Chương 1
Khi Nàng Chưa Lớn

Chuyện xảy ra hết sức bất ngờ, đến nỗi tận bây giờ Miêu vẫn chưa hết bàng hoàng ngạc nhiên. Sau sự kiện choáng ngợp tưng bừng ấy, rất nhiều chuyện đến với Miêu, vui cũng có mà buồn cũng có. Có cả những chuyện rắc rối mà Miêu... không hiểu gì cả!
Miêu lớn lên ở một xóm nhỏ ngoại thành bao quanh bởi những con kênh xanh, hai bên bờ rậm rạp dừa nước và những lùm Bình Bát. Có lẽ vì vậy mà xóm có tên là xóm Bình Bát. Trong xóm, những con đường đất đỏ chạy ngang chạy dọc rất thẳng hàng, gặp nhau ở những ngã tư vuông vức, mùa khô thì khấp khểnh đá ong, mùa mưa thì bùn sình láp nháp. Một quãng đường có khoảng chục căn nhà, nhà này nối nhà kia bằng hàng rào dâm bụt - loại dâm bụt hoa bằng nắm tay, cánh mỏng tang khum khum chụm vào nhau trông hệt chiếc lồng đèn. Những cái lồng- đèn-hoa chỉ đỏ rực lên vào buổi sáng và tàn lụi buổi chiều.
Miêu nghe nói, xóm Bình Bát chỉ cách thành phố một chuyến phà. Nghe nói thôi chứ trong xóm hình như không ai tha thiết chuyện vào thành phố làm gì bởi một chuyến phà băng ngang con sông cũng tiêu tốn mất mấy tiếng đồng hồ. Mấy tiếng đồng hồ ấy, người ta làm được bao nhiêu việc nhà. Ai cũng biết thời gian là vàng bạc nên chả ai muốn bỏ phí thời gian vì những chuyện vớ vẩn không đâu.
Thỉnh thoảng, có những người lạ từ thành phố tìm vào xóm Bình Bát. Họ ngồi trên một chiếc xe tải không mui chất những thùng hàng cao ngất, chạy rầm rầm. Tiếng xe cùng với tiếng loa quảng cáo khiến những cánh cửa gỗ lá sách rung lên. Dân trong xóm nghe tiếng cửa rung, tiếng xe chạy rần rần, tò mò chạy ra xem. Xe tải dừng lại. Mọi người vây quanh, nhìn vào những thùng hàng mở toang, tha hồ lựa chọn mua sắm. Hàng hoá là những vật gia dụng như bình thủy đựng nước đá, xô xách nước, chổi quét nhà bằng nhựa, mì ăn liền đóng thành từng bao hơn chục vắt hay những thứ bánh kẹo, thịt hộp, cá hộp trong những bao bì xanh xanh đỏ đỏ rất đẹp. Người ta xáo tung lên, tìm mua những thứ mình ưa thích. Khi những thùng hàng cạn láng, hết nhẵn thì xe tải lại nổ máy, ầm ầm đi về phía đường chân trời. Khi đụng phải đường chân trời, chiếc xe chúi mũi xuống, nhổm đuôi lên y như một người đang chuẩn bị nhảy xuống sông tắm rồi nhanh chóng lặn mất hút, chỉ còn lại đám bụi đỏ cuộn lên trên những vòm lá xanh.
Mỗi lần xe tải đến và đi là ông ngoại lại bận rộn. Đó là bởi những người mua thực phẩm đóng hộp ăn thử hoặc ăn hết đống đồ hộp. Tùy theo mức độ tiêu thụ mà chứng bệnh “rối loạn tiêu hoá” của họ nặng hay nhẹ, phải uống thuốc nhiều hay ít, lâu hay chóng.
Ông ngoại Miêu là ông lang duy nhất trong xóm. Vừa chữa bệnh, ông vừa làm thuốc bán. Không phải tại trong xóm không có bác sĩ mà bởi người ta sợ những ống chích gắn kim nhọn đâm nhói vào thịt da và cái ống nghe bằng kim loại áp vào ngực lành lạnh. Người ta thích “tìm về thiên nhiên” với ông ngoại Miêu hơn. Ông ngoại Miêu bán thuốc Bắc. Thuốc của ông rất ngộ, rất dễ thương, toàn là hoa lá cành. Nhà ông lúc nào cũng đậm đặc mùi cây cỏ. Từ những ô ngăn kéo vuông vức của cái tủ gỗ cao nghệu áp sát tường, những củ, rễ cây, những thanh vỏ quế, lát cam thảo và hàng trăm vị thuốc khác chen chúc nhau ngát hương thơm.
Miêu thường đứng ngẩn ra trước cái tủ. Ít nhất phải có đến trăm hộc tủ, hộc nào cũng vuông chằn chặn giống nhau y hệt, mỗi hộc lại đựng một vị thuốc khác nhau, làm thế nào ông có thể mở đúng hộc, lấy đúng vị thuốc mà ông muốn? Miêu chịu. Miêu chỉ nhớ đúng hai hộc đựng táo tàu và nhãn nhục mà thôi!
Anh em Miêu cách nhau một tuổi. Ngoài những lúc chữa bệnh bốc thuốc, ông ngoại để tâm nghiên cứu về thiên văn. Ông bảo, tử vi là một môn khoa học thiên văn chuyên khảo sát hệ thống các ngôi sao liên quan chặt chẽ đến cuộc đời của con người ta cho nên người ta hay ví von con người là ngôi sao này, ngôi sao kia. Ví như Nguyễn Du - tác giả Truyện Kiều là “ngôi sao Bắc đẩu”; Nguyễn Trãi - người viết Bài cáo bình Ngô là “sao Khuê vằng vặc”. Còn chúa Chổm do bị ảnh hưởng của chòm sao Tua rua nên cả đời lúc nào cũng… te tua rách nát!
Ông ngoại nói với mẹ Miêu:
- Số con Miêu xuất thân bằng võ nghiệp!
Mẹ ngơ ngác:
- Cụ Ơi, cháu là con gái, làm sao xuất thân bằng võ nghiệp được hở cụ?
Ý mẹ sợ Ông già nua lẩm cẩm, có khi nhầm lẫn. Tại sao một lũ con trai lốc nhốc lại không “xuất thân bằng võ nghiệp” mà là Miêu? Ông ngoại nghe mẹ hỏi thế cũng đâm nghi ngờ. Ông rút vào phòng sách, đóng cửa kín mít suốt một ngày nghiên cứu lại lá số. Ngày hôm sau, ông mở toang cửa ra, nói như đinh đóng cột:
- Nhầm thế nào được!
Tuy nhiên, để phòng xa, mẹ đặt cho Miêu một cái tên rất du dương, êm ái: Nhã Ca. Anh Tuấn chơi “đố vui để học” với anh Tú:
- Câu hỏi thứ nhất, thí sinh nghe đây: Đố bồ biết “bình dị” nghĩa là gì?
- Nghĩa là bình thường một cách… kỳ dị!
- Đúng! Một câu nữa: Đố bồ biết “kiêu kỳ” nghĩa là gì?
Anh Tú vờ suy nghĩ một lúc rồi mới nói:
- Nghĩa là kiêu căng và kỳ… cục!
Anh Tuấn cười ha ha, đập bàn khen ngợi:
- Đúng quá! Một câu nữa: “Nhã Ca” nghĩa là gì?
- Nghĩa là nên ca hát một cách… nhã nhặn!
- Rất đúng! Thí sinh thật là xuất sắc! Mỗi khi có ý định hát hò, phải chịu khó thăm dò xem chung quanh có ai chịu nghe mình hát hay không đã chứ!
- Nói thế mà cũng nói! Mẹ nói tên em có nghĩa là “lời ca êm dịu”! - Miêu cãi.
Anh Tú tròn mắt:
- Thế à? Thế mà mỗi lần bồ hát, tui nghe eo éo như tiếng mèo kêu, có êm dịu gì đâu?
- Chứ mỗi lần bồ hát thì hay lắm chắc?
Anh Tú vênh mặt:
- Chứ sao? Ca sĩ tương lai đấy nhá!
Sáng sáng, trong lúc cầm bình tưới cây, anh Tú hay rống lên ông ổng. Anh rất mê làm ca sĩ. Trên vách tủ sách, trên mặt bàn học của anh dán đầy hình những ca sĩ nổi tiếng như Lam Trường, Đan Trường, Vân Trường…
- Ừ, mai mốt đây sẽ có thêm ca sĩ… Môi Trường! - Miêu bĩu môi.
Anh Tú tức lắm, giơ tay định ký đầu Miêu nhưng Miêu đã nhanh chân bỏ chạy mất. Miêu tuổi con mèo cho nên ở nhà, mẹ gọi Miêu là… Miêu. Con gái mà, phải có tên này tên khác mới… điệu. Các anh gọi Miêu là… Meo vì lúc Miêu nhõng nhẽo nghe hao hao như tiếng… mèo kêu meo meo.
Mẹ tự tay may cho Miêu rất nhiều áo đầm vàng, đỏ, hồng, xanh. Tất nhiên, con gái thì không thể nào ăn mặc như Tạcđăng được. Mẹ bắt Miêu để tóc dài, cột nơ, thắt bím, kẹp đằng sau, kẹp đằng trước lủng la lủng lẳng. Mỗi ngày, mẹ nướng bồ kết, đun nước gội đầu cho Miêu rất cẩn thận. Miêu không thích tí nào. Ông bà ngoại nuôi mẹ bằng hương thơm, tinh túy của cỏ cây hoa lá, cả bằng… cao hổ cốt. Tất cả gien cao hổ cốt của mẹ chia đều cho mấy anh em nhưng có lẽ Miêu xí phần nhiều nhất. Ấy là bà ngoại nói thế! Không biết có phải bà muốn nói đến cái tính hơi hơi “thích” ăn và ưa nghịch ngợm của Miêu không? Mẹ kể, lúc còn trong bụng, Miêu “quậy” ghê lắm khiến mẹ chẳng ăn uống được gì. Ông ngoại phải cắt cho mẹ bao nhiêu là thuốc bổ. Thuốc sắc lên đen thui. Mẹ nhìn, không dám uống. Bà ngoại bảo:
- Sợ gì! Cứ xem như chè đậu đen chứ có gì mà không dám uống!
Mẹ bưng bát thuốc lên ngửi rồi lại đặt xuống. Bà lại phải dỗ:
- Cố lên nào! Uống đi cho mẹ khoẻ, con mới khoẻ được!
Thế là mẹ nhắm mắt, nín thở uống hết bát thuốc. Mỗi ngày, mẹ gồng mình uống hết ba bát thuốc đầy, ròng rã đến khi Miêu ra đời. Ngay từ những ngày đầu tiên khi mẹ than khó chịu trong người, ông đã bắt mạch cho mẹ rồi bảo “Con gái! Thích nhé!” nhưng mẹ vẫn đinh ninh lại là con trai. Bà ngoại chép miệng:
- Thêm một thằng nữa, có mà bay mất cái nóc nhà!
Đến ngày sinh, mẹ chưa kịp vào đến phòng hộ sinh, Miêu đã ti toe đòi chui ra đến nỗi mẹ suýt đẻ rơi trên đường đi. Cô y tá vội vàng đỡ lấy Miêu, buông rơi cái khay đựng chai lọ thuốc men, vỡ loảng xoảng:
- Úi trời, điệu này coi bộ lớn lên bộp chộp, hấp tấp lắm à nghen!
- May quá, có đứa con gái cũng đỡ mệt! Dù sao nó cũng mềm mỏng dễ bảo hơn là cái lũ con trai! - Bà ngoại nói với mẹ.
Nhưng sau một thời gian, mẹ đã than:
- Tưởng thế nào chứ trông nó còn mệt hơn trông hai ông tướng kia!
Mẹ nuôi Miêu rất vất vả vì Miêu oặt oẹo đau ốm hoài. Không kể những lần sốt nóng mọc răng, hầu như bệnh gì Miêu cũng thử qua một lần cho biết. Trên cái mông nhỏ bé của Miêu lấm tấm đầy vết kim tiêm, y như vỏ chuối chín.
Một buổi trưa trời nắng to, không khí oi nồng nực nội rất khó chịu, Miêu không ngủ, cũng không chịu bú, cứ trăn trở trên võng khóc hoài. Có một nhà sư đi ngang, ghé vào xin một cốc nước uống. Đó chính là nhà sư trụ trì chùa Đại Giác Tự, một ngôi chùa lớn trong vùng - sư Thích Đại Tráng - nổi tiếng là một người nhân hậu và uyên bác. Sư bế Miêu lên, xoa đầu, bảo:
- Con ta đây mà!
Lập tức Miêu nín khóc, im ru. Sau đó người trả Miêu lại cho mẹ và bước ra cửa đi thẳng. Nhìn theo bóng nhà sư, bà ngoại sực nhớ ra, bàn với mẹ:
- Có lẽ phải bán nó đi thôi, con ạ!
- Sao lại phải bán ạ? Sao bà lại nỡ xui con bán cháu cơ chứ! - Mẹ hoảng hốt.
Bà lườm mẹ một cái, cao giọng nói:
- Là xin làm con nhà chùa ấy chứ có phải đem bán lấy tiền đâu mà!
Mẹ ngập ngừng:
- Thế lớn lên nó phải làm ni cô luôn à?
- Ai bảo mày thế? Nó vẫn là con cháu nhà mình chứ! Nhưng làm thế để Thánh đỡ đầu cho nó không bị quỷ sứ quấy nhiễu đau ốm hoài!
