Dịch giả : Hải Ngữ phóng tác

Nguyên tác: AN INNOCENT BYSTANDER

 
Bàn chân cô gái trần trụi, không giầy dép gì cả. Đó là điều đầu tiên tôi nhận ra ngay khi thoáng thấy cô gái đứng ngơ ngác bên vệ đường. Điểm thứ hai đập ngay vào mắt tôi là đôi chân trần của cô lấm lem bùn; nó vương vãi cả lên chiếc quần soọc màu trắng trông loang lổ như da con bò sữa.
Chính vì thấy người cô gái dính bùn nên tôi mới ngừng xe lại. Cả đời tôi chưa bao giờ đón người lạ đứng dọc đường cho quá giang xe, bất kể đàn ông hay đàn bà; nhất là dân bản xứ. Mặc dù tôi thuộc loại to con nhưng đón một tên Mỹ lạ mặt tướng tá như con bò mộng lên xe chắc chắn lành ít dữ nhiều. Phải cẩn thận trước hết là để bảo vệ mạng sống mình vì không ai cấm mấy thằng đứng đường lên xe xong lại chĩa khẩu súng đen ngòm ra hoặc dí dao bắt lái đến một nơi vắng vẻ. Ở đó có muốn chết cũng không xong. Chuyện lợi dụng đi nhờ xe để cướp của giết người xảy ra nhan nhản trên báo đã làm thui chột lòng từ tâm của nhiều kẻ giàu tình thương. Tôi không đến nỗi dại dột đi thương người kiểu đó. Sau nữa tôi quý trọng thì giờ làm việc của tôi nên không muốn mất công vì những việc đâu đâu.
Vậy mà tôi đã cho cô gái quá giang xe. Chính đôi chân trần và mớ bùn lem lấm khắp nửa thân người cô gái đã làm cho tôi ngừng xe lại. Đầu óc giàu tưởng tượng của tôi nghĩ chắc chắn cô ta đang sợ hãi chạy trốn một hiểm nguy nào đó, và rơi rớt đôi dép đâu đó khi băng qua con đường đất ngập bùn. Tôi còn nhớ hôm đó thứ Hai, một ngày trong tháng Mười, thời tiết tương đối ấm áp. Trời đã ngả về chiều, đúng hơn chạng vạng tối. Tôi lái xe đến Hollister, một thành phố nhỏ cách nơi tôi ở khoảng 30 dặm về hướng Nam, để gặp một khách hàng rất có hy vọng sẽ nhờ tôi làm đại diện mua căn nhà trên ngọn đồi đáng giá hơn triệu bạc. Mặc dù văn phòng làm việc của tôi đặt tại San Jose nhưng khách hàng ở các vùng phụ cận không ngớt tìm đến tôi. Chả là tôi làm nghề địa ốc, chuyên mua bán nhà cửa và tương đối thành công. Số người tỵ nạn sinh sống ở vùng Thung lũng Hoa vàng ngày càng đông, dịch vụ đáp ứng cho những người Việt thành công rực rỡ về mặt tài chánh (đến nỗi dân bản xứ phải khâm phục) ngày càng lớn nên chuyện họ cần đến một người quảng bác lịch thiệp như tôi là điều dễ hiểu. Bù lại làm ăn với những thân chủ như thế nên chẳng mấy chốc tôi phất. Phất thật sự. Hơn mười năm trong nghề, mua bán đến hơn trăm căn nhà, nhất là độ rày thân chủ của tôi ưa thích những căn nhà cỡ bạc triệu trở lên nên tôi mới dư tiền tậu một căn nhà nghỉ mát ở Watsonville; nơi gió biển thổi mơn man vào những buổi trưa hè nóng bức và ánh trăng dẻo quánh đổ tràn lên sân thượng trong những đêm rằm. Tôi thường lái xe theo ngả xa lộ 17 để về nhà nhưng vì vừa ghé Hollister nên lấy xa lộ 129 để bắt sang Watsonville cho tiện. Xa lộ này thẳng tắp chứ không ngoằn ngoèo như con đường núi 17. Qua khỏi vài nông trại mọc sừng sững hai bên đường những hàng cây cao vút đan rậm nhánh vào nhau; mà nếu bạn dừng chân kiếm chút bóng râm, bước xuống xe hít thở bạn sẽ ngửi được mùi thơm của đất, thoang thoảng mùi thông dại vương trong không khí, nghe tiếng chim hót líu lo đâu đó trong tàng cây, và thấy lòng mình thoát tục hẳn. Vì thế tôi vẫn thích về nhà theo ngả xa lộ 129 hơn. Và hôm nay đang lái xe trên con đường hai chiều vắng vẻ thì tôi gặp cô gái.
Khuôn mặt cô gái rạng rỡ khi thấy xe tôi dừng lại bên vệ đường.
- Thế cô ta muốn quá giang à?
- Ý mày muốn hỏi sao?
- Thì cô ta có đưa ngón tay cái lên làm hiệu muốn quá giang không hay là mày mới thấy dáng đàn bà con gái là tấp vào liền?
- Tao cũng không nhớ rõ nữa. Có thể cô ta có đưa tay ra dấu.., có thể... mà tao chắc chắn là... có vì nếu không tao chẳng dừng lại làm gì. Mày biết tính tao mà, chẳng muốn dây dưa vào những việc tầm phào như thế.
- Mày có nói là trông cô gái có vẻ gặp nguy. Hay là vì thế mà mày dừng xe lại để hỏi chuyện, xem có cần giúp đỡ gì không?
- Không... không.... cô ta muốn quá giang xe. Tao nhớ lại rồi... đúng thế... tao thấy cô ta đưa ngón tay cái lên ra dấu xin đi nhờ xe.... nên tao mới dừng lại.
- Nếu vậy mày chắc chắn là cô ta muốn đi nhờ xe?
- Sao mày cứ hỏi vặn mãi cái chi tiết con con đó vậy. Cô ta có đưa ngón tay cái lên hay không điều đó có gì quan trọng đâu!
- Không chừng lại là điều quan trọng đó mày!
Tiếng cô gái rụt rè:
- Cám ơn ông.
Tôi hất đầu ra hiệu. Cô gái vội vàng mở cửa xe bước lên. Mái tóc nâu dài quá vai hất tung về phía tôi, rồi hất ngược trở lại khi cô nhoài người đóng cửa xe. Bây giờ tôi mới chợt nhận ra cô ta nhìn trẻ hơn tôi tưởng – độ mười bảy, mười tám gì đó chứ không hơn. Cô mặc chiếc áo cũ mèm và rộng thùng thình nên trông như đứa con nít. Tin tức trên báo chí cho biết số trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng tăng. Cứ đến 18 tuổi là chúng rời nhà đi ở riêng, sống độc lập. Có nhiều đứa còn tệ hơn, lêu lổng không chịu học hành, cha mẹ nói động đến thì bỏ nhà đi ngay, không hề nghĩ đến hậu quả. Con bé Mỹ này chắc cũng thế, mới nứt mắt ra đã bày đặt làm người lớn. Rà xe đi vào phân lộ, tôi hỏi:
- Cô có sao không?
Cô nhướng mắt nhìn tôi, vẻ hơi ngạc nhiên:
- Không sao cả!
Giọng nói cô gái không còn vẻ rụt rè như lúc đầu:
- Ông có đi Santa Cruz không?
Tôi vẫn chăm chú lái xe:
- Không, tôi chỉ đến Watsonville thôi.
Cô gái hình như không để ý câu trả lời của tôi. Cô duỗi người đổi thế chân. Đôi chân thuôn, dài ngoẵng so với thân hình. Khẽ liếc bằng nửa con mắt tôi phải công nhận đôi chân con nhỏ dài thật, trắng hồng và lốm đốm bùn.
- Nếu cô muốn tôi sẽ đưa cô đến đó. (chỗ tôi ở cách Santa Cruz khoảng mươi mười lăm dặm)
Tôi gài số và tăng tốc độ. Lái xe bằng một tay, tôi khẽ liếc cô gái:
- Thế giầy dép của cô đâu?
- Giầy... giầy hả? Tôi lột ra ném vào mặt bọn nó rồi!
- Vậy à!
Câu nói của tôi nhạt phèo vì không muốn tò mò hỏi thêm lý do. Miệng chúng tôi ngậm tăm một quãng đường khá xa. Cả người con bé bốc ra toàn mùi thuốc lá, cộng thêm cái mùi hăng hắc khó chịu mà mãi một lúc sau tôi mới nhận ra mùi thuốc chống muỗi. Hai bàn tay xếp gọn gàng trên đùi, cô gái nhìn chăm chú vào những móng tay đã trầy trụa lớp sơn đỏ. Tôi hỏi:
- Đến Santa Cruz cô muốn xuống ở quãng nào?
- Ông đừng lo. Cứ đến đó rồi tôi cho ông biết.
Con nhỏ nói nghe dễ ghét. Giọng nói của nó ráo hoảnh, không đượm một chút tình cảm, cũng chẳng lộ một chút biết ơn nào cả. Đi nhờ xe mà cứ như bố mình không bằng. Tôi bỗng bẳn gắt:
- Nhưng phải cho tôi biết quãng nào để kiếm đường đi cho tiện chứ!
Cô gái thở một hơi dài, ngoảnh mặt sang bên, giọng nghẹn ngào:
- Ông không hiểu hoàn cảnh của tôi. Ông có biết là người ta vừa đuổi cổ tôi ra khỏi căn nhà mướn không?…
Rồi bỗng nhiên, cô gái bật khóc:
- Bây giờ tôi cũng không biết đi về đâu nữa. Không nhà không cửa thì làm sao nói cho ông biết ở quãng nào.
Lòng tôi dịu hẳn khi nghe tiếng sụt sùi của con bé. Tôi vừa mới có ý định tống cổ nó ra khỏi xe, nghe xong tiếng khóc tôi chợt đổi ý định sẽ đưa con bé đến nơi đến chốn:
- Thế cô không có ai bạn bè sao?
- Có chứ, nhưng không biết có giờ này bọn nó đã ở nhà chưa.
Tôi im lặng để cho cô gái quyết định. Trời bắt đầu sẩm tối. Tôi nhón tay bật đèn. Một luống ánh sáng chiếu loe như hình phễu trước mặt. Giọng con bé nhỏ nhẹ:
- Tôi tên là Maddy. Nguyên tên là Madeleine gọi ngắn đi. Tên của cô tôi đó, đẹp không ông?
Nói xong, cô gái chìa tay ra phía tôi. Khẽ liếc sang bên, tôi nắm lấy bàn tay mềm mại của cô gái, gật đầu nhẹ:
- Còn tôi, Tom. Tên Việt Nam của tôi là Tạo nhưng cô cứ gọi Tom cho tiện.
Tôi liếc sang bên lần nữa để thấy nụ cười tươi tắn nở trên đôi môi mọng đỏ của con bé. Từ nãy giờ tôi đã chú ý đến ba cái đẹp trên người cô gái: đôi chân, nụ cười và đôi môi. Tôi khẽ lắc đầu xua đuổi một vài tư tưởng hắc ám vừa chớm lên trong đầu, nó chỉ hơn con mình có vài tuổi thôi, nhớ đấy! Tiếng Maddy kéo tôi về thực tại:
- Thế ông làm gì hả ông Tom?
- Nghề tôi hả? chuyên đại diện cho các thân chủ.
- À, ra thế.. ông làm nghề luật sư.
- Không... không, tôi đại diện cho khách hàng để mua bán nhà cửa.
- À, nghề địa ốc...
Maddy chợt lên giọng:
- … mấy thằng cha bán nhà chuyên lợi dụng ăn tiền của người ta. Mà ăn đâu có ít, cả chục nghìn chứ phải bạc trăm đâu?
