Còn có tên (Bước Người Đi Xa)
Tập 2

Ngọc Duyên vừa bước vào khu vườn cây ăn trái bên hông nhà Bích Phượng, hai mắt vừa dáo dác kiếm tìm, miệng la lớn:
− Bích Phượng ơi! Mày ngồi ở chỗ nào vậy? Làm ơn lên tiếng giùm tao cái đi!
Mặc cho Duyên kêu réo, Phượng vẫn ngồi im ở một chỗ nào đó, không hề hó hé một tiếng khiến Duyên vừa phải dáo dác tìm vừa lớn tiếng hăm he:
− Mày có chịu ra mặt không hả con ranh? Đừng để tao bắt được thì mày chết với tao!
Mặc kệ Duyên hăm he, Phượng vẫn im re. Sau một hồi tìm kiếm, Duyên mới phát hiện ra cô bạn thân đang ngồi buồn xo dưới gốc cây, mắt đăm đăm nhìn ra dòng sông phía trước mặt.
Nhìn Phượng ỉu xìu, Duyên không khỏi ngạc nhiên:
− Ủa! Có chuyện gì mà mày trốn ra đây ngồi buồn xo một mình, lại để tao gọi rát cả cổ cũng không thèm trả lời một tiếng vậy?
Phượng ngước đôi mắt buồn bã lên nhìn Duyên, sau đó mới chậm rãi trả lời:
− Nhìn cái mặt buồn xo của tao là mày đã biết tao đang gặp chuyện rất buồn rồi, còn hỏi han làm gì cho mệt.
Duyên bật cười:
− Nãy giờ tao đã đoán ra, nhưng muốn hỏi lại mày cho chắc ấy mà.
Bây giờ đà hết thắc mắc rồi, mày có thể biến đi giùm tao được không?
− Ê, mày đuổi tao hả?
− Tao không đuổi, nhưng tao đang cần sự yên tĩnh để nghiền ngẫm nỗi buồn của tao. Lúc này tao không còn hứng thú nói chuyện gì nữa.
Hiểu tâm trạng của bạn, Duyên không chút tự ái, bước đến ngồi xuống bên cạnh Phượng, trước ánh mắt không hài lòng của bạn.
− Tao đã xin mày biến giùm, sao mày còn rề rề đến đây chứ?
Duyên thân thiết:
− Biến thì quá dễ rồi, nhưng vì tao là bạn mày nên tao muốn chia sẽ nỗi buồn với mày và nếu có thể giúp gì cho mày, tao sẵn lòng.
Phượng ỉu xìu:
− Mày không còn có thể giúp được gì cho tao đâu.
− Đừng vội nói trước như thế, vì mày chưa cho tao biết mày buồn chuyện gì mà. Hơn nữa, cho dù không giúp được mày, tao cũng có thể tâm sự, khiến nỗi buồn của mày vơi bớt.
Nghe bạn nói hợp lý, Phượng không cự nự thêm:
− Thôi được, mày hãy ở lại đây tâm sự với tao. Duyên ơi! Mày phải biết lúc này tao đang buồn ghê lắm! Buồn đến tan nát trái tim đấy!
Duyên cố nén cười:
− Nghe mày rên rỉ, tao cũng cảm thấy buồn lây rồi đó. Nào, mày buồn chuyện chi làm ơn nói huỵch toẹt ra giùm cái đi.
− Tao đã bị người ta từ chối rồi.
Duyên chưa kịp hiểu nên hỏi lại:
− Người ta là ai? Và từ chối mày cái gì chứ?
Phượng gắt nhẹ:
− Con này, sao mày mau quên quá vậy? Tao đã từng tâm sự với mày là tao để ý... thương thầm ông anh bà con của mày, bộ mày không nhớ sao?
Duyên hiểu ra:
− À, tao nhớ chứ. Tại mày tự nhiên nhập đề không đầu không đuôi, nên tao mới không kịp hiểu đó thôi.
− Thế bây giờ mày đã rõ mọi chuyện rồi chứ?
− Đã rõ tất cả. Nói tóm lại là mày đã tỏ tình với anh Dương tao, nhưng bị từ chối nên đâm thất tình.
Phượng buồn bã thở dài:
− Mày không thể hiểu thấu được tao đang buồn đến mức nào đâu!
− Thôi đừng rên rỉ nữa! Hãy nói cho tao biết, anh Dương từ chối mày vì lý do gì?
− Anh Dương không nói lý do gì cả, mà chỉ bảo là không thể đáp lại tình yêu của tao.
− Vậy là chắc anh ấy không yêu mày.
Phượng buồn bã:
− Duyên ơi! Tao đã lỡ yêu anh Dương tha thiết, hình bóng anh ấy đã khắc sâu vào tim tao. Bây giờ bị anh ấy từ chối, chắc tao buồn đến chết quá!
Duyên nhìn bạn với ánh mắt thương cảm, nàng dịu dàng an ủi:
− Tao cũng biết khi tình yêu không được trọn vẹn thường gây đau khổ, nhưng mày cũng cần phải dũng cảm để cố tìm quên anh Dương.
− Tao sẽ cố gắng, nhưng không biết có thể làm được không.
Duyên khuyến khích:
− Tao tin mày sẽ làm được.
Phượng lại than thở:
− Tình duyên của tao thật không may mắn chút nào, mới yêu lần đầu đã bị thất vọng. Trong ba đứa bạn tụi mình, chỉ có tao là người bị đau khổ nhất.
− Mày nghĩ lầm rồi đấy. Lúc này con Uyên cũng đang buồn khổ chẳng kém chi mày đâu.
Phượng tỏ vẻ không tin:
− Mày đừng bịa chuyện để an ủi tao!
− Tao không bịa mà đó là sự thực. Mày có biết con Uyên đang buồn khổ vì chuyện gì không?
− Không. Mày có biết thì nói cho tao nghe đi.
− Nó cũng đang thất tình anh Dương như mày đấy.
Phượng tròn mắt nhìn Duyên:
− Vậy ư? Bộ con Uyên tâm sự với mày như thế à?
− Không những nó tâm sự, mà còn thiết tha xin tao tìm cách giúp cho nó toại nguyện. Nhưng làm sao tao có thể giúp được, khi anh Dương không chút tình yêu dành cho nó.
Phượng cúi mặt lặng thinh, không còn dám nói ra lời đề nghị Duyên giúp đỡ, vì nàng vừa nhận ra sự vô vọng.
Tiếng Duyên lại vang lên:
− Tao cảm thấy trong lời từ chối của anh Dương phải ẩn chứa một nguyên nhân nào đó. Có thể là vì anh ấy đã con Thúy Hạnh rồi.
Phượng tán thành ngay:
− Chắc là vậy rồi. Thiệt cái con Hạnh quỉ quái ghê! Nó quyên rũ anh Dương hồi nào mà bọn mình không hề hay biết.
Duyên gằn giọng:
− Kể ra con Hạnh cũng giỏi mánh khoé quyến rũ thật, nhưng nó đừng có vội mừng, tao sẽ không để cho nó được cười mãi như thế đâu. Sẽ có lúc con nhỏ ấy phải cười đau khóc hận.
− Mày nói đúng, phải cho nó nếm mùi đau khổ, để cho nó bỏ đi cái bộ mặt vênh váo đáng ghét ấy.
Duyên ngẫm nghĩ một chút, rồi nói:
− Nè, tao đề nghị ba đứa mình cùng hợp sức lại, tìm cách trả thù con Hạnh. Mày đồng ý không?
− Còn phải hỏi. Mày không nêu cái đề nghị ấy ra, tao cũng phải cho con Hạnh biết tay.
Không ai nói gì thêm nữa, nhưng trong đầu mỗi người lại đang suy nghĩ để tìm cách hại Thúy Hạnh.
Vì đã có chủ ý nên Duyên lén theo dõi Thanh Dương, và biết chắc chàng và Hạnh yêu nhau. Chỉ đến lúc ấy, Duyên mới bắt đầu thực hiện kế hoạch chai cắt Dương và Hạnh bằng cách đem chuyện nói lại với ông Ba Tính.
Duyên biết nếu nàng can thiệp thì sẽ không có kết quả gì, nàng đã từng có lần nói xấu Hạnh để mong Dương chán mà bỏ, nhưng chàng đã không tin lời nàng. Thế nên tốt hơn hết là đêm câu chuyện khích ông Ba Tính, vì Duyên hiểu cha nàng không ưa Hạnh nên chắc chắn sẽ không chấp nhận mối tình của hai người.
Chờ cho Dương đi khỏi, Duyên mới đến gần bên ông Ba Tính đang ngồi uống trà, dịu dàng lên tiếng:
− Ba à, con có một chuyện quan trọng muốn cho ba biết.
Ông Ba Tính đặt tách trà xuống bàn, nhướng mắt nhìn Duyên đang ngồi vào chiếc ghế đối diện với ông:
− Chuyện quan trọng à? Ừ, con nói đi. Chuyện gì vậy?
− Nhưng ba phải hứa sẽ giữ bình tĩnh sau khi biết rõ câu chuyện, không được làm um sùm nghe ba.
Ông Ba Tính tỏ vẻ không hài lòng:
− Làm gì mà con ra điều kiện với ba dữ vậy? Bộ muốn làm khó ba phải không?
Duyên vội phân trần:
− Con nào dám thế, chỉ tại câu chuyện này rất tế nhị. Đòi hỏi phải xử sự một cách bình tĩnh mới giải quyết được, thế nên con mới đặt yêu cầu với ba.
Tò mò muốn biết câu chuyện, ông Ba Tính gật đầu:
− Được, ba hứa sẽ giữ bình tĩnh, bây giờ con kể rõ câu chuyện ấy đi.
Duyên biết cha nàng đã bị sự tò mò cuốn hút, nên thong thả nói:
− Ba ơi! Anh Dương đã có người yêu rồi đó, ba có thấy bất ngờ không?
Quả thực ông Ba Tính cũng hơi bất ngờ khi nghe tin Dương có người yêu, ông khẽ kêu lên:
− Chà, cái thằng sao mà yêu nhanh thế! Nó mới về đây chơi ít ngày mà đã có người yêu rồi, nhưng có chắc không Duyên?
− Chắc chắn ba à. Mấy ngày nay con đã lén theo dõi anh Dương đi hò hẹn với bồ của ảnh mà.
Ông Ba Tính trầm ngâm một chút, rồi nói:
− Ba đã suy nghĩ rồi, chuyện trai gái lớn lên có luyến ái nhau cũng là phải lẽ, chỉ cần con nhỏ ấy là con nhà đàng hoàng, có danh giá, xứng mặt làm xui là được. Thằng Dương về đây chơi nên ba phải có trách nhiệm về mọi việc làm của nó, ba không muốn sau này phải nghe lời trách móc của ba má thằng Dương.
Duyên về hùa:
− Con hiểu suy nghĩ của ba và rất tán thành, chính vì thế nên con mới để tâm theo dõi anh Dương và đem chuyện này nói cho ba biết.
− Thế con nhỏ người yêu của thằng Dương là đứa nào, con cái nhà ai vậy?
− Con nhỏ ấy chẳng xa lạ gì với ba đâu, nhưng con nói ra là ba muốn té ngửa ra đấy.
Ông Ba Tính nôn nóng thúc giục:
− Đứa nào thì con cứ nói đại ra đi, úp úp mở mở hoài làm ba sốt ruột rồi đấy.
Duyên vẫn nhẩn nha:
− Ba nôn nóng làm gì, trước sau rồi ba cũng biết mà. Con nhỏ người yêu của anh Dương chính là con Thúy Hạnh, con của bà Tư bán đồ khô ấy.
Ông Ba Tíng giật mình, tay đập mạnh xuống mặt bàn:
− Sao? Con Hạnh là người yêu của thằng Dương à? Không thể được, ba không thể chấp nhận cho thằng Dương đi yêu cái con nhỏ nghèo nàn ấy được.- Rồi ông đùng đùng nổi giận, tay chỉ ra ngoài đường, miệng la lớn: - Con mau chạy đi kêu thằng Dương về đây cho ba Mau đi!
Nhưng Duyên vẫn ngồi lì trên ghế, nàng ôn tồn nhắc nhở:
− Kìa, ba quên lời hứa giữ bình tĩnh rồi sao?
Ông Ba Tính gắt lên:
− Trong hoàn cảnh này mà con còn bảo ba bình tĩnh được sao? Ba đang tức muốn điên lên đây nè, con mau đi kêu thằng Dương về đây cho ba!
− Để làm gì hả ba!
Giọng ông Ba Tính đầy tức bực:
− Để nói cho nó hiểu là nó đã làm một việc ngu ngốc, là đi yêu một đứa con gái không ra gì. Sau đó ba sẽ bắt buộc nó phải chia tay với con Hạnh ngay.
Duyên tỏ ý không đồng tình:
− Ba làm như thế sẽ không có kết quả gì đâu. Ngược lại, có khi còn gây suy nghĩ không hay nơi anh Dương.
− Ý con muốn nói là thằng Dương sẽ không nghe lời ba?
− Con nghĩ là thế, vì con đã từng có lần nói chuyện với anh Dương về Hạnh, mặc cho con nói thế nào, ảnh vẫn một mực bênh nó. Lý do thật dễ hiểu, vì anh Dương đang yêu nên đâu còn thấy phải trái nữa. Thế nên con tin lời nói của ba cũng không thể giúp anh Dương tỉnh ngộ đâu.
Ông Ba Tính bực tức gắt lên:
− Nhưng ba là cậu ruột của nó mà, ba đã bắt thì nó phải nghe theo.
− Theo con nghĩ, ba không thể áp đặt với anh Dương theo cách ấy đâu. Vì tuy ba là cậu ruột, nhưng ba chưa đủ uy quyền để bắt anh Dương phải tuân theo đâu.
Lời phân giải của Duyên khiến ông nhận ra sự vô lý của mình, ông ngồi lặng đi một lúc rồi mới hỏi:
− Vậy theo con, ba phải làm sao đây?
− Ba hãy lờ đi như chưa hề biết chuyện anh Dương yêu con Hạnh.
Ông Ba Tính bất mãn kêu lên:
− Uý, con nói vậy sao được? Chẳng lẽ mình chịu thua con nhỏ ấy sao?
− Không phải là chịu thua, chẳng qua ba tránh xung khắc trực tiếp với anh Dương để giữ hoà khí, trong lúc đó ba viết thư kể rõ mọi chuyện về con Hạnh cho hai bác biết. Con tin chắc sau khi biết chuyện, hai bác sẽ có cách đối phó. Khi ấy, ba đâu cần phải làm gì nữa.
Ông Ba Tính gật gù khen ngợi:
− Ý kiến của con thật hay! Được, ngay bây giờ ba sẽ viết thư cho ba má thằng Dương.
Duyên nở nụ cười đắc ý, nàng tưởng tượng ra sự đau khổ mà Hạnh sắp phải chịu với nỗi hả hê trong lòng.
Trong lúc ấy, hai kẻ yêu nhau vẫn không hề hay biết gì về những âm mưu định làm hại tình yêu của họ. Tại nơi hò hẹn, hai người thân mật ngồi kề bên nhau, sung sướng cảm thấy tình yêu và hạnh phúc tràn trề trong tâm hồn.
Nhìn vào đôi mắt đẹp của người yêu, Dương âu yếm nói:
− Anh yêu em thật nhiều, Thúy Hạnh à!
Hạnh sung sướng ngả đầu vào ngực Dương, tha thiết đáp lại:
− Em cũng yêu anh thật nhiều!
Rồi họ trao nhau nụ hôn ngọt ngào hương yêu, nụ hôn cho họ phải lịm hồn đi trong giây lát. Hạnh vui sướng nói:
− Chưa bao giờ em cảm thấy hạnh phúc cho bằng lúc này, nhưng không hiểu sao em lại thấy lo lắng cho ngày mai.
− Vậy là em vẫn chưa tin ở tình yêu của anh sao?
− Em tin, hoàn toàn tin tưởng ở anh.
− Vậy em còn lo sợ gì nữa chứ?
Nét buồn chợt vương trên gương mặt xinh đẹp của Hạnh.
− Em lo sợ tình yêu chúng mình không vượt qua được những khó khăn đang chờ đón. Anh là một bác sĩ tài cao, gia đình anh lại giàu sang danh giá, trong lúc em chỉ là cô gái quê, gia đình lại nghèo hèn. Làm sao ba má anh có thể chấp nhận em cho được.
Thanh Dương âu yếm vuốt ve bờ vai nhỏ nhắn của người yêu, giọng vỗ về:
− Sao em cứ lo sợ vẩn vơ như thế? Anh đã nói với em biết bao lần là anh yêu chỉ mình em và không hề nghĩ đến bất cứ điều gì khác, anh chắc chắn sẽ thuyết phục được ba má anh chấp nhận cưới em cho anh. Em hãy tin ở anh!
Hạnh hãy còn lo sợ:
− Em tin, nhưng lỡ ra...
Dương âu yếm ngắt ngang:
− Sẽ không có điều lỡ ấy đâu mà em phải lo. Thôi em hãy vui lên, chúng mình hãy tận hưởng những giây phút quí báu này.
Trước những lời ân tình của Dương, Hạnh lại quên hết những lo lắng để cùng người yêu đắm chìm trong hạnh phúc.
Đặt ly nước đã uống cạn xuống bàn, bà Tư nhỏ nhẹ:
− Hạnh à, má hỏi, con phải trả lời cho thực. Có phải con đã yêu thằng Dương?
Hạnh se sẽ gật đầu:
− Vâng, con và anh Dương đã yêu nhau.
Nét buồn thoáng hiện trên gương mặt già nua của bà Tư, rồi tiếng thở dài chợt thoát ra. Tất cả những điều ấy không khỏi khiến Hạnh phải áy náy:
− Má không bằng lòng cho con yêu anh Dương sao?
Bà Tư buồn bã lắc đầu:
− Không phải má không bằng lòng, mà chính là má lo cho con. Gia đình mình thấp kém so với gia đình thằng Dương, làm sao họ có thể chấp nhận cho được.
− Anh Dương nói với con là sẽ thuyết phục được gia đình ảnh.
− Đó là lời nói của thằng Dương, còn thực tế thế nào chưa thể biết được. Nếu ba má thằng Dương không chấp nhận, nó đâu thể làm gì hơn được.
Hạnh lặng buồn, quả thực lời bà Tư nói không phải không có lý, nhưng biết làm sao khi nàng đã yêu Dương bằng tất cả trái tim mình, nên chỉ còn biết tin tưởng và hy vọng.
Thấy Hạnh buồn, bà Tư cũng xốn xang trong lòng:
− Ấy là má nói phòng xa vậy thôi, chứ má cũng cầu mong cho mọi việc được tốt đẹp.
Hạnh vẫn còn thấy áy náy:
− Má đừng buồn con nghe!
Bà Tư nhẹ lắc đầu:
− Má nào có buồn vì con. Thực lòng má cũng rất quí thằng Dương, nhưng nếu con và thằng Hiệp đến được với nhau thì hay biết bao. Mà thôi, nói chuyện ấy làm gì nữa khi bây giờ con đã yêu thằng Dương. Có lẽ đó là sự sắp đặt của duyên phận.
− Con hiểu suy nghĩ của má, nhưng với anh Hiệp, con chỉ có thể coi là bạn.
− Bởi thế nên má không hề ép buộc con bất cứ điều gì, má để con tự do lựa chọn. Nhưng dù có yêu, con cũng phải giữ ý tứ, đừng làm gì quá đáng mà phải mang tiếng đời dị nghị, bà con chê cười đó nghe.
− Con sẽ nhớ lời má dặn.
Hai mẹ con bà Tư đang lặng lẽ bên nhau thì Dương từ ngoài bước vào, chàng lễ phép cúi chào:
− Chào dì Tư.
Bà Tư niềm nỡ đáp lại:
− Chào cậu. Mời cậu ngồi chơi, uống nước. Con rót nước mời cậu Dương đi Hạnh.
− Cám ơn dì.
Để Dương và Hạnh tự do nói chuyện, bà Tư tế nhị đứng dậy:
− Cậu ngồi chơi, nói chuyện với con Hạnh nghe! Tôi vào trong nằm nghỉ một chút.
− Vâng, dì để con tự nhiên.
Còn lại hai người, họ nhìn nhau với ánh mắt chan chứa yêu thương. Tuy thời gian xa cách không là bao, song cả hai đều nhớ nhau thật nhiều, và giây phút gần gũi thế này thật là hạnh phúc.
Hạnh dịu dàng lên tiếng:
− Anh đến bất ngờ thế này chắc có chuyện gì muốn nói với em? Em nhớ là chúng mình hẹn mai sẽ gặp nhau mà.
− Anh cũng không quên nhưng bất ngờ có chuyện xảy đến nên anh phải đến em ngay.
Hạnh lo âu:
− Chuyện gì vậy anh?
− Anh vừa nhận được điện tín của ba anh từ Sài Gòn gởi xuống, nhắn anh về gấp.
− Bác có nói lý do vì sao không anh?
Dương nhẹ lắc đầu, nét mặt thoáng lo âu:
− Trong điện tín không thấy nói gì đến lý do gọi anh về, nên anh rất lo âu, không biết có chuyện chi đã xảy đến với gia đình. Anh định sáng mai sẽ về Sài Gòn sớm, nên đến đây từ giã em.
Hạnh không khỏi buồn bã khi người yêu sắp phải lìa xa, nhưng nàng cố đè nén để tỏ vẻ đồng tình với Dương:
− Anh quyết định như thế rất đúng! Cần phải về ngay để xem có chuyện chi đã xảy đến, lúc này chắc hai bác đang rất mong anh.
Dương không khỏi buồn trước giây phút phải tạm biệt người yêu:
− Phải xa em, anh rất buồn nhưng anh không thể không ra đi.
Hạnh nén buồn để làm an lòng Dương:
− Anh cứ an lòng trở lại Sài Gòn! Em sẽ một lòng chờ đợi anh trở lại.