Thế là mẹ soạn mâm ngũ quả, mấy thẻ nhang thơm, gói kín Miêu trong một mớ khăn bông rồi ẵm Miêu đi cùng với bà lên chùa.
Ông ngoại kể: Năm xưa, xưa lắm, sau khi dẹp yên giặc giã, lập công to nhưng không thích làm quan ở triều đình, một vị võ tướng xin vua cho phép về quê vui thú điền viên. Khi đi ngang qua vùng này, tình cờ vị tướng trông thấy một con khỉ tay cầm ngọn nến đang cháy, nhảy nhót lung tung. Vào thời gian đó, nhà cửa trong vùng hầu hết đều là nhà tranh vách lá, cây cối um tùm. Đang buổi trưa hè, nếu ngọn nến trong tay con khỉ rơi xuống mái nhà nào đó trong lúc nó đang chuyền từ cành này sang cành kia thì tai hoa. thật khó lường. Vị tướng đặt tay nải xuống, quyết định lấy đà, nhảy phốc lên cành cây, một tay nắm gáy con khỉ, một tay bắt lấy cây nến. Đại họa tắt ngúm trong tích tắc. Con khỉ rừng ấy đã lẻn vào nhà người ta, đánh cắp ngọn nến thờ để chơi. Sau đó, nhận thấy vùng này phong thuỷ tốt tươi, dân cư hiền lành chất phác, vị tướng đã ở lại, dựng chùa xuất gia. Trở thành hòa thượng, vị võ tướng vẫn không quên quyền thuật. Ngài tận tình truyền dạy cho các đệ tử, cho nên hầu hết các nhà sư trong chùa đều biết võ. Đến nay chùa đã truyền được mấy đời.
… Sau một hồi tụng kinh gõ mõ rất rôm rả, sư Đại Tráng đeo vào cổ Miêu một cái túi vải màu nâu hình tam giác bé tí xíu. Thế là Miêu trở thành “con cái nhà chùa” chứ không phải con của mẹ nữa. Sư Đại Tráng trở thành “người đỡ đầu” của Miêu. Từ đó, không kể ngày rằm, mùng một, Miêu phải lên chùa nghe kinh. Lớn lên một chút, Miêu phải làm thêm việc quét chùa, lau tượng. Sáng nào Miêu cũng phải ôm một bó hoa tươi lên chùa cúng Phật. Chán ơi là chán! Miêu chỉ muốn ở nhà theo bố ra vườn chơi, thích hơn nhiều.
Khi có một khu vườn, người ta có thể trồng đủ thứ. Bố trồng rất nhiều… lá, Từ những cây có lá thơm và ăn được như hành, húng, ngò gai, lá dứa đến những cây có lá đẹp, đủ màu và không tên. Bố bảo, lá cũng như hoa, nghĩa là cũng có nét đẹp riêng của nó. Ông ngoại rất tán thành nhận xét này vì ông thường làm thuốc từ lá. Duy chỉ có… thuốc lá là ông kịch liệt không thích. Cho dù nghe nói rằng thuốc lá có khả năng cầm máu vết thương nhưng ông cũng không bao giờ dùng thử. Bởi vì cũng nghe nói rằng, trong vài loại thuốc lá có những chất độc khiến cho người sử dụng nó có thể cầm cố luôn cả… nhà cửa! Mẹ nêu ý kiến:
- Nhà gì mà như cái hang đá! Toàn cây là cây, lá không là lá!
Bố giảng giải:
- Thời đại xanh hóa không gian cơ mà!
- Nhưng thêm một chút màu sắc hoa hòe vào có được không?
Mẹ vốn ưa màu sắc mà! Nhìn mớ áo đầm của Miêu cũng đủ biết! Bố “à” một tiếng rõ to rồi bảo:
- Tưởng gì! Màu sắc hoa hòe có gì là khó! Thích thì chiều ngay!
Theo “đơn đặt hàng” của mẹ, bố cho hoa nở khắp nhà. Thế là những cây lá màu của bố có thêm bầu bạn mới là các loài hoa. Hoa dâm bụt kép màu vàng, màu đỏ, màu hồng, màu cam đứng chung một luống. Hoa huệ đất như những cái chuông bằng nhung đỏ, mượt lắm nhưng chưa hề kêu lên được tiếng nào.
Bước qua cổng nhà Miêu, nắng gay gắt mấy cũng dịu xuống ngay lập tức. Giàn hoa giấy năm màu phủ lên vòm cổng rào rậm rạp um tùm nhưng vẫn đủ chỗ cho những bông huỳnh anh vàng chói ló mặt ra. Đối diện dãy hoa hồng đỏ, hoa cúc vàng là giàn hoa lan bên trên hồ cá. Những con cá thảnh thơi bơi lội trong hồ, chả cần kinh kệ cúng kính gì cả. Miêu cũng muốn thảnh thơi như mấy con cá, không phải mỗi ngày lên chùa như thế này nhưng năm nay Miêu mới hơn mười hai, còn lâu mới lớn. Thường thường, anh Tú có nhiệm vụ lấy xe đạp chở Miêu lên chùa rồi chở về. Tuy anh Tú lớn hơn Miêu một tuổi nhưng không nhường nhịn Miêu bao giờ. Miêu với anh thường hay cãi nhau. Anh Tú nói phải chi anh có một đứa em trai. Em trai chắc chắn thích hơn là em gái. Miêu bảo anh Tú tham quá vì anh đã có một anh trai là anh Tuấn rồi. Miêu ít cãi nhau với anh Tuấn hơn vì anh Tuấn dễ chịu hơn. Anh Tuấn nói em trai hay em gái cũng như nhau cả thôi. Đứa nào cũng lộn xộn, rắc rối và ồn ào như đứa nấy.
Hôm qua là một ngày rất khó chịu, Miêu và anh Tú lại cãi nhau. Lần này có lẽ hai anh em sẽ giận nhau lâu đấy, mà lý do chả ra làm sao cả. Hôm qua, anh Tú bỗng cao hứng rủ Miêu ra đường chơi đá cầu. Đá cầu là trò chơi của con trai nhưng Miêu thấy mình cũng có thể chơi được. Nhưng anh Tú chỉ thích chơi với lũ bạn hàng xóm, dù Miêu có năn nỉ ỉ ôi, anh cũng không cho chơi cùng.
Miêu đang chán ốm cả người vì không biết chơi đùa với ai nên nghe anh mình rủ rê là nhận lời ngay. Hai anh em hoan hỉ khoác vai nhau ra đường. Anh Tú vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên. Thì ra, hôm qua anh vừa thắng một trận oanh liệt được lũ bạn kính nể tôn làm “vua đá cầu”. Thảo nào!
Anh Tú chỉ cho Miêu cách đá cầu. Miêu giả vờ chăm chú nghe. Xời, đá cầu có gì là khó. Không được chơi chung nhưng chỉ cần đứng chầu rìa quan sát vài lần, Miêu cũng tập đá một mình được. Đá bổng, đá xà, đá ngược chân, Miêu biết tuốt. Anh Tú không hề biết nhỏ em mình “siêu” như thế nào nên lớn tiếng thách Miêu đá được năm mươi cái không rớt xuống đất, anh sẽ cõng Miêu đi từ đầu xóm đến cuối xóm. Nếu Miêu thua, Miêu phải đưa tai cho anh búng. Miêu cười thầm: “Chuyện nhỏ!”, nhưng cũng giả vờ nhăn nhó sợ hãi. Anh Tú biểu diễn cho Miêu xem trước. Anh đá quả là siêu thật, không hề bị rơi lần nào. Quả cuối cùng anh đá về phía Miêu. Miêu lúng túng chụp hụt. Anh Tú chống nạnh cười ha hả. Miêu tung cầu lên, đưa chân đón quả cầu. Trượt. Đá lại. Lại trượt. Mỗi lần trượt như thế, anh Tú lại cười hinh hích khoái chí. Giọng cười của anh nghe rất ghét.
Miêu bắt đầu trổ tài đá thật sự. Năm mươi cái. Không trượt cú nào. Anh Tú thôi cười và nghiêm nghị hẳn lên.
Tới phiên Miêu khoái chí. Miêu đá quả cầu về phía anh. Mỗi lần anh Tú bắt trượt, Miêu cũng cười hinh hích. Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” diễn ra càng lúc càng căng thẳng. Tỷ số đôi bên rất sít sao. Cuối cùng, anh Tú… thua. Anh Tú thấy mình hố. Hố to, nhưng không biết làm gì bây giờ. Anh đâm cáu. Anh nhất định không thèm cõng Miêu đi đâu cả. Anh thề không bao giờ chơi với Miêu nữa. Anh bảo Miêu từ nay đừng có tìm cách xán đến gần anh mà xun xoe nữa. Trời, chơi ăn gian mà còn làm phách. Miêu tức quá, bảo:
- Tui mà thèm xán đến gần bồ hả? Xun xoe hả? Xời, còn lâu à!
- Ờ, để xem? Xem sáng mai có đứa nào xán đến đây không thì biết!
Miêu sực nhớ đến nhiệm vụ ngày mai của mình. Ừ phải, ngày mai phải lên chùa đấy. Anh Tú sẽ chở Miêu đi bằng xe đạp. Nói vậy nghĩa là ngày mai Miêu phải cầu cạnh anh ấy đấy.
Miêu dõng dạc nói:
- Lười không thích chở người ta thì thôi! Người ta cũng có chân tự đi được vậy. Chả cần!
Anh Tú reo lên đắc thắng:
- A! Không cần nhé! Tự mà đi nhé! Đừng có mà mách mẹ đấy!
Nói xong mấy lời tàn nhẫn, anh xoay lưng ngoe nguẩy đi. Xời, ai thèm mách lẻo cơ chứ, Miêu đâu phải loại người hơi tí là chạy đi kêu người lớn.
Hôm sau, mới sáng sớm mẹ đã kêu Miêu dậy. Một ôm hoa tươi vừa mới cắt bó sẵn để trên bàn. Mẹ thay cho Miêu cái áo đầm trắng, đội cho Miêu cái mũ vải mềm rồi đưa bó hoa cho Miêu.
Thấy Miêu lủi thủi đi ra cổng có một mình, mẹ ngạc nhiên:
- Ô kìa! Không chờ anh Tú chở đi à?
- Không ạ! Con thích đi một mình cơ!
- Đi một mình ấy à? Cẩn thận khéo ngã nhé! Đừng có…
- Vâng! Con biết rồi! “Đừng như con bướm la cà hư thân” chứ gì!
Miêu ngao ngán bước ra cổng. Thật ra, được chở đi bằng xe đạp vẫn thích hơn. Nhưng đã lỡ nói không cần rồi nên bây giờ Miêu đành đi bộ vậy. Buổi sáng, xóm nhỏ thật yên tĩnh. Mặt trời vãi xuống nền đường đất những vệt nắng tròn vàng tươi. Trên những vòm cây cao cao, những đọt lá non đỏ hồng lên trên nền trời xanh trong vắt. Có ai phải dậy sớm như Miêu đâu nào? Khu xóm yên lặng, thỉnh thoảng mới có tiếng ngỗng kêu quang quác và lác đác vài người đàn bà đội nón lá đi chợ sớm. Miêu nghĩ bụng: “Hay là tạt qua nhà bà ngoại một tí? Thăm bà một tí có sao đâu?”
Nhà ông bà ngoại cách nhà Miêu khoảng hai ngã tư, lại trên đường đến chùa, tiện lắm. Miêu rẽ vào ngõ nhà bà. Ngay từ đầu ngõ đã cảm thấy mùi thơm đặc biệt từ nhà bà bay ra. Miêu đẩy cổng, kêu:
- Bà ơi!
Tiếng bà vọng ra:
- Ai đấy?
- Cháu đây bà ạ!
- Đứa nào đấy?
Bà nghễnh ngãng thế đấy! Miêu nói to:
- Cháu là Miêu đây bà ạ! Bà chưa đi chợ à?
- Chưa! Cháu vào đây nào!
Miêu vào bếp, ngồi phệt xuống cái chõng tre, phụng phịu:
- Bà ơi!
Bà vẫn không ngừng tay tán thuốc trong cái liễn gỗ, rồi từ từ rót mật ong vào trộn đều. Sau đó, bà viên thành từng viên như những hột đậu phộng rồi cho tất cả vào một lọ thủy tinh to, niêm kín. Bà ngoại thường bảo bà là phụ tá đắc lực của ông ngoại đấy. Không có bà, ông không thể nào làm xuể công việc đâu.
Xong việc, bà mới ngước lên hỏi Miêu:
- Cháu lên chùa đấy à?
- Vâng! Ông đâu hở bà?
- Ông đi xem bệnh từ sớm rồi!
- Ôi! - Miêu rên lên.
- Cháu làm sao thế?
- Tự nhiên cháu thấy khó chịu thế nào ấy bà ạ!
Bà ngoại đứng dậy, đến gần đưa tay sờ trán Miêu:
- Khó chịu làm sao?
- Tự nhiên cháu thấy mệt và đau bụng quá! Cháu nhức đầu nữa!
Miêu hy vọng bà sẽ bảo mình nằm nghỉ, khỏi phải lên chùa thì hay biết mấy! Bà lại xoa xoa trán Miêu hỏi:
- Đầu có nóng đâu nào? Sáng đã ăn gì chưa? Bà có cháo thịt đấy, ăn nhé!
Sáng nào mẹ chẳng cho Miêu ăn sáng no kềnh bụng, nhưng nghe bà mời, Miêu cũng không nỡ từ chối.
Đợi Miêu ăn xong bát cháo, bà hỏi:
- Táo tàu nhá!
