Lần đầu tiên nhìn trực diện chàng trai, tôi rùng mình. Cảm giác qua rất nhanh. Nhưng một cái gì gai gai nơi xương sống vẫn trở lại nhiều lần sau này khi tôi gặp gỡ anh ta thường xuyên hơn do công tác hướng dẫn thực tập sư phạm. Chuyên môn anh ta trung bình nhưng nhiệt tình đứng lớp thật đáng cảm động. Về mặt này sở dĩ tôi không cho điểm tối đa vì anh ta phạm một khuyết điểm quan trọng: thay vì đưa ánh mắt nhìn bao quát lớp hoặc thỉng thoảng chú ý vài học sinh, thì anh ta chỉ một mực hướng mắt về phía tội Tôi ngồi cuối lớp nhìn chàng trai nhỏ hơn mình mười tuổi, đang toát mô hôi nổi gân trán, cong môi uốn lưỡi phát từng âm tiết rõ hơn cả mức cần thiết, lại dùng động tác thân mình lẫn vẻ mặt hỗ trợ cho bài giảng. Một tiết dạy của anh ta là diễn cả một vở kịch ngắn trên sân khấu nhỏ. Và tôi thấy rất rõ ràng anh dốc toàn lực để diễn. Cũng phải, bởi vì điểm thực tập mà tôi sẽ cho đóng vai trò đáng kể trong điểm thi tốt nghiệp. Nhưng tôi nhằm. Anh ta nhắm vào một cái đích xa hơn. Sau vài buổi trao đổi kinh nghiệm giữa người đi trước và kẻ đi sau theo đúng bài bản, sự thân mật và tin cậy đã đủ đô cho anh ta để lộ có ý tứ cái "sở nguyện". Xuất thân ở một làng cách Sài Gòn ba trăm cây số, anh ta quyết không cầm mảnh bằng đại học bái tổ vinh qui. Sài Gòn càng ngày càng đầy hấp lực đối với những chàng trai trẻ đã có ba bốn năm nếm mùi thành thị. Họ luôn luôn đủ trẻ để tin rằng chốn phồn hoa ấy thế nào mà chẳng có một chỗ cho chen chân. Anh chàng sinh viên khoa Anh văn năm thứ tư này không dấu giếm ý đồ nương lấy tôi mà chen lấy một chỗ đứng giữa đất Sài Gòn. Cô có dạy các trung tâm không? Chắc cô quen nhiều trung tâm, biết nhiều nơi cần ngoại ngữ. Em từng dạy kèm, có lần làm hướng dẫn viên du lịch, cũng đã nộp đơn cho các cơ quan có tuyển người, nhưng... Tôi biết chữ "nhưng" đó. Nhưng em không thân thế, không quen biết, không kẻ đỡ đầụ Tất cả cái anh sinh viên trẻ này có chỉ là cái anh ta tin là "tài năng" của mình. Suốt đợt thực tập anh ta tận dụng mọi cơ hội để phô diễn khả năng và lấy lòng tôi. Phải nhìn nhận rằng anh ta có một kịch bản tốt, lại là đạo diễn kiêm diễn diên xuất sắc. Cuối đợt thực tập tôi hứa sẽ giới thiêu anh ta với ông giám đốc trung tâm ngoại ngữ nơi tôi đang dạy, sau khi anh ta có bằng tốt nghiệp.
Trước mắt, tôi nhường anh ta một chỗ dạy kèm. Nói có trời làm chứng, tôi làm việc này vì lợi ích bản thân. Chỗ dạy ấy là chỗ quen biết lâu nay, tiền bạc sòng phẳng nhưng vừa xa nhà lại thêm đám đệ tử làm biếng. Nghĩ dạy thì phụ lòng bạn cố tri, lẵng nhẵng dạy hoài không kết quả chỉ tổ mất uy tín. Ðem anh chàng trẻ tuổi nhiệt tình này vô thế mạng có khi có lợi cả ba.