Dương yêu thương vuốt ve bờ vai nhỏ nhắn của người yêu:
− Mai này anh đi rồi, em đừng buồn nha. Anh sẽ cố gắng lo toan mọi việc cho xong sớm, để mau chóng trở lại với em.
Thúy Hạnh buồn bã tựa đầu vào ngực Dương, nàng thỏ thẻ:
− Đừng bao giờ quên em, nha anh!
− Sẽ không bao giờ anh quên em đâu!
Trong nỗi buồn chia biệt, họ cứ ngồi mãi bên nhau như không muốn phải lìa xa. Nhưng rồi cuối cùng Dương cũng phải từ giã Hạnh để ra về.
Hạnh lưu luyến tiễn Dương, hai người buồn bã trao nhau nụ hôn tạm biệt. Họ cứ ngỡ trong bóng đêm không có ai có thể nhìn thấy, nên nụ hôn được kéo dài thật lâu. Nhưng thật không ngờ có một người thứ ba đã nhìn thấy tất cả, người ấy chính là Hoà Hiệp và chàng chỉ còn biết âm thầm đè nén nỗi khổ đau trong tim.
Suốt chặng đường về Sài Gòn, ruột gan Dương như có lửa đốt. Chàng mong mỏi cho mau về đến nhà để biết chuyện gì đã xảy ra.
Thanh Dương đoán phải có chuyện gì hệ trọng lắm, ba má chàng mới gởi điện khẩn, nhắn chàng về gấp đến thế. Mà cũng thật kỳ lạ! Tại sao ba má chàng không nói rõ lý do cho chàng biết, lại giấu kín để chàng phải phập phồng lo âu thế này? Hay đã có chuyện không lành xảy ra, nên ba má chàng muốn giấu.
Ý nghĩ này khiến Dương càng nóng ruột hơn nữa, chàng ước chi có đôi cánh để mau bay về đến nhà.
Cuối cùng rồi Dương cũng về đến ngôi nhà thân yêu của mình, chàng chạy ào vào nhà và nôn nóng hỏi, ngay khi nhìn thấy ba má chàng đang ngồi bên nhau trên ghế salon:
− Ở nhà đã xảy ra chuyện gì vậy ba má?
Ngược với vẻ lo lắng của Dương, ông bà Thanh Hùng lại cười thật tươi:
− À, con đã về đó hả Dương? Đi đường có mệt lắm không con?
Dương vẫn chưa hết lo âu, nên không trả lời mà hỏi lại:
− Con muốn biết chuyện gì đã xảy ra với nhà mình, đến nỗi ba má phải đánh điện kêu con về gấp?
Ông Thanh Hùng khoát tay:
− Tất nhiên phải có chuyện quan trọng, ba má mới kêu con về chứ. Nhưng con cứ an tâm đi! Đây là chuyện đáng mừng chứ không phải chuyện đáng lo đâu.
Dương nôn nóng:
− Cụ thể là chuyện gì vậy ba? Ba nói liền cho con nghe đi, con đang nóng lòng muốn nghe lắm đây.
Ông Thanh Hùng không trả lời mà lại bảo:
− Con mới đi xa về chắc đã mệt, hãy đi tắm rửa và nghỉ ngơi cho khoẻ, sau đó ba sẽ nói cho con biết rõ câu chuyện.
Thấy Dương còn chần chừ chưa chịu đi, ông Hùng nói tiếp:
− Nghe lời ba đi! Con có biết chuyện này trễ một chút cũng không thiệt hại gì đâu.
Bà Thanh Hùng cũng nói thêm:
− Ba má đã bảo đảm đây là chuyện vui mừng, nên con đừng lo lắng gì nữa. Hãy đi tắm rửa và nghỉ ngơi cho khoẻ đã.
Lời trấn an của hai ông bà đã làm Thanh Dương hết băn khoăn, chàng tươi cười nói:
− Vâng, con xin nghe lời ba má.
Chờ cho Dương đã đi vào trong, bà Thanh Hùng mới nhỏ giọng hỏi chồng:
− Ông thấy liệu kế hoạch mình sắp đặt có thành công không? Sao tôi thấy lo quá chừng!
Ông Hùng tỏ vẻ tự tin:
− Tôi đã suy nghĩ và tính toán rất kỹ, nên chắc chắn phải thành công. Bà không phải lo lắng gì cả.
− Vậy lỡ thằng Dương không chịu nghe theo lời mình thì sao?
− Chắc chắn nó phải nghe và làm theo, vì nó không còn cách nào khác nữa đâu.
Có lẽ đã an tâm nên bà Hùng không nói gì nữa, còn ông thì lặng lẽ suy tính.
Sau khi đã tắm rửa và nghỉ ngơi, Dương đi xuống phòng khách. Lúc này, chàng chỉ còn thấy có cha ngồi ở ghế salon. Nghe tiếng bước chân, ông Hùng ngước lên tươi cười:
− Nghỉ ngơi nãy giờ đã đỡ mệt chưa con?
Dương bước đến, ngồi xuống ghế đối diện với ba:
− Thực tình con không thấy mệt cho lắm.
− Ừ, con còn trẻ mà. Hồi ba ở vào tuổi con, ba cũng không biết mệt là gì.
Thắc thỏm muốn biết chuyện đã xảy ra, Dương vào đề ngay:
− Con đang chờ nghe ba kể lại câu chuyện vui mừng vừa xảy đên đây.
− Chuyện vui ấy là thế này. Vừa rồi, một trường đại học Y nổi tiếng ở Pháp có tổ chức một khoá bồi dưỡng đặc biệt trong thời gian một năm. Thấy đây là cơ hội tốt để con có thể học tập thêm, nhằm nâng cao kiến thức nên ba đã lo mọi thủ tục cho con đi học. Đó chính là lý do ba phải kêu con về gấp.
Nghe thế, thoạt đầu Dương vui mừng vì lâu nay chàng vẫn ước mong có cơ hội được học hỏi thêm để nâng cao kiến thức, nhất là ở một trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài. Nhưng rồi Dương lại băn khoăn khi chợt nhớ đến Thúy Hạnh. Tình yêu của chàng và Hạnh đang đượm nồng, nên làm sao chàng có thể xa nàng cho được.
Từ nãy giờ vẫn chăm chú quan sát con nên ông Hùng nhận thấy rõ nét băn khoăn, lo lặng hiện trên mặt chàng, nhưng ông vẫn lờ đi để nói tiếp:
− Con hãy chuẩn bị hành trang sẵn sàng, chín giờ sáng mai máy bay sẽ cất cánh đấy.
Thanh Dương muốn nhảy nhổm trên ghế vì sự đột ngột của chuyến đi:
− Sao mà gấp như thê hả ba?
− Vì chỉ còn hai ngày nữa là khoá học bắt đầu, ngày mai con sang Pháp, chuẩn bị chỗ ăn ở để nhập học là vừa.
− Sao ba không báo tin cho con biết sớm hơn?
− À, tại ba lu bu công chuyện nên quên. Với lại ba thấy con rất thích được đi du học,con lại không vướn bận gì nên có đi gấp gáp cũng không hề gì.
Dương lặng lẽ trong ưu tư, chàng không biết phải quyết định như thế nào, nên đi hay nên ở?
Tiếng ông Thanh Hùng lại vang lên:
− Ba thấy con có vẻ phân vân, không nhiệt tình với tin này. Hay là con không còn muốn đi du học nữa?
Dương ngập ngừng:
− Con...
Giọng ông Hùng nghiêm lại:
− Ba làm việc này vì sự tiến bộ của con. Ba không ép buộc con phải đi, nếu con không còn thấy thích. Nhưng ba muốn con biết điều này, ba đã tốn rất nhiều tiền để lo những thủ tục cho con. Ba không tiếc số tiền đó mà tâm nguyện của ba chỉ mong cho con được tiến bộ, nếu con muốn ba vui lòng thì hãy làm theo ý ba mong muốn.
Lâu nay, Thanh Dương vẫn là người con có hiếu, chàng không hề muốn làm điều gì khiến cha mẹ phải buồn. Thôi đành vậy! Cha chàng đã không ngại tốn kém tiền bạc và công sức để lo cho chàng đi du học, nên chàng đành phải vâng theo để khỏi phụ lòng cha. Còn tình yêu với Hạnh, chàng sẽ giữ mãi trong tim và hẹn ngày về sẽ cưới nàng làm vợ. Một năm rồi cũng sẽ mau chóng trôi qua.
Tiếng ông Thanh Hùng lại vang lên:
− Sao, bây giờ con có thể cho ba biết quyết định của con chứ?
Đã thầm quyết định nên Dương trả lời ngay:
− Vâng, con xin làm theo ý của ba.
Ông Hùng nở nụ cười mãn nguyện:
− Tốt lắm! Ba rất vui thấy con nghe theo lời ba. Thôi bây giờ con lo đi chuẩn bị hành trang cho kịp giờ sáng mai lên máy bay.
Thanh Dương lững thững trở về phòng riêng, tâm trí chàng lúc này dồn về nơi có người yêu đang ở. Biết được tin này, chắc Hạnh sẽ buồn lắm nhưng chắc nàng vẫn sẵn lòng để chàng ra đi, vì ắt hẳn nàng cũng mong cho chàng được tiến bộ. Chỉ buồn là chàng không được gặp nàng lần cuối, trước khi bay sang trời Âu.
Thôi cũng đành! Không gặp được người yêu, chàng đành phải viết thư kể rõ sự tình để Hạnh hiểu và hứa với nàng lời thuỷ chung, hẹn ngày về sẽ có một đám cưới thật vui.
Nhưng đến lúc lá thư đã viết xong, Dương mới sực nhớ là chàng không hề biết địa chỉ nhà Hạnh. Thế này thì làm sao lá thư đến được tay nàng? Suy đi nghĩ lại, cuối cùng Dương đành gởi lá thư cho Ngọc Duyên và nhờ nàng chuyển cho Hạnh.
Làm xong việc ấy, Dương cảm thấy an tâm phần nào. Nhưng có điều Dương không ngờ là lá thư ấy không bao giờ đến được tay Hạnh, vì Duyên đã xé nó tan nát ngay khi vừa nhận được.
Và còn một điều Dương không thể ngờ là việc đi du học của chàng chính là do cha mẹ chàng cố ý sắp đặt để chia cách chàng và Hạnh.
Một tuần, hai tuần rồi một tháng qua đi. Thời gian cứ lặng lẽ trôi trong nỗi chờ mong da diết của Hạnh, nàng mong chờ Dương trở lại vùng quê nghèo như lời chàng đã hứa trước lúc ra đi, nhưng càng chờ mong thì bóng chàng lại càng biền biệt, khiến nàng không khỏi bồn chồn, lo lắng.
Chẳng lẽ Dương đã quên nàng cùng với lời thề hẹn tình yêu ngày ấy, để yêu một người con gái thị thành khác? Không! Không thể như thế được! Thanh Dương không phải là người bội bạc để có thể mau chóng quên đi tình yêu và lời thề chung thủy cùng nàng. Nhưng nếu không vì bội bạc, tại sao Dương lại bặt tăm như thế chứ? Hay là chàng đã gặp chuyện chi không may?
Ý nghĩ ấy khiến Hạnh lo lắng vô cùng, nhiều lần nàng định đến gặp Duyên để hỏi thăm tin tức của Dương nhưng thấy thái độ đầy ác cảm của cô ta nên đành phải bỏ ý định ấy.
Cuối cùng, Hạnh chỉ còn biết cầu trời khấn Phật phù hộ cho Dương được an lành để chàng mau trở về với nàng.
Vừa buồn vì sự vắng tin của người yêu, Hạnh lại còn cảm thấy khó chịu vì ánh mắt của mọi người cứ chăm chú nhìn với vẻ xoi mói, mỗi khi nàng ra ngoài đường.
Thật kỳ lạ! Không hiểu tại sao mọi người lại xoi mói nàng như thế? Chẳng lẽ họ đang dị nghị nàng với Dương ư? Nhưng tình yêu giữa nàng và Dương hết sức trong sáng, nào có gì xấu để họ phải dị nghị.
Với suy nghĩ ấy, Hạnh cố gạt bỏ nỗi khó chịu và làm lơ trước những ánh mắt xoi mói và dường như cả những lời xầm xì sau lưng nàng.
Sáng nay, nhân trên dường đi công chuyện về, ngàng qua nhà Xuân Đào, Hạnh chợt nhận ra ý nghĩ vào thăm cô bạn thân.
Gặp Hạnh, Xuân Đào vui thật vui. Nàng kéo bạn ra ngày vườn cây ăn trái ở bên hông nhà, sau đó leo lên cây ổi hái những trái chín thảy xuống. Hai cô bạn thân vùa nhâm nhi những trái ổi ngọt, vừa thủ thỉ tâm sự với nhau.
Xuân Đào hất mặt, hỏi:
− Ê, mày đi đâu mà ghé tao vậy?
− Tao đi công chuyện, về ngang đây thấy nhớ mày nên ghé chơi.
Xuân Đào vờ thở hắt ra:
− Cũng may sáng nay có dịp đi ngang qua đây nên mày mới nhớ đến tao, chứ nếu không chắc mày đã quên tao tuốt luốt.
− Mày nói quá rồi, làm sao tao có thể quên mày cho được.
Xuân Đào cong môi:
− Không quên mà sao lâu nay không thấy mày đến nhà tao chơi?
Hạnh chống chế:
− Tại tao bận công chuyện chứ bộ.
− Công chuyện gì? Phải hẹn hò với anh chàng Dương không?
Hạnh cười, chối ngay:
− Không có chuyện ấy đâu.
Xuân Đào trề môi, dài giọng:
− Thôi đi, mày đừng có chối! Tao đã biết rõ chuyện mày với anh Dương rồi.
− Làm sao mày biết vậy Đào?
− Tao nghe mấy đứa bạn nói lại, mà mày cũng xấu lắm nghe Hạnh. Lẽ ra có người yêu, mày phải nói cho tao biết, chứ đâu có giấu kín như thế.
Hạnh vuốt ve:
− Mày thông cảm cho tao! Tại tao chưa gặp mày nên chưa kịp nói đó thôi.
Xuân Đào chợt tỏ vẻ quan tâm:
− Rồi chuyện tình yêu của mày với anh Dương lúc này đến đâu rồi?
Câu hỏi của Xuân Đào chợt gợi cho Hạnh nỗi buồn nhớ về người yêu, nàng nhỏ giọng trả lời:
− Tao và anh Dương đang hạnh phúc bên nhau thì ảnh có việc phải trở về Sài Gòn, đến nay chưa thấy trở lại như lời anh ấy đã nói. Tao đang mong anh Dương vô cùng!
Nghe thế, gương mặt Xuân Đào chợt nghiêm lại, còn ánh mắt lại nhìn xuống phía bụng Hạnh. Thấy thế, Hạnh không khỏi ngạc nhiên:
− Làm gì mà mày nhìn tao trân trối vậy Đào?
Xuân Đào không trả lời mà hỏi lại:
− Nè, chỗ bạn bè thân thiết, tao hỏi, mày phải trả lời cho thiệt nghe.
Mày đã có gì với anh Dương chưa?
Hạnh ngơ ngác vì không hiểu:
− Mày hỏi gì tao không hiểu, có gì với anh Dương là sao chứ?
Xuân Đào ngập ngừng một chút rồi mới trả lời:
− Có gì nghĩa là có... thây ấy.
Hạnh mắc cỡ, đánh mạnh vào vai bạn:
− Thiệt miệng mày đúng là ăn mắm ăn muối nên nói năng bậy bạ! Tao với anh Dương tuy yêu nhau nhưng luôn giữ tình yêu trong sạch, nên không hề co chuyện ấy đâu.
Xuân Đào nửa tin nửa ngờ:
− Mày nói thực đấy chứ?
Hạnh chắc giọng:
− Tao nói thực, không hề dối mày đâu. Mày hãy tin tao đi!
Xuân Đào vẫn tỏ vẻ phân vân:
− Mày là bạn thân của tao, nên tin thì chắc tao phải tin mày rồi, nhưng trong chuyện này tao thấy kỳ cục quá.
− Mày nói cái gì kỳ cục chứ?
− Chuyện dư luận ấy mà, thế mày không nghe thấy những lời bàn tán xầm xì của mọi người về mày sao?
Hạnh nhẹ lắc đầu:
− Tao không để ý, thế họ nói gì về tao vậy?
Xuân Đào ngạc nhiên kêu lên:
− Trời đất! Người ta nói ì xèo khắp nơi mà mày không hay biết chút gì, hèn chi mày cứ tỉnh như không. Nè, người ta đồn đại là mày đã có thai đấy.
Nghe thế, Hạnh sững sờ đến chết lặng cả người, nàng không tin những điều vừa được nghe lại là sự thực:
− Hả? Mày nói sao? Người ta đồn là tao có... thai à?
Xuân Đào nhìn bạn với ánh mắt ưu tư:
− Ừ, tao đã nghe người ta đồn thế đấy. Tao đang định chạy qua mày hỏi thăm để biết rõ hư thực, tao cũng không tin lắm vào lời đồn này. Vậy ra đây là tin bịa đặt à?
− Đúng, đây là tin bịa đặt. Tao thật không ngờ kẻ xấu nào đã ác độc tung ra cái tin này để bôi nhọ danh dự của tao. Kẻ nào làm việc này thật khốn nạn và độc ác!
Bây giờ hiểu rõ, Đào cũng thấy tức giận như Hạnh:
− Chắc chắn kẻ phao tin đồn có oán thù chi với mày, nên mới tàn ác như thế. Tao mà biết rõ đứa ngậm máu phun người ấy, tao sẽ ăn thua đủ với nó.
Hạnh lặng thinh, cơn tức giận trong lòng nàng đã đi qua nhuờng chỗ cho sự lo âu và khổ sở. Tuy nàng vẫn giữ được sự trinh bạch của người con gái nhưng bây giờ tiếng đồn đã lan rộng khắp nơi, nào ai biết được sự thực để tin vào sự trong trắng của nàng. Sự ác độc của kẻ đã tung ra tin đồn này là ở chỗ đó.
Cho đến tận lúc này, Hạnh mới hiểu tại sao người ta lại xoi mói nhìn và thường xầm xì sau lưng nàng. Tất cả cũng chỉ vì tin đồn ác độc này, không biết kẻ nào đã thù ghét nàng đến nỗi gieo tiếng xấu xa đến thế? Rồi đây nàng sẽ sống ra sao khi danh dự bị bôi nhọ, bị những ánh mắt khinh rẻ? Làm sao nàng còn đủ can đảm nhìn mặt mọi người?
Thấy Hạnh ngồi lặng buồn, Đào lại lên tiếng hỏi:
− Mày đã đoán được kẻ nào đã bịa đặt và tung ra cái tin đồn ác độc này không?
Những giọt nước mắt uất hận của Hạnh đã bắt đầu trào ra, nàng nhẹ lắc đầu:
− Tao không thể đoán được là ai.
− Mày cứ suy nghĩ và tìm trong số những người có ác cam với mày ấy, chắc chắn kẻ ném đá giấu tay phải nằm trong số đó.
Hạnh giơ tay lau nước mắt, nói như than thở:
− Từ hồi nào đến giờ, tao đâu làm điều gì hại đến ai. Vậy mà sao lại có người hằn thù tao cay độc đến thế?
− Mày không hại ai, nhưng có thể kẻ đó đã ghen tức khi thấy mày được điều gì đó hơn họ.
Thấy Hạnh buồn bã lặng thinh, Đào lại hỏi:
− Bây giờ mày tính sao với cái tin đồn ác độc này đây?
− Tao cũng không biết nữa, lúc này tâm trí tao đang rối như canh hẹ nên chẳng còn suy nghĩ được nữa. Mày nghĩ giùm tao đi!
− Tao thấy mày nên thanh minh cái tin bịa đặt đầy ác độc này, để cứu vãn lại danh dự.
Hạnh chán nản lắc đầu:
− Chắc không kết quả đâu. Vì tao chỉ có thể thanh minh với những người thân thiết và hiểu tao như mày, chứ làm sao tao có thể thanh minh với tất cả mọi người. Hơn nữa, cho dù tao có thanh minh với mọi người, chắc gì họ đã tin.
Đào thở dài:
− Vậy không lẽ mày khoanh tay cúi mặt, chịu những lời xầm xì tàn ác của dư luận sao?
Giọng Hạnh buồn thật buồn:
− Đành vậy thôi chứ biết sao được! Dù sao danh dự của tao cũng đã bị hoen ố, tao chỉ còn cách dùng thời gian để chứng tỏ sự thực với mọi người. Dần dần rồi họ sẽ hiểu tin đồn ấy là bịa đặt. Tao chỉ lo cho má tao, chẳng biết bà có thể chịu đựng nổi với cái tin đồn ác độc này không?
Đào suy nghĩ một chút rồi khuyên:
− Mày nên nói rõ mọi chuyện cho dì Tư nghe sớm để dì hiểu, nhằm tránh cơn sốc khi phải nghe đột ngột.
− Chút xíu nữa, tao sẽ nói cho má tao hay ngay. Thôi bây giờ tao phải về.
Đôi bạn thân đứng dậy, rồi cùng lững thững bước đi ra phía cổng, Đào dịu dàng an ủi:
− Chuyện đã thế này, mày không nên quá buồn phiền mà sinh bệnh thì khổ. Kẻ nào đó đã gieo tiếng ác cho mày, ắt có ngày có sẽ phải chịu sự quả báo.
Hạnh siết nhẹ bàn tay Xuân Đào, như có ý cảm ơn bạn đã thông cảm và an ủi mình. Đôi bạn chia tay nhau ở cổng, Hạnh buồn bã cắm cúi bước trên đường, còn Xuân Đào đứng lặng nhìn theo, lòng cảm thấy thương bạn vô cùng.
Trên đường về nhà, Hạnh cứ buồn bã bước đi. Tuy không có điều gì phải hổ thẹn nhưng nàng cũng không thể chịu đựng nổi ánh mắt xoi mói của những người gặp trên đường.
