người nằm ngủ thấy gì
thấy rất nhiều nắng lạ
Bùi Giáng
Lúc Phương và tôi bước ra khỏi bóng tối của rạp hát thì bên ngoài nắng đã lên cao. Nắng chói chang làm tôi lóa mắt. Phương khẽ nhăn mặt, mở xắc tay lấy kính mát đeo vào. Khuôn mặt Phương với đôi mắt dấu sau cặp kính đen bí ẩn trông khác lạ và ngồ ngộ, tựa khuôn mặt cô người mẫu trong một tạp chí thời trang nào đó. Tôi nói Phương nghe vậy. Nàng mỉm cười, khóe miệng hơi nhếch lên, trông lại càng giống. Chúng tôi đi bộ dọc theo hè phố. Nắng loang trên vỉa hè, tràn lan trên mặt đường, chấp chới trên những ngọn cây, soi rọi trên các vách building. Nắng ngập tràn, giống như cảnh cuối kết thúc bộ phim. Màn ảnh sáng lên. Một khoảng trời ngập nắng và hoa phượng đỏ. Nắng rực rỡ, hoa phượng đỏ rực rỡ. Cô gái trong tà áo trắng mềm mại chạy tung tăng giữa đồi cỏ rộng dưới muôn ngàn tia nắng lung linh chiếu rọi qua những tàn cây. Ống kính người đạo diễn dừng lại khá lâu ở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cô gái. Cuối cùng cũng đã có được chút ánh nắng soi rọi xuống những mảnh đời rách nát, những phận người hèn mọn. Một lối kết thúc cổ điển. Phim có vẻ thiếu ánh sáng và nhịp độ phim lại chậm chạp khiến tôi buồn ngủ. Người đạo diễn có chủ ý sử dụng những màu sắc tối trong suốt chiều dài cuốn phim để mô tả những cảnh đời tăm tối. Phương hỏi tôi nghĩ sao về cuốn phim. "Cảnh đẹp," tôi tìm được một câu khen. Phương cười, "Xem phim mà chỉ có khen cảnh đẹp thôi thì đâu có hiểu gì phim." Tôi cũng cười theo. Thực tình là tôi cũng chẳng hiểu gì lắm vì có xem được bao nhiêu đâu. Ngồi trong rạp, suốt từ đầu tới cuối phim tôi chỉ ôm riết lấy Phương, ngả đầu vào vai nàng, lim dim ngủ, và màn ảnh sáng lên đánh thức tôi dậy cũng là lúc cuốn phim vừa kết thúc cho tôi kịp nhìn thấy một khoảng trời ngập nắng.
"Tại sao lại gọi là 'ba mùa' nhỉ?" Phương hỏi.
"Chắc là cầm lọng cọng sao đó nên đánh rớt đâu mất một mùa xuân."
Phương cười, gật gật đầu khen tôi trả lời hay. Lâu lâu nàng cũng khen tôi được vài tiếng. Tôi không nói Phương biết câu ấy đâu phải của tôi mà của ông thi sĩ nào đó. Năm ngón tay có bốn mùa trái đất. Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân. Tôi khẽ nắm lấy bàn tay Phương, những ngón tay chúng tôi đan vào nhau. Bao năm rồi tôi mới gặp lại bàn tay ấy. Bao nhiêu là nước chảy qua cầu, bao nhiêu là tang thương dâu bể. Vẫn những ngón thuôn dài, vẫn lòng bàn tay mềm mại, nay đã có thêm những đường gân xanh nổi lờ mờ. Những bàn tay không biết nói dối, dẫu nhan sắc có khéo che đậy. Chúng tôi thật rủi ro đã làm rơi rớt không ít những mùa xuân ở dọc đường. Liệu trong lần gặp gỡ nhau đây hai đứa tôi có vớt vát lại được chút gì, như cô gái trong phim sau cùng rồi cũng tìm lại được chút nắng xuân ở cuối đường, cho đủ bốn mùa. Liệu những mất mát rồi sẽ được đền bù, hay là sau cơn mưa, trời lại... bão. Những cơn bão cuồng nộ tàn phá, vùi dập, cuốn phăng đi tất cả. Tôi nghĩ lan man và cười một mình. Phương hỏi cười gì vậy. Tôi nói đang nhớ tới một tuồng cải lương cảm động.
"Không phải Thuyền Ra Cửa Biển chứ?"
"Không, tuồng cũ. Áo Cưới Trước Cổng Chùa."
"Đang nói chuyện phim ảnh lại nói qua chuyện cải lương," Phương nói. "Có ăn nhập gì nhau đâu."
"Có chứ em," tôi nói. "Cái gọi là 'phim Việt nam' chẳng qua chỉ là một sự pha trộn giữa cải lương và kịch, quay ở ngoài trời thay vì ở sân khấu, xong lồng vô tí nhạc, rồi đem chiếu cho bà con xem."
"Anh chê diễn viên điện ảnh Việt nam sao?" Phương hỏi.
"Đâu dám chê, nhưng mà diễn xuất cứ như là đang... đóng phim vậy. Nửa Tây nửa Tầu, xem cứ thấy sường sượng, nhất là những màn yêu đương, cởi quần cởi áo. Phải quên cái ống kính đi thì mới truyền cảm xúc cho khán giả được."
Cặp kính đen không cho thấy phần phát biểu ý kiến của tôi có được sự đồng tình nào của Phương. Nàng chỉ nói:
"Anh nói giống ông chồng em. Ổng ghét phim Việt Nam. Chẳng thà coi phim Ấn độ dễ chịu hơn, ổng nói vậy... Còn phim này thì sao?"
"Có bớt sượng hơn," tôi nói, "nhưng vẫn thấy giả tạo. Chuyện phim mà cứ như chuyện... xi-nê thì làm sao mà thuyết phục khán giả được. Trên đời này làm gì có nổi một tay xích-lô vừa đẹp trai vừa hào hiệp lại vừa cù lần như vậy."
"Có mấy bà Mỹ khóc, mắt đỏ hoe đó, anh không thấy sao?"
"Vì họ là người Mỹ," tôi nói. "Họ chưa thấy những cái đó bao giờ. Người Việt mình thì quen quá rồi. Nhiều cảnh đời còn thê thảm hơn thế nhiều."
Phương im lặng. Khác với hồi xưa, mỗi khi hai đứa bất đồng ý kiến về một chuyện gì là nàng cãi phăng phăng tới cùng, bất kể đúng sai phải trái, bất chấp chân lý sự thật, cho đến lúc nào đối phương là tôi phải im lặng vì nhức đầu quá thì nàng đi tới kết luận: im lặng là đồng tình. Cứ như vậy thì tôi luôn luôn là kẻ thua cuộc... Chúng tôi đi ngang một góc phố nhộn nhịp. Nhiều người đứng xếp hàng trước một quầy bán kem. Phương bỗng nói:
"Chờ em một chút."
Không đợi tôi trả lời, nàng bước nhanh về phía quầy kem, đứng nối đuôi dãy người xếp hàng một. Tôi đốt một điếu thuốc, đứng nhìn trời đất vẩn vơ. Phương vẫn có những cái bất ngờ, đột ngột như vậy. Ngày xưa tôi cũng từng mệt mỏi vì cái tính mưa nắng bất thường, rất khó mà dự báo thời tiết của nàng. Giống như những cơn mưa Saigon, những cơn mưa bất chợt, vội vàng, không có gì báo trước. Còn mưa ở đây thì lại khác, mưa đều đều mưa dài dài, mưa hoài không biết chán, mưa như không biết mệt. Mưa suốt tuần lễ đầu tôi ở đây. Mưa ngay từ phút đầu đặt chân xuống phi trường. Thành phố đón tôi bằng những cơn mưa dầm dề... Tôi không hiểu được tại sao Phương lại về sống ở chốn này? Và tôi nữa, tại sao tôi lại có mặt nơi đây?
