Vừa ra khỏi bệnh viện, Sâm đã thấy bác tài xế đứng dựa lưng vào xe với điếu thuốc lá trên môi. Sâm đến bên bác tài, vỗ vai thân mật.
- Bác đợi tôi có lâu không? Xin lỗi bác nhé, có một bệnh nhân cần cấp cứu nên tôi ra hơi trễ.
Bác tài rít thêm một hơi dài trước khi ném nửa điếu thuốc còn lại xuống đất:
- Cậu thật là khác với những ông chủ ở đây.
- Khác ở chỗ nào hở bác?
- Cậu thì lúc nào cũng nói năng lịch sự và vui vẻ với người làm, còn các ông chủ ở đây hách dịch ghê lắm, “Mua mâm thì đâm cho thủng” mà!
Nghe bác tài nói, Sâm sung sướng trong lòng. Hai mươi năm sống ở Mỹ, chàng chỉ học được ở người Mỹ điều đó. Các ông chủ Mỹ, lịch sự, tươi cười ngay cả lúc đá văng nhân viên ra khỏi công ty của họ. Điều này, tốt hay xấu, Sâm cũng không biết, nhưng chàng sống như vậy đã quen rồi. Sâm nhớ tới Hương Giang, cô vợ trẻ của chàng. Hương Giang thường thủ thỉ:
- Những lúc gần nhau, anh trân trọng dịu dàng, cho em cảm giác được yêu thương, che chở. Anh là phần thưởng mà Trời, Phật đã ban cho em trong cuộc đời này. Em chỉ sợ em vụng về, không biết làm anh vui.
Giọng Huế trọ trẹ và những lời nói chết người ấy đã đưa Sâm vào thế giới kỳ ảo của tình yêu và hạnh phúc. Bạn bè, bà con họ hàng, ai cũng bảo chàng có phước, cưới được Hương Giang làm vợ. Hơn ai hết, Sâm biết được điều đó.
Sâm ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bác tài theo thói quen hằng ngày:
- Bác cho tôi lên đường Nguyễn Huệ nhé!
- Dạ, cậu khỏi nói tôi cũng biết mà. Chiều thứ bẩy nào cậu chẳng lên đường Nguyễn Huệ để mua bông hồng tặng cô.
Sâm như nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của Hương Giang khi đón nhận bó hồng vàng rực rỡ do chàng tặng. Chàng tự hỏi, không biết chiều nay Hương Giang sẽ mặc áo màu gì để đón chàng? Mái tóc, nàng sẽ để xõa, bới cao hay cột bằng chiếc khăn lụa mỏng màu tím? Hương Giang mặc áo màu gì chàng cũng thấy nàng đẹp. Tóc nàng để kiểu nào, chàng cũng thấy nàng cao sang duyên dáng. Tuy vậy, Sâm vẫn thích thú vì Hương Giang luôn luôn cho chàng những ngạc nhiên trong sự trang điểm hàng ngày. Cưới nhau đã gần một năm rồi mà Sâm vẫn náo nức mỗi khi gặp vợ. Mỗi ngày chàng đều khám phá được một điểm dễ thương nào đó ở nơi nàng. Căn nhà của vợ chồng Sâm là một tổ ấm, một nơi chốn mà đi đâu chàng cũng chỉ muốn trở về. Đôi mắt ướt, cặp môi hồng, hai cánh tay nuột nà của Hương Giang luôn luôn quấn chặt lấy chàng như một loài dây leo bám vào thân cổ thụ.
Sâm bồn chồn nhìn đường phố. Con đường Phan Thanh Giản vào giờ tan sở thật đông đúc. Một rừng xe đạp, xe gắn máy, xe xích lô, chạy ngang, dọc. Chiếc xe Toyota Camry màu đỏ mới tinh của chàng trở nên cồng kềnh, chậm chạp. Mặc dù bác tài xế bấm còi pin pin liên hồi, nhưng hình như chẳng có ai quan tâm tới. Đôi lúc, Sâm có cảm tưởng, nếu chàng xuống đi bộ chắc là nhanh hơn nhiều.
