Trong lịch sử nhân loại đã có một số học thuyết ra đời nhằm tạo ra cho con người những phương pháp luận và kim chỉ nam trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Trong số đó có những học thuyết nhanh chóng trở thành một hiện vật của lịch sử nhưng cũng có học thuyết đã có những tác động to lớn lâu dài đến lịch sử nhân loại. Và một bước ngoặt lớn trong lịch sử đòi hỏi phải có một nền tảng tư tưởng vững chắc để đưa nhân loại đến bến bờ hạnh phúc. Một học thuyết tiến bộ ra đời là sự kết hợp những tinh hoa văn hoá của nhân loại được soi rọi bằng ánh sáng của thời đại mới sẽ vạch ra con đường đi tới tương lai cho nhân loại. Nhưng ta có thể hình dung về nó như thế nào?
Tôi cho rằng một học thuyết bao gồm hai phần: Phần một là những quan niệm về thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy từ đó đề ra phương pháp luận cho việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Phần hai là với thế giới quan và nhân sinh quan ấy áp dụng phương pháp luận đó vào việc giải quyết các vấn đề củ thể của cuộc sống. Và một cái mới ra đời không phải bao giờ cũng dễ hiểu ngay với tất cả mọi người nhưng sẽ có một bộ phận tiên tiến trong xã hội hiểu và tiếp thu nó và từ những người đi tiên phong ấy những tư tưởng của học thuyết sẽ lan toả vào cuộc sống.
Theo tôi một học thuyết tiên tiến và cách mạng cần có những đặc điểm sau:
- Kế thừa được những tinh hoa của tri thức nhân loại
- Chứa đựng những quan điểm tiến bộ về các vấn đề cơ bản của cuộc sống
- Vạch ra được những quy luật phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy
- Mở ra những bước tiến mang tính cách mạng trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại
- Chứa đựng những hạt nhân mang giá trị vĩnh hằng đối với con người
Và điều quan trọng nhất là nó phải vạch ra được con đường tốt nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp trong đó con người được sống hạnh phúc và phát triển toàn diện.
Điều đầu tiên mà một học thuyết cần phải giải quyết là quan niệm của nó về thế giới, về con người. Như chúng ta đã biết toàn bộ thế giới mà chúng ta đang sống được bao gồm trong hai phạm trù triết học: vật chất và ý thức. Và vấn đề xuyên suốt trong lịch sử triết học là: vật chất và ý thức cái nào có trước cái nào có sau, vật chất quyết định ý thức hay ý thức quyết định vật chất. Nhưng chúng ta cũng biết rằng không thể định nghĩa được vật chất và ý thức dựa vào bản chất của nó mà chỉ có thể định nghĩa chúng thông qua mối tương quan với nhau. Người ta đã tìm ra các quy luật vận động của thế giới tự nhiên được diễn đạt bằng các phạm trù và ngôn ngữ triết học mà có giá trị nhất là các quy luật của chủ nghĩa duy vật biện chứng của triết học Mac. Đó là một thành tựu lớn của trí tuệ loài người. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng thế giới tự nhiên vận động vừa có tính quy luật vừa có tính ngẫu nhiên ( tất nhiên là sự ngẫu nhiên có tính quy luật) và chính những sự vận động ngẫu nhiên có tính quy luật đó đã làm cho quá trình nhận thức của con người là một quá trình tiệm cận chân lý. Lê Nin đã cho rằng có chân lý tuyệt đối nhưng con người không thể với tới được nó và cuộc sống của chúng ta là cuộc sống giữa các chân lý tương đối. Theo tôi chỉ khi nào con người nhận thức được quy luật của sự ngẫu nhiên thì lúc đó chân lý tuyệt đối sẽ tồn tại trong cuộc sống. Ý thức có thể chia theo các mức độ phát triển khác nhau từ những động vật cấp thấp cho đến con người và trong từng mức độ phát triển cũng có thể chia thành những tầng lớp khác nhau như ý thức của con người có thể chia thành vô thức, tư duy, tình cảm. Các tầng lớp đó có mối liên hệ chặt chẽ với nhau tạo thành đời sống tinh thần của con người.