Miêu gật. Táo tàu của bà ngon ve kêu. Miêu ngồi nhẩn nha gặm táo tàu. Bà xoa đầu Miêu:
- Dễ chịu chưa nào? Hoa sắp héo cả rồi đấy!
Miêu bỗng cụt hứng. Ừ, phải đi thôi, kẻo hoa héo mất. Ra khỏi nhà bà, màu nắng đã vàng đậm hơn. Miêu lầm lũi bước. Tại sao thế nhỉ? Tại sao trẻ con bao giờ cũng phải làm những việc mà người lớn thích trong khi trẻ con hoàn toàn không thích tí nào. Trong lớp, cô giáo luôn luôn nhắc Miêu:
- Nhã Ca! Ngồi yên nào!
- Nhã Ca! Im lặng, đừng nói chuyện nữa!
- Nhã Ca! Đừng có nhìn ra cửa sổ nữa!
- Nhã Ca! Tập trung nghe giảng nhé!
Ở nhà, những lúc rảnh rỗi, mẹ hay bắt Miêu ngồi bên cạnh, phụ mẹ tháo những cái áo len cũ ra, quấn lại thành từng cuộn. Mẹ bảo quấn len là một công việc lý tưởng để rèn luyện tính nhẫn nại. Ban đầu, mẹ tháo cho Miêu cuộn. Miêu cứ trượt tay làm rớt cuộn len hoặc cuộn trật ra ngoài, len xổ ra rối tung. Mẹ bèn đổi cho Miêu tháo để mẹ cuộn. Miêu tháo nhanh quá, mẹ cuộn không kịp, len… lại rối.
Bực quá, Miêu thấy nóng nực. Miêu rên:
- Mẹ Ơi! Con khát nước!
- Thì xuống bếp uống nước đi!
Uống nước xong, Miêu trở lên nhà. Ngồi được một lát, Miêu lại thấy ngứa ngáy:
- Mẹ Ơi! Con mắc…!
- Thì xuống nhà đi… đi!
Lần nữa, Miêu định nói thì mẹ gắt:
- Ngồi yên đấy! Không đi đâu nữa cả!
Mẹ lấy que đan ra bắt Miêu học đan. Một hàng mũi lên, một hàng mũi xuống. Một mũi móc đơn rồi một mũi móc kép. Mũi này móc vào mũi kia, mũi kim đưa lên đưa xuống. Việc đan móc cũng hay hay nhưng ngồi một lúc Miêu thấy mỏi:
- Mẹ Ơi, con mỏi lưng quá!
- Bà già chưa mỏi mà trẻ con đã mỏi?
- Con ê mông nữa!
- Thôi được rồi, đi chơi đi! - Mẹ thở dài.
- Vâng ạ! - Miêu đứng dậy hớn hở.
- Chơi gần gần thôi đấy nhé! Sang nhà cô Châu mà chơi! - Mẹ dặn với theo.
Đấy, thấy chưa, có biết bao nhiêu con gái trong xóm nhưng mẹ cứ muốn Miêu chơi với nhỏ Đông con cô Châu. Nhà nhỏ ở cạnh bên trái nhà Miêu. Nhỏ Đông rất khoái Miêu. Nhỏ thường đứng trong sân nhà mình nhóng sang nhà Miêu, đưa tay ra vẫy vẫy:
- Ê Miêu, qua đây chơi không?
- Qua thì qua! - Miêu hét.
Chưa dứt câu, Miêu đã tót sang bên sân nhà nó. Nhỏ Đông có hai cái tai nhỏ xíu, tròn như hai đồng tiền, lúc nào cũng lủng lẳng đôi bông tai dài thoòng. Nhỏ ưa lúc lắc cái đầu cho chúng va vào nhau kêu leng keng leng keng. Mẹ khen nhỏ Đông hiền, ngoan. Nhỏ Đông thích ngồi nhà cắt búp bê giấy. Nhỏ vẽ lên giấy trắng và tô màu những con búp bê. Những con búp bê chân dài màu hồng mang giày cao gót màu đỏ. Xong, nhỏ lấy một cái kéo mũi dài nhọn cẩn thận cắt ra. Búp bê nằm xếp hàng hai tay hai chân dang ra hai bên, mũi chân chĩa lên trời. Đôi khi Miêu cũng táy máy bắt chước lấy bút chì màu vẽ thử, cầm kéo cắt thử vài bộ áo váy rồi đưa cho nhỏ Đông xem. Nhỏ thở dài nhìn đống giấy vụn lẫn với những lọn gỗ chuốt ra từ những cây bút chì màu. Những cây bút chì ngắn đi một cách đáng ngại qua bàn tay của Miêu. Nhỏ bảo:
- Miêu cứ ngồi chơi nói chuyện với Đông thôi được rồi. Hay là Miêu mặc áo cho búp bê đi, Miêu khỏi phải may áo nữa!
Nhỏ Đông may cho búp bê bao nhiêu là váy áo. Nào là váy ngắn màu xanh lá cây có tua rua màu cam. Nào là váy dài màu đỏ có bông hoa sáu cánh màu vàng. Áo sát nách gắn nơ trước ngực, áo cột dây nơ bướm, áo dài tay có nơ ngang bụng. Nhỏ này đặc biệt thích nơ. Có cả những kiểu áo rất phức tạp đến nỗi trông như một đám lá cây loăn quăn vun thành đống.
- Bồ khéo tay thật đấy! - Miêu nịnh.
Nhỏ Đông cười, nhe hai cái răng cửa to như… hai cánh cửa. Miêu nịnh tiếp:
- Ai chỉ cho bồ mà bồ vẽ đẹp thế?
Nhỏ Đông vênh mặt:
- Tớ tự sáng tạo đấy chứ!
- Thật không? - Miêu trợn mắt.
- Không tin cứ vào hỏi mẹ tớ là biết ngay!
Mẹ nhỏ Đông là cô Châu. Cô Châu hay sang chơi với mẹ Miêu. Cô rất hay làm bánh, nấu chè, món nào cũng ngon cả. Mỗi lần nấu xong, cô hay mang sang biếu mẹ Miêu. Miêu không hiểu tại sao cô Châu vừa đẹp vừa hiền và nấu bếp cực kỳ ngon như thế mà cứ hay bị chồng đánh. Thỉnh thoảng, Miêu lại thấy cô Châu chạy tọt vào nhà Miêu, vừa chạy vừa kêu khóc váng lên. Cô chạy thẳng vào bếp. Mẹ từ trong bếp chạy ra ôm chầm lấy cô, dỗ dành:
- Nào nào, nín ngay, nín ngay! Lại đánh nhau nữa à?
Thường thì cô Châu sẽ không nín. Cô khóc to hơn, ôm cứng lấy mẹ và dúi đầu vào ngực mẹ. Đến khi cô thả mẹ ra thì ngực áo mẹ đẫm ướt. Hai người dìu nhau lên nhà, ngồi xuống cái chõng tre. Những lúc như thế, trông cô Châu không còn đẹp nữa. Tóc cô rối bù xõa xượi, mặt mũi nhem nhuốc và cô cứ sụt sịt liên tục. Cô lấy tay áo chùi nước mắt, bắt đầu kể chuyện. Ban đầu, Miêu rất tò mò, hóng hớt nghe chuyện. Về sau, Miêu không cần nghe cũng đoán ra. Bởi vì những câu chuyện bao giờ cũng giống y như nhau. Chuyện là thỉnh thoảng chú Châu về nhà muộn, mặt lại đỏ bừng vì chú uống rượu. Cô Châu chỉ muốn biết chú uống rượu ở đâu, uống với ai, tại sao phải uống, uống từ lúc mấy giờ, tại sao uống mãi từ lúc ấy đến tận lúc này mới về, đồng hồ của chú chết à?... Cô chỉ muốn nhắc cho chú biết là uống rượu rất có hại cho sức khoẻ. Những người uống rượu say rất hay bị bệnh mất trí nhớ, quên mất đường về nhà nên thường đi lạc, trong lúc đi đường lại rất dễ bị trúng gió, té xỉu không ai biết đâu mà tìm. Cô Châu chỉ nói toàn những điều phải, thế mà không những chú Châu không thèm nghe lại còn nổi nóng bợp tai cô, bảo cô: ”Có im ngay không thì bảo!”…
… Ngồi trong nhà nhỏ Đông nãy giờ, Miêu chỉ muốn xuống bếp xem cô Châu đang làm món gì mà thơm thế? Mùi thơm từ trong bếp bay ra, chui vào mũi Miêu khiến Miêu thấy nôn nao sốt ruột. Cho nên khi nghe nhỏ Đông nói vậy, Miêu chạy ngay xuống bếp:
- Cháu chào cô ạ!
Cô Châu ngẩng lên:
- A! Miêu sang chơi với Đông đấy à?
- Vâng ạ!
Miêu chần chừ chưa lên nhà vội, trong bụng suy nghĩ xem nên nói thêm câu gì thì cô Châu đã bảo:
- Mang cái này lên nhà hai đứa ăn nhé!
Miêu lễ mễ bưng cái đĩa đựng đầy bánh bò nướng nước dừa rắc mè rang thơm phức lên nhà, tiếp tục xem nhỏ Đông chơi búp bê. Ăn hết đĩa bánh bò, Miêu thấy chán búp bê giấy, chán nhỏ Đông. Miêu tự hỏi, sao nhỏ có thể ngồi hoài một chỗ mà không thấy buồn? Mải suy nghĩ, Miêu dẫm phải một hòn đá. Có lẽ nó là một hòn đá cuội. Một hòn đá cuội đặc biệt vì nó nhẵn nhụi, trơn tru, bóng láng và to tròn như quả trứng gà nhà ai đẻ rơi. Đế giày của Miêu bằng nhựa mềm, hòn đá cộm lên, xốc vào gan bàn chân tê buốt. Bực mình quá, Miêu co cẳng đá phốc nó đi. Hòn đá lập tức bay vút lên như có cánh, đập thẳng vào mông một thằng nhóc đang cầm cây sào rướn người, chọc chọc lên cây mận đầy những chùm trái đỏ mọng định hái trộm. Nó giật nảy mình, ngừng tay lại nhìn quanh quất. Miêu hoảng hốt nép sát vào hàng rào, chạm phải cánh cổng rào gỗ nhà người ta không cài chốt. Cánh cửa rào bật tung, mở toang. Đàn ngỗng trong sân nghe động, tưởng có khách vào nhà lạch đạch chạy ra. Cả đàn vừa chạy túa ra vừa kêu “kíu kíu cạc cạc” ầm ĩ. Miêu ôm chặt bó hoa chạy thục mạng, băng qua mặt thằng hái trộm mận đang đứng ngơ ngác nhìn.
Miêu chạy thẳng một hơi không nghỉ. Đến chùa, Miêu thở hồng hộc, đi thẳng vào hậu liêu, vào bếp. Miêu đưa bó hoa cho sư thầy Đại Tráng, hổn hển nói:
- Thưa thầy, con dâng hoa!
Sư thầy ngạc nhiên nhìn dáng vẻ mệt nhọc của Miêu, gật đầu:
- Ừ!
Miêu tìm cái khăn lau uể oải đi lên chánh điện thực hiện nghĩa vụ. Ơ, một đứa nhóc cỡ tuổi Miêu cũng đang lúi húi, chăm chú làm công việc Miêu thường phải làm. Miêu lại gần khều khều tay nó, hỏi:
- Ô! Này, bạn ở đâu đến thế? Bạn cũng là con nhà chùa à?
Đứa nhóc ngước lên nhìn. Miêu tiếp:
- Bạn là con trai hay con gái mà sao trông đầu tóc bạn lạ thế?
Miêu ngạc nhiên bởi vì cái đầu nó cạo trọc láng bóng, chỉ chừa một lọn tóc phía trước thật dài vắt ngang qua tai. Nó mặc bộ quần áo kiểu nhà chùa, màu xám, rộng rinh như mặc thừa của ai. Nghe câu hỏi của Miêu, mặt nó bỗng nhiên đỏ lựng lên. Hai tai cũng đỏ ửng như bị ai nhéo. Nó ấp úng cái gì Miêu nghe không rõ. Miêu định hỏi lại nó lần nữa thì có tiếng gọi. Nó quay ngoắt đi, chạy biến vào trong. Chắc là có ai sai bảo gì đấy, chờ mãi mà không thấy nó ra nữa. Thôi, để đến mai chủ nhật thư thả, Miêu sẽ tìm hiểu xem nó là đứa nào?...
Hôm nay là chủ nhật. Vào những ngày chủ nhật, mẹ có thói quen nấu một món gì đó lạ hơn ngày thường. Món đó có khi rất ngon, có khi cũng… rất lạ. Nhưng dù thế nào thì ai nấy cũng phải vui vẻ ăn, kể cả bố, nếu không thì mẹ sẽ rất phật lòng. Mẹ mà phật lòng thì sẽ xảy ra nhiều chuyện lôi thôi trong nhà. Ví dụ như, đột nhiên mẹ sẽ bảo cả lũ mang bài vở ra cho mẹ xem, sau đó mẹ sẽ gắt um lên sao đứa nào cũng viết chữ xấu như gà bới. Hoặc là, mẹ sẽ hỏi cả bọn rằng có thấy nhà cửa quá bừa bộn hay không? Ngập tới cổ như thế mà nhìn được à? Thế là cả bọn (kể cả bố) sẽ mất trọn buổi chiều để dọn dẹp. Hoặc trong trường hợp nhẹ nhất thì mẹ sẽ bảo tự nhiên mẹ thấy nhức đầu, mệt mỏi quá! Mẹ sẽ vào giường nằm, rên nhè nhẹ. Rên thôi và không thèm nói chuyện với ai suốt cả ngày hôm ấy. Cả ngày không nghe thấy tiếng nói của mẹ là một ngày rất nặng nề và buồn tẻ. Tóm lại, ai cũng rút ra kinh nghiệm là chớ bao giờ làm mẹ phật lòng.
