Rừng vẫn yên lặng, bỗng có thêm tiếng gáy nhưng lần này nghe lạ hoắc với âm thanh sắc nhọn như tiếng trẻ thơ. Liền theo đấy là tiếng gáy đường bệ của một con gà khác. Ông Tư nghe xong cười khà, gật gù:

- A! Con Triệu Tử Long vẫn còn sống.
Ông nhận ra tiếng con gà trống thân thiết của mình. Nhưng còn tiếng gáy lạ lúc nãy thì ông chỉ biết đó là tiếng của gà tre hoặc gà ác. Gà của ông chỉ cần nghe gáy ông nhận ra ngay không cần nhìn mặt. Con Trương Phi giọng trầm, con Triệu Tử Long giọng hơi ngân lên ở đoạn cuối, còn giọng con Hạng Vũ lại chắc khỏe, hơi ngắt đoạn. Nói chung, bất kỳ con gà nào của ông đều có đặc điểm riêng trong điệu gáy mà ông đã quá quen thuộc không thể nhầm lẫn được.
Lại có thêm tiếng gáy từ hướng khác sâu hơn trong cánh rừng. Lần này tiếng gáy nghe trầm mà ngân. Hoàn toàn khác với tiếng gà nhà ông. Lạ thật! Không lẽ chỉ cách khoảng thời gian vài tháng mà giọng của chúng đã thay đổi theo phong thổ?
Những ngày đầu rời xa bầy gà, ông Tư không ngủ được. Những buổi bình minh yên ắng đến nao lòng. Đã quen nghe tiếng gà gáy sớm hằng bao nhiêu năm, vậy mà mấy tháng nay, cứ mỗi sáng giật mình thức dậy trong sự im lặng lạnh lùng, ông Tư cứ ngỡ mình ngủ ở một nơi nào đó không phải nhà mình.
Cảm giác xa lạ trống vắng mỗi buổi sớm mai làm ông thấy buồn chơi vơi. Khó khăn lắm ông mới có thể tự an ủi mình. Chúng sẽ sống. Chính sự an ủi đó đã thôi thúc ông hôm nay phải tìm cách thăm chúng.
Cái thằng Hảo kiểm lâm sao giờ này vẫn chưa ra? Họp hành gì mà lâu vậy không biết? Có nó hướng dẫn đi cho chắc ăn, khỏi sợ bị hiểu lầm là tự ý xâm nhập rừng cấm. Cũng nhờ nó mà những con gà thân yêu của ông không bị chết oan.
Lại có thêm tiếng gáy gần đấy. Không kềm nổi, ông Tư len lỏi theo từng khoảng trống trong rừng lần về nơi phát ra tiếng gáy, và rồi ông nhận ra một chú gà ác nhỏ thó đang đứng trên một cháng cây, ngó nghiêng nghe ngóng. Quỉ thật! Sao lại có cả gà ác ở đây?
Bực mình, ông Tư cúi xuống nhặt cục đất ném mạnh về hướng con gà. Trật lất. Tuy ông không ném trúng nhưng đã làm con gà ác giật mình kêu vang: “Cục tác, cục cục... tác”. Liền ngay sau dó là hàng loạt tiếng cục tác vang vọng khắp nơi từ mọi hướng lúc xa lúc gần. Ông Tư kinh ngạc. Ở đâu ra mà nhiều gà dữ vậy? Ông chỉ thả vào đây có tám con thôi mà? Làm sao tìm được bầy gà của ông khi mà mọi nơi đều dày đặc những bụi cây, ngọn cỏ lùm lùm ngang ngực, cản trở lối đi?
Thỉnh thoảng chỉ bắt gặp những khoảng trống nhỏ chỉ đủ trải chiếc chiếu. Điệu này thì chỉ nghe tiếng chớ làm sao thấy được hình? Khu rừng tràm cả ngàn hecta chỉ có khu vực quanh đây là cao ráo hơn cả, vì vậy cây cỏ cũng đan xen nhiều chủng loại, và cứ vì thế mà um tùm hơn, không như những chỗ khác chỉ có giống tràm trụ được mỗi khi mùa lũ về, còn những giống cây khác đều bị tiêu tùng khi nước ngập. Gà thả vào đây giống như cá thả xuống sông, biết đâu mà tìm?