Trời ơi, con nhỏ này tính khí bất thường; vừa mới khóc lóc đến tội nghiệp đó bây giờ lại lên giọng chua như giấm phê phán nghề nghiệp của tôi. Bán nhà có hàng nghìn người; dĩ nhiên có người lợi dụng sự kém hiểu biết của khách hàng để bắt chẹt nhưng không thể vơ đũa cả nắm. Dĩ nhiên tôi không nằm trong đám thiểu số đó. Hơn nữa nó hỏi tôi mới khai nghề nghiệp và cho dù tôi thuộc loại ăn bẩn đi nữa nó cũng phải nể nang đôi chút chứ. Vuốt mặt phải nể mũi. Thế ai cho nó đi nhờ xe, ai hứa mang nó đến tận nơi... Vừa mới có ý giúp, tôi lại muốn tống cổ nó xuống đường cho khuất mắt. Tôi bình tĩnh:
- Cũng tùy người chứ cô, đâu phải ai cũng như vậy.
- Tôi hy vọng thế.
Tôi hỏi ngược lại:
- Còn cô làm nghề gì để kiếm sống?
Câu hỏi có tính cách xã giao, không hề có ngụ ý châm biếm hay mỉa mai gì cả. Hỏi xong, tôi mới thấy mình hớ. Tôi đoán con nhỏ chưa qua hết trung học, độ mười bảy mười tám thì nghề ngỗng gì, họa may đi làm ở mấy tiệm ăn vớ vẩn kiếm tiền tiêu vặt. Mặt cô gái hếch lên, xẵng giọng:
- Hah! Ông hỏi chọc quê tôi phải không? Tính đàn ông mà sao chấp nhất vậy?
Maddy đưa hai tay ra sau nắm lấy lọn tóc, dập dập mấy cái rồi thả rơi xuống thành ghế. Mái tóc nâu óng mềm uốn lượn theo bàn tay con của con nhỏ rồi nằm xoải phía sau lưng trông như con rắn trườn mình ra khỏi hang kiếm mồi. Bỗng nhiên, giọng con nhỏ rít lên giận dữ:
- Cả đời tôi không muốn gây lộn với ai, thế mà hình như mọi người đều muốn kiếm chuyện gây sự với tôi. Ông cũng không khác gì cái thằng bồ khốn nạn của tôi.
Ơ hay, con nhỏ này thật ngang ngược. Chuyện tôi cho nó đi nhờ xe có ăn nhậu gì đến chuyện thằng bồ của nó đâu, thế mà nó lại đồng hóa tôi với thằng bồ mà tôi chưa hề nghe tên biết mặt thì thật quá sức. Tôi định tấp xe ngay vào lề, đạp văng nó ra khỏi xe thì Maddy quay lại nhìn tôi. Khuôn mặt con nhỏ đanh lại, tia mắt lóe lên ánh giận dữ. Nhìn thẳng vào mắt tôi, Maddy nói gằn từng tiếng:
- Tôi dám chắc là ông đang suy tính làm thế nào để dụ tôi lên giường!
- Con nhỏ nói vậy sao?
- Không sai một chữ! Nó nói rót vào tai tao từng chữ thì lầm sao được. Thật oan hơn Thị Kính. Nghe tức anh ách.
- Vậy mà mày còn bình tĩnh lái xe được thì cũng lạ!
- Tao giận run cả hai tay chứ. Phải gắng lắm mới giữ được xe thăng bằng chứ đâu dễ mày.
- Đúng ra mày phải ngừng xe, đuổi cổ nó xuống đường chứ còn chở làm quái gì nữa.
- Mày nói đúng.
- Con này thuộc loại ba trợn. Thấy nó như thấy điềm gở, mày phải tránh xa nó ngay từ lúc đầu.
- Mày lại đúng nữa.
- Thế mày nói sao với con nhỏ đó? Tao muốn biết câu trả lời của mày ra sao khi con nhỏ nói mày đang tính chuyện ngủ với nó.
- Mày muốn biết sự thật ra sao hả?
- Muốn quá đi chứ.
- Mày không ngờ đâu, chính tao cũng không tin sự việc lại diễn ra như thế.
Giọng tôi bình tĩnh đến độ tôi cũng không ngờ:
- Cô lầm rồi, lầm to nữa kìa. Tôi cho cô hay là tôi có đứa con gái cỡ tuổi cô. Tin hay không thì tùy nhưng trong bóp tôi vẫn luôn luôn giữ tấm hình của nó.
Nói được đến đó thì tôi bình tĩnh hẳn. Tôi cứ ngỡ là sẽ tát cho con nhỏ một cái nên thân, cho chừa cái tật ngang ngạnh, ngược ngạo, ngổ ngáo, mồm loa mép giải. Thế mà không hiểu sao tôi lại thản nhiên phân trần thêm với cô gái:
- Tôi không biết hoàn cảnh nào đưa đẩy đến nỗi cô lại nghi ngờ hết những người chung quanh. Nhưng tùy cô, điều đó không quan hệ gì đến tôi. Nói thẳng ra tôi chỉ muốn giúp cô một đoạn đường, thế thôi. Không ai dại dột mang ách giữa đường tròng vào cổ.
Có lẽ nghe trong giọng nói của tôi đượm sự thành thật, Maddy cúi đầu:
- OK... OK, tôi xin lỗi. Tôi thật không biết điều, mong ông bỏ qua cho.
- Cô còn quá nhỏ để hiểu tình đời. Đành rằng trong cuộc sống có kẻ xấu nhưng không phải ai cũng thế cả đâu.
- Tôi biết, tôi biết... tôi đã xin lỗi ông rồi...
Đột nhiên, giọng cô gái nhỏ dần và bật ra tiếng khóc thút thít. Tiếng khóc bật ra từng tiếng nho nhỏ như cố nhận chìm nổi tủi hờn xuống mà không được. Chùi nước mắt bằng ống tay áo quá khổ, con nhỏ lại sụt sịt:
- Tôi mong ông bỏ qua. Đôi khi tôi không suy nghĩ ăn nói tầm bậy tầm bạ. Tôi biết thế mà không sao sửa được.
Hễ cứ nghe tiếng khóc của đàn bà con gái là lòng tôi mềm lại. Những giọt nước mắt như chất cường toan nhỏ lên phiến sắt tâm hồn. Nhiều lúc tôi không biết đó là ưu điểm hay yếu điểm nữa. Chúng tôi im lặng trên một quãng đường khá dài. Cô gái chợt lên tiếng:
- Ông cho phép tôi hút thuốc?
Maddy móc trong túi áo ra gói thuốc Camel. Tôi biết cấm cũng không được:
- Cô cứ tự nhiên.
Dùng móng tay sắc nhọn, con nhỏ khều ra một điếu thuốc, vỗ vỗ vào thân cái bật lửa nhựa màu trắng, xoay ngược lên môi, mồi lửa và rít một hơi dài sảng khoái. Tất cả thao tác Maddy làm thuần thục với đôi tay điệu nghệ, mà hầu hết bọn trẻ mới lớn đều nhuần nhuyễn như thế cả. Nhìn bọn nhỏ, đôi lúc người ta tự hỏi không biết chúng đứng trước gương tập mất bao lâu để đôi tay trở nên thành thạo như nhà ảo thuật. Thổi luồng khói thuốc dày đặc về phía trước, con nhỏ hỏi bâng quơ:
- Tên con gái ông là gì? Đứa con gái ông nói cỡ tuổi tôi đó.
Tôi quay cửa xe xuống để mùi thuốc lá thoát ra ngoài. Gió đêm mát rượi. Nhà cửa hai bên đường lấp lóe ánh đèn nằm chơ vơ giữa những mẫu đất rộng thênh thang màu mỡ. Tôi bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời tôi cũng lạc lõng giữa những tiện nghi của vật chất dư thừa. Khẽ thở dài, tôi nói nhỏ:
- Minh. Tên Mỹ là Megan. Nó mười lăm.
- Vậy thì nhỏ hơn tôi nhiều lắm. Ông còn con cái gì nữa không?
- Không.
Maddy thở dài:
- Ông còn may mắn lắm vì ít ra ông cũng có một chỗ để về và vẫn có người chờ đợi ở nhà?
Tôi ngần ngừ một giây không biết có nên nói thật. Thật ra tôi có thể nói dối, chẳng ai bắt tôi phải thành thật khai gia cảnh với con nhỏ này cả. Vậy mà đến lượt tôi lại thở dài:
- Cô nói đúng chỉ một nửa. Tôi có nơi để về nhưng không có ai đang chờ tôi ở nhà cả. Tôi ly dị đã hơn 8 năm. Minh đang sống với mẹ nó ở Portland, Oregon.
Maddy gật đầu ra điều hiểu biết. Ánh đèn từ bảng đồng hồ hắt màu xanh lờ mờ lên khuôn mặt đẹp lạnh lùng của cô gái. Nhìn Maddy lung linh qua làn khói thuốc xanh vật vờ trong bóng đêm như hình ảnh liêu trai thần thoại. Giọng cô gái chợt sũng buồn:
- Ai ai cũng có chuyện buồn cả chứ chẳng riêng gì ông.
Tôi xem đó là một lời an ủi ân cần. Từ nãy giờ tôi mới nghe Maddy nói một câu nghe được. Im lặng lái xe bắt sang xa lộ 1, tôi vượt lối ra dẫn đến nhà tôi nằm dọc theo bờ biển. Khoảng 15 phút sau tôi đã có mặt tại khu phố đông đúc đầu mút tỉnh Santa Cruz. Tấp vào tiệm 7-Eleven để mua vài vật dụng, tôi quay sang đánh thức Maddy đang ngủ say như chết:
- Đến nơi rồi.
Maddy giật nẩy người như bị điện giật khi tay tôi vừa đụng vào người. Mắt nhắm mắt mở, cô gái xẵng giọng:
- Gì vậy?
- Đến Santa Cruz rồi. Tôi muốn biết chỗ nào để thả cô xuống, chỗ ở mấy người bạn cô đó.
Maddy không trả lời ngay. Con nhỏ chộp lấy gói thuốc nằm trên đùi. Lại bật lửa mồi thuốc, rít một hơi thật dài rồi nhả khói mù mịt. Hình như cô gái đang suy nghĩ lung lắm. Có lẽ con nhỏ không biết nên tá túc ở nhà đứa bạn nào. Tôi hỏi lại lần nữa:
- Thế bạn cô có biết cô ghé nhà không?
- Có giờ gọi cho nó đâu mà biết.
Maddy cúi đầu nhìn trân trân vào đầu điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay:
- Tôi.. tôi... không biết nói sao nữa... nhưng nếu được xin ông cho tôi ở nhờ một đêm ở nhà ông được không. Tôi biết ông là người đàng hoàng chứ không như những người khác.
Tôi lờ mờ đoán được ý định của Maddy. Con nhỏ cố ý đề cập đến chuyện lợi dụng đưa lên giường để thử tôi. Khi biết tôi không có ý định tồi bại thì nó yên tâm xin ngủ nhờ một đêm. Con nhỏ đi nước cờ cao. Tôi hỏi gặng:
- Thế cha mẹ cô đâu?
Đôi mắt Maddy chớp chớp liên hồi. Sao giống đứa con gái tôi thế không biết.
- Nếu ông kiếm ra má tôi thì ông phải là nhân viên FBI chứ không làm nghề mua bán nhà cửa nữa đâu. Còn ba tôi hả! Ổng chết hơn tám năm nay rồi.
Để biết chắc một điều, tôi nhìn thẳng vào mắt con nhỏ:
- Maddy, cô bao nhiêu tuổi?
- Mười tám.
Cô gái lấy ngón tay cào cào lên mép, giọng van nài:
- Nhà ông phải có phòng dư chớ. Cho tôi ngủ tạm một đêm có sao đâu. Ngày mai, đầu óc tôi thanh thản thì mới tính toán được.
Tôi biết nói sao bây giờ. Phòng con Minh vẫn để trống, để dành mỗi khi nó đến thăm tôi. Mãi đến mùa hè năm sau may ra đứa con tôi mới trở lại.
- OK. Tôi giao hẹn ngày mai cô phải gọi cho mấy đứa bạn của cô.
- Tao muốn hỏi lại cho chắc ăn: con nhỏ muốn ngủ nhờ một đêm?