Trưa nay cũng vậy, mẹ sai Miêu bưng bát súp “Bát tiên quá hải” sang biếu ông bà ngoại. Miêu tranh thủ nói luôn:
- Con ở lại ăn cơm với ông bà luôn mẹ nhé!
- Ui… giời! Biếu bà được bát canh, bà lại mất hẳn phần cơm! - Mẹ lườm Miêu.
Mắng thế nhưng buộc cà men chắc chắn xong xuôi, mẹ giục:
- Thôi đi đi, ăn xong nhớ rửa bát cho bà đấy! Rửa cẩn thận, chớ có đánh vỡ cái nào đấy!
“Mình chả bao giờ đánh vỡ bát của bà. Bởi vì bà chả bao giờ bắt mình rửa bát!” - Miêu nghĩ thầm. Đó cũng chính là lý do khiến Miêu rất thích ăn cơm ở nhà bà. Nhưng công bằng mà nói, bà cũng hay rủ Miêu sang chơi với ông bà đấy chứ! Bà bảo bà thích nghe cái miệng láu táu của Miêu như nghe đài. Nhờ có Miêu mà bà có thể nắm vững tình hình trật tự trị an làng trên xóm dưới. Như hôm nay, trong lúc ăn cơm, Miêu kể:
- Sư cụ trong chùa lại có con nữa đấy bà ạ!
Bà buông đũa, trợn mắt:
- Trời ơi, con ranh! Ăn nói báng bổ thế à! Mày liệu mà giữ mồm giữ miệng nhá! Thánh vật mày đấy, cháu ạ!
Miêu gân cổ cãi:
- Nhưng cháu thấy rõ ràng cơ mà!
- Cháu thấy cái gì?
- Thì cháu thấy một đứa bé như cháu đang ở trong chùa ấy! Cháu nghĩ chắc mẹ nó cũng bán nó vào chùa như cháu vậy!
Bà thở ra:
- A,Ø ra thế! Nhưng mà ranh con đến chùa xong việc rồi không về ngay mà còn sục sạo dòm ngó lung tung thế hả?
- Không ạ! Cháu có sục sạo lung tung đâu? Cháu trông thấy nó ở đại điện đấy chứ!
- Ừ! Đừng có tò mò tọc mạch quá. Nói năng không ý tứ quỷ sứ nó vả vào mồm cho đấy!
Người ta nói miệng người già rất thiêng. Quả nhiên, bà nói cái gì y như rằng xảy ra cái ấy. Tối hôm đó, Miêu phát sốt, toàn thân cứ nóng rực lên như hòn than. Mẹ phải thức suốt đêm để đắp lên trán Miêu những cái khăn ướt. Hôm sau, một bên má Miêu sưng lên đỏ ửng và rất đau. Miêu không thể nhai cơm bình thường được, cũng không nói năng gì được, chỉ nhấm nháp tí sữa và tí nước cháo. Ông ngoại phải đi tìm mấy củ rễ cây, lá cây giã ra, pha cho Miêu một thứ thuốc xanh lè vừa uống vào bụng vừa thoa lên má. Thuốc uống vào thấy chát ngắt, uống xong thấy đắng nghét ở cổ họng. Miêu phải nằm mất mấy hôm chờ cho má hết sưng. Cũng may, thuốc của ông bao giờ cũng công hiệu. Miêu bớt sốt, má bớt sưng dần và cũng bớt đau. Buổi sáng hôm Miêu khỏi bệnh, mẹ đưa bó hoa, dặn dò kỹ lưỡng:
- Liệu hồn, từ nay phải giữ gìn ý tứ, ăn nói cho cẩn thận đấy! Nhớ vào chùa thắp hương khấn Phật tạ lỗi đi nhé!
Miêu gặp đứa nhỏ hôm trước đang lau chùi ở đại điện. Nó không bỏ chạy vào trong như hôm nọ mà còn có vẻ như đang chờ đợi Miêu nữa. Miêu mon men lại gần bắt chuyện:
- Này, thánh phạt tao đấy!
Nó ngơ ngác:
- Phạt chuyện gì? Làm sao mà phạt?
- Mày biết hết mà còn giả vờ!
- Mình biết hết cái gì cơ? - Nó trố mắt.
- Ừ, mồm tao sưng lên mất mấy hôm cơ đấy! Uống thuốc đắng chết được! Sao mày ác thế, mày khấn cho tao bị quỷ sứ vả vào mồm phải không?
- Đâu có, mình làm thế bao giờ? Tại sao mình phải làm thế?
- Thế sao tự nhiên mồm tao lại sưng lên?
Nó khăng khăng không chịu nhận là đã cầu cho quỷ sứ vả vào má Miêu. Nó nói nó là con trai, không thèm tấn công lén sau lưng người ta, hèn lắm! Thấy nó thề thốt cương quyết quá, Miêu cũng nguôi nguôi và tin tin, không nói gì nữa. Chú tiểu nói:
- Mình biết rồi, cậu là con đỡ đầu của chùa chứ gì?
Miêu gật:
- Ừ! Cậu cũng thế à?
Chú tiểu nhỏ tư lự chưa trả lời ngay. Miêu hỏi tiếp:
- Nhà cậu ở đâu? Bố mẹ cậu đâu rồi? Sao không ở nhà mà vào chùa ở có một mình thế này? Bố mẹ cậu cho cậu đi tu sớm thế?
Chú tiểu nhỏ nhìn Miêu phì cười:
- Cậu hỏi nhiều vậy, như cái máy, mình biết đằng nào mà trả lời?
- Thế thì không hỏi nữa. Cậu nói đi!
Chú tiểu nhỏ bắt đầu kể:
- Cha mẹ mình làm gì còn mà bắt mình đi tu! Trước kia, mình cũng từng được ở chung với gia đình, có đầy đủ cha mẹ, có cả em gái đấy chứ. Em mình dễ thương lắm. Em kém mình một tuổi, cũng giông giống như cậu, nói chuyện huyên thuyên suốt ngày. Cha mình giỏi lắm, biết làm đủ thứ. Cha biết trồng lúa, biết tát cá, biết lợp nhà, đóng bàn ghế. Việc gì cha cũng biết làm. Hồi nhỏ, cha mình tập cho mình bơi sông đó. Năm mình học lớp bốn thì nhà mình gặp một trận lũ. Năm ấy lũ về bất ngờ quá không ai chạy kịp. Cha mẹ và em gái mình bị lũ cuốn mất tích, không biết trôi dạt về đâu. Cả nhà chỉ còn lại mỗi mình mình. Thấy mình bơ vơ không còn ai là người thân, nhà chùa nhận mình mang về nuôi. Được mấy năm, cơn lũ mới đây lại về, cuốn trôi luôn cả chùa. Mình cũng còn may. Sư cụ Ở đây trong chuyến đi cứu trợ gặp mình, lại mang theo mình về chùa…
Trời đất ơi! Không ngờ bạn mình lại gặp hoàn cảnh đau lòng đến thế, Miêu cảm thương:
- Chuyện của cậu buồn quá! Thế là cậu chỉ còn mỗi một mình thôi à? Thế là cậu phải đi tu đến lớn luôn à?
- Mình cũng không biết, chừng nào lớn hẵng hay. Nhưng chắc mình sẽ không đi tu đâu. Đi tu ngày nào cũng phải ăn cơm với tương hột, với đậu hũ trong khi mình vẫn thấy thích ăn thịt. Mình cứ nhớ hồi ở nhà với cha mẹ, thỉnh thoảng mình vẫn được mẹ cho ăn cá kho. Mặn lắm, nhưng mà ngon! Mình còn hay nằm mơ thấy mình đang ăn cơm nguội với cá bống kho tiêu của mẹ nữa chứ! Có hôm trong chùa cúng lễ lớn, có các bà các cô đến phụ nấu đồ cúng. Các bà các cô nấu nướng những món ăn nhìn giống y như thịt kho, cá kho. Mình nhìn thấy mà nhỏ nước miếng. Mình cứ nôn nao chờ đến giờ ăn, cứ tưởng tượng chắc là ngon lắm. Vậy mà đến lúc được ăn, mình nếm thử một miếng, mới biết đó không phải là thịt cá thực sự. Trời ơi, mình lại thấy thèm cá bống kho tiêu của mẹ mình quá chừng. Thế mới chết!
Chú tiểu nhỏ nói tiếp, giọng buồn buồn:
- Sư cụ và các sư thầy ở đây thương mình lắm, nhưng giá như vẫn được sống với cha mẹ và em gái mình như hồi xưa thì thích hơn!
Miêu bàng hoàng khi nghe thằng bạn nhỏ kể chuyện của nó. Vậy mà có lúc Miêu nghĩ giá như Miêu được ở riêng đâu đó một mình thôi thì hay biết mấy. Không có người lớn bên cạnh, Miêu tha hồ muốn làm gì thì làm. Chả ai la rầy mắng mỏ gì sất.
Chú tiểu… À, nó tên gì nhỉ, phải biết tên nó chứ! Miêu hỏi:
- Cậu tên gì đấy?
- Minh Tâm!
Tối hôm ấy, Miêu nằm mơ thấy Tâm rủ Miêu về nhà ăn cơm nguội với cá bống kho tiêu do mẹ nó đãi. Miêu thấy mẹ thằng Tâm thật gầy gò xanh xao, mặt mũi trắng xanh. Đôi môi bà tái nhợt, luôn nở một nụ cười buồn rầu không thể tả. Bà cứ ngồi lặng lẽ bên cạnh thằng Tâm nhìn nó ăn cơm, ánh mắt vô cùng âu yếm. Nhưng Miêu lấy làm lạ sao bà có dáng vẻ co ro một cách lạ thường, trông như một người đang lạnh ghê lắm, lại thêm mái tóc ướt nhẹp, nước còn rỏ tong tong xuống đất.
Từ hồi nào tới giờ, Miêu vốn không thích ăn cá. Hồi nhỏ, Miêu bị hóc xương cá một lần cho nên Miêu sợ ăn cá tới lớn luôn. Vậy mà sao trong mơ, Miêu thấy Miêu ăn cá rất ngon lành. Thằng Tâm cũng vậy, nó lùa hết chén này đến chén kia. Mẹ nó luôn tay xới cơm cho nó, miệng vẫn mỉm một nụ cười lặng lẽ buồn rầu.
Nồi cơm vợi dần rồi hết nhẵn. Nồi cơm đã sạch bách mà mẹ Tâm cứ lấy muỗng cạo hoài. Tâm nói: “Thôi má à, hết cơm rồi!” mà mẹ nó vẫn không nghe. Tiếng cạo nồi quèn quẹt càng lúc càng lớn đến nỗi Tâm phải hét lên: “Hết rồi má à!”.
Tiếng hét của thằng Tâm làm Miêu giật nảy mình. Miêu ngồi bật dậy, mở mắt ra thấy trời sáng từ lúc nảo nào.
Mẹ ngạc nhiên thấy Miêu có vẻ hăng hái khác hẳn mọi ngày. Mẹ xới xôi vào đĩa cho Miêu ăn sáng. Hôm nay mẹ nấu xôi gà. Miêu nói với mẹ:
- Mẹ xới cho con nhiều nhiều xôi ấy nhé!
Lúc mẹ quay đi không để ý, Miêu nhón thêm mấy miếng thịt gà rồi trút vội đĩa xôi vào cái túi ni lông. Miêu chạy ào ra cửa. Miêu muốn đến chùa nhanh nhanh.
Bất ngờ, Miêu thấy thấp thoáng từ xa bóng dáng ai giống như thằng hái trộm mận. Thôi chết Miêu rồi! Nó định chặn đường trả thù Miêu chắc? Tránh voi chả xấu mặt nào, Miêu phải tìm đường mà chạy đi thôi. Miêu co giò phóng thật lẹ.
Đem hoa vào hậu liêu xong, Miêu ra ngồi thừ trên bậc thềm. Bây giờ mà về thì thế nào cũng lại gặp thằng hái trộm mận kia. Làm sao bây giờ? Biết tìm ngõ nào mà tránh nó nhỉ? Mà cái thằng ấy ở đâu ra thế?
- Cậu làm sao vậy?
Miêu ngẩng lên, chú tiểu Minh Tâm đang đứng trước mặt. Miêu kéo tay thằng bạn bảo:
- Ngồi xuống đây đi!
Minh Tâm ngồi xuống bên cạnh Miêu. Miêu lôi gói xôi gà ra mời bạn:
- Ăn đi!
- Cái gì thế?
- Xôi đấy! Mẹ tớ nấu đấy! Ngon lắm!
- Mình không ăn được đâu! Mình không được phép! - Minh Tâm ngập ngừng.
Miêu quả quyết:
- Ăn được chứ! Trong sách giáo khoa có dạy là con người ta cần ăn đầy đủ thịt, cá, rau, đậu mới đủ chất dinh dưỡng. Nhất là trẻ con còn cần ăn nhiều hơn cho mau lớn và khoẻ mạnh cơ mà! Chỗ nào người ta cũng dán áp phích nói “Mỗi ngày hãy ăn sáng cho đầy đủ”, cậu có thấy không?
Gì chứ bài vở ở trường là Miêu thuộc lòng như cháo chảy, chỉ đợi cô kêu lên trả bài là tuôn ra như máy. Tuy nghe Miêu nói có sách mách có chứng hẳn hoi, Tâm vẫn ngần ngại:
- Không được đâu mà!
