Ký ức tôi còn giữ được hình ảnh bà nội tôi là vào khoảng tôi lên bày lên tám gì đó, lúc đó là những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bà nội tôi hồi đó đã già yếu lắm rồi, người ốm, cao lòng khòng, tay chân xương xẩu, da đen bóng, nứt nẻ như thân tràm lục. Ông nội tôi mất hồi nào tôi không biết, nghe nói từ hồi còn trẻ, bà nội tôi một mình nuôi ba tôi và mấy chú tôi lớn lên, ai cũng được học hành, ba tôi và người chú kế còn được lên học ở Sài Gòn đậu bằng tú tài, mấy chú khác học ở chợ huyện hoặc chợ tỉnh cũng đều có bằng cấp cả. Bà nội tôi có mười một người con, toàn con trai, người có vợ hoặc chưa vợ đều ở với bà, cho đến năm khởi nghĩa 45 đi tứ tán cả, phần lớn đi kháng chiến, một số đi buôn hoặc đi làm ruộng xa. ở nhà một mình bà nội tôi cai quản hết cả cơ ngơi gồm nhà cửa, vườn tược và hơn mười mẫu ruộng. Làng tôi nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây xứ đồng chua nước mặn nổi tiếng, dân cư thưa thớt, tôm cá nhiều nhưng muỗi mòng cũng lắm, bước ra khỏi nhà là phải xăn quần lội ngay xuống sình, nhà này cách nhà kia có khi kêu hú cũng không nghe tới. Tuy vậy làng tôi không hẳn là làng nghèo, do làm ruộng giỏi và cần cù nên có nhiều nhà lợp được mái ngói, thấp nhứt cũng lợp lá dừa nước cột kèo bằng cây tràm lụt. Nhà bà nội tôi thuộc loại khá giả, thuộc trung nông lớp trên hoặc tương đương như vậy. Có một dạo bà nội tôi xây được nhà nền đúc, mái ngói lợp âm dương, phía trước lót gạch bông xanh đỏ, phía sau có nhà bếp nhà kho, có cả một lẫm lớn để cất lúa. Sân nhà rất rộng, lót gạch tàu làm sân phơi lúa, vườn trồng đủ thứ cây trái không thành hàng lối gì cả, có một cây me già cao ngất chim đậu hót ríu rít suốt ngày. Bà nội tôi nuôi gà, nuôi heo, trâu có ba đôi, chó mèo mặc sức sanh sôi nảy nở chạy rông trong nhà. Cảnh nhà bà nội tôi nói chung là khang trang từ trước ra sau, chỉ trừ người chủ là bà nội tôi lúc nào cũng lam lũ, tất bật, quanh năm chỉ mặc bộ đồ bà ba đen bạc phếch, tay áo xăn tới khuỷu, quần xăn tới gối, đầu trần chân đất suốt ngày lặn lội ngoài đồng. Với hơn mười mẫu ruộng bà nội tôi quán xuyến tất cả, làm từ việc lớn như coi sóc hàng trăm công cấy công gặt tới việc nhỏ như đắp ống bọng, xả nước vào mương, thắt con cúi để un muỗi cho trâu, việc nào bà cũng làm với vẻ chăm chú, hối hả, mặt mày lúc nào cũng cau có tưởng chừng việc làm ruộng đối với bà là niềm hạnh phúc lớn nhứt lại cũng là nỗi đau khổ lớn nhứt. Không nghe bà than phiền điều gì, cũng không thấy lúc nào bà tỏ vẻ hả hê, vui sướng. Bà làm ruộng được nhiều tiền lắm, lâu lâu thấy bà giở tiền từ trong tủ ra phơi đầy một góc sân. Có một dạo cướp nổi lên dữ quá bà không dám cất tiền trong tủ mà đem giấu trên mái lá sau bếp, giấu nhiều chỗ rồi quên đi tới chừng nhớ ra lấy xuống thấy tiền phần bị ướt phần bị mối ăn hư hao gần hết, bà tiếc rẻ đem ra sông rửa, phơi khô bó thành một bó thảy lên đầu tủ cho nó mục dần đi với năm tháng. Tôi không biết bà nội tôi xài tiền vào đâu, bản thân bà không có nhu cầu gì cả, quanh năm chỉ vài bộ quần áo vải thô, cơm ngày ba bữa với cá bắt dưới sông, rau hái ngoài đồng, gà vịt nuôi chỉ để cho dịp giỗ tết đãi khách khứa. Lâu lâu thấy bà nội tôi mua về một bộ ván gõ, bộ ghế xa lông để ở nhà trên, nơi không khi nào bà bước chân lên tới nhưng lúc nào cũng mở rộng cửa mặc cho gà vịt đậu ỉa, heo làm chỗ gãi lưng. Có một lần tôi nhìn thấy một con heo ngồi chồm chỗm trên một chiếc ghế xa lông, một lần khác một con nghé từ đâu chạy xộc vào đứng lại chính giữa nhà khịt khịt mũi ngó cái tủ kiếng thấy có hình nó trong đó liền hoảng sợ tuôn chạy ra tuốt ngoài đồng, lôi cách mấy cũng không chịu trở vào.
