Chương 1

 Hải Ninh là tên gọi một ngôi làng điển hình ở miền Bắc với cánh đồng lúa mênh mông, với lũy tre xanh bao bọc mấy trăm nóc nhà, phần lớn là mái tranh vách đất. Cuối cánh đồng làng có con đê cao ngăn nước sông cái, la mối đe dọa hàng năm mỗi khi mùa mưa đến. Cuộc sống im lìm của mấy ngàn cư dân cứ êm ả ngày này qua ngày khác, ngàn đời chẳng biết bao giờ thay đổi.
Bấy giờ là giữa thập niên 20, Khải Định hoàng đế vừa qua đời ở tuổi 41. Vua chết đi không để lại chút tiếc thương nào trong lòng muôn dân, bởi sinh thời vua là bù nhìn tiêu biểu của thực dân Pháo, đi ngược lai bao nhiêu công trình ái quốc của các bậc tiên vương họ Nguyễn. Triều đình cũng biết lòng dân chê trách vua, cho nên vua vừa nằm xuống, các quan phụ chính đại thần như Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài vội vàng ra bản thông tri, có đoạn mở đầu như sau:
“Hoàng đế Khải Định từ khi đi Tây về thụ bệnh, bệnh tình càng ngày càng nặng, 5 giờ sáng ngày 21 tháng 9 ta, tức Novembre, ngài đã thăng hà.
Nay tiên đế đã khuất núi, chúng ta cũng không nên nghi luận về sự nghiệp ngài trong mười năm trị vì thế nào. Sự nghiệp ấy hay hay dở, sẽ thuộc về thanh sử đời sau phán đoán. “
Lời kêu gọi của triều đình càng làm cho thần dân bàn tán nhiều hơn. Hoàng tử Vĩnh Thụy vốn người ngoại tộc, được Khải Định nhận làm con nuôi, lên nối ngôi, lấy hiệu là Bảo Đại, mới 13 tuổi hiện còn đang du hoc bên mẫu quốc.
Bước sang đầu thế kỳ 20, những phong trào đấu tranh dành độc lập không còn lấy triều đình làm điểm tựa nữa, bởi tiếng gọi Cần Vương năm xưa thời Hàm Nghi, Duy Tân đã trở thành dĩ vảng. Nhiệm vụ đuổi Thực dân bây giờ là quần chúng tự phát, đặc biệt là những người theo tân học, ngấm ngầm bùng lên khắp nơi như trăm hoa đua nở dưới nhiều hình thức khác nhau, ghi dấu một thời lẫm liệt pha lẫn với bi thương.
Trong làng Hải Ninh, có gia đình ông Vũ Lương, thuộc hàng trung nông, bốn người con, hai trai hai gái đều hiền lành chăm chỉ. Ông Lương là thầy đồ lỡ vận, vốn liếng chữ Hán thâm hậu nhưng gặp lúc buổi Nho học xế bóng, không đắc dụng trong xã hội nữa. Ông mở lớp dạy học tại nhà, môn sinh lác đác trên dưới chục đứa. Những gia đình tương đối có chút tiền thì gửi con đến, một là để ông trông nom cho chúng khỏi lêu lổng ngoài đường, hai là nhắc nhở chúng về lễ nghĩa, hy vọng mai sau khi lớn lên chúng sẽ hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Cái lớp học vốn lèo tèo ấy, cứ mỗi ngày một vắng đi dần. Cuối cùng chỉ còn dăm ba đứa, ông đành giải tán, chuyển sang hốt thuốc bắc, nhưng cũng không khá, phần vì ít kinh nghiệm, phần vì chính bản thân ông không tha thiết với nghề này. Lớp người như ông nặng tính bảo thủ, luôn luôn già trước tuổi, thường mất nhiều thì giờ trầm ngâm suy nghĩ, bởi quá luyến tiếc cái thời vàng son của lối học từ chương thuở trước. Chữ Tây, chữ Quốc ngữ ông đều không coi là những phương tiện chính thống để chuyên chở đạo l‎y thánh hiền. Ông cũng học cho biết với thiên hạ, nhưng lòng không say mê chút nào. Chỉ vì muốn giữ lấy nếp nhà mà ông phải gửi Tân, người con trai đầu lòng của ông xuống Hà nội học, chứ trong thâm sâu ông chỉ muốn con ở nhà, trau dồi Tứ Thư Ngũ Kinh là đủ rồi. Tân năm nay 20 tuổi. Ba đứa em kế tiếp là Hậu, Duyên và cậu Út Hoàn, cứ ba năm hai đứa, thành ra tuổi đềi xấp xỉ nhau. Là nhà nho cho nên ông Lương nghiêm khắc lắm, hở một tí là đánh mắng thẳng tay, nhất là đối với hai cô gái. Trai làng có ai chọc ghẹo ngoài ngõ, ông không cần biết phải trái, lôi con về trách phạt trước. Gánh hát chèo lâu lâu mới về diễn ở đình làng, hai cô muốn raa xem phải có bà mẹ hoặc anh Tân đi kèm ông mới cho phép. Ông hãnh diện về gia phong, không cần đếm xỉa đến những khao khát của các con ở tuổi đang lớn và nhất là những thay đổi bật gốc của xã hội Việt Nam vào cuối mùa thực dân.
