Đã nhiều lần Hà nhấm nhứ chuẩn bị đi Huế thì lại có công tác đột xuất, đành phải gác lại. Công việc cuốn hút cô. Nhưng mỗi ngày trở về nhà Hà cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Hà đã không thể quên được anh. Và nỗi khát khao được trở lại nơi cô đã có anh và mất anh vĩnh viễn luôn thường trực, bao lần làm Hà day dứt.

Qua khỏi mấy đường hầm đèo Hải Vân, Hà thấy xao xuyến lạ. Cô chợt nhận ra Huế từ đợt mưa xuân ẩm ướt ngoài trời, từ lời mời chào dịu ngọt đến nao lòng của cô gái bán bánh bột lọc. Tàu đến Truồi thì trời vừa hửng sáng. Sớm mai ở làng quê Huế tinh khiết và trong lành quá. Con tàu vẫn lao nhanh về phía trước. Bất giác, Hà nhận ra con đường đi về phía Lộc An, một thoáng thôi nhưng cũng đủ làm cô bần thần.
Hồi còn là sinh viên khoa văn năm thứ ba, Hà cùng một nhóm bạn được phân về Lộc An kiến tập trong một tháng để sưu tầm văn học dân gian. Hà không ngờ một làng quê hẻo lánh như Lộc An lại có vốn văn học dân gian phong phú và dồi dào đến thế. Càng đi, bọn Hà càng cảm thấy thú vị khi tự mình khám phá bao điều mới lạ, nguyên sơ và cũng rất nhân bản của vùng đất và con người nơi đây.
Kết quả của chuyến kiến tập ấy Hà đạt loại xuất sắc. Hàng nghìn đơn vị ca dao, hò vè... mà cô cùng các bạn sưu tầm đã được ban chủ nhiệm khoa đánh giá rất cao. Cũng từ chuyến đi ấy, Hà nghĩ sau này nhất định mình sẽ chọn nghề báo. Chỉ có nghề báo cô mới được thỏa sức khám phá, tìm tòi và trải nghiệm cuộc sống theo cách của mình.
Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, Hà đi vào thế giới hội họa để tự trấn an sự yếu đuối của mình, và vẽ bằng tất cả khát khao được nói lên những điều thầm kín không thể diễn đạt bằng lời. Nơi đó, cô được sống trọn vẹn với nỗi buồn hiện hữu và những hạnh phúc tình cờ bất chợt, mong được giãi bày, sẻ chia... Hà vốn có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Tranh của Hà toàn vẽ về biển cả. Biển là nỗi đau, là hạnh phúc, là tình yêu của anh luôn vẫy gọi Hà. Trước biển Hà luôn cảm thấy mình bất lực. Nhưng cũng chỉ có biển và anh mới cho Hà tình yêu sống và vẽ.
Khi Quang ngỏ lời yêu Hà, cô không nhận lời nhưng cũng chẳng từ chối. Hà chỉ kể cho Quang nghe câu chuyện tình yêu của cô và anh. Nghe xong, Quang đã lặng người đi một lúc rồi nói: “Em đã làm cho anh cảm thấy ghen với người con trai ấy rồi đấy. Nhưng anh yêu em. Và anh sẽ chờ. Em sẽ không bắt anh phải chờ lâu đấy chứ?”. Quang là vậy, lặng lẽ yêu, lặng lẽ chăm sóc Hà. Và cô thầm biết ơn anh vì điều đó.
Khi nghe Hà nói là có chuyến công tác ở Huế, Quang đã chuẩn bị cho Hà từ lọ dầu đến cái khăn quàng cổ, dặn dò cô đủ thứ. Xong, anh giả giọng Huế: “Ngoài nớ bây chừ lạnh lắm. Bé nhớ giữ gìn sức khỏe”. Chỉ đến khi đưa Hà lên tàu, Quang đã nắm tay Hà thật chặt và bảo: “Anh hi vọng sau chuyến đi này em sẽ thanh thản hơn và mau trở về với anh. Anh rất mong điều đó”. Tàu rời ga. Bóng Quang dần khuất Hà mới thấy mình thật ích kỷ. Vô tình, Hà đã bắt anh đợi, mà Hà thì vẫn chưa xác định được lòng mình hướng về đâu.
Tiếng phanh “két” khiến Hà sực tỉnh. Tàu đã vào ga Huế rồi đấy. Hà lấy hành lý rồi xuống sân ga. Cô ngơ ngác nhìn xung quanh như tìm ai. Ngày xưa, mỗi lần về quê ăn tết xong trở lại Huế, tàu vào ga cô đã thấy anh đợi ở phía dưới:
- Này cô bé, đi xe ôm không?
Hà phì cười. Anh đỡ lấy hành lý từ tay Hà, rồi đưa tay bẹo vào má cô, bảo:
- Mấy ngày không gặp, trông em lớn và xinh ra phết!
