" Tại sao mẹ nói dối con?".
Mẹ ngơ ngác nhìn con. Vẻ ngơ ngác thật thà khiến cái nhìn chất vấn của người con gái dịu lại, nhưng cô cũng đã dự đoán trước được sự bất ngờ, và đã sắp đặt cho câu hỏi thốt ra giữa chừng cuộc chuyện trò đầm ấm, đầy tình cảm gia đình thân thiết - cuộc chuyện trò về chuyến đi Việt Nam mới đây của cô.
Ngồi trên tấm thảm dệt thủ công cô con gái đem từ Việt Nam về trải trước lò sưởi, người mẹ cảm động ngắm những món quà bày la liệt chung quanh cùng với hàng trăm tấm ảnh chụp cảnh vật và con người của một miền quê bà đã xa non một phần tư thế kỷ. Cô con gái đang chiếu lên màn ảnh truyền hình những đoạn video từ cái máy quay phim kỹ thuật số. Bà nhận ra ngôi nhà thời thơ ấu, di ảnh của cha mẹ trên bàn thờ, những người ngồi đầy nhà trong đám giỗ là những chú thím cô dượng và anh chị em họ. Người nào cũng nở một nụ cười hiền lành khi nhìn trực diện ống kính, có người nói " Bé Em còn nhớ cô Năm không?" - Chắc cô con gái giải thích với họ là phim này quay về cho mẹ xem. Trong khi bà mẹ rơm rớm nước mắt thì cô con gái hỏi: " Tại sao mẹ nói dối con?".
Sau phút ngơ ngác vì bất ngờ, bà mẹ chựng lại đắn đo. Theo cái cách cô gái nêu ra thì đó không phải là một câu hỏi lớn. Từ khi có trí khôn, cô gái đã biết là người ta nói dối như là một nghệ thuật sống. Thí dụ cái điện thoại reo mình không cần nhấc máy cho dù ngồi ngay bên cạnh đó. Một giọng thu âm sẵn sẽ trả lời rằng đây là số điện thoại một hai ba bốn, xin vui lòng nhắn tin hay để lại số điện thoại người gọi, chúng tôi sẽ hồi âm. Rồi tùy theo người gọi là ai mà mình nhấc máy trả lời hay lờ tịt đi cho đỡ mất thì giờ. Bà mẹ là người sớm học bài vỡ lòng về cái nghệ thuật sống này. Mỗi sáng vô hãng ông chủ luôn hỏi bà có khỏe không. Một hôm trời trở đông, bà thật thà trả lời là bà lạnh quá, bà sợ bà bị cảm, thấy nhức đầu và khó thở lắm. Ông chủ nói ông rất áy náy, lẽ ra bà nên nghỉ ngơi. Bà cảm động vì sự hiểu biết cảm thông của ông chủ. Nhưng hôm đó ông vẫn giao bà công việc nhọc nhằn như thường ngày, kể cả bốn lần bưng mấy cái hộp nặng băng qua cái sân rộng đầy tuyết rơi.
Về sau bà biết trả lời như máy " Tôi khỏe, cám ơn ông" cho câu vấn an cửa miệng, đồng thời biết canh những ngày thời tiết xấu công việc nhiều là xin nghỉ để tận dụng những ngày được nghỉ bệnh theo luật.
Cô con gái cũng đã từng giải thích cho bà mẹ về cái " sự thật khoa học" cần tôn trọng và những " lời nói dối trắng" vô hại. Hình như đó là thuở cô mười ba hay mười bốn tuổi, bị mẹ phát hiện cô nói dối chuyện đi chơi khuya hay chuyện bồ bịch gì đó. Bà mẹ biết con gái mình không phải người dối trá, chẳng qua nó sống ở Mỹ thì nó phải Mỹ thôi. Và bà cũng vậy. Bà đủ trung thực để nhìn nhận là đôi khi bà có nói dối con - những chuyện không có gì quan trọng. Nên bây giờ bà cũng chẳng nhớ mình đã nói dối con chuyện gì. Bà nhìn con gái dò hỏi.
Cô con gái bình thản như không có chuyện gì quan trọng. Cô tỏ ra thẳng thắn minh bạch trong cách nêu lên câu hỏi: để biết " sự thật khoa học", chứ không có ý trách móc hay buộc tội về mặt đức hạnh. Cô đưa mắt nhìn lên màn ảnh nhỏ để hướng sự chú ý của bà mẹ vào những hình ảnh video cô đã thu được. Một bà già với lên tủ thờ lấy xuống một xấp hình và thư từ, bà giở ra, đưa tới trước ống kính. Trong hình là một bé gái mũm mĩm ngồi lọt thỏm trong lòng một phụ nữ, bên cạnh một người đàn ông.