Quan điểm duy vật cho rằng vật chất có trước ý thức và quyết định ý thức. Nếu theo quan niệm đó ta không thể giải thích được các quy luật của giới tự nhiên, ví dụ vì sao chu vi đường tròn lại bằng đường kính nhân với pi mà không phải là con số khác. Có thể là ở các hệ đếm khác nhau giá trị Pi sẽ khác nhau nhưng chỉ là một giá trị duy nhất. Vậy cái gì đã khiến giá trị đó trở thành Pi mới là điều đáng nói. Ngay cả ở một hành tinh nào khác có loài vật có trí khôn ( dù rằng cho đến bây giờ con người chưa biết đến một hành tinh nào như vậy) người ta chưa biết đến khái niệm đường tròn thì giá trị Pi vẫn tồn tai nằm ngoài nhận thức của con người trên hành tinh ấy cũng như trên thế giới của chúng ta trước khi loài người phát hiện ra số Pi thì chu vi đường tròn vẫn bằng đường kính nhân với Pi.
Nếu ta cho rằng ý thức có trước vật chất thì ta lại không thể hình dung ra được rằng thế giới này được hình thành như thế nào. Chính vì vậy chỉ có thể được giải thích bằng cách cho rằng vật chất và ý thức là hai bộ phận của một thể thống nhất ban đầu. Như vậy ý thức không chỉ tồn tại trong bộ não của con người hay các loài động vật mà nó còn tồn tại thông qua các vật mang khác có tính vật chất. Chân lý tương đối là phần ý thức tiềm ẩn trong bộ não con người còn chân lý tuyệt đối là sự kết hợp của chân lý tương đối với phần ý thức nằm ngoài bộ não người. Trong bộ não con người đã tiềm ẩn những hình ảnh tương đối về thế giới và mỗi con người đều có thể nhận thức ra các chân lý tương đối nếu biết đánh thức những phần ý thức tiềm ẩn trong bộ-não
Quá trình nhận thức của con người là sự kết hợp của phần hình ảnh thế giới được tiềm ẩn sẵn trong bộ não người với sự phản ảnh phần thế giới biến động xung quanh.
Con người nhận thức thế giới theo ba con đường:
- Theo những gì mà kinh nghiệm sống cho thấy
- Theo những gì mà phần hình ảnh thế giới tiềm ẩn trong bộ não cho thấy.
- Theo giác quan cảm nhận hay còn gọi là giác quan thứ sáu
Hay là sự kết hợp giữa ba con đường trên
Người ta nói mỗi người là một tiểu vũ trụ. Điều đó có lý. Trong mỗi người đều tiềm ẩn sẵn hình ảnh thế giới trong mình, tất nhiên là những hình ảnh tương đối. Và quá trình nhận thức chính là quá trình đánh thức những hình ảnh tiềm ẩn đó. Con người nhận thức thế giới thông qua nhận thức của người khác cộng với những gì tự mình khám phá thế giới. Mọi kiến thức khoa học hay xã hội mà con người thu nhận được đều mang tính tương đối. Mọi nhận thức của con người được giới hạn bởi phần ý thức tiềm ẩn sẵn trong con người nhưng không có nghĩa là có một tỉ lệ thuận giữa hai yếu tố đó. Phần ý thức tiềm ẩn được khơi dậy nhiều hay ít con phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan khác.
