Con Thi có thai, hai tháng rưỡi!

- Rồi sao? Có gì quan trọng đâu?
- Sao lại không? Nó chưa có chồng! Quan trọng chính là chỗ đó.
- À ra thế, không chồng mà chửa…
Tôi nhìn gã rồi buông lửng câu nói. Khi không gã kéo tôi ra đây để nói chuyện con Thi có thai rồi uống liền tù tì gần hết chai rượu mang theo mà chẳng nói thêm điều gì nữa. Tôi sực nhớ ra: gã mê con Thi như điếu đổ.
Tôi và gã có chung với nhau cả quãng đời thơ ấu: cùng học chung trường làng, từng rủ nhau chui vô vườn nhà ông già hàng xóm bẻ trộm ổi rồi khoanh tròn trong cái bọng khoét giữa đống rơm chia nhau cắn từng nhát ổi giòn rụm. Nói tóm lại, thuở ấy chúng tôi “chung” nhau nhiều thứ kể cả cái nghèo. Duy có một thứ mà gã không chịu “chung” với tôi: đó là con Thi.
Tôi chỉ còn nhớ láng máng về con Thi. Con nhỏ đen nhẻm có nụ cười “vô duyên” thường hay lẽo đẽo theo hai thằng trốn học đi vô rừng gài bẫy chim. Lúc đó tôi và gã học lớp 3, còn con Thi đâu chừng bảy tám tuổi gì đó mặc mỗi cái quần cụt theo không kịp, vừa chạy vừa khóc bù lu bù loa.
Bọn nhóc trong xóm đặt cho chúng tôi biệt danh “bộ ba so le” bởi tôi thì thấp chủn như con lật đật, chẳng lúc nào chịu ngồi yên một chỗ; gã cao nghệu như cây đói nắng; còn con Thi thì không cần phải nói: “đệ nhất xấu”. Đó là trong con mắt của tôi.
Chơi nhà chòi lần nào gã cũng giành phần làm chú rể đi rước cô dâu. Tôi ở “nhà” lo nấu nướng bày tiệc lá cây, sửa soạn chỗ cho cô dâu chú rể về “động phòng hoa chúc”. Khi ấy chúng tôi đã biết động phòng hoa chúc là cái gì đâu, cứ rước dâu về là cô dâu chú rể ăn tiệc, xong lăn ra ngủ một giấc tới chiều rồi “sanh” ra thằng con là tôi!
Năm sắp sửa lên lớp 4 gã đột ngột nghỉ học. Ở cái làng quê heo hút này nghỉ học là chuyện bình thường như ăn cơm bữa. Thầy giáo có đến nhà hỏi thì được nghe trả lời: nhà nghèo quá không học nổi! Vậy là thôi, thầy chỉ biết lủi thủi trở về nhà lật sổ điểm danh ra gạch tên cái rẹt. Xong. Thầy cô còn không bám trụ nổi nữa là…
Dăm ba tháng có người ra đi, người khác về rồi lại đi, chỉ ngôi trường xơ xác hả họng hứng gió chướng là buồn thiu. Lý do đơn giản: xứ nghèo quá không nuôi nổi người. Học trò gì mà đến lớp chỉ mặc độc quần cụt với chiếc áo sơmi nhuộm phèn vàng cháy, không biết lúc còn mới nó có màu gì nữa.
Tôi may mắn hơn gã, được học hết lớp 5 rồi chuyển ra tỉnh học. Tôi rời khỏi quê như chạy trốn một nỗi sợ hãi nào đấy, không một lời từ giã gã và con Thi. Đến khi tàu chạy ra giữa sông tôi mới thấy gã cởi quần lội tuốt ra ngoài bãi đưa tay vẫy, con Thi bị lún gần ngang bụng, một tay giơ chùm bần một tay quẹt nước mắt. Đó là cuộc chia tay của “bộ ba so le” mà nào ngờ đến hơn mười năm sau mới gặp lại nhau.
Giờ tôi đang đối diện với gã, cái dáng cao lêu nghêu ngày nào nay gập lại ủ rũ. Gã cứ nốc rượu và liên tục thở dài. Sau ngày tôi “chạy trốn” khỏi quê, do mải mê với chuyện học hành (đó chỉ là cái cớ) rồi ra trường bon chen với đời, tôi hầu như đã quên bẵng mình từng là thành viên trong “bộ ba so le”.
