biểu cho mỗi đặc tánh của mỗi hạng người sống trong một xã hội văn minh đã cực độ mà loạn ly cũng cực độ. Mình không thể bắt chước nổi, và cũng không nên cố gắng bắt chước. Mình nên học ba anh em Lưu, Quan, Trương, Triệu Tử Long và một số nhân vật trong thời Tam quốc. Các nhân vật Tam quốc vừa tầm chúng ta. Chúng ta nên dùng làm gương soi để bắt chước cái tốt và tránh cái xấu.
Thầy tôi khen lời nói ấy. Má tôi đáp:
- Trước đây cậu (tức ông nội tôi) thường bảo thế. Ngày nay đọc Ðông châu, Tam quốc, tôi mới thấy rõ. Thằng Tấn, thằng Tạo khi lớn khôn, mong đừng quên lời ấy.
Một hôm nhân bàn đến đoạn "cuối đường" của Lưu Bị ở thành Bạch Ðế, cậu tú nói:
- Nếu Lưu Bị đừng cãi lời Khổng Minh thì đâu đến nỗi thân bị hại, nghiệp Hán bị suy vong.
Má tôi đáp:
- Ðó là lấy lý mà nói. Còn Lưu Bị lúc ấy hành động theo tình cảm. hai em đã chết cả rồi, còn một mình mình dù được cả thiên hạ cũng chả vui sướng gì. Chi bằng quyết một mất một còn với kẻ thù. Nếu không rửa được hận thì chết theo hai em cho trọn lời thề "không đồng sanh, nhưng đồng tử"5.
Ðoạn xoay lại dặn anh em chúng tôi:
- Các con nếu không theo kịp gót Lưu, Quan, Trương thì chớ nên quay đầu lại với Tào-Phi để dùng "dây đậu đun hạt đậu…" đó nhé.
Cậu Chánh rất ghét Tây du. Cậu cho là chuyện hoang đường bá láp. Thầy tôi bảo:
- Những nhân vật trong Tây du là những biểu tượng của tâm tánh loài người. Mỗi nhân vật tượng trưng cho mỗi cạnh khía của tâm tánh. Mỗi câu chuyện đại biểu cho mỗi trường hợp do tâm tánh con người gây ra trên cõi đời nầy. Bát Giái tượng trưng cho Tham, Tề Thiên tượng trưng cho Sân, Sa Tăng tượng trưng cho Si, Tam Tạng tượng trưng cho Ðạo Từ bi.
Má nói:
- Lòng Ðạo thường bị lòng Tham làm lu mờ, nhiều khi phạm vào đường quấy. Cho nên Tam Tạng thường nghe lời Bát Giái, và mặc dù biết Bát Giái hay láo xược, song vẫn cứ binh!
Cậu Cửu nói:
- Bệnh sân nguy hiểm nhất, nên Tề Thiên phải đeo kim cô mới trị nổi.
Những lời bàn trên đây, lúc nhỏ nghe thấy vui vui nên nhớ. Ðến lúc lớn khôn nghĩ lại mới thấy tiền nhân rất thâm thuý, và các ngài đọc sách, nói chuyện không phải chỉ để mua vui, mà còn dùng làm phương tiện để giáo dục con em 6.
Ông nội tôi thường nói:
- Một lời nói, một việc làm của ông bà cha mẹ đều gây ảnh huởng đến con cháu, không nhiều thì ít.
Thật đúng như vậy. Lòng trẻ con là tờ giấy trắng, một khi đã viết chữ gì lên, dù nét có lạt đến đâu, cũng khó mà tẩy cho thật sạch. Thế nào cũng còn dấu, hoặc ẩn hoặc bày…

*

Thuở tôi lên mười một, mười hai, một bận tôi đau nặng, miệng đắng thèm cam. Nhưng ở Trường Ðịnh không nhà nào có cam, nên đành nhịn thèm chớ không dám ngỏ ý cùng mẹ. Má tôi đoán biết, cho người lên Thuận Nghĩa, xin bác tôi vài quả. Trong vườn bác tôi chỉ còn có một quả vừa chín tới. Bác hái cho đem về. Nghe mùi hương thơm phưng phức, nhìn thấy hình dáng mơn mởn nửa vàng nửa xanh, tôi thích quá ôm riết quả cam vào lòng. Má âu yếm vuốt mái tóc tôi và nói:
- Ðể má gọt cho con ăn.
Nửa muốn ăn, nửa tiếc quả cam đẹp, tôi trao cam cho má với vẻ ngập ngừng. Má hiểu ý, mỉm cười, xẻ quả cam làm đôi, một nửa gọt cho tôi ăn, một nửa úp trên chiếc dĩa con để bên giường tôi nằm. Tôi sung sướng ứa lệ 7…
Tôi nhận thấy tâm hồn má tôi thanh cao và tế nhị quá!
Chẳng những đối với cha mẹ, với chồng con mới chí tình, má tôi đối với bà con, láng giềng, người giúp việc trong nhà cũng tận nghĩa.
Trong nhà luôn luôn có sẵn ký ninh, thuốc cảm, ten-dót, thuốc tím, bông, băng… phòng giúp đỡ người trong lúc cấp bách. Má chịu khó rửa cả những mụt chùm bao hôi thúi, và băng đêm đi cứu thương cho người bị nạn. Ông bà Délignon nghe tiếng, gởi thuốc men nhờ thầy tôi đem về cho má tôi sử dụng… Nhà má tôi có một bận trở thành "trạm cứu thương". Cậu Chánh rầy:
- Cô làm chuyện không lối, sẽ bị ở tù có khi đó chớ chẳng chơi.
Cậu Chánh nói không sai.
Một hôm một người đàn bà ở chòm chợ Suối Bèo đến xin thuốc rét. Má cho hai hoàn ký-ninh. Người đàn bà về được chừng nửa giờ sau thì chạy đến nằm vạ, vừa mửa vừa đập dãy, la làng. Cả nhà lo sợ. Làng nghe tin chạy đến.
Lý hương làng Trường Ðịnh đối với gia đình tôi rất kính nể, song bị người đàn bà làm hung quá, không biết sao phải làm tờ trình huyện. Huyện sai phái xuống khám. Thầy tôi làm việc ở Phú Phong hay tin, xin phép ông Délignon về. Bà Délignon theo xuống…
Ban đầu ai cũng tưởng người đàn bà uống lầm thuốc, trúng độc. Nhưng khám nghiệm kỹ thì không thấy một hiện tượng gì chứng tỏ rằng trúng độc cả. Người đàn bà trông thấy có phái huyện lại có đầm tới, có ý sợ hãi. Thầy tôi đoán có điều chi ẩn khuất, bèn tra mánh người đàn bà. Bị hỏi nhiều câu bất ngờ, người đàn bà dấu đầu hở đuôi, sau phải thú thật.
Thì ra:
Trong làng có ông thầy thuốc Bắc sợ má tôi "cướp" hết khách, nên mới bày mưu hãm hại. Ông thầy mướn người đàn bà đến xin thuốc. Sau khi được hai viên ký-ninh rồi, người đàn bà về trao cho ông thầy. Ông thầy cho người đàn bà ăn một bụng bún rồi cho uống một bát nước rửa thớt và bảo chạy vào nhà chúng tôi, thọc họng mửa ra và hô lên là bị má tôi cho uống thuốc độc!
Phái huyện cho bắt ông thầy thuốc đến, định giải quan trị tội, song thầy má tôi xin.
Cậu Chánh nói:
- Cô thấy chưa? Lòng người nguy hiểm lắm. Hãy dẹp việc cứu giúp người đi, kẻo rồi ăn năn không kịp.
Má tôi đáp:
- Hết lòng giúp người mà rủi gặp hoạ, tôi vẫn không khi nào ăn năn.
Và má tôi vẫn tiếp tục cho thuốc, song có phần dè dặt hơn xưa.