Lúc đi ngang qua quán chè chị sáu ở đường, Hạnh bước đi thật nhanh như tánh những ánh mắt xoi mói từ trong đó nhìn ra. Nàng hoàn toàn không hay biết có ba cô gái vừa vội vã rời quán để theo sau nàng. Ba cô gái ấy là Ngọc Duyên, Tố Uyên và Bích Phượng. Mãi đến khi những lời châm chọc cùng những tiếng cười khinh dể của họ vang lên sau lưng, Hạnh mới để ý đến.
Tố Uyên là người lên tiếng đầu tiên, cô ta nói với hai người bạn nhưng chủ ý là để cho Hạnh nghe thấy:
− Ê, hai đứa mày đã nghe tin động trời này chưa? Có một đứa lâu nay vẫn được mọi người ca tụng là ngoan hiền, là nết na đứng đắn. Ấy thế mà nó lại chửa hoang mới chết chứ. Té ra đến bây giờ mọi người mới biết rõ bộ mặt thật của nó là lẳng lơ, mất nết. Thiệt đúng là cháy nhà mới lòi mặt chuột mà!
Những lời ám chỉ đầy ác ý của Tố Uyên như lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim Hạnh, khiến nàng đau đớn vô cùng. Nhưng chưa hết, Uyên vừa nói xong thì Bích Phượng đã khinh khỉnh lên tiếng phụ hoạ:
− Tụi bây coi kìa! Đã chửa hoang mà còn không biết xấu hổ, lại còn hếch mặt lên giương giương tự đắc, cứ làm như mình đạo đức trong sạch lắm vậy. Thiệt thấy ghét quá đi!
Tiếng cười sắc lạnh và khinh bỉ của Ngọc Duyên vang lên, sau đó cô ta mới nói:
− Nè, hai đứa mày còn chưa biết con nhỏ ấy lẳng lơ, mất nết đến mức nào đâu. Gặp tên con trai nào tán tỉnh là nó đeo ngay lấy như đỉa vậy, có dứt ra cũng không được. Chính vì nhiều nhân tình quá nên bây giờ không biết tên nào là tác giả của cái bào thai ấy đấy.
Sau câu nói đầy khinh miệt, Ngọc Duyên và hai người bạn của cô ta cùng ồ lên cười khoái trá khiến Hạnh giận run cả người. Nàng thừa hiểu những điều xấu xa mà ba cô gái vừa nói chính là ám chỉ vào nàng.
Trong lúc không kềm được cơn tức giận, Hạnh không kịp suy nghĩ thiệt hơn gì nữa, nàng quay ngoắt người lại, chiếu ánh mắt giận dữ vào Duyên và hai người bạn của cô ta, rồi lớn tiếng hỏi:
− Này, mấy cô vừa nói ai là người lẳng lơ, đĩ thoả, ai là người chửa hoang đấy?
Bất ngờ gặp phản ứng của Hạnh, cả ba cô gái khựng lại và lặng lẽ nhìn nàng. Thấy không ai trả lời, Hạnh cười nhạt:
− Sao, không ai dám trả lời à? Lúc nãy tôi thấy mấy cô cười nói hăng lắm kia mà, sao bây giờ lại im lìm thế?
Tố Uyên đanh đá lên tiếng:
− Dám chứ! Cô chẳng là cái thá gì mà tụi tôi phải sợ cả.
Phượng lập tức hùa theo:
− Cô muốn biết tụi tôi nói ai là người lẳng lơ, mất nết và chửa hoang ấy hả? Người ấy đâu xa lạ gì, kẻ nào có tật thì kẻ ấy giật mình ngay à.
Nói xong, Phượng cười khẩy như muốn chọc tức Hạnh khiến nàng không kềm được nữa:
− Mấy cô hèn lắm! Chỉ dám nói sau lưng mà không có gan nói trước mặt, nếu có giỏi các cô nói thẳng trước mặt tôi đây nè.
Tố Uyên hung hăng:
− Cô nói cái gì? Tụi tôi mà hèn ấy hả? Còn khuya mới có chuyện đó.
Phượng đanh đá xỉa tay vào mặt Hạnh:
− Vì cô đã muốn nên tụi tôi nói luôn cho cô biết, người mà tụi tôi vừa nói khi nãy chính là cô đấy.
Hạnh uất đến nghẹn cả lời:
− Mấy người khốn nạn lắm! Chuyên bịa đặt ra những điều không có để vu khống cho kẻ khác. Mấy người ăn gian nói dối như vậy không sợ sẽ bị quả báo sao chứ?
Duyên khinh khỉnh chen vào:
− Cô lầm rồi, đâu phải chỉ mình tụi tôi nói những điều xấu hổ của cô, mà khắp vùng này ai nấy đều nói đến cả. Nếu bản thân cô không có những điều ấy thì làm sao người ta nói được chứ?
Hạnh gằn giọng:
− Đó là những kẻ khốn nạn đã ngậm máu phun người, gieo tiếng xấu cho tôi. Chúng làm điều ác nên chắc chắn chúng sẽ bị quả báo.
Tố Uyên nhảy đổng lên:
− Ê, mày chửi tụi tôi là khốn nạn hả? Thật tức cười, chính mày mới là kẻ xấu xa, khốn nạn đấy!
Phượng hung hăng kích cả bọn:
− Chẳng lẽ tụi mày đứng yên nghe nó chửi hả? Hãy đánh cho nó một trận xem nó còn chửi được nữa không.
Nói xong, Phượng định xấn tới đánh Hạnh, còn Tố Uyên và Duyên tỏ ý sẵn sàng hổ trợ. Đúng lúc Hạnh cảm thấy nguy vì phải đối phó với ba người cùng lúc thì một bóng người nhảy vào can thiệp, người ấy chính là Hoà Hiệp. Chàng nắm lấy cánh tay đang giơ cao của Phượng, lớn tiếng:
− Các cô định ỷ đông ăn hiếp người cô thế ư? Tôi không cho các cô tự do làm như thế đâu.
Phượng cáu kỉnh giằng cánh tay ra khỏi bàn tay của Hiệp, trong lúc Tố Uyên sừng sộ:
− Nè, chúng tôi đang giải quyết việc riêng, mắc mớ gì mà anh phải xía vào chứ?
Giọng hiệp thật nghiêm:
− Nếu các cô nói chuyện với Hạnh một cách ôn hoà và lịch sự, tôi không hề can thiệp vào. Nhưng vì các cô định ỷ đông để ăn hiếp bạn tôi, nên buộc tôi phải xía vào. Tôi không cho phép các cô làm bậy như thế!
Phượng chanh chua:
− Vì con nhỏ bạn của anh chửi tụi tôi là khốn nạn, nên tụi tôi mới phải đánh cho nó biết thân.
Hiệp cười nhạt:
− Bạn tôi lâu nay là người dịu hiền và thẳng thắn, nếu cô ấy có chửi các cô là khốn nạn thì ắt hẳn phải có lý do chính đáng.
Tố Uyên định lên tiếng thì Duyên đã cãi lại:
− Thôi bỏ đi mày! Coi như nãy giờ tụi mình cũng đã dằn mặt, chắc nó đã biết thân biết phận rồi.
Sau đó, Duyên ném về phía Hạnh tia nhìn căm ghét và khinh miệt:
− Tụi tôi bỏ qua chuyện này không phải vì sợ anh bạn của mày đâu, mà vì không muốn phải nhìn cái mặt xấu xa của mày nữa. Nhưng mày đừng vội hí hửng, anh Dương tao đã hiểu bản chất mày xấu xa nên không còn muốn quan hệ với mày nữa. Ảnh sẽ ở Sài Gòn luôn, không còn xuống đây nữa, mày đừng trông mong anh Dương trở lại.
Nói dứt lời, Duyên kéo hai người bạn bỏ đi một nước. Hạnh uất ức nhìn theo, lòng sôi lên nỗi tức giận. Cho đến lúc này, nàng đã đoán được Ngọc Duyên và hai người bạn của cô ta chính là những kẻ đã phao tin đồn bậy bạ để làm mất danh dự của nàng.
Cũng có thể chính Duyên đã bịa ra những chuyện không hề có để nói xấu nàng với Thanh Dương. Vì tin vào những chuyện ấy, Dương đã cắt đứt tình yêu với nàng và không còn trở lại nơi đây như lời chàng đã hứa.
Ý nghĩ ấy khiến Hạnh buồn muốn khóc, vậy là nàng đã thực sự mất tình yêu và người yêu mãi mãi. Thanh Dương ơi! Sao anh lại tin vào những lời bịa đặt của Ngọc Duyên mà từ bỏ em? Em không phải hạng người xấu xa như Duyên đã gieo tiếng ác cho em đâu. Trước sau em chỉ yêu và chung thủy với anh.
Thấy Hạnh cứ mãi đứng lặng yên, Hiệp khẽ lên tiếng nhắc nhở:
− Mình về thôi em.
Hạnh sực tỉnh, vội gật đầu:
− Mãi suy nghĩ, em quên khuấy đi mất.
Hai người chậm rãi bước bên nhau trên con đường làng. Hạnh dịu dàng lên tiếng:
− Cám ơn anh đã giúp em.
Hiệp tỏ ý không hài lòng:
− Là chỗ bạn bè thân thiết, em nói làm chi hai tiếng cám ơn cho khách sáo. Chẳng qua thấy em bị mấy con nhỏ ấy ăn hiếp, anh đâu thể không bênh vực. Mà anh cũng thấy phục em đó, một mình dám đối mặt với ba người. Bộ em không sợ tụi nó xúm vào đánh thiệt sao?
Bây giờ nghĩ lại em thấy sợ, nhưng lúc ấy em không hề thấy sợ chút nào. Có lẽ khi danh dự bị xúc phạm, người ta không còn biết sợ hãi là gì nữa.
Hiệp thắc mắc:
− Khi nãy, em đã chửi ba con nhỏ ấy là khốn nạn thiệt hả?
− Thiệt chứ! Vì quả thực chúng khốn nạn, xứng đáng với lời chửi ấy.
− Em có lầm không đấy?
− Không lầm đâu. Qua cuộc cãi vã, em đoán ba con nhỏ ấy chính là kẻ đã ném đá giấu tay. Chính chúng đã tung những tin bịa đặt để bôi nhọ danh dự của em. Chắc anh đã nghe thấy những tin đồn ấy chứ?
− Anh có nghe.
− Vậy anh có tin những điều ấy là sự thực không?
− Có những điều anh không hề tin, vì biết ngay đó là sự bịa đặt. Vì lâu nay anh đã sống gần bên em, anh hiểu con người em thế nào mà.
− Ý anh muốn nói đến những điều gì?
− Điều bịa đặt em là cô gái lăng loàn và mất nết, dù ai có nói thế nào, anh cũng không bao giờ tin vào điều ấy.
Chưa thoả mãn, Hạnh lại thắc mắc:
− Còn một tin bịa đặt nữa mà anh không nhắc đến, chẳng lẽ anh tin điều ấy có thực sao?
Hiệp lúng túng:
− À... à... điều ấy hả? Anh cũng không hề tin.
Thuý Hạnh nghi ngờ:
− Anh nói không đúng lòng anh. Hãy nói thực cho em biết đi!
− Đúng là với tin đồn ấy, anh còn nửa tin nửa ngờ.
Hạnh có vẻ buồn:
− Như vậy là anh đã có tin một phần, tại sao anh lại tin chứ?
Hiệp thở dài:
− Vì anh nghĩ trong khi yêu nhau, người ta thường không tiếc gì với nhau. Thế nên nếu có điều ấy xảy ra, cũng là... hợp lý thôi.
Hạnh buồn thật buồn, Hiệp là người bạn thân nhất của nàng mà còn tin vào điều ấy, huống chi những người khác.
Giọng ái ngại của Hiệp lại vang lên:
− Anh xin lỗi đã làm cho em phải buồn, nhưng em cần phải biết là anh rất thông cảm với em. Nếu điều ấy có thực sự xảy ra đi nữa, anh vẫn sẵn sàng chia sẽ với em.
Cố nén nỗi buồn, Hạnh hỏi thử:
− Anh chia sẽ với em bằng cách nào chứ?
− Bằng cách sẵn sàng nhận là... cha đứa bé và cưới em làm vợ.
Hạnh cay đắng:
− Em hiểu suy nghĩ của anh. Kể ra anh cũng có lòng tốt muốn giúp cho em. Em cám ơn anh về lòng tốt ấy, nhưng em không cần đến sự giúp đỡ của anh. Em không hề có thai như người ta đồn, đó cũng chỉ là một trong những tin bịa đặt đầy ác ý nhằm bôi xấu em.
Hiệp ngỡ ngàng nhìn Hạnh:
− Thực vậy sao?
− Đó là sự thực. Anh hãy tin là cho đến tận phút giây này, em vẫn còn là một cô gái trinh bạch. Tuy yêu, nhưng em vẫn giữ cho mình sự trong sạch.
Hai người không ai nói thêm điều gì nữa, họ lặng lẽ bước rồi sau đó chia tay nơi con đường mòn dẫn vào nhà Thúy Hạnh.
Về đến nhà, Hạnh lo lắng khi thấy mẹ nàng đang nằm trên giường nên vội chạy lại thăm hỏi:
− Má bị sao vậy? Bộ má mệt hả?
Bà Tư quay mặt ra, Hạnh lại càng hoảng hốt khi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo của mẹ nàng.
− Sao má lại khóc vậy? Đã có chuyện gì xảy ra hả má?
Bà Tư lên tiếng, giọng thật thê thiết:
− Thúy Hạnh, má thiệt không ngờ con lại hư hỏng đến thế! Con làm má phải xấu hổ với mọi người, từ nay má còn mặt mũi nào để nhìn ai nữa chứ?
Hạnh nhìn mẹ mà lòng đau đớn vô cùng, thì ra bà buồn khổ cũng chính vì nàng:
− Thì ra má đã nghe thấy những tin đồn về con phải không má?
− Cái tin này đã tràn lan khắp xóm, người nào gặp má cũng đều nhắc đến với nụ cười mỉa mai chế giễu và vẻ khinh miệt. Hạnh ơi! Con đã làm nhục má và nhục cả vong linh ba con. Lâu nay nhà mình tuy nghèo, nhưng vẫn có tiếng thơm. Bây giờ con lại làm mất đi tiếng thơm ấy, từ nay tiếng đời sẽ mãi dị nghị, làm sao má có thể chịu đựng được điều sỉ nhục ấy chứ?
Nói dứt lời, những giọt nước mắt đau đớn của bà Tư lại tiếp tục lăn dài xuống đôi má đã nhăn nheo, khiến Hạnh thêm đau lòng. Nàng vội thanh minh:
− Con xin má đừng vội tin, vì đó chỉ là những điều do một số người xấu bịa đặt ra để hòng ôi nhọ danh dự của con, chứ sự thật không hề có đâu má.
Bà Tư nửa tin nửa ngờ:
− Con nói sao? Chuyện con có thai hoàn toàn không phải là sự thực à?
− Vâng. Con xin thề với má là không có điều ấy. Tuy yêu anh Dương, nhưng lúc nào con cũng giữ cho mình sự trinh bạch. Con và anh Dương chưa một lần vượt qua ranh giới của lễ giáo, thì làm sao có thể mang thai cho được.
Bà Tư nhìn sâu vào mắt Thúy Hạnh như dò xét, sau đó có lẽ an lòng về sự thành thực của nàng nên bà nhẹ thở ra:
− Má tin con không dối má, nhưng má không hiểu sao bỗng dưng lại có người bịa đặt ra những chuyện ấy để hại con chứ?
− Con đoán là vì họ căm ghét con, không muốn cho cuộc sống của con được hạnh phúc nên họ phải làm hại thanh danh con bằng cách ấy.
Giọng bà Tư đầy căm phẫn:
− Má thấy những kẻ ấy thực là tàn ác! Đối với một người thì danh dự thật là cao trọng, vậy mà họ nỡ dựng chuyện để bôi nhọ và làm mất danh dự của kẻ khác. Làm điều ác như thế mà họ không sợ bị quả báo ư?
− Con tin rồi sớm muộn gì những kẻ xấu ấy sẽ bị quả báo, vì lưới trời lồng lộng sẽ không bỏ qua cho họ.
Bà Tư buồn bã thở dài:
− Thiệt đúng là tai bay vạ gió! Đang tự nhiên, má con mình lại bị mang tiếng mang tai. Bây giờ khắp nơi người ta đều nghe thấy cái tin ác độc về con. Rồi họ sẽ chê cười và khinh miệt má con mình vì tin vào lời đồn ấy, chứ nào có ai hiểu rõ sự thực mà thông cảm cho mình được.
Hạnh lặng buồn, càng lúc nàng càng thấy thấm thía sự ác độc của cái tin bịa đặt do Ngọc Duyên và đám bạn cô ta tung ra. Chẳng những nó làm mất danh dự của nàng, mà còn tạo ra tiếng đời dị nghị chẳng biết đến bao giờ có thể phai.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc này chính do nàng mà ra, nếu nàng không có mối quan hệ yêu đương với Thanh Dương, ắt hẳn Ngọc Duyên và đám bạn của cô ta không căm ghét để làm hại nàng. Hạnh cảm thấy ân hận vì chẳng những nàng mất Thanh Dương và tình yêu, mà còn không giữ được danh dự cho mình.
Với giọng đầy hối tiếc, Hạnh lên tiếng:
− Tất cả chuyện này là do con gây ra. Vì con mà má phải chịu những điều nhục nhã, con xin má hãy tha tội cho con!
Bà Tư yêu thương nhìn Hạnh:
− Cũng không phải hoàn toàn lỗi do con, mà chính má cũng có phần lỗi trong đó. Phải chi trước đây má cương quyết cản ngăn con quan hệ với thằng Dương thì đã không xảy ra chuyện, đằng này vì thương con nên má đã nhắm mắt làm ngơ. Phải chi hồi đó con nghe lời má mà thương thằng Hiệp thì mọi chuyện sẽ tốt biết bao.
Nói xong, bà Tư buồn bã thở dài, còn Hạnh buồn vô hạn. Không biết nghĩ gì mà bà Tư bất chợt hỏi:
− Trước khi trở về Sài Gòn, thằng Dương có nói gì với con không?
Hạnh thành thực:
− Anh Dương chỉ nói sau khi lo xong công việc, ảnh sẽ trở xuống đây ngay.
− Vậy mà đã ba tháng trôi qua, nào có thấy thằng Dương quay trở lại. Chắc lúc này nó đã quên con vì coi tình yêu với con chỉ là trò giải trí khi về nơi đây.
Hạnh cố bào chữa cho người yêu:
− Con không tin anh Dương là người như thế đâu má, có lẽ đã xảy ra chuyện gì đó nên anh Dương mới không giữ đúng lời hẹn với con.
Bà Tư bất bình kêu lên:
− Trời ơi! Cho đến tận lúc này mà con vẫn còn mê muội tin vào lời hứa hươu hứa vượn của thằng Dương ư? Má tin chắc không có chuyện gì xảy ra với nó cả, chỉ là nó đã bỏ con thôi.
Không muốn mẹ phải thêm phiền muộn, Hạnh im lặng không nói gì thêm. Hai mẹ con lặng lẽ bên nhau, thỉnh thoảng bà Tư lại buông tiếng thở dài buồn bã.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, nhưng cuộc sống của bà Tư và Hạnh đã không còn được êm đềm và hạnh phúc như trước. Tuy trong sạch nhưng bị mang tiếng oan, nên hai người hết sức mặc cảm và nhục nhã trước ánh mắt chê bai và những lời đàm tiếu của mọi người mỗi khi bước chân ra khỏi nhà.
Chính vì nỗi nhục ấy mà bà Tư buồn khổ rồi sinh bệnh, ngày ngày chỉ còn biết nằm một chỗ, lặng lẽ khóc. Hạnh thương mẹ lại càng thấy mình có lỗi, nàng lo cho mẹ không chịu đựng được sự dị nghị của dư luận, nên có thể phiền não mà lâm bệnh nặng. Thế nên nàng phải tìm cách đưa mẹ thoát ra khỏi hoàn cảnh đầy nghiệt ngã này.
Sau những lần suy tư đến muốn nát óc, Hạnh đã tìm ra mtộ phương cách đó là bán nhà và đưa mẹ đến một nơi khác sinh sống. Chỉ có cách chạy trốn khỏi nơi này, hai mẹ con nàng mới có thể tìm được sự an bình cho cuộc sống.
Phải rời bỏ căn nhà thân yêu đã che nắng che mưa cho gia đình nàng biết bao năm nay, Hạnh buồn lắm nhưng nàng đâu còn cách nào khác. Thanh Dương cũng bặt tin sáu tháng nay, nên Hạnh càng thêm tin là chàng đã quên nàng. Nên nàng có chờ đợi chàng quay trở lại nơi đây cũng chỉ là vô vọng.
Sau khi đã có quyết định dứt khoát, Hạnh đem ý nghĩ của mình nói lại với mẹ:
− Má à, con có chuyện quan trọng muốn nói với má.
Bà Tư đang nằm trên giường, quay mặt vào trong. Nghe thế, bà liền quay ra, mệt nhọc hỏi:
− Có chuyện gì vậy con?
Hạnh buồn bã ngồi xuống bên giường:
− Mấy ngày nay con đã suy nghĩ rất nhiều, và thấy nơi đây không còn thích hợp với cuộc sống của má con mình nữa. Nếu cứ tiếp tục ở nơi đây mãi, con sẽ phải buồn khổ hoài còn má thì ngày càng héo hon vì phiền muộn.
− Vậy con định làm gì?
− Con định xin phép má cho con bán căn nhà này, rồi má con mình sẽ đi đến một nơi thật xa để sinh sống. Con thấy chỉ có cách ấy má con mình mới có thể sống yên ổn được.