Anh ta mang ơn tôi về việc này, sâu nặng hơn là tôi tưởng. Với hai trăm ngàn đồng mỗi tháng nhận được từ một chỗ dạy khá chắc chắn ở ngay Sài Gòn, anh ta đã từ chối không đắn đo quyết định bổ nhiệm sau khi ra trường. Cũng không có gì đáng chê trách. Tại sao phải về một hóc bò tó nào đó cày như trâu để nhận trên dưới một trăm ngàn đồng? Có hàng trăm ngàn tân cử nhân, kỹ sư, giáo viên, bác sĩ mới tốt nghiệp có cùng suy nghĩ như vậy. Họ đang gõ tất cả các cánh cửa có thể mở ra, đang chen bước trên mọi nẻo đường tìm việc tiến thân. Là người trong cuộc, anh sing viên hiểu mình là kẻ may mắn như thế nào. Và dù tôi chẳng tự thấy mình là kẻ thi ân, nhưng cảm động mỗi khi anh ta ghé lại thăm để nhắc đi nhắc lại tiếng cảm ơn.
Anh ta không chỉ đến để cảm ơn. À, mà quên. Có lẽ đặt cho anh ta một cái tên nào đó. Ðăng chẳng hạn, để tiện nhắc tới từ đây về sau.
Ðăng thường thường đến thăm tôi sau ca dạy buổi tối. Có khi Ðăng đi thẳng từ chỗ dạy kèm đến nhà tôi để nhắn là bạn tôi tức phụ huynh mấy đứa nhỏ Ðăng đang dạy, mời tôi chủ nhật ghé lại ăn cơm. Có khi Ðăng cầm theo một giáo trình mới photo đến hỏi tôi một chi tiết nào đó. Có thể Ðăng là người hiếu học nhiệt tình thật. Nhưng động cơ thật sự để Ðăng bám tôi là lời hứa về dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Thật sự có một nhu cầu giáo viên Anh văn ở các nơi này. Nhưng cánh cửa không mở rộng cho tất cả mọi người. Ðăng kiên trì theo tôi với hy vọng tràn trề. Miễn là có được vé vô cửa, sau đó sẽ là bản lĩnh của anh tạ Những Chàng trai trẻ này, dường như đòi hỏi: "hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ bẫy cả thế giới này lên cho mà coi". Tôi không cho rằng óc thực dụng và lòng tự tin của tuổi trẻ là xấu. Ngược lại, tôi thích người trẻ tuổi lao vào tương lai bằng thực lực cộng với sự khôn ngoan thức thời. Và tôi cũng không cần dối lòng rằng tôi mến Ðăng.
Ở anh ta có một điều mà ngay từ thuở còn bằng tuổi anh ta tôi đã đánh mất, thực ra là không hề có. Ðó là tình yêu cuộc đời. Khi Ðăng nói chuyện, toàn thể cơ môi, cơ mặt, mắt, chân mày, cả tóc chải lật ngược trên vầng trái cao, cùng với tay chân và cả thân hình đều tập trung vào mục đích diễn đạt ý tưởng sao cho hiệu quả nhất, thuyết phục người nghe hùng hồn nhất. Ở con người Ðăng luôn phả ra một cái "thần" rất dũng mãnh có thể trùm lên cả người đối diện và chinh phục họ Chỉ kẻ nào khao khát sống lắm mới toát lên một sức sống dữ dội như vậy. Nhiều buổi tối, dù đi dạy về mệt mỏi, tôi ngồi nghe Ðăng kể chuyện, nhìn Ðăng nói, rồi cười, rồi nói theo, rồi tranh luận, rồi sau đó giật mình thấy mình bị một thằng oắt con dắt mũị Tôi không phải loại người cởi mở, và tự cho rằng ít người chi phối được tính cách tội Lẽ nào, trong số ít người đó có chàng trai cung kính gọi tôi là cô, xưng là em này? Nhiều lần Ðăng chào tôi ra về rồi, tôi vẫn đứng trong khung cửa nhìn theo một vóc dáng thanh niên vững chãi bước chắc chắn mà thanh thản trên đường Sài Gòn đêm, đầu ngẩng lên, gió thổi lồng cổ áo và đưa tiếng huýt sáo vui tươi bay ngược lại. Ðăng đã làm cho tôi tin cuộc đời này là của anh ta, hoặc nhất định anh ta sẽ có cả cuộc đời này.