*

Má tôi coi những người giúp việc trong nhà như bà con cật ruột. Khi đau ốm được má tôi săn sóc ân cần, khi có việc được má tôi giúp đỡ chu đáo. Cho nên ai đến ở cùng gia đình tôi, đều ở rất lâu. Và sau khi hết ở cũng vẫn giữ mối tình thân ái như cũ.
Có vợ chồng bà Hai là ở lâu nhất. Hai ông bà ở Sông Cạn thuộc thôn Tân Ðức (trước kia về An Nhơn, nay về Bình Khê). Bà Hai ở vú nuôi má tôi. Ông Hai ở trai cho bà cố. Khi má tôi có gia thất và ở riêng thì bà cố cho ông Hai bà Hai theo giúp việc. Công việc trong nhà thì má tôi giao cho bà Hai, công việc ruộng nương, vườn tược thì về phần ông Hai. Có những món ngon vật lạ, má tôi đều để phần cho bà Hai. Bà Hai rất thương chồng, hễ má tôi để cho bã vật gì, bã đều nhịn cho ổng hết.
Một hôm trên ông nội sai người đem xuống cho má một tiềm ba ba. Má múc để cho bà Hai một chén. Bà Hai nhịn cho ông Hai. Ông Hai không chịu ăn, bảo:
- Muốn ăn cho sướng thì thịt bò xáo chuối cho ngọt, hoặc thịt heo kho nhừ cho béo. Bằng không thì mắm cua đầu kho đặc, hoặc mắm khô đâm ớt cho cay. Nếu không có thì muối ớt. Ăn như thế mới khoái. Chớ thứ gà hầm, cá ám đã chua miệng còn phá bụng, ăn làm mốc gì.
Bà Hai ép:
- Không ăn nhiều thì ăn một miếng thôi.
Nể lòng vợ, ông Hai hả miệng ra. Bà Hai lấy muổng lớn múc đổ một muổng cả nước lẫn cái. Ông Hai nuốt ực rồi nói:
- Không mùi vị gì hết mà cứ ép!
Má tôi tình cờ trông thấy, tức cười quá, nhưng phải gắng nín cười để khỏi làm cụt hứng hai ông mụ. Sau kể chuyện lại cho thầy tôi nghe, thầy cười ngất và nói:
- Thật trái ngược với những cặp vợ chồng ở bốn phía. Chị Thi thì thỉnh thoảng lôi anh chồng ra chửi một trận tối mày tối mặt. Anh Hay thì ít ra một tháng một lần, rượt đánh chĩ chạy la cùng làng cùng xóm. Vợ chồng ông Trét thì cả ngày lầm bầm lì bì không ai nói với ai một lời mà hễ đốt đèn lên là cười như pháo nổ. Ðối xử với nhau, không có cặp vợ chồng nào giống cặp nào cả. Cảnh già như vợ chồng bà Hai là hạnh phúc.
Bà Hai ở với má tôi trên bảy mươi tuổi. Khi biết mình sắp chết bà bảo má tôi đưa bã về Sông Cạn, để "được gần ông bà". Má theo lời, võng bã về nhà, ở nuôi được mấy hôm thì bã mất. Má lo chôn cất xong mới về. Má để tang cho bà Hai ba tháng mười ngày, và tuần tự, giỗ quải má đều lo hết.
Bà Hai mất rồi, ông Hai xin về để gần mộ vợ. Thỉnh thoảng, thiếu hụt mới lên Trường Ðịnh ở chơi năm ba hôm.
Sau hai vợ chồng bà Hai thì có vợ chồng anh Trữ, tình nghĩa cũng rất thắm bền. Anh Trữ ở trai cho thầy má tôi, từ khi thầy má tôi mới đụng nhau. Còn chị Trữ thì ở vú nuôi con em út của tôi. Hai vợ chồng anh Trữ đã thay vợ chồng bà Hai coi ngó việc nhà cửa ruộng nương giúp má tôi, sau khi thầy tôi mất.