Thế giới vật chất luôn vận động và biến đổi nhưng có sự tương tác với ý thức mà trong đó ý thức con người là một bộ phận quan trọng. Sự liên hệ này là một quá trình rất phức tạp nhưng hoàn toàn có thể nhận thức được và ta có thể coi mọi phần tử vật chất đều có chứa một phần ý thức trong mình. Nó hoạt động vừa có tính quy luật vừa có tính ngẫu nhiên. Nếu ta làm chủ được quá trình ngẫu nhiên đó tức là ta làm chủ được vật chất và ta có thể lý giải được những bí ẩn của thế giới vật chất đồng thời làm sáng tỏ mối liên hệ giữa sự vận động của vật chất với ý thức con người. Điều đó là cơ sở cho ta nhận thức được những tình cảm phức tạp nhất của con người như tình yêu nước, lòng dũng cảm. tình yêu lứa đôi v.v. Và đó là cơ sở để giải phóng con người ra khỏi những vật cản ràng buộc sự phát triển của họ để hướng con người tới những tình cảm trong sáng và cao đẹp nhất đồng thời với việc đáp ứng đầy đủ những nhu cầu về vật chất
Người ta đã tìm ra các quy luật của thế giới tự nhiên để phục vụ cuộc sống con người nhưng chính bản thân con người lại là một đối tượng chưa được nghiên cứu kỹ. Đó chính là vì con người chưa tìm ra được các quy luật vận động của chính ý thức con người mà người ta mới chỉ dựa vào các kinh nghiệm được tích luỹ qua nhiều thế hệ cùng với một số nghiên cứu bước đầu về hoạt động của các tầng sâu ý thức. Và hiện tại người ta vẫn còn chưa giải thích được một cách rõ ràng về các tình cảm chủ yếu của con người: Tình yêu tổ quốc, tình ruột thịt, tình bạn, tình yêu lứa đôi, lòng dũng cảm v.v.
Có thể nói tình yêu tổ quốc là một trong những tình cảm cao đẹp nhất của con người và vì tổ quốc người ta có thể làm được những chuyện phi thường. Một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của lòng yêu nước là lòng dũng cảm sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Có thể nói hầu như bất kỳ quốc gia dân tộc nào tồn tại cho đến ngày nay đều đã trải qua những cuộc chiến tranh để giải phóng và bảo vệ tổ quốc. Và lòng dũng cảm được coi là một biểu hiện hàng đầu của lòng yêu nước. Những người sẵn sàng đổ máu vì tổ quốc được coi là những người anh hùng. Và bản thân tôi cũng luôn khâm phục những người sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc ít nhất là vì lòng dũng cảm của họ. Nhưng khát vọng hoà bình cũng là một trong những khát vọng lớn nhất của con người. Và hầu hết nếu không muốn nói là tất cả nhân loại đều mơ ước về một nền hoà bình lâu dài trên trái đất của chúng ta. Nếu điều đó xảy ra thì tổ quốc sẽ không cần ai phải hy sinh tính mạng vì mình và lòng yêu nước lại cần có những cách thể hiện khác.Và một nền hoà bình lâu dài theo tôi không thể thực hiện được bằng cách tiến hành những cuộc chiến tranh mà cần phải để khát vọng hoà bình chiến thắng được những nhu cầu giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trong lòng mỗi con người. Nếu chỉ có tuyên truyền về hoà bình hoàn toàn chưa đủ cho việc thực hiện mong ước đó. Chỉ có thể thực hiện được nó khi ta giải quyết được các món nợ của lịch sử và một điều kiện phát triển cho tất cả các dân tộc được mở ra. Tức là cần có một hệ tư tưởng tiến bộ có thể thâm nhập được vào nhân dân và biến thành lẽ sống của họ.
Có bạn cho rằng các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v. v. đã là những nước phát triển rất mạnh và ta chỉ cần đi theo con đường mà họ đã đi là đủ. Thực ra hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước có khác nhau và điều kiện lịch sử để thi hành các chính sách mà họ đã áp dụng đã thay đổi khá nhiều. Chúng ta lại là nước đi sau trong việc áp dụng các thành tựu tiên tiến vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nên không tránh khỏi bị những cái bóng của những người đi trước che khuất nên việc tìm cho mình một phương pháp luận tiên tiến sẽ giúp cho chúng ta có thể có một con đường hợp lý phù hợp với quy luật phát triển khách quan của xã hội, hơn nữa còn phù hợp với ngay cả những quy luật còn chưa phát huy tác dụng hoàn toàn trong thời gian hiện tại.
Hơn nữa chúng ta cũng biết rằng muốn xây dựng một thế giới hoà bình và con người được sống trong hạnh phúc lâu dài thì điều kiện cần thiết là nhân loại phải có những giá trị chung để có thể điều chỉnh hành vi con người theo một định hướng khoa học giúp cho cái thiện luôn chiến thắng cái ác hay nói theo kiểu duy vật biện chứng là có phương tiện để giải quyết các mâu thuẫn đối kháng và điều hoà các mâu thuẫn không đối kháng.