Miêu không nói nữa, cúi xuống mở toang gói xôi. Xôi nếp nóng hổi với thịt gà chiên thơm phức. Miêu xé một miếng thịt rồi nhéo thêm miếng xôi bỏ vào miệng nhai. Xôi nếp dẻo, da gà giòn rụm. Ngon ghê! Tâm nuốt nước miếng đánh ực. Miêu xé thêm miếng thịt nữa, nhét vào miệng nó. Và nó cũng… ngậm lấy miếng thịt gà, ngập ngừng… nhai.
Thời gian ngây ngất trôi qua. Cả hai chén sạch gói xôi gà. Thằng Tâm ăn xôi gà ngon lành y như Miêu ăn cơm nguội với cá kho trong mơ. Cả hai hoàn toàn hể hả. Ăn xong gói xôi, hai đứa cảm thấy thân mật và gần gũi nhau hơn. Miêu thấy rất vui vì đã chia xẻ với bạn, không ngờ mình cũng thảo ăn đến thế!
Minh Tâm hỏi:
- Muộn rồi đấy, sao Miêu không về đi?
Sực nhớ đến chuyện phải về một mình với nỗi nguy hiểm đang chờ đợi trên đường đi, Miêu tỏ vẻ khổ sở:
- Tớ có chuyện…!
- Chuyện gì? Chuyện khó khăn à? Có cần mình giúp không?
Miêu kể lại chuyện sáng nay. Tâm hăng hái:
- Được rồi, mình sẽ hộ tống cậu về nhà!
Miêu mừng rỡ:
- Thật à! Nhưng nó cao lớn và có vẻ hung hăng lắm đấy!
Tâm nói chắc nịch:
- Hung hăng cũng không sợ! Tớ có võ mà!
Miêu tròn mắt:
- Thế à? Cậu học võ bao giờ?
Tâm vênh mặt đáp đầy tự hào:
- Lâu rồi!
- Đâu nào, biểu diễn vài đường đi!
Thằng Tâm đứng dậy quơ chân quơ tay nhảy qua nhảy lại mấy cái. Thấy chắc ăn, Miêu đứng ngay dậy, phủi đít:
- Thế thì đi thôi!
Trên đường về, Miêu ngong ngóng đợi gặp thằng ăn trộm mận để xem hai thằng đánh nhau, xem thằng bạn mới quen sẽ bảo vệ Miêu như thế nào. Nhưng rút cuộc chẳng gặp ai cả! Hay là nó thấy Miêu từ xa có người hộ tống nên nó trốn luôn rồi? Bực thật! Mà sao Miêu không xin mẹ cho Miêu đi học võ nhỉ? Nhưng chắc mẹ sẽ không cho đâu! Mẹ sẽ hỏi tại sao Miêu lại muốn học võ? Học võ để đánh nhau với ai? Con gái mà lại thích đánh đấm thế à? Chả lẽ lại nói với mẹ là Miêu muốn học võ để… trả thù. Vớ vẩn, thù với chả hằn, mà trả thù ai cơ? Mẹ sẽ hỏi tiếp nữa. Chả lẽ lại nói trả thù thằng ăn trộm mận chặn Miêu ngoài đường, báo hại Miêu chạy muốn đứt hơi? Mẹ sẽ hỏi tại sao khi không nó lại chặn đường hù doa. Miêu? Chả lẽ lại nói tại Miêu lỡ chân đá hòn gạch trúng vào đít nó? Nếu nói rõ ra như thế có khi mẹ lại mắng Miêu thêm. Con gái mà tay chân táy máy không lúc nào yên…
Miêu rầu rĩ nhớ lại hôm mẹ bắt Miêu sang xin lỗi nhỏ Tuyền. Nhỏ Tuyền ở bên phải nhà Miêu. Nhỏ Tuyền rất xinh, tối ngày quanh quẩn trong nhà như nhỏ Đông nên nó trắng bóc. Mẹ nhỏ Tuyền là cô Hồng. Miêu không thích cô Hồng bằng cô Châu bởi vì cô Hồng không thơm mùi bánh như cô Châu. Cô Hồng thơm mùi khác. Đó là cái mùi toát ra từ những cái thùng giấy to màu vàng, màu trắng thỉnh thoảng cô Hồng khiêng về nhà. Từ trong những cái thùng ấy tuôn ra những con búp bê mắt nhắm mắt mở, những chai, những lọ, những hộp vuông, hộp tròn và nhiều thứ khác nữa. Cô Hồng sẽ chạy sang nhà Miêu khoe với mẹ những thứ mà cô nhận được. Còn nhỏ Tuyền thì kéo Miêu sang nhà nó để nó cho Miêu xem những con búp bê và những thứ đồ chơi rất lạ.
Nhỏ Tuyền nhận được nhiều những hộp bánh, hộp kẹo rất đẹp, nhưng nhỏ chỉ cho Miêu nhìn những cái bánh in trên mặt hộp thôi chứ không mở ra. Nhỏ nói “ngon lắm đấy”, xong rồi nhỏ cất đi. Nhỏ rủ Miêu bứt lá dâm bụt “nấu cháo”, hái hoa huỳnh anh “nấu xôi vò”. Xong xuôi, nhỏ cho những “em” búp bê ngồi xung quanh. Miêu không hiểu nổi tại sao nhỏ Tuyền có rất nhiều bánh thật, kẹo thật mà cứ phải làm bộ chơi với những thức ăn giả vờ?
Nhỏ Tuyền có biết bao nhiêu là búp bê tóc vàng, tóc nâu. Con nào tóc cũng xoăn tít, kẹp nơ đủ màu. Nó khoe:
- Đây là Mimi, em út tớ! Đây là Bibi, chị của Mimi! Đây là Xixi, xinh nhất…
Búp bê của nhỏ Tuyền hễ nằm xuống thì nhắm mắt ngủ mà ngồi dậy thì chớp chớp mở mắt ra rồi oe oe khóc. Miêu thấy đám búp bê này có vẻ hay hơn lũ búp bê giấy của nhỏ Đông. Lúc chúng không khóc, chúng hay toét miệng cười. Cười hoài, cho dù Miêu có vứt nó xuống đất hay túm tóc nó lôi lên. Miêu thử vặn ngược chân cho nó chúi đầu chổng đít lên hay bẻ ngoặt tay nó ra sau, nó cũng không kêu đau chút nào. Nhưng nhỏ Tuyền thì lại gào tướng lên như thể chính nó đang đau lắm. Nó lăn đùng ra khóc bù loa bù loa. Nó ôm con búp bê tóc tai bù rối chạy vào bếp mách mẹ là Miêu đã hành hạ “em” nó. Miêu chán ngấy nhỏ Tuyền. Chơi với nó chả vui tí nào. Miêu “oa oa xịt” nó ra. Miêu lêu lêu nó, nó càng khóc tợn. Khiếp, nhỏ này có cái miệng nhỏ xíu mà gào to thật! Mặc kệ nó đấy, Miêu bỏ chạy về nhà. Có thế thôi mà hai mẹ con nó dắt nhau sang tận nhà Miêu mách với mẹ Miêu. Mẹ nhỏ Tuyền nói với mẹ Miêu:
- Con Miêu nhà chị thật chẳng ra làm sao! Con gái gì mà nghịch như con nặc nô!
Miêu rất ghét ai kêu mình là “con nặc nô”. Thế mà mẹ lại bắt Miêu phải xin lỗi nhỏ Tuyền.
Buổi tối leo lên giường đi ngủ, nhớ lại chuyện mẹ con nhỏ Tuyền, Miêu vẫn còn ức và thề từ nay không thèm chơi với con nhỏ nước mắt cá sấu ấy.
Miêu thấy mình chỉ vừa mới nằm xuống nhắm mắt lại, mở mắt ra đã thấy trời sáng bạch. Nằm lì trên giường nhìn ra cửa sổ, Miêu thấy bóng chim bay chao chác, tiếng chim ríu rít không ngớt. Lũ chim hôm nào cũng dậy sớm, hôm nào cũng ồn ào thế đấy. Chúng nó cãi nhau chuyện gì vậy? Hay là chúng đang tranh nhau kể chuyện đêm qua ngủ nằm mơ thấy gì? Cứ thế, Miêu ôm gối nằm yên nghe. Giá Miêu có viên ngọc ước! Tha hồ mà nghe chúng nó tán dóc với nhau.
Nếu không có tiếng ngáy khò khò của anh Tú thì tiếng chim buổi sớm thật tuyệt vời. Một con chim khuyên sà xuống đậu trên song cửa sổ, nghiêng nghiêng cái đầu tò mò nhìn vào trong nhà. Nhìn mãi chỉ thấy mấy cái mùng tùm hụp chứ không có gì thú vị, nó bèn rúc cái mỏ nhỏ xíu xiu vào đám lá trong chậu cây, rỉa rỉa mấy cái xem thử có gì ăn được không.
Nghĩ đến chữ “ăn”, tự nhiên Miêu thấy xon xót trong bụng nhưng ngần ngại không muốn dậy. Miêu nằm mãi trên giường đến nỗi mẹ phải vào cầm chân Miêu lắc lắc thật lâu:
- Dậy nào! Sao con dậy trễ thế? Hôm nay là rằm đấy, mẹ sẽ cùng đi lên chùa với con!
A! Miêu tỉnh táo hẳn, tung chăn ngay dậy. Đi với mẹ à? Thế thì hay quá! Đi với mẹ thì đến mười thằng hái trộm mận, Miêu cũng không sợ.
Sân chùa Đại Giác rất rộng, ngày thường thênh thang là thế, hôm nay bỗng dưng chật chội quá chừng. Người đi lại tấp nập. Bên trong cũng thế, điện thờ sáng trưng, khói hương nghi ngút. Hoa đủ màu, trái cây cũng đủ màu. Trên bàn thờ, có bao nhiêu là Phật ngồi Phật đứng nhưng Miêu thích nhất ông Phật bụng phệ đang ngồi chơi với lũ con nít. Chúng thoải mái leo trèo lên vai lên cổ ông, thế mà ông vẫn híp hai con mắt, há to miệng cười khà khà giống y như ông ngoại mỗi khi Miêu nghịch gãi vào rốn ông. Người lớn thế mới là người lớn chứ!
Miêu buông mẹ ra, lững thững đi rong một mình. Trẻ con chạy lung tung trong sân chùa, quanh những cây đại cổ thụ. Hoa đại trắng rụng đầy trên nền sân chùa lát gạch tàu đỏ au. Chợt, Miêu trông thấy thằng hái trộm mận đi cùng với một bà cụ già. Bà cụ cũng có vẻ phúc hậu như bà ngoại Miêu. Mẹ Miêu vừa cắm xong nén nhang vào cái lư đồng to tướng đặt ngay trước cổng vào chánh điện. Quay ra, trông thấy bà cụ ấy, mẹ chạy đến đon đả chào. Ô hay, mẹ quen với bà ấy à? Không biết bà ấy là gì của thằng ăn trộm mận nhỉ? Hôm nay trông nó có vẻ hiền lành tử tế thế? Aên mặc rất sạch sẽ. Thậm chí có thể nói là đẹp trai nữa!
Hai người lớn đứng nói chuyện với nhau cũng khá lâu. Mẹ kéo Miêu lại gần giới thiệu với bà già. Bà già xoa đầu Miêu khen Miêu “ngoan nhỉ”. Mẹ cũng xoa đầu thằng hái trộm mận khen nó một câu y hệt. Thằng hái trộm mận khoanh tay chào mẹ Miêu xong ra đứng xa xa gườm gườm nhìn Miêu. Miêu cũng gườm gườm nhìn lại.
Ngày hôm ấy tất nhiên chẳng có chuyện gì nguy hiểm xảy ra cho Miêu cả.
Chiều tối, cô Châu mang sang một tô chè đậu. Cô ngồi chơi với mẹ Miêu một lúc. Hai người phụ nữ này khi gặp nhau hay nói với nhau những chuyện rất vớ vẩn. Đầu tiên là cô Châu hỏi mẹ có thấy cái áo mới của cô Hồng hay không? Mẹ nói có thấy. Cô Châu hỏi mẹ thấy nó thế nào, Miêu hiểu ý cô muốn nói là mẹ thấy cái áo có đẹp không? Mẹ bảo, nói thật lòng thì kiểu áo kỳ cục quá! Nghe mẹ nói thế, cô Châu gật đầu đồng ý ngay. Cô Châu nói không hiểu sao cô Hồng không có cái áo nào đẹp cả, cho dù cô ấy có rất nhiều vải đẹp.
Thấy cô Châu ho khục khục, mẹ hỏi:
- Cô bị cảm à?
Cô Châu đáp:
- Vâng! Mấy hôm nay em thấy oải người quá, cổ họng lại khô khô!
- Cảm đấy! Tôi cũng thế. Trời đang chuyển mùa mà!
Vừa nói, mẹ vừa đứng lên đi vào bếp lấy ra một cái hũ nhỏ. Miêu thoáng nhìn đã biết ngay bên trong hũ đựng gì rồi. Mẹ luôn luôn có một thứ gì đó trong tủ ăn được và rất bổ ích cho sức khoẻ.
Trong hũ đựng đầy kẹo mạch nha. Mẹ mở nắp hũ, lấy một chiếc đũa tre ngoáy lên, xoay xoay mấy vòng cho kẹo quấn xung quanh đầu đũa. Mẹ đưa cho cô Châu:
- Cô ăn thử cái này xem!
- Gì thế chị?
- Kẹo giải cảm đấy!