Tin tức từ quê nhà chỉ nhận được loáng thoáng qua những bức thư của mẹ gửi lên, đôi khi trong thư có nhắc đến gã. Cha gã mất do tai biến mạch máu não, gã phải nuôi lấy thân và làm tất cả những công việc mà người ta có thể làm ở đồng quê, tối lại về lủi thủi trong căn nhà cạnh sông.Con Thi không thấy mẹ tôi nhắc tới. Tôi cứ tưởng nó đã lấy chồng ở quê. Không lấy gã thì còn lấy ai?
Gã đột ngột đứng lên buông cụt ngủn: Về! Rồi lảo đảo bước đi, cái dáng cao lêu nghêu như dấu chấm than giữa ruộng. Tôi gọi với theo:
- Mày chưa kể với tao về con Thi mà!
- Con Thi hả? Có gì đâu mà kể! - Tôi nghe có tiếng thở dài sườn sượt của gã. Chiều lắm rồi.
Ngôi trường ngày ấy chúng tôi học giờ đã được nâng cấp khang trang nhiều so với trước. Lũ học trò ngày nay may mắn hơn chúng tôi: được ngồi học trong những căn phòng lát gạch bông sáng loáng, quạt trần quay phành phạch; đến trường cũng khỏi phải xăn quần lội xì xụp trên con đường sền sệt sình bùn và phân trâu vào mùa mưa mà bon bon xe đạp trên mặt nhựa láng bóng.
Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại trở chứng về thăm quê, mẹ cha tôi tuy lớn tuổi nhưng còn mấy đứa em; cũng không phải về để thăm gã mà do cơ quan phân công cán bộ về tăng cường cho trạm y tế xã. Cậu tôi là phó giám đốc bệnh viện tỉnh nên ông đã điền ngay tên thằng cháu về đúng cái nơi mà nó đã “chạy trốn”. Cầm giấy quyết định trong tay thì mọi sự đã rồi, âu cũng là cái may. Về quê mình còn hơn về một “hóc bà tó” nào đó.
Vừa đến nơi, tôi đã được ông trưởng trạm dẫn theo hai nhân viên ra đón tận đầu cầu có vẻ trang trọng lắm, chỉ thiếu có mỗi băngrôn và biểu ngữ. Gì thì gì, tôi cũng là “bác sĩ tuyến tỉnh” mà. Chỉ cho tôi nghỉ xả hơi buổi sáng, đến chiều ông trưởng trạm đã vật tôi đừ người với hàng đống chương trình: nào là tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa bướu cổ, kế hoạch hóa gia đình… nên sau khi ở trạm về, mỗi ngày tôi ăn qua quít mấy chén cơm rồi bỏ đấy cho mẹ dọn dẹp, còn mình tắm rửa lăn ra đánh một giấc. Tôi không còn nhớ đến gã và chuyện con Thi có bầu.
Mấy tháng sau, đêm tôi có ca trực phải ngủ lại trạm bỗng nghe có tiếng gõ cửa gấp gáp. Nghe loáng thoáng thì đấy là một ca chuyển dạ, cô hộ sinh bật đèn mở cửa làm thủ tục cho sản phụ. Lát sau, cô chạy vào phòng lay tôi dậy:
- Ngôi ngang, lại còn khung chậu hẹp nữa bác sĩ ơi!
Tôi tỉnh ngủ bật dậy, hấp tấp chạy vào phòng sanh xỏ găng tay khám lại một lần nữa. Chính xác!
- Làm thủ tục chuyển - tôi nói.
Cô hộ sinh quay ra ngoài gọi lớn:
- Người nhà đâu? Chuẩn bị đưa tuyến trên!
Một dáng người thõng thượt từ ngoài chạy vào. Tôi tròn mắt: gã. Trên tay gã xách lỉnh kỉnh quần áo đồ đạc - đúng là một anh chồng thực sự. Gã khựng lại khi thấy tôi rồi ngượng ngập:
- Vợ tao sao rồi bác sĩ?
Tôi phì cười vì kiểu ăn nói của thằng bạn:
- Vợ? … À, vợ của anh sanh khó phải đưa ngay ra bệnh viện!
Mặt gã tái mét, cuống cuồng cầm tay tôi quên cả rụt rè ban đầu:
- Mày giúp tao với, mẹ con con Thi có bề gì thì làm sao tao sống nổi!
