eVăn: Shiga Naoya sinh năm 1883 tại phố cảng Ishinomaki, Nhật Bản. Ông được coi là tác giả truyện ngắn hàng đầu của Nhật. Văn của ông có phong cách thuần khiết và nhạy cảm. Trong 40 năm cuối đời, ông chỉ thích thưởng hoa và quan sát những việc vụn vặt không vừa ý của đời người từ bên ngoài với lòng khoan dung mà không viết về chúng; nói cách khác, ông chọn cuộc sống hơn là nghệ thuật. Những năm cuối đời ông sống trọn vẹn và hạnh phúc. Ông mất năm 1971.
Truyện của Naoya súc tích, đơn giản, không có những từ thừa. Bằng sự quan sát tinh tế các cử chỉ, động tác, ông lột tả sâu sắc cảm xúc và tâm trạng của nhân vật. Ngoài truyện ngắn, ông là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi tiếng nhất là Đi trong đêm tối (Anya koro, bản tiếng Anh A Dark Night"s Passing).
Truyện ngắn Seibei và quả bầu (Seibei and His Gourds, 1912) được trích trong The Paper Door and Other Stories, do Lane Dunlop dịch sang Anh ngữ, nhà xuất bản Charles E. Tuttle Company ấn hành năm 1992 tại Tokyo.
--------------
Đây là chuyện về một đứa bé tên Seibei và quả bầu của nó. Sau này Seibei bỏ mấy quả bầu, nhưng chẳng bao lâu nó lại tìm được chuyện khác để thay thế. Nó vẽ hình, và hiện nay nó miệt mài vẽ như đã có lần mê mải với những quả bầu...
°
Cả cha lẫn mẹ đều biết Seibei thỉnh thoảng về nhà mang theo mấy quả bầu nó mua. Nó đã mua tới mười quả, còn nguyên vỏ, giá từ ba bốn xu tới những mười lăm xu. Nó tự tay khéo léo xẻ bầu và cạo bỏ hạt. Nó cắm cúi làm một mình. Trước tiên nó dùng bã trà rửa mùi hôi, rồi chăm chỉ đánh bóng mấy quả bầu bằng rượu saké cha nó uống còn thừa mà nó chắt chiu để dành lại.
Rõ ràng là Seibei đam mê điên cuồng mấy quả bầu. Một hôm, đang đi dọc bờ biển mà suy nghĩ đăm chiêu về mấy quả bầu như thường lệ, mắt nó sửng sốt bắt gặp cái đầu hói của một ông cụ bước ra từ dãy hàng quán dọc con đường quay lưng ra biển. Seibei nghĩ đó là một quả bầu: “Quả bầu thật đẹp!”. Một lát sau nó mới ngạc nhiên nhận ra mình đã lầm. Ông cụ vừa lúc lắc cái đầu có màu sắc đẹp vừa đi vào hẻm ngang. Bỗng dưng thích thú, Seibei bật cười. Nó vừa cười vừa chạy nửa khúc đường mà vẫn chưa thôi.
Nó đam mê tới nỗi khi đi ngoài phố nó cứ dừng lại xem chăm chú bất cứ cửa tiệm nào có treo bầu dưới hiên, bất kể hàng đồ cổ, tiệm bán đồ nấu bếp, hàng bánh kẹo hay tiệm chuyên bán bầu.
Seibei mười một tuổi, còn học tiểu học. Về đến nhà, thay vì chơi như bọn trẻ khác, nó hay ra phố một mình nhìn mấy quả bầu. Ban đêm, ngồi kiểu thợ may trong góc phòng khách, nó sửa soạn quả bầu. Khi xong, nó rót saké thừa vào, gói quả bầu trong khăn tắm rồi cho vào lon để dưới nền lò sưởi trũng. Xong nó đi ngủ. Buổi sáng, vừa thức dậy, nó liền mở lon. Sau khi nhìn chăm chú quả bầu đẫm mồ hôi, nó thận trọng buộc dây treo quả bầu nơi chỗ nắng dưới mái hiên rồi mới đi học.