Xe hơi ở đây, theo ý chàng, chỉ có bốn điều lợi cho chủ của nó: Một là oai, hai là khỏi phải hít bụi, ba là có thể vặn máy lạnh để tránh cái nóng khủng khiếp của Sàigòn, bốn là sau cơn mưa, không bị nước bắn tung tóe từ những vũng nước lớn trên khắp các nẻo đường của thành phố. Sâm đã phải trả một giá rất đắt để được làm chủ chiếc xe này. Mà chàng lại phải trả ngay một lúc mới khổ chứ! Thực ra cũng có thể trả góp, nhưng Hương Giang bàn:
-- Trả góp, mình phải trả nhiều tiền lời lắm phải không anh? Hay là sẵn tiền, mình trả luôn cho khỏi lôi thôi, lại đỡ tốn tiền lời, anh nhỉ.
Với chàng, Hương Giang nói gì mà chẳng đúng. Thế là mua nhà, mua xe, chàng đều trả tiền mặt. Cũng may khi quyết định về Việt Nam làm việc và cưới vợ, Sâm đã bán căn nhà của chàng ở Mỹ và gom góp tất cả tiền bạc đã dành dụm nên chàng cũng có một số tiền khá lớn. Lúc đầu, Sâm tưởng với số tiền ấy Sâm sẽ là vua của thành phố này. Nhưng sau đó, chàng mới vỡ lẽ ra là số tiền của chàng chẳng thấm tháp gì so với giới giầu có mới ở Sàigòn. Sâm cũng không hiểu họ kiếm tiền ở đâu ra mà nhiều thế?
Chàng vẫn thường nhắc nhở các bạn từ Mỹ về Việt Nam:
- Đừng tưởng dân Việt Nam ai cũng nghèo cả đâu. Có nhiều người giầu lắm! Tiền của họ, họ đốt mình như không đấy!
Thật vậy, nhiều lần đi dự dạ tiệc do những người quen khoản đãi, Sâm đã chóng mặt khi nhìn cái hóa đơn tính tiền. Sâm thì chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc mời mọc tốn kém đến như thế. Cũng may, Hương Giang nấu ăn ngon, bầy biện bàn tiệc rất khéo léo, tiếp đãi ân cần tế nhị nên những bữa tiệc ở nhà vẫn được mọi người hoan nghênh lắm.
Sâm thường hãnh diện sự quyết định về Việt Nam làm việc của mình. Chàng nhớ lại những tháng ngày vô vị, buồn tênh nơi xứ Mỹ. Hằng ngày, Sâm làm việc như một cái máy ở bệnh viện. Về đến nhà, ăn qua loa, dán mắt vào cái máy truyền hình một lúc, rồi lăn ra giường, ôm gối, ngủ một mình.
Nhiều đêm, trằn trọc mãi, chàng trở dậy, uống rượu và nghe nhạc. Có những đêm, vừa chợp mắt thì cái beeper đã kêu tít tít và chàng phải lái xe như bay để vào nhà thương.
Sâm cũng đã cố gắng tham dự những buổi sinh hoạt cộng đồng để giúp đồng bào, kết thêm bạn mới và tìm một bóng hồng cho đời bớt lẻ loi, tẻ nhạt.
Đồng bào thì cũng chẳng ai cần chàng giúp. Người quen thì nhiều nhưng bạn thì thật hiếm hoi. Năm này qua năm khác, chàng vẫn hoàn toàn cô đơn giữa chốn đông người. Những cô gái cùng trang lứa với Sâm thì đã có gia đình, con bồng, con mang. Số còn lại, thì sắc đẹp quá ư là khiêm nhường, tính hạnh cũng chẳng ra gì: dở Mỹ, dở Việt, dở Tây, dở Tàu. Các cô gái trẻ thì chê chàng già. Vả lại các cô cũng có học nên họ chẳng thèm quan tâm tới mảnh bằng bác sĩ của chàng. Một mảnh bằng mà chàng đã phải tốn biết bao là công sức, thời giờ và tiền bạc.
Có vài lần, Sâm thử thân mật với mấy cô gái Mỹ. Nhưng chàng thấy hoàn toàn không hợp. Tuy họ nóng bỏng như lò lửa nhưng chàng vẫn có cảm giác họ là những pho tượng bằng thạch cao trưng bày trong tủ kính. Chuyện vợ con, Sâm cho vào quên lãng, không để ý tới nữa.