Đầu đuôi cũng bởi dịch cúm gà mấy tháng trước. Thật ra dịch chưa đến chỗ của ông, nhưng báo đài la làng dữ quá, trong tỉnh nghe nói có người bị nhiễm bệnh nên dù những con gà còn sân sẫn người ta cũng đành bắt chúng mang đi tiêu hủy. Ông lại là tổ trưởng trong một ấp văn hóa nên không thể không đi đầu. Thế nhưng giết bầy gà chọi thì ông không nỡ, đành phải nghĩ đến giải pháp đem thả chúng vào rừng cấm.
Cả vùng này dân chơi gà chọi ai mà không biết ông Tư Thùa chuyên luyện và cho ra lò những chú gà vô địch. Luyện gà từ đời cha sang đời con nên chỉ cần liếc mắt nhìn qua tướng mạo của bất kỳ con gà nào, ông Tư cũng có thể đoán được con gà đó mạnh nhất ở điểm nào, nó sẽ là khắc tinh của loại gà mang lông màu gì... Gà của ông thường mang tên danh tướng trong các truyện Tàu; khác với ông Ba làng bên đặt tên gà toàn là nhân vật của Kim Dung như con Trương Vô Kỵ, con Kiều Phong hay con Lệnh Hồ Xung...
Dạo trước hai ông vẫn thường qua lại với nhau, nhưng kể từ ngày xảy ra trận đấu võ mồm giữa hai ông hồi cuối năm ngoái họ không còn chơi với nhau nữa. Chung qui cũng tại cái “tướng gà” mà ra. Ai không biết cha ông Tư Thùa ngày xưa là vua xem tướng gà vùng này.
Ngày ấy cách đây đã hơn 30 năm, thằng em ông mang về nhà con gà trống mình mẩy đầy thương tích với một bên đùi bị cựa đâm không đứng được. Nó mua lại của người thắng cuộc trong một độ đá bắt xác, định mang về nhà làm đồ nhậu. Đang nằm trên giường bệnh, liếc thấy con gà,  cha ông bảo nó mang tới cho ông xem. Con gà bèo nhèo đó được cha ông Tư xem tỉ mỉ từng chiếc vảy chân, hậu môn cho đến cái lưỡi rồi bảo phải ráng dưỡng con gà này.
Chiều ý cha, thằng nhỏ mang gà ra sân lau nước, tắm rửa, xức thuốc, cho ăn.  Nửa tháng sau thì gà bình phục. Con gà có tướng rất lạ, khi ngủ hai cánh xõa ra, đầu thòng xuống đất như chết. Cha ông gọi nó là gà Tử Mị. Có điều con Tử Mị ngày càng mạnh lên thì sức khỏe của ông già ngày một xấu đi, bởi ông đang bị ung thư vào giai đoạn cuối, bác sĩ đã chạy từ lâu. Những ngày cuối cùng, cha ông bắt anh em ông phải cáng đến trường gà để xem con Tử Mị đấu một trận sinh tử.
Đó là một buổi chiều, bầu trời ảm đạm như sắp có trận mưa lớn. Cả trường gà vừa buồn cười vừa cảm thương ông già. Nhưng họ không ngạc nhiên khi thấy ông đã gần chết mà còn mò tới đây, bởi ai mà không biết ông là “vua gà” của vùng này.
Con gà Tử Mị được cáp độ với con gà điều tướng tá trông thật oai vệ với gương mặt đỏ chót mạnh mẽ chứ không tai tái như con Tử Mị. So tướng mạo thì Tử Mị lép vế hơn nhiều. Ây vậy mà Tử Mị của cha ông đã thắng. Thắng vẻ vang chỉ với vài ba cú đá. Nhìn thấy cảnh gà nhà rượt con điều chạy vòng vòng trong sân, cha ông vừa ôm ngực ho vừa cười ra nước mắt.
Tối hôm đó, cha ông gọi hai anh em lại rồi nói:
- Tử Mị là con gà hay, nhưng không nên cho đá nhiều. Sở dĩ hôm nay nó thắng được vì con điều kia có tướng “hỏa”. Gà nhà mình màu lông đen xám thuộc tướng “thủy” và “thổ”. Khi ngủ đầu thòng xuống đất là thuần “thổ”, tuy bản thân nó khắc tướng với nhau nhưng lại là khắc tinh của “hỏa”. Trong ngũ hành, “hỏa” sinh “thổ”, “thủy” lại khắc “hỏa. Đằng nào thì gà mình cũng có lợi thế. Hơn nữa lại đá  vào tiết trời ui ui lành lạnh thuộc âm nên Tử Mị càng phát huy được hết thế mạnh, trong khi con gà điều thuộc dương nên trông dũng mãnh là vậy mà ở trong thế bất lợi tất phải thua...