*

Thầy tôi mất rồi, anh em chúng tôi vẫn tiếp tục đi học. Má tôi ở nhà với đứa em út mới ba tuổi và chị vú là chị Trữ. Anh Trữ trước kia cùng người em thứ tám là anh Tám Nam ở giúp việc cho gia đình tôi, nhà cửa giao cho người em thứ chín là anh Chín Nồm. Anh Tám Nam chết, ít lâu anh Chín Nồm cũng chết. Người con trai anh Trữ tuy đã có vợ có con song còn khờ, nên ảnh phải đi đi về về để chỉ bảo công ăn việc làm. Chỉ có ban đêm, anh Trữ mới đến để canh tuần kẻ gian, còn ban ngày, khi nào có việc ảnh mới tới.
Thành ra cảnh nhà rất quạnh quẽ!
Ðể khuây khoả, má tôi chú tâm vào công việc đồng áng. Cũng nhổ mạ, tát nước, cũng gặt hái, phơi phang. Trong vườn trong sân, không có một chòm cỏ dại, không có một khoảnh nhỏ đất trống. Cả ngày ở ngoài ruộng, ngoài vườn.
Thầy mất chưa bao lâu mà má tôi trông già và đen điu tiều tụy nhiều quá. Thương mẹ quá, chúng tôi muốn ở nhà phụng dưỡng. Má tôi nghiêm giọng nói:
- Má không bì được Mạnh Mẫu, nhưng lòng nguyện noi gương. Các con chắc đã biết tánh má.
Chúng tôi thất kinh. Từ ấy không dám nghĩ đến việc thôi học. Và để làm vui lòng mẹ, chúng tôi nổ lực học hành. Cuối năm, chúng tôi đều chiếm vị trí cao và đều có phần thưởng hậu. Và khoa thi tiểu học năm 1925, tôi đậu đầu8.
Khi thầy tôi còn thì chúng tôi ăn cơm tháng đi học, vì lúc ấy lúa có giá. Sau khi thầy tôi mất, ở nhà quê đồng mất mùa lúa lại hạ giá. Còn ở thành thị thì làm ra đồng tiền cũng rất gay go. Chúng tôi không thể ăn cơm tháng nữa. Ðể có thể tiếp tục việc học hành, mỗi tháng gánh gạo xuống Qui Nhơn gửi cho chủ đậu nấu cơm dùm và gửi tiền mua đồ ăn. Mỗi tháng hai anh em phải tốn 120 lon gạo và 3 đồng đồ ăn. Tiền giấy bút và tiêu vặt thêm 2 đồng nữa. Ở nhà quê mà tháng nào cũng chạy cho ra 5 đồng không phải là việc dễ.
Một công cấy ruộng rộc, thời bấy giờ, giá chỉ có 50 đồng. Nếu chúng tôi ở nhà thì mỗi năm mua được thêm một công cấy. Trái lại, để có tiền gửi đúng kỳ cho anh em chúng tôi, má tôi phải vay của dì phó tổng Ninh ở Ðại Bình (dì phó là em ruột cậu cửu Ðoàn Nhuận). Mỗi tháng mỗi vay, cuối năm không trả được thì viết giấy bán ruộng cho dĩ. Cậu Chánh thấy năm nào má cũng bán ruộng liền rầy:
- Cô cứ nghe lời con. Không bao lâu nữa thì sạt nghiệp đó.
Má tôi đáp:
- Anh nói sai. Con vâng lời mẹ, chớ sao mẹ lại nghe lời con? Và anh không nhớ câu: "Kim tích mãn sương, bất như giáo tử nhất kinh" ư?
Cậu Chánh làm thinh, nhưng chưa lấy làm phải. Mãi đến khi tôi đậu đầu tiểu học, cậu mừng đến nói cùng má:
- Cô đàn bà mà cao kiến hơn tôi! Mấy đứa con tôi chỉ học lở dở mấy chữ Hán. Bậy quá!
Cậu nói thế là vì bằng tiểu học lúc bấy giờ quí lắm. Ở Trường Ðịnh hai anh em ông Mai Cao Lương, Mai Cao Ðống (học trò cũ của thầy tôi) và ở Xuân Hoà, ông Bùi Thúc bảo (trước học thầy tôi, sau học cùng ông Mai Cao Lương) khi thi đậu được làng đem cờ trống rước như rước Cử nhân Tú tài ngày xưa. Và đậu rồi không đầy một năm thì kẻ được bổ trợ giáo, người đi làm thông nhà thương, vừa có danh vừa có tiền ; người ngoài trông vào cho là "vinh hiển chẳng kém thi đỗ làm quan ngày trước".
Khi tôi đậu, làng cũng xin má tôi cho đi rước. Nhưng má tôi chỉ xin tâm lãnh, vì biết rằng bằng tiểu học trên thực tế không có giá trị bao lăm và nhất là vì không muốn nuôi lòng kiêu căng và lòng thích hư vinh của con cái.
Tuy vậy khi nghe tin tôi đậu đầu, má tôi mừng đến ứa nước mắt, và khi anh em tôi về nhà, má thưởng cho mỗi đứa một áo xuyến Ðập Ðá thật đẹp, và nói:
- Năm nay phần con, sang năm đến lượt em con. Hai con cố gắng làm vui hồn thầy và lòng má.
Vào Ðệ nhất niên Trung học, tôi được học bỗng. Em tôi lên lớp nhất
9.
Lúc bấy giờ trường Qui Nhơn đã có ký túc xá. Mỗi tháng phạn phí 6 đồng. Tôi được học bỗng phải ở nội trú. Em tôi còn nhỏ, ở ngoài một mình bất tiện nên má tôi cũng cho ở nội trú luôn. Tiền mua sách ở trung học lại nhiều gấp bội. Thành thử, mặc dù tôi được học bỗng, phí tổn về việc ăn học của anh em tôi có tăng mà không có giảm. Má phải bán ruộng thêm. Nghĩ đến má, chúng tôi không dám lười. Chúng tôi luôn luôn được bảng danh dự và được giấy khen gửi về nhà cho má tôi. Cuối năm em tôi thi đậu tiểu học, đứng thứ tư.
Kỳ thi tiểu học đáng lẽ em tôi đậu đầu. Kỳ bút thí, em tôi đứng đầu, điểm trội hơn người đứng thứ nhì thứ ba rất nhiều. Song khi vào khẩu vấn, bị ông Martin truy về sử địa, nên trụt xuống thứ tư.
Tuy vậy ở lớp, cọng sổ cuối năm, lại đứng nhất, được phần thưởng danh dự nhiều gấp đôi phần thưởng ở lớp Ðệ nhất niên của tôi. Trong số sách thưởng của em tôi, có bộ sách Vingt mille lieues sous les mers của Jules Verne, bìa da đỏ chữ mạ vàng, làm cho má tôi vui thích nhất. Má bắt anh em chúng tôi đọc và giảng nghĩa cho má nghe.
Thời bấy giờ, người đậu bằng tiểu học đã có một trình độ khá về Pháp văn, nên bộ Vingt mille lieues sous les mers được giải nghĩa thông suốt. Cậu Chánh cũng thường đến nghe. Một hôm cậu thích ý, nói:
- Thế mà lâu nay tao tưởng chữ Tây là chữ xí xô xí xà không nghĩa lý gì hết.
Rồi nói cùng má tôi:
- Thế mà trước kia không bao giờ thầy Thông đem sách tây đọc và giảng cho mình nghe10. Ðọc chữ Tây nghe ríu ríu rít rít như chim kêu, kể cũng vui tai.
Từ ấy Cậu cho các anh đi học chữ Quốc ngữ và chữ Tây. Ðể "mở đường dẫn lối", cậu yêu cầu má tôi mở lớp hè để anh em chúng tôi dạy con em trong làng.
Ở Bình Khê lúc bấy giờ có rất ít người theo học bậc trung học, cho nên anh em tôi rất được trọng vọng. Khi nghe chúng tôi mở lớp dạy hè, các phụ huynh xa gần cho con em tới học khá đông. Tôi cao hứng viết câu đối dán trước cửa lớp học:
Chưa phải thầy, thử làm thầy, dìu dắt anh em đường tiến bộ;
Ðã ra dạy, gắng công dạy, lần hồi chúng bạn bước văn minh.