Thế rồi mùa hè năm ngoái, chàng được đề cử về Việt Nam để giúp bệnh viện Bình Dân trong vòng một tháng. Không ngờ, đây là một ngã rẽ của đời chàng. Một ngã rẽ thần tiên, thơ mộng. Chàng chỉ ở Sàigòn vài ngày thôi, cái cảm giác khó chịu vì nóng nực, bụi bậm và thiếu tiện nghi đã không còn nữa. Chàng thấy mình hòa nhập với cái xã hội này. Chàng yêu thương từng con người, từng cành cây, từng ngọn cỏ của quê hương.
Một tháng công tác qua mau. Sâm trở về Mỹ, thu xếp mọi việc để trở lại Việt Nam làm việc trong hai năm theo một phái đoàn y tế Mỹ. Trong tận đáy lòng, Sâm muốn lợi dụng dịp này để tìm lại khoảng thời gian hai mươi năm mà chàng đã mất mát. Quê hương, đối với Sâm, không còn mơ hồ nữa. Quê hương của chàng giờ đây là những con đường với nhiều ổ gà và bụi bậm, là những trận mưa, là những trận bão miền Trung, là cơn mưa phùn xứ Bắc, là cái nóng nung người miền Nam.
Sâm không hề tiếc nuối đời sống tiện nghi ở Mỹ. Chàng chấp nhận sống một cuộc sống có ý nghĩa trên quê hương chàng. Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân ở nhà thương, Sâm còn là giảng viên của viện Đại Học Y Khoa Sàigòn.
Định mệnh đã cột chặt đời chàng với Hương Giang, một cô gái Huế xinh đẹp, dịu hiền, đảm đang. Hương Giang là nhân viên của bệnh viện. Sâm gặp nàng trong chuyến viếng thăm Huế do cơ quan tổ chức. Thoạt thấy Hương Giang, Sâm đã ngây ngất vì sắc đẹp của nàng. Nhưng Sâm không dám làm quen, vì chàng biết, mình quá lớn so với cô bé. Vả lại, thời gian chàng ở lại Việt Nam thật là ngắn ngủi. Buông thả tình cảm, chàng nghĩ, chỉ là chuốc lấy họa vào thân. Do đó, Sâm cố tránh né Hương Giang. Sâm càng tránh né, thì Hương Giang càng chú ý và tìm cách gần chàng. Cuối cùng, tâm hồn và thể xác chàng đã chơi vơi trong ánh mắt long lanh và đôi cánh tay nuột nà của Hương Giang, trên con đò nhỏ, vào một đêm trăng, trên giòng sông Hương thơ mộng.
Một đám cưới linh đình được tổ chức sau hai tháng quen nhau. Mẹ chàng từ Mỹ về lo đám cưới cho chàng rất hài lòng vì Sâm đã chọn được người vợ xinh đẹp, đảm đang và thuộc con nhà danh giá. Bố của Hương Giang là một ông lớn của thành phố Sàigòn. Sâm cũng không gặp ông ta nhiều vì Hương Giang bảo ông ta bận luôn. Thỉnh thoảng, chàng chỉ gặp bà Hoa, mẹ của Hương Giang. Bà Hoa đẫy đà, nói năng khéo léo, nhưng trong cái khéo léo ấy, chàng thấy có vẻ như bà đang đóng kịch. Mắt bà Hoa đã nhỏ, hai túi mỡ ở dưới mắt lại làm cho nhỏ hơn. Sống mũi của bà ta gãy, hai cánh mũi lại to, giống như mũi sư tử. Theo tướng số, người như thế thì giầu. Miệng bà rộng với đôi môi dày. Hôm nào bà quên thoa son, đôi môi ấy thâm xì như miếng thịt ôi của buổi chợ chiều.
Nhiều khi Sâm tự hỏi, tại sao một người đàn bà như thế lại có một cô con gái tuyệt vời như Hương Giang? Nhưng chỉ cần Hương Giang của chàng đẹp và thông minh, dịu hiền là đủ. Chàng chẳng cần quan tâm tới bố mẹ vợ.
Sau ngày cưới, Sâm ít gặp bà Hoa hơn, Hương Giang nói:
- Anh ít thời giờ, để em đi thăm nom bố mẹ được rồi. Bố mẹ không trách đâu.
Tất nhiên là Sâm không phản đối. Vì thật lòng, chàng cũng không có nhiều tình cảm với bố mẹ của Hương Giang. Để vui lòng vợ, Sâm vẫn thỉnh thoảng mua quà cáp để Hương Giang mang về biếu bố mẹ nàng.