- Ừ!
- Mày có chắc là mày không gợi ý cũng không đề nghị nó ngủ lại một đêm chứ?
- Chắc hơn bắp nữa! Nó mới chớm qua tuổi thành niên, chứa nó để vào tù à!
- Mày nhớ lại xem, đôi khi cử chỉ của mày vô tình làm nó hiểu lầm.
- Thôi mày ơi, cho tao xin. Đầu óc mày nhiều tưởng tượng quá.
- Này, này... mày xin ý kiến tao nên tao mới hỏi cho kỹ. Có những chuyện nhỏ nhặt nhưng không ngờ sau này lại trở thành một điểm mấu chốt của vấn đề. Ra tòa, thắng hay thua cũng nhờ nhạy bén với những chi tiết con con đó.
- Được rồi, được rồi... Tao trả lời dứt khoát một lần nữa cho mày yên tâm. Tao không có một cử chỉ nào để nó hiểu lầm xin ngủ lại.
- Vậy thì được. Thôi, tiếp tục đi.
Căn nhà tối om khi tôi đưa Maddy về đến nơi. Máy tính giờ để tự động bật đèn khi trời sẩm tối không còn hoạt hóa (activate) nữa, có lẽ do bị cúp điện một lần trong ngày. Ánh trăng hạ tuần đủ sáng để Maddy thấy lối đi, riêng tôi thì nhắm mắt đi không sai một bước. Vừa ra khỏi xe, tôi đã ngửi thấy mùi vị mằn mặn trong gió biển thổi ngược từ vịnh lên, và nghe rì rầm tiếng sóng vỗ như lời ru làm dịu lòng người. Quay sang Maddy, tôi dặn:
- Cô đứng đây để tôi bật đèn lối đi. Coi chừng bàn chân trần cô giẫm lên sỏi, đau lắm đấy!
Tôi bước vội lên bậc thềm, mở cửa chính, vào trong bật đèn. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, trở về căn nhà rộng thênh thang vắng lặng như tờ, tôi đều có cảm giác cô đơn, trống trải như lạc vào căn nhà hoang. Vì thế tôi thường bật nhạc hoặc TV ngay khi bước vào nhà và chỉ tắt trước khi đi ngủ.
Vói tay bật sáng đèn trên lối đi trước khi tôi bước trở lại xe. Maddy không còn đó nữa. Con nhỏ đóng cánh cửa xe không chặt nên đèn trong xe vẫn còn sáng và tiếng tiếng chuông báo cửa mở vang đều đều. Mắt dáo dác nhìn quanh, tôi gọi tên cô gái, khá lớn. Đóng cửa xe lại, tôi vòng ra phía cốp để lấy vali hồ sơ và túi đựng cà chua, bắp mà tôi mua tại nông trại ở Hollister. Tôi gọi tên Maddy một lần nữa.
Tôi tin chắc con nhỏ đã đi bọc ra ngõ sau. Cổng sau nhà tôi có con đường nhỏ dẫn ra bãi biển. Tôi men theo con đường và nghe tiếng sóng biển rõ dần. Ánh đèn quét một dải sáng về phía biển, soi lờ mờ dáng Maddy đứng xoay lưng về phía tôi. Vẫn đôi chân trần, cô gái đứng khoanh tay trước ngực, mắt nhìn đăm đăm về phía mặt biển đen ngòm. Nhìn dáng Maddy đứng trầm ngâm không nói một lời, tôi chợt thấy tim mình đau thắt. Vài tháng trước, con gái tôi cũng đứng trầm ngâm nhìn mặt biển như thế. Tôi hỏi con có chuyện gì buồn, cho ba biết được không? Minh trả lời không có gì, chỉ muốn nhìn ngắm trời biển bao la và mơ ước được tự do vẫy vùng như mây gió. Mấy đứa con nít đến tuổi dậy thì đều mơ ước viển vông như nó cả. Tôi nghĩ chuyện không đơn giản vậy và hỏi gặng mãi đến nỗi Minh bực mình lớn tiếng ba không bao giờ hiểu con được đâu rồi bỏ vào nhà. Chính câu nói xẵng giọng của Minh làm tôi lo âu và ngay đêm đó tôi gọi cho mẹ nó. Nàng bảo tôi chỉ lo hoảng, ở cái tuổi teenager thì đứng ngắm biển có gì lạ đâu; chỉ sợ nó đàn đúm hút xách kia, con Minh thế là tốt lắm rồi.
- Dáng nó đứng trông phiền muộn lắm hả?
- Con Minh?
- Con nhỏ Maddy kia?
- Không, phiền muộn sầu não gì! Trầm ngâm thì đúng hơn. Trông tư lư... mà chuyện đó thường quá, thì ai đứng nhìn trời biển hùng vĩ mà không một chút suy tư, nghĩ đến thân phận nhỏ bé của mình.
- Thế có ai thấy mày với con nhỏ đứng ở bãi biển đêm đó không?
- Làm sao tao biết được. Vả lại, tao cũng chẳng thấy một ai. Nhà cửa ven bờ vắng tanh, chỉ đông đúc vào mùa hè. Hôm đó cách lễ Lao động đến hơn tháng nên càng vắng hơn. Hơn nữa có ma nào mò xuống biển ban đêm, chỉ có đứa con Minh dở dở ương ương với con nhỏ mát dây Maddy thôi.
- Mày chắc thế không?
- Không... không chắc lắm.
Tôi đứng ngay phía sau Maddy:
- Cô thích biển lắm sao?
Con nhỏ quay người lại phía tôi. Khuôn mặt mờ nhạt không rõ nét, xanh xao có lẽ vì lạnh. Maddy rụt vai, hai tay xoa vào nhau:
- Trời ơi! Làm sao mà ông tậu được một căn nhà tuyệt vời như thế này. Chắc ông phải kiếm cỡ bạc triệu mỗi năm.
Tôi khiêm tốn, giọng nói có pha chút hãnh diện:
- Chẳng qua là may mắn thôi cô ơi. Năm ngoái thị trường chứng khoán bỗng nhảy vọt như ngựa lồng, mấy cổ phần chết tiệt của tôi mấy năm không ngó ngàng đến bỗng hóa ra tiền, mà tiền thật nhiều chứ ít oi gì. Tôi thấy của phù du nên bán sạch để tậu căn nhà ven biển này. Bán cổ phần thì thấy tiếc vì giá cả cứ leo lên mãi, đến khi nó tuột dốc chỉ còn vài ba xu thì tôi lại thấy mình may mắn...
Tôi kể lể khá dài dòng. Đêm nay giở chứng không hiểu sao tôi lại hót như khướu, mà có phải với bạn bè thân thiết gì cho cam, đằng này lại hót với con nhỏ lạ mặt cho đi nhờ xe. Hình như Maddy không thèm để ý gì đến lời nói của tôi, nàng nhìn chằm chằm vào mặt tôi, ánh mắt dưới ánh trăng hạ tuần sáng rực như mắt nai chịu đèn, giọng ướt rượt lả lơi bất ngờ:
- Em đoán anh chừng khoảng 40, đúng không? Cùng lắm thì 45 chứ không hơn.
Không hiểu sao tôi lại ngẩn ngơ trả lời:
- Bốn mươi ba.
Maddy nhoẻn miệng cười, vẻ bằng lòng. Nàng xoay người hướng nhìn về phía biển, nhí nhảnh:
- Thật không ngờ có lúc em lại đứng phía sau một căn nhà ven biển ngắm trăng và nghe tiếng sóng vỗ. Em tin chắc là anh Drew cũng không thể ngờ. Ảnh cứ nghĩ đêm nay thế nào em cũng ngủ bờ ngủ bụi đâu đó chứ không biết em đang lạc vào khung cảnh thần tiên như căn nhà của anh.
- Drew là bồ của cô?
- Uh huh.
Maddy thản nhiên gật đầu. Nàng móc trong túi ra điếu thuốc châm lửa hút. Tôi để ý thấy Maddy hút thuốc liên tục như người hút gỡ cho bõ những ngày cai thuốc. Tôi nhìn Maddy:
- Cô đói không? Tôi có mang về mấy trái bắp với cà chua còn tươi lắm.
- Anh có trứng không? Có phó mát nữa thì tuyệt.
- Để vào xem. Tôi cứ tiện đâu ăn đó chứ có chuẩn bị gì đâu.
Maddy đến gần tôi, nghiêm nghị:
- Để em làm món trứng chiên trộn với phó mát và cà chua nghe! Món này em làm tuyệt lắm, anh ăn rồi sẽ thích ngay. Anh tắm rửa xong em sẽ đãi anh một bữa cơm chiều hết ý, cũng là dịp em đền ơn anh đã cho em tá túc qua đêm.
Nghe xong, tôi chợt thấy cồn cào trong bụng. Cơn đói dấy lên như bị nhịn đói cả mấy ngày. Câu nói đầy vẻ ân cần của Maddy làm tôi cảm thấy không hối tiếc khi cho nàng quá giang xe và ngủ nhờ. Đây là lần thứ hai trong buổi chiều tôi có cảm tình với cô gái lạ:
- Tốt quá. Vào đây tôi chỉ cô căn bếp.
Bước vào nhà, Maddy nhìn chung quanh, miệng không ngớt tắc lưỡi xuýt xoa khi thấy những bàn ghế vật dụng trưng bày bên trong. Nàng rón rén bước, tay rờ nhẹ lên bình bông bằng pha lê trong suốt, miệng lẩm bẩm những gì không rõ. Cô gái nhìn sững giàn âm thanh nổi với hàng chữ múa lượn trên mặt máy, kiểu mới nhất trên thị trường điện tử. Vào đến nhà bếp, Maddy trợn mắt nhìn căn bếp rộng thênh thang đầy đủ tiện nghi. Nàng cầm cái chảo bằng đồng bóng loáng lên, nhìn chằm chằm như nhà khảo cổ vừa đào xới được một vật dụng từ thời tiền cổ. Những món đồ này do tiền trên trời rớt xuống từ những cổ phần và tôi không tiếc tiền khi mua sắm trang hoàng cho căn nhà. Đành rằng những vật dụng tôi chọn không hẳn đắt giá nhất nhưng có lẽ cả đời Maddy chưa bao giờ thấy chúng nên nàng cứ mải nhìn tôi bằng ánh mắt khâm phục. Thú thật lâu lắm tôi chưa nhận được ánh mắt kính nể từ những người khác phái. Kể từ khi ly dị với mẹ con Minh, đời tôi là những chuỗi tháng ngày trống trải. Bù lại, công việc làm ăn ngày càng phát tài. Người ta nói đen tình đỏ bạc, không biết có đúng không?
Maddy đẩy đẩy sau lưng tôi:
- Rồi, để em. Anh đi tắm đi, xong rồi xuống ăn cơm.
Tôi đi thẳng lên lầu tắm rửa thay quần áo. Khi bước xuống thang trở lại nhà bếp, tôi ngửi ngay mùi thuốc lá lan khắp nhà. Maddy đã dọn sẵn món trứng chiên và bánh mì lên bàn ăn với hai ngọn nến sáng lung linh. Cánh cửa mở nhìn ra sân sau mở toang, tiếng sóng vỗ rì rầm nghe như lời thì thầm kể lể... quyện trong tiếng nhạc nhẹ của giàn đại hòa tấu tỏa lan từ chiếc máy âm thanh nổi mơn man thính giác làm khung cảnh ấm cúng hẳn. Maddy từ nhà bếp bước ra với mâm khoai chiên:
- Em không thấy nấm đâu cả. Thôi ăn đỡ vậy.
Nàng ngồi xuống ghế, đưa tay mời tôi ngồi đối diện. Tôi nói cám ơn rồi kéo ghế ngồi:
- Để tôi lấy cho cô đôi dép. Đứa con gái mỗi năm đến đây bỏ lại cả chục đôi.
- Lát nữa đi. Anh ngồi đó dùng bữa đã.
