Không thường xuyên, cứ đôi ba năm một lần họ tổ chức ngày kỷ niệm thành lập trung đoàn, đúng ra là cuộc họp mặt của những người lính già phần lớn không còn ở đơn vị nữa, đã về hưu, chuyển ngành, về sư đoàn, quân khu, vả chăng trung đoàn từ lâu đã không còn phiên hiệu cũ, không ai biết ai đang ở đâu, làm gì, thậm chí ai còn sống ai đã chết, thư mời họp chỉ có thể đăng trên báo, phát trên truyền hình, vậy rồi tới ngày họp mọi người tựu đông đủ từ sáng sớm đã kéo tới đứng đầy trước sân viện bảo tàng quân khu thành phố là nơi tổ chức cuộc họp, ai nấy quân phục chỉnh tề ngực đeo đầy huân chương huy chương đứng thành cụm chuyện vãn hỏi thăm nhau, trách nhau mau già, vỗ bồm bộp vào lưng nhau nhắc lại những chuyện cũ nhưng không ai còn nhớ chuyện gì được trọn vẹn thế là mọi người cười rộ lên, coi đó là niềm vui cho tuổi già của mình.
Đã hơn tám giờ chẳng ai chịu vào hội trường cả. Ban tổ chức là những người lính trẻ chỉ có tham gia chiến tranh từ chiến dịch biên giới Tây Nam, lo việc mướn địa điểm, xin tiền tài trợ mua rượu bia, bánh ngọt trái cây, giờ đi lo hối thúc từng người vào hội trường. Hội trường rất rộng, mọi người theo tuổi tác ngồi từ trên xuống dưới, lại cũng chính những người lính trẻ đứng lên nói mấy lời "tuyên bố lý do" rồi nhường lời cho một vị đại tá tuổi cũng trên sáu mươi mặt mày nhăn nheo tóc bạc trắng lên đọc bài diễn văn nói về truyền thống của trung đoàn. Ông nói năng cập rập, giọng ngắt quãng, lời lẽ với những từ ngữ như được trích ra từ trong các bài xã luận nhưng mọi người vẫn ngồi im lắng nghe, và khi ông dứt lời tiếng vỗ tay nổi lên vang dội, không rõ khen tài phát biểu hay khen nó đã được chấm dứt. Rồi tới một vị nữa cũng là đại tá cũng già như vậy lên kể về một trận đánh được coi là vẻ vang nhứt của trung đoàn nhưng ông không làm cách nào đi được vào trận đánh mà cứ đi lòng vòng bên ngoài với những "chuyện vui bên lề" khiến mọi người cứ cười rộ lên từng chập. Rồi tới một vị cấp tướng được giới thiệu là người trung đoàn trưởng đầu tiên lên nói mấy lời cảm tưởng nhưng ông cứ ấp a ấp úng mãi khiến ban tổ chức phải lấp lỗ trống bằng cách cho đem rượu bia, bánh trái ra. Không khí lập tức chộn rộn lên, mọi người xô ghế đứng dậy ly bia trong tay lại quây thành từng cụm chuyện vãn riêng với nhau, trong lúc đó trên diễn đàn ai muốn lên kể chuyện, nói chuyện gì thì nói, người ngồi dưới thỉnh thoảng quay lại góp vào, tranh cãi rồi tiếp tục câu chuyện với nhóm của mình.
Bỗng có người nói:
- Ta hát một bài đi các đồng chí!
Một giọng rè rè cất lên "lĩnh xướng" một bài hát xưa cũ không còn nhớ tên gì, mọi người hát hòa theo không ai hát đúng giọng cả nhưng âm điệu chung của bài hát cũng gợi lên được một cái gì đó.
Ngoài sân vắng tanh. Một người lính trẻ là tài xế đi tới đi lui ngắm nghía chiếc xe con của mình, lấy giẻ lau kiếng, quay ra ngắm nghía mấy khẩu pháo chiến lợi phẩm có từ hồi nào rồi trở lại ngồi xuống bậc thềm lấy thuốc ra hút.
