Phần I
Chương I - Được kết nối bởi các dây(1)
Có đúng là Vũ trụ, ở mức cơ bản nhất của nó, đã được phân chia một cách rạch ròi: có một tập hợp những định luật dùng để mô tả những hiện tượng ở thang nhỏ và một tập hợp các định luật khác, không tương thích với tập thứ nhất, dùng để mô tả các hiện tượng ở thang rất lớn?

Nói rằng người ta cố tình ỉm đi thì kể cũng hơi quá đáng. Nhưng từ hơn một nửa thế kỷ nay, thậm chí ngay cả khi dấn thân vào một trong số những cuộc phiêu lưu khoa học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, các nhà vật lý cũng cố lờ đi các đám mây đen mà họ đã nhìn thấy lấp ló ở phía chân trời. Nguyên do là thế này: vật lý hiện đại dựa trên hai trụ cột. Một là lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein mô tả tự nhiên ở thang lớn nhất, thang của các sao, các thiên hà và thậm chí của toàn Vũ trụ. Và hai là lý thuyết lượng tử mô tả tự nhiên ở thang nhỏ nhất, thang của các phân tử, nguyên tử và các thành phần sơ cấp của vật chất, chẳng hạn như các quark và các electron. Những tiên đoán của cả hai lý thuyết đều được khẳng định hùng hồn bởi rất nhiều thực nghiệm với một độ chính xác không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, chính hai công cụ lý thuyết này lại không tránh khỏi dẫn tới một kết luận đáng lo ngại: theo như cách chúng được trình bày hiện nay thì thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử không thể cả hai đều đúng được. Hai lý thuyết đặt cơ sở cho sự tiến bộ vĩ đại của vật lý trong suốt một trăm năm trở lại đây lại không tương thích với nhau.
Nếu trước đây bạn chưa bao giờ được nghe nói tới sự đối kháng gay gắt đó thì chắc chắn bạn sẽ thấy rất ngạc nhiên. Nhưng điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu cả: thường thì trừ những tình huống cực đoan nhất, còn thì các nhà vật lý hoặc là chỉ nghiên cứu những hệ rất nhỏ và rất nhẹ (các nguyên tử hoặc các thành phần cấu tạo nên nó) hoặc là các hệ cực lớn và cực nặng (như các sao và các thiên hà), nhưng chưa bao giờ nghiên cứu đồng thời cả hai loại hệ đó. Điều này có nghĩa là, các nhà vật lý hoặc chỉ cần dùng cơ học lượng tử hoặc chỉ dùng thuyết tương đối rộng. Và như vậy, trong suốt năm mươi năm nay, họ cứ hài lòng như vậy trong cảnh bình an chẳng khác gì kẻ điếc không sợ súng.
Khốn nỗi, tự nhiên cũng rất có thể là “cực đoan”. Trong sâu thẳm ở trung tâm của một lỗ đen, có một khối lượng rất lớn được giam trong một thể tích cực nhỏ. Hoặc ở thời điểm Big Bang, toàn bộ Vũ trụ được phun ra từ một điểm nhỏ tới mức mà ở bên cạnh nó một hạt cát cũng trở nên khổng lồ. Những hiện tượng này vừa có khối lượng cực lớn vừa có kích thước cực nhỏ, nên cần phải có cả thuyết tương đối rộng lẫn cơ học lượng tử mới mô tả được. Vì những lý do mà rồi dần dần chúng ta sẽ biết: khi kết hợp các phương trình của thuyết tương đối rộng với các phương trình của cơ học lượng tử, lý thuyết sẽ bắt đầu lọc xọc và phun khói mù mịt như một cỗ xe đã hết hơi. Nói một cách khác, trong cuộc hôn phối bất hạnh của hai lý thuyết đó, những bài toán vật lý được đặt một cách nghiêm chỉnh lại cho những câu trả lời vô nghĩa. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta sẵn sàng chấp nhận để mặc cho những chuyện bên trong lỗ đen và sự sáng tạo ra Vũ trụ vẫn nằm trong vòng bí mật đi nữa thì chúng ta không thể không cảm thấy rằng sự đối địch giữa thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử đang đòi hỏi khẩn thiết phải có một trình độ hiểu biết sâu sắc hơn. Liệu có đúng là Vũ trụ, ở mức cơ bản nhất của nó, đã được phân chia một cách rạch ròi: có một tập hợp những định luật dùng để mô tả những hiện tượng ở thang nhỏ và một tập hợp các định luật khác, không tương thích với tập thứ nhất, dùng để mô tả các hiện tượng ở thang rất lớn?
Lý thuyết siêu dây, một kẻ ngổ ngáo trẻ tuổi so với các bậc lão làng là thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử, đã kiêu hãnh trả lời phủ định câu hỏi ở trên. Những nghiên cứu ráo riết hơn một chục năm qua của các nhà vật lý và toán học trên khắp thế giới đã cho thấy rằng lý thuyết mới này, lý thuyết mô tả vật chất ở mức cơ bản nhất của nó, đã giải tỏa được sự căng thẳng giữa lý thuyết lượng tử và lý thuyết tương đối rộng. Thực tế, lý thuyết siêu dây còn cho thấy hơn thế: trong khuôn khổ của lý thuyết mới, hai lý thuyết này còn trở nên cần thiết cho nhau để làm cho lý thuyết mới có nghĩa. Theo lý thuyết siêu dây thì cuộc hôn phối giữa hai lý thuyết đó không những chỉ là hạnh phúc mà còn không thể tránh được.