Ruộng bà nội tôi nằm rải rác khắp làng, mỗi thửa có một tên rất kỳ lạ, nghe vừa xa xôi vừa gần gũi, tôi nhớ có một thửa tên là Giây Sấm, một thửa khác tên là Ông Bầu. Trâu bà cũng có tên, bà gọi chúng như con cháu trong nhà: con Pháo, con Xe... Nhà có một người làm duy nhất là thằng Tý, chủ yếu là giữ trâu, nó mồ côi nên ở lâu cũng coi như con cháu trong nhà. Những người làm khác bà nội tôi thuê mướn theo từng vụ mùa, không ngại la mắng, chửi rủa, không chỉ với chuyện làm việc cho bà mà cả chuyện riêng của gia đình họ như uống rượu say bỏ bê vợ con, làm biếng để vườn mọc đầy cỏ. Có một lần tôi thấy bà nội tôi chửi rủa thậm tệ một người làm công vì người này ngủ quên để ao cá bị ngập nước cá ra hết ngoài sông, sau thấy hối hận bà gánh cho một gánh gạo nhưng vừa tới nhà lại la mắng, chửi rủa nữa. Tôi không hiểu quan hệ giữa bà nội tôi với những người làm công, hoặc với bà con chòm xóm là như thế nào: có người thương yêu, có người mang ơn, người khác thì sợ, cũng có người ghét bỏ. nhưng trên tất cả, mọi người đều kính nể bà nội tôi vì bà làm ruộng giỏi, chăm chỉ, cần cù, sản lượng lúa tính bình quân thường cao hơn tất cả.
Làng tôi ngoài chuyện đồng chua nước mặn lại thêm thời tiết cứ thất thường khi thì nắng hạn nứt đất khi thì mưa dầm nước ngập linh láng, công sức đổ ra cho ruộng nương nhiều không biết bao nhiêu mà kể, cây lúa mọc lên như không phải từ đất mà từ lòng bàn tay. Rồi lại còn chiến tranh giặc giã nữa, khói lửa cứ liên miên năm này tháng nọ không bao giờ dứt. Những năm đó và cho tới mãi về sau này tưởng chừng như thằng giặc có thù riêng gì với làng tôi, cứ tập trung đi càn ở đó, bom pháo dập xuống ở đó, hai ngày có trận càn lớn, ba ngày có trận càn nhỏ, cho tới máy bay đi ném bom ở đâu chiều về còn dư bom chúng cũng trút xuống ở đó. Thời giặc Tây cả tỉnh có thằng Tây Ngựa, thằng Tây Búa ác khét tiếng đều đóng quân ở đó,chúng giỏi đi càn bắn phá giết chóc và cũng giỏi bắt gà bắt vịt, lùng sục không thua gì đám lính ngụy, đến lúa thóc giấu trong quan tài chúng cũng lôi ra được. Thằng Tây Ngựa chạy giỏi như ngựa, ham chạy rượt bắt người như săn thú.
Chuyện kể rằng dân làng căm thù thằng Tây Búa quá mới tổ chức một toán người giả làm những thằng hình rơm phục ngoài đồng, mà toán người đó toàn đàn bà con gái, họ rình phục như vậy cả tháng trời mới bắt được nó. Đó là tôi nghe kể thôi, còn thằng Tây Ngựa tôi có gặp một lần. Đúng là nó cao lêu nghêu chân dài như cây sào, mặt đỏ lựng, lúc nào cũng cau có, lầm lỳ, đi càn nó lùng sục không sót chỗ nào, ngó qua cả chuồng heo chuồng gà, ra sau vườn ngồi chồm hổm ngó xuống ao cá rồi ngước mắt nhìn lên ngọn me già. Rồi nó vào nhà tôi. Tôi đi sau đầu chỉ ngang tới gối nó. Nó quay lại nhìn tôi, mặt cau có lầm lỳ, huơ huơ cái ống vố lớn bằng nắm tay có vẻ muốn nói chỉ cần cái ống vố đó thôi nó cũng đập chết tôi. Đó là vào năm bốn bảy, ba tôi đi kháng chiến đã hai năm rồi, má tôi đem tụi tôi từ Sài Gòn về cất cái nhà nhỏ cạnh nhà bà nội tôi, đồ đạc chỉ có chiếc rương lớn đựng quần áo chúng tôi và mớ sách của ba má tôi, toàn sách chữ Tây vì ba má tôi trước đó học trường Tây ở Sài Gòn. Thằng Tây Ngựa đi sải mấy bước đã giáp vòng nhà, dừng lại trước kệ sách ngắm nghía rồi đưa tay lấy một cuốn sách giở ra coi. Nó coi liền mấy cuốn sách như vậy, mỗi lần coi xong nó đều trả về chỗ cũ cẩn thận, không xốc xáo, mặt vẫn cau có lầm lỳ. Rồi nó bỏ đi không đốt nhà tôi như theo thói quen nó đốt bất cứ nhà nào nó đi vào. Phải chăng là do mấy cuốn sách nó đã đọc, nó thấy cái gì, nhớ ra cái gì qua mấy đoạn văn ngắn ngủi trong đó?
Sau đó nó đi càn tiếp và đã bắn chết ba người, đốt năm cái nhà, tới xế chiều nó trở lại tổ chức xúc lúa nhà bà nội tôi.
Thằng Tây Ngựa đứng chính giữa sân (nó không bao giờ ngồi) khẩu súng ngắn đeo xề xệ dưới đùi, khẩu tiểu liên cầm trong tay, trông ra dáng là một thằng lính chuyên nghiệp. Nó đang trông coi đám lính ngụy đã cởi bỏ hết súng đạn, cởi cả áo cả giày mình trần chân đất như được dịp để vui đùa, ồn ào cười nói, la thét, chọc phá nhau, tranh nhau chạy ào vào lẫm lúa xúc từng thúng lúa lớn đội lên đầu chạy băng qua vườn, qua mương đem đổ xuống chiếc ghe chài đậu dưới bến, mặc cho bà nội tôi chạy bám theo sau, tóc tai rũ rượi, quần áo rách bươm, kêu gào van vỉ, níu kéo, chửi rủa, giành giựt làm lúa đổ tung toé trên lối đi.