Bà Tư lặng yên như suy nghĩ, mấy phút sau bà mới lên tiếng:
− Đành phải thế thôi, chứ xa căn nhà thân yêu và nơi sống quen thuộc này, má thấy lưu luyến vô cùng nhưng má con mình không còn cách lựa chọn nào khác. Má đồng ý với suy nghĩ của con. Vậy con hãy tìm người mà bán nhà đi.
− Mọi chuyện con sẽ lo liệu chu đáo, má cứ an tâm nghỉ ngơi!
Hạnh định đứng dậy thì bà Tư chợt nhớ ra điều gì đó:
− Con khoan đi đã, má còn một chuyện muốn nói với con.
− Có chuyện chi, xin má cứ nói.
− Hôm qua, lúc con đi lo công chuyện, thằng Hiệp có đến đây thăm má. Nó nói là nó vẫn còn rất thương con và xin má chấp nhận cho nó được cưới con làm vợ. Thực lòng má rất muốn nhận lời, vì sau bao chuyện xảy ra mà nó vẫn không thay lòng đổi dạ với con, chứng tỏ nó thương con thực tình chứ không môi miệng như kẻ khác. Vậy ý con thế nào hả Hạnh?
Hạnh chán nản, tìm cách thoái thác:
− Lúc này con không còn tâm trí đâu để nghĩ đến chuyện ấy nữa má.
Bà Tư tỏ ý không hài lòng:
− Con nói gì kỳ vậy? Con gái lớn lên sớm muộn cũng phải lấy chồng, nay có người thương yêu, sao con lại không nghĩ đến chứ? Hay là con vẫn còn yêu thương thằng Dương, mong nó sẽ trở lại với con?
− Má đừng nhắc đến anh Dương nữa! Sáu tháng nay con đã bặt tin ảnh, nên không còn nghĩ anh ấy sẽ trở lại đây nữa đâu.
− Vậy vì sao con không ưng thằng Hiệp?
Hạnh tránh né câu hỏi của mẹ:
− Lúc này mọi việc còn rối rắm, con chưa muốn lấy chồng. Đợi đến lúc cuộc sống má con mình ổn định, con sẽ nghĩ đến điều ấy.
− Nhưng đến lúc ấy, liệu có người nào thương con thực tình như thằng Hiệp không?
− Má đừng quá lo lắng về chuyện ấy! Người tốt trên đời này không phải ít, nếu con có phúc có phần thì sẽ gặp duyên phận của mình.
Bà Tư thở dài:
− Má không biết phải nói với con thế nào nữa đây? Người thương mình trước mắt không ưng, lại chờ mong phúc với phần.
Hạnh cười để khoả lấp:
− Thì má đừng suy nghĩ đến chuyện này nữa, cứ để cho con được tự quyết định.
Câu chuyện giữa hai mẹ con đến đó là tạm ngưng, và Hạnh đã quên ngay sau đó. Nàng còn quá nhiều việc để lo toan, nên không muốn vướng bận bởi chuyện hôn nhân với Hiệp.
Hạnh quên nhưng Hiệp vẫn luôn ôm ấp trong tim một tình yêu tha thiết với nàng, chàng đã một lần khổ đau và tuyệt vọng khi ngỡ đã mất nàng mãi mãi, nhưng mà chuyện lại đổi thay và chàng vẫn còn hy vọng. Lần này, Hiệp quyết không để cho tình yêu vuột khỏi tay chàng một lần nữa. Chàng sẽ làm tất cả những gì có thể làm, để có được nàng trong cuộc đời của mình.
Mấy ngày sau, Hiệp đến tìm Hạnh trong lúc nàng đang bận nấu cơm chiều. Hạnh tươi cười hỏi han:
− Anh Hiệp đã nấu cơm chưa?
Hiệp nhẹ lắc đầu:
− Anh chưa nấu.
− Vậy chút anh ở lại ăn cơm với má con em nhé.
− Rất sẵn lòng, nhưng anh chỉ ngại sẽ thiếu cơm. Không khéo em hoặc dì Tư sẽ đói vì phải nhường cơm cho anh đấy.
Hạnh cười, dịu dàng:
− Anh an tâm, sẽ không hề có chuyện ấy đâu, vì bữa cơm nào em cũng nấu dư chút đỉnh. Vả lại lúc này má em yếu nên ăn không được bao nhiêu.
Hiệp không nói gì, chỉ lặng nhìn Hạnh. Bên bếp lửa, hai má nàng ửng hồng trông thật xinh đẹp, khiến Hiệp càng thêm yêu thương. Hơn bao giờ hết, ước muốn được chiếm hữu nàng làm của riêng cho mình càng thêm cháy bỏng. Và Hiệp quyết tâm thực hiện ý định ấy.
Hiệp lấy thanh củi đẩy vào bếp, rồi khẽ hỏi:
− Em định bán nhà sao Hạnh?
− Vâng. Đã đến lúc má con em thấy không thể chịu đựng nổi sự dèm pha của dư luận nơi đây, nên đành chọn cách bán nhà và dọn đi nơi khác ở cho yên thân. Chắc mẹ em nói với anh điều này phải không?
− Dì Tư chưa nói gì cả. Anh biết được điều này qua bà Tám, người mà em đã bán nhà đấy.
− Vậy nhân đây em nói lời tạm biệt với anh. Chuyện nhà cửa em và bà Tám đã thương lượng xong, chỉ còn chờ giao nhà là má con em đi. Anh Hiệp ở lại mạnh giỏi.
Hiệp có vẻ buồn:
− Em nói lời tạm biệt với anh mà không chút lưu luyến gì sao?
− Em cũng buồn khi phải lìa bỏ nơi đây và mất đi tình bạn với anh, nhưng hoàn cảnh không còn cho em cách lựa chọn nào khác hơn.
Thấy Hạnh cứ lẩn tránh mình, Hiệp lại càng thêm buồn:
− Anh nghĩ vẫn còn có cách, chỉ là do em không muốn mà thôi.
Hạnh im lặng, nàng hiểu Hiệp muốn nhắc đến việc chàng muốn cưới nàng làm vợ. Nhưng với việc ấy thì Hạnh không muốn.
Không nghe Hạnh nói gì, Hiệp đành nói thẳng:
− Trong một lần anh đến thăm dì Tư, anh đã thưa với dì ý nguyện của anh và được dì thông cảm, nay nhân cơ hội này anh muốn hỏi em. Chắc em cũng biết là anh rất yêu em và mong muốn được cưới em làm vợ. Vậy em nghĩ thế nào về đề nghị của anh?
Hạnh bối rối, nhưng nàng trấn tĩnh lại ngay. Nàng biết trước sau gì Hiệp cũng sẽ đặt vấn đề với nàng, dù soa cũng một lần phải trả lời cho thẳng thắn:
− Vì anh đã hỏi, nên em sẽ thành thực trả lời anh. Em không thể nhận lời làm vợ anh được.
Giọng Hiệp buồn và đầy thất vọng:
− Tại sao vậy Hạnh? Phải chăng vì em vẫn chưa quên được Thanh Dương?
− Anh Dương bây giờ đã là người của dĩ vãng, em xin anh đừng nhắc đến anh ấy nữa.
− Nếu vậy là vì lý do gì mà em từ chối anh?
Thuý Hạnh thẳng thắn:
− Vì em chưa yêu anh, nên không thể làm vợ anh được.
Giọng Hiệp đầy thiết tha:
− Anh không đòi em phải yêu anh ngay. Em hãy cứ nhận lời làm vợ anh, rồi sau này dần dần em sẽ yêu anh sau, hoặc không yêu cũng được. Với anh, chỉ cần có được em là đủ.
Hạnh phản đối ngay:
− Em không chấp nhận cuộc sống mà anh chỉ chiếm hữu em như chiếm hữu một đồ vật, em muốn làm một người vợ với tình yêu nồng nàn dành cho chồng.
Hiệp buồn bã thở dài:
− Em hiểu sai ý anh rồi. Không phải anh có ý chiếm hữu em như một đồ vật đâu, mà chẳng qua anh sợ mất em nên muốn có em hiện diện bên cạnh anh, còn tình yêu của em dành cho anh thì anh sẵn sàng chờ đợi cho đến khi em có thể yêu được anh.
− Tình yêu có được do sự rung động từ trái tim, chứ không phải cứ trải qua thời gian là có được. Thế nên em không thể theo cái cách thành vợ chồng trước rồi chờ tình yêu đến sau của được anh. Vì lỡ ra mãi mãi nơi trái tim em không thể nảy sinh tình yêu dành cho anh thì sao?
Hiệp buồn bã thở hắt ra:
− Thôi được, nếu em không chấp nhận lời đề nghị của anh thì anh đành phải kiên nhẫn chờ đợi, cho đến khi nào em có thể chấp nhận tình yêu của anh.
Một chút cảm động chớt lướt qua tâm hồn Thúy Hạnh, quả thực tình yêu của Hiệp dành cho nàng thật chân tình nhưng tiếc là nàng chưa thể đáp lại.
− Anh đừng mất công chờ đợi em, vì biết đến bao giờ em mới có thể đáp lại tình yêu của anh. Vả lại, anh và em sắp phải xa nhau. Mỗi người ở một phương trời, nên sự chờ đợi của anh chỉ là vô vọng. Anh hãy nghe em mà hướng tình yêu vào một cô gái khác có đủ khả năng đem lại hạnh phúc cho anh, còn em thì anh hãy quên đi!
Hiệp buồn bã kêu lên:
− Anh đã yêu em tha thiết nên không thể nào quên em được. Ngoài em ra, không ai có thể đem hạnh phúc đến cho anh được. Anh sẽ theo bước chân em và chờ đợi, dù em có đi đến tận gốc biển chân trời nào, anh cũng sẽ theo em đến cùng.
Hạnh se sẽ lắc đầu:
− Anh không nên làm như thế, vì sẽ chẳng có lợi gì cho anh đâu. Vả lại, em không xứng đáng để anh phải mất công như thế.
Mặc cho Hạnh từ chối, Hiệp vẫn khăng khăng với ý định của mình:
− Dù em có chối từ, anh vẫn cương quyết làm theo suy nghĩ của anh. Ngay ngày mai, anh sẽ tìm người để bán nhà và chuẩn bị sẵn sàng để cùng em và dì Tư lên đường.
− Anh làm như thế thực à?
− Thực chứ. Để rồi em sẽ thấy.
Hạnh thở dài:
− Nhưng tội tình gì mà anh phải làm như thế chứ? Anh đang sống yên lành nơi đây, lại bỏ tất cả để sống cuộc sống long đong?
− Tất cả vì anh yêu em, anh muốn được gần gũi bên em. Vả lại, anh nghĩ những ngày sắp đến sẽ thật khó khăn đối với em và dì Tư, nên anh muốn theo để giúp đỡ.
− Nhưng nếu lỡ sau này em không hề yêu anh mà lại yêu một người khác và nhận lời làm vợ người ấy, khi ấy anh sẽ mất cả chì lẫn chài đấy.
Hiệp cười:
− Cũng chẳng sao cả. Nếu em không thể chấp nhận anh là chồng em, anh vẫn vui lòng với tình bạn nơi em. Như thế là anh thấy mãn nguyện lắm rồi.
Lại thêm lần nữa, Hạnh cảm động vì tình yêu chân thành và không hề tính toán của Hiệp dành cho nàng. Tuy nhiên, nàng vẫn không muốn Hiệp phải mất công vì nàng đến thế. Nhưng ngăn cản bằng cách nào nữa đây, khi Hiệp đã khăng khăng với quyết định của mình, nên Hạnh chỉ còn biết để mặc cho Hiệp muốn gì thì làm theo ý muốn của chàng.
Sau khi giao nhà cho người chủ mới, Hạnh đưa mẹ về thành phố và tìm mua được căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo. Cùng đi với hai mẹ con nàng còn có một bạn đồng hành bất đắc dĩ, đó chính là Hiệp. Tuy không hề muốn Hiệp phải mất công vì mình nhưng do chàng cứ khăng khăng đòi theo, nên Hạnh phải chấp nhận.
Trong lúc ấy Hạnh cảm thấy áy náy vì việc đi theo của Hiệp, thì bà Tư lại rất vui thích. Bà càng thấy chắc chắn hơn nữa về tình yêu chân thành của Hiệp dành cho Hạnh, và bà tự hứa với lòng sẽ tìm mọi cách để vun vén cho tình yêu của Hiệp được trọn vẹn.
Trên đường đi, Hiệp đã hết lòng giúp đỡ hai mẹ con bà Tư. Dẫu sao có chàng đi cùng, Hạnh và bà Tư cũng bớt lo âu và sợ hãi khi rời bỏ nơi ở quen thuộc để đến một nơi xa lạ.
Mặc dù bà Tư và Hạnh đã mời Hiệp cùng ở chung nhà với hai người, nhưng chàng đã từ chối và mua một căn nhà nhỏ ở gần đấy để ở. Hiệp thấy dù sao như thế vẫn tiện hơn cho chàng.
Sau khi đã ổn định chỗ ở, Hạnh và Hiệp bắt đầu nghĩ đến chuyện sống. Vì không có nghề nghiệp gì nên Hiệp thấy khó có thể xin được việc làm trong các công sở hay xí nghiệp, nên chàng mua một chiếc xích lô để chở khách, kiếm sống qua ngày.
Về phần Thúy Hạnh vì còn phải chăm sóc mẹ, nên nàng đã sắm cho mình một gánh chè, để chiều chiều gánh dạo đi khắp nơi bán. Ban đầu, cuộc sống có khó khăn vì phải bươn chải, nhưng dần dần rồi Hiệp và Hạnh cũng quen.
Chiều nay cũng giống như nhiều buổi chiều khác, Hiệp đạp xích lô đến nhà Hạnh để chở nàng và gánh chè ra khu trung tâm thành phố. Bán dạo ở nơi ấy, gánh chè của Hạnh thường hết sớm.
Dừng chiếc xích lô trước cửa nhà, Hiệp đi vào và lễ phép chào bà Tư:
− Thưa dì Tư, con mới qua. Hôm nay dì Tư khoẻ chứ?
Bà Tư cười hiền hậu, ánh mắt đầy trìu mến:
− Dì thấy cũng dễ chịu, con qua chở con Hạnh đi bán đấy hả?
− Vâng, con qua đưa em Hạnh đi.
− Con thực là người có tình có nghĩa! Thực lòng dì Tư rất thương con, mong cho con và Hạnh thành vợ thành chồng. Nhưng vì con chưa ưng, nên dì không thể bắt ép nó.
Hiệp cảm động đỡ lời:
− Con biết dì Tư thương con, muốn cho con được hạnh phúc. Nhưng hôn nhân là chuyện tự nguyện, không thể gượng ép. Thế nên con xin dì Tư cứ để Thúy Hạnh được tự do suy nghĩ và lựa chọn, con có đủ kiên nhẫn để chờ đợi.
Bà Tư tỏ vẻ hài lòng:
− Ừ, cứ cố gắng nhẫn nại là sẽ thành công. Người ta thường nói "nước chảy đá mòn " mà con. Thôi con xuống coi con Hạnh đã chuẩn bị xong chưa, nó ở dưới bếp ấy.
Hiệp chậm rãi đi xuống bếp và thấy Hạnh đang sắp xếp gánh chè. Chàng đến gần, dịu dàng hỏi:
− Còn việc gì cần làm nữa không? Để anh giúp một tay.
Hạnh ngước lên nhìn Hiệp, nàng cười rồi lắc đầu:
− Em đà sắp xếp đâu đó xong xuôi. Anh đến lâu mau rồi?
− Anh đến đã được một lúc, nãy giờ anh ngồi nói chuyện với dì Tư ở trên nhà. Bây giờ mới xuống coi em đã chuẩn bị xong chưa.
Hạnh đứng dậy, vẻ sẵn sàng:
− Mình đi được rồi đó anh.
Nhanh tay, Hiệp nắm lấy đòn gánh, nhấc gánh chè đặt lên vai:
− Em ra xe trước đi, để anh gánh gánh chè ra sau cho.
Hạnh ngần ngừ chưa chịu đi:
− Ai lại để con trai gồng gánh, kỳ chết! Thôi anh để em gánh cho, em gánh quen rồi.
Nhưng Hiệp không chịu buông gánh chè ra:
− Dù con trai hay con gái gánh cũng thế, có chi đâu mà kỳ!
Biết không thể cản Hiệp, Hạnh đành phải bước đi. Phía sau nàng, Hiệp cũng chậm rãi bước theo. Lúc ra đến nhà ngoài, bà Tư nhìn Hiệp rồi cười hiền hậu:
− Sao con không để con Hạnh gánh cho?
Hiệp chưa kịp trả lời, Hạnh đã nhanh miệng nói trước:
− Tại ảnh giành gánh đó má, con nói thế nào ảnh cũng không chịu để con gánh.
Hiệp cười, nói đùa:
− Dì Tư biết soa không? Vì con muốn tập gánh cho quen, để sau này lỡ không còn sức đạp xích lô, con sẽ sắm gánh chè đi bán dạo như Hạnh vậy.
Hạnh trề môi, nói đùa:
− Anh mà đi bán chè, chắc chắn sẽ bị ế dài dài.
− Chưa chắc à. Có khi gánh chè của anh lại bán đắt, mau hết hơn em đó nghe.
Bà Tư cười, nhìn theo dáng Hạnh và Hiệp đi ra ngoài đường. Bà thầm mong cho tình cảm sẽ nảy nở nơi Hạnh, để Hiệp có thể mau chóng trở thành con rể của bà.
Trong lúc ấy, trên con đường tấp nập xe cộ qua lại, Hiệp vừa đạp xe vừa sung sướng mơ đến một ngày Hạnh sẽ là vợ chàng. Lúc ấy, chắc cuộc sống của chàng sẽ hạnh phúc lắm!
Mãi thả hồn theo mộng mơ, Hiệp đã để chiếc xích lô xuýt va vào một chiếc xe đạp chạy cùng chiều, khiến Hạnh phải sợ hãi kêu lên:
− Í, coi chừng, anh Hiệp!
Tiếng kêu của Hạnh làm Hiệp sực tỉnh, chàng vội lách xe tránh chiếc xe đạp nên tai nạn đã không xảy ra. Hạnh quay lại nhìn anh với ánh mắt lo lắng:
− Bộ anh mệt hở anh Hiệp?
Hiệp cười, lắc đầu:
− Không, anh vẫn khoẻ, có mệt gì đâu.
− Vậy sao anh chạy lạng quạng, sém chút nữa là đụng phải xe đạp rồi.
Hiệp thành thực:
− Tại anh mãi nghĩ đến một điều thật thú vị, nên mới mất sự chú ý. Cũng may là em đã kịp thời báo động, chứ không thì nguy to rồi.
Hạnh tò mò:
− Điều thú vị ấy thế nào khiến anh phải lơ đãng vậy?
− Anh đã mơ đến một ngày em sẽ nhận lời làm vợ anh. Ngày ấy chắc chắn sẽ là ngày vui sướng và hạnh phúc nhất đời anh.
Hạnh làm thinh, nhưng trong lòng chợt thấy cảm động. Tình yêu của Hiệp dành cho nàng luôn tha thiết và nông thắm, có lẽ cuộc đời nàng sẽ được hạnh phúc nếu có thể đón nhận tình yêu này.
Đã đến khu vực trung tâm thành phố, Hiệp tấp xe vào lề cho Hạnh bước xuống. Vừa giúp mang gánh chè đặt xuống đất, chàng vừa dịu dàng dặn dò:
− Đến tối, anh sẽ chờ ở đây để đón em về nha Hạnh.
− Vâng, khi nào bán hết chè, em sẽ đến đây ngay. Thôi em đi nha.
Hạnh gánh gánh chè đi rồi, Hiệp vẫn chưa chịu đi. Chàng đứng lặng nhìn theo dáng thân thương của nàng mà cảm thấy tình yêu trào dâng trong lòng.
Tối hôm ấy trời đổ cơn mưa lớn, nhưng Hiệp vẫn đội mưa để đạp xe đến điểm hẹn đón Hạnh. Chàng không lo mình sẽ bị ướt mà e ngại cho Hạnh, nếu bị ướt Hạnh sẽ dễ bị cảm vì sức chịu đựng của nàng yếu hơn chàng.
Phải đứng đợi thật lâu, Hiệp mới thấy Hạnh gánh gánh chè đi tới, người ướt đẫm nước mưa. Hiệp tỏ vẻ lo âu:
− Em bị ướt thế này, không khéo sẽ bị cảm lạnh đấy.
Hạnh cố nén cơn lạnh để gượng cười:
− Anh đừng lo, em không sao đâu.
Hiệp hối:
− Em lên xe mau đi, để anh đưa về.
Sợ Hạnh bị gió sẽ lạnh, Hiệp cẩn thận giở tấm bạt ra che kín xung quanh xe. Sau đó chàng mới vội vã đạp xe đi, sự quan tâm ấy của Hiệp khiến Hạnh phải cảm động.
Sáng hôm sau, trước khi đạp xe đi chở khách, Hiệp còn ghé nhà Hạnh để thăm chừng. Đúng như chàng dự đoán, vì nhiễm lạnh nên Hạnh đã bị cảm, phải nằm nghĩ trên giường.
Thế là Hiệp không còn tâm trí đâu để đi đạp xe chở khách nữa, chàng vội vã ra chợ mua ít thịt, tiện đường về ghé hiệu thuốc mua cho Hạnh thuốc cảm. Sau đó, chàng nấu nồi cháo thịt và mang sang nhà Hạnh.
Thấy Hiệp bưng chiếc nồi đi vào, bà Tư không khỏi thắc mắc:
− Con đem gì qua đây vậy Hiệp?
− Cháo thịt đó dì Tư. Con vừa nấu để Hạnh bồi dưỡng cho mau khoẻ, con cũng đã mua thuốc cảm rồi.
Bà Tư trìu mến nhìn Hiệp nhưng trong lòng thấy thật cảm động. Cái thằng thiệt có tình có nghĩa, lúc nào cũng đối xử với con gái bà bằng tình yêu thắm nồng. Nghĩ thế rồi bà lại thầm trách Hạnh dại khờ, một người hết sức yêu thương và tận tuỵ ở ngay trước mặt mà nó không quan tâm, lại còn chờ mong ở đâu nữa.