Má tôi chê không được thuần hậu, và sửa lại:
Chưa đáng thầy, học làm thầy, góp sức vun xây nền đạo nghĩa;
Ðã ra dạy, gắng công dạy, khuyên lòng dong ruổi bước văn minh.
Một hôm tôi giảng bài đã khan cổ, mà nhiều trò lập lại vẫn còn sai. Tôi giận quá, sẵn cây thước cầm tay, đánh trên đầu một trò tối dạ. Bãi lớp tôi vào nhà trong: má tôi ngồi trên giường, bên cạnh để chiếc roi mây, trước mặt trải chiếc chiếu chõng dưới đất, em tọi đứng sau lưng, vẻ mặt lo sợ. Vừa thấy tôi, má nghiêm nghị chỉ xuống chiếu. Tôi không hiểu nguyên nhân, song không dám hỏi, cung kính, nằm sấp cuối đầu. Má để roi lên lưng, nhịp thưng thưng, và hỏi:
- Từ nhỏ đến giờ, đã có khi nào thầy má đánh trên đầu con chưa, mà mới ra dạy học con đã đánh trên đầu người như thế?
Tôi sợ run cả người! Muốn xin lỗi, không mở miệng được, muốn khóc cũng không khóc được. Mồ hôi nhỏ giọt ướt cả chiếu! Tôi bị má tôi phạt nhiều lần rồi, nhưng chưa lần nào tôi sợ bằng lần đó. Má tôi biết, nên rồi dịu giọng dạy:
- Thầy đánh học trò là để cho học trò nhớ lỗi mà lo sửa chữa, chớ không phải để trút lòng tức giận của mình cho hả hơi. Làm thầy cho ra ông thầy không phải dễ. Vì con mới "học làm thầy", nên lỡ lần nầy, má tha cho đó (11).
Tôi lạy xin hết lòng lo tu dưỡng. Từ ấy bước vào lớp, tôi sợ má tôi hơn học trò sợ tôi.
Lúc bấy giờ tôi mới 18 tuổi, em tôi 14 tuổi. Nhiều trò lớn tuổi hơn tôi và một số con các ông cậu lại thuộc về vai anh. Song nhờ uy tín của má tôi và sức ủng hộ của các vị phụ huynh, nên đối với anh em chúng tôi không trò nào dám thất lễ. Tôi dạy học trò lớp nhì lên lớp nhất, và lớp ba lên lớp nhì. Còn em tôi chỉ cho các lớp nhỏ. Học phí trong ba tháng thu trên 60 đồng. Cậu Chánh mừng nói với má:
- Lộc của con đó. Cô khỏi bán thêm ruộng.
Má cười:
- Khỏi thế nào được vì mỗi năm phải tốn đến một trăm. Nhưng không hề gì. Ruộng tôi còn đủ cho chúng ăn học đến nơi đến chốn. Dạy cho vui đó thôi.
Thật vậy. Chúng tôi dạy học, học trò tới lui, cảnh nhà rộn rịp làm cho má tôi khuây khoả bớt niềm nhớ thương thầy. Gương mặt má xinh tươi trở lại.
Nhưng hết ba tháng hè rồi, cảnh nhà lại trở lại hiu quạnh! Những ngày chúng tôi sắp sửa đi Qui Nhơn, má tỏ thái độ nghiêm khắc. Cho nên khi ra đi chúng tôi không dám tỏ thái độ bịn rịn và xuống trường phải cố gác niềm nhớ mẹ nhớ em để lòng rảnh rang lo học tập. Có lắm khi nhớ quá không cầm lòng được, anh em ra nơi vắng vẻ ngồi khóc với nhau. Và hễ trường cho nghỉ được vài ba hôm là anh em dắt nhau đi đêm về thăm nhà. Từ Qui Nhơn lên An Thái thì đi xe kéo. Có lúc không tiền phải đi bộ. Tội nghiệp cho em tôi, đi mỏi mà phải ráng đi, vừa đi vừa khóc thút thít!
Từ Qui Nhơn lên An Thái trên 30 km, xe kéo đi mất 4 tiếng đồng hồ. Hễ trống bãi học rồi, lo xếp đặt quần áo, có khi chưa kịp ăn cơm chiều đã lên xe hối chạy. Về đến An Thái phải đi bộ gần bảy, tám cây số nữa mới tới nhà.
Một lần mùa đông nước lớn, chúng tôi không dám qua An Chánh, phải lên Kiên Thạnh theo con đường núi Thơm để về Trường Ðịnh. Trời có trăng mờ mờ, song đường có nhiều cây cối nên tối đen. Chúng tôi đương đi bỗng nhiên dừng ngay lại, dường như có người cầm giữ lấy chân. Ðịnh thần nhìn kỹ thì thấy trước mặt có một vùng đen ngòm ngòm cắt đứt con đường. Thoạt một con đom đóm từ dưới sâu từ từ bay lên soi sáng. Thì ra đó là một cái hầm bị nước trên núi chảy xuống xoi lở sâu đến lút đầu! Chúng tôi hú hồn! Chỉ bước thêm một bước nữa thì không mất thây cũng gãy cẳng! Lại nhờ bóng đóm, chúng tôi thấy sát chân núi có một khúc gòn bắt làm cầu. Chúng tôi mừng khỏi phải ngủ đường, liền vịn rễ cây qua cầu.
Về nhà kể chuyện lại cho má tôi nghe, má tôi "lạnh cả người" và cấm chúng tôi không được về đêm nữa, mặc dù ở nhà trông con từng phút từng giây.
Lòng mẹ thương con không biết lấy gì đong cho vừa!
Từ ngày anh em tôi đi xuống Qui Nhơn học, đến kỳ nghỉ tết và nghỉ hè, nhất là kỳ nghỉ hè, luôn luôn má ra ngõ đứng trông, hoặc xuống bờ Thú Hưng đợi. Trong bài Nhớ con, má có câu:
Nghe con sắp được nghỉ hè
Thẩn thơ ngõ trúc bờ tre trông chừng (12)
Nhưng kỳ nghỉ hè 1927, chúng tôi về đến Thú Hưng không thấy má về đến ngõ chỉ thấy đứa em gái chúng tôi chạy ra mừng. Lòng chúng tôi đã thấy e ngại, vội dắt em chạy vào nhà: Má tôi ngồi trên giường ngó ra, nét mặt gầy và đượm sắc buồn. Anh em tôi vội chạy đến quỳ ôm chân má, bệu bạo:
- Má sao thế má?
Má tôi ứa nước mắt, vuốt tóc chúng tôi đáp:
- Các con đi thay áo xống rồi ăn cơm kẻo đói bụng. Má chỉ bị cảm sơ sơ.
Quang cảnh trong nhà thật đìu hiu vắng vẻ. Trừ tiếng cười tiếng nói của con em lên bảy, trước sau không có một tiếng động.
Lúc bấy giờ má không còn làm ruộng nhà. Tất cả ruộng nương đều cho vợ chồng anh Trữ làm rẽ hết. Chị Trữ đã thôi ở cùng má. Thấy má cô quạnh, dì Bảy (chị em cô cậu với má, goá chồng và không con cái) đến ở với má cho có bạn. Dĩ ít nói, cả ngày lủi thủi làm lụng như một cái bóng. Tuy vậy trong ngoài sạch sẽ, đồ đạt sắp xếp ngay hàng thẳng lồi như nhà có nhiều lao công. Phòng dạy hè cũng đã dọn dẹp tươm tất.
Cậu Chánh và các vị phụ lão trong xóm nghe tin chúng tôi về, đến thăm và hỏi:
- Chừng nào mở lớp?
Má đáp:
- Xin cho các cháu nghỉ mười hôm.
Một vị phụ lão cười:
- Chắc cậu sáu mắc lo đi coi mắt vợ chớ gì? Cô đã nhắm được nơi nào chưa?
Cậu Chánh nói:
- Mấy tháng nay tôi thấy cổ đi luôn, mà không biết đã nhắm được đâu chưa, chưa thấy cổ cho biết.
Má chỉ cười chớ không đáp. Tôi tưởng là cuộc nói đùa cho vui. Nhưng tối đến, cơm nước xong, tôi sắc thuốc bưng vào, thì má bảo:
- Con để thuốc trên bàn, để nguội má sẽ uống, và ngồi đây má nói chuyện:
Tôi ngồi bên cạnh má. Má nằm nắm lấy tay tôi, và nói với một giọng cảm động khác hẳn ngày thường:
- Con phải lo cưới vợ.
Một hơi lạnh chạy khắp mình tôi, tay tôi hơi run. Má tôi mỉm cười và nhìn tôi với vẻ âu yếm lẫn van lơn. Ðây là lần đầu tiên má tôi tỏ thái độ mềm yếu trước con cái. Tôi xúc động quá, gục đầu vào lòng má tôi. Má tôi vuốt tóc tôi, nói tiếp:
- Ðây là sự chẳng đừng được. Con hãy bình tĩnh để má nói rõ cho con nghe.
Rồi má bảo tôi đưa chén thuốc. Và má ngồi dậy thổi uống một nửa:
- Khuya, con hâm nửa còn lại ; má sẽ uống để ngủ.
Ðoạn ngồi tựa gối, nói tiếp:
- Má không còn ở với các con được bao lâu nữa.
Tôi thất kinh, ôm chầm má tôi, kêu:
- Má!
Má tôi vuốt tóc tôi:
- Con trai con đứa mà sao tâm hồn yếu ớt đến thế! Má đã chết liền đâu mà con hoảng hốt như vậy!
- Má!
- Ngồi yên tĩnh nghe má nói: Từ ngày thầy con tạ thế, mỗi tháng ít ra cũng một lần thầy về thăm má. Thầy con đi về cũng như lúc còn làm sở Délignon. Nhưng ngót nửa năm nay không thấy thầy con về, má rất nhớ trông. Hôm tháng trước thầy con lại về. Má trách. Thầy con nói: " Vợ chồng mình đã đến ngày sum họp vĩnh viễn rồi, tôi phải lo tìm nơi thích nghi, nên không về thăm mình được. Thôi mình hãy lo thu xếp việc nhà cho yên xong, rồi tôi sẽ về đón". Má chưa kịp hỏi thêm gì thì thầy con đã biến mất. Lâu nay những lời nói của thầy con thảy thảy đều ứng nghiệm. Cho nên má biết rằng má sắp xa các con. Thêm nữa sau đêm gặp thầy con má thấy trong mình khó chịu. Bệnh ngó thì không ra sao, song má biết rằng thuốc không chữa được mệnh. Bởi vậy má phải lo gấp việc gia thất cho con.
- Má!
- Má thương các con lắm. Má cũng muốn sống nuôi hai em con đến lúc lớn khôn. Song làm sao cưỡng được số trời. Má biết hai con không đến nỗi hư hỏng. Nhưng muốn ăn học cho đến khi nên người thì phải có chỗ nương tựa. Các con không thể nhờ cậy chú bác, cậu dì được. Nên con phải cưới vợ. Má đã lựa được nơi xứng đáng rồi. Ngày mốt đây má sẽ cho người đưa con đến xem mặt đứa con gái. Nếu con ưng thì má sẽ lo liệu.
Má tôi là người thận trọng. Nói điều gì, làm việc gì cũng đều cân nhắc đắn đo kỹ càng. Cho nên không bao giờ anh em chúng tôi dám cãi mệnh.
Ngày hôm sau, má tôi tuy sức vẫn yếu, song nét mặt trở vui vẻ hẳn lên. Má nhìn tôi cười. Tôi mắc cỡ đỏ cả mặt. Má cốc nhẹ trên đầu tôi một cái:
- Hư lắm! Ðàn ông, con trai không nên đeo tánh nết đàn bà con gái.
Rồi bảo tôi ngồi bên cạnh và nói tiếp:
- Người má lựa cho con đó là con gái đầu ông Nguyễn Thái Hoàng ở Phú Phong. Ông Nguyễn Thái Hoàng là một đại phú gia trong huyện Bình Khê.
Tôi vốn có thành kiến với các nhà trọc phú, nên nghe nói đến chữ "đại phú gia" thì lòng tự nhiên phản ứng: đôi mày tôi khẽ nhíu lại. Má tôi thoáng biết ngay. Má cười:
- Con tưởng má ham giàu à? Con khờ quá! Má đã đi coi nhiều nơi rồi. Má chỉ nhắm được có nơi đó. Bà nội rất phúc đức. Bà mẹ tánh tình ai cũng khen cũng phục. Còn con nhỏ, tuy con nhà giàu, ở gần phố, cha lại có biệt thự tại phố Cây Cốc, mà vẫn ở trong nhà quê với mẹ và bà nội, chăm lo việc gia đình, chớ không đua đòi theo chị em. Mặt mũi sáng sủa ngó dễ thương lắm và bốn phía ai cũng khen rằng có nết na. Vì vậy mà má ưng ý.
- Thưa má. Họ giàu, mình nghèo, chắc gì họ gả.
- Ở Bình Khê, nhà nào giàu hơn họ Quách, họ Trần? Giấy rách vẫn còn lề. Hai ông bà ông Nguyễn Thái Hoàng vốn tay trắng dựng nên cơ nghiệp, má chắc là người thấy xa hiểu rộng, không có ý thức "cân của làm sui". Thôi, cậu hãy "sửa bộ mặt cho sạch sẽ dễ coi" đi, để sáng mai sớm lên Phú Phong.
Ở Phú Phong tôi có bà cô tên là Năm Lâu, em bạn dì của thầy tôi. Việc tôi lên coi mắt vợ, má tôi đã cho cô tôi biết trước và cậy cô tôi tìm cách cho tôi thấy được rõ ràng… nên cô tôi đã bố trí chu đáo. Song lúc bấy giờ tôi chưa biết muốn vợ, lại thêm tự nghĩ:"má mà đã khen là dễ thương thì nhất định là dễ thương, còn phải coi làm chi cho mất công". Cho nên tôi không lưu tâm đến việc gặp gỡ. Khi về nhà, má hỏi, tôi thưa:
- Con đồng ý với má.
Má cười:
- Sao tiến bộ chóng thế? Có thấy thật không hay nói láo cho qua chuyện? Liệu đó, chớ sau nầy đừng «đổ thừa» tại mả đó nhé.
Thế rồi tôi lo dạy học cùng em tôi. Má lo nhờ mai mối đi nói, rồi đi hỏi. Ðám hỏi lo xong (ngày 11 tháng 6 âm lịch) thì má tôi mệt nặng. Tôi cho học trò nghỉ để lo việc thuốc thang. Những ông lang hốt thuốc cho má lâu nay đều bất lực. Tôi rước thấy Tàu An Thái, rồi đưa má đi nhà thương Kim Châu. Má chìu ý tôi, nhưng nói:
- Không uống thuốc, không đi nhà thương, sợ các con buồn. Chớ dù có thuốc tiên cũng không chữa được mạng. Nhưng sang năm má mới theo thầy con.
Thấy má mỗi ngày mỗi yếu thêm, thuốc thang không chút hiệu quả, anh em tôi hết sức buồn lo. Nhưng má tôi vẫn bình tĩnh và thường nói cùng tôi:
- Người sắp chết thường lo cho con cái không người nuôi nấng thương yêu. Má đã tìm cho con một nơi phước đức rồi. Má yên tâm mà nhắm mắt. Con không nên buồn. Co lo sao cho con và hai em con nên người phải, đó là thương thầy má. Sống lâu không phải ở nơi tuổi tác, mà do nơi con cháu biết làm cho rạng vẻ môn mi. "Hữu sanh thể phách hoàn thiên địa ; bất tử tinh thần tại tử tôn". Má mong sao các con ráng làm cho "tinh thần bất tử". Ðó mới thật là có hiếu.
Tuy yếu, nhưng ngày nào má cũng bảo chúng tôi đọc truyện cho má nghe. Ngoài những bộ Ðông châu, Tây du, Tam quốc đã có sẵn từ trước, chúng tôi mỗi năm mỗi mua thêm một số nữa như Hán Sở tranh hùng, Thuyết Ðường, Nhạc Phi, Tống Ðịch Thanh, v.v. Má rất lấy làm thích thú.
Ông gia bà gia tôi nghe tin má tôi uống thuốc thầy Tàu, uống thuốc nhà thương Kim Châu không bớt, liền tìm mua sâm tốt và cho gia y là thầy Lưỡng Xuông xem mạch hốt thuốc. Má tôi khoẻ dần dần và đến cuối tháng 7 âm lịch, hết hạn nghỉ hè, thì má đi ra đi vô được. Chúng tôi yên tâm tựu trường.