Ông Tư Thùa nghe cha nói mà nhớ từng lời. Sau này nghiên cứu thêm Dịch học, ông còn chọn thêm ngày giờ tốt để gà của mình phát huy hết lợi thế.
Sau buổi tối đó, hai ngày sau cha ông qua đời. Ông ra đi mà miệng như cười, có lẽ ông thỏa mãn với những suy luận của mình về các giống gà chăng?
Từ ấy đến nay, trong tay ông Tư lúc nào cũng có sẵn năm bảy con gà chọi với những sắc lông khác nhau và ông cũng nổi tiếng giống như cha mình ngày xưa.  Có điều thời buổi bây giờ đá gà không còn như thời ông hồi nhỏ. Ngày xưa, người luyện được con gà giỏi sẽ được dân mê gà ngưỡng mộ. Còn bây giờ người ta đá gà chỉ vì tiền, lại đá toàn bằng cựa sắt nên không còn chất nghệ thuật của môn chơi này. Giỏi hay dở nhiều khi tùy thuộc vào sự nhanh hay chậm của vài ba cú nhảy rủi  may. Nếu không thì con Tiết Nhơn Quí và con Lữ Bố của ông làm sao thua được?
Chuyện xảy ra hồi cuối năm, nhân lúc trà dư tửu hậu với ông Ba, ông Tư đã đem sự hiểu biết “cha truyền con nối” ra luận bàn,  vậy mà ông Ba chỉ thản nhiên cười ruồi, bảo là vớ vẩn, lại còn nói đó là những sự trùng hợp đi kèm với may mắn. Khi đã khẳng định “thắng do hên” thì muốn nói gì mà không được? Cãi nhau một hồi, tức khí hai ông bèn hẹn nhau mang gà ra đá. Trớ trêu làm sao, đá hai trận gà ông Tư... chết hai con. Nhìn thấy bản mặt hả hê, cộng với giọng cười khơ khớ của ông Ba, ông Tư tức lộn ruột bỏ về một nước, cả tuần không ngủ được. Sau trận đó hai ông già không còn chơi với nhau nữa. Cũng từ đó, ông Tư không còn đem thuyết âm dương ngũ hành ra bàn luận với bất kỳ ai.
- Chú Tư ớ ơ. ơ... ơi!
Có tiếng thằng Hảo kiểm lâm gọi ông ngoài kia. Giờ này mới chịu vô, họp hành gì mà lâu dữ vậy không biết? Ông Tư la lớn trả lời rồi vén cây lần trở ra bìa rừng. Hôm đó, hai chú cháu đã đi chọn khu rừng cao ráo và um tùm nhất để thả mấy con gà. Thằng Hảo còn cẩn thận thả bầy gà cách xa nhau, phòng khi chúng gặp mặt để khỏi cảnh nồi da xáo thịt. Ra khỏi rừng, ông Tư sựng người. Đi cạnh Hảo còn có thêm một người đàn ông khác, kẻ từng làm ông ê mặt: ông Ba.
Bực dọc, ông Tư làm bộ ngó lơ hỏi Hảo:
- Họp hành gì mà lâu vậy mậy?
Hảo cười xởi lởi:
- Nhận ca trực xong, con định ra đây với chú thì bỗng đâu chú Ba đến. Nghe nói có chú Tư ở đây, chú Ba biểu con đợi một chút để ổng trở ra đồng kiếm rượu,  mua mồi đem vô đây nhâm nhi với chú, thành thử hơi lâu.
Ông Tư ngạc nhiên liếc sang ông già đang đứng cười cười. Tay ông Ba quả nhiên đang xách chai rượu và một bọc đầy rau cải. Còn chưa biết phải cư xử làm sao, ông Tư đã nghe ông Ba nói:
- Đừng giận tui nữa anh Tư ơi! Có mấy lần tui định tìm tới anh, nhưng tui biết anh còn giận nên đành chờ cơ hội. Tụi mình chơi với nhau đã bao nhiêu năm trời,  đâu còn lạ gì tính khí của nhau, nhiều lúc tui suy nghĩ phải chi bữa đó gà của tui thua cho rồi để mình vẫn mãi mãi là anh em với nhau...