Ôi! Lâu lắm tôi mới có một người đàn bà để ý săn sóc. Cả hai chúng tôi ăn hối hả cho đến khi tiếng muỗng nĩa khua leng keng vào đĩa, nhìn lên bàn tất cả thức ăn đều sạch nhẵn. Có một lúc nào đó - tôi không nhớ rõ - nhìn thấy Maddy khẽ rùng mình vì cơn gió biển về khuya, tôi lấy chiếc áo ấm bằng da khoác lên người nàng. Cô gái nhìn lên, ánh mắt trìu mến, vẻ hơi ngạc nhiên như chưa từng được ai tỏ thái độ dịu dàng một lần trong đời.
- Mày uống rượu? Thế con nhỏ uống nhiều không?
- Nhiều lắm. Tôi không nhớ rõ là bao nhiêu nhưng Maddy rót đầy ly liên tiếp, cho cả tao lẫn nàng.
- Thế mày đếm được mấy chai trên bàn?
- Tao không để ý...
- Mấy chai cả thảy?
- Ba.
- Mày uống với nó đến ba chai cơ à?
- Đúng ra tao uống chỉ có một, còn Maddy đẵn nguyên hai chai. Tao biết vì sau đó tao thấy Maddy nằm ngủ ở sofa, trong tay cầm thêm một chai nữa.
- Vậy là nó uống hai chai. Người nó thế nào? Cỡ 120 cân không?
- Ừ! khoảng đó.
- Mẹ kiếp! Uống thế thì chết.
Cuối cùng, bữa cơm chiều cũng xong. Tôi lấy cả thùng đựng xăng-đan trong phòng con Minh đưa cho Maddy để nàng tùy chọn. Maddy ngồi bệt xuống sàn, lôi từng đôi ra ngắm nghía. Tôi bận dọn dẹp bát đĩa nên không để ý gì đến nàng. Sau cùng chọn được một đôi vừa ý, Maddy đứng dậy xoay ngang xoay dọc ngắm nghía gật đầu bằng lòng. Nàng tiến về phía tủ lạnh, mở cửa lấy ra một chai rượu nữa. Tôi lên tiếng ngăn:
- Maddy, uống vừa thôi.
Nàng trợn mắt nhìn tôi, văng tục:
- Kệ cha tôi, Tom. Không uống thì chờ đến khi nào nữa.
Lại cái giọng mất dạy. Tôi thật không ưa bọn nhỏ hễ mở miệng ra là chửi thề, nhất là đàn bà con gái. Nó biểu lộ phong cách vô học. Thấy tôi nhăn mặt, Maddy chợt thấy mình có lỗi. Nàng nở một nụ cười, giọng nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi anh, em lại quá lời. Anh tha lỗi cho em nhé!
Rồi nàng nhún nhẩy tiến về phía tôi, đang đứng xếp chồng bát đĩa vào máy rửa, ánh mắt rực lửa tình. Khi tôi đứng thẳng người, Maddy đã ưỡn ẹo sát bên, thân hình Maddy uốn éo theo một điệu nhạc gợi tình vô hình nào đó. Nàng nở nụ cười mơn trớn, đôi mắt bắn những tia quyến rũ mời mọc. Tôi chết đứng như gà gặp phải cáo. Khi chạm vào luồng nhỡn tuyến của Maddy, cổ họng tôi bỗng khô, khô ran như bị nhịn uống cả tuần. Ánh mắt thôi miên của Maddy làm người tôi ngây dại, thần trí mơ màng như lạc vào cõi u minh. Bằng một cử chỉ dâm dật, Maddy trườn sát bộ ngực no tròn vào người tôi, hai tay nàng vòng ra sau, nhẹ nhàng vuốt từ gáy xuống lưng và dừng lại ở đôi mông.
Đột nhiên, hai bàn tay Maddy xòe rộng bấu chặt lấy đôi mông của tôi... xốc ngược lên. Cả người tôi hừng hực lửa...
- Trời ơi! Con nhỏ này gớm thật.
- Tao nói ngay cho mày biết là tao không lợi dụng hoặc gợi ý Maddy làm thế bao giờ. Nàng hoàn toàn tự nguyện.
- Tao biết.
- Tao thấy dứt khoát phải có giới hạn những chuyện này nên tao bảo nàng ngưng ngay, đừng làm thế. Miệng thì nói đừng nhưng tao chẳng có một hành động nào tích cực để ngăn cản nàng cả. Nghĩa là tao chỉ nói cho qua chuyện vậy thôi. Thú thật với mày lúc đó tao cũng không hiểu tao nữa.
- Thì người chứ phải thánh đâu. Gặp trường hợp như mày chắc tao cũng... để yên. Nhưng tao phải công nhận con nhỏ này bản lãnh thật.
- Mày đoán đúng, nhưng mày không ngờ nó cao tay đến thế nào đâu.
Tôi sững sờ á khẩu. Tim tôi đập loạn xạ không còn giữ đúng nhịp. Đến khi định thần lại, Maddy ngửa mặt nhón chân hôn tôi. Đến bây giờ, nghĩ lại những giây phút đứng tim đó tôi vẫn không tin những gì xảy ra tiếp theo. Có thể tôi tự đánh lừa tôi để tránh mặc cảm tội lỗi nhưng tôi tin chắc rằng tôi hoàn toàn không kiểm soát được những hành động của mình trong hoàn cảnh chết người như thế. Vòng tay ôm gọn lấy thân hình nhỏ nhắn của Maddy, tôi sửa soạn hôn trả. Ngay lúc đó, tiếng mặt kiếng vỡ nát rơi loảng xoảng xuống sàn bếp làm tôi giật mình xô vội Maddy ra. Một hòn đá to bằng nắm tay lăn long lóc trên nền gạch men. Maddy hét lên thất thanh rồi nhảy vội sang bên. Tôi hít một hơi dài chạy vội đến cửa sổ bị vỡ kiếng nhìn ra ngoài. Bầu trời tối đen, cảnh vật im lìm, không thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ tình trạng bất an. Và tôi chợt nghe tiếng chân người ở phòng ăn. Tôi suy nghĩ rất nhanh, chắc chắn một tên nào đó chạy vòng ra phía sau, mở tấm cửa lưới đột nhập vào nhà qua ngả phòng ăn; nó cũng là kẻ ném hòn đá vỡ nát tấm cửa kiếng. Đúng nó rồi! Nó đang chạy ào vào căn bếp, một tên đàn ông cao to, mớ tóc nâu dài thậm thượt phủ đôi vai, chùm tóc dê dưới cằm. Trông gã độ 30, mặc áo jean, quần đen. Tên đàn ông vung tay, miệng không ngớt chửi rủa và hùng hổ tiến về phía tôi.
- Thằng bồ con nhỏ phải không?
- Ừ! Thằng Drew. Tôi đoán con nhỏ gọi cho nó khi tôi đang tắm. Vì thế nó mới biết chỗ vác xác đến chứ.
Chưa kịp hoàn hồn vì có một kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà, tôi đã bị tấn công ngay từ phút đầu chạm mặt. Không để tôi có dịp phân trần, gã xông tới túm lấy tôi đẩy sát vào tủ lạnh. Đối với kích thước người Việt tôi thuộc loại cao, thế mà đứng chỉ mấp mé ngang cổ nó. Gã nghiến răng giận dữ:
- Mày làm con mẹ gì vậy, hả thằng già khốn nạn?
Maddy đứng đàng sau gã, níu chặt cánh tay thằng bồ không cho gã hành hung tôi. Tôi vừa định mở miệng, gã đưa nguyên bàn tay hộ pháp chộp lấy cổ họng. Tiếng nói tôi ú ớ trong cổ. Tôi dùng hai tay cố gỡ bàn tay của gã ra, mong sao đừng ngạt thở vì sức mạnh của thằng điên này. Đang lúc giằng co, thình lình gã bung cú đấm ngay giữa mặt tôi. Biết không thể nào thoát cú đấm trời giáng vì quá gần, tôi cố nghiêng mặt sang bên, nghiến răng chịu đòn. Quả đấm thôi sơn bắn thẳng vào thái dương, đẩy đầu tôi sang bên đập vào thành tủ lạnh và tôi ngất đi..
Những gì xảy ra sau đó tôi không rõ lắm. Đầu óc tôi lùng bùng và chỉ nghe tiếng kêu u u kêu vang trong óc. Tôi loáng thoáng nghe chúng nó cãi vã to tiếng. Tiếng nồi niêu xoong chảo đập vào nhau nghe chan chát. Tiếng chân người dậm thình thịch xuống sàn gạch men dội vào tai tôi nghe như hàng nghìn thớt voi di chuyển. Cả tiếng bát đĩa bị đập vỡ kêu loảng xoảng trên sàn, ném vào trong bồn rửa. Tôi biết chẳng mấy chốc căn bếp của tôi sẽ tan hoang vì cơn ghen giận của thằng Drew. Mơ hồ tôi nghe tiếng Maddy van nài, vuốt ve thằng bồ bớt giận nhưng hình như càng xuống nước gã càng lên mặt.
Được một lúc, tôi nghe tiếng ồn ào xa dần. Có lẽ chúng kéo nhau sang phòng khách để tiếp tục hạch sách chửi rủa nhau. Lại có tiếng đập vỡ. Ôi! Nếu thế chả mấy chốc không những căn bếp mà nguyên cả ngôi nhà thần tiên của tôi sẽ tan tành vì thằng khốn nạn này. Bằng mọi giá, tôi phải trỗi dậy để ngăn chặn hành động của gã. Tôi tập trung thần trí, gắng gượng bò dậy. Cuối cùng tôi cũng đứng dậy được trên đôi chân. Tôi lắc lắc đầu, định thần và nghe tiếng la hét rõ mồn một. Thằng Drew rú lên như con heo bị thọc huyết; nó gọi Maddy là con đĩ, chuyên mồi chài đàn ông. Gã dùng mọi lời lẽ thô tục nhất từ trong sách vở đến ngoài hè phố của bọn du thủ du thực để trút cơn giận. Cô gái cũng không vừa, nàng xỉa xói lại, bảo gã là thứ ma cô. Mày chỉ ăn bám trên thân xác của tao thôi, Maddy hét vào mặt thằng bồ. Tôi gắng gượng đi đến giá điện thoại, cầm ống nghe tính gọi số điện thoại khẩn cấp 911. Bỗng nhiên, mọi tiếng la hét im bặt. Im hẳn như chưa từng có trận cãi vã, ẩu đả bao giờ. Vừa mới nhốn nháo ầm ĩ đó, bây giờ tôi lại nghe rõ tiếng sóng vỗ rầm rì từ vịnh vọng lên. Thằng Drew bỏ đi rồi, không khéo cả Maddy nữa.
- Khoan! Tao không hiểu gì cả. Sao con nhỏ gọi cho thằng bồ đến làm quái gì?
- Maddy bảo là cho thằng bồ biết mặt, mày buông tao ra thì đời tao khá hơn trước nhiều lắm. Maddy muốn chọc cho nó nổi cơn ghen, ra cái điều mày biết tao đang ngủ đêm ở đâu không, hả thằng ma-cô, đại khái như thế.
- Vậy là thằng bồ đứng ngoài cửa sổ trông thấy mày sửa soạn hôn con nhỏ nên ném hòn đá làm vỡ kiếng. Tao đoán con Maddy biết thằng Drew đang đứng rình nên nó mới cố ý chọc tức gã bằng cách khêu gợi rồi ôm mày để hôn.
- Chỉ mới phần đầu thôi mày ơi! Để tao kể nốt cho nghe.
Cả sàn bếp đầy mảnh sành, bát đĩa vỡ văng tung tóe. Nồi niêu xoong chảo nằm ngổn ngang trên quầy bếp, vương vãi khắp nền gạch men. Tôi bước vội sang phòng khách và thấy Maddy ngồi ủ rũ bên cạnh giàn âm thanh nổi, đầu tựa vào hai đầu gối, ép sát ngực. Con bé đang thút thít khóc.
- Cô có sao không?