Thành phố này có một đại lý cho công ty lắp ráp máy điện toán mà tôi hiện đang làm việc, và họ cần người phụ giúp để giải quyết một vài khó khăn nào đó trong công việc quản lý. Khi được hỏi ý kiến có bằng lòng tình nguyện đến đây làm việc trong thời gian ngắn, tôi đã nghĩ đến Phương. Một người bạn ở Cali nói cho tôi biết Phương hiện đang ở thành phố này, anh ta còn cho tôi số điện thoại của nàng. Tôi đã có những phút do dự. Tôi muốn gặp lại Phương để làm gì? Để bày tỏ sự hối tiếc, để chuộc lại những lỗi lầm. Để còn được trông thấy nàng một lần nữa, để nói được với nàng một đôi câu gì đó rồi... lặng lẽ ra đi? Tôi đâu có còn ở tuổi mới biết yêu, và cũng đã đi quá xa thời lãng mạn. Liệu có còn chút gì gọi là tình yêu giữa tôi và nàng. Phương đã có gia đình, tôi cũng vậy. Chẳng biết gia đình nào thực sự ấm êm hơn. Có lúc tôi đã nghĩ, chỉ cần biết được rằng nàng đang có hạnh phúc, tôi sẽ yên lòng và bỏ đi ngay. Còn nếu không, thì sao? Tôi đâu có làm được chuyện gì. Vậy thì tại sao phải gặp nàng? Tôi cứ nghĩ loanh quanh luẩn quẩn và không có câu trả lời nào, nhưng tôi biết một điều là tôi vẫn còn yêu Phương. Sau cùng có lẽ chính là Thư, vợ tôi, đã đẩy tôi đến quyết định vừa hợp tình lại vừa hợp lý trong lúc tôi còn đang phân vân, do dự: "Thì anh cứ đi thử một chuyến xem sao. Được trả thêm tiền, lại có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, tội gì không đi. Có mất mát gì đâu."
Đúng vậy, có mất mát gì đâu, sao tôi lại không thử một chuyến. Như vậy không phải là tôi đã đến đây vì Phương sao. Tôi đâu có yêu thích công việc đến mức bỏ nhà bỏ cửa đến một thành phố xa lạ để đánh vật với giàn computer thổ tả này. Qua tuần lễ đầu bận túi bụi, những lúc đêm xuống, ngồi một mình bên chiếc điện thoại là lúc tôi nghĩ đến Phương nhiều nhất. Mấy lần tôi tính gọi cho nàng nhưng rồi lại ngần ngừ. Tôi nhấc ống điện thoại lên rồi lại bỏ xuống. Tôi phân vân, đắn đo không biết phải nói câu gì đầu tiên với nàng, hay với người đàn ông xa lạ đó (nếu nghe một giọng đàn ông trả lời). Và tôi lại có cảm giác ngượng ngập, sượng sùng như là đang toan tính, âm mưu một chuyện gì đó không được đứng đắn, không mấy lương thiện. Có lúc tôi tự nhủ mình thôi hãy từ bỏ ý định ấy, thôi hãy quên đi quên đi, thế nhưng ý nghĩ Phương hiện đang ở một nơi nào đó thật gần gũi quanh đây khiến lòng tôi cứ xốn xang, bứt rứt. Sau cùng, đến một lúc nào đó không còn tự chủ được nữa, ngón tay tôi tự động bấm những con số, và tôi hồi hộp chờ đợi. Tôi nghe những tiếng chuông reo mãi, reo mãi, và không ai nhấc điện thoại. Tôi gọi lại ngày hôm sau, hôm sau nữa, rồi hôm sau nữa. Vẫn không ai trả lời. Tôi hoang mang không rõ là nhà vắng chủ, đã dọn đi nơi khác, hay số điện thoại ấy không còn được sử dụng. Chẳng lẽ cứ gọi hoài. Cho đến một buổi chiều, thử lại một lần cuối với không chút hy vọng, tôi nghe tiếng nhấc ống điện thoại.
"Hello?" giọng một phụ nữ. Tôi im lặng, lắng tai chờ nghe thêm lần nữa để biết chắc có phải là Phương.
"Hello, who's calling?" giọng phụ nữ hỏi một lần nữa.
Tôi tin đúng là giọng nàng. Cái giọng lảnh lót trong như tiếng suối ấy, đâu có dễ gì lầm được, dẫu cho nàng có nói tiếng…... Nga đi nữa tôi vẫn cứ nhận ra được như thường.
"Excuse me, can I speak to Phuong?" tôi hỏi.
Tiếng trả lời Phương đây. Tim tôi thắt lại.
"Nhận ra được tiếng ai đây không?" tôi hỏi chậm rãi bằng tiếng Việt. Phương có vẻ xúc động (tôi đoán chừng vậy), vài giây im lặng, rồi nàng trả lời làm sao quên được. Nàng hỏi tôi hiện đang ở đâu, tôi nói địa chỉ và chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đã ở trong vòng tay nhau.
Phương trách tôi đã không gọi cho nàng sớm hơn, rồi nàng lại nói nếu có gọi cũng chẳng gặp được vì nàng mới từ Florida về. Phương có thay đổi, nhưng không nhiều lắm, và chắc chắn là tôi vẫn còn nhận ra được nàng nếu có gặp nhau bất ngờ ngoài đường phố nào trên nước Mỹ. Dẫu không còn những nét mảnh mai thời con gái, thân hình có đẫy đà hơn, đỏ da thắm thịt hơn, kiểu tóc khác, lối trang điểm cũng khác, nhưng vẫn giọng nói ấy, vẫn nụ cười ấy, và nhất là vẫn còn những nét gợi cảm, vẫn là Phương của tôi một thời nào xa lắc. Phương khẽ đẩy lùi tôi, quan sát tôi từ đầu tới chân, nói "anh thay đổi nhiều quá". Tôi nói "khi muốn tránh chữ 'già' người ta hay dùng chữ 'thay đổi'". Phương cười, "Em cũng già vậy." "Phụ nữ đến một tuổi nào đó cứ hay nói mình già để được nghe người khác cải chính dùm," tôi nói thế. "Vậy là em già thật rồi," Phương nói, ra vẻ thất vọng. Định cải chính dùm nàng thì chợt nhớ điều gì, tôi nhẹ nhàng gỡ những ngón tay Phương, hỏi một câu ngớ ngẩn: "Chồng em đâu?" Phương nói, "Ổng đứng ngoài chờ em." Rồi ngó bộ mặt tôi có lẽ tức cười sao đó, nàng cười lớn: "Đùa chút thôi, làm gì mà nghệch mặt ra vậy." Phương nói chuyện vợ chồng nàng ly dị nhau từ hơn một năm nay nghe giống như là chuyện "trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng", và tôi cũng làm ra vẻ như là không chú ý gì đến chuyện đó lắm.
Phương trở ra với hai cây kem trên tay, đưa tôi một. Trông nàng thè lưỡi liếm cây kem rất ngon lành. Phương nhắc đến tên một tiệm kem quen thuộc ở Saigon, nơi chúng tôi thường ghé vào sau khi ở rạp chiếu bóng ra. Những ly kem đủ mầu và những muỗng kem mát lạnh đến tê cả lưỡi tan trong miệng giữa cái nóng oi ả của thành phố. Phương nói bây giờ nàng không thể nào tìm lại được cảm giác ấy nữa. Chúng tôi đi về phía parking. Phương hỏi khi mở cửa xe:
"Anh muốn đi đâu bây giờ?"
"Tùy em thôi, dắt đâu theo đó. Đi bất cứ nơi nào tổ quốc cần."
"Anh học được câu đó ở đâu vậy?"
"Ở trong tù."
"Tội nghiệp anh. Ở tù thì đâu có gì vui, phải không?" Phương hỏi khi nổ máy xe.
"Tàm tạm, cũng có nhiều cái hay," tôi nói. "Mỗi người đều nên ở tù qua một lần cho biết, miễn đừng ở lâu quá."
"Khi đó chắc là anh đâu có nhớ em."
"Nhớ em có mà chết sớm. Anh tập được tính quên. Có quên mới sống nổi. Nhiều người sống được tới mười năm, hai mươi năm ở trong tù là nhờ vậy."
"Rồi sau đó anh làm gì?" Phương lại hỏi.
"Thì qua đây kiếm em."
"Xạo. Vợ con rồi còn kiếm gì nữa."
"Em lấy chồng rồi thì cũng phải cho anh lấy vợ chứ."
"Em đang ở một mình, anh không thấy sao?"
"Không nên," tôi nói. "Đàn bà ở một mình không tốt, Chúa nói vậy."
"Xạo nữa. Em chỉ nghe Chúa nói là đàn ông ở một mình không tốt, vì vậy mới có thêm bà Eva."
"Thua em," tôi cười trừ. "Đàn ông đàn bà gì cũng rứa, cũng đều không nên ở một mình."
"Ai chịu ở với em?"
Tôi kịp ngăn lại được tiếng "anh" vừa định thốt ra. Phương im lặng, làm ra vẻ chăm chú lái xe. Kể cũng khá thú vị được một phụ nữ quyến rũ vừa là tài xế vừa là hướng dẫn viên du lịch đánh xe đưa đi dạo chơi đây đó. Xe qua những đường phố chính đầy người qua lại. Phương nói ở đây lâu lâu có được một ngày nắng là dân thành phố mừng lắm, đổ cả ra đường.
"Anh có thấy là nắng ở đây đẹp hơn nắng ở những nơi khác không?"