Màn hình dừng lại. Cô con gái hỏi:
" Mẹ, có phải người này là ba của con?".
" Không".
" Mẹ, người này là ba của con mà!".
" Không".
Hai mẹ con nhìn nhau. Cô con gái thở dài.
" Mẹ, người ta có thể ở với nhau rồi không ở với nhau nữa. Người ta có thể giận một người mà nói người đó chết rồi. Mẹ không bị bắt buộc nói ra sự thật của mẹ nếu mẹ không thích. Nhưng sự dối này là về con. Con có quyền biết sự thật về con".
" Mẹ đang nói thật với con. Người đó không phải là ba của con. Ông ấy sống với mẹ nửa năm, lúc đó con bốn tuổi, là lúc chụp tấm hình này. Con bốn tuổi, đi học mẫu giáo về, con hỏi ba của con đâu, mẹ kết bạn với người đàn ông đó để con có người gọi là ba".
" Mẹ!".
Tiếng kêu của đứa con gái làm bà mẹ chạnh lòng. Từ khi đi học mẫu giáo, đứa con gái nhỏ bắt đầu gọi mẹ là " Mom" như tất cả trẻ con Mỹ hay như tất cả trẻ con trong truyền hình và sách báo chúng xem mỗi ngày. Bà đã vui vẻ nghe con gọi Mom và khuyến khích con nói tiếng Anh để đua tranh với bạn bè cùng lớp. Khi lên tới bậc trung học thì đứa con gái chỉ nói tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh của bà mẹ không phát triển ra ngoài những giao tiếp lặt vặt trong hãng; khi cần nói với đứa con gái dậy thì những điều quan trọng, bà loay hoay nói bằng tiếng Việt, cô gái nghe không hiểu gắt lên: " Mom, bà nói tiếng Anh đi!". Đó là lúc cô gái mười lăm tuổi.
Năm hai mươi tuổi, lúc đang ở nội trú trong trường đại học, cô gái gọi về nhà kêu " Mẹ!". Bà mẹ lặng người không tin nổi cái điện thoại Mỹ có thể kiêm cả chức năng dịch thuật. " Mẹ, con kêu có đúng không. Bằng giọng trọ trẹ, cô con gái gọi lại mẹ là mẹ và tập nói lại tiếng Việt từ đó. Cô giải thích: " ở đây nói Mỹ thì hiểu là Mỹ da trắng gốc Anh. Còn lại là Mỹ Do Thái, Mỹ ý, Mỹ La-tinh, Mỹ Phi châu, Mỹ á châu. Con là Mỹ Việt. Cho dù con Mỹ cách nào đi nữa thì con vẫn là Mỹ á châu, Mỹ Việt. Cho nên con phải biết văn hóa gốc của con, như mấy đứa Mỹ Tàu, Mỹ Nhật, Mỹ Do Thái có văn hóa Tàu-Nhật-Do Thái vậy". Cuối năm thứ ba, cô gái xin được học bổng đi học một mùa hè ở Việt Nam.
Cái siết nhẹ của vòng tay cô con gái choàng quanh vai mẹ, khiến bà cảm thấy được an ủi và tin cậy. Đôi khi, như lúc này, bà cảm thấy bớt trơ trọi vì đứa con gái đang dần trở thành một người bạn. Bà không biết cô gái ý thức đổi vai từ bao giờ. Nhưng bà nhận ra nơi đứa con gái một người đàn bà từ mùa thu năm ngoái. Hai mẹ con đi mua sắm trước ngày con trở về trường đại học. áo quần, kem thoa da, sữa tắm, băng vệ sinh... và cô gái dừng lại ở quầy dược phẩm hỏi mua bao cao-su. Cô gái cầm lên xem xét ba bốn hiệu khác nhau rồi chọn cái Pleasure for women" (Khoái lạc dành cho phụ nữ). Cô gái thản nhiên mua bao cao-su giữa khu thương mại đông đúc người qua lại, như khi chọn mua kem chống nắng hay dầu gội đầu ở siêu thị. Nhận thấy người mẹ không có vẻ thoải mái cô gái nói: " Tự mình chọn mua thì tốt hơn. Nhiều thằng không có sẵn hoặc không thích xài".