Sau khi ở tiệm hoa ra, Sâm bảo bác tài ghé tiệm vàng Kim Hoa ở đường Lê Thánh Tôn để mua một cái vòng cẩm thạch tặng vợ nhân dịp kỷ niệm cưới sắp tới.
Khi về tới nhà, Hương Giang đón chàng với vụ cười thật tươi:
- Chà, bó hồng vàng bữa nay đẹp quá anh hỉ!
Tóc Hương Giang xõa xuống ngang lưng, mái tóc thề muôn thưở của những cô gái Huế. Đôi chân dài bó sát trong cái quần màu tím dịu dàng. Qua lần vải phin trắng mỏng của cái áo tay phồng, da thịt nàng hồng hồng, trông thật hấp dẫn. Sâm ngẩn ngơ ngắm vợ. Hương Giang hỏi:
- Sao mà anh đứng sững ra vậy?
Sâm cười, hôn trên trán vợ:
- Em đẹp như một nàng tiên!
Hương Giang đẩy Sâm ra, nguýt yêu chồng:
- Anh lại nịnh đầm nữa rồi!
- Anh nịnh em chứ có nịnh đầm bao giờ đâu!
Hương Giang nắm tay Sâm, đưa chàng vào phòng tắm:
- Em đã chuẩn bị đủ cả, anh tắm cho mát rồi ra ăn cơm.
Hương Giang quay trở ra, khép cửa lại. Sâm nhìn theo bước chân chim của vợ, mỉm cười hạnh phúc. Những tia nước mát lạnh từ cái hương sen trên cao tuôn xả xuống tóc, xuống mặt, xuống thân thể chàng. Sâm nhắm mắt lại, khuôn mặt kiều diễm, mùi hương tóc, đôi mắt ướt và cánh tay nuột nà của Hương Giang như quấn quýt lấy chàng. Sâm mỉm cười ngu ngơ vì một ý nghĩ thoáng qua trong đầu.
Tắm xong, Sâm đi ra phòng ăn. Chàng hơi ngạc nhiên vì bữa ăn quá thịnh soạn. Một cái lọ nhỏ bằng pha lê với hai đóa hồng vàng đặt giữa bàn ăn. Trên bàn, la liệt những món ăn mà chàng ưa thích: bún bò, chạo tôm, bánh lá, bánh ít trần... Mỗi đĩa thức ăn, Hương Giang đều trang trí bằng những hoa cúc, hoa hồng, hoa ngọc lan cắt tỉa bằng hành tây, cà chua, củ cải rất tỉ mỉ và đẹp mắt.
Có tiếng Hương Giang vọng ra từ phòng ngủ:
- Anh ơi! vào đây em nhờ một chút.
Sâm bước vào phòng ngủ, Hương Giang tíu tít:
- Anh lấy giùm em cái vali ở trên nóc tủ. Hôm nay em muốn mặc bộ áo lụa Hà Đông mà lần đầu chúng mình gặp nhau.
Sâm thắc mắc:
- Ăn ở nhà mà em cũng mặc áo dài, sao lạ lùng vậy?
- Đời có nhiều chuyện lạ lùng lắm, anh chưa biết đâu.
Sâm không để ý đến lời nói của vợ, chàng đề nghị:
- Em muốn mặc áo dài, hay là chúng mình đi ăn tiệm rồi đi nhẩy luôn thể nhé?
Hương Giang nũng nịu:
- Hôm nay là ngày đặc biệt, em chỉ muốn chúng mình ở nhà thôi. Có nhau là vui rồi, đâu cần đến chỗ đông người hả anh?
Sâm nghĩ mãi không ra hôm nay là ngày gì, cuối cùng chàng hỏi:
- Tại sao em bảo hôm nay là ngày đặc biệt?
Hương Giang giọng hờn rỗi:
- Thế ra anh không nhớ à? Anh không nhớ thì thôi, em cũng chẳng thèm nói.
Sâm cuống quýt:
- Xin lỗi em, thật tình anh không nhớ.
Hương Giang nhìn chồng âu yếm:
- Thôi, em tha cho anh đó! Hôm nay là ngày kỷ niệm cưới của chúng mình chứ còn là ngày gì nữa.
Sâm cười vang:
- Em lầm rồi! Còn một tua nữa mới là ngày kỷ niệm cưới của chúng mình mà! Mười bốn tháng mười, có chết đi sống lại, có đầu thai kiếp khác anh cũng không thể quên được, em biết vậy không?