Ông Tư bỗng bối rối khi cánh tay của ông Ba choàng lên vai ông.
Tờ báo được Hảo trải ra dưới bóng mát tán tràm già. Rượu thịt được bày ra. Ông Tư miễn cưỡng ngồi xuống mà đầu óc cứ nghĩ ngợi mông lung. Nói nghe cũng phải, mình và nó cự cãi cả ngàn lần mà có bao giờ nó giận mình đâu? Sở dĩ hôm ấy ông bỏ về là vì quê độ hơn vì giận. Cũng phải công nhận rằng hai con gà của nó đá hay thật. Trong khi gà của ông còn trả miếng thì gà của nó cứ túm đâu đá đó, cắn đuôi cũng đá, cắn lưng đá, gà ông chết là phải... Nhưng giờ thì hết rồi!
Từ lúc chia tay với những “danh tướng” thân yêu, ông thề không bao giờ nuôi gà chọi nữa. Thời buổi luyện gà mà không có đất dụng võ thì nuôi làm quái gì? Còn đá lén đá lút thì ông không muốn. Thôi thì nhường lại cho thằng Ba một mình một chợ. Ông biết nói ra điều này chắc ông Ba sẽ vui lắm.  Chí ít cũng không còn ai là đối thủ với ông ta ở cái làng này.
Ông Tư buồn buồn đón lấy ly rượu từ tay ông Ba cung kính đưa sang, uống một hơi cạn sạch. Rượu đắng nghét khiến những lời ông định nói ra phải cố nuốt vào.
Giọng ông Ba buồn buồn cất lên:
- Tui đã thề rồi anh Tư ơi! Sẽ không bao giờ nuôi gà đá nữa. Hiện giờ tui không còn con gà nào. Ngay cả lũ gà mái giống, tui cũng mang thả hết vào rừng mấy tháng nay.
Ông Tư há hốc mồm như nghe lầm.
- Chú... chú... nói sao? Chú cũng thả hết gà vào rừng?
- Ừ! Tui thả sau anh một ngày. Thằng Hào nói tui mới biết.
Ông Tư thừ người rồi chợt hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Kể... kể... cả con Lệnh Hồ Xung và Quách Tĩnh? - ông hỏi hai con gà chiến thắng bữa nọ.
- Thả hết. Kể cả Hoàng Dược Sư với Vương Trùng Dương.
Thằng Hảo bỗng cười vang lên:
- Đâu phải chỉ có hai chú thả gà vào đây đâu! Có cả bầy gà lôi của thầy hiệu trưởng Bảy Trau, gà sao của chú Hai huyện đội, gà tre, gà ác của mấy đứa nhỏ, còn có cả ngỗng, vịt xiêm...
Ông Tư đớ người, rồi nhớ lại hàng loạt tiếng cục tác lúc nãy. Tiếng thằng Hảo vẫn vang bên tai:
- Má con cũng bảo mang mấy con gà nhà thả vô đây luôn. Thả là phải, vì má con nuôi gà mà không chịu ăn thịt. Ngay khi chưa có dịch cũng vậy. Cứ mỗi lần nhà có giỗ là xách tiền ra chợ mua. Gà nhà cắt cổ không nỡ.
Ông Tư phì cười, gương mặt trông rạng rỡ hơn:
- Cả rừng gà à? Hay thật!
Hứng chí, ông bưng ly rượu uống một hơi ngọt lịm. Có tiếng gà gáy. Hai ông già vểnh tai nghe ngóng. Cả hai không nhận ra được đó là con gà nào. Nghe lạ hoắc lạ huơ.
- Nào! Vô chú Ba! Bỏ qua tất cả nghe chú! Ngày mai chú qua bên tui uống trà. Mấy tháng nay không được trò chuyện với chú, tui cũng buồn.
Nói xong, ông Tư nâng ly uống trước, nghe “trót” một tiếng, ly rượu còn lại đúng phân nửa. Ông đưa sang cho ông Ba rồi chắp môi:
- Rượu ngon!
Lại có tiếng một con gà rừng vừa cất tiếng gáy.
Tam Nông 5-4-2004
DƯƠNG HUY HOÀNG

Xem Tiếp: ----