Bà mẹ cảm thấy một cơn đau xóc ở hông. Bà biết con gái có bồ từ năm mười lăm tuổi, đổi bạn trai hai ba lần, và hiện giờ đang cặp với một bạn học chung trường. Khi gãy đổ mối tình đầu, cô gái về nhà mẹ, tuôn ra một tràng đoạn độc thoại bằng tiếng Anh dài hơn một giờ đồng hồ rồi tức tưởi khóc. Bà mẹ hiểu chưa tới một phần ba những lời con gái nói - cô nói nhanh quá, có lúc gào thét, có lúc rên rỉ. Nhưng bà hiểu nỗi đau đớn thất vọng về tình yêu, bà hiểu nỗi buồn của người đàn bà khi không thể yêu nữa người đàn ông mình từng yêu. Bà ôm con gái vỗ về bằng một trường đoạn độc thoại bằng tiếng Việt, mà bà chợt nhận ra ở đoạn cuối là cô gái không thể hiểu tới một phần tư những điều bà nói - không chỉ vì vấn đề ngôn ngữ mà vì cái ký ức bật dậy từ nấm mồ quá xa xăm.
Dù vậy cô gái cũng nguôi ngoai, giụi đầu vào ngực mẹ và ngủ một giấc sâu; rồi thức dậy, sảng khoái hơn, tự tin hơn, điểm trang lại nói với mẹ là con không sao đâu, rồi ra đi. ít lâu sau cô có bạn khác. Bà mẹ không muốn con thui thủi một mình, cũng không thích cảnh đàn đúm. Có một người để chia sẻ để thủy chung vẫn hơn. Khi nghe con gái nói " nhiều thằng..." cơn đau quặn lên trong lòng bà mẹ. Rồi bà nghĩ có lẽ chỉ là cách nói tiếng Việt kiểu Mỹ của cô con gái. Nói một nhận xét chung chung tiếng Anh xài danh từ số nhiều, như nói con trai thích thể thao thì nói boys like sports. Cô con gái có lẽ chỉ ngụ ý boys chung chung khi nói " nhiều thằng". Dù sao thì một nỗi buồn khó nói cũng lặng lẽ dâng lên trong lòng bà mẹ. Cô con gái nhìn vẻ mặt mẹ và nói: " Thôi mà, mẹ!".
Có lần cô gái đưa mẹ đến dự một buổi hội thảo ở trường. Trên bàn chủ tọa có một bà bác sĩ, một bà mục sư, một bà giáo sư bộ môn phụ nữ học. Khoảng ba bốn chục nữ sinh viên dự thính và tham gia thảo luận. Bà mẹ không hiểu phần lớn nội dung cuộc tranh luận sôi nổi. Nhưng bà hiểu hai đoạn phim chiếu xen giữa cuộc thảo luận. Một phim miêu tả tỉ mỉ cơ quan sinh sản của cả hai giới tính, việc giao hợp và sự hình thành thai nhi; và những biện pháp ngừa thai khi người phụ nữ chưa sẵn sàng làm mẹ. Đoạn phim thứ hai miêu tả một cô gái tự xoa nắn thân thể mình để có khoái cảm. Hình như một trong những cuộc tranh luận sau khi chiếu phim là làm như cô gái đó là nên hay không. Bà mẹ dỏng tai nghe vẫn không hiểu hết ý kiến của những cô gái trẻ ngồi trong phòng như con bà. Cuối buổi, cô gái tóm tắt vấn đề cho mẹ hiểu: " Nhiều người có nhiều ý kiến khác nhau. Con ủng hộ ý kiến là nhiều đàn bà có quyền sướng như nhiều đàn ông. Và nhiều đàn bà nên hiểu mình yêu thân thể mình, tôn trọng thân thể mình, giữ thân thể mình khỏe mạnh, là cho chính mình, chứ không phải cho một người đàn ông".
Bà mẹ có những cảm nghĩ mâu thuẫn phức tạp về sự giáo dục và trưởng thành của con gái. Và bởi vì bà tự biết mình không thể uốn nắn con gái thành người như mình mong muốn - thực ra bà cũng không biết hay không dám biết mình mong muốn là người đàn bà như thế nào. Bà đành chấp nhận con người mà cô con gái đang trở thành, tự nhủ cô ta không thể đừng là một sản phẩm của xã hội mà bà đã đem cô đến để tìm chốn dung thân.
" Vậy thì tại sao mẹ nói dối con?".
Cô gái cho chiếu tiếp đoạn video cô đem về từ Việt Nam.
" Mẹ nói là ba con chết khi con mới ra đời ở đảo Bijoux. Con đã tới đảo Bijoux trên Thái Bình Dương, chỉ là một đảo hoang vắng, không còn dấu tích gì của trại tị nạn nữa, không có hồ sơ gì của ông Nguyễn Văn Ba. ở Việt Nam cũng không ai biết về ba con, hoặc là có quá nhiều ông Nguyễn Văn Ba, và họ hàng thì nói là mẹ vượt biên một mình, khi đang đi học ở thành phố, qua tới Mỹ mới có chồng".