Nghe Phương hỏi tôi mới thực sự để ý đến mầu vàng của nắng. Quả là so với những nơi tôi đã đi qua, mầu nắng ở đây có tươi hơn, vàng hơn, rực rỡ hơn, khiến cảnh trí thiên nhiên được phủ lên một màu vàng tươi thắm của đất trời như bức tranh phong cảnh sinh động, và con người dễ có cảm giác ấm áp sau những ngày mưa lạnh lẽo.
"Thành phố của em buồn quá,"tôi nói, "mưa não nề. Lâu thật lâu mới có một ngày nắng. Giá mà không gặp được em thì anh cũng đành phải bỏ về thôi. Nắng có đẹp cách mấy cũng chịu."
Tôi thấy môi Phương điểm một nụ cười. Sau hơn hai tuần lễ thực tình tôi vẫn chưa làm quen được với thành phố lạ lùng này. Những dãy phố có nét gì từa tựa San Francisco, nơi tôi đã sống và làm việc gần trọn một mùa hè, nhưng lại có vẻ hiền hòa hơn. Tôi hầu như không có lấy một người quen nào ở đây ngoài một hai tên bạn phất phơ không lấy gì làm thân thiết lắm nên cũng chẳng muốn liên lạc. Hai tay vòng phía sau gáy, đầu ngửa ra, tôi liếc nhìn khuôn mặt lặng yên của Phương đang hướng nhìn về phía trước, chiếc cằm nhỏ hơi ngước lên, đôi mắt dấu sau cặp kính đen vẫn như mang một vẻ gì bí ẩn, một bàn tay hờ hững đặt trên vô-lăng.
"Người Việt ở đây gọi nơi này là 'cao nguyên tình xanh'," Phương nói.
"Xanh với đỏ, bày đặt. Mấy anh Việt nam ở không là cứ hay chế ra tên này tên kia."
"Cái tên làm em nhớ tới mấy câu thơ của anh hồi xưa..." Phương nói tiếp, làm như không nghe tôi nói gì.
"Thiệt chơi?" tôi hỏi, có hơi quê quê. "Đọc nghe cho vui."
"Em nhớ được có hai câu cuối... Hỏi em tình có còn xanh. Khi về sân trại nhìn quanh quất buồn".
Kể cũng cảm động, nàng vẫn còn nhớ được mấy câu thơ tình lẩm cẩm mà ngay đến tác giả cũng chẳng buồn nhớ, vì chẳng có gì hay ho. Bài thơ làm đâu hồi mới vô lính, thuở còn yêu người yêu đời, còn mơ mơ mộng mộng. Tôi dám tặng cho nàng bài thơ đó lắm. Tặng thứ gì nữa tôi còn dám huống chi bài thơ rẻ tiền. Đúng ra thì tôi tặng lung tung chứ đâu có riêng cho một mình nàng. Những người đẹp kia thì lại quá đỗi vô tình, và cũng chẳng có chút tâm hồn văn nghệ nào để mà yêu thơ yêu nhạc, yêu trăng yêu sao, yêu mầu tím yêu mầu vàng như Phương.
"Anh còn làm thơ chứ?" Phương hỏi, giọng chế diễu.
"Hết rồi. Từ ngày em lấy chồng."
"Nói nghe cảm động. Vợ anh đẹp không?"
"Gần bằng em."
"Anh có hạnh phúc không?"
"Thỉnh thoảng."
"Vợ anh có hay ghen?"
"Thỉnh thoảng."
"Anh có ngoại tình khi nào chưa?"
"Th... Thôi đủ rồi em. Trả lời mệt quá."
Phương mỉm cười, không nói thêm gì nữa. Xe chạy thật chậm ngang qua một công viên. Những tàn cây xanh mát, những ghế đá, những pho tượng câm lặng, những đàn bồ câu hiền lành, những nghệ sĩ ôm đàn hát dạo, những gã homeless cuộn mình ngủ vùi, những cặp tình nhân nằm dài trên cỏ. Những công viên ở Mỹ đều giống nhau, đều mang một vẻ đẹp thanh bình, êm ả. Tôi khẽ nhắm mắt, lắng nghe điệu nhạc trong xe, hát theo, "Hai năm tình lộn xộn, hai đứa cùng hư hao..."
"Hai đứa mình lộn xộn thiệt," Phương nói.
"Anh đói bụng. Kiếm cái gì ăn."
"Có một tiệm cơm Việt nam ngon lắm ở trong khu phố người Việt cũng tên là Little Saigon, anh có muốn đi ăn không?"
"Muốn."
Chạy lòng vòng một hồi, Phương lại đổi ý:
"Giờ này mà ăn trưa thì hơi sớm, mà ăn sáng thì hơi muộn. Hay là mình mua cái gì về ăn. Chỗ này bán thức ăn cũng được lắm. Anh chịu không?"
Vừa nghe "chịu" một cái là Phương tấp xe vô lề liền. Ngày xưa mỗi lần muốn tôi làm điều gì theo ý nàng, Phương cũng hay hỏi "anh chịu không" như vậy. Có điều hồi đó tôi đâu có biết nhường nhịn với lại chiều chuộng đàn bà con gái như bây giờ cho nên đâu có trả lời "chịu" dễ dàng vậy.
"Chỗ này không có parking," Phương bước xuống, dặn dò. "Em để đèn emergency. Anh cứ ngồi trong xe, đọc báo. Cảnh sát có hỏi thì nói vợ tôi ra liền bây giờ. OK?"
"OK."
Tôi thấy có mấy người đậu xe gần đấy cũng để đèn chớp chớp như vậy, chắc là cũng vô tiệm đó. Cầm tờ báo chợ tiếng Việt, tôi đọc lướt qua. Không có gì đặc biệt. Những trang quảng cáo các cơ sở làm ăn buôn bán của người Việt, cũng hội đoàn này đả kích hội đoàn kia, cũng biểu tình treo cờ treo quạt. Đâu cũng vậy... Tôi bỏ tờ báo xuống. Phương bước ra với những túi xách trên tay.
"Xong. Về nhà cái đã rồi tính."
Tôi không rõ Phương nói "tính" là tính chuyện gì. Nàng nói như thể còn nhiều chuyện phải làm lắm. Tôi cũng không rõ nàng có chương trình đặc biệt gì tiếp theo vụ kéo tôi đi xem phim sáng nay. Dù sao thì tôi cũng chẳng có thắc mắc lo nghĩ chi cả, tới đâu thì tới, miễn có nàng bên cạnh. Tôi thả trôi tôi dập dềnh bên cạnh nàng và tận hưởng cảm giác thoải mái, dễ chịu trong những ngày này.
"Nhà nào?" tôi hỏi.
"Nhà em, chứ không lẽ nhà anh."
"Nhà anh thì cũng được chứ có sao đâu." Ý tôi muốn nói đến căn apartment mà công ty thuê cho tôi ở tạm từ hôm lên đây.
"Em đâu có điên," Phương nói, "theo anh về nhà cho vợ anh lột da em à."
"Đừng nói vậy tội nghiệp vợ anh. Cô ấy hiền khô, đâu có như em."
Phương lặng im, rồi từ từ quay sang tôi. Tôi tưởng nhìn thấy được đuôi mắt sắc như dao của nàng sau cặp kính đen. Lát sau Phương nói:
"Anh có vẻ tiến bộ hơn trước nhiều. Nói biết nghe lời. Vợ chồng anh chắc ít khi nào cãi nhau."
"Anh học được kinh nghiệm: đừng bao giờ cãi cọ với đàn bà. Chỉ thiệt thòi."
Tôi nghĩ là Phương hiểu được câu nói ấy.
"Vì vậy mà em nói cái gì anh cũng đồng ý?"
"Anh đồng ý cả những điều em sắp sửa nói."
Cặp kính đen lại từ từ quay sang tôi.
"Chồng em thì khác," Phương nói. "Ổng chỉ chờ em nói câu gì đó để nói một câu ngược lại."
"Tại sao hai người chia tay?" tôi hỏi.
"Tại vì những cái khác nhau như vậy."
"Thử ví dụ?"
"Em thích mưa, ổng thích nắng."
Phương có vẻ không muốn nói nhiều về người chồng của nàng. Thì thôi vậy, tôi cũng chẳng nên thắc mắc tìm hiểu vì vụ này xét ra đâu có dính dấp gì tới tôi, nhất là khi anh chồng đã nhẹ nhàng khăn gói bước ra khỏi đời nàng.
"Hồi trước anh cũng thích nắng, bây giờ anh thích mưa," tôi nói.
"Thôi đủ rồi."