- Đừng có mà chọc quê em. Em đói bụng lắm rồi đây này.
Và lần nào cũng vậy, anh chở Hà ghé vào một góc quán bún bò trên đường Lý Thường Kiệt, gọi cho Hà và ngồi ngắm cô ăn.
- Anh không ăn sao?
- Chỉ nhìn em anh cũng đã cảm thấy no lắm rồi!
- Anh chỉ được cái nói xạo!
Hà nói rồi nhéo cho anh một cái rõ đau vào hông.
- Đi xích lô không cô?
Hà giật mình, bối rối:
- Dạ, bác cho cháu về ký túc xá... à không, về khách sạn Hương Giang ạ.
Hai ngày hội thảo đã làm cho đầu óc Hà căng ra. Cô phải tìm hiểu về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, chức năng của báo chí đối với trẻ em... Sau đó, mỗi người trình bày những vấn đề bức xúc của trẻ em tại địa phương mình công tác. Hà phải chuẩn bị cho bản tham luận nên không còn thời gian đi thăm lại ký túc xá, thầy cô và bạn bè nữa.
Cho đến buổi chiều cuối cùng, khi hội thảo kết thúc, Hà cảm thấy nhức đầu. Cô quyết định không dự liên hoan chia tay để đi dạo một vòng quanh Huế. Hà thả bộ qua cầu Tràng Tiền, đi về phía Thành nội. Có chút gì êm ả trong lòng. Cô lắng nghe nhịp bước chân mình men theo cổ thành. Những con đường ở Huế đều nhỏ. Hà chợt nghĩ mỗi con đường sinh ra để đưa người ta đến những nơi cần đến. Và mỗi con người, sang hèn thế nào, cũng cần một con đường để tìm về bản ngã của chính mình.
Ngày trước, chủ nhật nào anh cũng chở Hà vòng vèo khắp Huế. Anh bảo: “Em học văn, nên đi nhiều để trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống chính là tư liệu dồi dào nhất để em có những cảm xúc thật nhất từ trái tim mình mà viết, em ạ”. Anh thường đưa Hà vào khu hàng ăn chỉ họp buổi tối trong Thành nội, ăn thứ bánh canh cay xè của Huế. Mỗi quán ăn hai, ba ngọn đèn dầu. Anh nói rằng mỗi lần đến đây, trên nền sừng sững của tường thành tối sẫm trong trời đêm, những ngọn đèn dầu đỏ quạch, thông phong ám khói gợi nhớ về cái chợ âm dương huyền ảo, nơi người đã khuất, kẻ đang sống tỏ tường mặt nhau.
Hà cười: “Anh nói nghe mà khiếp”. Anh nheo mắt nhìn Hà: “Chứ không phải à? Ấy là nghĩ ngợi lung tung, chứ vị cay nồng, thơm đến ngọt lừ của tô bánh canh đang bốc khói này là rất thực. Đây không phải là nơi để những kẻ giàu sang tìm lấy cho mình sự thừa mứa. Em thấy đấy, chỉ cần 1.000 đồng thôi là em có ngay một tô bánh canh ngọt ngào rất giản dị, vốn là căn cốt của đời sống nơi đây”. Hà bỗng cảm thấy mình nhỏ bé trước anh rất nhiều. Và cô thấy hạnh phúc vì đã có anh.
Anh thường kể cho Hà nghe về mẹ. Nhà anh ở ngay bên cạnh con sông La. Mùa hè, nước sông trong và xanh lắm. Anh cùng lũ bạn thi nhau bơi qua bên kia sông rồi bơi về. Anh bơi chẳng biết mệt. Mẹ bảo anh là con rái cá. “Còn bố?” - Hà hỏi anh. “Ý niệm của anh về bố chỉ qua lời kể của mẹ. Anh yêu bố bằng tình yêu của mẹ và ngược lại”. Chiến tranh kết thúc. Những ai có thể trở về thì đã về. Riêng bố thì không. Mẹ khóc và chờ bố đến bạc tóc. Chỉ đến khi nhận được giấy báo tử và những di vật của bố do một người bạn cùng đơn vị mang về, mẹ mới tin là bố sẽ không bao giờ về nữa. Nỗi đau không hóa đá được thì phải sống. Sống cho xứng với người đã khuất. Mẹ anh là vậy.
Từ đó, tất cả tình yêu của mẹ dồn hết cho anh. Cũng từ đó, anh biết lớn lên mình sẽ theo nghiệp bố. Hết cấp III, anh thi đỗ vào Trường Sĩ quan lục quân 2 với số điểm cao. Học xong, anh được phân về bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế. Anh day dứt vì đã không gần kề, chăm sóc mẹ khi tuổi đã già. Nhưng mẹ lại bảo: “Con đừng lo, mẹ còn có bà con làng xóm. Mẹ chỉ mong con sống xứng đáng như bố đã sống. Có như vậy, mẹ mới hạnh phúc”. Nghe anh kể, Hà mong được gặp mẹ vô cùng và đã nói điều đó với anh. Anh bảo: “Mẹ sẽ vui lắm, nhất là có được cô con dâu xinh và ngoan hiền như em”.