Vẫn tư thế như con mèo ướt mưa, Maddy không trả lời. Lọn tóc bên màng tang vén lên đủ cho tôi thấy một vệt đỏ hằn rõ trên má. Thằng chó chết tát nàng chứ chẳng sai. Maddy thẫn thờ:
- Em xin lỗi anh... xin lỗi anh. Em chỉ muốn cho nó ghen thôi, trả thù cái tật hay hành hạ em. Không ngờ nó nổi điên phá nát nhà của anh.
Tôi an ủi:
- Có sao đâu! Của thiên thì trả cho địa. Của phù du mà cô, thôi... đừng nghĩ ngợi nhiều.
Bây giờ Mađy mới ngước mắt lên nhìn tôi. Đôi mắt sưng đỏ như quả gấc chín. Tôi nghĩ đôi mắt đỏ vì khóc chứ không phải vì thằng bồ đánh đập gì. Nàng lại nức nở:
- Chẳng còn hy vọng gì chuyện của em với nó nữa. Với lại nó đánh đập em hoài à! Thôi cũng là dịp bỏ nó luôn cho đời em đỡ khổ.
Tôi nhìn chung quanh. Phòng khách tương đối đỡ bị hư hại hơn, chỉ vài chiếc ghế đổ lỏng chỏng. Bức tranh chụp dãy núi Alps bị xô lệch sang bên. Cái nón chụp ngọn đèn đặt trên mặt bàn bị méo xẹo gần như rách nát. Thôi thì sắm cái khác, thằng điên đó bỏ đi là được rồi, tôi nhủ thầm. Quay sang Maddy, tôi thăm dò:
- Liệu nó có trở lại không cô?
Maddy hịt hịt mũi vài cái rồi trả lời:
- Không, em nghĩ nó không bao giờ quay lại căn nhà của anh nữa đâu. Lúc nãy, em đã chửi nó như tát nước vào mặt. Anh xem, nó bảo em là con đĩ thì làm sao không giận cho được. Nó còn bảo tưởng đi theo ai, nào ngờ theo mấy thằng già làm tiền mà cứ tưởng ngon. Em bảo anh mới 43, làm gì đã già, thế là nó quật em không thương tiếc. Mả cha cái thằng khốn nạn, nó muốn gì em không chiều, thế mà hễ cứ tức lên là chửi rủa em mạt sát. Ăn ở với nhau một ngày đã gọi là tình nghĩa, còn nó chẳng những đã không thương lại còn kiếm cớ đánh đập hành hạ em tàn nhẫn. Cuộc đời em khổ lắm anh ơi! em không thể ở với nó thêm một ngày nào nữa...
Gần cuối câu, Maddy không kìm giữ được cảm xúc nữa, nàng bật khóc tức tưởi. Tôi nghe chưa hết câu đã nghiến răng giận điên người. Tiên sư cái thằng Drew, con gái người ta mới lớn, dụ ra khỏi nhà mà còn hất hủi không một chút tình nghĩa. Cái đám ma-cô nó vậy, không biết chúng có tài gì mà mấy con điếm không thể nào dứt bỏ được. Đành rằng có đứa vì sợ, có đứa vì nghiện ngập nhưng cũng có đứa đánh chết vẫn bám riết mấy thằng ma-cô. Tôi không nghĩ đó là tình yêu, mà cho đó là một thứ độc dược bọn ma-cô đã cấy vào người những cô gái ăn sương. Tôi rùng mình nghĩ đến một ngày nào đó con gái tôi cũng bỏ nhà đi theo một thằng ma-cô cỡ thằng Drew thì thật không biết tôi phải đối xử thế nào đây.
Đến bên Maddy, tôi khom người ôm lấy bờ vai nàng vỗ về. Thật không ngờ đôi vai Maddy gầy còm xương xẩu dưới lớp áo thô. Tôi nói nhỏ vào tai Maddy:
- Shhh.... mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đó.
Maddy ngả đầu sang bên đụng vào bàn tay tôi, đang xoa xoa bờ vai gầy. Hai bàn tay nàng ôm chặt lấy cánh tay tôi, gần như muốn níu giữ một điểm tựa để vượt thoát chặng đường tuyệt vọng trong đời. Đã lâu lắm tôi chưa vỗ về một người đàn bà khóc và hình như lâu lắm Maddy cũng chưa bao giờ tìm được một người đàn ông gần gũi để khóc, để tỏ bày. Chúng tôi để yên như thế một lúc và sau cùng, tôi dìu Maddy đứng dậy. Nàng nhìn tôi nở một nụ cười mếu máo bày tỏ sự cảm động và biết ơn. Tôi bảo Maddy:
- Cô cần đi ngủ cho khỏe.
Xốc Maddy ngang hông, tôi đưa nàng lên phòng đứa con gái tôi, trên lầu. Tôi đặt Maddy lên giường, lấy tấm chăn mỏng đắp ngang người, chúc ngủ ngon rồi quay lưng đi ra cửa tắt đèn. Xuống nhà dưới, tôi nhìn cảnh tượng ngổn ngang mà lòng chán ngán. Dọn dẹp lại nhà cửa, tôi thầm trách mình đã để vướng vào một hoàn cảnh dở khóc dở cười; tự nhiên đi đón một con nhỏ đứng đường về nhà gây ra chuyện phiền toái. Tôi cắt một mảnh thùng cạc-tông dán lên khung cửa sổ đã bị vỡ nát. Lục đục đến hơn tiếng mới xong, tôi kiểm soát lại các ổ khóa rồi lên lầu, thay quần áo đánh răng đi ngủ.
Trằn trọc trên giường, tôi nằm nghe tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào mạn bờ, mà mọi đêm tiếng biển ru thầm thì thường giúp tôi đi vào giấc ngủ dễ dàng. Chẳng hiểu sao tôi không thể nào chợp mắt được. Mở đôi mắt tháo láo trong bóng đêm, tôi nằm suy nghĩ nếu chuyện này lọt ra ngoài, không biết người ta sẽ gì về tôi. Thế nào mấy thằng bạn tôi cũng trề môi, bọn mày biết chuyện gì chưa? thằng Tạo đón con nhỏ mới 18 tuổi về nhà ngủ đêm, thế có chết không? Những người khác nếu biết chuyện cũng lắc đầu chép miệng, đồ thứ già không nên nết, con nhỏ chỉ đáng tuổi con mình, thế mà lại dụ nó về nhà, ban đêm nữa mới chết chứ! Cứ tưởng tượng đến những tiếng thị phi đồn đãi, tôi đập tay xuống giường, giận mình không thể tả. Chuyện rõ ràng tôi không hề có ý lợi dụng, nhưng miệng lưỡi người đời làm sao khoan thứ cho tôi. Hơn nữa, hoàn cảnh dễ làm cho người ta hiểu lầm. Có ai biết Maddy xin ngủ nhờ đâu; cả trăm người chắc chắn nghĩ rằng tôi dụ con nhỏ về nhà. Thế nào cũng có thằng xấu miệng nói như đóng đinh vào cột, có gì khó hiểu đâu, cái thứ ly dị vợ đã lâu ngày, thấy gì mà không thèm; con nhỏ lại hơ hớ đưa trước miệng thì làm sao nhịn được, thằng đó còn vồ lấy nhai ngấu nghiến nữa kia. Ôi! Há miệng mắc quai, làm sao giải thích với mọi người đây. Thật không ngờ đàn ông như tôi, sống nửa đời người, làm chồng nửa vời thất bại, làm cha với phân nửa trách nhiệm, dại dột đem một con nhỏ chưa bằng nửa số tuổi đứng đường về nhà. Thật không có cái dại nào bằng cái dại này. Thiên hạ biết chuyện tha hồ mà đàm tiếu.
Cứ thế trăn qua trở lại suy nghĩ về sự dại dột của chính mình, tôi trỗi dậy xuống nhà dưới. Phòng con gái tôi vẫn tối om, cửa mở. Ánh sáng mờ mờ nhấp nháy hắt ra từ phòng khách của chiếc TV. Tôi bước xuống thang, vào phòng khách. Maddy đang nằm soài trên sofa, vẫn trong bồ quần áo cũ, một chiếc săng-đan treo toòng teng ở đầu ngón chân cái. Bàn tay nàng giữ chặt vào ngực chai rượu đã cạn hơn nửa, mắt nhìn đăm đăm vào TV. Tôi nhận ra ngay Maddy đang xem cuốn phim gia đình, chắc nàng tìm tòi lục lọi trong tủ và lôi ra được cuốn này. Trong phim, hình ảnh con bé Minh mới hơn tuổi, đang chơi đùa tung tăng ở bãi biển. Vợ chồng tôi dúi vào tay con bé cái xô nhỏ màu đỏ và cái xẻng xúc cát. Khuôn mặt con bé hớn hở vồ vập lấy mấy món đồ chơi, ngồi thụp xuống cát đùa nghịch. Đã lâu lắm tôi chưa có dịp xem lại cuốn phim có hình con Minh. Bỗng Maddy lên tiếng, không ngoảnh lại:
- Trông con bé sung sướng quá!
Không ngờ nàng biết tôi đang đứng phía sau. Bé Minh trong phim xúc nhúm cát bỏ vào miệng. Màn ảnh rung rung vì có người chạy vội lại và bàn tay một người đàn bà thò ra giữ lại. Phim bỗng đổi sang cảnh khác, bé Minh tíu tít chạy về phía máy ảnh rồi chạy ngược về chỗ ngồi. Động tác lập đi lập lại nhiều lần đến độ nhàm chán.
Tôi chồm người tới trước rút chai rượu khỏi tay Maddy. Nàng để yên không giằng lại, mắt vẫn không rời màn truyền hình. Maddy lẩm bẩm khá rõ vào tai tôi:
- Gia đình hạnh phúc thế mà để vuột mất. Anh cũng vô dụng như mấy thằng đàn ông khác.
Cầm chai rượu đi về phía nhà bếp, tôi dốc ngược chai đổ non nửa rượu vào bồn rửa. Khi quay lại, Maddy đã bước ra phía ngoài, gió lùa qua cánh cửa lưới mở toang nghe lành lạnh. Kéo cánh cửa lưới nhưng không khóa, tôi tắt TV và lên phòng dỗ giấc ngủ, để mặc Maddy đứng đâu đó trong bóng đêm ngoài vườn.
- Thế nó có trở vào nhà không?
- Tao nào biết gì. Có thể có nhưng cũng có thể không. Tao không chắc chắn lắm.
- Lúc bước ra khỏi nhà nó say lắm không?
- Uống gần hai chai rượu thì say khướt chứ còn hỏi.
Nằm mơ màng, tôi nghe tiếng chân Maddy bước lạo xạo lên lớp đá sỏi và tiếng nàng khẽ gọi tôi vọng lên từ khung cửa sổ:
- Anh Tom, ra ngoài đi dạo với em, đêm đẹp lắm anh ơi!
Vài hòn sỏi nhỏ ném lên khung cửa, vẫn tiếng khe khẽ của Maddy như không muốn lay động màn đêm:
- Nghe em đi, dậy... dậy.... mau lên anh. Ra ngoài này với em.
Tôi lờ đi như không nghe biết. Được một lúc thấy yên ắng hẳn và tôi nghe tiếng chân bước xa dần về phía biển. Cuối cùng tôi cũng chợp mắt được, và rơi vào giấc ngủ nhiều mộng mị.
Mãi đến hơn 8 giờ, tôi mới trỗi dậy. Maddy không thấy ở trong nhà. Tôi xuống lầu pha cà-phê đủ cho hai người với hy vọng Maddy đi dạo biển trở về dùng điểm tâm. Căn nhà còn bừa bộn lắm nên tôi tiếp tục dọn dẹp. Phòng khách đượm toàn mùi thuốc lá và mùi rượu. Chiếc gối kê lưng nhăn nhúm nằm nhét vào góc sofa, vết lõm còn hằn trên gối, dấu vết của Maddy nằm tựa đầu xem TV tối hôm qua.