Chúng tôi tiếp tục nói qua nói lại với nhau những câu chuyện không đầu không đuôi, chẳng chuyện gì ra chuyện gì như vậy. Xe ra khỏi thành phố. Có một lúc nào đó chúng tôi ngồi bên nhau thật yên lặng như là không còn chuyện gì để nói với nhau nữa. Tôi nhớ là trong những ngày trước đây tôi đã có sắp đặt trong đầu những điều để nói với Phương khi gặp lại nàng. Vậy mà giờ đây, bên cạnh nàng, tôi lại chẳng còn nhớ bất cứ một điều gì, hay là những điều ấy đã không còn thích hợp, không còn cần thiết nữa. Khi hết chuyện nói, tôi hướng tầm mắt ra ngoài cửa xe dõi theo những ngọn thông xanh mướt chạy dài trên những sườn đồi thoai thoải. Bên tôi, Phương vẫn ngồi yên lặng. Tôi không thể đọc được những ý nghĩ có trong đầu nàng lúc ấy.
°
Khi tôi nói với Phương là ngôi nhà này rộng quá, ở làm sao cho hết, cho tôi thuê bớt một phòng để thỉnh thoảng tôi lên đây có nơi tá túc, Phương nói ý kiến hay nhưng hơi muộn, nhà sắp bán rồi. Tôi tưởng nàng nói đùa, cho đến lúc tiếng chuông điện thoại reo, Phương trả lời vắn tắt, rồi quay sang tôi:
"Họ xin cái hẹn đến xem nhà."
Tôi khen phòng khách đẹp, bầy biện trang trí mỹ thuật. Phương cho biết ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, đã thuộc về nàng sau khi hoàn lại anh chồng một khoản tiền. Tiếng chuông điện thoại kế tiếp trong lúc Phương đang bày thức ăn ra bàn là của hai đứa con gái đang nghỉ hè nơi gia đình người chị của nàng ở Florida gọi lên. Phương cho tôi biết nàng đang nhờ bà chị tìm mua giúp căn nhà ở Florida để dọn về đấy. Nàng cũng được hứa hẹn có một việc làm tốt nơi ấy sau khi vừa bỏ một cái job ở đây. Phương nói nàng không muốn rời bỏ nơi này, nhưng ngôi nhà giờ đây chỉ gợi cho nàng những kỷ niệm buồn. Nàng cần thay đổi cuộc sống. Muốn có cuộc sống mới người ta phải sống trong một khung cảnh mới. Dù sao tôi nghĩ Phương đã có những năm sống hạnh phúc.
"Anh xem còn thiếu thứ gì không?" Phương nhìn qua một lượt bàn ăn, hỏi.
"Tại sao không cắt ít bông hồng ngoài vườn, em vẫn thích hoa hồng mà."
"Ý kiến hay," Phương nói. "Anh làm việc đó đi trong lúc em đi tìm cái lọ cắm hoa."
Lát sau Phương lại hỏi còn gì nữa không.
"Nên có thêm vài ngọn nến. Tắt bớt một ngọn đèn."
"Có mầu mè không? Em không thích mùi nến, nhưng cũng OK."
Tôi ngồi vào bàn ăn, nhìn những ngón tay Phương thắp lên những ngọn nến trắng.
"Lịch sự, ấm cúng," tôi nói. "Không đòi hỏi gì nữa. Thế này là ấm no hạnh phúc quá rồi."
"Xong chưa?" Phương hỏi, thổi tắt que diêm. "Hoa lá cành đầy đủ. Sẵn sàng thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng."
"Cám ơn. Một chút âm nhạc nữa thì tuyệt."
"Có ngay thôi."
Phương ngồi phía đối diện, hai tay chống cằm, và chúng tôi nhìn nhau qua ánh nến rưng rưng. Tôi thấy môi Phương phác một nụ cười, khóe miệng hơi nhếch lên, và tôi cũng thấy một giọt nước lặng lẽ ứa ra nơi khóe mắt nàng. Thật khó mà hiểu được tận cùng ý nghĩa của giọt nước mắt đó. Vui sướng, buồn rầu, tiếc thương, hờn tủi... Những ngọn nến chập chờn, lung linh trước mắt tôi cũng nhòa đi trong giây phút ấy. Đừng nhìn em nữa anh ơi, hoa xuân đã phai rồi, hương trinh đã tàn rồi..., nước mắt đã không vơi, môi răn đã quên cười. Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau... Hiểu được tại sao, tôi vói tay lấy chiếc remote control, tắt đi giọng hát, điệu nhạc rền rĩ ấy.
"Quên một thứ," tôi nói, đứng dậy. "Mới thấy chai champagne đâu đây."
Cầm chai rượu Phương đưa, tôi lắc lắc. Đã lâu lắm tôi không cầm đến chai champagne vì chẳng có chuyện chi để ăn mừng. Sau một tiếng nổ nhỏ, rượu tràn ra như suối. Rượu và bọt bắn văng cả vào áo tôi, vào tóc Phương. Phương vội nghiêng đầu tránh, đứng bật dậy. Chiếc ghế đổ xuống sau lưng và nàng loạng choạng muốn ngã theo. Tôi vội chồm tới đỡ lấy Phương, tay kia vẫn giơ cao chai champagne, và rượu vẫn tiếp tục chảy tràn xuống đầu hai đứa tôi. Thêm một chiếc ghế nữa đổ xuống. Chúng tôi ôm nhau cười nghiêng ngửa, cười sặc sụa, cười thỏa thích như hai đứa trẻ. Dứt tiếng cười, tôi quay nhìn Phương, Phương nhìn tôi, chúng tôi nhìn nhau trong vài giây im lặng. Khuôn mặt Phương thật sát, hai mắt mở lớn. Đôi mắt Phương khi ấy thật lạ. Sau cùng, tôi đã nhìn ra Phương, nhìn ra đôi mắt ấy, nhìn thấy được cả tôi trong đó nữa. Tôi khẽ cúi xuống liếm láp những giọt rượu còn đọng trên má Phương, và trong lúc ngực nàng vẫn còn phập phồng sau trận cười ngả nghiêng ấy, môi chúng tôi gắn chặt vào nhau trong chiếc hôn dài tưởng như đến vô tận...
"Anh phải thay áo thôi," Phương nói.
"Không cần," tôi lắc đầu, cởi mấy hột nút, phanh ngực áo.
Phương đã lau khô tóc. Chúng tôi ngồi lại vào bàn.
"Trân trọng kính mời," tôi nói, tay nâng ly rượu. "Nhân dịp kỷ niệm... 'mười năm tình cũ'. Xin chúc mừng!"
"Phải hơn chứ, có mười năm thôi sao," Phương nói, tay cũng nâng ly.
"Thôi thì... muôn năm tình cũ vậy," tôi nói bừa. "Tình càng lâu càng nồng, rượu càng lâu càng quý, thứ nào cũng dễ say cả. Cụng ly một cái coi."
Hai chiếc ly sóng sánh chạm nhau kêu lanh canh. Tôi thấy mắt Phương lấp lánh niềm vui.
Chúng tôi ăn ít, thức ăn còn đầy trên bàn. Phương nói vậy mà kêu đói.
"Đúng là quả đất tròn," tôi nói một câu cũ mèm.
"Nhưng mà quay chậm quá, giá mà nhanh hơn chút nữa thì mọi chuyện không đến nỗi lỡ làng."
Trong giọng nói đùa của Phương, tôi nghe ra có chút ngậm ngùi. Như là những câu chuyện chúng tôi trao đổi qua lại với nhau, ngay trong những lúc vui vân có nhuốm chút gì buồn bã.
Vào một lúc nào đó cuối bữa ăn, chúng tôi cùng ngồi ôn chuyện cũ. Phương nhắc đến những tên tuổi, những khuôn mặt bạn bè của cả hai đứa, những người còn sống những kẻ đã chết, những người chúng tôi yêu và ghét. Trí nhớ của Phương vẫn còn khá tốt, ít ra cũng hơn tôi, khi nàng nhắc lại những kỷ niệm riêng tư giữa nàng và tôi của những ngày tháng năm xa lơ xa lắc. Những lần hẹn hò, những nơi chốn gặp gỡ, những bài nhạc cũ chúng tôi đã cùng nghe mà không còn nhớ tên, những cuốn phim hay chúng tôi đã cùng xem và đã quên mất tên người diễn viên chính, những câu chuyện tình cảm động chúng tôi đã cùng đọc mà không còn nhớ rõ được đoạn kết. Và cả đến những kỷ niệm không mấy êm đềm, những lần hục hặc, những lúc gây gỗ, những trận cãi cọ thường xuyên giữa hai đứa đến có khi không còn muốn nhìn mặt nhau nữa. Phương nói:
"Hai đứa mình mà lấy nhau hồi đó chắc sống với nhau được chừng sáu tháng."
"Không nên lạc quan quá."
"Anh với em cũng như mưa với nắng," Phương cười, "chẳng bao giờ gặp được nhau cả."