Thằng Tây Ngựa nói với bà nội tôi, giọng lơ lớ như ngậm sỏi trong miệng:
- Bà già yên tâm, đây là nhà nước Pháp mượn có giấy tờ đàng hoàng. Còn hơn bà cho tụi Việt Minh ăn không, cái bọn chui rúc trong lùm trong bụi đó có gì mà trả?
Một tên lính ngụy đội một thúng lúa chạy như bay bỗng đụng nhằm bà nội tôi. Cả hai té văng ra, thúng lúa đổ tung toé. Tôi không bao giờ quên được cảnh ấy, lúc tôi chạy trờ tới nhìn thấy tên lính ngụy giơ cái thúng không lên cười lớn, bà nội tôi thì quì sụp xuống huơ lấy huơ để gom lúa vào lòng, lấy vạt áo cố xúc được chút nào hay chút ấy.
Đêm hôm đó chú Sáu tôi dẫn một toán du kích về tới. Toán du kích mình mẩy đầy bùn sình, mặt mày trầy suể, riêng chú Sáu tôi còn đứt cả vạt áo, quần thì chỉ còn một ống. Chú đi ra coi lẫm lúa rồi trở lại cười nói:
- Tụi lính xúc hết lúa rồi hả má?
Bà nội tôi ngồi yên không nhúc nhích. Chú Sáu tôi ngồi xuống bên bà nội tôi. Tôi cũng ngồi xuống hỏi xin chú Sáu tôi chiếc ê-tuy đạn. Chú nói:
- Tao có bắn được phát nào đâu. Tụi nó đông quá, tụi tao chỉ có chạy trốn thôi.
Rồi chú quay sang bà nội tôi:
- Tụi con đói bụng quá ơi, má còn gạo nấu cơm cho tụi con ăn không?
Bà nội tôi lặng lẽ đứng dậy đi ra sau vườn khui chiếc hầm giấu gạo xúc một rổ đầy đem đi vo, nổi lửa nấu cơm. Bà nội tôi lặng lẽ làm không nói gì, cho tới lúc cơm chín bới đưa cho từng người, bà mới nói:
- Tụi bây du kích không đánh thằng Tây để nó xúc lúa của tao, giờ còn về đòi ăn cơm là sao, hả?
Chú Sáu tôi cười:
- Tụi nó đông quá mà, lại có súng lớn tụi con đánh sao lại. Thôi để bữa khác tụi con sẽ đánh, giờ đói bụng ăn cơm cái đã.
Chỉ một loáng chú Sáu tôi và toán du kích đã ăn hết chảo cơm lớn, ăn luôn cả cơm cháy, kéo nhau ra sau hè múc nước mưa đựng trong chiếc lu mái có trái bí đao nổi lềnh bềnh bên trên uống mỗi người một gáo nước đầy. Bà nội tôi ngồi yên nhìn chú Sáu tôi và toán du kích đang ngồi ưỡn người ra vì no, nói tiếp:
- Thôi tụi bây đừng về đây nữa. tụi bây cần gạo tao đem cho nhưng tụi bây về đây đám lính thừa cơ đến xúc lúa của tao.
Chú Sáu tôi cười lớn:
- Tụi con không về đám lính cũng xúc lúa của má. Má bỏ tụi con sao?
- Tao không bỏ, nhưng tụi bây phải để yên cho tao làm ruộng.
Ruộng nương đối với bà nội tôi là trên hết! Sáng hôm sau bà xúc hai thúng gạo gánh đi cho tới trời tối mịt mới về, rồi sáng hôm sau lại gánh gạo đi nữa. Bà đi ròng rã cả tháng trời, người gầy rạc đi, bỏ ăn bỏ ngủ, bà đi đâu trong nhà không ai biết, làng xóm cũng không. Nhưng bọn lính đồn thì biết, một hôm chúng cho lính xuống kêu bà lên.
Nhiều lần bà nội tôi bị bọn lính kêu lên đồn như vậy. Chúng vặn hỏi, hoạnh họe đủ điều, có khi còn đánh đập bà nữa, những chuyện đó không khi nào bà kể lại, chúng tôi đoán được vì có lần từ đồn về giữa đường bà té vật nằm vắt ngang qua bờ ruộng, may có người đi đồng nhìn thấy kêu người khiêng bà về, chạy thuốc gần cả tháng trời, bà phải ăn cháo và uống nước trái ô rô cho tan máu bầm ra. Cả những chuyện khác bà nội tôi cũng không kể như chuyện bị cướp đánh dọc đường, bị bọn biệt kích treo lên cây tra khảo, hoặc những lần chìm ghe gạo ngoài sông cái, bà phải lội gần cây số mới tấp được vào bờ.
Có một chuyện như thế này: Chú Sáu tôi do tính tình thích bông lơn sau lần bị bà nội tôi đuổi không cho về nhà liền tìm chuyện trêu chọc, chú tìm một người du kích cao lớn cho đeo râu nhuộm tóc giả làm thằng Tây Ngựa với hai người du kích khác bận đồ rằn ri làm hai tên lính hộ tống chập tối xộc vào nhà đòi xúc lúa. Thằng Tây Ngựa xì xồ nói giọng mũi, hai tên lính "thông ngôn" lại từ hai câu ra tới tám câu lời lẽ đầy vẻ răn đe, dọa nạt. Chú Sáu tôi tính đóng màn kịch tới đó thôi, chỉ cốt cho bà nội tôi sợ rồi chú sẽ xộc vào bắt trói thằng Tây Ngựa làm oai với bà. Nhưng bà nội tôi không sợ, bà giả vờ van vỉ nhưng ngó dáo dác, rồi bất thình lình chụp cái cuốc bổ vào đầu cả Tây lẫn ngụy khiến cả ba bỏ chạy la lối chửi rủa chú Sáu tôi inh ỏi, không phải chửi bằng tiếng Tây mà bằng tiếng Việt.