Đó mới chỉ là một phần của tin tức tốt lành. Lý thuyết siêu dây – mà sau này để ngắn gọn ta gọi là lý thuyết dây – còn xem sự kết hợp này là một bước tiến khổng lồ. Trong suốt ba chục năm ròng, Einstein đã tìm kiếm một lý thuyết thống nhất của vật lý, một lý thuyết có khả năng đan bện tất cả các lực của tự nhiên và tất cả các thành phần tạo nên vật chất trong một tấm thảm lý thuyết duy nhất. Nhưng ông đã thất bại. Giờ đây, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, những chuyên gia của lý thuyết siêu dây tuyên bố rằng những đầu mối của tấm thảm thống nhất khó nắm bắt này cuối cùng đã được hé lộ. Lý thuyết dây có khả năng chứng tỏ rằng tất cả những điều kỳ diệu của Vũ trụ đều xuất phát từ một nguyên lý vật lý duy nhất, từ một phương trình cơ bản duy nhất, từ vũ điệu cuồng loạn của hạt quark trong nguyên tử tới điệu van nhịp nhàng của các hệ sao đôi, từ vụ nổ nguyên tử (Big Bang) tới vòng xoáy tuyệt đẹp của các thiên hà...
Nhưng tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi một cách căn bản quan niệm của chúng ta về không gian, thời gian và vật chất, vì vậy phải có thời gian để quen dần, thấm dần tới mức ta cảm thấy thật thoải mái. Như chúng ta sẽ thấy, khi được nhìn nhận trong bối cảnh riêng của nó, lý thuyết dây xuất hiện như một hệ quả tự nhiên và đầy kịch tính của những phát minh có tính cách mạng của vật lý học trong suốt một trăm năm qua. Thực tế, sự xung đột giữa thuyết tương đối rộng và lý thuyết lượng tử không phải là cuộc xung đột đầu tiên mà là thứ ba trong dãy những xung đột có tính chất bước ngoặt trong một thế kỷ qua. Cứ mỗi lần một cuộc xung đột được giải quyết là một lần sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên lại có những biến đổi đáng ngạc nhiên.
Ba cuộc xung đột
Cuộc xung đột đầu tiên khởi nguồn từ cuối những năm 1800, liên quan tới một số tính chất lạ lùng của ánh sáng. Nói một cách vắn tắt, theo các định luật về chuyển động của Newton, nếu chạy thật nhanh thì ta nhất định sẽ đuổi kịp tia sáng. Tuy nhiên, theo những định luật điện từ của Maxwell, thì điều đó là không thể. Như chúng ta sẽ thấy ở Chương 2, Einstein đã giải quyết được xung đột đó thông qua thuyết tương đối hẹp của ông, một lý thuyết đã làm đảo lộn những quan niệm của chúng ta về không gian và thời gian. Theo thuyết tương đối hẹp, không gian và thời gian không phải là những khái niệm tuyệt đối như trước: chúng không được mọi người tiếp nhận theo cách như nhau mà tuỳ thuộc vào trạng thái chuyển động của mỗi người.
Sự phát triển của thuyết tương đối hẹp ngay lập tức đã gây ra cuộc xung đột thứ hai. Thực vậy, một trong số những kết luận trong công trình của Einstein nói rằng không có một vật nào, cũng như không có một thông tin hay một ảnh hưởng nào có thể truyền đi nhanh hơn ánh sáng. Nhưng ở Chương 3, lý thuyết hấp dẫn của Newton, một lý thuyết rất hợp với trực giác và đã được thực nghiệm kiểm chứng nhiều lần, lại xem rằng những ảnh hưởng của lực hấp dẫn đã được truyền đi một cách tức thời, ngay cả khi truyền trên những khoảng cách khổng lồ. Và lại một lần nữa, Einstein đã giải quyết được xung đột này bằng cách đưa ra một cách mô tả mới về hấp dẫn, đó là thuyết tương đối rộng được công bố năm 1915. Cũng như thuyết tương đối hẹp, lý thuyết mới này cũng làm đảo lộn những quan niệm của chúng ta về không gian và thời gian: chúng giờ đây bị cong và bị xoắn đi để đáp ứng lại sự hiện diện của vật chất hoặc năng lượng. Và chính những biến dạng này của cấu trúc không-thời gian đã truyền lực hấp dẫn từ nơi này đến nơi khác. Không gian và thời gian, do đó, không còn được xem như một màn ảnh đơn giản và trơ mà các hiện tượng tự nhiên được chiếu lên: giờ đây chúng còn là một phần không tách rời của chính các hiện tượng mà vật lý học tìm cách mô tả.
