(theo CNN)
Ronald Reagan: Từ thành phố nhỏ đến Hollywood (1)

Cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Phần lớn cuộc đời Reagan, những từ được viết bên cạnh những bức ảnh trong cuốn sổ lưu niệm thời trung học của ông, đều trở thành sự thực. Người cứu hộ, vận động viên, diễn viên, thị trưởng, tổng thống, không có nhiều điều mà ông chưa từng làm.
Những khả năng đó dường như là vô tận đối với cậu bé có biệt danh Dutch lớn lên tại thành phố nhỏ Dixon, Illinois.
"Thế giới là một cơ hội lớn cho Ronald Wilson Reagan", người viết tiểu sử Lou Cannon đã viết trong cuốn "Ronald Reagan: The Role of a Lifetime.

Ronald Reagan (phải) và anh trai John Neil.
Ronald Reagan (phải) và anh trai John Neil.
Ronald Wilson Reagan sinh ngày 6/2/1911 tại Tampico, Illinois, là con của ông John Edward Reagan (thường được gọi là Jack) và bà Nelle Wilson Reagan. Gia đình cậu bé Dutch (tên thân mật mà cha Ronald đặt cho) sống trong một căn hộ trên tầng 2 ở Tampico. Ông có một anh trai hơn ông hai tuổi là John Neil.
Jack là một người đàn ông không ngơi nghỉ. Không bằng lòng với nghề bán giày ở Tampico, ông cùng gia đình chuyển nhà rất nhiều lần trong suốt quãng thời bé thơ của Dutch và mong muốn tìm được công việc và một cuộc sống tốt hơn.
Khi Dutch lên 9 tuổi, gia đình nhà Reagan định cư ở Dixon, một thành phố nhỏ nơi Jack biến được một phần giấc mơ của ông thành hiện thực, trở thành thành viên của Fashion Boot Shop.
Nhưng phiền toái vẫn tiếp tục xảy đến đối với người cha này. Những năm tiếp theo ông phải tiếp tục đối chọi với những thay đổi thất thường của nền kinh tế và chứng nghiện rượu của bản thân.
Số tiền ít ỏi mà Jack kiếm được ở cửa hàng giày thường bị lãng phí vào các cuộc chè chén say sưa. Ông có thể biến mất vài giờ hoặc vài ngày liền, để Nelle phải xin lỗi hộ chồng. Bà phải nhận may vá để kiếm tiền trang trải cho gia đình.
Nhưng Dutch đã thể hiện sự lạc quan mà ông mang theo suốt cuộc đời, đối mặt với tình hình tài chính eo hẹp của gia đình và những vất vả trong cuộc sống với niềm tin rằng những ngày tươi sáng ở phía trước.
Nhiều năm sau, Reagan nhớ lại những năm tháng ở Dixon như quãng thời gian bình dị của chốn thôn dã. Mùa hè ông khám phá thung lũng Rock River, mùa đông thì đi trượt tuyết. Dixon là nơi Reagan phát hiện ra tình yêu thiên nhiên và tầm quan trọng của thành phố nhỏ, những giá trị truyền thống.
Nelle Wilson Reagan là một con chiên mộ đạo. Bất chấp những hoàn cảnh khó khăn, bà vẫn hết lòng giúp đỡ người khác. Vì đã cho phép Neil rửa tội trong nhà thờ Thiên chúa La mã giống cha, bà khuyến khích Dutch theo đạo Cơ đốc.
Ở tuổi 12, Dutch được Những môn đồ của Giê Su - một nhóm Tin lành ở chủ trương ôn hoà, cứu rỗi linh hồn thông qua những việc thiện và tư tưởng rằng Chúa sắp đặt mọi việc - rửa tội.
Nhà thờ trở thành tâm điểm trong cuộc đời Dutch. Ông tới các lớp học kinh thánh, đóng các vở kịch nhà thờ do mẹ ông đạo diễn và giúp sửa chữa và quét dọn nhà thờ.
Dutch mang những bài giảng của nhà thờ theo suốt cuộc đời. Nhiều năm sau, ông vẫn có thể trích những bài thánh ca mà ông học khi còn nhỏ và chia sẻ với những người khác niềm tin vào sự sắp sếp không sai lầm của Chúa.
Gia đình nhà Reagan.
Gia đình nhà Reagan.
Ông thừa hưởng từ người cha vẻ duyên dáng và năng khiếu kể chuyện. Cho dù những khó khăn về việc làm, Jack đã dạy các con ông giá trị của tham vọng và sự chăm chỉ.
Nổi tiếng ở trường 
Tại trường trung học Dixon, Dutch là một chủ tịch hội sinh viên nổi bật, năng động và vượt trội về môn bóng đá, bóng rổ.
Từ những năm đầu đời đó, Dutch đã yêu thích nghiệp diễn. Cậu tham gia diễn kịch ở nhà thờ, nghiên cứu kịch ở trường trung học, và tham gia nhiều vở kịch ở trường.
Nhưng những giây phút đáng nhớ nhất trong những năm học tại Dixon của Dutch là ở Lowell Park bên bờ Rock River. Tại đó, vào các mùa hè, cậu làm cứu hộ 7 ngày một tuần. Dutch từng lôi 77 người lên khỏi dòng nước xiết của con sông.
Những thập kỷ sau, Reagan nhớ lại những ngày làm cứu sinh ở Lowell Park là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Reagan đăng ký học Đại học Eureka, trường đại học do Những Môn đồ của Giê Su điều hành. Đẹp trai, điềm đạm và đậm chất thể thao, Dutch nhanh chóng tạo được tên tuổi tại ngôi trường nhỏ chỉ có 250 sinh viên khi cậu nhập học năm 1928.
Dutch chơi trong đội bóng Vòi rồng Vàng, trở thành đội trưởng đội bơi và tham gia các vở diễn trong trường. Cũng tại Eureka, Reagan lần đầu tiên tưởng tượng sẽ trở thành ngôi sao màn bạc, giấc mơ mà ông giữ cho riêng mình.
Trong khi mơ ước về Hollywood, Reagan nếm mùi chính trị đầu tiên ở trường đại học, khi giữ chức thành viên điều hành hội sinh viên và sau đó trở thành chủ tịch.
Ngay năm thứ nhất, là một thành viên Dân chủ trẻ tuổi theo chính sách kinh tế xã hội mới, Reagan đã lãnh đạo các cuộc biểu tình trong trường đại học để phản đối kế hoạch cắt bỏ ngành học. Trong thời gian đó, hiệu trưởng từ chức và Reagan trở nên nổi bật.
"Lần đầu tiên trong đời, tôi để từ ngữ tuôn trào và có những khán giả, thật hồ hởi", Reagan viết trong cuốn tiểu sử của ông.
Gia đình xuống dốc
Ngoài số tiền học bổng ở trường, Dutch kiếm thêm bằng việc làm cứu sinh và bồi bàn tại quán ăn ở trường. Cậu cũng rửa đĩa cho khu tập thể nữ.
Trở lại Dixon, cửa hàng Fashion Boot của Jack trở thành nạn nhân của tình trạng suy giảm kinh tế năm 1930 và khiến ông trở thành người bán dạo. Nelle kiếm việc tại một cửa hàng quần áo, và gia đình phải cho thuê lại một phần căn hộ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Khi không còn có thể thuê nổi nhà, cả gia đình lại chuyển sang một căn hộ nhỏ hơn.
Sau đó, Jack mất việc và Reagan thường phải bí mật gửi tiền tiêu vặt cho mẹ.
Sau đó, khi Jack mắc bệnh tim, Dutch phải nuôi cha mẹ và đưa anh trai tới đại học Eureka.
Bố của Reagan, một trong số những thành viên đảng Dân chủ ít ỏi trong thành phố, được chỉ định làm quản lý một số chương trình cứu trợ liên bang của Franklin Roosevelt và đã cho con ông cái nhìn không mấy tốt đẹp về công việc của chính phủ liên bang.
Sau này Reagan nhớ lại, những nhân viên phúc lợi đã nhấn chìm nỗ lực của cha ông, khuyến khích người ta không nhận những công việc mà chương trình thúc đẩy việc làm mang lại, thay vào đó thì quá dựa dẫm vào những nguồn phúc lợi.
"Tôi không đủ sắc sảo để nhận ra điều mà sau này tôi mới biết: nguyên tắc đầu tiên của bộ máy quan liêu là bảo vệ bộ máy quan liêu", Reagan viết. Chống lại tư tưởng đó trở thành một trong những nguyên lý chính trị trung tâm của ông.
Đường đến Hollywood
Reagan nhận bằng kinh tế và xã hội học của Đại học Eureka năm 1932. Khi đó ông 21 tuổi và vẫn giữ giấc mơ trở thành ngôi sao màn bạc.