Cuộc chiến càng ác liệt, ba tôi và mấy chú tôi không có dịp về nhà nữa, giao hết vợ con cho bà nội tôi nuôi, vừa con dâu vừa cháu nội đông tới vài chục. Bà nội tôi nuôi chúng tôi như nuôi bầy gia súc trong nhà, cá dưới sông, rau ngoài đồng cứ đi bắt, đi hái mà ăn, lúa trong bồ cứ xúc đi xay, đi giã, vải thô bà mua từng cây về cắt may quần áo cho chúng tôi, con gái con trai đều bận giống như nhau. Làng không có trường học chúng tôi mặc tính suốt ngày chạy rông theo sau đuôi trâu, dầm mình dưới con rạch nước đục ngầu mò tôm bắt cá, lội xuống đầm nhổ bông súng hoặc nhào ra ngoài ruộng làm trâu chém lộn nhau, cứ thấy đói bụng chạy về nhà lục cơm nguội ăn rồi lại rong đi chơi nữa, cho đến tối mịt tựu về ngồi quanh bên đống un nghe bà nội tôi kể chuyện. Bà nội tôi hay có tật kể lể rì rầm, ban ngày không có tụi tôi bà kể lể với con trâu con heo, có khi với cả gà vịt nữa. Có lần chợt trở về nhà buổi trưa lục cơm ăn tôi nghe thấy bà nội tôi đang láp giáp nói chuyện, ngó quanh không thấy có ai, dòm kỹ té ra bà đang nói chuyện với con chó Vện vừa mới đẻ con. Bà rầy con Vện về tội nó không biết cách ủ con, cho con bú, dặn bảo nó phải thế này thế nọ, chửi mắng nó rồi lại vỗ về an ủi nó, giọng điệu cũng giống như bà đã la rầy má tôi và mấy thiếm tôi những lần họ sanh chúng tôi. Con Vện nằm im nghe bà nội tôi rầy la, mắt ươn ướt, thỉnh thoảng thè lưỡi liếm đám con mới sanh còn đỏ hỏn, rồi lại liếm tay bà nội tôi. Chó nhà bà tôi nhiều vô số kể, chó mẹ đẻ chó con có bao nhiêu bà nội tôi nuôi hết. Mèo cũng vậy. Tới bữa ăn chó mèo chạy rần rần chung quanh, bà cho con này ăn, đánh con kia, miệng không ngớt la hét, chửi rủa, cuối cùng con nào cũng được phần của mình. Trừ mấy con trâu có chuồng trại đàng hoàng, đám gia súc khác cứ mặc sức chạy rông trong nhà ngoài vườn, chúng sống rất lộn xộn nhưng cũng rất hòa thuận, gà trống đậu trên lưng trâu mà gáy, heo ăn chung với vịt, chó mèo chạy giỡn với nhau.
Buổi tối chúng tôi tựu về nhà, đám gia súc đã ngủ từ lâu, muỗi bay lèo xèo dưới chân, sau khi ăn hết chảo cơm lớn chúng tôi trải tấm đệm ra ngồi ngoài sân, cạnh đống un vỏ trấn hoặc chiếc con cúi ở gần chuồng trâu. Bà nội tôi ngồi chính giữa, chúng tôi sợ ma ngồi sát vào nhau như bầy gà con vừa ăn khoai nướng hoặc bắp rang vừa nghe bà nội tôi kể chuyện. Chuyện của bà nội tôi rất lộn xộn, không đầu không đuôi, chúng tôi vừa ngủ gật hoặc giỡn hớt chọc phá nhau nên chỉ nghe được lõm bõm nào chuyện mùa màng thời tiết, chuyện ma quỷ, trộm cướp, các thần linh và các phép của thần, các điềm lành điềm dữ, sự ứng mộng và bùa ngải, chuyện rừng rú và chuyện sông nước. Bà nội tôi kể chuyện này tiếp chuyện kia không cần biết chúng tôi có nghe hay không, cũng không biết câu chuyện dẫn tới đâu, có ý nghĩa gì, mục đích gì. Tuy vậy cũng có vài chuyện khiến tôi xúc động và còn nhớ tới bây giờ, như câu chuyện sau đây.