- Ô, hay nhỉ, kẹo giải cảm à? Kẹo này làm như thế nào? Chị chỉ em với!
- Thế này, cô lấy một nắm rau ngò rửa sạch đi nhé, đem phơi khô, xong cắt ra từng đoạn ngắn, nhé! Xong rồi trộn từ từ vào kẹo mạch nha, quấy cho đều. Xong, bỏ vào hũ, đậy kín, cất đi để dành ăn từ từ. Nhớ coi chừng lũ trẻ con. Thứ này chữa cảm ho hay lắm đấy!
Cô Châu nếm thử, chép chép miệng, nói:
- Kẹo ngon nhỉ! Thế mà em không biết đấy. Cứ mỗi lần trời trở gió, thấy khó ở trong người là em chỉ biết hái mấy trái khế chua, thái mỏng trộn với đường ăn thôi!
Mẹ gật gù:
- Khế cũng tốt, cũng là thứ giải cảm cả!
Cô Châu như chợt nhớ ra, hỏi:
- À chị này, lúc này sao tóc em hay rụng. Làm thế nào cho hết rụng tóc hở chị?
- Rụng tóc à? Để tôi xem nào!
Mẹ vào trong nhà, lấy ra một cuốn sách cũ dày cộm. Đó là cuốn cẩm nang về các loại thuốc điều chế từ cây lá thiên nhiên của ông ngoại. Cuốn sách dày, dễ đến cả gang tay người lớn, trong đó toàn chữ là chữ li ti như con kiến, ghi chép rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Miêu thấy ông ngoại rất ít khi cần đến cuốn sách có lẽ vì ông đã thuộc lòng rồi. Thỉnh thoảng, mẹ lại mở sách ra đọc và tự pha chế những thứ thuốc dễ làm, trị những bệnh đơn giản dễ mắc phải, chẳng hạn như món kẹo mạch nha trừ cảm ho. Miêu rất thích những bài thuốc của mẹ. Thuốc của mẹ luôn luôn ngon ngọt và dễ uống hơn thuốc của ông, tuy đôi khi ăn hết thuốc mà bệnh vẫn chưa khỏi.
Dù vậy, cô Châu rất tin tưởng khả năng mách thuốc của mẹ. Cô bảo mẹ là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ngược lại, mẹ cũng rất thích mách thuốc cho cô Châu. Mẹ nói:
- Đây rồi! Rụng tóc à? Này nhé, “lấy một ít xương trâu bỏ vào nồi nấu kỹ. Nấu cho đến khi xương tủy tan hết ra. Sau đó, lọc lấy nước đặc, lấy chất dính ở dưới đáy nồi. Mỗi ngày bôi một ít lên bánh mì nướng hay bánh mì hấp mà ăn”.
Cô Châu lắng nghe mẹ nói xong, băn khoăn hỏi:
- Xương trâu à? Nhất định phải là xương trâu ư? Làm sao tìm được xương trâu cơ chứ? Ninh nhừ rồi bôi lên bánh mì ăn mỗi ngày à?
- Ừ, giống như ăn bánh mì với bơ ấy! Hết rụng tóc ngay!
Cô Châu cắn môi, có vẻ đắn đo suy nghĩ rất căng. Cuối cùng, cô nói:
- Chị xem hộ em còn bài thuốc nào khác không?
Mẹ lật tiếp:
- Xem nào! A, Có đây! Nghe kỹ nhé! “Đậu đen cho vào nồi nước, đun nhỏ lửa cho nước cạn. Chừng nào thấy hạt đậu nở hết cỡ là vừa, lấy ra phơi trong râm chỗ thông gió, rắc muối vào trộn đều, ngày uống hai lần. Thuốc này trị bệnh rụng tóc do phong dầu, tức là rụng tóc dạng hình tròn, hay rụng tóc kiểu mọt gặm”.
Cô Châu thắc mắc:
- Thuốc này có vẻ đỡ rắc rối hơn đấy! Nhưng tóc rụng kiểu phong dầu hay mọt gặm là rụng kiểu gì hở chị?
Mẹ thở hắt ra:
- Cô này lôi thôi thật! Tôi có rụng tóc bao giờ đâu mà biết! Thôi, còn một bài nữa đây này, “lấy tỏi giã nát trộn với mật ong thành dạng hồ rồi xát vào chỗ rụng, ngày hai lần”. Thế nào? Được chưa?
- Bài này đơn giản thật. Rất dễ làm. Nhưng ngộ nhỡ bôi lên đầu, rồi kiến nó bò đến đốt tịt cả đầu thì làm sao?
Mẹ tháo cái kính ra, đặt quyển sách xuống, không nói gì. Cô Châu thấy thế, hiểu ngay rằng mẹ sắp sửa phát cáu, vội vàng lấp liếm:
- Được được, em sẽ về nhà làm thử xem. Thôi em cảm ơn chị nhé, trễ rồi, em về đây. Cô về cháu nhé!
Miêu khoanh tay chào lại “cô ạ” rồi quay vào cố gắng tập trung học bài mà không sao thuộc bài được. Chưa bao giờ Miêu thấy lòng mình u ám như lúc này. Bỗng nhiên Miêu phải sống trong nỗi hồi hộp lo âu không thể chia xẻ với ai được. Ôm nỗi buồn nặng nề Miêu đi ngủ sớm.
Những tia nắng bình minh đầu tiên ùa vào cửa sổ. Một buổi sáng nữa lại đến. Màu trời xanh xanh, tiếng chim hót lảnh lót trên cao không làm cho Miêu thấy nhẹ nhõm. Miêu cố gắng đi rất nhanh cho qua quãng đường nguy hiểm có kẻ đang rình rập. Nhưng mà… nó kia rồi! Miêu than thầm, cái thằng hái trộm mận nhà người ta rồi còn bắt nạt con gái. Sao trên đời lại có đứa đáng ghét thế nhỉ?
Thôi rồi, nó đứng trước mặt Miêu kia rồi. Miêu đứng lại, trong lòng hồi hộp, suy tính. Nó chẳng thèm nói gì, chỉ đứng im lặng nhìn. Miêu cũng thủ thế sẵn sàng chờ xem nó làm gì mình. Nó đưa tay ra định tóm lấy Miêu. Miêu né được. Miêu chụp ngay lấy tay nó, cúi xuống lấy hết sức lực… nhe răng cắn cho nó một phát. Thằng con trai kêu lên, vùng vẫy cố rút tay ra. Nhưng hàm răng Miêu cắn chặt quá. Còn lại một tay nó xô Miêu ra.
Nó xô mạnh quá, Miêu loạng choạng mất thăng bằng té sấp mặt xuống đất. Ôi chao, Miêu choáng váng, tối tăm mặt mũi không nhìn thấy gì. Miêu nằm dài sõng sượt trên đường. Thằng kia ba chân bốn cẳng bỏ chạy mất. May thay, một lát sau, có người trông thấy Miêu té, chạy vội đến, hốt hoảng la lên:
- Trời ơi, con cái nhà ai mà té giữa đường thế này?
Nghe tiếng hô hoán, người ta xúm lại vây quanh Miêu. Có người nhận ra Miêu, kêu lên:
- A, con bé này là cháu ngoại bà lang đây mà. Bế nó về nhà cho bà nó đi!
Có người xốc Miêu lên, tất tả bế Miêu về nhà bà ngoại. Bà ngoại từ trong bếp tất tả chạy ra. Mọi người đặt Miêu xuống giường. Bà vén tóc Miêu lên lập bập kêu:
- Chanh, chanh, chanh… à không, trứng… trứng gà, trứng gà! Trong bếp, nướng… à luộc, luộc mau!
Miêu thắc mắc tại sao bà lại tìm chanh với trứng gà lúc này nhỉ? Bà định cho Miêu ăn trứng gà luộc chấm muối tiêu chanh à? Không không bà ơi, Miêu đang đau thế này, làm sao mà ăn được kia chứ? Để khi khác, bây giờ Miêu đang đau chảy nước mắt. Mắt Miêu nặng chịch không sao mở ra được. Tối om om. Miêu sợ quá. Miêu khóc hu hu. Bà rối rít dỗ Miêu:
- Nín nào, nín nào… Đi đứng thế nào mà ra nông nỗi này! Nằm yên cho bà làm nhé!
Miêu bỗng thấy nóng ran trên mắt. Hình như bà đang lăn một cái gì tròn tròn mà nóng lắm lên mắt Miêu. Miêu lắc đầu giãy ra. Có người giữ lấy đầu Miêu, nói:
- Nằm yên! Yên nào!
Chắc người ta tụ tập trong nhà bà đông lắm. Miêu nghe ồn ào kinh khủng.
- Nó đi xe hay đi bộ mà ngã kinh thế này?
- Ôi, không phải đi xe à? Đi bộ á? Đi bộ mà ngã khiếp thế à?
- Chắc vấp phải hòn đá to lắm thì phải? Gớm, đường sá bây giờ nguy hiểm quá. Đi bộ thôi mà cũng gặp tai nạn khủng khiếp thế đấy!
- Tí nữa thì có mà mù! Suýt nữa thì lòi con ngươi ra ấy chứ!
- Sưng to thế cũng có khi mù thật đấy! Tím rịm thế kia mà!
Miêu rấm rứt khóc. Miêu sợ bị mù mắt. Mù mắt thì chẳng bao giờ còn nhìn thấy cái gì. Trời ơi, không biết ông ngoại có chữa được bệnh mù mắt không nhỉ? Lần này cho dù thuốc có đắng chát cỡ nào Miêu cũng sẽ uống. Miêu sẽ vui vẻ uống. Không ta thán. Không mè nheo. Không hậm hự. Bà không cần dỗ. Mẹ không cần dụ. Miêu uống mà!
May quá, Miêu không mù. Ông ngoại đắp thuốc lên chỗ mắt sưng, bà ngoại và mẹ thay nhau đắp bông gòn nhúng nước nóng cho mau tan máu bầm. Nhờ vậy, mấy hôm sau, con mắt của Miêu đã he hé mở ra được.
Nhưng chỗ đuôi lông mày bị phỏng rộp lên vì hôm đầu tiên bà lăn chanh nóng quá. Chỗ rộp ấy sau này xẹp xuống, lành lặn, tróc mày trở thành một cái sẹo láng coóng. Đuôi lông mày không mọc lại được. Mẹ cứ vén tóc Miêu lên nhìn cái đuôi lông mày cụt ngủn của Miêu lắc đầu ngao ngán. Ông ngoại nhìn Miêu vuốt râu, gật gù:
- Đúng quá!
Bà ngoại hỏi:
- Đúng gì hở ông?
- Đúng số! Nó phải gặp tai nạn khủng khiếp vài lần như thế mới đúng số. Tử vi nói thế mà!
Miêu không biết tử vi của Miêu “nói” chuyện gì với ông nhưng Miêu thầm mong sau vụ này mình đừng gặp tai nạn khủng khiếp nào nữa làm gì. Bởi vì cách đây không lâu, anh Tuấn và anh Tú thách Miêu trèo lên cây vú sữa hái trái ăn. Cả ba anh em đều thích ăn vú sữa, nhưng hai ông anh trèo lên cây hái được trái nào bèn “tiêu thụ” ngay tại chỗ trái ấy, chả thèm đoái hoài gì đến nhỏ em tội nghiệp đang đứng dưới đất hếch mắt nhìn lên. Miêu nói:
- Bộ các anh không nhớ câu “anh em như thể tay chân” hay sao?
Anh Tuấn cười hinh hích nói:
- Nó kêu tụi mình bằng anh là sắp có chuyện đấy!
Anh Tú vừa mút vú sữa chùn chụt, vừa híp mắt cười nói:
- Tục ngữ cũng nói “tay làm hàm nhai”. Tay ai không làm thì hàm không được nhai, thế thôi. Có giỏi thì cứ leo lên đây!
Miêu biết rõ có thể sau này lớn lên, Miêu sẽ dễ chết vì những lời nói khích. Miêu biết rõ là anh Tú cứ hay nói khích Miêu để Miêu tự ái làm lấy nhiều việc. Có nhiều việc Miêu biết rõ là quá sức mình nhưng Miêu vẫn cứ bướng bỉnh làm đến nỗi xảy ra nhiều chuyện tai hại. Ví dụ như cái chuyện trèo lên cây vú sữa cao hơn mái nhà.
Tai ác thay, những trái vú sữa thật chín lại cứ thích ngự Ở tuốt trên những cành cao nhất. Bây giờ muốn ăn phải leo lên những cành cao ấy mới mong. Miêu nóng mũi rồi. Thế là Miêu tụt dép, đi chân không, xắn váy leo lên. Miêu leo lên cây với lòng tức tối nên phút chốc, Miêu thấy mình đang ngồi trên cành cao nhất lúc lỉu những trái vú sữa căng tròn bóng lọng. Hai ông anh quý hoá ngồi xa tít tắp bên dưới đang trợn tròn mắt nhìn lên. Miêu với tay hái trái, vo vo cho mềm rồi bóp cho nó nứt ra, xong rồi… mút. Ngọt ơi là ngọt. Ngon ơi là ngon.
Nhưng vú sữa là thứ dễ làm người ta đầy bụng cho nên khi đã thoa? mãn tự ái và thoa? mãn cái bụng, Miêu tính leo xuống thì, eo ơi, đường đi xuống sao mà xa, xa quá. Miêu chán nản ôm cái bụng căng nhóc ngồi thộn ra trên cây, chưa biết tính toán cách nào. Dưới kia, hai ông anh thân yêu đã tụt từ trên cây xuống đất, thản nhiên nối bước nhau đi vào nhà. Một lúc lâu sau, khi mặt trời bắt đầu gom bớt nắng, có một con kiến vàng chắc cũng đang lò dò tìm đường về tổ, tình cờ đi ngang qua chỗ Miêu ngồi. Nó bực mình vì bỗng dưng gặp phải chướng ngại vật cản trở đường đi, bèn quặp cho Miêu một phát đau điếng. Miêu giật thót mình buông tay… rơi thẳng xuống đất.