Ronald Reagan thời làm phát thanh viên chương trình thể thao tại Des Moines, Iowa, 1934.
Mặc dù nền kinh tế đang trong cơn suy thoái, Reagan tìm được việc làm phát thanh viên chương trình thể thao ở Davenport, Iowa và sau đó là ở Des Moines.
Ông làm việc 5 năm cho đài phát thanh và hoàn thiện kỹ năng nói. Một câu chuyện thường được nhắc đi nhắc lại đã kể về việc ông đã phát những bài bình luận về các trận bóng chày của câu lạc bộ Chicago Cubs từ buồng điện thoại của ông ở Des Moines như thế nào. Những bản tin hấp dẫn của ông chỉ được đựa trên những bức điện báo khi trận đấu đang diễn ra.
Nhưng giấc mơ Hollywood của ông vẫn còn đó. Năm 1937, trong khi ở California để đưa tin về khoá huấn luyện mùa xuân của Cubs, Dutch đã tới Los Angeles để thử vai. Ông đã giành được hợp đồng 7 năm với hãng Waner Bothers và người ta đã nói với ông: "Dutch Reagan không phù hợp với màn bạc, nhưng Ronald Reagan thì ổn".
Vì vậy, Ronald Reagan trở lại Des Moines, gói gém đồ đạc và tiến thẳng tới Hollywood.