Hương Giang cũng cười:
- Em tính theo ngày ta mà!
Sâm ôm lấy vợ:
- A! Thế thì chúng mình sẽ có hai ngày kỷ niệm cưới. Để anh vào lấy quà cho em nhé.
Sâm đi vào phòng rồi trở ra với cái hộp nữ trang màu vàng óng ánh. Hương Giang mở nắp hộp, nàng cảm động thấy cái vòng ngọc quý giá nằm trên lớp bông gòn trắng muốt.
- Vòng đẹp quá anh ạ!
Sâm bảo:
- Vào phòng tắm, sát xà bông vào tay, anh đeo cho.
Hương Giang ngoan ngoãn làm theo lời Sâm. Sau đó Hương Giang cũng tặng quà cho chồng: một sợi dây chuyền vàng tây có mặt là cái thuyền nhỏ xíu. Sâm sung sướng vì món quà mang đầy ý nghĩa đó. Chàng hôn như mưa lên mặt vợ thay lời cảm ơn.
Suốt bữa cơm tối, Sâm cứ ngắm vợ và cười thầm: “Cô nàng đúng là nhiều chuyện, ăn ở nhà mà cũng lên khung như đi dự tiệc vậy.”
Hương Giang cũng không quên mở nhạc nhè nhẹ. Những bài hát mà vợ chồng chàng thường ưa thích như quyện lấy không gian nhỏ hẹp của căn phòng.
Một năm sống với Hương Giang, Sâm đã quen và yêu mến cách sống đỏm dáng của nàng. Tối nay, Hương Giang ăn nhiều và nói nhiều hơn mọi khị Sâm nghĩ, có lẽ vì nàng xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm đã qua.
Ăn cơm xong, Hương Giang nói:
- Chúng mình ra ban công ngắm hoa quỳnh nở đi anh, sắp tới giờ rồi đấy! Bát chén cứ để đấy, ngày mai con Hòa nó tới, nó dọn.
- Ý kiến hay lắm! Để anh đi pha trà, lấy bánh đậu xanh nhé!
Từ lúc ra ban công, Hương Giang trở nên ít nói, nàng giải thích:
- Lúc nãy, em nói nhiều rồi. Bây giờ chỉ muốn yên lặng chờ hoa nở.
Sâm chiều ý nàng. Chàng ngước mắt nhìn ánh trăng sáng vằng vặc và bầu trời đầy sao lấp lánh. Một cơn gió thoảng làm lay động khóm lá quỳnh to, dài và xanh mướt. Những nụ hoa hé nở chầm chậm rồi bung cánh trắng xóa rung rinh, hương thơm nhè nhẹ tỏa khắp không gian.
Hương Giang thở dài:
- Tội nghiệp hoa quỳnh quá phải không anh? Đẹp và thơm nhưng chỉ nở về đêm mà sáng mai đã tàn rồi!
Cái vẻ đa sầu đa cảm của Hương Giang khiến Sâm chợt nhớ tới nàng Kiều của cụ Nguyễn Dụ Chàng nắm bàn tay mềm của vợ, âu yếm nói:
- Mình đi ngủ nghe em.
Đôi mắt ướt của Hương Giang như hứa hẹn, như đồng lõa với điều chàng đang nghĩ: căn phòng ngủ có gắn máy lạnh, cái giường rộng với khăn trải phẳng phiu và đôi gối bông êm ái.
Khi Sâm tỉnh dậy thì Hương Giang không còn nằm bên chàng. Sâm nhìn đồng hồ, đã mười giờ sáng. Chắc giờ này Hương Giang đang loay hoay trong bếp để chuẩn bị bữa ăn điểm tâm cho hai vợ chồng. Chàng tung chăn ngồi dậy, bước xuống giường. Vừa đi vào phòng tắm, Sâm vừa huýt sáo một cách vui vẻ.
Lúc soi gương chải đầu, chàng mỉm cười thầm nghĩ: “Mình bốn mươi, Hương Giang hai mươi, vậy mà trông cũng không chênh lệch lắm!” Ngắm bóng mình trong gương một lần nữa, Sâm hài lòng với dáng dấp trẻ trung của mình trong chiếc áo thung trắng và quần jean màu xanh nhạt.