"Có chứ em," tôi nói, "đôi lúc, nhưng mà ngắn ngủi."
Ngồi bên nhau, chúng tôi cùng đánh thức, lay gọi kỷ niệm dậy... Rồi chúng tôi cũng nói đến những biến cố khốc liệt, những đổi thay lớn lao đến tận cùng của đất nước như là những thảm họa, những cơn bão dữ dội, những trận lụt kinh khiếp đã cuốn phăng tất cả, cuốn phăng chúng tôi đi, cuốn phăng biết bao nhiêu số phận mà chúng tôi chỉ là những cọng rơm, Phương nói, chỉ là những cọng rơm, thật nhỏ nhoi, vụn vặt và tầm thường, chẳng có cách gì cưỡng lại được. Và tôi cũng đồng ý với Phương là sau hết, còn ngồi lại được bên nhau đây, chúng tôi dù sao vẫn còn là những kẻ may mắn. Có lúc tôi nghe Phương nói đến một cái gì đó thật huyền hoặc giống như là số kiếp, giống như là bàn tay của định mệnh. "Không phải là ngẫu nhiên," Phương nói, "mà mọi chuyện đều đã được sắp đặt từ trước" khiến chúng tôi gặp nhau, rồi yêu nhau nhưng lại không thể đến được với nhau, và rồi cũng lại định mệnh ấy xui khiến chúng tôi gặp lại nhau đây, ở một góc trời xa thẳm nơi xứ người, sau khi những cơn bão những trận lụt đã đi qua, sau khi mọi chuyện đã an bài.
Tôi thực tình không mấy tin tưởng ở những chuyện duyên kiếp, số phận lẩm cẩm như là Phương nói. Mọi chuyện thành bại ở đời này, kể cả yêu nhau mà không lấy được nhau, đều là tại... mình, chứ chẳng phải tại trời tại đất chi cả, tôi vẫn nghĩ vậy. Tuy nhiên, trong giây phút này, tôi đâu cần biết tới chuyện đúng sai, phải trái, tôi chỉ muốn yên lặng nghe Phương nói, chỉ muốn được nghe lại giọng nói ngọt ngào và êm dịu rất đỗi quen thuộc ấy. Giọng nói ấy xa tôi đã bao năm và mai đây biết có khi nào tôi còn nghe lại được. Dẫu cho Phương có nói điều gì khác ý tôi thì cũng không hề chi, tôi đâu có dại dột lần nữa để nói ngược lại những điều nàng nghĩ. Làm sao tôi có thể quên được chúng tôi đã xa nhau sau một trận cãi vã dữ dội về một chuyện bây giờ nghĩ lại không có gì đáng để mà cãi vã. Tôi thật ngu dại. Ngày ấy tôi vẫn tự cho mình là khôn ngoan nhưng thực ra tôi chỉ là chú bé khù khờ và kém hiểu biết về tình yêu. "Cô nào điên lắm mới lấy anh," Phương nói thế, và tôi đọc trong mắt nàng sự căm hận. Sau đó có một khoảng thời gian thật là dài tôi đã sống trong nỗi ray rứt ân hận, có lúc tôi đã nghĩ rằng tôi không thể nào sống mà thiếu nàng được. Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn cứ gan lì, vẫn không chịu tìm tới Phương để nói một lời xin lỗi, có thể vì tôi vẫn cứ nhớ câu nói chua cay và tia mắt căm hận ấy. Tôi tin là nàng thù ghét tôi thực sự. Để tìm chút an ủi và quên được nàng, tôi đã phải chạy theo một cô gái khác, nhưng việc đó không giúp được gì cho tôi, vì đó không phải là tình yêu, và cô gái đó không phải là Phương. Rồi cơn bão năm bẩy mươi lăm ập tới, trong lúc tôi còn đang nằm bẹp trong tù để gặm nhấm nỗi buồn rầu tủi nhục của kẻ thất trận và kiểm điểm những mất mát thua thiệt của đời mình thì Phương và gia đình vượt thoát được đến Mỹ. Ít năm sau đó, một người bạn tôi ở Mỹ cho biết có gặp Phương và nàng đã có gia đình. Cũng may mà sau cùng tôi còn được Thư, cô gái có một tấm lòng, đã đến trong thời kỳ đen tối nhất của đời tôi, đã mang lại cho tôi một niềm tin yêu mới, sau khi tôi đã mất hết tất cả mọi thứ, và sau khi đã hiểu được tình yêu là gì.
Về phía Phương, từ lúc gặp lại nàng đến nay, tôi có cảm tưởng dường như nàng cũng có ý đền bù lại cho tôi phần nào những mất mát thiệt thòi tôi đã phải gánh chịu. Chúng tôi cố gắng gượng nhẹ với nhau, cố gắng vỗ về nhau qua từng ánh mắt nhìn, qua từng cử chỉ từng lời nói thật dịu dàng, như những con thú bị thương cần đến những vuốt ve, xoa dịu, dù biết cũng chẳng được bao lâu, dù biết cũng muộn màng. Chúng tôi đã mất nhau bao năm. Chúng tôi đã đi qua hết tuổi thanh xuân của đời mình. Làm sao chúng tôi có thể đẩy ngược lại chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi mấy vòng. Chúng tôi như những cánh chim đã bay một vòng bay quá dài qua hết một mùa bão tuyết. Chúng tôi là những cánh chim đã mỏi.
Phương nói nàng có một món quà đặc biệt cho tôi và bảo tôi thử đoán xem là gì. Đến lúc tôi chịu thua thì nàng mang ra đặt lên bàn một chiếc bánh kem. Tôi không hiểu chiếc bánh đó có ý nghĩa gì nhưng tôi nói nếu Phương nghĩ hôm nay là sinh nhật của tôi thì giữa tôi và nàng chắc phải có một người lầm lẫn. Phương mỉm cười, mở hộp bánh và hàng chữ tôi trông thấy không phải chúc mừng sinh nhật mà là những con số ghi năm tháng chúng tôi đã xa nhau. Tôi không thể nhớ để biết chắc được là những con số đó có chính xác hay không, nhưng chiếc bánh đặc biệt đó đã thực sự làm tôi xúc động, cũng như là buổi sáng nay ở trên xe, lúc nàng đọc lại cho tôi nghe những câu thơ cũ kỹ đó. Những ngọn nến đã thổi tắt lại một lần nữa được thắp lên trên chiếc bánh kem có những nét vẽ tượng hình chiếc bánh xe của thời gian. Phương và tôi không ai muốn cắt chiếc bánh ấy. Chúng tôi đồng ý để dành vì còn muốn nhìn ngắm nó. Qua ánh nến lung linh, huyền ảo trên chiếc bánh kem ngộ nghĩnh ấy, tôi thấy đôi má Phương hồng hơn, ánh mắt Phương cũng long lanh hơn, tình tứ hơn. Ánh mắt ấy nhìn tôi còn mang ý nghĩa gì khác hơn lời mời gọi quyến rũ mà tất nhiên là tôi không thể nào không đáp ứng được. Tôi khẽ bước lại phía sau Phương, nhẹ nhàng vòng hai cánh tay ôm lưng nàng, và chúng tôi cùng cúi xuống thổi tắt những ngọn nến. Khi Phương ngước lên mỉm cười, môi chúng tôi lại gắn chặt vào nhau một lần nữa, và lễ kỷ niệm "mười năm tình cũ" của chúng tôi lại được tiếp tục cử hành trọng thể, chỉ hơi khác có một điều là sau đó đã được lặng lẽ dời tới địa điểm thích hợp và thuận tiện hơn, nghĩa là từ phòng ăn chuyển sang phòng ngủ.