Múc đầy một chén cháo thịt, Hiệp lễ phép trao cho bà Tư:
− Dì Tư ăn chút cháo cho đỡ đói.
− Con thiệt có lòng với dì Tư và con Hạnh quá! Dì cám ơn con nhiều.
− Dì Tư nói vậy tội cho con lắm! Con cũng như con cháu trong nhà vậy mà.
Múc một chén cháo khác, Hiệp mang đến bên giường Hạnh cùng với gói thuốc cảm. Chàng dịu dàng gọi:
− Hạnh ơi! Em dậy ăn cháo và uống thuốc nè.
Đang nằm trùm mền kín mít, nghe Hiệp gọi, Hạnh giở mền ra nhìn. Nàng thật xúc động với hình ảnh Hiệp bưng chén cháo và thuốc trong tay.
− Em dậy ăn cháo cho nóng rồi uống thuốc.
Hạnh tung mền ngồi dậy, nhận chén cháo từ tay Hiệp:
− Cháo thịt hở anh?
− Đúng rồi, anh nấu cháo thịt cho em bồi dưỡng cho mau khoẻ.
Lại thêm lần nữa, Hạnh phải cảm động trong lòng. Lần này, kèm theo sự cảm động còn có một cái gì đó nhẹ nhàng len vào tâm hồn nàng.
Thấy Hạnh cứ ngồi nhìn chén cháo, Hiệp nhắc nhở:
− Em ăn cháo đi kẻo nguội, rồi còn uống thuốc nữa.
Hạnh ngoan ngoãn nghe theo. Hiệp chăm chú theo dõi nàng, không ai có thể biết đây là giây phút thật hạnh phúc đối với chàng.
Cuối cùng rồi thời gian du học của Thanh Dương cũng hết, một năm đối với nhiều du học sinh khác không phải là dài, nhưng với Dương nó thật đăng đẳng. Vì chàng còn canh cánh bên lòng mối tình với người thôn nữ xinh đẹp và dịu hiền nơi quê nhà.
Ngày ra đi, Dương đã phải vội vã đến mức không kịp gặp lại Hạnh, để nói với nàng lời giã biệt cũng như lời thề hẹn chung thủy trở về. Tất cả ân tình chàng chỉ còn biết gói gọn trong lá thư nhờ Ngọc Duyên gởi lại cho Thúy Hạnh, không biết nàng có hiểu mà thông cảm cho hoàn cảnh bức bách của chàng không?
Chính vì nỗi âu lo ấy, Dương đã rất vui sướng khi được bước lên máy bay trở về Việt Nam. Rồi đây chàng sẽ gặp lại nàng, sẽ giải thích để nàng hiểu rõ mọi chuyện và sẽ tiếp nối lại tình yêu còn dang dỡ, rồi chàng với nàng sẽ lại hạnh phúc bên nhau.
Suy nghĩ ấy khiến Dương sung sướng vô hạn, khi chiếc máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Niềm vui còn được kéo dài vì chàng được gặp lại cha mẹ sau nhiều ngày xa cách. Thanh Dương ước, phải chi có Hạnh cùng ra đón thì chàng sẽ hạnh phúc biết bao! Nhưng điều ấy làm sao có thể xảy ra được, nên chàng chỉ còn biết nhớ người yêu trong lặng lẽ.
Sau một ngày đoàn tụ với cha mẹ, Dương đã có ý định về quê tìm Hạnh, vì chàng không còn chịu đựng được nỗi nhớ nhung quay quắt trong lòng.
Chưa muốn cho cha mẹ sớm biết chuyện tình yêu của mình, Dương nói tránh đi là muốn về thăm ông ba Tính. Nhưng chàng không thể ngờ cha mẹ chàng đã biết rõ tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện gia đình Thúy Hạnh đã dọn đi nơi khác. Nên ông bà đã vui vẻ cho phép Thanh Dương ra đi mà không hề căn dặn gì thêm. Hai người hoàn toàn an tâm, vì biết Dương không thể nào tìm gặp được Hạnh để nối lại tình yêu cũ.
Không hề biết những chuyện đã xảy ra, Dương trở về chốn cũ với nỗi vui mừng vì sắp gặp được người yêu dấu sao bao ngày xa cách. Thế nên vừa đến nơi, sau khi chào hỏi và nói chuyện với gia đình ông ba Tính một lúc, Dương đã vội vã muốn đi đến nhà Hạnh ngay.
Hiểu ý của Dương, Ngọc Duyên lên tiếng:
− Anh định đến thăm Thúy Hạnh phải không?
− Đúng rồi, sao em đoán ra hay vậy?
Duyên nở nụ cười bí ẩn:
− Chuyện ấy có chi khó đâu mà đoán không được, nhưng anh không cần phải đến nhà Hạnh nữa đâu, vô ích lắm!
Thanh Dương ngạc nhiên nhìn Ngọc Duyên đăm đăm:
− Em nói thế có nghĩa là sao?
− Nghĩa là Hạnh và mẹ cô ta không còn ở đó nữa, nên anh có đến cũng không gặp được Hạnh đâu.
Dương lo lắng hỏi dồn:
− Vậy lúc này Hạnh ở đâu hả em?
− Em không biết. Gia đình Hạnh đã dọn đi mà không dám cho ai biết về nơi đến của họ. Điều ấy cũng hợp lý thôi, vì họ đã chạy trốn dư luận mà.
Dường như Thanh Dương không còn bình tĩnh được nữa, chàng nắm cánh tay Duyên, lay mạnh:
− Em nói gì mà anh không hiểu? Tại sao Hạnh lại chạy trốn dư luận chứ? Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy chứ?
Duyên vùng vằng:
− Ối, anh nắm tay em đau quá hà! Anh hãy bỏ tay em ra và bình tĩnh lại, em mới kể đầu đuôi cho anh nghe được chứ.
Dương buông cánh tay Duyên ra, rồi hít một hơi dài như để lấy bình tĩnh lại:
− Anh đã bình tĩnh rồi đây, em hãy kể lại mọi chuyện đi.
Duyên bắt đầu bịa đặt câu chuyện để nói xấu Thúy Hạnh:
− Ngay khi anh vừa trở về Sài Gòn, Thúy Hạnh đã bắt bồ bịch lung tung, trong số đó có cả anh chàng tên Hoà Hiệp. Hậu quả đã xảy đến là cô ta mang thai. Vì xấu hổ trước những lời chê cười của bà con quanh vùng, nên Hạnh đã bán nhà, dắt mẹ già đi theo Hiệp đến nơi khác để không còn ai hay biết việc làm xấu xa của cô ta nữa.
Những lời Duyên nói như tiếng sét nổ bên tai, khiến Dương đứng không muốn vững. Chàng lặng đi trong nỗi đau đớn đến vô cùng. Chẳng lẽ Thúy Hạnh, một cô gái thùy mị nết na mà chàng vô cùng yêu thương lại mau chóng trở thành kẻ bội bạc mà mất nhân cách đến thế sao? Không, chàng không tin những điều ấy là có thực.
Trong nỗi đau đến tận cùng trái tim, chàng thét lên:
− Không! Sự thực không thể như thế được! Thúy Hạnh không thể là cô gái xấu xa đến thế!
Duyên lạnh lùng:
− Nói vậy là anh không tin lời em chứ gì? Được, anh hãy đi mà tìm, xem Thúy Hạnh của anh có còn ở đó nữa không. Và để cho chắc chắn, anh hãy hỏi bất kỳ người nào anh gặp, chắc hẳn người ấy cũng sẽ trả lời giống như em thôi.
Buồn bã lẫn nghi ngờ, Dương thất thểu đi nhanh đến căn nhà cũ của Thúy Hạnh, lòng mong mỏi những điều Duyên vừa nói không phải là sự thực.
Nhưng tiếc thay khi đến nơi, Dương đã phải ngỡ ngàng khi được biết mẹ con Thúy Hạnh đã chuyển đi nơi khác và bán nhà cho người chủ mới. Chàng còn bàng hoàng hơn nữa khi nghe lời xác nhận những lời Duyên nói là đúng.
Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa! Thúy Hạnh đã phản bội chàng, đã mang thai với kẻ khác để rồi phải chạy trốn theo kẻ ấy, nhằm tránh sự chê cười của dư luận.
Bây giờ mọi sự đã rõ ràng, Dương mới hiểu rõ bản chất thực con người Thúy Hạnh là xấu xa và phải trắc. Đối với cô ta, chàng chỉ là một trò đùa chứ không phải tình yêu chân chính.
Bỗng chốc, tình yêu trong trái tim Thanh Dương vụt biến thành căm hận. Chàng hận Thuý Hạnh đã đùa cợt trên tình yêu và trái tim chân thành của chàng. Chàng còn hận chính mình đã đem đặt tình yêu không đúng chỗ, đã đi yêu một cô gái không ra gì.
Buồn bã và thất vọng, Thanh Dương lủi thủi quay về, thầm hứa sẽ phải chóng quên đi hình bóng kẻ phản bội.
Bị cú sốc nặng nề do tình yêu bị phản bội, Thanh Dương đã đau khổ một thời gian. Nhưng rồi với nghị lực, chàng đã vượt qua nỗi muộn phiền bằng cách lao vào việc cứu chữa các bệnh nhân đang đau đớn vì bệnh hoạn. Nhờ công việc, Thanh Dương đã quên được nỗi đau riêng của mình.
Thời gian trôi qua, rồi vết thương lòng của Dương cũng dần lành lặn, và chàng đã tìm lại được nguồn vui trong cuộc sống. Thanh Dương đã rất tận tuỵ với công việc trong việc cứu chữa các bệnh nhân nên được họ tin tưởng và quý mến, không chỉ bệnh nhân mà các đồng nghiệp trong bệnh viện cũng quý trọng chàng. Trong số đó có Như Nguyệt, một nữ bác sĩ trẻ đẹp mới ra trường, được chuyển về làm việc cùng khoa với Dương.
Như Nguyệt rất yêu nghề và ham tìm tòi học hỏi, nên ngay từ ngày đầu tiên về đến bệnh viện, nàng đã bám theo Dương để học hỏi, nhằm tăng thêm kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh. Thái độ ấy của Như Nguyệt được Dương đánh giá cao và chàng đã tận tình chỉ dẫn cho nàng.
Từ chỗ gắn bó trong công việc, mối quan hệ giữa Thanh Dương và Như Nguyệt dần trở nên thân thiết. Hai người đã có những lần cùng nhau đi ăn và cả dạo chơi, hay cùng nhau giải trí vào những buổi tối cuối tuần.
Gần gũi và thân thiết, nên tình cảm giữa Dương và Nguyệt đã nảy sinh, để rồi họ đã yêu nhau. Khi biết được điều này, các đồng nghiệp của họ đều vui mừng chúc cho mối tình của họ. Còn gia đình của hai bên đều rất hài lòng, cha mẹ Dương đã chấp nhận Như Nguyệt vì nàng có địa vị, gia đình nàng danh giá, rất môn đăng hộ đối với gia đình Dương. Tất cả đều chỉ còn chờ đợi ngày lễ thành hôn của hai người.
Chiều nay, sắp hết giờ làm việc thì có một ca cấp cứu nặng được mang đến. Thế là Dương và mấy bác sĩ trong khoa phải vội vã mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài cho đến tận tám giờ tối mới xong. Thanh Dương trở về phòng làm việc thì thấy Như Nguyệt vẫn còn ngồi ở đó chờ, chàng cảm động lên tiếng:
− Sao em không về nghỉ trước cho khoẻ?
Như Nguyệt bỏ cuốn tài liệu y học xuống bàn, ngước lên nở nụ cười yêu thương với Dương:
− Em thích ở lại chờ anh cùng về cho vui.
− Nhưng ca mổ kéo dài, em chờ sẽ mệt.
Như Nguyệt đứng dậy, bước đến âu yếm sửa lại cổ áo bị lệch cho Dương:
− Em ngồi đọc tài liệu nên đâu mệt mỏi gì, mà người mệt chính là anh đã phải đứng và làm việc liên tục suốt mấy tiếng đồng hồ.
Thanh Dương cười:
− Quả thực lúc kết thúc ca mổ anh thấy rất mệt, nhưng vừa nhìn thấy em là anh hết mệt liền.
Nguyệt sung sướng nguýt Dương:
− Có thực không đó, hay là anh chỉ nói để nịnh em?
− Thực một phần trăm. Mà em có biết vì sao anh hết mệt khi thấy em không?
Nguyệt cười chúm chím:
− Em biết.
− Biết thế nào, em nói anh nghe xem có đúng không?
Ánh mắt Nguyệt nhìn Dương đầy yêu thương tha thiết:
− Vì anh yêu em!
Dương vui sướng reo lên:
− Em nói đúng quá, thế em có yêu anh không?
Nguyệt nguýt yêu Dương một cái thật dài:
− Xí, anh hỏi một câu thừa quá đi! Chính anh cũng biết rất rõ câu trả lời mà.
− Ậy, biết thì anh đã biết rồi nhưng anh vẫn muốn nghe câu trả lời từ miệng em nói ra. Anh có nghe cả ngàn lần cũng vẫn thấy chưa đủ.
Nguyệt xúc động thì thầm bên tai chàng:
− Em yêu anh!
Thanh Dương yêu thương nhìn sâu vào đôi mắt đẹp của người yêu:
− Em yêu của anh tuyệt lắm! Để anh thưởng em bữa ăn tối này ở nhà hàng nhé?
Nguyệt nũng nịu lắc đầu:
− Không, em không chịu đâu. Anh phải để cho em bồi dưỡng anh tối nay.
Chìu ý người yêu, Dương gật đầu:
− Ý em là ý trời, anh xin chấp hành ngay.
Nguyệt nhõng nhoẽ:
− Lại nịnh người ta nữa rồi.
Dương cười:
− Anh chỉ nịnh người yêu của anh, chứ không nịnh bất cứ ai nữa đâu. Thôi chúng mình đi em!
Mấy phút sau, Dương và Nguyệt đã cưỡi hai chiếc Dream chạy song song với nhau trên con đường đêm đang tấp nập xe cộ ngược xuôi. Dương lên tiếng hỏi:
− Mình đến nhà hàng nào đây em?
− Anh cứ đi theo em, chúng mình sẽ đến một nhà hàng mà em mới biết. Ở đó có những món ăn ngon lắm.
Dương đùa:
− Vậy là em đã lén đi ăn một mình mà không rủ anh nha.
Nguyệt vội thanh minh:
− Anh đừng có nghi oan cho em chứ! Sở dĩ em biết nơi ấy là nhờ đi dự đám cưới của nhỏ bạn đấy.
− Nếu nơi đây có những món ăn ngon và tiếp đãi lịch sự, chúng mình sẽ đặt tiệc để đãi họ hàng và bè bạn trong ngày cưới nghe em?
Nguyệt cười:
− Anh hãy cứ thử đến và ăn một lần rồi hãy quyết định sau cũng chưa muộn, vì đây mới chỉ là nhận xét của riêng em.
− Em yêu của anh đã nhận xét thì chắc chắn phải chính xác, cần chi anh phải thử.
− Í, hổng nên đâu. Anh cũng phải tham gia nhận xét với em cho đồng... vợ đồng chồng chứ.
Dương cười:
− Còn xa không em?
Nguyệt chỉ tay về phía trước:
− Gần tới rồi, anh có nhìn thấy những ánh đèn màu nhấp nháy ở phía trước không? Chính là nhà hàng "Chiều Tím " đấy.
Mấy phút sau, hai người đã thân mật đi bên nhau trên một lối nhỏ dẫn vào nhà hàng. Khung cảnh được bố trí thật trang nhã và lịch sự, nhưng cũng tạo cảm giác ấm cúng và thân mật.
Sau khi hướng dẫn hai người ngồi vào bàn, người tiếp viên lịch sự trao cho Dương bảng thực đơn. Nguyệt nhoẻn cười với chàng:
− Anh, để em gọi món ăn nha!
Dương trao thực đơn lại cho Nguyệt:
− Tất nhiên rồi. Lúc này anh trao quyền làm chủ cho em, nhưng đến lúc trả tiền thì anh sẽ đòi lại quyền làm chủ ấy đấy.
Nguyệt gọi một số món ăn. Chỉ mấy phút sau, những món ấy đã lần lượt được dọn lên bàn. Hai người bắt đầu ăn.
Vừa ăn, Dương vừa chăm sóc cho người yêu bằng cách gắp những món ăn bỏ vào đầy chén, Nguyệt phải kêu lên:
− Í, anh gắp cho em nhiều như thế, làm sao em ăn cho hết?
Dương cười, âu yếm:
− Em phải ráng ăn thiệt nhiều cho khoẻ.
− Người ăn nhiều phải là anh đó, lúc này em thấy anh ốm đi đấy.
Nói rồi Nguyệt chọn gắp những món ăn bỏ đầy chén cho Dương và nói tiếp:
− Em thấy anh làm việc nhiều ma lại ăn ít quá, bây giờ chưa cưới em tạm để anh tự do nhưng sau này em sẽ kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của anh. Anh ăn ít là em hổng chịu đâu.
Dương đùa:
− Em bắt anh ăn nhiều quá, lỡ anh mập phì ra thì coi kỳ lắm!
− Ngược lại, em không thấy kỳ chút nào. Đàn ông mập trông tướng lại sang đấy.
Dương cười, tiếp tục ăn. Nguyệt âu yếm nhìn chàng, dịu dàng hỏi:
− Anh thấy những món ăn này ngon không?
Dương gật đầu ngay:
− Anh đã nói ngay từ hồi nãy là nhận xét của em chắc chắn sẽ chính xác mà. Nhà hàng này vừa nấu ăn ngon vừa tiếp đãi ân cần lịch sự, chúng mình có thể đãi đám cưới ở đây được, ý em thế nào?
− Em đồng ý, anh định khi nào chúng mình sẽ làm đám cưới?
Dương suy nghĩ một chút rồi mới trả lời:
− Đến cuối năm nay, em nhé? Lúc ấy đúng vào mùa cưới, đám cưới của chúng mình sẽ càng thêm vui.
Nguyệt sung sướng gật đầu:
− Em rất tán thành suy nghĩ của anh.
Hai người tiếp tục bữa ăn tối, tuy không ai nói gì nhưng trong tâm trí mỗi người đều nghĩ về đám cưới của họ.
Chiều nay, phòng mạch riêng của Thanh Dương và Như Nguyệt có ít khách đến khám bệnh nên hai người đã giải quyết thật nhanh. Khi người bệnh cuối cùng rời khỏi phòng mạch, Dương giơ tay xem đồng hồ rồi cười với Nguyệt:
− Chiều nay chúng mình kết thúc công việc quá sớm há em, chẳng bù cho ngày phải khám đến tận khuya.
Nguyệt dịu dàng đáp lại:
− Thì cũng có ngày đông ngày ít khách chứ anh. Nếu ngày nào cũng đông khách thì chúng mình hơi mệt, em thích số lượng khách đến khám vừa phải thôi.
− Điều đó đâu thể do nơi mình, vì khi bệnh nhân đã đến đây là họ tin tưởng vào sự giúp đỡ của mình, nên mình phải tận tình khám cho đến người cuối cùng.
Nguyệt cười:
− Ấy là em nói vậy thôi, chứ dù khách đông đến đâu, mình vẫn phải tận tụy phục vụ mà.
Thanh Dương vừa thu dọn mấy món đồ để trên bàn làm việc, vừa nói:
− Chiều nay nghỉ sớm, chúng mình đi đâu đó cho thư giãn tinh thần chứ em?
− Em tán thành cả hai tay. Ý anh định sẽ đi đâu?
Dương suy nghĩ một chút rồi trả lời:
− Chúng mình về Thủ Đức, kiếm một cái quán nào đó thật thơ mộng để thưởng thức món nem nổi tiếng, vừa hưởng gió trong lành. Em thấy sao hở Nguyệt?
Nguyệt thích thú gật đầu ngay:
− Ý kiến của anh thật hay! Lâu nay mình ở trong thành phố bụi bặm ồn ào, cũng phải có lúc thay đổi không khí.
− Vậy chúng mình đi nha em.
Thanh Dương nắm tay Nguyệt, hai người thân mật đi bên nhau. Nhưng vừa ra khỏi cửa phòng mạch, Dương đã sững sờ đứng lặng khi chợt nhìn thấy dáng một cô gái hết sức quen thuộc đang gánh một gánh chè đi dọc theo lề đường. Khi cô gái đi đến gần, Dương đã mất hẳn bình tĩnh vì nhận ra đó chính là Thúy Hạnh, người yêu cũ của chàng.
Nhìn bóng dáng thân thương ngày nào chàng đã hết mực yêu thương, không hiểu sao tâm hồn Dương chợt xáo trộn, rồi tình yêu ngày cũ chợt hiện về. Bỗng chốc, chàng muốn chạy ngay đến với Thúy Hạnh, tuy không biết để làm gì nhưng Dương vẫn cứ muốn đến gặp nàng.
Nhưng rồi ý nghĩ ấy đã không thực hiện được, vì Dương đã kịp bình tĩnh lại. Chàng nghĩ giữa chàng và Hạnh đã không còn gì với nhau, nàng đã phản bội tình yêu của chàng để chạy theo một người khác, đã nhẫn tâm chà đạp lên trái tim chân thành của chàng. Bây giờ Hạnh đã có chồng có con, như thế thì chàng còn đến gặp nàng làm gì nữa? Chẳng lẽ để nói lời trách móc? Vô ích và chẳng ý nghĩa gì.
Thế nên chàng hãy để Thúy Hạnh được yêu và hãy quên cô ta đi! Chàng hãy coi như không hề có cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ này và coi Hạnh như người của dĩ vãng xa vời.