Khoảng mười rưỡi sáng thì tôi biết Maddy đã đi luôn không về. Đi đâu thì bố ai biết! Tôi đoán nàng cũng mầy mò ra con lộ chính, đứng vẫy tay đón xe như ngày hôm qua. Có thể trở về với thằng bồ vũ phu, hoặc quăng mình vào một cuộc phiêu du mới. Cho dù thế nào thì cuộc đời Maddy vẫn nổi trôi, không định hướng. Tôi thở dài tiếc thầm cuộc đời của một người con gái, sớm bước vào trường đời và sa chân vướng vào những ràng buộc định mệnh không thoát ra được.
Tôi quay trở lại với công việc địa ốc. Một vài khách hàng vẫn đang còn chờ quyết định của chủ nhà về giá cả. Độ rày, giá nhà cửa lại bắt đầu leo thang trở lại, nghĩa là muốn làm chủ căn nhà người mua phải trả cao hơn giá trên giấy tờ. Nghĩ cũng dễ hiểu, người mua đứng sắp hàng để mua một món hàng thì tất nhiên giá cả phải tăng. Quy luật cung cầu thật đơn giản nhưng lại làm nhức đầu người mua. Để làm vừa lòng khách hàng, tôi phải ra giá thế nào để khỏi bị hớ, nhưng đủ cao để giúp họ toại nguyện làm chủ được căn nhà. Lại còn một vài khách hàng không đạt đủ tiêu chuẩn để mua nhà, tôi cũng phải liên lạc với vài chỗ quen biết để giúp đỡ về tín dụng. Công việc tương đối bề bộn nhưng sau một đêm với nhiều sóng gió, tôi không thể nào tập trung tư tưởng để ngồi làm việc. Thở dài, tôi quyết định thả bộ ra biển để lấy lại sự thư thái cố hữu. Sau đó, may ra tôi mới chú tâm vào công việc được.
Buổi sáng ở bãi biển gió thổi vần vũ nhưng mặt trời mang theo nắng ấm. Bãi biển lác đác thưa người. Một vài cặp chạy bộ tập thể dục; có kẻ dắt theo chó, có người chắp tay sau lưng đứng ngắm nhìn trời mây. Xa xa tôi thấy một người đàn ông mặc chiếc áo măng-tô, đội mũ, chân diện giầy, hai tay thọc vào túi, mắt dáo dác như đang tìm kiếm vật gì. Tôi đang tự hỏi không biết hắn làm nghề gì, và đang kiếm cái gì thì bỗng người đàn ông xoay người rảo bước về phía tôi. Vừa chạm mặt, hắn lên tiếng:
- Chào ông, tôi là trung sĩ thám tử Michaels.
Tôi dừng bước chào lại. Viên thám tử tỏ vẻ thắc mắc:
- Ông đang đi dạo hay tìm kiếm người quen?
Hừ! Trông hắn đang đi kiếm người thì đúng hơn, còn tôi chỉ bách bộ cho thư thái tâm trí chứ biết ai mà tìm với kiếm. Tôi chau mày:
- Không! tôi chỉ đi dạo thôi. Thế có chuyện gì mà ông lại hỏi vậy?
- Chuyện khá quan trọng. Có đứa con nít mới lớn chết trôi ở bãi biển đàng kia.
Không hiểu sao tôi lại buột miệng:
- Trai hay gái?
- Gái. Đàn bà thì đúng hơn nhưng lại trông trẻ lắm, chỉ độ 17, 18 là cùng.
Tim tôi đập hụt đi một nhịp. Tôi lắp bắp:
- Có say rượu không?
Viên trung sĩ thở dài:
- Chưa giảo nghiệm tử thi nhưng tôi tin chắc con bé say rượu.
Máu trong người tôi đông cứng. Những chi tiết cá nhân đó làm tôi đoan chắc Maddy. Viên thám tử cỡ tuổi tôi, hoặc già hơn chút ít. Không biết ông hành nghề đã bao lâu và những vụ trẻ em vị thành niên bỏ nhà đi bụi đời chết bờ chết bụi ông đã chứng kiến bao nhiêu lần. Nhìn nét mặt cau cau, tôi tin chắc cái chết của cô gái đã làm ông suy nghĩ không ít. Viên thám tử chợt ngẩng đầu lên:
- Tối hôm qua ông có thấy ai xuống biển không? Thưa ông... ông gì ạ!
Tôi đỡ lời:
- Nguyễn. Xin ông gọi tôi là Tom cho tiện. Nhà tôi ở mãi đàng kia, còn hôm qua tôi không xuống bãi nên không biết có ai..
.
- Ông có thấy ai lạ mặt lảng vảng khu nhà ông ở không?
Một lần nữa, tôi lại nói dối. Đúng ra tôi phải nói là tối hôm qua tôi có đứng ở đây với một cô gái tên Maddy và thằng Drew đã đột nhập vào nhà của tôi. Thật sự thằng Drew rất đáng khả nghi. Nó bỏ đi tối hôm qua nhưng ai cấm nó quay trở lại, gặp Maddy đứng ở phía ngoài léo nhéo gọi tôi, sẵn cơn ghen nó dám nổi điên làm chuyện bậy. Nếu cái xác chết trôi đúng là Maddy thì tôi tin chắc thằng Drew giết nàng. Vấn đề là làm sao chứng minh được điều đó. Trước khi nắm được bằng cớ buộc tội thằng ma-cô Drew, tôi phải nói dối. Vì vậy, tôi bình thản lắc đầu:
- Không... không, tôi không thấy ai khả nghi cả...
Chép miệng, tôi hỏi tiếp:
- … thế ông nghĩ đây là vụ tự tử hay giết người?
Mắt vẫn nhìn ra biển khơi, viên thám tử lắc đầu:
- Chưa biết được! Phải đợi bác sĩ giảo nghiệm tử thi rồi mới bắt đầu cuộc điều tra... nếu đó là vụ sát nhân.
Quay sang tôi, ông rút trong túi ra tấm danh thiếp:
- Nếu ông biết ai thấy cô gái hoặc ông nghe ai nói về cô gái, xin ông cho tôi biết ngay nhé. Nhìn xác, tôi cho là tự tử. Ông xem, đang say rượu mà xuống biển bơi ban đêm, nước lạnh cóng lại càng dễ chết đuối. Mà nếu tự tử thì cũng phải điều tra nguyên nhân tại sao tự tử; có thể vì thất tình, có thể vì uất ức một chuyện nào đó. Ôi! Có nhiều nguyên nhân lắm ông a... nhưng vẫn phải đợi đến chiều mới có kết quả giảo nghiệm.
Trước khi ông quay đi, tôi nói vớt:
- Theo tôi mười bảy cũng chưa hẳn là con nít.
Ông phá lên cười:
- Ông nói in hệt đứa con gái tôi.
Siết chặt bàn tay tôi từ giã, ông quay người bước đi và biến mất sau những đụn cát nhấp nhô trên bãi.
- Mày biết khai man với nhà chức trách là một trọng tội không? Mày dại quá, thằng nào muốn hại mày chỉ việc đứng ra làm chứng mày nói dối thì tao bảo đảm mày ngồi bóc lịch vài niên dễ dàng.
- Tao biết, tao biết.
- Thật không ngờ mày lại dám nói dối với bọn cảnh sát đi điều tra, nhất là cái chết đầy khả nghi của con Maddy. Dĩ nhiên không hẳn nói dối lúc nào cũng trọng tội nhưng nếu thằng cha chánh án ghét mày thì chuyện nói dối nhỏ xíu nó cũng xé ra to. Mà đã lớn chuyện thì mạng mày toi, toi nhục nhã. Mày ngu quá Tạo ơi, chuyện con nhỏ ngủ đêm tại nhà mày thằng Drew biết, nghĩa là có ít nhất một nhân chứng, vậy mà mày cả gan đi nói dối thằng cha Michaels gì... gì đó. Thằng Drew trước sau gì cũng biết con bồ chết trôi, nó sẽ gặp cảnh sát để khai báo. Đời mày tàn rồi con ạ!
- Không hẳn như mày nghĩ đâu.
- Không như tao nghĩ thì còn ra làm sao nữa?
- Đừng nóng. Sắp tới lúc gay cấn rồi... để tao kể cho nghe.
Về đến nhà, tôi dọn dẹp một lần nữa. Lần này, tôi cố tẩy rửa hết những dấu tích chứng tỏ Maddy ngủ nhờ đêm hôm qua. Bật TV nghe tin tức, dán mắt vào tờ báo San Jose Mercury tôi đọc rất kỹ trang tin địa phương, cố tìm chuyện cô gái chết đuối. Lạ quá! Tuyệt nhiên không thấy loan tin gì cả. Hay là nhà chức trách muốn âm thầm điều tra? Vậy thì cái chết của Maddy phải mang nhiều nghi vấn. Tôi ngồi thẩn người suy nghĩ. Trước sau gì thằng Drew cũng tìm đến cảnh sát, chắc chắn như thế. Nó là nhân chứng duy nhất biết chuyện Maddy ngủ tại nhà tôi. Đối với hạng người như nó, bất cứ chuyện gì nó cũng có thể làm, kể cả chuyện giết người. Tướng nó khỏe như con bò mộng, chỉ cần vung tay là cổ Maddy gãy vụn. Tôi tin chính nó là kẻ giết người rồi ném xác xuống biển để đổ vấy cho tôi. Nhưng làm sao chứng minh được điều đó, vì tôi mới là kẻ đáng nghi nhất. Thứ nhất, đem đứa con gái hơ hớ về nhà ban đêm, mà thằng Drew có thể khai là tôi bắt cóc. Thứ hai, tại sao tôi lại nói dối? Đây mới là điều chết người, vì phải có gì tôi mới nói dối. Nó sẽ khai tôi hiếp con bồ rồi giết người để phi tang. Ôi! trên đời có nhiều cái dại, chưa bao giờ tôi lại dại như lần này. Người ta khôn ba năm, dại một giờ còn tôi khôn hơn nửa đời người để dại chỉ có một ngày mới gây ra nông nỗi.
Tôi chợt nhớ đến chuyện Quan Vân Trường trong truyện Tam quốc phò hai người chị dâu – vợ Lưu Bị – đi lánh nạn bị quân Tào chận đường. Tào Tháo dụ ông về hàng và dẫn cả đoàn tùy tùng về đất Hứa-xương. Tối đến mọi người đều ngủ trọ ở quán dịch. Tào Tháo mưu độc, muốn đổ tiếng loạn nghĩa vua tôi nên cố ý để Quan Công và hai bà chị dâu ở chung nhà. Là người trọng nghĩa khí, ông cầm đuốc đứng hầu ngoài cửa suốt đêm quyết không vào bên trong. Hơn ai hết, ông biết rằng chỉ cần bước qua ngưỡng cửa, Tào Tháo sẽ rêu rao chị em ngủ chung một nhà và khó lòng cải chính. Cho dù ông là người quân tử nhưng làm sao tránh được tiếng thị phi, lời đàm tiếu. Lòng ông chính trực nhưng mấy ai hiểu cho. Tôi cũng kẹt vào một tình huống gần giống như Quan Công, chỉ khác là tôi ngu quá cho con nhỏ ngủ nhờ một đêm. Đàn ông ở một mình, dẫn đứa con gái về nhà ban đêm, đến thánh cũng khó bào chữa cho tôi có lòng ngay thẳng. Chuyện dại của tôi kết thúc bằng cái chết của đứa con gái lại càng lớn chuyện. Người duy nhất có thể bào chữa cho tôi quật ngược lại lời khai của thằng Drew là Maddy nhưng xui cho tôi nàng lại chết. Nội vụ còn mỗi thằng Drew là nhân chứng và chắc chắn nó cố tình vu oan cho tôi tội giết người.