Cuộc hạ cánh bất ngờ khiến toàn bộ trọng lượng cơ thể của Miêu đè lên đôi bàn chân bé nhỏ một cách đột ngột. Chúng trẹo qua một bên, nhanh chóng sưng vù lên khiến cho mắt cá chân biến đi đâu mất. Ông ngoại phải ra tay nắn lại cho ngay ngắn, không thì Miêu sẽ không thể đi đứng bình thường được.
Bị mẹ mắng cho một trận, Miêu vẫn nín thinh, không thèm méc chuyện hai ông anh đối xử tàn nhẫn với mình. Miêu chỉ buồn vì mình không có một đứa em gái nào để khi Miêu ngã có nó túc trực… để nâng Miêu lên. Tục ngữ nói “chị ngã em phải nâng” mà!
Tự nhiên bây giờ thêm một cái thằng bá vơ không biết từ đâu đến xuất hiện bắt nạt Miêu. Miêu hậm hực trong lòng, anh em trong nhà thì Miêu còn nhịn cho qua, chứ còn người dưng ấy à… Miêu thề sẽ “páo chù” cái thằng hái trộm mận thô bạo kia. Suốt mấy hôm sau, Miêu không gặp nó trên đường đến chùa nữa. Nó biến mất tăm. Mất tiêu luôn cứ như là tàng hình ấy. Bù lại, Miêu được thằng bạn mới sốt sắng hứa sẽ dạy võ cho Miêu. Thấy con mắt Miêu sưng vù tím ngắt, nó hỏi thăm Miêu rối rít. Miêu kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nó nghe. Nghe xong nó nói:
Mình chưa thấy thằng nào hèn như thằng này! Ăn hiếp con gái dã man vậy mà coi được? Mình mà gặp nó mình sẽ khện cho nó biết tay!
Thật ra bây giờ muốn gặp cái thằng dã man ấy cũng khó. Nó biến đi đằng nào có trời mà biết. Miêu bỗng thấy trong lòng ngập đầy một nỗi tủi thân. Miêu giận thằng con trai đã bắt nạt mình thô bạo. Miêu giận mình đúng là thứ vô tích sự như anh Tú thường nói. Phen này Miêu quyết tâm học võ. Học võ để không còn ai có thể bắt nạt được Miêu. Sẽ có ngày Miêu gặp lại thằng hái trộm mận thô bạo kia. Miêu sẽ khện nó tơi tả. Miêu sẽ “đốt” lông mày nó cháy xém như lông mày của Miêu bây giờ.
Thấy Miêu đằng đằng sát khí, không tiếc lời chửi rủa “kẻ thù”, thằng Tâm đâm ra ái ngại. Nó nói:
- Oán thù nên cởi, không nên buộc! Kinh Phật nói thế đấy!
- Buộc với cởi cái gì! Cậu nói cứ như là Đường Tăng ấy! Tớ vẫn cứ thích trả thù thì sao?
- Nhưng nó đã biến đi đằng nào rồi, cậu có biết nó ở đâu đâu mà trả thù?
- Lớn lên tớ sẽ đi tìm! Giống như trong phim ấy! Bao giờ người ta cũng đi tìm kẻ thù từ xa xưa để báo thù!
- Nhưng ở trong phim bao giờ kẻ thù cũng giỏi hơn mình. Bao giờ cậu cũng bị kẻ thù đánh thua tơi bời cả chục trận rồi cuối cùng mới thắng được!
Nghe nó nói thế, Miêu hơi nhụt chí. Thằng Tâm thấy Miêu có vẻ ngập ngừng nao núng, nó nhồi thêm:
- Nếu cậu bị thua, cậu sẽ bị nó khện đau lắm đấy. Có khi còn bị cháy thêm đuôi lông mày bên kia!
Miêu chột dạ. Mẹ bảo con gái có mỗi đôi lông mày làm duyên làm dáng. Thế mà bây giờ cặp chân mày của Miêu chỉ còn lại… một rưỡi. Nhỡ đuôi chân mày còn lại có “mệnh hệ” nào thì gay go! Nhưng đã lỡ tuyên bố cứng cỏi rầm rộ rồi, làm sao rút lời lại được?
Ban đầu, thằng Tâm định đích thân truyền dạy võ nghệ cho Miêu. Nó bảo: “Học thày không tày học bạn”. Miêu thấy có lý. Hai đứa dắt nhau ra tuốt sân sau nhà chùa, nó chỉ cho Miêu đi tấn. Đi tấn dễ ẹc. Miêu cứ tưởng học võ khó khăn ghê lắm. Hoá ra cũng không có gì. Đi tấn dễ ợt như đi bộ.
Có điều kỳ cục là hôm nay nó dạy Miêu đi một đằng, ngày mai nó lại bắt Miêu sửa lại một nẻo. Miêu thắc mắc hỏi thì nó tỏ vẻ nghiêm nghị nói: cứ việc làm theo lời nó. Cả tháng trời, nó chỉ dạy Miêu đi tấn. Miêu sốt ruột hỏi: chừng nào mới vô bài quyền. Nó bảo học võ muốn giỏi phải kiên nhẫn, thật kiên nhẫn; tấn pháp là cơ bản, không thể nôn nóng bỏ qua hay tập tành ba xí ba tú được. Miêu thấy nó nói thế cũng có lý luôn nên thôi không hỏi nữa.
Cho đến một hôm, tình cờ sư thầy Đại Tráng ra sân sau đứng hóng gió trông thấy hai đứa đang hè nhau múa may loạn xạ. Sư đứng nhìn rất lâu. Đến khi Miêu thấy lưng mình như có con gì bò bò nhột nhột bèn quay lại, phát hiện có người… phát hiện mình thì sư vẫy hai đứa lại gần. Sư hỏi Miêu:
- Muốn học võ tại sao con không vào lớp học đàng hoàng?
Miêu ngỡ ngàng:
- Ơ, thưa thầy, sao nó nói chỉ có người ở chùa mới được vào học thôi ạ?
Sư thầy nhìn thằng Tâm. Nó cúi gầm mặt, gãi đầu gãi tai liên tục giống như đang có cả sư đoàn chí rận đóng trại ngổn ngang trên đầu. Cái thằng… Thì ra nó nhát đến nỗi không dám hỏi xin sư thầy cho Miêu vào lớp học. Cho nên cứ học được cái gì trong lớp hôm trước thì hôm sau nó mang ra dạy lại cho Miêu. Nhưng ông tướng nhớ đầu quên đuôi nên cứ lộn tùng phèo. Thành ra Miêu học sai bét cả.
Miêu giật mình nghĩ lại cái ngày nó đòi hộ tống Miêu về nhà. Trời đất ơi, may mà không gặp “kẻ đại thù” kia. May mà “bị” sư thầy bắt gặp, “bị” thầy bắt vào lớp học cho đàng hoàng…
Lớp võ của sư thầy học vào buổi tối. Hôm đầu tiên đến lớp, sư thầy lấy ra một đĩa mực tàu bảo Miêu nhúng nhẹ chân vào, sau đó in lên một tờ giấy lớn. Sư thầy nhìn dấu chân ấy, gật gù mãi. Miêu và Tâm nhìn nhau chả hiểu gì cả. Thằng Tâm nói hồi nó mới vào học cũng thế, thầy cũng bảo nó in dấu chân như vậy.
Chẳng lẽ sư thầy làm thế là làm thủ tục nhập học lớp võ? Thủ tục gì mà kỳ cục vậy? Thường thường khi truy tầm tội phạm, người ta cũng chỉ lấy dấu tay chứ ai lại lấy dấu chân bao giờ? Mà Miêu với Tâm có phải là tội phạm gì đâu kia chứ?
Vào lớp chính thức, Miêu phải học lại từ đầu. Giờ thì Miêu công nhận học võ khó thật. Ngày nào về đến nhà, Miêu cũng thấy chân tay mỏi nhừ, cổ khô cháy, khát nước khủng khiếp. Không phải vì ở chùa không có nước uống mà vì trong lúc tập phải hạn chế uống nước. Sư thầy bảo trong lúc tập thể thao không nên uống nước nhiều, rất có hại cho cơ thể. Chỉ được uống nước sau khi tập xong. Cho nên mỗi khi về đến nhà là Miêu đi thẳng xuống bếp, tu một hơi hết chai nước lọc.
Suýt nữa thì Miêu phun hết ngụm nước ra ngoài khi nghe thấy tiếng anh Tú cằn nhằn anh Tuấn:
- Sao bồ cứ lấy quần áo của tui mặc hoài vậy?
Anh Tuấn cũng cáu kỉnh không kém:
- Tui mặc quần áo của bồ hồi nào? Có bồ tối ngủ đái dầm rồi dậy lấy lộn quần áo của tui thay thì có!
Anh Tú vặc lại:
- Ai đái dầm hồi nào? Sao mấy bộ đồ của tui, tui đâu có mặc mà mẹ cũng đem đi giặt?
Anh Tuấn ngạc nhiên:
- Đồ của tui cũng vậy, đâu có dơ mà sao thấy nhét dưới chậu quần áo?
Cả hai cãi nhau ỏm tỏi. Miêu vo viên bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi, len lén nhét xuống thau quần áo dơ. Cả hai ông con trai chắc không ngờ tên tội phạm chuyên mặc trộm quần áo người khác chính là nhỏ em gái thân yêu của mình. Bởi vì Miêu làm gì có… quần dài! Mẹ cho Miêu mặc toàn váy đầm. Mà học võ thì động tay động chân luôn luôn, chả lẽ cứ mặc áo đầm mà học? Cho nên Miêu đành phải mượn đỡ quần áo của mấy ông anh mặc đại.
Miêu lần lượt thay phiên hôm nay mượn của ông này một bộ, ngày mai mượn đỡ của ông kia bộ khác. Cứ thế! Bây giờ hai ông đang cãi nhau om sòm, không biết Miêu có bị lộ tẩy không đây?
Lên giường ngủ, nhắm mắt lại, Miêu vẫn thấy hình ảnh sư thầy đứng bên cạnh xem xét từng bước chân của Miêu. Tất nhiên, học với sư thầy thì không thoải mái như khi học riêng với thằng Tâm. Sư thầy khó tính gấp ngàn lần. Với Tâm, hơi mỏi chút thôi, Miêu có thể ngồi xệp xuống đất bất cứ lúc nào. Với sư thầy thì đừng hòng. Tâm không bao giờ bắt Miêu làm đi làm lại mỗi một động tác đến phát chán. Với sư thầy thì thường xuyên. Trong lúc tập tành, hai đứa tự do bốc phét đủ chuyện trên trời dưới đất vô cùng vui vẻ. Sư thầy chẳng nói chẳng rằng, thậm chí cũng chẳng mắng mỏ gì cả nhưng Miêu vẫn thấy ơn ớn.
Nhưng cũng có những lúc sư thầy kể chuyện thật hay mà chắc chắn mười thằng Tâm cũng không hề biết. Trong hậu liêu có thờ bức vẽ một ông tóc tai râu ria xồm xoàm, mắt lồi trợn trừng trông rất dữ tợn, vai vác cành cây treo lủng lẳng một chiếc giày cỏ sau lưng, đứng trên một chiếc bè giữa sóng biển trắng xoá.
Té ra, ông ấy là một vị đại thiền sư Ấn Độ tên là Bồ đề Đạt Ma sang Trung quốc mở thiền viện, chuyên môn tu luyện tĩnh tâm bằng cách ngồi nhìn vách đá. Vì tọa thiền lâu quá, thân thể mỏi mệt nên cần phải hoạt động gân cốt. Do thường xuyên quan sát vận động của muông thú xung quanh, ông chế ra “tâm ý quyền”, rồi truyền thụ lại cho các đệ tử.
Thoạt tiên chỉ là những bài tập gồm các động tác đơn giản. Qua thời gian, các sư sãi luyện tập và sáng tạo, bổ sung thành ra môn quyền thuật Thiếu lâm. Môn võ Thiếu lâm lưu truyền và phát triển rộng rãi sang nhiều nước, trong đó có nước ta. Như vậy, ông râu ria mắt trừng khủng khiếp ấy vừa là thiền sư, vừa là tổ sư võ thuật…
Tâm nghe thầy kể ghé sát tai Miêu thì thào:
- Trời ơi, vậy mà tớ chả bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt ông ấy, chả hiểu tại sao ông ấy được cung kính ngang với các vị Phật. Hoá ra ông ấy là tổ sư của mình. Từ giờ tớ chả sợ Ông nữa!
Miêu cũng thế. Mỗi lần nhìn mặt ông ấy, Miêu thấy khiếp khiếp là. Không ngờ ông ấy lại là một nhà tu hành rất hiền từ đức độ.
Chuyện con người bắt chước động tác những con thú để chế ra võ làm Miêu thích quá. Ví dụ chuyện một vị tổ sư khác tình cờ một hôm trông thấy con bọ ngựa chụp bắt ve sầu mà sáng chế ra môn Đường lang Bắc phái này. Nghe cũng dễ đấy chứ! Miêu cũng để ý xem có con gì đánh nhau không để nhìn rồi sáng chế. Nhưng Miêu toàn thấy thằn lằn chụp bắt gián hay chuồn chuồn mà thôi. Thằn lằn tấn công cũng quyết liệt lắm. Nhưng không lẽ Miêu chế ra một môn võ chỉ… nằm ẹp xuống mà đánh, đập đập đuôi rồi há miệng đớp đớp? Miêu mà chế ra môn võ này thì thằng Tâm nó cười Miêu không biết đâu mà kể.