Có một người con trai ở đâu xa đến làng tôi lập nghiệp, gia tài chỉ có một chiếc bị bàng và một con chó ốm. Anh nói: "Tôi không còn chỗ nào đi nữa, cho tôi ở đây thôi". Không ai nói gì cả nên anh cứ ở, ban ngày đi tìm việc làm thuê làm mướn, tối đến lật nóp ngủ ở một góc nào đó trong sân nhà chủ. Tính anh lầm lỳ, ít nói, làm việc chăm chỉ, không quen thân ai cũng không làm phiền ai. Một thời gian anh cất được một cái chòi trên một bãi đất hoang, rồi nới rộng ra thành một căn nhà nhỏ. Anh sống kham khổ, tằn tiện, ai giao việc gì làm việc nấy, tiền công do chủ ấn định nhưng lúc thanh toán phải sòng phẳng, thiếu đồng nào anh đòi cho kỳ được mới thôi. Được vài ba năm anh dành dụm được món món tiền có thể mua được một thửa ruộng nhỏ nhưng một hôm có một toán cướp qua làng, nửa đêm ra chòi bắt trói anh đánh cho một chặp lấy hết tiền mang đi. Tiền mất tật mang, lúc gượng dậy được anh khăn gói ra đi theo hướng mấy tên cướp đã đi. Lâu lắm, cho tới lúc dân làng quên anh đi rồi thấy anh trở về người gầy xọp đi, mặt đen ngòm, hai mắt sâu hoắm, lại lặng lẽ đi làm thuê làm mướn không thấy nói gì cả. Nhưng một hôm lính đồn đem giấy xuống bắt trói anh dẫn đi, nói là anh đã giết người, giết bằng cách nửa đêm xộc vào nhà đập đầu cắt cổ một tốp đàn ông trai tráng năm bảy người đem xếp thành hàng trước cửa nhà. Anh bị tù hết bảy năm, thời gian dài đủ để dân làng lại quên anh đi thì anh ra tù, lại trở về làm mướn, dành dụm tiền đủ mua một thửa ruộng nhỏ. Anh đến nhà một người giàu hỏi mua ruộng, nhưng người nhà giàu nói: "Mày là dân làm mướn chỉ nên đi làm mướn thôi. Mày đào con mương kia cho tao đi". Anh lặng lẽ xách len ra đào mương, từ dưới hố sâu anh xắn từng thỏi đất quăng lên vun vút, những thỏi đất đen nhánh loang loáng dưới ánh mặt trời. Trong nhà người chủ giàu có một người con gái, không hiểu sao cô ta cứ theo dõi, rình rập anh, mỗi lần anh ngồi nghỉ lại thấy có cặp mắt đen láy ở đâu đó sau lùm cây kẽ lá nhìn anh. Điều đó khiến anh cảm động nhưng lại làm cho ông chủ nhà giàu phiền lòng, ông bèn kêu đuổi anh đi, tiền công chỉ tính một nửa vì ông không đào tiếp con mương mà ông sẽ lấp trở lại. Ông tỏ vẻ giận giữ lắm, nhưng cô con gái cũng giận không kém, cô xách chiếc len ra đào tiếp con mương, cắm cúi hất đất bay lên loang loáng dưới ánh mặt trời cho tới lúc chết ngất luôn dưới đó.
Chuyện kể của bà nội tôi chỉ tới đó thôi. Bao giờ cũng vậy, cứ tới đoạn cô gái chết ngất, bà nội tôi bận chuyện gì đó phải ngưng kể, hoặc là đống un tàn ngọn phải đổ thêm trấu hoặc con trâu sút dây hoặc có ai đó tới báo đập nước bị sút lỗ bọng. Sau này lớn lên nhớ lại chuyện đó, chắp vá thêm nhiều chuyện khác nữa, tôi ngờ rằng người con gái đó chính là bà nội tôi, còn người con trai có phải là ông nội tôi hay không tôi chưa nghĩ tới được.
Cuộc chiến kéo dài, đám tụi tôi lớn lên lại ra đi tan tác như đàn chim. Thằng Tý giữ trâu cũng ra đi luôn. Bà nội tôi còn lại một mình vẫn cặm cụi làm ruộng, chắt mót từng đồng xu cắc bạc để làm giàu. Không ai biết bà nội tôi giàu tới cỡ nào, tiền bà nội tôi giắt đầy trên mái lá rồi quên đi, vàng chôn đầy sau vườn không hề đánh dấu, có ai hỏi vay tiền bà tính từng đồng tiền lời nhưng nếu có người quên trả bà cũng không nhắc tới. Bà xây nhà nền đúc, cất thêm thảo bạc phía trước và hai gian hai bên, lẩm lúa cho đóng vách ván kê sàn bằng nống đá xanh. Vậy rồi một hôm nhà trúng một trái bom tan tành cả.
Lúc đó đã gần hết cuộc kháng chiến chống Pháp rồi, thằng Tây bị kẹt ở Điện Biên Phủ không hiểu sao còn dư bom đi ném xuống nhà bà nội tôi. Từ ngoài đồng nghe tiếng bom nổ, thấy lửa bựng lên ngay hướng nhà mình, bà nội tôi chạy bươn về thì lửa đã cháy cao ngọn, bà hối hả xách từng thùng nước tưới cho đến khi ngã vật xuống vừa lúc ngôi nhà cũng đổ sụp theo.
Đêm hôm đó tôi cùng một toán du kích xã về tới. Bà nội tôi ngồi dựa lưng vào gốc me già nhìn đống tro than trước mặt, mắt ráo hoảnh. Tôi nói: "Tụi con đói bụng bà nội ơi". Bà nội tôi vẫn ngồi lặng thinh. Tôi lại kêu đói nữa, đến lay bà mấy chặp bà mới đứng dậy đi moi hầm lấy gạo đem ra sông vo. Tụi tôi bắc mấy thanh củi cháy lại làm bếp. Lửa đượm than, nồi cơm chín rất mau, chúng tôi ăn hết nồi cơm lớn, ăn luôn cả cơm cháy. Bắt chước chú Sáu tôi nói đùa cho bà nội tôi vui:
- Nội làm ruộng giỏi ít nữa cất lại nhà mới thôi.
Tôi nói đùa nhưng bà nội tôi làm thật, dạo đó tôi không có dịp về nhà nữa nhưng nghe bà nội tôi lại xây nhà nền đúc, và rồi lại bị tụi Mỹ đánh sập, không phải đám máy bay mà đám bộ binh đến đóng quân ở làng, lấy nhà bà làm trụ sở, sau thua vài trận đâm tức giận đặt bộc phá đánh tan tành nhà bà để trả thù. Một thời gian dài bà nội tôi buồn lòng không cất nhà nữa, chỉ che chòi ở tạm trên nền nhà cũ, nhưng vẫn miệt mài làm ruộng, chuyện đồng áng đối với bà không chỉ là thói quen mà như là một thiên chức, như một món nợ với đất đai cần phải trả. Năm đó bà đã già lắm rồi, đã bắt đầu quên trước quên sau, hay nổi giận vô cớ nhưng chuyện làm ruộng vẫn kỹ càng, chu tất, từ chuyện gieo cấy, bón phân nhổ cỏ, gặt đập đúng răm rắp không phạm một chút sai sót. Tiếng đồn bà nội tôi trở nên giàu có, cũng có tiếng đồn bà ngày càng khắt khe tằn tiện. Chỉ như vậy thôi chớ không có ai nói gì hơn bởi bà nội tôi có giữ gì lại cho riêng mình đâu, cứ cắm cúi làm cho đến lúc người khô cứng lại như cái lõi cây trông không thể nào đoán được tuổi tác. Cả hai cuộc chiến tranh trôi qua bà nội tôi cũng gần như không hay biết, bà nội tôi không quan tâm mấy tới chuyện thời cuộc chính trị, phần do đầu óc quá chất phác, phần mải cắm cúi làm, chuyện giặc giã như chuyện sấm chớp trên đầu. Bà thương yêu những người kháng chiến vì có con cháu bà trong đó, ghét bọn lính ngụy vì chúng xúc lúa của bà, nhưng trên hết, bà tin ở thần thánh, vong linh ông bà tổ tiên, một lòng tin mơ hồ nhưng vững chắc bám rễ từ lâu đời và sẽ còn mãi mãi.