Ngoài cổng thấy có người đi vào. Đó là một người đàn ông đã lớn tuổi, chắc cũng đến năm lăm hoặc hơn, người nhỏ nhắn, tóc hoa râm, bận bộ quân phục đã cũ không còn nhận ra màu sắc gì, đi đôi dép cao su đã mòn vẹt. Phòng trực có người bước ra đón hỏi và người đàn ông đứng lại vừa nói vừa ra dấu như cố giải thích điều gì, rồi sau đó với dáng nhanh nhẹn, người hơi nghiêng ông đi băng qua sân vào cổng chính hội trường. Cửa hội trường vẫn còn rộng mở, người đó đứng lại nhìn vào nghiêng ngó một lúc rồi không hiểu sao không đi vào mà lại quay trở ra đến ngồi xuống với người lính trẻ tài xế:
- Chào chú em! Chú em cũng là lính trung đoàn hả? Nãy giờ họp lâu lắm rồi hả?
- Mới bắt đầu thôi chú à - Người lính trẻ đáp - Chú vô đi, mấy chú đang kể chuyện truyền thống trong đó.
- Biết rồi! Qua cũng là lính trung đoàn này mà. Nhưng để qua hút thuốc cái đã - Người đàn ông lấy thuốc mồi từ tay người lính trẻ - Qua là Hai Nhiều, chú em cứ gọi qua bằng anh thôi, cùng là lính tráng với nhau mà. Chú em trẻ quá hả? Lái xe hả? Lính thời bình làm đủ thứ nghề hết, qua có đứa cháu đi nghĩa vụ còn được học nghề vi tính, không như tụi qua hồi xưa chỉ có đánh giặc.
- Hồi xưa đánh giặc cực lắm hả... anh? - Người lính trẻ góp vào cho có chuyện.
- Còn phải nói - Hai Nhiều nói, mặt mày nhăn nhó nhưng miệng lại cười rất tươi - Cực thì cực quá rồi lại còn gian truân khổ ải nhiều chuyện khác nữa. Như qua đây cầm súng từ ngày mới thành lập trung đoàn, dự được mấy trận rồi không dự nữa...
- Anh bị bịnh à?
- Đại khái như vậy. Tạng qua vốn yếu mà. Nhưng trời sanh người kẻ khỏe mạnh vác được cục đá lớn người khác ốm yếu vác cục đá nhỏ thôi thì phận ai nấy giữ dù thế nào qua cũng coi mình là lính trung đoàn hễ nghe có cuộc họp mặt là qua đến, anh em đã từng sống chết với nhau không vui ngày này còn vui ngày nào nữa.
- Vậy anh vô trong hội trường đi.
- Qua sẽ vô, nhưng để qua hút hết điếu thuốc cái đã. Ai đang kể chuyện kìa? A thằng út Lâm đang kể về trận Bàu Cát qua còn lạ gì. Nó đã là đại tá rồi à? Chà nó già quá, tóc bạc hết rồi! Thằng này gan dạ lắm chỉ phải cái hơi chậm chạp, đánh giặc kiên trì đeo bám kiểu như cóc gậm chân trâu. Nhưng nó kể trận đánh Bàu Cát làm gì, đó là trận mình thua mà?
- Làm sao mà thua?
- Làm sao biết được, chú em đừng hỏi và qua cũng không còn nhớ gì đâu. Như vậy đó, nổ súng rồi chạy tới, rồi nổ súng, rồi thấy hàng rào kẽm gai hiện ra trước mắt mỏng dính thưa rỉnh không hiểu sao không vượt qua được, tốp trước tốp sau cứ phơi xác trên đó. Ai kể chuyện nữa kìa, chú em tỏ mắt coi dùm qua coi?
- Đó là anh Mười Láng.