Trong lúc Thanh Dương đứng thẫn thờ với những ý nghĩ miên man, thì Như Nguyệt cũng không khỏi thắc mắc về những hành động của chàng. Từ nãy đến giờ, nàng đã chứng kiến tất cả, song không hiểu vì sao cô gái bán chè kia lại gây cho Dương nỗi thẫn thờ. Chẳng lẽ giữa hai người lại có mối quan hệ với nhau sao?
Ý nghĩ ấy khiến Nguyệt không khỏi thầm ghen trong lòng, nhưng là người tế nhị nàng không muốn lộ ra nỗi ghen ấy ngay lúc này. Như Nguyệt hiểu tình thân Dương lúc này đang xáo trộn, nên nàng phải kềm chế, chẳng nên truy hỏi chàng.
Thế nên Như Nguyệt chỉ dịu dàng nhắc nhở:
− Mình đi chứ anh!
Thanh Dương bừng tỉnh, cho đến tận lúc này chàng mới nhớ ra bên cạnh chàng còn có Nguyệt và chàng đã bỏ lơ nàng từ nãy giờ.
Liếc nhanh Như Nguyệt, Dương có vẻ mắc cỡ rồi chàng đã an phận khi thấy nàng không hề có biểu hiện gì giận dỗi hay hờn ghen, nên vội gật đầu:
− Nào, chúng mình đi!
Suốt trên quãng đường đi, tuy Dương đã cố bắt mình không nghĩ đến Thúy Hạnh nhưng thật vô ích, hình ảnh nàng vẫn tràn về và chiếm cứ tâm trí chàng.
Về phần Như Nguyệt, nàng lặng lẽ suốt trên quãng đường với nỗi ghen tuông sôi sục trong lòng nhưng vẫn phải cố kềm chế.
Mãi đến lúc đã ngồi gần bên nhau trong một quán ăn thơ mộng, Như Nguyệt mới để lộ nỗi ghen của nàng qua câu thăm hỏi dịu dàng, tưởng chừng như đó chỉ là sự quan tâm.
− Dường như hồi nãy anh đã gặp chuyện gì đó không vui?
Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ để Thanh Dương hiểu là nàng đã nhìn thấy tất cả đang chờ chàng giải thích rõ ràng. Suy nghĩ kỹ, Dương thấy cần phải nói rõ mọi chuyện để Nguyệt hiểu mà thông cảm cho chàng.
− Em nói đúng. Hồi nãy anh đã bất ngờ gặp một người của dĩ vãng, mà anh đà ngỡ là không bao giờ còn được gặp lại.
− Phải chăng cô gái ấy là người yêu cũ của anh?
Thanh Dương nhẹ gật đầu:
− Cô ấy tên là Thúy Hạnh, là người yêu trước đây của anh. Đó là mối tình đầu đầy say đắm và thiết tha, nhưng tiếc thay đã sớm tan vỡ.
− Vì sao lại tan vỡ vậy anh.
Giọng Thanh Dương đầy buồn bã:
− Trong thời gian anh đi du học ở nước ngoài, Hạnh đã không giữ được lòng chung thủy với anh. Cô ấy đã yêu và có con với người khác.
Như Nguyệt thở ra nhẹ nhõm, như vừa trút được khối đá nãy giờ đè nặng trên người. Tuy Thanh Dương đà từng một htời yêu thương Hạnh tha thiết, nhưng cô ta đã phản bội, đã tự bôi xoá hình ảnh của mình trong trái tim Dương. Thế nên nàng không còn gì phải lo lắng về cô ta nữa.
Thanh Dương lại lên tiếng với vẻ có lỗi:
− Trước đây anh chưa nói với em chuyện này, không phải anh có ý giấu em mà vì anh nghĩ chuyện đã là dĩ vãng, chẳng lên khơi gợi lại. Em thông cảm cho anh chứ?
− Em không trách anh đâu. Điều quan trọng đối với em lúc này là anh yêu em và hoàn toàn quên đi con người phản bội kia. Anh khẳng định với em điều ấy chứ?
Dương cố trấn tĩnh những xáo trộn tình cảm trong lòng để trả lời:
− Làm sao anh còn có thể yêu một người phản bội lại anh! Lúc này, trong trái tim anh chỉ còn duy nhất hình ảnh của em.
Như Nguyệt hài lòng vì trái tim đang yêu của nàng đã được ve vuốt, nên vui lòng bỏ qua tất cả.
− Thôi chuyện đã qua rồi, chúng mình hãy để nó ngủ yên trong dĩ vãng. Từ nay, chúng mình hãy quên đi tất cả, anh nhé?
Thanh Dương nhẹ gật đầu:
− Anh sẽ quên tất cả! Tuy Thanh Dương đã nói với Như Nguyệt là chàng sẽ quên tất cả, nhưng thực té lại không dễ dàng như thế. Những ngày sau đó, tâm hồn và tình cảm của Dương cứ mãi bị xao động. Cho dù chàng đã bắt mình phải quên Thúy Hạnh nhưng hình bóng nàng cùng những kỹ niệm say đắm của thời yêu nhau vẫn cứ tràn về trong tâm tư, nhất là vào những buổi tối, khi chỉ còn một mình cô lẽ.
Đôi lúc Thanh Dương đà tự hỏi lại lòng, chẳng lẽ chàng vẫn còn yêu Thúy Hạnh ư? Vì nếu không yêu, tại sao tâm hồn chàng mãi bị xáo động khi bóng nàng chợt xuất hiện? Còn nếu vẫn còn yêu, chẳng lẽ chàng không chút oán hận vì nàng đã phản bội chàng?
Hỏi nhiều, nhưng Dương không thể trả lời được câu nào. Điều ấy là tất yếu, vì tâm tư chàng xáo trộn, đâu thể tự hỏi được mình mà trả lời cho chính xác.
Tuy thế, mỗi chiều, từ phòng mạch ra về, Dương vẫn kín đáo quan sát khắp nơi, như hy vọng được gặp lại một lần nữa bóng dáng quen thuộc ngày nào.
Chiều nay cũng vậy, bước ra khỏi phòng mạch, Dương chưa về ngay mà còn đứng lại chăm chú dõi nhìn, như mong sẽ được gặp lại Hạnh.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua mà Dương vẫn đứng đó, mắt chăm chú quan sát những người đi trên lề đường. May cho chàng là Như Nguyệt không có mặt ở nơi đây, chứ nếu nàng đến bất ngờ, chàng sẽ không biết phải giải thích ra sao.
Bất ngờ một bóng dáng phụ nữ đi phía xa, với đôi gánh trên vai trông giống như Thúy Hạnh đập vào mắt Thanh Dương. Không kịp suy nghĩ gì nữa, chnàg vội vàng chạy về phía người phụ nữ ấy, Dương cũng không biết mình gặp Hạnh để làm gì? Nhưng chàng thấy cần gải gặp nàng.
Khi đã đuổi kịp người phụ nữ, Dương gọi lớn:
− Hạnh ơi! Em dừng lại một chút đi!
Người phụ nữ dừng bước và ngoái nhìn lại. Ngay lập tức, sự thất vọng ùa đến với chàng vì người phụ nữ ấy không phải Hạnh. Chàng lặng đi một chút rồi mới nói nên lời:
− Xin lỗi cô! Tôi nhìn lầm người.
Sau đó, Dương buồn bã quay trở về và tiếp tục đứng đợi nhưng chàng đã hoài công vì Hạnh không hề xuất hiện trên con đường này.
Chiếc xe cứu thương dừng lại trước phòng cấp cứu. Từ trên xe, hai nhân viên y tế nhảy xuống rồi vội vã khiêng chiếc băng ca có người bệnh nằm trên đó vào trong phòng.
Ngay khi bệnh nhân được đặt lên giường, Dương và Nguyệt đã vội vã đến bên giường để khám và cấp cứu cho người bệnh đang nằm hôn mê, với thương tích máu dính khắp người.
Tiếng người nhân viên y tế vang lên báo cáo:
− Thưa bác sĩ, anh này bị tai nạn giao thông với những vết thương khá nặng. Suốt trên đường về đây chúng tôi đã cố gắng cấp cứu, nhưng vẫn không làm cho anh hồi tỉnh lại được.
Thanh Dương nhẹ gật đầu:
− Được rồi, tôi sẽ cấp cứu cho anh ta liền ngay đây.
Trong lúc người nhân viên lui ra khỏi phòng, thì Thanh Dương khẩn trương bước đến bên giường bệnh, Nguyệt cũng theo sát bên chàng.
Liếc nhanh người thanh niên còn trẻ đang nằm bất động, Thanh Dương chợt nhận ra anh ta có nét quen thuộc, tựa như chàng đã gặp anh ta ở đâu đó.
Nhíu mày cố nhớ lại, Dương đã nhớ ra người thanh niên này chính là Hoà Hiệp, kẻ đã cướp đoạt người yêu và tình yêu của chàng.
Ngay khi nhận ra điều ấy, Dương đã lặng người đi. Nỗi hận từ đâu chợt xuất hiện trong tâm tư chàng, nếu không có con người đáng ghét này quyến rũ bằng những lời nói ngon ngọt, chắc gì Hạnh đã sa ngã để rồi phải phản bội chàng.
Ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua và Thanh Dương đã kịp trấn tĩnh lại, có thể Hiệp đã làm những điều không đúng đối với chàng, nhưng lúc này anh ta đang mang những vết thương có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên chàng cần phải quên những chuyện cũ để lo cứu mạng anh ta. Trách nhiệm của người thầy thuốc đòi hỏi chàng phải như thế.
Thấy Thanh Dương chợt đứng lặng, Nguyệt ngạc nhiên hỏi nhỏ:
− Có chuyện gì vậy anh?
Thanh Dương như sực tỉnh, vội lắc đầu:
− Không có gì đâu em.
Nói xong, Dương bắt đầu khám rất kỹ cho Hiệp. Lúc này, chàng đã quên người đang nằm trước mặt chàng từng là tình địch, để chỉ còn nhớ đó là một bệnh nhân cần phải đem hết tâm sức ra để cứu chữa.
Sau khi khám cho Hiệp xong, Dương nói với Nguyệt:
− Bệnh nhân này bị một vết thương ở phổi khá nguy hiểm, cần phải mổ ngay.
Thế là Hiệp được chuyển sang phòng giải phẩu ngay. Thanh Dương đi theo để tiến hành ca mổ, còn Nguyệt phải ở lại trực phòng.
Lúc này đã được rãnh nên Nguyệt nhớ lại chuyện hồi nãy với nỗi ngờ vực trong lòng. Từ trước đến nay, mỗi khi có bệnh nhân được đem đến cấp cứu, Thanh Dương đã khẩn trương cứu chữa ngay. Còn lần này, chàng đã lặng người đi trong mấy phút khi nhìn thấy bệnh nhân. Rõ ràng đã có điều gì đó mà Dương muốn giấu nàng, nhất định nàng phải hỏi cho rõ ngọn nguồn.
Sau ca mổ, Dương trở về phòng làm việc. Vừa gặp chàng, Nguyệt đã tỏ vẻ quan tâm săn sóc:
− Ca mổ kéo dài, chắc anh mệt lắm? Anh ngồi xuống ghế nghỉ đi, để em uxống căn tin mua cho anh ly cà phê sữa đá uống cho khoẻ nha!
Thanh Dương ngồi xuống ghế, tay khoát nhẹ:
− Thôi khỏi, em cho anh ly nước trà là được rồi.
Nguyệt bước đến bên bàn, rót ly trà nóng mang đến cho Dương:
− Trà đây anh.
− Cám ơn em.
Nguyệt nhoẻn cười, nàng ngồi xuống chiếc ghế đối diện với anh:
− Anh khách sáo quá đi!
Thanh Dương cười lại với Nguyệt:
− Em đừng trách, tại đó là thói quen của anh mà.
Nguyệt chợt hỏi qua chuyện khác:
− Bệnh nhân hồi nãy ra sao rồi anh?
− Vết thương ở phổi anh ta khá nặng nên thời gian mổ phải lâu, nhưng tất cả đã ổn rồi. Bây giờ không còn phải lo lắng gì về tính mạng của anh ta nữa.
Nguyệt vẫn nhớ câu chuyện khi nãy nhưng còn phân vân chưa dám hỏi, thấy vẻ tư lự của nàng nên Dương lên tiếng:
− Em có chuyện phải nghĩ ngợi sao?
Nguyệt nhẹ gật:
− Em đang nghĩ lại chuyện hồi nãy, nếu em đoán không lầm, đã có điều gì đó xảy đến với anh, lúc anh vừa nhìn thấy bệnh nhân.
Thanh Dương thành thực:
− Em không lầm đâu, đúng là có điều bất ngờ đã xảy đến với anh. Nhưng lúc ấy anh không nói rõ với em không phải là anh cố ý giấu, mà vì anh thấy không tiện.
− Điều bất ngờ ấy là gì vậy anh?
Giọng Dương đầy chua xót:
− Anh đã nhận ra người thanh niên ấy chính là Hoà Hiệp, người đã chiếm đoạt tình yêu và người yêu của anh trước đây.
− Thì ra là thế. Hèn chi lúc nãy em thấy anh lặng người đi trong mấy phút, em cứ ngỡ anh bị mệt hay khó chịu gì chứ.
− Cuộc đời đầy những bất ngờ! Trước đây anh đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn được gặp lại, ấy thế mà anh đã lại gặp. Lần trước là Thúy Hạnh, còn lần này là Hoà Hiệp.
Nguyệt nhìn Dương đăm đăm:
− Lúc mới nhận ra Hoà Hiệp, anh nghĩ gì hở anh Dương? Anh có thấy hận anh ấy không?
− Là con người, nên anh cũng có lòng hận như bao người khác. Anh không thể thanh thản trước một người đã gây cho anh đau khổ, nhưng rồi anh đã trấn tĩnh lại và bỏ đi sự oán hận, vì nhớ đến bổn phận của mình là người thầy thuốc phải cứu chữa mọi người. Kể từ lúc ấy anh đã có được sự thanh thản để làm tròn nhiệm vụ của mình.
− Vậy còn những ngày sắp tới, anh định sẽ xử sự với Hoà Hiệp thế nào?
− Điều khó nhất anh đã vượt qua được thì những điều còn lại anh cũng sẽ dễ dàng làm được. Anh sẽ tiếp tục điều trị cho Hiệp đến khi anh ta hoàn toàn bình phục, giống như với những bệnh nhân khác.
Nguyệt lặng im. Lúc này, mối bận tâm khác lại đến với nàng. Đó là việc Thúy Hạnh chắc chắn sẽ phải vào nơi đây để chăm sóc cho Hiệp. Khi ấy, sự gặp gỡ giữa Thanh Dương và Thúy Hạnh là điều không thể tránh khỏi. Liệu rồi đây, tình yêu đã chết giữa hai người có thể sống lại chăng?
Thấy vẻ tư lự của Nguyệt, Dương lên tiếng hỏi:
− Em còn điều gì phải lo nghĩ nữa ư?
Nguyệt ngước lên nhìn Dương vẻ mặt đầy đăm chiêu:
− Em đang nghĩ đến cuộc gặp gỡ giữa anh và Hạnh chắc chắn sẽ xảy ra, khi cô ấy vào đây chăm sóc cho Hiệp.
− Vậy là em không tin anh. Em nghi ngờ tình yêu của anh dành cho em sao?
− Không phải là em không tin, mà chính vì em lo sợ.
Giọng Dương buồn buồn:
− Em còn lo sợ điều gì nữa chứ? Tình yêu giữa anh và Hạnh đã chết từ lâu, cô ấy bây giờ đã có chồng có con. Còn anh thì đã có anh và tình yêu của em. Cuộc đời mỗi người đã rẽ sang một lối riêng rẽ, hoàn cảnh lại khác nên đâu thể nối tiếp lại những gì đã bị đứt đoạn.
Nguyệt đăm đăm nhìn Dương:
− Anh không dối lòng anh đấy chứ?
Dương chắc giọng:
− Tất cả những điều anh vừa nói đều không trái với lòng anh, đó là những sự thực. Em hãy tin anh mà đừng lo lắng gì nữa!
Nguyệt nhẹ gật đầu:
− Vì anh đã nói thế nên em không còn phải lo sợ gì nữa.
Nguyệt nói cho Dương yên lòng chứ sự thực tâm tư nàng vẫn lo lắng không yên. Nàng thầm nghĩ phải theo dõi để ngăn chặn những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Nàng yêu Dương tha thiết và không muốn mất chàng, nên nàng phải tìm mọi cách để bảo vệ tình yêu của mình.
Hoà Hiệp hồi tỉnh trong nỗi đau đớn ở khắp thân người, chàng ngơ ngác nhìn căn phòng lạ và những lớp băng trắng trên người, rồi mới nhớ lại được chuyện gì đã xảy ra với chàng. Đó là một tai nạn đà xảy đến và Hiệp đã ngõ mình không còn nữa trên cõi đời này, nhưng số phận vẫn còn dành cho chàng sự may mắn nên chàng vẫn còn được sống.
Nghĩ đến mình, rồi Hiệp lại nghĩ về Thúy Hạnh. Không biết giờ này nàng đã hay tin chàng bị tai nạn chưa? Có lẽ là chưa. Vì nếu hay tin, chắc Hạnh đã vội vã vào đây thăm chàng.
Nghĩ đến Hạnh, lòng Hiệp chợt ấm hẳn lên, cảm giác cô đơn và đau đớn như không còn nữa. Mãi mãi chàng vẫn yêu nàng tha thiết và cần có nàng bên mình. Lâu nay chàng đã kiên nhẫn đợi chờ sự đáp lại tình yêu của nàng. Thật đáng mừng là trong những ngày gần đây, tình cảm của Hạnh như đã dần nghiêng về phía chàng, nàng đối xử với chàng thân mật hơn, gần gũi hơn.
Tất nhiên những điều ấy chưa chắc chắn cho một điều gì, vì Hạnh vẫn chưa thổ lộ với chàng hai tiếng yêu thương. Nhưng chúng vẫn là những tia hy vọng giúp chàng thêm vững tin sẽ chiếm được tình yêu của Hạnh trong những ngày sắp tới.
Hoà Hiệp còn đang nghĩ ngợi lan man thì cửa phòng chợt mở ra và một bác sĩ còn trẻ bước vào. Vừa nhìn thấy bác sĩ, Hiệp đã thầm giật mình vì nhận ra nét quen thuộc. Rõ ràng chàng thấy rất quen với người bác sĩ này, nhưng đã gặp ở đâu thì chàng chưa thể nhớ ngay được.
Mãi một lúc sau, Hiệp mới nhớ ra đây là Thanh Dương, người yêu cũ của Thúy Hạnh, người đã từng là nguyên nhân gây ra nỗi buồn và thất vọng nơi chàng.
Ngay khi vừa nhận ra Thanh Dương, Hiệp cảm thấy lo sợ vô cùng. Ngày ấy, vì hoàn cảnh nên Hạnh và Dương phải xa nhau, tình yêu của họ bị đứt đoạn. Bây giờ gặp lại, liệu tình yêu ngày nào của họ có sống lại không? Nếu tình yêu ấy sống lại, bao công sức chờ đợi của chàng phút chốc trở nên vô ích, và chàng sẽ mất Hạnh mãi mãi.
Trong lúc Hiệp lo lắng cho tình yêu của mình thì Thanh Dương đã đến bên giường của chàng. Nhìn nét mặt căng thẳng và nhuốm vẻ lo âu của Hiệp, Dương đoán là Hiệp đã nhận ra chàng và đang lo lắng về những chuyện cũ. Thế nên Dương mỉm cười và dịu dàng hỏi:
− Lúc này anh thấy trong người thế nào? Có còn đau lắm không?
Hiệp khẽ trả lời:
− Tôi thấy dễ chịu, nhưng vẫn còn đau.
− Được, tôi sẽ cấp thuốc giảm đau cho anh. Bây giờ anh nằm yên để tôi xem lại mấy vết thương của anh nghe.
Sau khi đã khám cho Hiệp, Dương ôn tồn:
− Mấy vết thương của anh không còn gì đáng ngại cả, anh hãy an tâm nằm dưỡng bệnh cho mau hồi phục.
− Cám ơn bác sĩ.
Ngần ngừ một chút, rồi Dương hỏi:
− Người thân của anh chưa vào để chăm sóc cho anh sao?
− Chưa, bác sĩ ạ. Có lẽ chưa ai báo tin tôi bị tai nạn, nên họ chưa biết.
− Anh có cần tôi giúp báo tin cho người thân của anh không?
Hiểu lầm thiện ý của Thanh Dương, Hoà Hiệp vội lắc đầu:
− Tôi không dám làm phiền bác sĩ đâu. Chắc thế nào người bạn của tôi cũng báo tin cho gia đình tôi hay mà.
− Thế thì thôi. Nhưng cần gì, anh cứ nói để tôi giúp đỡ, đừng ngại nghe!
− Cám ơn bác sĩ.
Thanh Dương quay lưng bước đi, trong lúc Hiệp cứ mãi phân vân. Chàng vừa muốn hỏi lại cho chắc chắn vừa sợ Dương nên cứ ngập ngừng. Mãi đến khi thấy Dương đã ra đến gần cửa, Hiệp mới mạnh bạo lên tiếng gọi:
− Bác sĩ ơi!
Dương dừng bước, quay lại:
− Anh cần gì nữa!
− Thưa, không. Tôi chỉ xin hỏi bác sĩ một điều, có phải bác sĩ chính là...
Hiểu sai về nỗi thắc mắc của Hiệp. Dương cười, trấn an:
− Những chuyện cũ anh hãy quên đi, coi như nó chưa hề xảy ra. Lúc này điều anh cần làm là hãy an tâm dưỡng bệnh cho mau bình phục.
Nói rồi, Thanh Dương mở cửa và đi ra ngoài, để lại cho Hiệp nỗi băn khoăn và lo lắng.
Hỏi thăm mãi, cuối cùng Hạnh cũng tìm được căn phòng nơi Hoà Hiệp đang nằm điều trị. Nàng bước vào và sà ngay đến bên giường chàng, lo lắng hỏi:
− Anh có sao không, anh Hiệp?