Phía sau nhà bà nội tôi có một con rạch nhỏ, bên kia rạch có một khu đất hoang cây cối mọc rậm rì, có một cây đa lớn và một ngôi miếu cổ. Ngôi miếu thờ vị thần gì không rõ, các chữ viết đã phai mờ, các tượng lớn tượng nhỏ đã sứt sẹo, nhiều bức đổ sụp không còn ra hình thù gì. Cả khu đất chỉ có cây đa là quí, không phải ở cây đa mà ở số chim cò làm tổ trên đó. Chim cò nhiều vô số kể, chiều đi ăn về đậu trắng cả cây vỗ cánh xào xạc kêu inh ỏi, cả làng đều nghe thấy. Thuở nhỏ bọn chúng tôi thường hay qua đó lượm trứng chim. Mỗi khi có cơn giông lớn trứng chim rớt xuống bể nhớt cả một vùng đất chung quanh gốc cây đa, có những trứng không hiểu sao không bể còn hơi ấm của thân chim mẹ, có cả những con chim con mới ra ràng chỉ có vài ba sợi lông mới nhú nhọn hoắt như lông nhím, mắt nhắm tít, miệng cứ há ngoác ra đòi ăn. Chúng tôi lượm những con chim để trong lòng bàn tay hà hơi ấm cho chúng rồi đưa lên kêu: "Bay đi, bay đi!" Nhưng chúng không chịu bay. Chúng tôi đặt chúng trở vào ngôi miếu cổ, còn trứng thì đem về luộc ăn. Về sau này lớn lên có dịp về nhà tôi thường qua khu đất hoang đó ngắm lại cây đa, lúc này không còn chim cò đậu nữa, ngôi miếu gần như sụp đổ hoàn toàn. Tôi cứ đứng đó nhìn, lòng bồi hồi xức động không hiểu vì cớ gì, trong một lúc tôi quên đi tất cả và cũng nhớ lại tất cả.
Bà nội tôi thường hay qua ngôi miếu cổ khấn vái đủ thứ chuyện, làm ruộng mất mùa cũng khấn, mưa nắng thất thường cũng khấn. Má tôi và mấy thím tôi sanh khó cũng khấn, đến thằng em tôi lội sình đạp gai bị mưng mủ bà cũng đốt một bó nhang lớn qua đó khấn rì rầm suốt cả buổi rồi sau đó chính bà kẹp cổ thằng em tôi trong hai ống chân gầy khô dùng miểng chén nặn mủ vết thương, giả lá cây vòi voi đắp lại, lòng đinh ninh chính vong hồn ông bà đã độ cho thằng em tôi tai qua nạn khỏi.
Duy chỉ có một lần bọn lính vào xúc lúa bà nội tôi không khấn. Bà đứng nhìn chiếc bồ trống rỗng một lúc rồi đi lục tìm số lúa cất dấu sau vườn đổ xuống ghe chèo đi. Sau nhà bà nội tôi có một con rạch nhỏ chảy xuyên qua làng, qua cánh đồng rồi mất hút vào khu rừng tràm rộng bạt ngàn. Tôi chưa khi nào đi hết con rạch đó. Những năm ấu thơ và tới sau này lớn lên con rạch vẫn là điều bí ẩn đối với tôi. Tôi không biết nó đi qua vùng nào, ngọn nguồn của nó ở đâu mà nó cứ chảy mãi chảy mãi như thế. Hôm đó một mình một ghe bà nội tôi chèo riết, qua hết làng qua hết cánh đồng vào tới khu rừng tràm có rất nhiều những tổ ong mật và đầy những rắn rít. Có một năm khoảng năm tôi lên mười, hồi giặc Tây càn dữ, bà nội tôi xua đám con cháu đi tản cư vào trong đó. Mùa mưa nước con rạch tràn đầy, chiều chỗ đồng trũng nước loang ra thành một chiếc đầm trắng xóa, mấy chiếc xuồng đi thành một hàng dài, mấy chú tôi dùng sào chống phía sau, má tôi và mấy thím tôi bơi phía trước, tụi tôi ngồi chính giữa, bà nội tôi đi chiếc xuồng sau rốt vừa chỉ đường cho mấy chú tôi vừa canh chừng không cho đám chúng tôi vọc nước hoặc hái bông súng. Ký ức tôi còn giữ được một hình ảnh thật kỳ lạ: xuồng đang đi bỗng không thấy con rạch đâu cả, trước mặt là cánh đồng trống chạy dài, mặt đất khô nứt nẻ. Mấy chú tôi ngẩn ra lúng túng nhưng bà nội tôi hô: "Vác xuồng lên đi tiếp đi". Mấy chú tôi từng hai người một khiêng bỗng xuồng lên đi trên cánh đồng khô nứt nẻ, chúng tôi chạy quấn theo sau mặc sức hái bông rau muống đồng, vạch cỏ tìm ổ chim. Một lúc sau lại thấy có rạch, lại thả xuồng xuống đi tiếp nữa. Cuối cùng chúng tôi đến khu rừng tràm hoang vu như không hề có dấu chân người. Bà nội tôi chọn một cụm rừng tràm cây rậm rạp cho xuồng dừng lại, mấy chú tôi chặt cây làm chòi má tôi và mấy thím tôi đóng cọc làm bếp đào lỗ để lấy nước nấu cơm. Chúng tôi ở đó cả tuần lễ, đám trẻ chúng tôi mặc sức chạy giỡn tung tăng trên những bãi cỏ, cuộn dây tơ hồng làm ngựa cưỡi hoặc long dưới rạch giũ rễ lục bình băởt tép bỏ vô miệng nhai. Thỉnh thoảng chúng tôi theo chú tôi ra bìa rừng coi xe tăng Tây bò lổn ngổn ngoài đồng xa hoặc lính Tây nhảy dù xanh đỏ lớp chớp trên nền trời. Nghe kể lần sau này bà nội tôi chèo ghe vào chính khu rừng tràm đó, còn việc bà gặp du kích thế nào, đưa lúa cho họ ra sao, làm sao họ xay giã ăn tôi không biết được. Chỉ biết khi trở về nhà, bà nội tôi lại bị tụi lính đồn kêu lên nữa.