- Nó làm gì la hét nhảy chồm chồm vậy, nó tưởng đang ở dưới chân lô cốt hả? Thằng này nóng tính lắm nổ súng rồi cứ xông lên ào ào nhưng đạn chê thịt da nó hay sao bị thương vết nào cũng chỉ lợt xợt bên ngoài. Có một trận tụi này vượt qua được mấy vòng rào rồi trời bỗng hừng sáng đường cửa mở trống trơn, mấy khẩu đại liên của chúng bắn rà sát không cách gì vượt qua được, vậy rồi bỗng nghe thằng Mười Láng hét lên một tiếng như cọp gầm rồi cứ thế nó xổng lưng chạy vô đạn các cỡ bắn túa vào nó xong trận vào bịnh viện bác sĩ mổ các vết thương lấy ra cả nắm đầu đạn.
- Đó là trận nào vậy?
- Trận đó nhỏ lắm chú em không nghe nói tới đâu, nhưng đó là trận bắt đầu cho những trận đánh lớn khác, anh em học tập gương thằng Mười Láng tổ chức những mũi xung kích nhỏ gọn nhưng thật bén cứ nổ súng là đánh cắm vào giữa đội hình thằng giặc đánh chẻ chúng ra, trung đoàn liên tiếp đánh thắng mấy trận lớn vang danh khắp vùng, thật sung sướng biết chừng nào, những buổi hành quân qua làng trung đoàn trưởng khăn rằn vấn trên đầu đi trước, toàn trung đoàn thành hàng dọc đi theo sau, dân làng hai bên đường đổ xô ra kêu lên: "Trung đoàn T. kìa! Trung đoàn T. kìa!" Đó là thời kỳ vẻ vang của trung đoàn nhưng lại cũng là lúc bắt đầu cho những khó khăn tiếp theo sau, tụi giặc biết tiếng của trung đoàn cứ châu vào đánh, trung đoàn nhiều khi phải chống đỡ tứ phía, có trận bị thua tan tác chạy tuốt lên rừng quân số không còn được một phần ba, đạn thiếu súng thiếu, thức ăn chỉ có củ mì với rau rừng. Đó là những lúc khó khăn cực kỳ người lính nào cũng phải trải qua, chú em phải hiểu mới được.
- Em hiểu.
- Chú em hiểu như thế nào?
- Em đọc trong sách.
- Sách vở không nói được gì đâu. Chú em làm sao tưởng tượng được lúc ngồi ở một góc rừng gặm củ mì, lính tráng lèo tèo, người ngợm chẳng ra làm sao cả vậy rồi trung đoàn trưởng nói: "Chúng ta phải đánh thắng trận sắp tới mới được, chúng có đông có mạnh gấp bao nhiêu lần chúng ta cũng đánh thắng".
- Thủ trưởng của em đang nói chuyện trong kia kìa.
- Ai vậy? Thằng Chín Sơn đó hả? Nó với qua có thời cùng ở chung đại đội, cùng lập được công trong trận... Nhưng thôi qua không muốn kể làm chi để chú em tự tìm hiểu thì hơn.
- Em hiểu làm sao được, em mới đi lính thôi mà. Đó là trận đánh nào vậy?
- Trận đánh không phải là lớn lắm đâu, nhưng sau trận đó rồi Quốc hội Mỹ phải họp khẩn cấp. Chú em có biết trận Bàu Bàng chứ?
- Em có biết.
- Không phải đọc trong sách chớ?
- Không, em nghe anh Chín Sơn kể.