Càng nghĩ, tôi càng đổ mồ hôi hột. Đứa con gái tôi sẽ nghĩ gì về người cha, dan díu với con nhỏ chỉ hơn nó vài tuổi. Tôi hình dung được cái bĩu môi của vợ tôi kèm theo lời bình phẩm: đồ đàn ông mất tư cách, may là mình đã ly dị. Bạn bè có những thằng trước đây ghen ghét tôi mà không làm gì được, đây là dịp may bằng vàng để chúng tha hồ chửi rủa. Cũng không thiếu những thằng khác thừa dịp nhảy vào đánh hôi, đánh cho tôi tơi tả bằng thích. Ôi! cuộc đời thênh thang của tôi qua vụ này sẽ bị dìm xuống tận bùn đen. Ra tòa gỡ cho được tội thì đã thân bại danh liệt. Cộng đồng Việt Nam sẽ không bao dung cho những người có tỳ vết, cho dù tòa tuyên bố trắng án. Cái chức chủ tịch Hiệp hội Địa ốc xem như vứt, chẳng ma nào thèm bầu cho một thằng sồn sồn chơi trống bỏi như tôi. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tôi chết đi chỉ để lại tiếng xấu muôn đời, chưa kể đến sự khinh bỉ của vợ con.
Cổ họng tôi lại khô ran. Đến tủ lạnh rót ly nước lạnh, tôi chợt thấy mảnh giấy viết hàng chữ gài trên mặt tủ. “những gì xảy ra trong căn nhà này đều là lầm lỗi, chỉ tiếc cuộc đời ngắn ngủi của em có quá nhiều gian truân, một chuỗi dài tiếp nối những lỗi lầm. Maddy.”
Tôi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn đăm đăm dòng chữ vĩnh biệt, chết lặng người.
- Nhưng Tạo, mày không...
- Im đi đừng hỏi nữa, để tao kể cho xong.
Đúng là lời trăn trối của kẻ chán đời. Tôi biết Maddy đau khổ vì thằng bồ nhưng làm gì đến nỗi phải tự tử. Bỏ nó thì có thằng khác. Sao lại dại dột đến thế! Nếu nhà chức trách cầm được mảnh giấy này trong tay, thì họ lại càng tin lời khai của thằng Drew là đúng. Chắc chắn tôi đã đụng chạm đến thân thể nàng, rồi vì một lý do nào đó nàng xấu hổ với thằng Drew nên tự tử. Nghe có vẻ khôi hài nhưng giả thuyết nghe lọt tai lắm. Dĩ nhiên nhờ mảnh giấy này tôi sẽ thoát được tội sát nhân, nếu có, vì chính nàng tự tử nhưng người ta sẽ biết tôi mang gái vị thành niên về nhà ban đêm. Bao nhiêu tiếng tăm gầy dựng từ bấy lâu nay sẽ trôi theo dòng nước. Tiếng dữ đồn xa. Một đồn mười, mười đồn trăm. Chưa kể những đứa thối mồm còn dựng lên những chi tiết tưởng tượng cốt đánh tôi một trận chí tử. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của tôi vì không ai muốn dây dưa với những thằng đàn ông đã có lần dính đến gái vị thành niên. Thế là xong, danh tiếng không còn, tiền bạc cạn dần cũng chỉ vì lỡ dại mang con nhỏ Maddy về nhà.
Tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang làm tôi giật thót người. Không lẽ viên thám tử Micheals, hay là thằng Drew đã đi khai báo với cảnh sát rồi. Tôi hồi hộp bốc ống nghe, giọng thằng Drew sủa vang ở bên kia đầu dây:
- Nghe đây, thằng già mất nết. Tôi không cần biết cha giết con bồ tao hay là nó tự tử. Nói thật nghen, nó chết chẳng ăn nhậu gì đến tôi. Nhưng chính cha phải đối diện với cảnh sát về vụ này. Hê! cha thấy rắc rối không? Cha sẽ bị hỏi cung nhiều lần để chứng thực lời khai, rồi cả vùng Vịnh ai cũng biết cha dính líu vào chuyện con nhỏ gần mười tám tuổi chết trôi. Đem gái vị thành niên về nhà ban đêm nghe không được trong sạch lắm, phải không cha già?...
Giọng nó trở nên hòa hoãn, thuyết phục như một kẻ rao hàng:
-... à tôi đề nghị với ông như thế này nhé, để tránh những phiền toái ảnh hưởng đến thanh danh của ông, chỉ cần bỏ ra 20 nghìn thì xem như không có chuyện gì xảy ra đêm hôm qua tại nhà ông cả. Maddy không gọi cho tôi, tôi cũng không hề đến nhà ông để thấy cảnh hai bàn tay ông sờ soạng cặp mông của con bồ tôi, và cảnh giật gân hôn môi của ông. Nghĩa là ông bỏ 20 nghìn để mua sự im lặng của tôi. Sao, ông nghĩ thế nào?
Tôi há hốc miệng không nói được một chữ. Thằng Drew hỏi gặng lại lần nữa:
- Sao, ông đồng ý chứ?
Tôi vẫn chưa hết kinh ngạc. Lời đề nghị của thằng Drew đến bất ngờ. Số tiền 20 nghìn tuy lớn thật nhưng tôi không tiếc lắm. Có điều không ngờ câu chuyện lại dẫn sang chiều hướng khác và thằng Drew dám tống tiền tôi. Tôi lặng yên suy nghĩ hơn thiệt. Tiếng thằng Drew hơi mất bình tĩnh:
- Tôi cho ông một phút để suy nghĩ hơn thiệt. Nhưng tôi không thể chờ lâu hơn...
Ngày hôm sau, tôi lái xe đến một địa điểm thằng chó chết Drew giao hẹn. Nó bắt phải tiền mặt, dĩ nhiên... không lẽ viết ngân phiếu! Trong vali cầm tay còn hai tấm chi phiếu hoa hồng gần mười lăm nghìn, tôi rút thêm mớ tiền mặt cho đủ số tiền rồi lái xe đến điểm hẹn.
- Mày trả hai chục nghìn cho thằng khốn nạn đó à! Tao không ngờ mày lại dại đến thế. Chỉ hơn một ngày mà mày vấp hai cái dại; đã dại mang gái về nhà rồi còn dại đưa tiền cho thằng ma-cô nữa.
- Mày xem, tao không còn sự lựa chọn nào khác.
- Cái gì mà lựa với chọn. Con Maddy ngu dại đi tự tử đâu phải lỗi của mày. Đành rằng mày đưa nó về nhà nhưng cái mảnh giấy nó viết sẽ chứng minh mày vô tội. Nó muốn chết thì kệ cha nó chứ, ăn nhậu đếch gì đến mày.
- Mày nói nghe dễ lắm vì mày là luật sư rành luật lệ, còn tao có khi nào dính líu đến pháp luật đâu, lại còn cái xác chết nữa mới làm tao điên đầu. Chưa kể nguyên nhân tự tử bắt đầu từ nhà tao, đúng như lời thằng cha thám tử Michaels khuyến cáo tao trên bãi.
- Nhưng cảnh sát muốn điều tra thì cứ để họ điều tra, chuyện gì mày phải sợ.
- Trời ơi, mày không hiểu cho tao. Khi cảnh sát điều tra họ làm tùm lum lên, mặt mũi tao nằm chình ình trên báo coi sao được. Lên báo mà chuyện tốt thì không nói chứ chuyện dính líu đến con nhỏ mới mười tám thì đâu hay ho gì. Con Minh sẽ nghĩ gì về cha nó, rồi cái mồm chua ngoa của mẹ nó nữa. Nhân chuyện này mẹ nó lại có dịp nói xấu tao với con tao bằng thích. Rồi chắc gì sang năm bả cho phép con Minh sang thăm tao... mày thấy không?
- Thôi... được rồi. Tao hiểu cho hoàn cảnh của mày nhưng tao vẫn hơi ngạc nhiên mày chấp nhận trả tiền cho thằng ma-cô dễ dàng quá.
- Hai chục nghìn tưởng nhiều chứ không nhiều, mày ạ! Mày tính xem, bỏ ra từng đó để mua lấy một lần lỡ dại, và vẫn giữ được lòng kính trọng của mọi người, nhất là đối với con tao. Thú thật với mày, tao không thể nào sống trong sự khinh bỉ của kẻ khác, nhất là sự khinh bỉ từ người thân.
- Thông cảm cho mày lần nữa nhưng tao dám chắc một điều, cho dù mày trả bao nhiêu để mua lấy sự im lặng của những kẻ đồng lõa, mày vẫn cảm thấy áy náy ray rứt, chỉ vì cái chết của con nhỏ Maddy.
- Hừ! mày lầm, cả tao cũng lầm nữa. Chẳng có áy náy, cắn rứt lương tâm đếch gì cả. Thoạt đầu tao cũng nhạy cảm nghĩ như mày nhưng đến khi khám phá ra sự thật thì hỡi ôi... thôi, để tao kết thúc câu chuyện cho rồi.
Điểm hẹn là một trung tâm thương mại gồm rất nhiều cửa hàng bán lẻ, tiệm ăn. Hẹn tôi ở một nơi thị tứ chứng tỏ thằng Drew nắm đầu cán, biết tôi sẽ mang tiền đến và chẳng làm gì được nó. Thằng này cũng không sợ tôi đi khai báo với cảnh sát để gài bẫy vì biết chắc đã nắm được thóp của tôi. Nghĩ đến chỉ lỡ dại một lần mà phải chịu phép một thằng ma-cô, tôi thở dài chán nản. Tôi đến điểm hẹn khoảng gần 5 giờ chiều. Thằng Drew đã ngồi đó rồi, khoác chiếc áo jacket thêu hình đội banh dã cầu, miệng nhai ngồm ngoàm ổ bánh Taco. Ngước mắt lên thấy tôi, hắn hất đầu, giọng kẻ cả:
- Đâu, đưa coi.
Tôi lôi trong túi ra cái phong bì màu vàng khổ lớn và đặt lên bàn cạnh ly nước ngọt. Nó nhẩn nha bỏ ổ bánh Taco xuống, thong thả chùi tay vào giấy rồi bình thản cầm phong bì lên. Nhìn dáng điệu của nó, tôi muốn nổi xung giật lại cái phong bì cho nó một tát rồi muốn ra sao thì ra. Hai tay tôi giận run bần bật. Tôi cố nén cơn giận xuống cho xong chuyện. Nó nhìn thoáng bên trong phong bì rồi nhét hết vào túi jacket.
- Nếu không đủ, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông biết.
- Đủ, không thiếu một đồng.
Tôi đứng đó, nhìn thẳng vào mắt thằng ma-cô khốn nạn, hỏi rõ từng chữ:
- Mày không yêu thương Maddy một chút nào sao?
Nó nhếch môi cười, bàn tay xoa xoa mớ râu dê:
- Không... làm gì có chuyện tình cảm ở đây. Vướng vào con đó chỉ đổ nợ chứ lợi lộc gì. Cái thứ đàn bà mau nước mắt là không có tôi.
Biết không thể nói gì hơn với hạng người như thằng này, tôi ném cái nhìn khinh bỉ vào mặt nó rồi quay lưng bước đi.
Những ngày tiếp theo, tôi quanh quẩn trong nhà làm việc chứ không đến văn phòng tại San Jose. Dần dần tâm trí tôi trở lại bình thường, tôi mau chóng lấy lại quân bình. Mỗi sáng tôi đều chăm chú đọc báo, tuyệt nhiên không thấy tin tức gì về Maddy. Tôi đọc từng mẩu tin một, cũng không thấy tin ai bị chết đuối quanh vùng. Lạ thật! Tôi lái xe xuống phố, hỏi han những tiệm ăn quen, cả những tiệm bán lẻ tôi thường ghé qua, không ai nghe thấy cô gái nào bị chết trôi cả. Riêng ông chủ tiệm rượu tỏ vẻ hiểu biết bảo tôi bọn nhà báo thì giờ đâu đi săn những tin tự tử, quyên sinh. Ông còn nói thêm, những đứa chán cuộc đời ô trọc này chết bớt đứa nào hay đứa nấy. Nếu thấy cuộc đời bẩn thỉu quá không đáng sống thì cứ việc chết, đừng sống dở chết dở làm khổ người khác. Ông xem, tự tử không chết vào nằm nhà thương, lại không tiền không bạc thì những người đóng thuế như ông và tôi còn phải làm việc quần quật dài dài để trả chi phí y tế cho chúng. Thôi, mệt lắm. Hơn nữa, loại tin “xe cán chó, chó cán xe” không câu được độc giả nên chẳng mấy khi bọn nhà báo săn tin và đăng tải. Tôi có vẻ bị thuyết phục vì những lời giải thích như vậy.