°
Tôi chỉ bắt đầu thực sự chú ý tới vệt nắng đó sau khi chúng tôi đã buông nhau ra, nằm yên lặng bên nhau một lúc lâu. Chúng tôi đã hết chuyện nói, hay chỉ muốn lặng im để tận hưởng cảm giác no đủ tràn trề. Hơi thở chúng tôi đã trộn lẫn vào nhau. Những háo hức, thèm muốn chúng tôi đã truyền sang cho nhau. Phương nằm nghiêng, gối đầu lên ngực tôi, mắt khép hờ, lim dim như con mèo lười biếng. Vệt nắng chỉ bằng cây thước kẻ, xuyên qua bức mành cửa sổ ở cạnh giường, vắt ngang người Phương. Điều khiến tôi ngạc nhiên và chú ý là vệt nắng ấy dường như không ở yên một chỗ mà di động nhẹ nhàng trên thân thể Phương. Tôi hiểu ra tại sao sau khi quan sát một lúc. Phương đã quên không kéo sát khung kính cửa sổ, hay nàng cố ý để vậy cho thoáng gió, và những làn gió nhẹ bên ngoài lay động bức mành làm vệt nắng di động, mon men đi lần từ bụng lên ngực, lên vai lên cổ như mơn trớn, vuốt ve da thịt nàng. Vệt nắng bò tới đâu, khoảng da thịt nơi ấy sáng lên mầu vàng óng, soi rõ cả những sợi lông mịn trên lưng, những chân tóc trên gáy nàng. Có lúc Phương phải xoay mặt hướng khác, hay úp mặt lên ngực tôi để tránh vệt nắng ấy. Trên da thịt Phương tôi nhìn rõ được mầu vàng của nắng. Vệt nắng cũng cho tôi biết buổi chiều đang chầm chậm trôi qua ngoài kia, và tôi cũng như đang trôi đi trong một cảm giác bềnh bồng. Không muốn phải theo dõi mãi vệt nắng nghịch ngợm ấy, tôi chuyển hướng nhìn sang hai chiếc khung ảnh ở đầu giường. Tấm thứ nhất chụp hai đứa con gái của Phương, đứng giữa cánh đồng hoa tulip bạt ngàn phơi mình trong nắng sớm, trông như tấm thảm khổng lồ nhiều mầu sắc rực rỡ trải dài đến tận cuối chân trời. Hai bé gái có miệng cười và đôi mắt rất giống mẹ. Tôi chú ý bức ảnh thứ hai hơn, tấm ảnh mầu được phóng lớn. Vói tay lấy chiếc khung ảnh, đưa ngang tầm mắt, tôi ngắm nghía một lúc.
"Bức ảnh này đẹp đây," tôi nói với Phương.
Phương chỉ ậm ừ. Ảnh chụp cảnh đồi thông vào buổi chiều. Những ngọn cây thưa thớt. Mầu nắng vàng rực trải dài trên thảm cỏ dưới chân đồi. Góc trái ảnh là một thiếu nữ, dáng đứng nghiêng, không nhìn rõ mặt, chỉ thấy được tấm lưng mềm mại, bờ vai thon và mái tóc xõa. Khuôn mặt thiếu nữ hơi ngước lên, trông về phía đồi cao. Gió làm tóc nàng bay, và những vạt nắng yếu ớt còn sót lại từ một mặt trời ở sườn đồi phía xa chiếu xuyên qua những tán lá, những ngọn thông, soi rọi một bên vai và mái tóc người thiếu nữ. Những lọn tóc bay trong gió chiều óng ánh mầu vàng nhạt. Thiếu nữ trong ảnh là Phương, tôi biết chắc, dù chỉ thấy được một vài đường nét.
"Tấm ảnh đó chụp từ lâu lắm rồi," Phương mở mắt, xoay người lại, nói. "Nó có một cái tên."
Tôi hỏi tên gì. Phương nói "Chiều Vàng". Người chụp ảnh đó là chồng nàng, và ông ta đặt cho nó tên đó. Nàng hỏi tôi thấy tấm ảnh có gì đặc biệt. Tôi chịu không nghĩ ra. Phương nói chồng nàng rất mê ảnh. Hôm nào trời nắng là anh chàng vác máy ảnh ra chụp lia lịa. Ảnh nào cũng phải có nắng.
"Một tấm ảnh mà không có nắng như biển không tiếng sóng, như rừng không tiếng chim, như ngôi nhà không người ở, như chai bia không ướp lạnh...," Phương nói một hơi.
"Như gì nữa?" tôi cười, hỏi.
"Em nhớ chừng đó. Ổng nói vậy."
Vừa phải thôi, tôi nghĩ, chụp ban đêm thì lấy đâu ra nắng. Tôi nhìn lại tấm ảnh, quả có rất nhiều nắng. Rừng với biển mà thiếu tiếng chim với lại tiếng sóng thì không biết thế nào, chứ bia mà không ướp lạnh thì đúng là chán thật. Tôi khẽ nâng đầu Phương đặt trên chiếc gối, ngồi dậy.
"Anh đi đâu vậy?" Phương hỏi.
"Nghe em nói thèm chai bia quá."
"Trong tủ lạnh," Phương nói. "Cho em một ly luôn."
Tôi rót một ly bia, cắt một miếng bánh, đặt lên chiếc khay nhỏ, mang vào cho Phương. Nàng nói cám ơn, nhưng vẫn không ngồi dậy. Chúng tôi chia nhau miếng bánh. Vệt nắng bây giờ nằm dưới chân Phương. Bức ảnh "Chiều Vàng" nằm úp trên gối. Tôi nói Phương đọc tôi nghe hàng chữ nhỏ sau lưng khung ảnh.
"Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một..."
"... danh vọng nào cả," tôi tiếp lời Phương. "Anh chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều khi nắng vàng nhuộm mái tóc em."
"Sao anh biết?" Phương hỏi, giọng ngạc nhiên.
"Đó là lời đề tựa cho một bản nhạc cũ," tôi nói. "Người viết lời tựa đó là một nhà đạo diễn phim. Bản nhạc tên 'Hình Ảnh Một Buổi Chiều'. Cả hai, người nhạc sĩ và người đạo diễn phim đều đã chết."
Phương im lặng, nhìn lên trần nhà, khuôn mặt thoáng nét đăm chiêu. Tôi không biết nàng nghĩ gì trong đầu. Người đàn ông nói thế và sau cùng ông ta đã bỏ đi. Còn lại người đàn bà trong ngôi nhà cũ, vẫn giữ tấm ảnh đó. Tôi chắc là ông ta vẫn chưa hết yêu người trong ảnh. Họ đã có với nhau những đứa con. Họ đã có những năm sống hạnh phúc. Họ đã có bên nhau những buổi chiều vàng. Rồi về sau thế nào? Làm sao mà họ lại xa nhau? Người đàn ông ấy bây giờ ở đâu?
°
Thư vẫn điện thoại cho tôi cách một đôi ngày, thường là vào buổi tối. Có lúc nàng hỏi thăm tình hình công việc của tôi, có lúc bảo tôi kể chuyện lạ thành phố cho nàng nghe. Những hôm đầu tôi chỉ kể toàn chuyện mưa cho nàng phát ngán. Mưa dầm dề, mưa rả rích, mưa sụt sùi. Bầu trời xám ngắt, cứ bước ra đường là thấy mưa. Biểu tượng của thành phố là chiếc dù, tôi nói. Đàn ông đàn bà, già trẻ lớn bé gì ra đường cũng đều cắp theo cây dù, cũng đều che dù đi dưới mưa trông rất ngộ, giống như là vũ khúc múa dù trên sân khấu vậy. Những chiếc dù đủ kiểu, đủ mầu sắc rất vui mắt. Thư hỏi mưa thì cũng phải có mùa chứ, chẳng lẽ mưa quanh năm suốt tháng sao. Tôi nói chắc vậy, đã gọi là thành phố mưa mà. Những chuyện nàng hay hỏi lại là những chuyện tôi ít quan tâm, đại khái là khí hậu nóng lạnh ra sao, cảnh tượng phố xá thế nào, có đông người Việt không, có chợ búa, thức ăn Việt nam không, có gặp ai quen không... Tôi nói có gặp cô bồ cũ, hai chiếc dù đụng nhau dưới cơn mưa thành phố, sau đó hai đứa che chung một chiếc dù cho tiện. Rồi sao nữa, Thư hỏi. Tôi nói rồi cũng phải đến lúc chia tay mỗi người mỗi ngả thôi, đâu có "đưa em về dưới mưa" hoài được. Thư cười khúc khích, nói tình cũ không rủ cũng đến, đâu có mà chia tay dễ dàng vậy. Rồi nàng kể chuyện nhà cho tôi nghe, thằng con trai tôi cứ hỏi mẹ chừng nào bố về. Thằng bé mới lên middle school, tuần rồi đi học về khoe với mẹ con mới có girl friend làm nàng hết hồn. Tôi nói phải để ý thằng bé, cần chuyện trò, giải thích khéo léo cho nó hiểu girl friend là sao và đừng cho nó xem tivi nhiều quá.
Thực ra thì thành phố còn nhiều thứ khác nữa chứ đâu phải chỉ có những cơn "mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều" như là tôi nói với Thư. Đó còn là những vườn hoa kỳ ảo mà Phương và tôi đã phải đáp những chuyến phà, phải đi mãi đi mãi mới tới được nơi ấy để ngỡ như mình lạc bước vào vườn địa đàng nơi trần thế. Đó còn là ngọn núi bốn mùa tuyết phủ trắng xóa, từ xa thật xa chỉ nhìn thấy mờ mờ sương phủ như tranh thủy mặc mà Phương cùng tôi đã phải chạy xe hết nửa ngày men theo những con đường dốc vòng vèo dẫn lên mãi tới gần đỉnh núi đó. Chúng tôi đứng ôm nhau giữa cảnh thiên nhiên núi đồi lồng lộng, và cùng phóng tầm mắt nhìn xuống chân núi dưới xa để thấy mình nhỏ nhoi biết chừng nào giữa bao la vô cùng tận của đất trời. Chúng mình chỉ là những cọng rơm, tôi nhớ Phương nói, những cọng rơm thật nhỏ bé, vặt vãnh và tầm thường mà cơn gió vô tình nào cũng có thể cuốn bay đi được.
