Hai nhà khoa học Australia mới đưa ra phỏng đoán trên sau khi dùng phương trình Drake để tính xác suất của sự sống trong vũ trụ. Theo đó, ở các hành tinh có điều kiện tương tự trái đất, sự sống có thể đã hình thành và đang phát triển song song với chúng ta.
Charles Lineweaver và Tamara Davis, Đại học New South Wales ở Sydney (Australia), cho rằng, tốc độ tiến hóa nhanh chóng của sinh vật trên trái đất là một yếu tố quan trọng cho thấy có thể ở các hành tinh khác cũng đang tồn tại một nền văn minh nào đó. Theo hai ông, những mầm sống chỉ cần khoảng 0,5 tỷ năm để cắm rễ vững chắc trên trái đất, trong khi điều kiện sinh thái ngày ấy vẫn còn chưa được bảo đảm. Cho nên, ở các hành tinh trên 1 tỷ tuổi, có khí quyển, nước, ôxy và carbon, hoàn toàn có thể đang tồn tại và phát triển một dạng sinh vật nào đó.
Lineweaver và Davis đã sử dụng phương trình của nhà vũ trụ Frank Drake (được phát minh vào năm 1961). Đây là công thức tổng hợp tất cả các yếu tố liên quan đến tín hiệu về sự tồn tại của các sinh thể thông minh trong vũ trụ. Tuy nhiên, hai ông chỉ vận dụng một trường hợp hẹp của phương trình Drake, trong đó chỉ đề cập đến sự sống, chứ không nhất thiết phải là sinh thể có linh hồn.
Phương trình mà hai nhà khoa học sử dụng còn vài ẩn số, có thể làm sai lệch kết quả. Ví dụ, sự sống trên trái đất đã phát triển nhanh chóng như vậy là để thích nghi với biến động của môi trường, nhưng ở các hành tinh khác, môi trường tương đối ổn định, thì sao? Thêm nữa, điều kiện trên trái đất có thể đặc biệt hơn hẳn so với ở các hành tinh khác, mặc dù nếu so sánh về mặt vĩ mô thì chúng giống nhau khá nhiều.
Dù sao, xác suất 33% các hành tinh giống trái đất (trên 1 tỷ tuổi) mà hai nhà khoa học tính ra cũng đem lại hy vọng lớn cho loài người trên đường đi tìm những "người anh em" trong vũ trụ.

Xem Tiếp: ----