- Nó kể thì đúng đó. Nhưng không biết nó có kể chuyện này không, chuyện lúc qua với nó chạy chung với nhau, nó chạy trước qua chạy sau, bao giờ cũng vậy bởi nó là đứa giỏi giang, mọi chuyện qua đều phải làm theo nó. Đạn chúng bắn như vãi trấu. Qua vòng rào thứ nhất rồi qua vòng rào thứ hai thằng Chín Sơn bị một vết thương vào tay. Qua hỏi: "Còn bắn được không?" Nó đáp: "Bắn được nhưng không ném lựu đạn được". Qua gom hết lựu đạn của nó nhưng rồi nó lại bị một vết thương nữa ở chân, qua phải một tay dìu nó, một tay cầm súng bắn. Hai đứa tụt dần lại phía sau, như thằng mù cõng thằng què đầy những đường ngang ngõ tắt không biết đâu mà lần. Thằng Chín Sơn mấy lần bị ngất đi nhưng vẫn còn cầm chắc súng, hễ qua bô: "Bắn!" là nó bật dậy siết cò súng. Cuối cùng rồi tụi này cũng đến được khu hầm ngầm trung tâm của chi khu, các mũi khác cũng đến đó, như có hẹn trước, thằng Chín Sơn bỗng tỉnh hẳn nói với qua: "Mày cứ đưa tao đến một miệng hầm ngầm nào đó cũng được, giao hết lựu đạn đây cho tao, tao sẽ đánh bám sát chúng như vậy hai vết thương này không còn ăn thua gì nữa". Qua nghe theo lời nó, cũng như mọi lần khác, ở một miệng hầm ngầm có một khẩu đại liên đang nhả đạn nòng súng đỏ rực, đường đạn rà sát, thế là qua xông tới níu lấy nòng súng đẩy cao lên cho thằng Chín Sơn nhào chun vào, nòng súng nóng như lửa cháy xèo xèo trong tay qua... A nhưng mà thằng Chín Sơn cũng đang kể chuyện đó trong đó kìa, vậy chú em nghe đi còn qua về đây.
- ủa anh không vô trong hội trường sao?
- Không, qua bận lắm, qua đến chơi chút rồi về thôi, qua phải trông cửa hàng với bồng đứa cháu ngoại. Thôi chào chú em nghen!
Đến giữa trưa cuộc họp tan, mọi người lục tục ra về, ai nấy mặt đỏ gay vì rượu bia và vì phải nói cười nhiều quá. Chín Sơn ra về sau rốt, mặt cũng đỏ như mọi người, vừa lên xe ngồi đã hối người lính trẻ:
- Thôi về thôi! Mệt quá! Tại chúng cứ ép uống rượu bia, mấy thằng quỉ, toàn là bạn già với nhau cả làm sao được. Ôi lẹ thiệt, mới đây thôi mà thằng nào thằng nấy tóc bạc hết rồi!
Khi xe đã chạy ra khỏi cổng, người lính trẻ nói:
- Hồi nãy có một anh lớn tuổi nói là bạn anh đến nói chuyện chơi với em.
- Ai vậy?
- Anh ấy nói tên là Hai Nhiều.
- A, thằng Hai Nhiều! Đúng, nó là bạn cùng đại đội đó, nhưng chỉ được hơn năm thôi. Cái thằng mắc dịch!
- Có chuyện gì vậy anh?
- Đâu có chuyện gì. Nhưng thằng này dở ẹt, chỉ đánh được mấy trận đã bể ngang, bắt đầu chạy xịt khiến ban chỉ huy phải đưa nó ra phía sau kẻo ảnh hưởng tới anh em.
- Anh ấy có kể trận anh ấy đã cầm lấy nòng khẩu đại liên...
- Đúng, nó có dự trận đó, và cũng chỉ làm được mỗi việc đó thôi. Cái thằng mắc dịch, thiệt thấy thương nó quá! -Chín Sơn bật cười ha hả, có vẻ vui sướng - Nó đâu, sao không thấy nó vô trong hội trường?
- Anh ấy nói bận việc nhà.
- Coi cửa hàng với bồng đứa cháu ngoại chớ gì? Lần nào cũng vậy, có cuộc họp nó đều đến nhưng chỉ đi lợt xợt bên ngoài rồi ra về, nó bị mặc cảm mà. Nhưng mặc cảm cái gì, nó cũng là lính trung đoàn này và truyền thống trung đoàn đâu phải một mình ai làm nên mà do tất cả kẻ ít người nhiều góp công vào... A, cái thằng mắc dịch!
Một lúc lâu sau người lính trẻ không nghe Chín Sơn nói gì nữa tưởng ông đã ngủ nhưng nhìn lên kính chiếu hậu anh thấy ông đang ngồi thẳng mắt mở to nhìn về phía trước...
11-1993

Xem Tiếp: ----