Trong tỉnh nơi Seibei ở có một khu thương mại và hải cảng khá tấp nập, nhưng ta có thể đi hết một vùng tương đối nhỏ của con phố dài và hẹp trong vòng hai mươi phút. Vì thế, dù có nhiều tiệm bán bầu, nhưng vì Seibei hễ cứ rảnh là lại đi loanh quanh xem nên có lẽ nó đã thấy hết mấy quả bầu ở đó.
Nó không thích mấy quả bầu già cho lắm. Sở thích của nó là những quả còn vỏ chưa xẻ. Hơn nữa, mấy quả nó chọn phần lớn có dáng gọi là dáng quả bầu (người sành điệu thì chê) và có vẻ tương đối tầm thường.
Một ông khách đến thăm cha nó làm nghề thợ mộc, ông ta nhìn Seibei hăng hái đánh bóng quả bầu và bình phẩm:
- Thằng bé con ông chỉ chọn mấy quả bầu xấu xí.
Cha nó nhìn nó chế giễu:
- Mới con nít mà lúc nào cũng nhặng xị với bầu biếc.
Ông khách hỏi:
- Nè nhỏ Seibei, đem mấy quả bầu tẻ ngắt đó về nhà chả được tích sự gì. Sao không mua cái gì độc đáo hơn?
Seibei điềm tĩnh đáp:
- Quả này được.
Đối thoại giữa ông khách và cha Seibei chuyển sang chuyện bầu bí chung chung. Cha Seibei nói:
- Triển lãm mùa xuân năm nay có quả bầu tuyệt đẹp, người ta nói là của Bakin.
- Phải quả bầu lớn tướng không?
- Vừa lớn vừa dài.
Nghe chuyện này, Seibei thầm mỉm cười. Hồi này “quả bầu của Bakin” là một vật trứ danh. Seibei không biết Bakin là ai, nhưng chỉ nhìn một cái, nó quyết định ngay là quả bầu này chẳng có giá trị gì, và nó lập tức rời phòng triển lãm.
Seibei chen vào:
- Con chả thích quả bầu đó. Chỉ to xác.
Nghe thế, người cha tròn mắt giận dữ quát:
- Mày biết gì? Câm mồm!
Seibei im.
Một hôm, đi dọc đường hẻm, Seibei tới một chỗ lạ. Trước rèm cửa tiệm trong khu dân cư, một bà cụ đặt cái bệ để hồng khô và quít. Trên rèm, bà treo khoảng hai mươi quả bầu. Ngay lập tức, Seibei nói:
- Cho cháu xem một chút.
Seibei bước tới xem xét từng quả một. Trong đó có một quả đường kính khoảng một tấc rưỡi, mới thoạt nhìn cái dáng bình thường nó đã muốn ôm ngay lấy, quả bầu thật đẹp.
Tim đập thình thịch, nó hỏi:
- Quả này giá bao nhiêu?
Bà cụ đáp:
- Bán cho cháu, bà bớt còn mười xu.
Thở hổn hển, Seibei nói:
- Thế bà đừng bán cho ai. Cháu mang tiền trở lại ngay.
Sau khi nhắc lại lần nữa, nó chạy về nhà. Chốc sau, mặt đỏ gay, Seibei hổn hển trở lại. Nhận quả bầu, nó lại quày quả đi.
Từ đó, lúc nào quả bầu cũng bên cạnh nó. Thậm chí nó bắt đầu mang quả bầu tới trường. Cuối cùng có lần nó còn đánh bóng quả bầu dưới ngăn bàn trong giờ học. Thầy giáo bắt được. Hôm đó là giờ đạo đức, ông càng giận điên lên.