Tôi đã sống một cuộc đời khác hẳn. Nói một cách nào đó, tôi sống trong một thế giới hoàn toàn khác cái thế giới mà Ðăng đang háo hức lao vào để khẳng định chính mình. Hai thế giới ấy xài chung hệ thống điện nước, người ở thế giới này quan sát được tất cả hành vi chuyển dịch ở thế giới kia như nhìn qua một tấm kính trong suốt, nhưng không bao giờ hòa nhập được với nhau. Phải, có một tấm kính trong suốt nhưng bất khả giao lưu giữa những thế giới con người. Từ trong thế giới của tôi, tôi quan sát Ðăng bên kia tấm kính và hiểu rằng không bao giờ tôi bước được vào chốn tưng bừng rực rỡ ấy. Có chăng một chút rạo rực dậy lên khi tôi nghĩ: con người ấy dám lao theo niềm tin của mình, giành lấy cái mình yên quí bất chấp mọi thành trì thách thức. Và tim tôi nhói đau với ý nghĩ rằng hạnh phúc thay cô gái trẻ nào dược Ðăng yêu.
Khi Ðăng yêu, tình yêu toát ra từ hơi thở và mồ hôi ở chân lông kẽ tóc, Không đợi Ðăng nói, không cần Ðăng kể, tôi cũng biết Ðăng đang yêu. không phải yêu tôi, tất nhiên. Hẳn là Ðăng đang yêu một người nào tuyệt vời lắm. Bằng một tình yêu tuyệt vời lắm. Con người đó, với mối tình đó cuốn Ðăng mất tiêu cả tháng trời. Khóa mới ở trung tâm sắp mở, tôi nhắn Ðăng mấy lần mà không thấy anh ta tới. Thật là chuyện lạ. Cuối cùng Ðăng đến. Tôi nhìn chàng trai trước mặt mà rùng mình nổi gai ốc. Trong cái con người này, trên cái gương mặt này có một cái gì hoang dại, một cái gì tàn khốc, một cát gì cực kỳ điên rồ. Ðăng nói, thoạt đầu như kẻ chiêm bao nói lảm nhảm, rồi như gã say tuôn trút ra những ẩn ức đáy lòng, sau cùng là loạn ngôn của người bệnh tâm thần. Tôi muốn tóm tắt một câu chuyện tình mà xét ra ngoài hai người trong cuộc, không có gì mới mẻ thú vị đối với người thứ ba, nhất là người thứ ba đó là tôi. Một buổi tối Ðăng gặp trên đường một cô gái mặc tấm áo nhung xanh màu đại dương. Hai người yêu nhau ngay cái nhìn đầu tiên. Họ không mất thời giờ cho những trò ỡm ờ đẩy đưa tán tỉnh. Hai người cuốn hút nhau như hai nam châm khác cực. Ngay đêm đầu tiên đó dưới bầu trời sao trên nệm cỏ công viên, âm dương đã hòa hợp. Ðêm sau đêm sau, đêm sau nữa... hoan lạc triền miên. Ngày của Ðăng chỉ là sự chờ đợi mặt trời đi ngũ sớm. Anh ta đi lang thang trên phố như kẻ mộng du hay ngồi thừ ở một ghế đá công viên như tên du thủ, chờ hoàng hông tắt và cô gái đến với anh. Cô ta nói rằng cô không còn nhà cửa, phải ở đậu trong chùa. Cô cũng không còn cha mẹ anh em, không có tiền của sự nghiệp. Sá gì điều đó bởi Ðăng cũng không tiền, nghề nghiệp lênh đênh, cha mẹ nơi quê nhà xa tắp, bản thân cũng phiêu linh, phiêu lãng vì đã bị đuổi ra khỏi ký túc xá sinh viên sau khi tốt nghiệp. Họ gặp nhau ở góc đường, hẻm tối, hay công viên vắng vẻ. Sá gì điều đó khi người ta yêu! Một đêm họ nằm dài bên nhau trên lề đường lát đá. Ðăng ôm tấm thân mềm mại mà nhẹ tênh của cô gái mà thủ thỉ. Những hoài bão của tuổi trẻ. Những nỗ lực không ngừng để giàng lấy một chỗ đứng dưới ánh mặt trời Và cũng như mọi chàng trai khác. Ðăng cũng hứa hẹn với người yêu. Mai mốt, có thể đầu tháng tới, người đỡ đầu của Ðăng tức là tôi, sẽ giới thiệu cho Ðăng vài lớp ở trung tâm như lời hứa. Ðăng sẽ tiền sẽ mướn phòng ở đàng hoàng để đưa nàng về.