Như mọi lần trước chúng hỏi: "Bà chở cái gì cho du kích đó?" "Tôi chở lúa", bà nội tôi đáp. "A, vậy là bà nuôi du kích hả? Bà nuôi chúng để chúng đánh lại tụi tôi hả? Bà theo phe nào, nói đi!". Bà nội tôi đáp: "Tôi không theo phe nào hết. Phe nào không ăn lúa của tôi?" Đám lính la lên: "A, bà già quá cỡ ta! Bà là bà nội tụi du kích, bà nội tụi tui, bà ở trên hết thảy hả?". Bọn lính trả bà nội tôi về và nghĩ kế trả thù. Mấy bữa sau chúng kêu bà lên, lần này có xe hơi rước bóp kèn inh ỏi. Bà được đưa về chợ quận, đích thân tên quận trưởng ra đón rồi nào là chào mời tiệc tùng, nào chụp hình, báo chí phỏng vấn, có cả một ban hát đến góp vui, trong cuộc tiệc chúng gọi bà là người làm ruộng giỏi, một nhà nông học đã đem lại nhiều lúa gạo cho quốc gia. Rồi chúng đưa bà về, cũng đích thân tên quận trưởng đưa ra xe, coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Bỗng một hôm có máy bay rải truyền đơn xuống làng có in hình bà nội tôi ngồi ăn tiệc với tên quận trưởng, có bài viết ghi rõ công lao của bà với nhà nước quốc gia, đã nhiều lần hiến lúa cho nhà nước, có giấy tờ đàng hoàng. Đó là nỗi đau trong đời bà nội tôi. Suốt mấy tháng trời bà không dám đi ra ngoài, không dám gặp gỡ ai, đi thăm đồng chỉ đi ban đêm và đám con cháu về không thấy bà mừng rỡ gì cả.
Nhưng nỗi đau rồi cũng qua đi, bà lại cặm cụi làm ruộng, học tập thêm những cách làm mới như chuyển qua trồng lúa thần nông, nuôi cá rô phi, bón phân hóa học, nuôi gà công nghiệp, nuôi heo bằng sữa bột Mỹ, trong nhà lúc nào cũng có sẵn mấy cái máy bơm nước, máy phát điện. Làng hầu như không còn đàn ông nên việc làm ruộng càng khó khăn, bom pháo dập ngày đêm, rồi lại sanh chuyện xe tăng càn trên ruộng lúa nữa.
Không biết bao nhiêu lần ruộng bà nội tôi bị xe tăng càn. Có một lần như thế này: Lúc đó lúa đã chín vàng rồi, chuẩn bị ngày gặt đập thì vừa sáng tinh mơ hôm đó bỗng nghe có tiếng gầm rú ở xa xa rồi một bầy xe tăng xuất hiện ở đầu làng. Dân làng chạy túa ra, bà nội tôi cũng chạy ra nhưng không còn kịp nữa, bầy xe tăng đã nhào xuống ruộng, xích sắt nghiến trên lúa nghe rào rào, thửa ruộng đang mượt mà trĩu bông phút chốc biến thành một bãi bùn đầy sình lẫn với rơm rạ. Một chiếc xe tăng chạy ngang trước mặt bà nội tôi định nhào xuống một thửa nữa. Tức thì bà nội tôi cũng nhào theo đứng cản trước đầu nó. Chiếc xe tăng như phát hiện thấy một trò vui liền chồm tới sát bên bà nội rồi rẽ ngoặt sang một bên. Bà nội tôi lại chạy theo cản trước đầu nó nữa, chiếc xe tăng trửng giỡn với bà nội tôi như mèo vờn chuột cho tới lúc thửa ruộng không còn gì nữa, bà nội tôi bò lóp ngóp trên mặt thửa ruộng bùn sình, thở hổn hển, cuối cùng nằm vắt ngang qua một bờ ruộng và chiếc xe tăng chồm qua một thửa ruộng khác, phụt khói đen sì chỗ bà nội tôi nằm.