Miêu vừa mới bắt đầu học đến bài “Bát đại mã bộ” là bài quyền kết hợp tám thế tấn căn bản. Cung mã thì hai tay nắm chặt vung ra, tọa mã thì hai tay đấm xuống, điêu mã thì hai tay như đang ôm đàn tì bà…
Anh Tú đang nằm kế bên Miêu bỗng dưng ngồi bật dậy gào lên:
- Làm cái giống gì mà cứ đấm vào lưng người ta bình bịch vậy? Khuya rồi phải để cho người ta ngủ với chứ?
Anh Tuấn đang lơ mơ ngủ ở giường bên ngoài nghe tiếng anh Tú la hoảng, giật mình nhổm dậy, mắt vẫn còn nhắm tịt, nói giọng cáu sườn:
- Đã bảo người ta không mặc mà cứ lải nhải hoài!
Mẹ nghe tiếng ồn ào léo nhéo, từ trong phòng chạy ra hỏi:
- Cái gì thế? Mấy đứa làm sao thế? Lại có bò cạp chui vào giường à?
Anh Tú chỉ ngón tay vào Miêu mách:
- Cái con này nó mắc cái chứng gì mà ngủ không ngủ, cứ giãy đành đạch cả đêm!
Mẹ hốt hoảng sờ trán Miêu:
- Làm sao mà con cứ giãy lên đành đạch thế? Có sao không? Bò cạp cắn à?
Có lần Miêu bị bò cạp cắn thật. Chẳng biết con bò cạp nấp dưới gối bao giờ, đến lúc Miêu leo lên giường ngủ, nó bò ra cắn vào gáy Miêu. Lần ấy Miêu đau lăn đau lộn mà không ai hiểu tại sao? Mẹ khóc ầm lên như mưa, tưởng lúc ban ngày Miêu đi chơi chọc chó nhà người ta bị chó cắn nên bây giờ lên cơn… hoá dại. Bố sai anh Tuấn chạy đi kêu ông bà ngoại. Ông bà ngoại tất tả chạy sang. Cả nhà một phen náo loạn. Ông ngoại hỏi rối rít Miêu đau chỗ nào, xem xét khắp người Miêu. Ông phát hiện cổ Miêu đỏ như cổ gà chọi. Bà ngoại kêu anh Tuấn, anh Tú lục soát khắp giường. Chợt, bà kêu lên:
- Ối giời, xem kìa! Biết ngay mà!
Mọi người nhìn theo tay bà chỉ. Mẹ cũng thôi khóc, chạy vội đến xem. Một con bò cạp đen thui đang nghênh ngang cong đuôi lên khiêu chiến ở giữa đống gối mền. Lại một phen rượt bắt sôi nổi. Bà ngoại ra lệnh cố gắng bắt sống lấy nó, đừng để nó chạy thoát. Cuộc vây bắt ngày càng siết chặt.
Cuối cùng, con bò cạp bị tóm gọn, bị ngắt đầu vặt đuôi, bị giã nát bét. Nó chết một cách thê thảm. Không phải vì lòng người căm giận trả thù mà vì tình thế buộc phải làm như thế, để lấy bã xác của nó đắp lên chỗ sưng ở cổ nạn nhân là Miêu. Chỗ sưng nhanh chóng xẹp xuống, Miêu lại thấy khoẻ khoắn như thường.
Tất nhiên, sau đó mọi người ai nấy nhanh chóng phi về chỗ của mình, ngủ lại ngon lành sau khi cẩn thận lục soát, xem xét lại lần nữa tất cả giường chiếu chăn gối.
Cho nên, lúc nghe thấy tiếng ồn ào lộn xộn, mẹ vội vàng chạy sang vì cứ tưởng lại có bò cạp xuất hiện. Nhưng Miêu lắc đầu nguầy nguậy, trấn an mẹ ngay:
- Con có sao đâu ạ!
Anh Tú cáu kỉnh:
- Không sao mà cứ lăn lộn lung tung, đạp giường ầm ầm, không cho người ta ngủ nghê gì cả!
Mẹ bỗng đứng yên nhìn hai đứa một lúc rồi giảng hoà:
- Thôi, hai đứa ngủ đi! Nằm xa nhau ra! Miêu ngủ yên đi nhé! Đừng có đạp anh nữa nhé! Có lẽ mẹ sẽ bảo bố đóng cho Miêu một cái giường riêng!
Mẹ ngạc nhiên không hiểu sao lúc này Miêu lại chăm chỉ đi chùa đến thế? Lúc trước phải có người chở đi chở về mà còn càu nhàu cảu nhảu. Bây giờ không những Miêu chịu đi bộ mà còn đi sáng đi chiều ngày hai lượt.
Mẹ hỏi dò:
- Lúc này sư cụ có khoẻ không con?
- Khoẻ lắm ạ!
- Ở chùa có ai mới đến không con?
- Dạ không có ạ!
- Dạo này trên chùa có hay làm lễ gì không?
- Không có ạ!
- Lúc này sư cụ có sai bảo con làm gì không?
Mẹ hỏi thế là vì thỉnh thoảng Miêu cũng phải làm vài việc công quả cho chùa vào buổi tối. Nhưng chỉ trước những ngày lễ lớn vài hôm thôi chứ không kéo dài. Miêu không muốn cho mẹ biết Miêu đang học võ. Miêu sợ mẹ sẽ ngăn không cho học nên tìm cách chối quanh:
- Sư cụ dạy con… đánh chuông ạ!
- Đánh chuông mà cũng phải học à?
- Vâng, chuông mõ là khí nhạc của nhà chùa đấy chứ. Phải học đánh cho đúng nhịp, đúng lúc chứ không thì đọc kinh không hay đâu!
Thấy Miêu trả lời trôi chảy thông thái, mẹ thôi không hỏi nữa. Miêu thở phào. Mẹ bận rộn luôn nên cũng không tra hỏi gì thêm. Vả lại, việc học hành sinh hoạt của Miêu ở trường cũng không có biểu hiện gì sa sút cả, không thấy thầy cô phàn nàn hoặc mời lên “bàn bạc riêng” nên mẹ cũng bớt lo.
Miêu cảm thấy chuyện mượn đỡ quần áo không thể kéo dài mãi. Nhỡ ra mấy ông ấy phát hiện làm ầm ĩ lên thì thế nào mẹ cũng biết. “Đồng chí” của Miêu chỉ có mỗi mình Tâm. Chỉ có nó mới biết rõ hoàn cảnh khó khăn của Miêu thôi.
Một hôm, không dằn lòng được mãi, Miêu kể chuyện mình phải mượn đỡ quần áo của mấy ông anh và nỗi lo của mình cho bạn nghe. Thằng Tâm buột miệng nói nó thấy có mấy thùng quần áo to tướng để trong hậu liêu. Đó là quần áo cũ của bá tính gom góp gửi cho nạn nhân vùng bị lũ lụt. Miêu sáng mắt lên:
- Ôi, hay quá nhỉ! Thế thì cậu xin vài bộ đi rồi cho tớ mượn mặc với!
Nó ngần ngừ nói:
- Mình không thấy sư thầy nhắc gì đến mình cả!
- Hay là sư thầy quên? Cậu nhắc thầy đi!
- Thôi, kỳ lắm! Từ bé đến lớn, mình chưa xin xỏ ai cái gì bao giờ!
Miêu vừa thích lại vừa chán cái tính thật thà, nhút nhát của thằng bạn mình. Miêu bảo:
- Cậu cũng là nạn nhân vùng thiên tai lũ lụt phải không?
Tâm gật đầu:
- Phải!
- Mà quần áo quyên góp là để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh không may khốn khổ thiếu thốn như cậu chứ gì?
- Ừ!
- Sư thầy lúc nào cũng bận rộn đủ thứ việc, đâu phải lúc nào cũng có thì giờ để ý tới cậu, đúng không?
- Đúng!
- Thế thì cậu tự lo cho mình cũng tốt chứ sao?
- Ừ nhẩy!
Thằng Tâm nghe Miêu nói có vẻ bùi tai. Miêu nói trong số quần áo gom góp ấy tất nhiên cũng có vài bộ đương nhiên dành cho nó. Miêu nói thêm, nếu nó có thể cho Miêu mượn vài bộ quần áo chính là nó giúp đỡ Miêu trong cơn hoạn nạn. Nhất là Miêu lại là bạn thân của nó, đã từng chia ngọt xẻ bùi với nó, nó không thể nào làm ngơ được. Hơn nữa, đó cũng là một việc làm từ thiện rất tốt.
Nghe Miêu nói đến đấy, Tâm ta thôi không lưỡng lự nữa. Gì chứ giúp đỡ bạn bè là điều mà Tâm luôn luôn sẵn sàng. Nhất là người bạn đó lại là bạn tốt như Miêu. Nó bèn xăng xái đi tuốt vào trong, mở thùng quần áo lấy cho bạn mượn. Miêu tóm được hai bộ đồ thun cũ rất vừa với mình, lại có cả quần dài nữa chứ. Thế là Miêu không phải lo ngay ngáy về chuyện áo xống nữa.
Buổi chiều hôm ấy, Miêu thấy cô Châu hộc tốc chạy sang nhà mình. Trên tay cô không cầm cái gì cả, như vậy là cô sang đây không phải để biếu cho mẹ Miêu bánh trái gì. Lạ thật, thế thì có chuyện gì nhỉ? Cô cũng không kêu gào khóc lóc, đầu tóc vẫn thẳng thớm, gọn đẹp chứ không bù rối, như vậy thì đâu có chuyện cô bị chú Châu bợp tai? Miêu đang tha thẩn gom lá rụng thành đống trong vườn, cất vội cây chổi chạy theo cô Châu vào nhà xem có chuyện gì. Mẹ đang ngồi một mình loay hoay với quyển sổ và cây bút, tính tính toán toán gì đấy, thấy bóng người bước vào bèn ngẩng đầu lên. Cô Châu sà xuống ngay bên mẹ:
- Em sang đây xem chị có cần em giúp gì không?
- Ừ, tôi cũng đang định sang nhà cô!
Chợt, có tiếng cô Hồng:
- Có mẹ Ở nhà không cháu Miêu ơi!
Mẹ và cô Châu nhìn nhau. Mẹ nói lớn:
- Tôi đây! Ai đấy?
Cô Hồng vào nhà, nói ngay:
- Em, em… Hồng đây!
Thì ra, khu phố sắp tổ chức một cuộc thi dành cho con gái. Đó là cuộc thi “Thiết kế thời trang cho búp bê”, một trong nhiều hoạt động của chương trình “Chủ nhật tươi hồng” cho thiếu nhi trong xóm với phương châm “mọi trẻ em đều có quyền vui chơi bình đẳng như nhau”. Kỳ trước là cuộc thi đá cầu “Bàn chân vàng” dành cho các ông tướng con trai. Chính trong kỳ thi này, anh Tú đã đoạt giải vô địch với phần thưởng là một trăm quả cầu với những cái lông ngỗng nhuộm đủ màu rất đẹp đựng trong một cái hộp cũng đẹp lộng lẫy. Anh trịnh trọng đặt phần thưởng ngay trên trốc tủ sách, cấm tiệt Miêu không được sờ đến. Miêu cũng không thèm động đến làm gì. Chỉ khi anh đi đâu vắng, Miêu mới len lén lấy xuống, mở ra xem nó thế nào rồi cất ngay vào chỗ cũ.
Mẹ là người có uy tín trong Hội phụ nữ nên được giao cho việc tổ chức cuộc thi. Vấn đề khó khăn là đám con gái trong xóm có đứa chưa bao giờ có búp bê để chơi, có đứa lại có quá nhiều búp bê xịn như nhỏ Tuyền. Còn những đứa có búp bê thì cũng gồm nhiều loại, nhiều kích cỡ như búp bê vải, búp bê nhồi bông, búp bê nhựa, búp bê giấy… Mà cuộc thi bắt buộc phải làm sao cho tất cả trẻ em gái đều có thể tham gia không chừa một ai. Mẹ định đề nghị với ban tổ chức sẽ chọn loại búp bê giấy làm tiêu chuẩn thống nhất trong cuộc thi.
Cô Hồng nghe phong thanh như thế bèn chạy sang khiếu nại ngay rằng mẹ thiên vị con cô Châu là nhỏ Đông. Bởi vì nhỏ Đông từ hồi nào tới giờ toàn chơi búp bê giấy. Cô Châu phản đối:
- Không phải thế! Cớ gì mà chị ấy phải thiên vị con bé Đông, trong khi con gái chị ấy là cháu Miêu không hề chơi búp bê bao giờ!
Cô Hồng chưng hửng ra. Cô nhìn Miêu đang đứng lấp ló sau lưng mẹ. Cô Châu nói có lý quá, cô không cãi cọ gì được. Nhưng lúc quay lưng ra về, cô còn nói vớt vát:
- Ranh con ấy thì thi cử gì!
Cô Châu nghe cô Hồng nói thế, lên tiếng trách ngay:
- Chị nói thế cháu nó nghe nó buồn!
Cô Hồng vừa đi ra cửa vừa tiếp tục nói:
- Tôi nói thế không đúng à! Nó làm sao bì được con Tuyền nhà tôi kia chứ!
Quả tình, Miêu không thể nào ưa được nhỏ Tuyền và mẹ của nó.