Được tin cô Phương chuyển công tác, bọn con gái chúng tôi mắt đỏ hoẹ Vài nhỏ bạn vì quá xúc động nên cứ cúi mặt xuống gầm bàn khóc rấm rứt. Cánh con trai ngày thường như những ông tướng oai phong lẫm liệt, vậy mà hôm nay, mặt ai cũng buồn rười rượi. Mấy anh chàng luôn bị cô Phương khiển trách vì tội lười học cũng đang ngồi ủ rũ ở cuối lớp.
Là giáo viên dạy văn, không phải chủ nhiệm lớp, nhưng cô Phương luôn gần gũi và hết lòng dạy dỗ, dìu dắt chúng tôi nên người. Đặc biệt, cô rất quan tâm đến thành phần cá biệt và học sinh yếu kém môn văn. Đối với dạng cá biệt, cô luôn tỏ ra độ lượng, dịu dàng và lựa lời khuyên nhủ bảo ban, dần dần uốn nắn thành người học sinh tốt. Với thành phần yếu kém, cô tự nguyện tổ chức dạy thêm ngoài giờ, không thu học phí, để nâng dần chất lượng bộ môn. Cả năm, cô không bỏ một tiết dạy, ngoại trừ trường hợp ốm đau đột xuất. Có thể nói, không những cô Phương đã nhiệt tình cung cấp cho chúng tôi những kiến thức cơ bản về văn học mà còn góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách cho chúng tôi nữa. Cô rất xứng đáng là bậc thầy mẫu mực, là người mẹ hiền đảm đang của chúng tôi. Vì vậy, cả lớp đã dành riêng cho cô Phương một niềm tin yêu và quí trọng.
Riêng với tôi, ngoài tình thầy trò, cô Phương còn để lại trong tôi một kỷ niệm mà suốt cả cuộc đời, tôi không thể nào quên được: Hôm ấy, trong tiết văn cuối buổi học, lớp chúng tôi đã chuẩn bị bài tốt và ngồi chờ cô giáo. Bỗng thầy Hiệu trưởng bước vào lớp cho biết, cô Phương đang ốm nặng, lớp chúng tôi được nghỉ sớm. Thầy còn hứa tuần sau sẽ cử người dạy thay.
Tin cô Phương ốm đến bất ngờ khiến cả lớp chúng tôi cứ bồn chồn lo lắng. Nỗi lo thứ nhất là không biết bệnh tình của cô nặng nhẹ thế nào. Cái lo thứ hai là sắp đến ngày thi học kỳ, việc dạy thay dạy thế sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng môn văn của chúng tôi. Cả lớp cứ nhao nhao đòi kéo nhau đi thăm cô Phương. Với tư cách là lớp trưởng, tôi đề nghị, trước nhất phải cử người thay mặt tập thể đến thăm cô giáo. Sau đó, sẽ lần lượt đến các tổ, các cá nhân. Hơn nữa, chưa ai biết cô giáo hiện đang điều trị tại nhà hay đang nằm viện. Ý kiến của tôi được các bạn tán thành và họ nhất trí cử tôi cùng ba bạn nữa thay mặt tập thể lớp đến thăm cô giáo.
Sau một thời gian vượt gần năm cây số dưới nắng trưa bỏng rát, cái cổng ngõ xinh xinh rực hồng hoa giấy của cô giáo hiện ra trước mặt chúng tôi. Và cũng ngay lúc đó, chúng tôi bất ngờ bắt gặp cô Phương và mấy người nữa đang dỡ hàng từ trên chiếc xe ô tô đậu cạnh đó chuyển vào nhà. Không ai bảo ai, chúng tôi vội phanh xe lại rồi đưa mắt nhìn nhau ngỡ ngàng! Tôi buồn bã ra hiệu cho các bạn cùng quay xe trở lại.