Nhưng anh chưa kịp đưa Hà về thăm mẹ thì cơn đại hồng thủy đã nhấn chìm Huế trong biển nước. Lũ về quá bất ngờ. Buổi sáng hôm ấy, Hà cùng cả phòng ngủ dậy thì đã thấy mưa như trút nước ầng ậc từ trên trời xuống. Khoảng sân ký túc xá ngập nước. Cũng chưa ai nghĩ đến lũ vì Huế mưa như thế là thường. Thế mà rồi lũ về thật. Phòng Hà lục tục chuyển đồ lên giường. Đứa nào cũng la đói bụng nhưng không ai bán đồ ăn sáng.
Ký túc xá nhốn nháo, tán loạn cả lên. Nước mỗi lúc dâng càng cao. Cái Dung chợt nảy ra ý kiến là đục trần nhà rồi nhét tất cả sách vở, áo quần lên trên đó. Khi mọi việc xong xuôi thì nước đã ngập ngang cổ. Hà chới với sợ hãi. Ôi, giá như có anh ở đây. Anh lúc nào cũng tạo cho Hà cảm giác an tâm, chở che. Nhưng mà lúc này có lẽ đơn vị anh cũng đang đi cứu lũ. Khi cánh cửa phòng được cái Dung đóng lại thì Hà được một bàn tay ai đó dắt đi. Tiếng gọi nhau í ới... Cả bọn leo qua cổng mới vào được trường.
Ngày hôm sau nước xuống dần. Vừa đói lại vừa rét nên cả phòng rủ nhau về lại ký túc xá. Rồi lần lượt các phòng khác theo nhau về. May mà nước chưa ngập đến giường tầng hai. Hà bỗng lo cho anh nhưng cũng tủi hờn không kém. Anh đã chẳng thèm đoái hoài xem Hà sống chết ra sao cả. Đã có mấy đơn vị bộ đội vào cứu trợ mì tôm và cơm nắm cho sinh viên ký túc xá, nhưng không phải đơn vị của anh.
Mấy ngày sau nước rút, phòng Hà tập trung làm vệ sinh. Vẫn không thấy anh qua. Hà đã tự trấn an mình rằng anh bơi rất giỏi. Mẹ gọi anh là con rái cá kia mà. Đến chiều, anh Tùng ở cùng đơn vị anh qua Hà đã thấy run run. Linh cảm có chuyện gì đó không bình thường. Bầu trời bỗng sa sầm lại. Thác lũ ầm ào hung dữ. Những cánh tay chới với níu kéo sự sống. Hà khuỵu xuống bất tỉnh.
Sau này Hà nghe các bạn anh kể lại. Ngày lũ đầu tiên, đơn vị anh được phân công xuống cửa biển Thuận An cứu lũ. Một dải đất Thuận An đã bị cuốn phăng ra biển. Trong cơn cuồng điên của thác lũ, anh đã sải dài cánh tay giành lấy sự sống cho hàng chục con người. Khi đứa bé cuối cùng được đưa đến nơi an toàn thì chính anh lại bị dòng lũ cuốn đi, nhấn chìm vào biển cả.
Một năm sau, Hà tốt nghiệp và ra trường.
Trước khi rời Huế vào Nam tìm việc, Hà đã một mình đạp xe xuống cửa biển Thuận An ở đó một ngày. Hôm ấy, biển động dữ dội. Những cánh chim chao chát giữa bầu trời. Trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, Hà đã nghe tiếng anh thầm thì vẫy gọi. Đến khi tỉnh dậy, Hà thấy mình nằm trong chiếc thuyền của một ngư ông. Cho đến tận bây giờ Hà vẫn nhớ như in lời ông lão: “Ông không biết vì lý do gì khiến cháu hành động như thế. Nhưng cuộc sống quí lắm cháu ạ. Nếu ông không nhầm thì cháu là một sinh viên. Cha mẹ cháu đã phải vất vả lắm mới cho cháu như ngày hôm nay. Vậy cháu đã làm được gì cho cha mẹ, cho bản thân mình chưa nào? À, nếu chưa thì phải sống cháu ạ...”.
Huế về khuya trời lành lạnh. Hà đã đứng ở khu hàng ăn bên Thành nội tự bao giờ mà cô không biết. Bất chợt, Hà nhớ có lần anh bảo rằng: ở đây, gợi nhớ về cái chợ âm dương huyền ảo, nơi người đã khuất, kẻ đang sống tỏ tường mặt nhau.
Nếu có điều đó thật, liệu đêm nay anh có về không? Bất giác, Hà thì thầm gọi: Thành ơi!
PHƯƠNG THẢO

Xem Tiếp: ----