Một ngày sau buổi đi chơi núi Mt. Rainier ấy, Phương nói nàng phải tạm xa thành phố ít hôm. Người chị vừa từ Florida gọi lên cho biết đã tìm được căn nhà đúng như ý nàng muốn và nàng cần có mặt để xúc tiến một vài thủ tục. Phương nói sẽ phone cho tôi và trở lên ngay sau khi hoàn tất những việc cần thiết, phần còn lại có thể nhờ bà chị lo liệu. Đưa tôi chiếc chìa khóa nhà, nàng nói: "Anh giữ lấy, em còn chiếc nữa. Thỉnh thoảng ghé vào xem chừng nhà, take care mấy chậu kiểng dùm em, chịu khó đi rồi lúc về em trả công cho." Nàng cười cười và còn nháy mắt với tôi nữa.
Phương chỉ gọi cho tôi có một lần trong lúc tôi đi vắng. Mấy câu vắn tắt trong cái message: "Mọi chuyện tốt đẹp. Nhớ anh. Rán giữ sức khỏe. Có gì em sẽ tin thêm." Vậy thôi. Phương đã vắng mặt ở thành phố này hơn một tuần lễ. Ý nghĩ Phương đã ở bên tôi những ngày vừa qua và rồi bây giờ lại xa tôi làm lòng tôi se lại. Được cấp tạm chiếc xe trong thời gian ở đây, cứ hết giờ làm việc là tôi lại đánh cái xe chạy lòng vòng cho qua hết một ngày. Thường thì tôi gửi xe ở một nơi nào đó, đón một chiếc bus vào thành phố. Nơi xe ngừng có khi là một thư viện, một viện bảo tàng, một rạp hát, một công viên. Có lần chẳng biết đi đâu, tôi ngồi mãi trên xe bus cho đến lúc mọi người xuống hết và người tài xế đứng tuổi đến bên lịch sự nói: "Trạm chót, thưa ông." Tôi vội bước xuống khi trời còn đang mưa, đi loanh quanh một hồi mới nhớ ra đã bỏ lại chiếc dù trên xe bus. Có hôm tôi ngồi ở một góc thư viện thành phố, cầm cuốn sách trên tay mà không đọc gì cả, chỉ nhìn ra ngoài trời qua những ô kính xem mọi người đi lại trên đường và thành phố co ro dưới cơn mưa lạnh lẽo. Rồi tôi trông thấy một phụ nữ Á đông che dù đi trong mưa có mái tóc, dáng người từa tựa như Phương, nhất là bước đi khoan thai, thong thả, không lúp xúp dưới mưa, khuôn mặt hơi ngước lên, nhìn thẳng về phía trước. Tôi bước ra, đi theo người phụ nữ ấy một quãng, dù biết không phải là Phương. Thiếu nữ dừng lại trước một ngã tư, đốt một điếu thuốc, chờ xe ngừng để băng qua đường. Tôi cũng dừng lại châm điếu thuốc ở một chỗ khuất gió, và khi ấy chợt nhớ ra lại bỏ quên chiếc dù trong thư viện. Tôi không muốn quay lại, vẫn cứ đi tiếp để xem thử có được chút cảm giác thú vị nào của kẻ một mình lang thang dưới mưa như từng đọc ở những trang tiểu thuyết lãng mạn, nhưng không cảm thấy gì cả, ngoài sự ướt át và lạnh lẽo.
Một chiều nắng ấm tôi đi vào công viên, nơi có lần Phương lái xe chầm chậm ngang qua đó. Vẫn những gã homeless nằm cuộn mình trên ghế đá, vẫn những chú bồ câu lững thững đi dạo, vẫn những đôi tình nhân nằm dài trên cỏ. Cảm thấy đói bụng, tôi ngồi xuống chiếc ghế đá, lấy ổ bánh mì quên ăn trong sở hồi trưa ra nhai ngấu nghiến. Vài chú bồ câu lại gần, nghếch mỏ nhìn. Tôi bẻ vụn một mẩu bánh, rải xuống chia phần cho chúng, rồi tiếp tục nhai. Bên trái tôi là pho tượng người đàn ông khỏa thân, quỳ một chân, tay giương cung sắp sửa bắn đi một mũi tên. Tôi không hiểu ý nghĩa bức tượng đó. Ăn xong, tôi đứng dậy, đi về hướng đám đông phía trước. Một ban nhạc hát dạo gồm cô gái và hai chàng thanh niên da đen. Một chàng phùng miệng thổi loại kèn gì đó, phát ra những âm thanh nghèn nghẹn, trong lúc cô gái chơi guitar, hát phụ họa ca sĩ chính là một anh chàng dáng vẻ bụi đời, râu ria xồm xoàm, vừa ôm đàn vừa hát. Người nghe tụ tập xung quanh. Có một lúc chàng ta vừa hát vừa ngước mặt lên trời, đôi mắt nhắm nghiền, vẻ mặt sầu thảm. Chắc là một bài tình buồn. Tôi nghe loáng thoáng một hai câu. "Tôi sẽ về lại để yêu em thêm một lần nữa..." Một lần đã đủ mệt rồi, còn đòi thêm lần nào nữa, tôi tự hỏi. Làm sao mà tôi có thể yêu Phương thêm lần nữa được. Và Phương, nàng có yêu tôi không? Nàng vẫn còn yêu tôi đấy chứ? Tôi bỗng thấy mình thật ngớ ngẩn. Tôi đã già chưa, tôi đã đi qua suốt những chặng đường nào để tới đây. Từ chú bé ngớ ngẩn, đến chàng trai mới lớn vừa biết yêu, và rồi tới lúc này, sau khi đã bay hết một vòng bay quá dài để đáp xuống được nơi đây, tôi trở lại là chú bé ngớ ngẩn đến tội nghiệp... Một vài người bước tới bỏ mấy đồng bạc lẻ vào chiếc giỏ mây. Tôi bắt chước làm theo, rồi bỏ đi. "Tôi sẽ về lại để yêu em thêm một lần nữa...," câu hát ấy cứ đuổi theo, đuổi theo tôi. Tôi bỗng nhớ Phương hơn bao giờ, nhớ khuôn mặt lặng yên với đôi mắt dấu sau cặp kính đen bí ẩn, nhớ khóe miệng cười hơi nhếch lên.
°
Công việc của tôi ở đây kết thúc sớm hơn tôi tưởng. Họ nói tôi có thể về lại tuần tới. Có lẽ sự có mặt của tôi cũng chẳng mang lại lợi lộc gì nhiều cho họ. Đúng ra thì tôi vẫn có thể ở nán lại ít hôm, nhưng để làm gì, chỉ để gặp lại Phương sao. Có níu kéo gì thêm nữa cũng chỉ là sự cố gắng vô ích. Phương và tôi đã không đi chung được một đường. Chúng tôi đã chia tay nhau từ lâu lắm rồi và bây giờ chúng tôi lại sắp sửa chia tay nhau. Thế nào rồi chúng tôi cũng đến phải chia tay nhau thôi. Không hôm nay thì ngày mai, không tuần này thì tuần sau, không tháng này thì tháng tới. Mọi chuyện sẽ phải kết thúc như vậy, không thể khác hơn. Chúng tôi còn chuyện gì để nói với nhau nữa. Không phải là trước đây tôi đã từng mong gặp được Phương để chỉ nói với nàng một đôi câu đó sao. Tôi còn muốn gì hơn nữa chứ. Tôi đâu có mang lại được gì cho nàng. Những ngày vui vừa qua còn lại được gì ngoài nỗi dằn vặt, giày vò. Quả là có thứ hạnh phúc buồn bã đến như vậy sao. Không, đó không phải là hạnh phúc. Đó chỉ là chút nắng lạ hửng lên sau những cơn mưa dầm dề. Những vũng nước mưa vẫn còn đọng lại đó, chờ đón những cơn mưa tiếp theo. Tôi biết chắc rằng từ đây cho đến cuối đời, chúng tôi không còn ý định tìm gặp lại nhau. Chúng tôi sẽ cố gắng quên nhau, và chắc là sẽ làm được điều này như đã có một khoảng thời gian thật dài trong đời sống chúng tôi tưởng rằng đã quên nhau rồi, tưởng rằng không bao giờ còn trông thấy nhau lần nữa.