Đêm hôm đó một đứa em con chú tôi cùng một toán du kích về tới. Nó kể: bà nội tôi nằm ngoài bờ ruộng tới tối mới gượng đứng dậy đi về nhà, ngồi rũ xuống dưới gốc cây me già, trông bà thảm hại hơn những lần bị xúc lúa, cháy nhà, bị tụi lính đồn rải truyền đơn làm nhục. Nó kêu, cũng như mấy chú tôi trước kia: "Con đói nội ơi!". Bà nội tôi ngồi làm thinh. Nó lại kêu nữa. Bà nội ngước nhìn lên, không một lời, gượng đứng dậy đi xúc gạo nấu cơm. Đêm đó thằng em tôi cùng toán du kích cũng ăn hết chảo cơm lớn với cả cơm cháy.
Thằng em tôi là người cuối cùng trong đám chúng tôi về thăm bà nội tôi. Chiến tranh đã quá ác liệt, đường sá cách trở, ba tôi và mấy chú tôi đã già đi đứng khó khăn, đám chúng tôi giỏi bay nhảy nghĩ việc về thăm bà nội chuyện vãn năm ba câu bâng quơ thật không đáng gì so với công việc chúng tôi đang làm. Vậy rồi ngày tháng qua đi, chúng tôi như quên bà nội tôi, thậm chí có một lần tôi cùng đơn vị có dịp hành quân ngang qua làng bên cạnh, chỉ cách nhà bà nội tôi một cánh đồng, có thể nghe cả tiếng chó sủa bên đó, nhưng tôi nghĩ tới việc tách ra khỏi hàng quân về thăm nhà thật quá phiền toái vậy rồi tôi đi qua luôn, coi như ngoài tôi không ai biết chuyện đó.
Từ trên rừng sâu tôi nghe một chuyện, như đòn cuối cùng đánh vào bà nội tôi, nhưng nỗi đau thương, cơ cực phải theo bà nội tôi cho đến cuối đời. Năm đó bà nội tôi đã già lắm rồi, không còn đi ra đồng nữa, chỉ nằm nhà sai bảo, cắt đặt công việc cho những người làm công. Vậy mà đám lính đồn vẫn kéo tới, chúng vào tận nhà bà nội tôi đưa tờ giấy bắt phải ký vào để giao ruộng cho chúng. Nhà bà nội tôi bao giờ cũng mở rộng cửa, từ trong giường bà nội tôi nhìn ra cánh đồng trước mặt, cánh đồng vừa cày bừa xong, chuẩn bị gieo mạ, mặt ruộng bùn đen nhánh ánh lên dưới ánh nắng mặt trời.
Bà nói:
- Vậy là mấy ông lấy ruộng của tôi hả? Cũng được thôi, ruộng đất là để cho mọi người làm... Nhưng mấy ông biết làm ruộng không cái đã?
Đám lính đáp:
- Tụi tui không nói chuyện làm ruộng, tụi tui kêu bà phải ký vô đây giao ruộng cho tụi tui. Chúng tôi không để cho bà làm ruộng nuôi con cái đánh lại chúng tôi.
- Vậy mấy ông bắt tôi ký tên thôi hả?
- ừ, bà ký đi.
- Nhưng tôi không biết chữ làm sao ký được?
Nói rồi bà nội tôi nằm quay mặt vô vách, lịm đi, đám lính không có cách gì nói chuyện với bà được nữa. Bà nội tôi nằmliệt giường như vậy cả mấy tháng trời, chỉ uống nước cháo cầm hơi, rồi bỗng một bữa bà ngồi bật dậy đi xấp xải ra đồng la thét chỉ bảo mọi chuyện cho những người làm công như không hề có bịnh tình gì cả. Rồi bà trở vào lại nằm liệt giường, uống nước cháo, không ngồi dậy nữa cho tới ngày giải phóng đám con cháu hội tụ về.
Chừng hơn tháng sau ngày giải phóng, ba má tôi, mấy chú thím tôi cùng đám chúng tôi kéo về đủ mặt. Bà nội tôi nằm đó thoi thóp thở, người mỏng dính dán sát xuống mặt giường. Ba tôi nói vào tai bà nội tôi:
- Tụi con về đây rồi má ơi!
Bà nội tôi không nói được, chỉ gục gặc đầu, hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn trên má.
Bà nội tôi mất sau đó không lâu. Đêm hôm đó em gái tôi, đứa cháu bà nội tôi đã đỡ đẻ nó trong một trận càn lớn của giặc Tây. Nó túc trực bên giường bà chợt nghe bà gọi ú ớ gì đó, nó choàng dậy nhưng không nghe được gì, chỉ thấy bà chỉ tay ra ngoài đám ruộng trước cửa vừa mới cày xong, đoán chừng bà chỉ bảo phải làm chuyện gì đó. Rồi bà nhắm mắt, hơi thở cũng nhẹ dần rồi tắt thở. Lúc đó vào rạng sáng ngày 28 tháng sáu năm bảy lăm, tới năm đó bà nội thọ 83 tuổi.
Tôi có kịp về dự lễ tưởng niệm bà nội tôi, thấy bà nằm trong áo quan nét mặt thanh thản, người khô quắt mỏng dính như một chiếc lá khô vừa rơi rụng khỏi cành cây.
Lễ tang bà nội tôi không có nhiều người dự, ai nấy đều bận túi bụi vào những công việc ngày đầu giải phóng. Mộ chôn ban đầu định ở ngoài ruộng, sau lại tính đem về sau vườn, cuối cùng dời qua bên khu đất hoang có ngôi miếu cổ. Ngôi miếu đã sụp đâu mất chỉ còn lại mấy khuôn tường đầy rêu phong. Lúc hạ huyệt chợt nhìn thấy một mảnh tượng nằm lăn lóc bên gốc cây đa tôi muốn khấn một câu gì đó nhưng không biết phải khấn như thế nào.
Đắp xong mộ bà nội tôi, không kịp nhận tang tôi phải trở lên thành phố vì có công việc.
5 - 1989

Xem Tiếp: ----