Nghe đến tên tôi, người yêu của Ðăng hỏi lại. Cô ta hỏi vài chi tiết về lý lịch tôi như để kiểm tra rồi im lặng nhìn Ðăng đăm đăm. Lần đầu tiên Ðăng nhận thấy từ đáy mắt thăm thẳm như đại dương ấy gợn lên một nỗi buồn như sóng vô tận.
Ðêm sau, đêm sau, đêm sau nữa, cô gái không xuất hiện. Ðăng hoảng hốt, sợ hãi, điên cuồng vì chờ đợi. Ðến lúc chàng trai trẻ sắp đốt cả thành phố này để tìm kiếm người yêy thì cô gái đến. Vẫn tấm áo nhung xanh màu đại dương, đôi mắt thăm thẳm sóng trùng trùng vô tận làm cho Ðăng có cảm giác gương mặt cô xa xăm không thực. Chờ cho Ðăng vồ vập rồi trách móc rồi hờn dỗi rồi vỗ về, cô bình thản nói lời vĩnh biệt. Qua ba ngày cô đã quyết định dứt khoát được là không gặp Ðăng nửa. Không bao giờ nửa. Tại sao? Tại sao ư? Nếu Ðăng muốn biết thì hãy kể lại câu chuyện này cho người đỡ đầu, tức là tôi, và nói với tôi tên cô gái là Du Thảo.
Tôi thoạt đầu nhíu mày lại, nghiên tai như muốn nghe lại cái tên mình lơ đãng nghe không rõ. Rồi tôi chăm chú nhìn Ðăng để chắc rằng anh ta không xạo mà cũng không điên. Nói cho cùng chuyện mà Ðăng kể hôm nay cũng không vượt ra ngoài sự tưởng tượng hay đức tin tôi lâu nay. Nhưng tôi càng nhìn Ðăng càng nhận ra là chuyện thật, càng nghe lòng buồn da diết. Tội nghiệp bạn tôi. Tội mày quá, Du Thảo à.
Du Thảo là bạn học chung lớp ở trường trung học. Hồi đó nó đi học có xe hơi đưa đón. Chiến tranh qua đi, gia đình tan tác, nó lưu lạc ở tuổi mười sáu, vô Thanh Niên Xung Phong đi phá rừng đào kênh. Ít lâu sau liên lạc được với bà con ở nước ngoài, nó về Sài Gòn sống bằng đô la viện trợ. Tôi nhớ dạo lạm phát phi mã, không, phi thuyền chứ, sáng vàng mười tám ngàn một chỉ, chiều hai mươi, hôm sau hai mươi lăm. Tôi lãnh lương ra cầm sấp tiền trong tay như cầm cục nước đá, tiêu hết ngay biết lấy gì sống ngày mai. Không tiêu ngay thì nhìn giá trị nó tan ra teo đi nhanh chóng. Thảo cầm tờ năm mươi đô la tựa ban công nhìn xuống phố nói tôi rằng để đến ngày mai không chừng bán ra được gấp đôi tiền, mua được gấp đôi gạo đường sữa... Cái vui của mình thành ra tỉ lệ thuận với nỗi lo của đa số đồng bào. Tôi bảo không việc gì nó phải bận tâm vì lòng thương nước lo dân là độc quyền của người khác rồi. Nó nói nó không sao xua đi được cái cảm giác người ngoại cuộc, kẻ ở một thế giới khác. Tao không phải là người của cõi mà mọi người đang sống. Tôi còn nhớ nó hay nói như vậy và tôi cho rằng nó nghĩ vậy tại nó bơ vơ một mình. Thỉnh thoảng nó mang tiền quăng qua cửa sổ, rủ bạn bè đi Ðà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu... chơi. Tụi này hay ngồi trên bãi biển ban đêm, khi thủy triều kéo mép nước lùi thật xa, bãi cát lộ ra rộng dài im mát. Tụi này hay nói chuyện tào lao, nhắc kỷ niệm học trò, bàn luận văn chương vớ vẩn. Một đứa nói sao hồi nhỏ đi học lượm được trái me rụng dọc đường vô lớp ngồi ăn gì mà ngon. Bây giờ cây me đó rụng trái me đó trên con đường đó mà ăn vô chỉ thấy chua lè. Thảo nói hình như cái gì ngon lành hay ho