Bà mẹ thở dài. Bà không thể nhớ ra trong trường hợp nào bà đã nói với con cái tên Nguyễn Văn Ba ngẫu nhiên đó. Bà không thể ngờ là cô gái ghim cái tên đó trong trí, chờ một cơ hội về Việt Nam để đi tìm lai lịch người cha. Từ lâu lắm rồi bà mẹ không hề nghe con hỏi về cha nữa. Bà nghĩ cô gái cũng như bà, đã chấp nhận sự vắng mặt của người đàn ông ấy. ở đây cứ ba bốn gia đình lại có một gia đình không có đủ cha và mẹ, và đó là chuyện bình thường.
Cô gái đổi thế ngồi, đối diện với mẹ, hai bàn tay cô cầm hai bàn tay mẹ, mặt cô cách mặt mẹ một gang tay.
" Tại sao mẹ không hiểu? Con không tìm ông Nguyễn Văn Ba, dù sống hay chết. Nhưng con cần tìm biết con là ai?".
" Con là con của mẹ. Mẹ vượt biên một mình vì lúc đó mẹ không có chồng mà có thai. Ông bà ngoại con không thể chịu đựng nỗi sỉ nhục đó. Mẹ bỏ xứ đi, sinh con ở hoang đảo, qua tới Mỹ kiếm một người đàn ông chụp hình chung để gởi về nhà để ông bà ngoại đưa cho bà con xóm giềng xem, và nói với họ là mẹ có chồng con tử tế".
Nước mắt không kềm được ứa ra khóe mắt bà mẹ. Cô con gái bóp chặt bàn tay mẹ, tì trán mình vào trán mẹ. Bà mẹ dịu lại, biết rằng cô con gái dù tỏ ra cảm thông hiểu biết, vẫn không thể nào hiểu được ý nghĩa thực sự của một quá khứ được tường thuật ngắn gọn như trên. Mà bà cũng không thể và không muốn chia sẻ với con điều đó. Cha mẹ bà đã âm thầm gậm nhấm cái chất độc " nhơ nhuốc gia phong" cho đến ngày lặng lẽ qua đời. Và tất cả họ hàng xóm giềng đều tin vào tấm hình chụp có đủ vợ chồng con cái mà bà mẹ đã gởi về rồi quên béng đi.
Hai phút sau, cô gái chợt buông tay mẹ, ngồi thẳng lưng lên.
" Mẹ. Mẹ có quyền giữ trong lòng nỗi riêng của mẹ. Nhưng con có quyền biết con là ai. Mẹ khai sinh con ở Bijoux, đó chỉ là hoang đảo. Mẹ khai cha con là Nguyễn Văn Ba, nhưng không có ông ấy trên đời. Mẹ đã dứt bỏ lai lịch quá khứ để sống một cuộc đời khác. Nhưng mẹ có hiểu thế nào là sinh ra lớn lên thành một người Mỹ không căn cước?".
" Thì thôi, mẹ nói với con vậy. Lúc mẹ lên thành phố vào đại học, mẹ yêu một người, người ấy yêu mẹ nhưng mối tình đó bị coi là quan hệ bất chính phải chấm dứt. Đơn giản vậy thôi."
" Con không hiểu. Con ở Việt Nam mấy tháng không thấy ai bị cấm yêu cả."
" Con không thể hiểu. Đó là chuyện hồi chiến tranh mới chấm dứt".
" Thôi được. Con không phê phán cha mẹ. Con chỉ xin mẹ nói cho con biết người đó là ai?".
" Trần Văn Nam".
Cô gái chồm tới vòng tay ôm vai mẹ và hôn lên trán bà.
" Cám ơn mẹ. Chúc mẹ ngủ ngon".
Rồi cô gom lại hình ảnh vương vãi trên thảm, tắt video. Bà mẹ hiểu là cô con gái đã kết thúc một vấn đề; và với cái tên bà vừa cung cấp, câu hỏi mới đã được đặt ra, và cô gái sẽ bắt đầu một hành trình mới tìm kiếm cội nguồn. Bà hình dung cô gái về Việt Nam, đến trường đại học truy danh sách sinh viên năm ấy, tìm ra năm bảy người mang tên Trần Văn Nam, rồi lần về quê quán của từng người, nghiên cứu mồ mả tổ tiên, đền thờ làng mạc, gia phả họ tộc. Có thể cuối cùng cô gái bằng phương pháp loại trừ khoa học hay cách thức nào đó mà nền giáo dục Mỹ đã dạy cô, để gặp được đúng con người đã gieo vào đời một mầm sống là cô.
Bà mẹ không tưởng tượng nổi người đàn ông ấy đón nhận đứa con trở về ra sao. Nhưng bà có thể hình dung đứa con gái của bà sẽ nói gì với người cha. " Ba. Con không đòi hỏi ở ba trách nhiệm làm cha. Nhưng con có quyền là con."

Xem Tiếp: ----