Sáng thứ Bảy tôi đã làm xong giấy đề nghị giá cả mua nhà cho một thân chủ ở Hollister. Một vài hồ sơ mượn nợ của khách hàng được điều chỉnh để đạt tiêu chuẩn của ngân hàng. Xếp hết giấy tờ vào chiếc vali cầm tay, tôi định ghé Hollister để đưa cho chủ nhà tờ giấy đề nghị giá rồi quay về San Jose để lo tiến hành thủ tục mượn nợ. Xa lộ 129 vẫn thẳng tắp, hàng cây cao rợp bóng trên con đường vắng vẻ. Không hiểu sao khi ngang qua chỗ đón Maddy, tôi bỗng tấp vào lề dừng xe lại. Kéo cửa kiếng xe xuống tôi nghe tiếng gió thổi lao xao qua những tàng cây. Cảnh vật yên tĩnh như chìm lắng vào nỗi buồn cô đơn, man mác thấm tận đáy hồn. Bùi ngùi nhớ đến người con gái mới thứ hai đứng ngơ ngác bên vệ đường nay đã vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất, tôi thở dài cúi mặt như chiêm niệm một bóng hình đang lùi dần vào dĩ vãng. Tôi cố quên đi lần lỡ dại, vừa mất tiền và mất nguyên một mạng người. Đoạn đường này sẽ gợi nhớ mãi trong tôi một lần vụng xử gây ra cái chết cho người con gái ở tuổi đang xuân. Tôi thẫn thờ bước xuống xe, phóng tầm mắt xa xa và thấy dãy bụi cây khá cao ngăn cách mặt lộ. Thấp thoáng một vài căn nhà bằng gỗ, mái che xiêu vẹo mọc chơ vơ giữa mảnh đất ngập cỏ hoang. Có thể đây là chỗ ở của Maddy. Tôi tính vượt đám bụi cây gõ cửa hỏi thăm nhưng lại không muốn dây dưa với thằng Drew nên thôi. Tần ngần đứng thêm vài ba phút, tôi quay lại xe rồi lái đi, trực chỉ Hollister.
Bỏ xa lộ 129 và bắt sang xa lộ 101 đi về hướng Bắc rồi mới lấy lối rẽ sang tỉnh lỵ Hollister. Người Việt độ rày đổ về Hollister khá đông, lý do duy nhất là giá nhà cửa ở đây rẻ hơn nhiều so với San Jose. Từ xa lộ 101 vào đến tỉnh phải mất thêm mười mấy dặm nữa chạy qua những cánh đồng bạt ngàn, rải rác ngựa bò phơi mình dưới trời nắng từ tốn gặm cỏ. Vừa đến đầu tỉnh, tôi bỗng cảm thấy đói bụng. Tiện thấy một hàng quán bên đường, loại bình dân cho những tài xế xuyên bang, tôi đậu xe lại. Gần trưa nên quán khá đông khách. Chờ một lúc, cô bồi bàn dẫn tôi đến một bàn trống gần nhà bếp. Gọi món ăn xong, tôi rảnh rỗi ngồi nhìn thiên hạ kẻ ra người vào dùng bữa. Bất chợt tôi nhìn thấy dáng một người đàn ông quen quen đang ngồi xéo trước mặt tôi, gần cửa sổ. Vì nhìn nghiêng nên tôi chưa nhận rõ mặt nhưng cái áo choàng hắn đang mặc trên người trông quen lắm. Đang chau mày suy nghĩ xem mình đã gặp người đàn ông này ở đâu thì cái tên hiện rõ mồn một trong đầu: viên trung sĩ thám tử Micheals. Người cảnh sát điều tra tôi gặp trên bãi hôm thứ Ba vừa rồi.
Tim tôi đập mạnh khi gặp lại viên thám tử Micheals đang ngồi bình thản nhâm nhi ly nước ngọt. Những câu hỏi quay cuồng trong trí tôi; không biết ông ta đến đây để tiếp tục điều tra cái chết của Maddy? Hoặc nhà ông ta gần đây ghé quán ăn trưa? Có thể chỉ là một sự tình cờ? Cho dù thế nào đi nữa, tôi hoàn toàn không muốn gặp mặt ông ta trong quán ăn này. Mặc dù tôi vô tội nhưng nếu đối diện, ông ta sẽ nhớ lại lần gặp gỡ trên bãi và chắc chắn sẽ có vài câu hỏi liên quan đến cái chết của Maddy. Số tiền 20 nghìn tôi đã trả nợ quỷ thần một lần cho sự dại dột và tôi muốn nó chìm vào quên lãng. Tôi lẳng lặng móc bóp rút tờ bạc 10 đồng đặt lên bàn và âm thầm đứng dậy định lẻn ra cửa sau tránh mặt.
Vừa nhỏm người dậy, tôi bỗng thấy một cô gái bước ra từ phòng vệ sinh, tiến thẳng đến bàn của thám tử Micheals, chuồi người ngồi đối diện với ông. Vừa thấy khuôn mặt của cô gái, đôi mắt tôi trợn trừng, miệng á khẩu như bị trúng gió. Maddy. Trời ơi! Đúng là Maddy. Cô gái đứng ngơ ngác bên lề đường đón xe, xin ngủ nhờ nhà tôi một đêm, và chết đuối trên bãi biển Watsonville.
- Mày nói sao? Maddy? Mà đúng nó không?
- Còn trật vào đâu nữa!
Khuôn mặt của Maddy xuất hiện thình lình trong quán ăn bình dân đông khách buổi trưa hôm đó có tác dụng như nguyên cả thùng nước đá đổ ập lên người tôi. Máu đông đặc trong huyết quản, tôi không còn nghe tiếng nhịp tim đập. Người chết cứng, tôi đứng như trời trồng, trợn tròn mắt nhìn Maddy. Những móc xích của tai ương bắt đầu từ đêm thứ hai - cô gái đứng bên đường, xin ngủ lại một đêm, thằng bồ ghen tuông đột nhập vào nhà, cô gái tự tử, thám tử Micheals gặp trên bãi, tống tiền mua sự im lặng - tất cả nối kết lại thành một vở kịch và tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Ôi! nghe như chuyện đùa, vậy mà lại xảy ra cho tôi dễ dàng. Các nhân vật trong vở kịch lừa đảo đem tôi ra bỡn cợt như một món đồ chơi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tự ái bị tổn thương nặng nề đến thế. Vừa mất tiền vừa bị chúng cười vào mặt là ngu xuẩn.
Tôi nghe cơn giận bốc lên từ đan điền, chạy qua tim làm lồng ngực tôi nóng bừng, thọc lên cổ và dồn lên mặt. Khuôn mặt tôi đỏ bừng như vừa nốc ly rượu mạnh. Hít một hơi dài nén giận, tôi bước về phía bàn của Maddy. Gần đến nơi, tôi nghe nàng nói ba tin con đi, thế nào nó cũng đến... Gã đàn ông, - Micheals, không biết tên thật của hắn là gì nữa - ngửng đầu lên thấy tôi tiến lại gần, mặt gã tái nhợt, miệng lẩm bẩm shit... shit.... liên tục.
Đứng trước mặt cả hai, tôi nhìn thẳng vào mặt gã đàn ông. Maddy thấy bóng người trước mặt, nhìn lên nhận ra tôi và lập tức nàng cúi gầm mặt vào ly cà phê, thảng thốt kêu lên nho nhỏ:
- Trời ơi!
Tôi chống hai tay lên mặt bàn, hỏi gằn từng tiếng:
- Cả ba cha con ông lừa người ta bao nhiêu lần rồi? Hay tôi mới là nạn nhân đầu tiên?
Gã đàn ông không dám nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Ông nói gì? Cái gì mà lừa với quỵt. Tôi không hiểu ông nói gì!
Tôi hơi mất bình tĩnh:
- Ông không hiểu tôi nói gì hả? Hay để tôi la toáng lên cho mọi người trong quán biết nhé!
Gã lấm lét quay sang tôi:
- Ông tính làm gì vậy?
Maddy nắm lấy bàn tay của gã đàn ông, xen vào:
- Ba yên tâm. Ông Tom sẽ không làm gì cả...
Nàng ngửng đầu lên nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, giọng ân cần:
- … phải không anh Tom?
Tôi ném cái nhìn đầy ghê tởm về phía Maddy rồi quay lại phía gã đàn ông:
- Ông dạy cho con gái ông những trò lừa lọc bẩn thỉu hạ cấp vậy sao?
Người cha lặng câm, mặc cho đứa con gái cướp lời:
- Này... này, anh chàng sồn sồn mê gái.... không ai dạy ai ở đây cả, anh hiểu chưa? Tôi đủ lớn để quyết định lấy cuộc đời của tôi.
Tôi không muốn nói thêm một lời nào với gã đàn ông nhưng với Maddy, tôi vẫn hy vọng tìm thấy một chút trong sáng còn sót lại trong tâm hồn của đứa con gái mới tròn mười tám. Nhìn Maddy tôi thấy tôi lầm. Tôi cố tìm một dấu hiệu nhỏ của ân hận hoặc hối tiếc về sự việc đã xảy ra nhưng tuyệt nhiên không, đôi mắt nàng không lộ một chút áy náy, dày vò hay cắn rứt lương tâm. Tôi chỉ đọc trong đôi mắt tròn xoe của Maddy một sự dửng dưng của tình người, một quen thuộc của lọc lừa, và một chút đắc ý của kẻ thắng cuộc. Có những chuyện xảy ra làm người ta bâng khuâng tự hỏi tình người còn hiện hữu? hoặc hai chữ lương tâm có còn nằm trong tự điển của sinh vật có tên gọi là người?
Giọng Maddy tỉnh bơ:
- Như thế này nhé, anh không báo cho cảnh sát về vụ tống tiền thì em cũng không nói gì với vợ anh và con anh. Anh nghĩ thế nào?
 
Thật không ngờ một đứa con gái mới lớn lại có thể mở miệng mặc cả trắng trợn với tôi đến thế. Tôi khẽ thở dài, lắc đầu nhè nhẹ tỏ vẻ không tin ở tai mình những gì vừa nghe. Maddy hỏi gặng:
- Anh nghĩ sao?
- Mày nghĩ sao?
- Nghĩ... nghĩ cái con mẹ gì nữa. Theo mày tao phải trả lời ra sao?
- Tao nghĩ mày phải gật đầu đồng ý với con nhỏ.
- Biết vậy sao mày còn hỏi. Lần này, tao cũng không còn một sự lựa chọn nào khác. Lòng ngao ngán, tao không thèm trả lời, bước ra ngoài và từ đó không bao giờ gặp lại bộ ba đó nữa.
- Vậy là xong chuyện. Mày đâu cần tao giúp về phương diện pháp lý làm gì. Thôi thì xem như tai nạn dọc đường. Mất 20 nghìn kể cũng đau nhưng bù lại vợ con mày không bao giờ biết hậu quả của một lần lỡ dại.
- Tao cũng nghĩ như mày vậy.
- Bỏ của chạy lấy người, mày thấy không? Đúng là tình ngay lý gian nhưng tao thấy mày giải quyết vậy là êm đẹp mọi bề.
- Cám ơn mày.
- Xem như một bài học để đời cho cả mày lẫn tao. May mà nghe kể chứ gặp trường hợp như mày chắc tao cũng mất toi 20 nghìn quá.
- Vậy thì mày phải cám ơn tao chứ.
- Ừ! Cám ơn mày.
Nguyên tác: AN INNOCENT BYSTANDER
GARY KIRST
 

Xem Tiếp: ----