Quá trình nhận thức của con người về thế giới diễn ra thông các hoạt động nhận thức của các giác quan nhưng không phải chỉ thông qua giác quan mà còn là sự khơi dậy các hình ảnh thế giới được tiếm ẩn trong bộ não con người. Điều này giải thích cho tính sáng tạo và trí tuởng tuởng của họ. Như vậy thế giới vật chất xung quanh chúng ta không quyết định hoàn toàn thế giới tinh thần của con người. Sự hình thành đời sống tinh thần còn phụ thuộc vào chính quá trình phát triển nội tại của ý thức con người với các quy luật của nó.
Thế giới tình cảm của con người được xây dựng trên sự kết hợp của quá trình nhận thức thế giới theo sự tương tác giữa các đối tuợng với quá trình con người tự nhận thức về giá trị bản thân mình theo xu hướng tiến tới một trạng thái cân bằng giữa cho và nhận. Trong tình cảm cũng thể hiện cả tư duy con người và các yếu tố đó kết hợp lại cho ta nhận thức về các trạng thái tình cảm của con người
Câu hỏi: Vũ trụ này khởi nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu là một câu hỏi lớn mà con người còn chưa có câu trả lời đầy đủ.Nếu theo quan niệm vật chất và ý thức là hai mặt của một thể thống nhất ban đầu và kết hợp với những nghiên cứu khoa học tiến tiến nhất ta có thể thấy rằng sự tồn tại của vũ trụ này là một quá trình biến đổi từ một thể vật chât-ý thức ban đầu bị chính năng lượng của mình phá vỡ trạng thái cân bằng và giải phóng ra các dạng tồn tại khác nhau của vật chất và ý thức cùng với sự hình thành khái niệm thời gian. Vật chất trải qua quá trình tiến hoá lâu dài và dần dần đi vào thế ổn định tương đối trong từng bộ phận trong khi các phần khác của vũ trụ vẫn diễn ra quá trình giải phóng năng lượng và quá trình này diễn ra theo sự quy định của ý thức tiềm ẩn sẵn trong cấu trúc vật chất khởi nguồn của phần vật chất đó. Khái niệm không gian và thời gian chỉ tồn tại trong các môi trường không đồng nhất còn trong các môi trường đồng nhất tuyệt đối hay có mật độ vật chất cực lớn khái niệm thời gian bị suy giảm dần về không
Thể vật chất-ý thức đó khi chưa giải phóng năng lượng có mật độ vô cùng lớn và hầu như không tồn tại khái niệm không gian và thời gian. Nhưng ta cũng cần biết rằng để chứa đựng được lượng vật chất vô cùng lớn khi thể vật chất - ý thức đó được giải phóng cần phải có một vật chứa cũng vô cùng lớn tương xứng. Vậy vật đó là gì? và giới hạn của nó ra sao. Có hay không tồn tại nhiều thể vật chất-ý thức như vậy để ta có thể cho rằng có nhiều vũ trụ cùng tồn tại với vũ trụ của chúng ta và khỏang giao thoa giữa các vũ trụ đó là cái gì. Như vậy nếu tồn tại nhiều thể vật chất- ý thức thì sẽ có các vũ trụ cùng tồn tại song song với các quy luật vật chất - ý thức khác nhau và khoảng giao thoa giữa các vũ trụ đó sẽ có một sự tổ hợp tổng hoà giữa các quy luật của các vũ trụ thành phần.
Vật chất và ý thức có mối liên hệ chặt chẽ và ngay trong vật chất cũng phân chia thành các loại khác nhau tuỳ theo việc chúng chứa đựng cấp độ khác nhau của ý thức. Ví dụ bộ não con người là một dạng phát triển cao của vật chất chính vì nó chứa đựng phần ý thức phát triển cao. Ý thức muốn tồn tại cần những vật mang có tính vật chất và nó có thể lan truyền giữa các vật mang vật chất đó. Ngay trong lòng các ngôi sao như mặt trời cũng tồn tại ý thức và nó quyết định các quy luật vận động của vật chất trong lòng mặt trời. Ngay cả khi các ngôi sao đã tắt thì ý thức tồn tại trong đó trước nó cũng được lan toả trong vũ trụ và có tác động đến các vật thể mà nó gặp phải. Như vậy con người sống trên trái đất cũng chịu ảnh hưởng của những ý thức lan toả ấy. Đó chính là lý do người xưa hay gắn cho số phận con người với những ngôi sao một cách vô thức.