Sâm rón rén đi ra phòng ăn, chàng muốn dành cho Hương Giang một ngạc nhiên. Nhưng người ngạc nhiên lại là Sâm. Bởi vì phòng ăn cũng như mọi nơi trong nhà đều vắng bóng Hương Giang. Cô bé người làm tên Hòa cũng chưa thấy tới, mặc dù chén bát bừa bãi tối hôm qua đã được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Một đĩa bánh cuốn Thanh Trì và chả lụa để trên bàn ăn, bên cạnh đó là một cái phong bì đề: Gửi anh yêu dấu. Màu mực tím và nét chữ của Hương Giang khiến Sâm xúc động. Sâm lật đật lấy thư ra và đọc thật nhanh. Tay Sâm run run cầm lá thự Tim chàng như ngưng đập. Đầu chàng choáng váng, mắt mờ lệ. Những giòng chữ như nhẩy múa, như những gai nhọn đâm khắp thân thể chàng:
Anh yêu dấu,
Khi anh đọc những giòng chữ này thì em đã đi xa thật xạ Duyên số của chúng mình chỉ có thế thôi anh ạ. Một năm sống chung với anh, tuy ngắn ngủi, nhưng đối với em vô cùng quý giá. Anh biết không, em như cô bé Lọ Lem, biết trước là tới mười hai giờ khuya thì cỗ xe ngựa sẽ biến thành quả bí, nên em đã khóc thầm từng phút, từng giây những lúc được ở bên anh. Nếu không nghĩ tới cha mẹ em thì em đã tự tử chết ngay đêm qua trong vòng tay anh. Ôi, nếu được chết như vậy thì em sung sướng biết là chừng nào. Em không còn can đảm để viết dài dòng nữa. Em xin vắn tắt để anh hiểu mọi chuyện.
Cha em bị đe dọa đến tính mạng. “Bà lớn” cứu giúp cha em với điều kiện là em phải làm con nuôi bà tạ Em nhận lời và hy vọng nếu không được sung sướng thì cũng được bình yên khi sống với bố mẹ nuôi.
Nào ngờ, họ lợi dụng em, bắt em làm nhiều điều mà em không muốn. Rồi bà ta sắp xếp cho em gặp anh và ra lệnh cho em phải quyến rũ anh, lấy anh làm chồng. Thoạt đầu, em tưởng bà ta muốn khai thác anh và em trong một mưu đồ chính trị nào đó. Nhưng sau này em mới hiểu bà ta đã nghĩ ra một phương pháp làm ăn mới. Nhà, xe và tất cả tài sản mà anh đã để cho em đứng tên, em đã phải chuyển sang tên bà Hoa mấy tháng sau đó. Nhưng bà ta vẫn giữ lời hứa là cho em được sống với anh một năm.
Vậy hôn nhân của chúng ta là giả nhưng tình yêu của em với anh vô cùng thật. Anh biết vậy không anh?
Sáng nay, bà Hoa sẽ cho người đến đón em đi sớm. Đi đâu? Sống ra sao trong những ngày sắp tới, em cũng không biết nữa. Nhưng chắc chắn là những ngày sắp tới, đối với em sẽ vô cùng thê thảm. Em sẽ chẳng còn được anh ôm vào lòng. Em sẽ chẳng được cùng anh ngắm hoa quỳnh nở, bầu trời đầy sao sáng và ánh trăng dịu dàng như đêm qua nữa. Khi em đi rồi, xin anh giữ gìn sức khỏe và cố gắng vui mà sống. Ở một nơi nào đó, em luôn luôn và mãi mãi nhớ thương anh. Em cũng xin anh đừng tìm em và gây rắc rối với bà Hoa khi bà ấy tới để lấy nhà. Anh không thể đương đầu với bà ấy đâu.
Vĩnh biệt anh
Em
Hương Giang
Sâm buông rơi tờ thư, ngồi phịch xuống ghế. Hai tay ôm đầu, chết lặng người đi một lúc thật lâu. Khi trí giác trở lại, chàng cắn chặt môi đến rớm máu, ngồi bất động, cay đắng nhận ra thực tế phũ phàng. Sau hơn một năm sống trong xã hội chủ nghĩa, tình mất, tiền mất, cái niềm tin và hứng khởi khi từ Mỹ về Việt Nam cũng đã bị thực tại làm tan biến đi như mây khói./.
Lê Thị Nhị -Tuyển tập Ngày Về

Hết


Xem Tiếp: ----