Trời đất, con Thi là vợ của mày? Cưới hồi nào? - Tôi kịp nuốt xuống bụng cái câu định hỏi, vỗ vai trấn an gã:
- Mày yên tâm đi, để tao lo hết cho!
Con Thi phải mổ nhưng nhờ chuyển đến bệnh viện kịp thời nên mẹ tròn con vuông. Một thằng cu ba ký rưỡi kháu khỉnh, vừa cắt rún xong là nó hét chứ không phải khóc vang cả phòng. Từ trong phòng phẫu bước ra, bác sĩ nói với hắn: Y hệt cha! Tôi thấy gã cười toe toét sung sướng tột độ.
Đầy tháng thằng nhóc, gã nằng nặc mời tôi đến nhà ăn đầy tháng và đặt tên giùm cho con. Con Thi bồng con đứng trước hàng ba nhà đón tôi giọng rụt rè:
- Sợ anh mắc công chuyện không tới được, sẵn dịp đầy tháng mời anh đến nhà cho vợ chồng em nói lời cảm ơn!
Lúc này tôi mới có dịp nhìn kỹ con Thi, à, phải gọi là vợ gã mới lịch sự chớ. Thì ra con Thi đâu có “vô duyên” như tôi nghĩ hồi đó, chỉ có điều nước da ngăm đen là không thay đổi. Ai lại nhìn vợ bạn chằm chằm bao giờ thật không phải phép, tôi bèn quay sang vỗ tay với thằng nhóc:
- Ngoan nào cục cưng, lại đây bác ẵm một chút coi!
 Hết sức tự nhiên, nó sà ngay vào tôi và châm luôn một “bình trà”. Gã luống cuống:
- Hư quá, đưa cho tao. Em thiệt là!
- Không sao đâu, nó biết người quen nên mới vậy! Phải hôn cục cưng? - Tôi bẹo má nó một cái rồi bước vào nhà.
Vợ chồng gã tiếp đãi tôi như một vị khách quí chứ không phải bữa nay là ngày đầy tháng của thằng nhóc khiến tôi cảm thấy ái ngại. Gã như hiểu được bèn bảo:
- Nhờ mày mà vợ con tao mới an lành, bữa nay coi như là tỏ lòng biết ơn của vợ chồng tao. Mày mà khách sáo là tao giận đó!
Chiều gã, tôi gắp hết món này sang món khác, còn gã thì ngồi rót rượu cưa hai với tôi. Con Thi chạy lăng xăng hỏi xem có món nào hết chưa, lúc thì thay tã cho con vì nó cứ tè liên tục.
- Chắc mày thắc mắc nhiều chuyện lắm phải không? - Giọng gã trầm lại như sợ vợ nghe thấy- Với ai chớ với mày thì tao thổ lộ hết, lúc nào tao cũng coi tình bạn của tụi mình là tình anh em. Mày xa xứ lâu chắc có lúc cũng quên nhưng tao lúc nào cũng nhớ, nhớ nhiều lắm!
Tôi gục mặt xuống giả vờ say nhưng thực ra là để giấu nỗi xúc động và xấu hổ của mình. Tôi thật không xứng để nhận cái tình của gã và con Thi dành cho. Học hành thành đạt giờ tôi bỗng trở nên trống rỗng trước hai người bạn cũ.
Gã nói một cách say sưa như quên cả sự có mặt của tôi, như sợ sẽ không còn dịp nào để hàn huyên nữa. Cũng phải thôi, ở cái xóm này ai cũng tất bật lo toan với cuộc sống thường nhật, chẳng có ai dư thời giờ để mà ngồi nghe tâm sự của nhau. Nhất là đối với gã - một người gần như lập dị, càng lập dị hơn khi cưới một người đàn bà không chồng mà chửa về nhà làm vợ mang lấy tiếng quà quạ nuôi tu hú.
- Thiên hạ nghĩ sao thì kệ họ, tao thương con Thi thì cũng thương luôn đứa nhỏ, có gì phải sợ điều này tiếng nọ. Chắc mày là người hiểu cho tao nhất phải không? Mai mốt thằng nhỏ lớn lên kêu tao bằng cha là tao mãn nguyện lắm rồi!
Gã nhờ tôi đặt cho thằng nhỏ cái tên bởi gã và con Thi chữ nghĩa không bao nhiêu chẳng biết đặt tên gì, chẳng lẽ đặt tên Cu tên Tèo thì tội quá. Ngẫm nghĩ một lúc tôi bèn nói với gã:
- Duyên Sinh! Đặt là Duyên Sinh đi. Ý nói mày và con Thi có duyên với nhau, thằng nhỏ cũng có duyên với mày!