*

Khi bằng lòng gả con cho tôi, ông gia tôi có giao hẹn cùng má tôi rằng chỉ cho đi hỏi sớm, còn cưới thì phải đợi năm sau. Má tôi bằng lòng. Nhưng sau khi uống thuốc thầy Lưỡng, khoẻ được mấy tháng thì má tôi yếu trở lại mặc dù thầy hết lòng và thuốc hốt toàn thứ tốt. Biết rằng không còn sống được bao lâu nữa, má tôi yêu cầu ông gia bà gia tôi cho làm lễ cưới trước kỳ hạn. ông gia bà gia tôi hoan hỷ chấp thuận. Lễ cưới cử hành ngày 11 tháng chạp âm và lễ rước vào ngày 26. Vì tất cả đã chuẩn bị trước nên mặc dù má yếu, nghi lễ không thiếu sót và buổi lễ rất long trọng. Hôm đám hỏi, má tôi thân hành đến nhà gái. Nhưng ngày cưới, vì sức yếu quá nên bác tôi đứng chủ hôn.
Rước vợ tôi về Trường Ðịnh rồi, má tôi cho mời bác tôi, và ông gia tôi đến bàn việc nhà.
Má tôi thưa cùng bác tôi:
- Làng Trường Ðịnh không thể ở được nữa. Sau khi tôi qua đời, phải bán hết nhà cửa ruộng đất. Lũ con tôi sau nầy muốn ở Thuận Ngãi, Phú Phong hay nơi nào tuỳ ý.
Và thưa cùng ông gia tôi:
- Anh chị vốn có lượng bao dung, đã thương rể tất thương luôn hai đứa em côi của nó. Tôi xin gửi chúng cho anh chị. Ruộng đất của tôi bán hết cũng tạm đủ cho thằng Tạo ăn học đến đậu bằng trung học. Nếu có thiếu hụt, anh chị cho cháu mượn thêm, cháu không dám quên ơn đức. Ðưá con gái út của tôi nó cũng theo chị nó về làm bạn cùng lũ con gái anh chị. Ðược anh chị chu toàn cho, tôi yên tâm mà nhắm mắt.
Bác tôi và ông gia tôi xin nhận lời.
Má tôi cho mời Cậu Chánh Trần Trác đến, và thưa:
- Lũ con tôi còn nhỏ chưa có thể phụng tự ông ngoại và cậu chúng được. Tôi có trích đám Mốc và đám Cổng làm hương hoả. Tôi chết rồi, nhờ anh rước vong linh cậu tôi và em tôi về từ đường thờ. Sau nầy con tôi lớn khôn, chúng sẽ lo đền ơn trả thảo cho ông ngoại.
Giấy ruộng má đã viết sẵn, bèn lấy giao ngay cho Cậu Chánh.
Sắp đặt xong mọi việc, má tôi yên vui. Tuy nằm một chỗ mà lễ tết má tôi chỉ vẽ cho nhà tôi sắm sửa chu đáo, trong nhà vui vẻ như mọi năm.
Má tôi đối với nhà tôi hết sức thương yêu. Má thường nói riêng với tôi:
- Má rất tiếc không sống được để dạy dỗ vợ con. Nó phúc hậu và sáng ý, lại khéo tay. Nếu được má chỉ vẽ thêm thì con gái huyện nhà chưa chắc đã có người hơn nổi. Má không ngờ phải theo thầy con gấp, nên môn cắt áo đậu bông của ông nội còn truyền cho má và các món bánh Tàu bà cố ngoại con dạy, má không truyền lại cho nó được. Cách pha trà má học được của bà cố ngoại, nhưng lũ bay đều hạng ""ngưu ẩm", có biết cũng không ích gì.
Má tôi cũng thường khuyên dạy nhà tôi cách xử thế. Lại dặn riêng những "bí quyết" để "trị" tôi. Nhưng dặn nhà tôi giữ kín, nên tôi đành chịu đứng ngoài "vòng bí mật".
Tết xong, bệnh má tôi nặng thêm. Tôi biết không qua khỏi tháng giêng, định xuống trường xin phép thêm (vì tôi đã được phép nghỉ trước lễ nghỉ tết đến 10 hôm để cưới vợ, theo đơn xin của má tôi) để ở nhà với má. Nhưng đến chiều mồng 6 tháng giêng âm lịch, má gọi anh em tôi vào dặn:
- Sanh ly tử biệt là cảnh đau lòng nhất trên thế gian. Song thầy các con đã dạy rằng không có gì đáng bi lụy, vì đó chỉ là cảnh thay đổi của ngày đêm. Các con nhớ "chết là đi về" và "sống lâu không ở nơi tuổi" như má đã nói với các con. Ðể má yên vui nơi chín suối, các con nên nhớ những lời má đã dạy bấy lâu nay. Tức là phải ăn ở cho phải Ðạo. Nếu vun thêm nền phúc đức của ông bà để lại không nổi thì ráng giữ đừng cho sụp lở. Và sau khi an táng má xong, các con phải bán nhà bán ruộng, về nương nhờ anh chị bên Phú Phong. Nhất định không nên bịn rịn nơi các con đã sanh trưởng. Quê hương ai lại không thương yêu. Nhưng chỉ bo bo giữ gốc tre làng, sao bằng lo lập nên công nghiệp để làm vẻ vang cho làng nước. Thầy má sẽ luôn luôn ở bên các con để phù hộ cho các con lo tròn nghĩa vụ của kẻ làm con làm dân, nếu các con nhớ lời má dặn.
Ðoạn kêu nhà tôi bảo lo sửa soạn hành lý để ngày hôm sau chúng tôi tựu trường, vì ngày mồng 7 khai hạ hết hạn nghỉ tết:
- Con được học bỗng, phải giữ kỷ luật trường chặt chẽ. Con phải có mặt tại trường ngày mở lớp. Má có đi cũng mươi hôm nữa. Má sẽ tin cho các con biết ngày má đi để các con về.
Sáng hôm sau, má lại gọi nhà tôi bảo lo dọn cơm nưóc cho anh em tôi ăn đi Qui Nhơn. Chúng tôi không dám trái mệnh. Song có cảm giác rằng má tôi không còn ở lại được lâu, nên ăn uống xong, vào chào má rồi mang gói ra cửa trước đi quành ra cửa sau, lén chun vào nhà trên ẩn náu. Má nằm buồng nhà dưới, cửa đóng kín. Chúng tôi nằm lặng im. Nhà tôi lo dọn dẹp dưới nhà bếp. Trong ngoài yên lặng như tờ. Vài giờ đồng hồ sau má tôi gọi nhà tôi hỏi:
- Sao hai đứa nó chưa đi?
Nhà tôi thưa:
- Dạ đi rồi.
Má rầy:
- Chúng nó trốn trên nhà trên, chớ đi gì! Bảo chúng nếu còn bần dùn, má sẽ chết ngay bây giờ.
Chúng tôi thất kinh, phải gạt lệ ra đi.
Ðến Qui Nhơn đã tối. Sáng hôm sau chúng tôi mới vào trường. Vừa đến văn phòng thì ông Tổng Giám thị Huỳnh Văn Gi cho hay rằng má tôi đã mất và cho phép chúng tôi về nhà chịu tang 10 ngày.
Thì ra chúng tôi ra đi được vài giờ đồng hồ thì má tôi mất, vào lối bốn giờ chiều. Nhà tôi liền cho người lên tin cho bác tôi và ông gia bà gia tôi biết. Ông gia tôi một mặt đánh điện tín xuống Qui Nhơn, một mặt cho gia nhân xuống giúp nhà tôi.
Từ lúc bệnh trở nặng đến lúc nhắm mắt má tôi luôn luôn bình tĩnh và tỉnh táo. Nằm một chỗ mà mọi việc đều sắp đặt chu đáo và quan tài cùng đồ hậu sự cũng đã mua sắm sẵn sàng. Trước khi đi, dặn đi dặn lại người nuôi:
- Tôi chết rồi thời phải liệm ngay vì hôm nay được ngày. Rồi ngày mai, hai đứa con tôi về lúc nào là đưa tôi đi lúc ấy.
Cho nên khi anh em tôi về thì ông gia bà gia tôi và bà con bên nội bên ngoại đều đã tề tựu đông đủ. Chúng tôi vào nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, rồi nghìn thu vĩnh biệt!
Thảm quá Má ơi!
Anh em tôi lúc bấy giờ thân xác rã rời, tâm hồn tê tái. Nhà tôi mới 16 tuổi đầu lại mới về làm dâu chưa đầy nửa tháng! Nhưng nhờ ông gia bà gia tôi bỏ cả việc nhà xuống đôn đốc mọi việc và nhờ sức ủng hộ của bà con cô bác gần xa, nên đám tang rất chu đáo và rất trọng thể.
Má tôi an nghỉ cạnh thầy tôi theo sở nguyện lúc bình sanh.
Ðám tang xong rồi, mọi người đều đi về nhà hết. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng tôi và hai em tôi cùng dì Bảy với ông Năm Tân là người lão bộc ông gia bà gia để lại giúp đỡ chúng tôi. Cảnh nhà quạnh vắng đến lạnh lùng. Nhất là ban đêm, cảnh càng thê lương áo não! Trước bàn thờ mẹ, bốn chúng tôi phủ phục mà khóc. Nhìn thấy hai em nhỏ dại, tôi đứt từng đoạn lòng! Không buồn ăn, không buồn ngủ. Lắm lúc tôi cảm thấy nghẹn thở! Tôi có cảm giác bị nhận chìm dưới biển sâu, và vợ cùng hai em tôi là ba chiếc bong bóng nổi lênh bênh trên biển cả ngay trước mắt tôi nhưng ở tận trên mặt sóng xa cách nghìn trùng. Tôi thấy ngợp và quằn quại từng cơn.
Ðau đớn quá, em tôi vừa khóc vừa nói cùng chị:
- Em hết muốn học nữa!
Nhà tôi nghẹn ngào đáp:
- Má dặn đi dặn lại tôi chớ để cho chú và nhà tôi bỏ học một ngày. nếu chú và nhà tôi thôi học, tôi phải mang tội cùng má trước nhất.
Lúc bấy giờ tôi không còn nghĩ đến gì cả. Tôi đã mất hẳn lòng tự chủ mà má tôi đã rèn luyện bấy lâu. Em tôi muốn thôi học, nếu nhà tôi cũng muốn nữa, thì chắc tôi cũng theo. Nhưng nghe nhà tôi nói tôi liền nhớ đến lời ông gia tôi nói với giọng nghiêm nghị, khi ra về:
- Làm tuần thất nhật rồi, anh em con phải về ngay Phú Phong để đi xuống trường. Còn con Em ở nhà với chị nó. Cô Thông đã căn dặn trước khi mất. Các con không được trái lời.
Tôi tự nghĩ:
- Ði hết ai lo bát nước nén hương!
Nhưng tôi vụt thấy đôi mắt má tôi nhìn tôi nửa thương nửa quở:
- Thờ cha mẹ nơi tâm chớ đâu phải nơi hương khói. Nhớ thương cha mẹ thì phải lo hoàn thành sở nguyện của cha mẹ buổi bình sanh, chớ đâu phải đắm mình trong nước mắt?(!13)
Tôi phải cố gắng dồn tất cả nghị lực để chống mọi nỗi buồn thương chán nản. Không phải là dễ! Nhưng nhờ những lời giáo huấn, lời di huấn của má tôi luôn luôn vang vọng bên tai tôi, khiến cho tâm phải nhượng bộ trí.
Cho nên làm tuần thất nhật xong, chúng tôi giao nhà cửa cho dì Bảy coi ngó, và nhờ dì lo việc hương khói hằng ngày cho má tôi. Con Em thì giao cho nhà tôi săn sóc. Còn hai anh em tôi lo tiếp tục việc học hành.
Ở nhà cứ rằm và mồng một mỗi tháng, nhà tôi ở Phú Phong, mua sắm lễ vật thân hành đem xuống Trường Ðịnh cúng má tôi.
Sau khi làm tuần ba tháng mười ngày cho má tôi xong, chúng tôi rước hương linh thầy má về thờ tại nhà bác tôi ở Thuận Nghĩa (tức Quách Trọng Ðường là từ đường của ông nội tôi, mà bác tôi phụng tự). Cậu Chánh rước ông ngoại tôi về thờ tại từ đường họ Trần. Còn vườn nhà thì bán cho mợ Tú Khương.
Từ đây chúng tôi bước sang đoạn đời khác, nhưng cảnh buồn không cha mẹ, nỗi buồn thương khi mất mẹ, chẳng những không bao giờ phai lạt, mà mỗi ngày mỗi thêm thấm lịm vào tâm, mỗi thêm cô đọng nơi hồn. Cuộc đời đã bao nhiêu lần biến đổi, sớm tối đã hơn bốn mươi năm qua, mà hễ nghĩ đến mẹ già xưa là không cầm được nước mắt!