Không phải Phương mà là Thư, gọi lên cho tôi vào chiều cuối tuần. Thư hỏi trời còn mưa không anh. Tôi nói hết rồi, cũng phải có lúc tạnh thôi, mưa miết chịu gì nổi. Nàng hỏi tiếp hôm nay anh tính đi đâu, làm gì. Tôi nói thì cũng một ngày như mọi ngày, lang thang ngoài đường như anh chàng thất tình vậy. "Thế thì chán chết," Thư nói. "Thôi về lại cho rồi anh à." Tôi nói OK, về thì về. Nghe giọng nàng có vẻ như ân hận đã xúi tôi lên đây. Trước giờ nàng vẫn cho tôi là thuộc dạng người dễ chịu, nói sao nghe vậy, bảo đi thì đi, kêu về thì về. Tôi nghĩ khi về lại, chắc tôi cũng khó tìm được chuyện gì vui vui để kể cho nàng. Sau khi gác điện thoại, tôi khóa cửa, nổ máy xe, tìm đến nhà Phương.
Tấm ảnh không có nắng như ngôi nhà không có người ở. Quả như lời Phương nói, căn nhà mới lạnh lẽo, trống trải làm sao. Mọi vật mọi thứ im lìm, vắng ngắt. Những chậu kiểng vẫn còn tươi tốt. Tôi mở tủ lạnh, thấy chiếc bánh kem vẫn còn ở đó. Những mẩu nến thừa còn nằm trên nóc tủ lạnh. Tôi lấy chai bia, ngửa cổ nốc một ngụm, ngừng một chút, nốc thêm ngụm nữa cạn chai. Bước vào phòng ngủ Phương, tôi nằm vật xuống giường trong một cảm giác mệt mỏi, cố gắng không suy nghĩ gì cả. Chỉ một chai bia mà đầu óc tôi đã thấy váng vất, nặng nề. Hai mắt nhắm lại, tôi mơ màng trông thấy Phương và hai đứa con nàng dạo chơi trên bờ biển nào đó ở Florida. Tôi nghe thấy tiếng cười trong vắt của nàng lẫn trong tiếng sóng lúc nô đùa cùng các con. Nàng đã quên tôi. Tôi thấy bọt biển trắng xóa tràn lên bờ, quấn lấy bàn chân trần của nàng, và tiếng sóng biển vỗ mãi vào bờ dội lên những âm thanh rì rào buồn bã như câu hát chàng nghệ sĩ lang thang trong công viên một chiều nào. I'll be back to love you once again... Tôi nghe lại âm thanh nghèn nghẹn của tiếng kèn. Tôi thấy lại vẻ mặt sầu thảm, đôi mắt nhắm nghiền của chàng ca sĩ da đen ấy. Tiếng sóng rì rào và đôi mắt nhắm nghiền ấy đưa tôi vào giấc ngủ chập chờn. Rồi người đàn ông đó bỗng từ đâu xuất hiện, chận Phương lại trên bãi biển. Tôi không nhìn rõ mặt người đàn ông, ông ta đứng trước mặt Phương, giữ chặt cánh tay nàng, khẩn khoản nói những lời gì đó để ngăn chận nàng đừng mua căn nhà ấy nữa. Ông ta nói sẽ đưa nàng về lại ngôi nhà cũ. Tôi thấy Phương lắc lắc đầu liên tiếp, rồi vùng vẫy, la hét. "Không, không, trời ơi." Tóc Phương xổ ra, trùm lấp mặt nàng. Tiếng sóng biển vỗ lớn hơn, sóng xô mạnh vào bờ, quấn lấy chân hai người như muốn kéo cả hai xuống biển. Người đàn ông vẫn tiếp tục nói lớn hơn, cố làm át tiếng sóng. Hai người giằng co, rồi Phương vùng ra được và bỏ chạy. Người đàn ông đuổi theo, đuổi theo trên cát. Tôi nghe tiếng người đàn ông gọi tên nàng, rồi tiếng sóng biển cũng gọi tên nàng, nhưng tôi không phân biệt được tiếng người đàn ông và tiếng sóng biển. Tôi cầu mong cho nàng chạy thoát.
Rồi tôi lại thấy Phương lạc vào cánh rừng thưa đầy hoa phượng đỏ, có tôi đứng đợi nàng ở đó. Phương bây giờ trong chiếc áo dài trắng, đôi mắt dấu sau cặp kính đen. Tôi nhẹ nhàng đến bên Phương, nhẹ nhàng gỡ cặp kính ra cho nàng nhìn thấy nắng rực rỡ, hoa phượng đỏ rực rỡ. Phương quay nhìn tôi, nụ cười rạng rỡ, rồi nàng vụt bỏ chạy, và chúng tôi chờn vờn đuổi bắt nhau trong khu rừng đầy nắng và hoa phượng đỏ, hệt như cảnh cuối trong một khúc phim quay chậm mà chúng tôi đã cùng xem với nhau tháng trước. Những cánh phượng rơi rơi, rắc đầy trên thảm cỏ.. Chạy mãi theo nàng cho đến lúc tôi mệt quá phải ngồi bệt xuống cỏ thở dốc. Nắng nhảy nhót, nắng lung linh, nắng chấp chới trên những ngọn cây, nắng chiếu rọi xuống mặt tôi. Nắng lóa mắt làm tôi không nhìn thấy Phương đâu nữa. Chúng tôi đã lạc mất nhau rồi. Chỉ còn nắng và nắng... Tôi mở mắt, không có Phương bên cạnh. Vệt nắng quái ác ấy rọi đúng vào mắt tôi nhức nhối, khó chịu. Lấy chiếc gối úp lên mặt, tôi cố nhớ lại chuyện gì đã xảy ra. Chẳng có chuyện gì cả. Tôi đã ngủ được một giấc. Ném chiếc gối xuống chân, tôi ngồi nhỏm dậy, cúi nhìn vệt nắng lung linh trên nệm giường. Vệt nắng cho tôi biết buổi chiều đang trôi qua chầm chậm ngoài kia, và tôi như cũng đang trôi đi trong một cảm giác lênh đênh, bập bềnh... Rồi tôi nghe như có tiếng chuông điện thoại vào lúc ấy. Một hồi chuông nữa tiếp theo. Sao lại có tiếng chuông điện thoại lúc này. Phương biết tôi ở đây sao. Tôi chụp vội lấy ống điện thoại. Tiếng người đàn ông Mỹ, giọng lịch sự, hỏi lúc nào có thể đến xem nhà. Tôi nói xin vui lòng gọi lại vào lúc khác. Lúc khác là lúc nào, ông ta hỏi. Lúc nào mà chẳng được, tôi trả lời, có thể là ngày mai, ngày mốt, tuần sau, tháng tới. Rồi sẽ có một lúc. Chắc là ông ta không hiểu tôi nói gì, nhưng mặc kệ. Tôi cũng vậy, cũng đâu có hiểu gì. Tôi chờ nghe tiếng ông ấy cúp điện thoại, rồi gác máy. Khi ấy tôi nhìn thấy tên tôi trên mẩu giấy nhỏ bên dưới chiếc điện thoại. Một cái note của Phương. Tôi cầm lên, đọc. Nét chữ mềm mại: "Cám ơn anh đã cho em những ngày nắng ấm. Bỏ chiếc chìa khóa vào thùng thư cho em nếu anh không cần đến nữa. Ngày anh rời thành phố chắc trời không mưa đâu. Chịu khó giữ gìn sức khỏe, nghe lời em..." Chữ Ph. ký tắt quen thuộc.
Tôi trở ra phòng ngoài, mở tủ lạnh. Không còn chai bia nào. Chiếc bánh kem vẫn nằm đó.
Tắt ngọn đèn phòng khách, tôi mở cửa bước ra ngoài, rồi đóng cửa, xoay một vòng chìa khóa. Thọc tay vào túi áo, tôi lấy ra gói thuốc không còn điếu nào. Cầm bao thuốc rỗng trong tay, tôi đứng nhìn trời đất bâng quơ. Nắng đã dịu. Vườn hồng trước sân nhà Phương nở những bông đỏ thẫm, có những bông phơn phớt mầu vàng nhạt, là mầu nàng vẫn yêu thích. Gió lay nhè nhẹ những cành hồng. Chiều xuống êm đềm quá. Tôi đứng im một lúc, đưa mắt nhìn cảnh vật lặng lờ, tưởng chừng như nghe được tiếng gió lướt thướt chạy trên sườn đồi phía xa.
Thả chiếc chìa khóa vào thùng thư, tôi nghe một tiếng động nhỏ.

Xem Tiếp: ----