Vật chất và ý thức luôn có hai xu hướng trái ngược nhau: tách rời và hợp nhất. Hai xu hướng này luôn ở trạng thái cân bằng động. Tuy nhiên ta cũng thấy rằng ý thức có thể tồn tại chủ yếu cùng với các vật mang có tính vật chất còn ý thức phát triển cao ( siêu ý thức ) có thể tồn tại độc lập một mình nhưng hình thức vận động của nó là phải chuyển vào các vật mang vật chất mới phát huy được tác dụng tức là làm biến đổi thế giới vật chất.
Ta có thể tìm thấy một dạng của siêu ý thức được thể hiện ra trong các ý tưởng, phát minh của các nhà bác học lớn và ngay cả của những tên phát xít như Hít Le. Bản thân siêu ý thức sẽ có tác động lớn đến lịch sử nhân loại nhưng tác động theo chiều hướng nào còn phụ thuộc vào định hướng của đạo đức và hoàn cảnh lịch sử khách quan.Chính vì vậy người ta thường nói "cần có cả tài năng và đạo đức".
Trí thông minh được coi như là động lực còn đạo đức có tác dụng định hướng để trí thông minh ấy mang lại lợi ích cho xã hội. Khái niệm đạo đức được hiểu như một tập hợp các quan niệm về thế giới và con người được coi là chuẩn mực. Có hai khái niệm quan trọng liên quan đến đạo đức là lương tâm và các chuẩn mực đạo đức.
Lương tâm có thể được coi là những tiêu chuẩn về hành vi và suy nghĩ mang tính chuẩn mực được con người cho là đúng đắn dùng để so sánh với các hành vi và suy nghĩ hàng ngày của con người có tác dụng điều chỉnh các suy ngĩ và hành vi ấy. Lương tâm được hình thành trong quá trình con người nhận thưc thế giới và chịu rất nhiều ảnh hưởng của giáo dục. Nhưng bên cạnh đó còn có những yếu tố cơ sở vốn có trong mỗi người để cấu thành nên khái niệm lương tâm. Đó là khát vọng hạnh phúc mang tính thiên bẩm của con người. Thực ra tự vấn lương tâm cũng là để thoả mãn những nhu cầu của con người về mặt tinh thần.
Các chuẩn mực đạo đức có thể được coi là những cái đích mà con người cần hướng tới trong các suy nghĩ và hành vi hàng ngày. Các chuẩn mực đạo đức vừa mang tính phổ biến vừa mang tính riêng lẻ. Các chuẩn mực đạo đức phổ biến được hình thành chủ yếu trong quá trình giáo dục của xã hội, nhà trường, gia đình đối với cá nhân còn các chuẩn mực đạo đức mang tính riêng lẻ chủ yếu hình thành trong quá trình nhận thức thế giới của cá nhân ấy.
Cơ sở của đạo đức là lợi ích, bao gồm cả lợi ích về vật chất và lợi ích về tinh thần cũng như sự tương tác giữa lợi ích của các nhân và lợi ích tập thể. Đạo đức có tác dụng như một nhân tố quan trọng điều chỉnh hành vi,tư duy và tình cảm của con người. Đạo đức đích thực là sự cân bằng giữa lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần cũng như giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Như vậy đạo đức chỉ có giá trị khi nó làm tăng giá trị đích thực của cá nhân hay góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Người có tư duy thông minh mà không có quan niệm đạo đức đúng đắn sẽ có nhiều nguy cơ làm hại đến xã hội hoặc cản trở sự phát triển của xã hội. Người thông minh và có quan niệm đạo đức đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy việc xây dựng quan niệm đúng đắn về đạo đức cũng quan trọng không kém việc phát triển trí thông minh của con người.

Xem Tiếp: ----