nhất là cái mình đã hưởng qua thời niên thiếu. Nó cho rằng sống chừng một phần tư thế kỷ người ta đủ biết hết cuộc đời này rồi. Như nó, miếng ngon từng hưởng, đói khác từng qua, vinh cũng có mà nhục không phải không. Bắt đầu từ tuổi hai mươi lăm trở đi, người ta sống là để thấy những ảo ảnh vở đần. Tôi nhớ một chuyện ngắn của Lỗ Tấn, nhân vật trong truyện đi coi hát, nghe nói tuồng tích hay lắm, kép nọ lừng danh, nên cố đứng trong đám đông xem hết hồi này đến hồi kia, tuồng tích gì lê thê chẳng biết đầu đuôi ra sao cũng không biết bao giờ kết thúc, kép gì đó cũng không biết là ai chờ hoài cũng không biết bao giờ xuất hiện. Ở lại xem thì chán, xem mãi cũng chỉ thấy ngần ấy diễn viên, ngần ấy động tác. Bỏ về thì lở lúc mình về rồi xuất hiện cái gì hay lắm, uổng lắm không được xem. Vì vậy người ta cứ sống cho tới bảy tám chục tuổi, nếu trời để cho sống. Du Thảo đứng dậy nói thôi tao chết đây, như tôi nói thôi tao đi ngũ đây, khi duỗi người trên cát để chấm dứt chuyện tào lao, nhắm mắt ngũ. Sáng dậy mới hay đêm qua Du Thảo đã bơi ra biển, hôm sau nữa mới tìm được xác nó bị sóng tấp vô ghềnh đá. Tự tay tôi đã mặc cho nó chiếc áo màu đại dương, đã vuốt mắt và trang điểm cho nó lần cuối, rồi đưa nó vào lò thiêu.
Ðăng hỏi tôi có biết Du Thảo không, có biết tại sao cô ta lại dứt bỏ mối tình đột ngột và tàn nhẫn như vậy? Ðăng biết Thảo yêu mình như chính mình yêu Thảo. Một tình yêu tuyệt đối. Ðăng sẵn sàng đánh đổi tất cả, tất cả, cho tình yêu. Tôi tin, căn cứ vào những việc đã qua. Anh ta đã đánh đổi sức lực, sĩ diện, tư cách, tham vọng cho mối tình ở lề đường góc phố ấy. Anh ta yêu mà không đặt câu hỏi người mình yêu có thực hay không. Tôi nhìn cái con người ngồi trước mặt đã khác hoàn toàn chàng trai trẻ đầy sức sống, đầy tự tin, đầy tham vọng, đầy tương lai của một tháng trước. Tôi nói thầm. Ðâu phải mày, hả Du Thảo. Còn nhớ đêm ấy trên bãi biển, tao hỏi mày chắc đã sống đủ chưa, mày chưa yêu mà. Mày cười ngất, làm gì có cái gọi là tình yêu. Giờ biết gọi là cái gì đây? Tôi bảo Ðăng đi theo tôi, phải nhận diện trước đã.
Tôi dắt Ðăng vào chùa, dẫn ra hậu liêu, nơi để bài vị, ảnh thờ và tỉnh cốt. Tôi đi trước, không ngoái lại nhìn Ðăng nối bước phía sau, nên không thể tả vẻ mặt hay dáng vẻ anh ta, càng không thể nói được đều gì đang diễn ra trong lòng anh tạ Tôi chỉ bức chân dung Du Thảo hỏi có phải người này không, Ðăng trợn trắng mắt nhìn, lưng dựa vào cột chùa, mà đầu gối vẫn khụy xuống. Và dù anh ta cố gắng khép hai đầu gối lại, khoảng vải quần dưới đũng vẫn loang ra vết sậm vì ướt.
Tôi thắp nén nhang cho bạn mình, Hương trầm thoảng đưa, khói nhang phảng phất trong đôi mắt thăm thẳm trùng trùng sóng đại dương. Tôi quay lại không thấy Ðăng đâu nửa. Tôi cũng chẳng quan tâm đến anh ta làm chi. Chỉ ngậm ngùi thương bạn mình. Chắc thế giới kia cũng chẳng có gì vui lắm, nên mày quay lại cõi này ghẹo thằng nhỏ đỡ buồn. Nhè thằng nhỏ dở quá, mới thấy ma đã té đái trong quần.

Xem Tiếp: ----