Thầy giáo vốn người xứ khác nên không hiểu nổi dân vùng này thích một thứ như quả bầu đến thế. Là người hâm mộ đức tính samurai, ông đi nghe Kumoemon trình diễn ba lần trong bốn ngày liền tại một rạp hát nhỏ ở khu đèn đỏ mà thông thường chỉ đi ngang ông cũng sợ. Dù ông không bực lắm với mấy bài hát bọn học trò chế ra để ghẹo ông trên sân chơi, nhưng ông giận run lên với quả bầu của Seibei. Ông bảo nó:
- Mày là đứa hoàn toàn không có tương lai.
Quả bầu mà Seibei yêu mến chăm chút bị tịch thu tại chỗ. Seibei thậm chí không khóc nổi.
Lúc về đến nhà, mặt nó xanh mét, nó choáng váng ngồi xuống mép lò sưỡi trũng. Đúng lúc đó, thầy giáo mang gói sách giáo khoa đến gặp cha Seibei. Ông đi làm không có nhà.
- Tôi phải nhờ bà tính với thứ này...
Ông nói như mắng mẹ Seibei. Bà mẹ co rúm vì xấu hổ.
Seibei bỗng sợ tính nghiêm khắc của thầy giáo. Môi nó run, nó thu người trong góc phòng. Trên cột nhà, ngay sau lưng thầy giáo, treo nhiều quả bầu đã làm xong. Nó nghĩ: “Ổng có thấy không, ổng thấy không”, Seibei hốt hoảng.
Sau khi nghiêm khắc trách bà mẹ, cuối cùng thầy giáo bỏ đi, không để ý thấy những quả bầu. Seibei thở nhẹ nhõm. Mẹ nó bật khóc và bắt đầu quở mắng một tràng.
Lát sau, cha Seibei từ công trường xây dựng về. Nghe chuyện xảy ra, ông bất ngờ túm Seibei đang ngồi tránh một bên mà đánh nó. Seibei cũng bị mắng:
- Mày không có tương lai, đồ hỗn.
- Đồ ngốc như mày cút đi.
Bất chợt thấy mấy quả bầu trên cột nhà, cha Seibei lấy cây búa tạ đập nát từng quả. Seibei chỉ tái xanh, im lặng.
Thầy giáo xem quả bầu ông tịch thu của Seibei là đồ dơ bẩn, mang cho bác lao công của trường để vứt đi. Bác lao công mang về treo lên cột trong căn phòng nhỏ bám bồ hóng.
Độ hai tháng sau, bác lao công túng tiền có ý bán quả bầu cho bất cứ ai muốn mua. Bác mang tới cho ông bán đồ cổ trong xóm xem.
Ông bán hàng nheo mắt nhìn chăm chú. Thình lình mặt lạnh như tiền, ông đẩy phắt nó lại cho bác lao công.
- Tôi trả ông năm yen.
Bác lao công lặng người. Nhưng bác là một tay khôn ngoan. Mặt không lộ cảm xúc, bác đáp:
- Tôi không thể bán giá thấp như thế.
Người bán hàng lập tức tăng lên mười yen. Nhưng bác lao công vẫn từ chối.
Cuối cùng, người bán hàng xoay xở lắm mới mua được quả bầu với giá năm mươi yen. Bác lao công thầm thích chí vì vận may của mình, được thầy giáo cho không một món trị giá bốn tháng lương. Bác giữ bộ mặt ngây ngô đến cùng, không những với thầy giáo mà cả với Seibei. Vì thế không ai biết quả bầu đi đâu.
Nhưng ngay cả bác lao công cũng không thể ngờ rằng người buôn đồ cổ đã bán quả bầu cho một nhà sưu tập giàu có ở địa phương với giá năm trăm yen.
°
Seibei lúc này miệt mài vẽ. Nó không còn tức cả thầy giáo lẫn cha nó, người đã dùng búa đập nát hơn mười quả bầu yêu mến của nó.
Dù chẳng bao lâu sau, người cha lại mắng nó vì tội vẽ hình.
Phạm Văn dịch từ bản tiếng Anh: Seibei and His Gourds
 

Xem Tiếp: ----