Trên con đường trở về nhà, đầu óc tôi cứ quay cuồng bởi những câu hỏi: Cô thường khuyên chúng tôi phải sống trung thực, vậy tại sao cô lại lấy cớ ốm nặng để làm việc riêng? Lẽ nào lại quên chúng tôi đang mong đợi cô giúp củng cố lại kiến thức môn văn, chuẩn bị cho ngày thi học kỳ sắp đến? Tại sao cô đánh mất niềm tin yêu của chúng tôi đã dành cho cổ Những ngày sắp đến, liệu chúng tôi còn giữ được lòng tin, kính trọng đối với cô như trước đây nữa không? Rồi tôi lại đưa ra những lý lẽ để tự bào chữa cho cô: Có thể vì cuộc sống khó khăn nên cô phải viện mọi lý do để được ở nhà làm chút việc riêng kiếm thêm thu nhập. Cũng có thể do ban giám hiệu rất nghiêm khắc, hạn chế thầy cô giáo nghỉ việc riêng nên buộc lòng cô Phương phải viện cớ "ốm nặng", chứ lòng cô cũng day dứt lắm, bởi chính cô đã từng nói: "Mọi biểu hiện tốt xấu của thầy cô giáo đều trở thành dấu ấn sâu đậm trong mỗi trái tim hồn nhiên trong sáng".
Nhưng dù sao, hình tượng cô Phương rực rỡ trong tôi cũng dần mờ nhạt, đang chao đảo ngửa nghiêng. Với chút tình cảm còn sót lại, tôi cố níu giữ hình ảnh ấy để khỏi sụp đổ, vỡ vụn, nhưng tôi đã bất lực và hoàn toàn bất lực!
Rồi sau đó hai hôm, nhằm ngày chủ nhật, một nhỏ bạn khác lớp gặp tôi hỏi:
- Cô Phương ốm nặng, nằm viện đã bốn hôm. Lớp cậu tổ chức đi thăm chưa?
Tôi cười mỉa mai:
- Rồi!
- Lớp mình đi thăm chiều hôm qua với thầy giáo chủ nhiệm.
Tôi bấm bụng cười thầm vì nhỏ bạn hôm nay bỗng dưng giở trò nói phét. Tôi hỏi:
- Cậu biết bà ấy đang bị bệnh gì không?
Nhỏ bạn bảo:
- Mình không biết là bệnh gì nhưng trông người cô gầy lắm. Nằm khoa nội chắc là bị ruột, gan, tim, phổi gì đó.
Sau khi chia tay bạn, tôi nghĩ bụng, người bạn nhỏ xưa nay tính tình thật thà chất phác lẽ nào lại phịa chuyện lừa tôi? Nếu quả thực cô Phương đang ốm thì cô mới phát ốm vào ngày hôm qua hoặc chiều ngày kia chứ không thể trước đó nữa được. Để biết việc thực hư thế nào, tôi vội đạp xe đến bệnh viện, vào phòng khoa nội và thật là bất ngờ, tôi bắt gặp cô Phương đang nằm bất động trên chiếc giường trải ra trắng? Vừa trông thấy tôi, cô Phương gắng gượng nở một nụ cười trên đôi môi héo hắt, kêu khẽ:
- Nga!
Tôi vội bước đến ngồi bên mép giường, nắm lấy bàn tay gầy guộc của cô, hỏi giọng xúc động:
- Cô vào viện đã lâu chưa?
Giọng cô yếu đuối:
- Đã bốn hôm rồi con ạ!
Câu trả lời của cô càng làm tôi thêm lạ lẫm khó hiểu. Ngay lúc ấy, cửa phòng bật mở, một người đàn bà xinh đẹp tay xách chiếc cặp lồng bước vào. Tôi đứng ngây người, hết nhìn cô giáo lại nhìn người đàn bà mới đến. Đoán biết tâm trạng của tôi, cô giáo ôn tồn giải thích:
- Đây là em ruột của cô, nghe tin cô ốm nên về thăm. Chị em sinh đôi nên giống nhau như hai giọt nước.
Tôi rất ân hận vì đã nghĩ không tốt về cộ Chính vì sự nhầm lẫn đó mà suýt nữa tôi đánh đổ một hình ảnh đẹp đẽ, cao quý đã từng ngự trị trong trái tim tôi.
Giờ đây, mặc dù cô Phương đã chuyển công tác xa, nhưng hình ảnh của cô vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm hồn tôi. Tôi hứa sẽ tiếp bước cô để trở thành một người thầy mẫu mực, có lương tâm trong sáng, có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người toàn diện.
(Quy Nhơn, 1998)

Hết


Xem Tiếp: ----