Hiệp vừa mừng lại vừa xúc động, chàng vui vẻ trấn an nàng:
− Anh không sao đâu, em đừng lo.
Thúy Hạnh nhìn những vòng băng trắng quấn quanh người Hiệp với ánh măt xót xa.
− Anh bị nhiều vết thương vầy sao? Có nguy hiểm không anh?
− Các bác sĩ đã chữa cho anh rồi, nên không còn nguy hiểm gì nữa đâu.
Nhớ ra chiếc giỏ còn để dưới chân, Hạnh cúi xuống lấy những món đồ trong đó ra và xếp vào chiếc tủ nhỏ ở đầu giường.
− Em có mua sữa, cam và táo cho anh đây nè.
Hiệp cảm động lên tiếng:
− Em mua chi nhiều vậy? Làm sao ăn hết được chứ?
− Thì anh ăn dần dần, lúc này anh cần phải bồi dưỡng cho mau khoẻ. Để rồi em sẽ làm thêm thịt kho và chà bông mang vào cho anh ăn.
− Em đừng bày vẽ cho tốn tiến, anh ăn cơm trong bệnh viện cũng đủ đồ ăn rồi.
− Không tốn kém bao nhiêu đâu mà anh lo, em muốn bồi dưỡng cho anh mà.
Biết Hạnh đã nhất quyết, Hiệp không cản nữa. Chàng hỏi qua chuyện khác:
− Chắc mấy người bạn của anh đến báo tin cho em biết?
− Vâng, họ còn mang chiếc xe xích lô về cho anh đó. Nhìn chiếc xe bẹp dúm mà em muốn khóc vì lo sợ cho anh.
Nỗi xúc động lại dào dạt trong tâm hồn Hiệp. Hạnh đã muốn khóc vì lo sợ cho chàng, như vậy phải chăng tình yêu đã nảy nở trong tim nàng và lúc này mới dần dần lộ ra? Như vậy là chàng đã có thể hy vọng nhiều vào sự đáp trả tình yêu của nàng. Nghĩ đến ngày được nghe hai tiếng yêu thương thoát ra từ bờ môi Hạnh, Hiệp vui sướng ngỡ chừng có thể reo lên được.
Những nỗi vui mừng chưa được trọng vẹn, Hiệp đã vụt buồn khi chợt nhớ đến bác sĩ Thanh Dương. Không rõ Hạnh đã gặp anh ấy chưa? Và tình cảm của nàng sẽ thế nào khi gặp lại cố nhân? Liệu tình yêu ngày nào có hồi sinh trở lại để gắn kết hai người lại mãi mãi không?
Thấy vẻ đăm chiêu của Hiệp, Hạnh dịu dàng hỏi:
− Dường như anh đang có chuyện gì phải lo nghĩ?
Ánh mắt Hiệp buồn bã nhìn Hạnh, chàng thầm quyết định phải nói rõ mọi chuyện cho nàng nghe.
− Sao anh không trả lời em? Anh hãy nói anh đang phải lo nghĩ điều gì và em có thể giúp cho anh được không?
Không trả lời mà Hiệp chậm rãi hỏi:
− Em đã gặp bác sĩ Dương chưa?
Hạnh ngơ ngác vì không hiểu:
− Anh muốn hỏi bác sĩ Dương nào, ở đâu?
− Bác sĩ Dương làm việc ở bệnh viện này, người đã cứu anh thoát chết và hiện đang điều trị cho anh.
Thúy Hạnh cười:
− Vậy mà anh không chịu nói rõ, làm sao em hiểu được. Em đến bệnh viện là vào thẳng đây, đâu biết bác sĩ Dương là ai mà gặp. Thôi để em gặp sau để cám ơn bác sĩ đã có công cứu chữa cho anh vậy.
Nhìn vẻ vô tư nơi Hạnh, Hiệp không khỏi ngạc nhiên:
− Em không cảm thấy có điều gì khác thương nơi tên người bác sĩ anh vừa nói sao?
Hạnh nhẹ lắc đầu:
− Em và ông bác sĩ ấy chưa hề quen biết, cũng chẳng quan hệ với nhau nên làm sao có điều khác thường được chứ.
Giọng Hiệp đượm chút cay đắng:
− Tại em chưa gặp nên mới nói thế, chứ khi đã gặp em sẽ biết ngay ông bác sĩ ấy chẳng những rất quen mà còn có mối quan hệ thân thiết với em nữa.
Hạnh nhìn Hiệp đăm đăm. Nhưng lời bóng gió xa xăm của Hiệp đã khiến nàng chạnh nghĩ đến một người đã lùi sâu trong dĩ vãng:
− Chẳng lẽ bác sĩ Dương chính là...
Thấy Hạnh ngập ngừng, Hiệp nói tiếp lời:
− Là Thanh Dương, người yêu trước đây của em đấy.
Hạnh lặng người đi. Trong tâm tư nàng, những kỹ niệm của một tình yêu thiết tha và say đắm chợt xôn xao hiên về. Tình yêu ấy đã cho nàng nếm hương vị ngọt ngào, nhưng nó cũng đã đem đến cho nàng vị đắng trên đầu môi.
Để cho Hạnh yên một chút, Hiệp mới khẽ hỏi:
− Bây giờ đã biết bác sĩ Thanh Dương làm việc ở đây, em định sẽ làm gì?
Hạnh bối rối lắc đầu:
− Em cũng không biết nữa, lúc này tâm tư em đang rối bời nên không còn biết phải làm sao.
Giọng Hiệp thật dịu dàng:
− Anh hiểu và thông cảm với nỗi bối rối của em! Riêng anh thấy đây là cơ hội tốt cho em đấy.
− Anh nói thế là có ý gì?
Cố nén nỗi buồn, Hiệp trả lời:
− Trước đây, em và bác sĩ Dương đã yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh nên hai người phải xa cách. Bây giờ có dịp gặp lại, em có thể nối lại tình yêu với bác sĩ Dương.
Hạnh thở dài:
− Anh nói nghe đơn giản quá! Em nghĩ mọi việc không dễ dàng như lời anh nói đâu.
− Em còn thấy có điều gì khó khăn nữa chứ?
− Thời gian đã qua đi, mỗi người rẽ theo một hướng khác nên hoàn cảnh và cuộc sống mỗi người mỗi khác, làm sao có thể dễ dàng nối lại sợi dây tình cảm đã bị đứt.
− Ý em lo ngại sự thay đổi nơi bác sĩ Dương chứ gì?
Hạnh lặng yên như thừa nhận, Hiệp nói tiếp:
− Điều ấy em an tâm, anh đã dò hỏi rồi. Bác sĩ Dương chưa lập gia đình, hiện nay anh ấy chỉ mới có người yêu và cũng là vợ hứa hôn là bác sĩ Như Nguyệt cùng làm ở bệnh viện này.
Giọng Hạnh như có ý trách:
− Người ta đã có người yêu và đã hứa hôn, vậy mà anh còn bảo em quay trở lại là sao chứ? Làm như thế chẳng phải em cướp đoạt tình yêu và người chồng chưa cưới của bác sĩ Nguyệt sao?
− Em đã nghĩ sai rồi, em không hề cướp đoạt điều chi của bác sĩ Nguyệt mà em chỉ lấy lại những gì em đã bị mất. Em nên nhớ trong itnh` yêu với bác sĩ Dương, em là người đến trước kia mà.
− Đó là chuyện của dĩ vãng, còn bây giờ tất cả đã đổi khác. Em không có quyền chen vào làm mất hạnh phúc của bác sĩ Nguyệt và gây đau khổ cho cô ấy. Vả lại, anh cũng cần hiểu điều này. Liệu bác sĩ Dương có còn yêu em như trước nữa không? Hay là qua sự biến đổi của thời gian, tất cả tình yêu của anh ấy đã dành cho bác sĩ Nguyệt?
Hiệp không chút bối rối:
− Anh không biết. Em nên trực tiếp hỏi điều này với bác sĩ Dương sẽ rõ. Nhưng anh thấy em cần phải tranh đấu cho tình yêu của mình.
Hạnh nhìn Hiệp với ánh mắt ngạc nhiên:
− Anh đã khiến em phải khó hiểu đấy. Anh không nghĩ tới sự chờ đợi lâu nay của anh sẽ trở nên vô ích, nếu em nối kết lại tình yêu với anh Dương sao?
Hiệp buồn bã thở dài:
− Biết làm sao được! Anh yêu em nhưng anh không thể ích kỷ để chỉ giữ cho tình yêu của mình được trọn vẹn mà không nghĩ đến em. Sự chờ đợi của anh chỉ có ý nghĩa khi em tự nguyện yêu anh, ngược lại anh sẵn lòng bỏ đi tất cả.
− Anh thật là cao thượng!
Hiệp nhẹ xua tay:
− Em đừng đề cao anh! Sự thực anh cũng chỉ là con người như bao con người khác, anh cũng biết đau khổ khi tình yêu mình chờ mong và hy vọng sẽ chẳng bao giờ đến với anh. Nhưng anh sẵn sàng chấp nhận nó khi cần thiết.
Không nghe Hạnh nói gì, Hiệp lại lên tiếng:
− Bây giờ chắc em đã hiểu rõ lòng anh cùng những ước mong của anh. Vậy khi gặp bác sĩ Dương, em hãy giải thích rõ mọi chuyện đã xảy đến với em, để anh ấy khỏi hiểu lầm.
Nãy giờ Hạnh đã suy nghĩ và thầm có quyết định cho mình, nên nàng chỉ trả lời:
− Anh cứ an tâm! Em biết những việc em cần phải làm mà.
Nghe thế, Hiệp không khỏi đau đớn trong lòng vì chàng ngỡ Hạnh sẽ làm theo lời chàng khuyên. Tuy vậy, anh cố đè nén để nỗi buồn không tỏ lộ ra ngoài mặt.
Đang cắm cúi bước đi trên dãy hành lang bệnh viện, Hạnh chợt giật mình khi nghe có tiếng ai đó gọi nàng.
− Thúy Hạnh!
Dừng bước, Hạnh ngước lên nhìn và thấy trước mặt nàng là Thanh Dương. Chàng vẫn như xưa, dường như không thay đổi chút gì. Bỗng chốc, những kỹ niệm tươi đẹp của mối tình đầu ngày nào vụt sống lại trong ký ức nàng.
Về phần Thanh Dương, chàng cũng đăm đăm nhìn Hạnh để thấy nàng vẫn xinh đẹp và dịu hiền như xưa. Và cũng giống như Hạnh, trong tâm tư Dương bỗng chốc ngập tràn những kỷ niệm thiết tha và say đắm của một thời yêu nhau ngày nào.
Hai người cứ đứng lặng lẽ nhìn nhau, họ như quên hết tất cả xung quanh để chỉ còn biết đến cố nhân. Không ai trong hai người ngỡ rằng ở một góc khuất, bác sĩ Như Nguyệt đang đứng đó với nỗi đau buốt trái tim, vì vô tình phải chứng kiến cảnh gặp gỡ.
Cuối cùng rồi cả hai cũng thoát ra những ký ức xa xăm, để bừng tỉnh trở về với thực tế.
Thanh Dương vui vẻ hỏi:
− Em vừa vào thăm anh Hiệp?
− Vâng. Nhờ có sự cứu chữa của anh mà anh Hiệp qua được cơn nguy hiểm, em xin chân thành cảm ơn anh.
Dương nhẹ lắc đầu:
− Có gì đâu mà em phải cám ơn anh, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thầy thuốc mà.
− Những vết thương của anh Hiệp còn gì đáng ngại nữa không anh?
− Em an tâm! Không còn gì nguy hiểm nữa, chỉ cần điều trị và bồi dưỡng một thời gian là anh Hiệp sẽ bình phục.
Lặng lẽ một chút rồi Dương nhắc lại chuyện ngày xưa:
− Thuý Hạnh này, có lẽ em vẫn còn thắc mắc vì sao ngày ấy anh không trở lại như lời đã hứa với em. Vì vậy anh thấy cần phải giải thích để em hiểu rõ nguyên nhân.
Hạnh nhẹ lắc đầu:
− Thôi anh, tất cả đã trôi vào dĩ vãng và em cũng không còn quan tâm đến điều ấy nữa, nên anh không cần phải giải thích nữa đâu.
Dương khắc khoải:
− Đừng như thế mà Hạnh, em hãy để anh giải thích! Anh không muốn em hiểu không đúng về anh.
Hạnh buồn bã thầm nghĩ: mọi chuyện bây giờ đều đã trôi vào dĩ vãng, có nghe lời giải thích cũng thế thôi.
Tuy thế, để Thanh Dương vui lòng, Hạnh nhẹ gật đầu:
− Thôi được, nếu anh đã muốn, em xin chìu ý anh. Vậy anh hãy giải thích đi!
− Ngày ấy, gia đình gọi anh về gấp là để anh kịp đáp chuyến máy bay ra nước ngoài du học vì đã gần ngay khai giảng. Thời gian quá gấp nên anh không thể trở lại gặp em, mà chỉ có thể viết một lá thư gửi cho Ngọc Duyên giải thích rõ mọi chuyện nhờ trao lại cho em.
Nghe thế, Hạnh không khỏi cảm thấy chua chát. Dương làm thế chẳng khác nào giao trứng cho ác, vì Ngọc Duyên rất ghét nàng nên làm sao cô ta có thể trao lá thư ấy cho nàng được.
Nghĩ thế, nhưng vì đã có chủ ý nên Hạnh lên tiếng:
− Em đã hiểu mọi chuyện rồi, vì thế anh không có lỗi gì đối với lời sai hẹn ấy.
− Ngay sau ngày về nước, anh đã trở lại tìm kiếm em, nhưng em đã đi khỏi. Điều ấy đã khiến anh buồn vô hạn!
Hạnh ngước lên nhìn Dương đăm đăm:
− Lý do vì soa em phải ra đi, chắc Duyên đã nói rõ với anh rồi chứ?
− Đã nói rõ, nhưng anh vẫn chờ lời giải thích của em.
Hạnh lấy hết can đảm để thực hiện quyết định nàng đã chọn lựa:
− Sự thực đã như thế, em đâu còn gì để giải thích với anh nữa. Trong chuyện gãy đổ tình cảm giữa chúng ta, em là người có lỗi. Anh hãy tha thứ cho em!
Dương buồn bã thở dài, Hạnh cúi mặt nói tiếp:
− Chuyện ngày xưa giữa chúng ta đã không còn gì nữa, vậy hãy để tất cả lùi vào dĩ vãng, đừng nhắc lại làm gì nữa! Cả anh và em hãy cùng sống cuộc sống thực tại! Lúc này, mỗi người chúng ta đều đã có con đường riêng của mình. Em đã an phận với vai trò người vợ của anh Hiệp, còn anh cũng sắp trở thành chồng của bác sĩ Như Nguyệt. Chúng ta cùng thoả thuận quên tất cả chuyện cũ, anh nhé!
Tuy buồn, nhưng Dương không thể không đồng ý với Hạnh:
− Đành vậy!
Lặng lẽ nhìn Thanh Dương một lúc, rồi Hạnh nói lời từ biệt:
− Đã đến lúc em phải về.
Hạnh đi rồi, Dương vẫn đứng lặng nhìn theo, trong lòng cảm thấy thật buồn.
Về phần Thúy Hạnh, nàng ra khỏi bệnh viện và chậm rãi đi về phía trạm xe buýt ở gần đó. Bỗng nhiên, Hạnh dừng bước vì nghe có tiếng gọi ở phía sau.
− Này, cô Hạnh!
Quay lại, Hạnh ngạc nhiên khi thấy một cô gái xinh đẹp đang hấp tấp đi về phía nàng. Đợi cho cô gái đến gần, Hạnh lên tiếng hỏi:
− Cô gọi tôi có chuyện gì không? Tôi nhớ là đâu có quen biết chi với cô.
Cô gái trả lời với vẻ không mấy thiện cảm:
− Phải có chuyện tôi mới mất công đuổi theo và kêu cô chứ, còn chuyện quen biết thì đúng là tôi không quen biết với cô thiệt, nhưng điều đó không hề gì.
Hạnh thắc mắc:
− Cô là ai mà sao lại biết tôi?
− Tôi là bác sĩ Như Nguyệt, vợ sắp cưới của bác sĩ Thanh Dương.
Chỉ cần nghe thế, Hạnh đã hiểu mục đích của cuộc gặp gỡ này, nàng lịch sự:
− Rất vinh hạnh được biết bác sĩ! Chắc bác sĩ gặp tôi là để nói chuyện về bác sĩ Thanh Dương?
− Đúng, tôi muốn giải quyết dứt khoát mối quan hệ giữa ba chúng ta! Tôi không muốn tình trạng này cứ kéo dài nữa?
Hạnh nhìn quanh rồi chủ động mời:
− Tôi rất vui lòng được tiếp chuyện với bác sĩ! Câu chuyện giữa chúng ta chắc sẽ dài, vậy mời bác sĩ cùng tôi ghé vào quán cà phê gần đây để nói chuyện cho tiện.
Như Nguyệt gật đầu, rồi lẳng lặng cùng đi với Hạnh. Mấy phút sau, hai người đã ngồi đối diện với nhau qua chiếc bàn nhỏ. Nguyệt lạnh lùng mở đầu cầu chuyện:
− Tôi vẫn biết trước đây cô và anh Dương đã có một thời yêu nhau, nhưng chính cô đã phản bội lại anh ấy để chạy theo người khác. Thế mà hôm nay chẳng những cô không thấy xấu hổ về sự bội bạc của mình, lại còn gặp gỡ và tính chuyện lôi kéo anh Dương nữa chứ. Cô không thấy tự thẹn với lương tâm cô sao?
Biết Nguyệt hiểu lầm mình, Hạnh vội thanh minh:
− Bác sĩ đã lầm rồi! Cuộc gặp gỡ giữa tôi và bác sĩ Dương khi nãy chỉ do sự tình cờ, chứ hoàn toàn không do tôi chủ động. Và trong cuộc nói chuyện ấy, tôi không hề có ý lôi kéo bác sĩ Dương trở lại với tôi.
Như Nguyệt lắc đầu nguầy nguậy:
− Người ta vẫn thường nói "tình cũ không rũ cũng đến " nên làm sao tôi có thể tin được lời nói của cô chứ.
− Bác sĩ cần nên tin, vì bác sĩ Dương đã không còn yêu tôi nữa. Phần tôi đã có chồng và có con, nên tôi đâu thể làm trái đạo lý của một người vợ, nhất là khi chồng tôi lại đang đau đớn trên giường bệnh.
Nguyệt lặng thinh. Dường như những lời thanh minh của Hạnh vẫn chưa đủ để nàng tin.
− Lời nói của cô làm sao tôi có thể tin được chứ? Ngày nào cô cũng vào đây, biết đâu cô chẳng lén lút quay lại quyến rũ anh Dương?
Hạnh nghẹn ngào:
− Tôi van bác sĩ hãy tin tôi! Tôi không phải loại người vô lương tâm để có thể làm những điều trái lẽ, khi chồng tôi đang phải đau đớn trên giường bệnh.
Thấy Nguyệt lặng thinh, Hạnh phân trần tiếp:
− Vả lại, tôi cũng biết thân phận mình là người thiếu chung thủy lại thấp kém hơn so với bác sĩ, thế nên tôi đâu dám có mặt mũi nào mà tính đến chuyện quay trở lại với bác sĩ Dương chứ.
Những lời thanh minh của Hạnh ít nhiều đã khiến Nguyệt nguôi ngoai dần nỗi ghen tuông.
− Cô không môi mép để gạt tôi đấy chứ?
Hạnh buồn bã đáp nhanh:
− những điều tôi vừa nói là tất cả sự thực lòng tôi, không hề lừa dối bác sĩ đâu. Xin bác sĩ hãy an tâm là tôi không bao giờ dám chen vào để làm ảnh hưởng đến tình yêu của bác sĩ và bác sĩ Dương đâu!
− Cô dám hứa với tôi điều ấy chứ?
Hạnh chắc giọng:
− Tôi xin hứa!
Vẻ căng thẳng đã biến mất khỏi gương mặt xinh đẹp của Nhu Nguyệt, thay vào đó là nụ cười thoả mãn:
− Được rồi, cô đã hứa nên tôi tin lời cô. Nhưng tôi sẽ luôn theo dõi để xem cô có thực hiện được lời hứa ấy không.
− Có lẽ bây giờ bác sĩ vẫn chưa hoàn toàn tin ở lời hứa của tôi đâu, song với thời gian bác sĩ sẽ thấy là tôi giữ lời.
Nguyệt gật đầu hài lòng:
− Tôi cũng mong được như thế!
Câu chuyên giữa hai người đến đây tạm dừng, họ chia tay nhau trong nỗi niềm khác biệt. Như Nguyệt thì an tâm và vui vẻ, còn Hạnh thì không khỏi buồn bã. Vừa xong một ca mổ, Thanh Dương đổi y phục rồi trở về phòng làm việc. Chàng thấy một phong thư để sẵn trên bàn nên cầm lên xem. Ngoài bì thư đề tên chàng, còn nơi góc trái là tên của Ngọc Duyên. Như vậy lá thư này là của cô em họ gửi từ quê lên cho chàng.
Ngồi xuống ghế, Dương xé phong bì, rút lá thư ra đọc:
"... ngày... tháng... năm...
Anh Dương kính mến!
Có lẽ anh rất ngạc nhiên khi nhận được thư của em, và anh không khỏi tự hỏi lý do gì đã khiến em phải viết thư cho anh, trong khi lâu nay em rất làm biếng chuyện này?
Có một nguyên nhân đã khiến em phải làm việc ấy, anh ạ. Chắc anh còn nhớ Tố Uyên, một trong hai nhỏ bạn thân nhất của em chứ? Nó đã chết vì bị tai nạn đó anh. Trước khi chết, Tố Uyên đã rất hối hận về một việc làm không đúng của nó trước đây. Uyên nhờ em thay nó là mọi việc để chuộc lại lỗi lầm cũ. Nhưng không phải chỉ mình Tố Uyên, mà cả em và Bích Phượng cũng đều có lỗi và lúc này lương tâm chúng em đang bị cắn rứt, đòi hỏi phải chuộc lại lỗi lầm và làm sáng tỏ mọi chuyện.