*

Lòng tôi thương yêu thờ kính thầy và má tôi thật không có nặng nhẹ.
- Cảnh có núi sông nhiều thú lạ
Ðời không cha mẹ ít khi vui.
- Tùng trúc cảnh xưa còn thấy đó
Thung huyên bóng ngã biết về đâu.
Nhưng đối với thầy tôi, tôi có cảm tưởng là thầy đi du lịch. Cho nên chỉ nhớ như nhớ người đi xa chớ không buồn thương. Còn đối với má tôi, mỗi lần tôi nghĩ đến thì lòng tôi luôn luôn thảm thiết, não nùng! Nói đến những bà mẹ hiền đức, trông thấy những bà mẹ phúc hậu…, nước mắt tự nhiên rơi!
- Ðùm bọc nghĩ thương em trẻ dại
Ấm no thêm nhớ mẹ già xưa!

*

Còn ngôi nhà ở Trường Ðịnh, tuy bán cho mợ Tú, song mỗi lần chúng tôi về thăm phần mộ thầy má, chúng tôi đều ghé vào thăm cho đến lúc mợ Tú triệt hạ nhà cũ dựng nhà mới và sửa sang lại vườn tược làm mất những dấu tích ngày xưa. Lần cuối cùng tôi về thăm vườn nhà cũ là mùa xuân năm 1932. Áo não bồi hồi, tôi có bài thơ cảm tác:
Quê người dong ruổi bấy nhiêu lâu
Vườn cũ về thăm cảnh dãi dầu
Trống trải ba gian nhà nhện choán
Ngửa nghiêng bốn mặt dạu bìm leo
Cội tùng bóng ngã sương rơi lệ
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu
Lẳng lặng bên thềm ôn chuyện cũ
Giật mình ngỡ đến chốn nào đâu!

*

Và từ ấy vì đi làm việc xa, nên chỉ vài ba năm một lần, chúng tôi mới về Trường Ðịnh. Mà về cũng chỉ để thăm phần mộ thầy má chúng tôi mà thôi. Vì má tôi mất rồi thì tình bà con bên phía ngoại đối với chúng tôi không còn đằm thắm như trước, nhất là sau khi cậu Chánh qua đời. Chừng ấy tôi mới thấm thía câu nói của má tôi trước khi mất:
- Làng Trường Ðịnh không thể ở được nữa.
Tình người tuy có bạc, song tình quê đối với người cũ, nhất là phần mộ của hai thân vẫn giữ chặt lòng tôi vào làng Trường Ðịnh. Tôi mong làm được một cái gì cho làngTrường Ðịnh nơi còn giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm về đời thơ ấu của tôi, và nơi thầy má tôi an nghỉ vĩnh viễn.
Phần mộ của thầy má tôi bằng đất. Năm 1930 tôi muốn xây mộ vôi, để được yên tâm khi làm việc nơi xa xứ. Nhưng ông tú Võ Kiêm (chồng sau bà ngoại tôi) đến xem cuộc đất, bảo chưa được năm. Ðến năm 1936, tôi lại muốn thực hiện ý muốn một lần nữa. Ông gia tôi nhờ ông thầy địa có tiếng ở Tuy Phước, tục gọi là ông "Ðại Hào mục" đến ngắm đi ngắm lại, rồi bảo rằng "mộ thầy tôi đã kết, làm vôi sợ động không nên". Dượng hương Bỗng tức ông Bùi Sơn Nhi ở Xuân Hoà cũng nói:
- Ông nội cháu thường dặn: "Hễ mồ mả cha ông đã yên rồi thì không nên đụng đến". Cho nên mộ ông Thỉ Tổ của cháu vẫn là mộ đất, mặc dù con cháu giàu có đời nọ nối đời kia.
Vì vậy mỗi lần nảy ý định xây mộ vôi cho thầy má thì lòng lo ngại "đào móng động anh khí kết tụ", nổi lên ngăn lại. Cho nên mãi đến nay vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện. Mấy năm giặc giã liên miên, không về thăm được, mỗi lần nghĩ đến, lòng tôi ngùi ngùi.
Nha Trang, Trọng Xuân Ðinh Vị
(Tháng 3 năm 1967)
 

Xem Tiếp: ----