Lại một lần nữa, sự phát minh ra thuyết tương đối rộng, trong khi giải quyết được một xung đột, lại dẫn tới một xung đột khác. Từ đầu thế kỷ XX cho tới tận những năm 30, các nhà vật lý đã xây dựng lý thuyết lượng tử (xem Chương 4) để trả lời một loạt những vấn đề nóng bỏng được đặt ra ngay khi người ta định dùng vật lý của thế kỷ XIX để mô tả thế giới vi mô. Và chính ở đây, như đã nói ở trên, đã ra đời cuộc xung đột thứ ba, cũng là cuộc xung đột sâu sắc nhất, xuất hiện từ sự không tương thích giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng. Như chúng ta sẽ thấy trong Chương 5, độ cong trơn tru của không-thời gian mà thuyết tương đối rộng ban cho lại hoàn toàn không phù hợp với sự sôi động điên cuồng mà lý thuyết lượng tử gán cho thế giới vi mô. Do mãi tới giữa những năm 1980, lượng tử dây mới đưa được ra một giải pháp, nên cuộc xung đột này được gọi rất đúng là bài toán trung tâm của vật lý hiện đại. Hơn thế nữa, là hậu duệ của thuyết tương đối hẹp và rộng, lý thuyết dây cũng đòi hỏi phải xem xét lại những quan niệm về không gian và thời gian theo cách riêng của nó. Chẳng hạn, phần lớn chúng ta đều tin rằng thế giới của chúng ta đang sống có ba chiều không gian. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với lý thuyết dây bởi lẽ lý thuyết này tiên đoán rằng ngoài những chiều mà chúng ta có thể nhìn thấy được còn có những chiều khác không nhìn thấy bị cuộn chặt lại trong những chi tiết nhỏ nhất của cấu trúc không gian. Những điều mới mẻ đầy ấn tượng đó sẽ là sợi dây dẫn đường cho chúng ta trong các bước tiếp sau. Và thực tế, lý thuyết dây là phần tiếp nối của lịch sử về không-thời gian bắt đầu từ Einstein.
Để có một ý niệm chính xác về lý thuyết dây, chúng ta hãy tạm lùi lại một bước để mô tả vắn tắt những điều mà chúng ta đã biết được trong suốt thế kỷ trước về cấu trúc vi mô của Vũ trụ

Truyện Giai điệu giây và bản giao hưởng vũ trụ Lời giới thiệu Chương I - Được kết nối bởi các dây(1) Chương I - Được kết nối bởi các day(2) Chương I - Được kết nối bởi các day(3) Chương 2 - Không gian, thời gian và người quan sát(1) Chương 2 - Không gian, thời gian và người quan sát(2) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(1) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(2) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(3) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(4) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(5) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(6) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(7) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(8) Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(9) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(1) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(2) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(3) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(4) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(5) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(6) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(7) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(8) Chương 4 - Những điều kỳ lạ trong thế giới vi mô(9) Chương 5 - (1) Chương 5 - (2) Chương 5 - (3) Chương 5 - (4) Chương 5 - (5) Chương 5 - (6) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(1) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(2) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(3) Chương 6 Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(5) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(6) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(7) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(8) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(9) Chương 6: Không có gì khác ngoài âm nhạc - những cơ sở của lý thuyết siêu dây(10) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(1) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(2) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(3) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(4) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(5) Chương 7 - Cái "siêu" trong siêu dây(6) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(1) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(2) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(3) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(4) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(5) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(6) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(7) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(8) Chương 8 - Các chiều ẩn giấu(9) Chương 9 - 1 Chương 9 - 2 Chương 9 - 3 Chương 9 - 4 Chương 9 - 5 Chương 9 - 6 Chương 9 - 7 Chương 9 - 8 Chương 10 - Hình học lượng tử (1) Chương 10 - Hình học lượng tử (2) Chương 10 - Hình học lượng tử (3) Chương 10 - Hình học lượng tử (4) Chương 10 - Hình học lượng tử (5) Chương 10 - Hình học lượng tử (6) Chương 10 - Hình học lượng tử (7) Chương 10 - Hình học lượng tử (8) Chương 10 - Hình học lượng tử (9) Chương 10 - Hình học lượng tử (10) Chương 10 - Hình học lượng tử (11) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (1) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (2) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (3) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (4) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (5) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (6) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (7) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (8) Chương 11 - Sự xé rách cấu trúc của không gian (9) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (1) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (2) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (3) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (4) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (5) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (6) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (7) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (8) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (9) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (10) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (11) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (12) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (13) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (14) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (15) Chương 12 Cuộc tìm kiếm lý thuyết - m (16) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (1) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (2) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (3) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (4) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (5) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (6) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (7) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (8) Chương 13 - Các lỗ đen theo quan điểm của lý thuyết dây - lý thuyết - M (9) Chương 15 - Triển vọng Chương 15 - Triển vọng (1) Chương 15 - Triển vọng (2) Chương 15 - Triển vọng (3) Chương 15 - Triển vọng (4) Chương 15 - Triển vọng (5) Chương 15 - Triển vọng (6) Hết