Anh Dương! Bây giờ em xin kể lại tất cả sự thực về Thúy Hạnh để anh hiểu rõ. Sự thực Hạnh luôn là một cô gái nết na thùy mị, cô ấy không hề có thai như lời đồn. Chẳng qua chúng em vì ghét Hạnh nên đã tung tin đồn, khiến cô ấy xấu hổ phải bỏ đi nơi khác.
Anh Dương! Trong chuyện này, chúng em có lỗi với Thúy Hạnh và có lỗi cả với anh. Chính vì thế, em viết lá thư này để xin lỗi anh, mong anh tha thứ cho lỗi lầm của chúng em.
Còn với Thúy Hạnh, em rất mong được một lần gặp lại để nói lời xin lỗi, mong cô ấy rộng lòng tha thứ nhưng lại không biết lúc này Hạnh đang ở đâu. Vậy nếu anh có khi nào gặp lại Hạnh, xin hãy nhắn lại lời xin lỗi của em, Tố Uyên và cả Bích Phượng.
Kính thư
Ngọc Duyên."
Đọc xong lá thư của Ngọc Duyên, Thanh Dương sững sờ đến chết lặng, trong lòng cảm thấy đau xót vô cùng. Chàng thật không ngờ Hạnh đã phải chịu nỗi oan khiên đầy xấu hổ, tủi nhục. Thật đáng giận cho Ngọc Duyên và hai người bạn của Duyên biết bao! Chỉ vì ghét Hạnh mà nỡ gieo tiếng xấu, khiến Hạnh phải mất cả danh dự. Ngay đến chàng vì hiểu lầm, nên cũng đã có những suy nghĩ không hay về Hạnh. Cũng may là Ngọc Duyên đã kịp hối hận, nên chàng mới biết được sự thật.
Nhưng kỳ lạ thay! Tại sao bị oan mà khi gặp lại chàng, Hạnh không một lời thanh minh, lại còn thừa nhận những việc cũ? Còn Hiệp nữa, sự thực anh ta có phải là chồng của Hạnh không?
Thắc mắc mà không thể tự giải đáp được, Dương vội vã đi xuống phòng bệnh của Hiệp, người mà chàng hy vọng sẽ giải đáp được những thắc mắc.
Gặp Hiệp, Thanh Dương vào đề ngay:
− Anh Hiệp, tôi muốn hỏi anh một chuyện, anh phải trả lời cho thật nghe.
Nén nỗi thắc thỏm, Hiệp trả lời:
− Vâng, xin bác sĩ cứ hỏi. Có sao tôi xin trả lời vậy.
− Có thực là anh và Hạnh là vợ chồng với nhau không?
Hiệp lặng thinh trong nỗi thắc mắc, chàng không hiểu vì sao bỗng dưng Dương lại hỏi như thế. Có thể nào vì Dương đã biết chuyện của hai người nên thắc mắc?
Nếu chàng trả lời thành thực, không khéo sẽ mất Thúy Hạnh và sự kiên nhẫn chờ đợi lâu nay của chàng sẽ trở nên vô ích. Nhưng nếu chàng trả lời không đúng sự thực, sẽ rất thiệt thòi cho Hạnh. Lâu nay nàng đã chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ, chàng chẳng nên để nàng phải chịu bất công thêm nữa.
Nếu có đau khổ thì người gánh chịu phải là chàng chứ không thể là Hạnh được.
Với suy nghĩ ấy, Hiệp vội trả lời:
− Không phải đâu bác sĩ. Lâu nay, tôi và Hạnh vẫn chỉ như hai người bạn thân thiết.
− Vậy sao Hạnh lại nói với tôi, anh là chồng của cô ấy?
Hiệp nhẹ lắc đầu:
− Tôi không rõ lý do vì sao Hạnh đã nói với bác sĩ như thế, nhưng sự thực mối quan hệ giữa chúng tôi hết sức trong sáng.
Thanh Dương nửa tin nửa ngờ:
− Lạ thật! Nếu chỉ là bạn, vậy lâu nay sao anh mất công đi theo Hạnh làm gì? Anh làm thế chắc chắn phải có mục đích chứ?
Hiệp thành thực:
− Bác sĩ đã đoán đúng. Tôi yêu Hạnh, nhưng không được cô ấy đáp lại. Tuy thế, khi thấy Hạnh bị người ta vu cho tiếng xấu đến phải bỏ đi nơi khác, tôi không đành lòng bỏ mặc cô ấy mà phải đi theo để giúp đỡ. Nhưng từ ấy đến nay, giữa tôi và Hạnh chỉ luôn là tình bạn.
Bây giờ Dương đã hiểu rõ mọi chuyện, cũng như hiểu được tấm lòng cao thượng của Hiệp, chàng cảm kích nói:
− Anh thực là một người bạn tốt của Hạnh!
Hiệp nở nụ cười buồn:
− Có gì đâu mà bác sĩ phải khen, tôi chỉ làm những việc lương tâm tôi đòi hỏi. Có điều bác sĩ cần hiểu cho Hạnh, là những lời nói xấu về cô ấy đều là bịa đặt, do những người ghét cô ấy tung ra.
Thanh Dương giơ tay ngăn Hiệp lại:
− Anh không cần phải thanh minh thêm nữa đâu, tôi đã hiểu rõ mọi chuyện rồi. Chính Ngọc Duyên đã viết thư nhận lỗi và còn nhờ tôi xin lỗi Thúy Hạnh giùm cô ấy.
Hiệp tỏ vẻ vui mừng:
− Cuối cùng Hạnh cũng được giải oan những điều không hề có, biết được điều này chắc cô ấy sẽ rất vui.
Dương ngậm ngùi:
− Tội nghiệp cho Hạnh lâu nay đã phải đau khổ vì mang tiếng oan! Chính tôi cũng có lỗi vì đã hiểu lầm cô ấy.
Hiệp an ủi:
− Tôi tin là Hạnh không trách bác sĩ đâu. Cô ấy cũng hiểu tất cả đêu là do hoàn cảnh tạo ra.
Thanh Dương đi rồi, còn lại một mình Hiệp với vui buồn lẫn lộn. Chàng vui vì mọi việc đã được sáng tỏ, nỗi oan của Hạnh đã được giải toả. Từ đây, danh dự của nàng sẽ được trả lại tiếng thơm như ngày xưa.
Nhưng đồng thời Hiệp cũng buồn vì nghĩ tới sự tuyệt vọng với mối tình đầu của chàng, Thanh Dương ắt hẳn vẫn còn yêu Hạnh và ngược lại. Chắc Hạnh vẫn còn yêu Dương. Nay những hiểu lầm không còn nữa, chắc hẳn không còn gì có thể cản ngăn hai người ấy đến với nhau. Thế là chàng mãi mãi mất Hạnh.
Nghĩ đến đây, Hiệp cảm thấy buồn vô hạn. Chàng có cảm giác như trái tim mình đang nát ra thành từng mảnh.
Vừa lúc ấy, cánh cửa phòng mở ra và Hạnh từ ngoài bước vào với nụ cười thân thiết trên môi. Lúc lại gần giường, nàng ngạc nhiên khi thấy gương mặt buồn xo của Hiệp.
Sà đến gần Hiệp, Hạnh dịu dàng hỏi:
− Anh bị đau à?
Hiệp nhẹ lắc đầu:
− Không, anh vẫn bình thường.
Hạnh ngồi xuống bên giường, dịu dàng hỏi tiếp:
− Dường như anh đang có chuyện gì đó phải lo nghĩ hay đang có tâm sự, nên em thấy gương mặt anh nhuốm buồn?
Hiệp nhìn Hạnh với ánh mắt buồn thăm thẳm:
− Đúng là anh đang có tâm sự buồn, em có biết lý do vì sao không?
− Em không biết.
Giọng Hiệp nghẹn ngào:
− Anh buồn vì biết anh sắp mất em mãi mãi.
Hiểu nỗi lòng của Hiệp nhưng Hạnh vẫn muốn thử lòng chàng, nàng giả lả:
− Bữa nay anh ngộ ghê! Em vẫn ở đây chứ có đi đâu mà anh sợ mất chứ.
− Vì em chưa biết chuyện mới xảy ra tức thì với anh nên em mới nói thế thôi. Chứ khi em đã biết rồi, em sẽ phải công nhận lời anh nói là đúng.
Hạnh đăm đăm nhìn Hiệp:
− Lại có chuyện xảy ra với anh nữa à? Nhưng đó là chuyện gì vậy anh?
− Bác sĩ dương vừa đến gặp anh. Em có đoán được anh ấy hỏi anh chuyện chi không?
Hạnh nhẹ lắc đầu, Hiệp liền trả lời:
− Bác sĩ dương thắc mắc, chúng ta có phải vợ chồng với nhau không?
− Rồi anh trả lời thế nào?
Hiệp nói trong lúc ánh mắt chàng chăm chú quan sát Hạnh, như muốn dò xét phản ứng của nàng:
− Anh đã thành thực trả lời bác sĩ Dương, chúng ta chỉ là bạn bè thân thiết, không hề là vợ chồng với nhau.
Hạnh tỏ vẻ không hài lòng, nàng nhẹ trách Hiệp:
− Lẽ ra anh không nên trả lời như thế.
− Vậy em bảo anh phải trả lời thế nào đây? Chẳng lẽ lừa dối bác sĩ Dương rằng chúng ta là vợ chồng với nhau. Điều ấy chẳng những không ích lợi gì, mà còn làm thiệt hại cho chính bản thân em nữa.
Hạnh nhẹ lắc đầu:
− Em không thấy có điều gì thiệt hại cho bản thân em cả, ngược lại còn có lợi nữa.
Hiệp căn vặn:
− Lợi gì cho em chứ?
− Em không biết phải nói sao để anh hiểu nhưng ý của em muốn những gì đã thuộc về dĩ vãng được ngủ yên, không nên khơi nó sống dậy nữa.
− Em không muốn, nhưng anh lại muốn. Vì sẽ thật bất công với em nếu anh để cho cơ hội này qua đi.
Có lẽ không muốn Hiệp mãi nói về chuyện này, nên Hạnh gạt đi:
− Thôi bỏ đi anh, chúng mình nói chuyện khác vui hơn.
Nhưng Hiệp không đồng ý, chàng khăng khăng:
− Không được, anh chưa nói hết câu chuyện với em, nên không thể dừng lại được. Em cần phải biết là nỗi oan của em đã được giải, và bác sĩ Dương đã hiểu rõ tấm lòng trong sạch của em. Chính Ngọc Duyên đã viết thư kể cho bác sĩ Dương sự thực và còn nhờ anh ấy xin lỗi em nữa đấy.
Hạnh cười buồn:
− Điều ấy bây giờ với em chẳng còn ý nghĩa gì nữa!
− Sao lại không có ý nghĩa chứ? Em đã được giải oan, bác sĩ Dương đã hiểu được sự trong sạch của em, nên tình yêu tưởng chừng đã gãy đổ của em chắc sẽ được hàn gắn lại.
Hạnh nhìn Hiệp với ánh mắt thiết tha:
− Vì thế nên anh buồn, anh khổ?
Giọng Hiệp buồn thật buồn:
− Em cũng biết là anh rất yêu em, nên anh sẽ vô cùng đau khổ khi tình yêu của em và bác sĩ Dương được an ủi vì thấy em đã được hạnh phúc bên người mà em yêu. Vậy em cứ mạnh dạn đón nhận tình yêu trở lại với em, đừng áy náy vì anh. Trước đây anh đã quen với cuộc sống cô đơn, thì bây giờ cuộc sống của anh có thêm cô đơn nữa cũng không sao.
Hạnh dịu dàng:
− Anh thực là cao thượng, nhưng nói như thế là anh chưa hiểu em đâu.
− Anh chưa hiểu em ở điều gì chứ?
− Ở tình yêu của em trong lúc này, chắc hẳn anh vẫn nghĩ trong trái tim em chỉ có hình bóng của anh Dương chứ gì?
Hiệp lẳng lặng gật đầu, Hạnh nói tiếp:
− Nghĩ như thế là anh đã lầm. Lâu nay, em không còn yêu anh Dương nữa, nên hình bóng anh ấy đã phai mờ trong trái tim em.
Hiệp sửng sốt:
− Sao, em không còn yêu anh Dương nữa ư? Em nói thực lòng em đấy chứ?
− Em đang nói rất thực, không hề dối đâu anh.
− Vì sao em lại hết yêu anh ấy?
Hạnh ngập ngừng hồi lâu rồi mới trả lời được:
− Em không biết phải giải thích với anh thế nào. Có lẽ trái tim em đã không còn rung động trước Thanh Dương, mà lại vì một người khác. Anh có biết người ấy là ai không?
Hiệp hồi hộp lắc đầu:
− Anh không biết.
Với ánh mắt chất ngất yêu thương, Hạnh nói nhỏ:
− Là anh đấy!
Hiệp lặng người, chàng không tin những điều vừa nghe thấy lại có thể là sự thực, nên thảng thốt hỏi lại:
− Em nói sao? Người em yêu trong lúc này là... anh ư? Em không đùa với anh đấy chứ?
Hạnh nghiêm trang trả lời:
− Em không đùa chút nào đâu, mà nói nghiêm chỉnh đấy. Lâu nay, tình yêu và trọng vẹn trái tim em đã dành trọn cho anh, nhưng em chưa thổ lộ ra cùng anh. Em nghĩ là anh sẽ hiểu được tình yêu của em, nào ngờ anh lại chẳng hiểu chút nào.
Bây giờ Hiệp đã tin chắc vào những điều nghe thấy, nên niềm vui và hạnh phúc tràn ngập khắp tâm hồn chàng. Chưa khi nào Hiệp cảm thấy sung sướng cho bằng lúc này, vậy là chàng đã có được tình yêu và trái tim Hạnh, điều này trước đây chàng cảm thấy thật xa vời, khó có thể đạt tới nhưng bây giờ đã trở thành sự thực.
− Sao anh không nói gì với em vậy?
Tiếng Hạnh dịu dàng vang lên khiến Hiệp bừng tỉnh, chàng tươi cười đáp lại:
− Em đừng giận, tại nãy giờ anh vui sướng và hạnh phúc quá, nên không còn biết phải nói gì nữa.
Hai người âu yếm nhìn nhau với ánh mắt chan chứa tình yêu, rồi Hiệp chợt nói:
− Anh thực không ngờ anh lại có diễm phúc được em yêu. Nhưng em yêu anh chắc không phải vì muốn trả công cho sự giúp đỡ của anh đấy chứ?
Hạnh duyên dáng lắc đầu:
− Anh an tâm! Không hề có chuyện ấy đâu. Em yêu anh chính vì trái tim em đã rung động trước anh, chứ không vì bất cứ điều gì khác.
Ngập ngừng một chút, Hiệp mới dám nói:
− Thế còn bác sĩ Dương?
− Tình yêu của anh ấy đã thuộc về dĩ vãng xa mờ, nó không còn tồn tại trong trái tim em lúc này nữa. Vậy hãy để cho nó ngủ yên. Bây giờ chỉ còn có tình yêu của chúng mình sẽ thắm tươi đến mãi mãi.
Hiệp yêu thương nắm lấy bàn tay mềm mại của Hạnh, hai người lặng lẽ bên nhau nhưng cảm thấy tràn đầy vui sướng và hạnh phúc.
Lúc Hạnh đi đến cuối hành lang, nàng đã thấy Thanh Dương đứng đó có như ý chờ đợi nên dừng bước, dịu dàng lên tiếng:
− Chắc anh có chuyện muốn nói với em?
Thanh Dương tươi cười gật đầu:
− Còn một vài chuyện anh muốn nói với em để chúng mình hiểu nhau hơn, thế nên anh đã chờ em ở đây nãy giờ. Thúy Hạnh à, có lẽ anh Hiệp đã nói với em về nỗi oan của em trước đây đã được giải rồi chứ?
− Vâng, anh Hiệp đã nói cho em nghe.
− Ngọc Duyên nhờ anh xin lỗi em, mong em bỏ qua những việc làm sai trái của cô ấy trước đây.
Hạnh nhẹ lắc đầu:
− Chuyện dã qua rồi, em cũng không hề hờn giận chi Ngọc Duyên đâu.
Dương nói như người có lỗi:
− Thúy Hạnh à, trước đây cũng có lúc anh đã hiểu không đúng về em, nay anh mới thấy được sự thực.
− Trong hoàn cảnh lúc ấy, ai cũng có thể hiểu lầm em chứ đâu riêng gì anh. Nhưng thôi, chuyện cũ mình không nên nhắc làm gì nữa. Lúc này anh đã hiểu rõ về em là em thấy vui rồi.
Ngập ngừng một chút, rồi Dương mới nói:
− Anh muốn biết em suy nghĩ gì về chuyện ngày xưa của chúng ta? Em hãy thực lòng trả lời cho anh rõ.
Hạnh thẳng thắn:
− Suy nghĩ của em là những gì đã trôi vào dĩ vãng, chúng ta hãy để nó ngủ yên, đừng khơi gợi lại chi nữa. Lúc này chúng ta hãy sống với thực tế của mình, em đã có tình yêu của anh Hiệp còn anh cũng đã có tình yêu của chị Nguyệt. Em mong từ nay chúng mình sẽ là những người bạn tốt của nhau.
− Sao Hiệp lại nói với anh, em không phải là vợ của anh ấy?
− Vì lúc ấy anh Hiệp chưa hiểu được tình yêu của em dành cho ảnh, nhưng em đã nói cho anh Hiệp biết tâm sự của em rồi.
Dương nhẹ thở ra:
− Anh hỏi những điều ấy chỉ để an tâm về em mà thôi. Thực lòng anh cũng thấy nên để cho dĩ vãng ngủ yên, chẳng nên khơi gợi nó thức dậy nữa. Anh đã yêu Như Nguyệt và sẽ thành hôn với cô ấy, từ nay chúng mình sẽ là những người bạn thân của nhau.
Hạnh tươi cười:
− Khi nào anh và chị Nguyệt làm đám cưới, nhớ mời em đến chung vui nhé.
Dương cười, gật đầu:
− Chắc chắn rồi, còn em cũng phải mời anh đến chia vui trong ngày cưới đấy.
− Anh cứ an tâm! Anh và chị Nguyệt sẽ được em ghi tên vào tấm thiệp đầu tiên.
Sau đó, hai người chia tay nhau như những người bạn thân thiết. Thanh Dương đang định trở về phòng làm việc thì Như Nguyệt chợt xuất hiện, khiến chàng không khỏi ngạc nhiên.
Như Nguyệt nhoẻn cười duyên:
− Anh đừng nhìn em như thế chứ! Không phải em tò mò theo dõi anh đâu, chẳng qua em vô tình đi ngang qua đây thôi.
Biết Nguyệt nói không đúng sự thực, nhưng Dương lờ đi.
− Và em đã nghe hết câu chuyện giữa anh và Thúy Hạnh?
− Vâng, em đã nghe tất cả.
− Bây giờ đã rõ mọi chuyện, chắc em không còn ghen bóng ghen gió nữa chứ?
Nguyệt cười, chữa thẹn:
− Anh nói oan cho em rồi đó, em có ghen tuông hồi nào đâu.
− Không ghen mà sao em cứ theo sát anh từng bước vậy?
− Cái đó tại em yêu anh nên mới... quan tâm đến anh chứ bộ!
Dương âu yếm nói:
− Như Nguyệt này, em cũng biết là anh rất yêu em. Trong trái tim anh lúc này chỉ duy nhất có hình bóng em ngự trị. Ngoài em ra không còn một ai khác nữa, em phải tin vào tình yêu của anh dành cho em chứ.
Ánh mắt Như Nguyệt nhìn Thanh Dương chan chứa yêu thương.
− Em tin ở tình yêu của anh nhưng đôi lúc em vẫn cảm thấy lo sợ sẽ mất anh, nhất là khi có sự xuất hiện của Thúy Hạnh.
− Tình cảm của anh đối với Thúy Hạnh đã mờ dần theo năm tháng, nay chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Lúc này, anh đối với cô ấy chỉ như người bạn thân thiết.
Nguyệt cười hạnh phúc:
− Bây giờ em đã hiểu được lòng anh và cả Thúy Hạnh, nên không còn phải lo âu gì nữa. Nhưng để cho chắc ăn, chúng mình mau tổ chức đám cưới nghe anh.
Thanh Dương làm bộ hỏi lại:
− Đã tin anh và không còn lo lắng gì về Thúy Hạnh, sao em còn đòi làm đám cưới sớm chứ?
− Em không còn lo lắng về Thúy Hạnh, nhưng biết đâu anh lại say mê một cô gái xinh đẹp nào khác thì sao? Thế nên nhất định chúng mình phải làm đám cưới sớm em mới an tâm.
Thanh Dương cười:
− Chọc em một chút cho vui, chứ anh cũng đang muốn làm đám cưới sớm đấy. Đâu phải chỉ mình em lo sợ, mà chính anh cũng lo sợ mất em thấy mồ.
− Vậy tháng sau chúng mình làm đám cưới nghe anh?
− Anh đồng ý cả hai tay.
Với nỗi dạt dào yêu thương, Thanh Dương ghé bên tai Như Nguyệt, âu yếm nói nhỏ:
− Sao lúc này anh muốn hôn em một cái quá đi!
Như Nguyệt dáo dác nhìn quanh, rồi lắc đầu nguầy nguậy:
− Í, hổng được đâu. Anh làm thế người ta cười chết.
Nói dứt lời, Như Nguyệt vừa cười vừa chạy về phía trước, như sợ Thanh Dương sẽ hôn đại nàng. Thanh Dương vờ đuổi theo với niềm vui và hạnh phúc ngập tràn trong tim.

Hết


Xem Tiếp: ----