Gã hớn hở:
- Hay lắm! Duyên Sinh! Cả ba đứa mình đều do duyên mà là bạn của nhau. Cảm ơn mày nhiều lắm!
Tội nghiệp gã, cái tên ấy là do tôi đọc được ở một quyển truyện nào đấy trong lúc ngẫu hứng mà buột miệng, vậy mà gã lấy làm cảm kích vì ý nghĩa của nó. Thôi thì đằng nào cũng chỉ là một cái tên, tôi cũng chẳng lấy làm bận lòng gì thêm.
Rời nhà gã, hai vợ chồng tiễn tôi có vẻ bịn rịn lắm. Khi nào rảnh rỗi tới chơi nghen! - gã nói với theo.
Đến lúc này tôi mới sực nhớ ra mình đi dự đầy tháng mà chẳng mang theo thứ gì để tặng cho thằng nhóc. Tôi tự trách mình rồi nhủ: mai mốt còn thôi nôi nữa, lo gì!
Hết thời gian tăng cường cho tuyến xã, hôm liên hoan chia tay, ông trưởng trạm nắm lấy tay tôi cảm ơn vì đã giúp ông giải quyết nhiều công việc khó khăn. Chỉ tiếc là ngày nhận bằng khen thi đua sắp tới không có mặt tôi để cùng chia vui. Tôi xin lỗi ông và hẹn:
- Mai mốt anh cứ điện thoại cho em, thế nào em cũng tranh thủ về. Có xa xôi gì đâu!
- Chắc nghen?
Tôi gật đầu. Lại hứa. Không biết đây là lần thứ mấy tôi hứa nhưng trong thâm tâm luôn vặn lại: không làm được thì đừng có hứa! Dẫu sao cũng chỉ là một lời hứa làm cho người ta vui lòng thôi mà, có mất mát gì đâu!
Thế là tôi đi, quên mất cả việc đến nói lời tạm biệt vợ chồng gã và thằng nhỏ mà tôi đặt cho nó cái tên Duyên Sinh. Không sao, đến thôi nôi tôi sẽ về.
Ngày cúng cơm ông nội tôi, mẹ điện thoại lên bảo tôi về thắp nén nhang ông bà và họp mặt thân tộc. Với lại mẹ nhắc tôi nên siêng về quê thăm hàng xóm láng giềng. Không khéo sau này ra đường gặp bà con dòng họ mà không biết thì người ta cười vào mặt cái thằng bỏ xứ đi cũng bỏ luôn tình quê hương xứ sở. Mẹ tôi lúc nào cũng vậy, hay lo xa những chuyện không đâu.
Để mẹ khỏi buồn, tôi cũng thu xếp công việc lục tục về quê một lần nữa. - Vợ chồng con Thi đi nơi khác làm ăn rồi! - Mẹ đỡ giỏ đồ trên tay tôi xuống rồi buông tiếng thở dài làm tôi chưng hửng.
- Hồi nào vậy mẹ?
- Hai tháng trước! Vợ chồng nó đi vùng kinh tế mới. Trước lúc đi có đến tìm con để từ giã, mẹ nói con đi lên trển rồi. Ngó thấy vợ chồng nó buồn lắm. Mày thiệt tệ, đi cũng không nói cho bạn bè biết một tiếng!
Tôi cúi đầu. Vậy là gã và con Thi đã không gặp tôi, chắc họ buồn lắm. Tan rồi hợp, hợp rồi tan, lẽ thường tình mà. Tôi tự bào chữa cho mình.
Có những lỗi lầm người ta có thể xí xóa cho nhau, nhưng cũng có những lỗi mà mãi mãi không có cách nào quên đi được, để lại trong lòng những khoảng trống lúc nào cũng thấy hụt hẫng đáng sợ. Mai này nếu các con tôi nghe kể lại có một câu chuyện về “bộ ba so le”, chắc chúng cũng chẳng tin và càng không tin hơn khi có một thành viên trong bộ ba ấy lại xử sự như thế. Mong rằng thời gian sẽ làm cho người ta chóng quên đi, cuộc sống còn biết bao iều phải lo nữa mà.
Ừ, mong là như vậy!
LÊ MINH NHỰT
 

Xem Tiếp: ----