Tuy vậy, những khi các con xúm nhau nhặt gạo ngoài hiên, cũng có lúc ông Lương cao hứng ngồi kể chưyện đời xưa cho các con nghe. Phần lớn là những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa rút ra từ Đông châu liệt quốc, Thủy hử hay Tam quốc chí. Ông kể sơ lượt thôi, nhưng ông bình luận rất kỹ, nhắc đi nhắc lại cái đạo tam tòng tứ đức để các con thấm sâu vào trí óc. Chẳng hạn như chiều nay, sau khi dứt một đoạn chuyện cổ, ông Lương nhìn hai cô gái đang lớn nhanh, thở dài bảo vợ:
- Mới hôm nào chập chững biết đi, bâu giờ đứa nào đứa nấy xấp xỉ hai mươi cả rồi. Bà xem có ai xin thì cho người ta đi. Tống được đứa nào hay đứa nấy!
Câu ấy, ông đã lập đi lập lại nhiều lần ngay trước mặt các con. Hậu và Duyên thấy tủi thân đến độ phẩn uất, nhưng thời buổi lễ giáo khắc khe, không cô nào dám có phản ứng dù là cha mẹ ăn nói khó nghe. Bà Lương bùi ngùi bảo chồng:
- Năm ngoái, bà Cần đánh tiếng xin cái Hậu cho thằng Tuất, con giai bà ấy. Tôi bảo mời bà ấy lại nhà chơi! Đám ấy thì được, con nhà tử tế, không có tai tiếng gì. Tôi có ‎ chờ rồi mà chả thấy bà ấy nói gì nữa! Không khéo có đứa nào dèm pha cái gì đấy, cho nên bà ấy ngơ đi. Tôi vẫn gặp ngoài chợ, nhưng chả lẽ minh lại nhắc!
Ông Lương im lặng, chắp tay sau đít bỏ vào nhà ngồi uống trà. Hậu cũng biết chuyện này, biết Tuất có dạo để ‎ đến mình. Cô muốn lấy chồng phức cho xong để bố mẹ khỏi sốt rột và nhất là vì cô có ra riêng trước, thì mới đến lượt cô em, theo truyền thống cả làng này. Ở Hải Ninh, những cô gái mà gia cảnh tầm thường và nhan sắc chỉ ở mức trung bình như chị em Hậu, nếu không may mắn thì có khi phải đi vào con đường làm lẽ những ông già nhà giàu. Cho nên tuy chẳng nói ra, nhưng hai cô đều âm thầm lo sợ cho tương lai.
Buổi tối hôm ấy trời sáng trăng, hai chị em xay gạo ở đầu nhà, đang nói chuyện phím thì bà Lương bưng rổ khoai luột ra cho các con. Nhận thấy mẹ vui, Hậu mới bạo dạn hỏi
- Mẹ, đừng nhắc đến chuyện nhà bà Cần nữa, mẹ ạ! Anh Tuất sắp cưới vợ rồi!
Bà Lương trợn mắt hỏi lại:
- Thằng Tuất sắp lấy vợ? Lấy ai?
Hậu đáp:
- Con nghe bảo cưới cái cô nào ở bên kia sông, chứ không phải người làng mình!
Bà Lương đang cầm củ khoai bốc dở, ném bẹt vào rổ và bực bội nói:
- Cái bà Cần này cũng láo thật! Chỗ người lớn với nhau, lại quen biết bao nhiêu năm nay mà cứ y như đồ trẻ con! Thế mà cũng dám mở mồm nói chuyện với tao! Để phiên chợ này tao gặp, tao sẽ cho một trận!
Hậu cười buồn:
- Ơ hay! Người ta không lấy con thì thôi chứ sao mẹ lại định mắng người ta! Vợ chồng là duyên số, mẹ chả bảo, mãi như thế hay sao?
Bà Lương chưa kịp nói thì Duyên chép miệng chen vào:
- Anh Tuất là con một của ông bà Cần. Chị Hậu không lấy anh ấy là may đấy mẹ ạ! Báu gì mà phải tiếc! Đời nào thì lấy chồng con một cũng khó chịu lắm! Chị Hậu về làm dâu nhà bà Cần thì đến chết dần chết mòn mất thôi! Mẹ có gặp bà ấy thì lờ đi, đừng thèm nhắc đến nữa.
Hậu nhìn Duyên thầm cám ơn lời an ủi tế nhị của em gái. Nhưng bà Lương cãi:
- Tao không tiếc! Nhưng tao tức, là vì bà Cần là chỗ đi lại với nhà mình bao nhiêu năm Đã nói thì phải giữ lời!
l
Dứt câu, bà vùng vằng bỏ lên nhà. Hai chị em nhìn nhau không nói gì. Tiếng cối xay vù vù chạy đều đặn theo nhịp tay đẩy của Hậu. Trăng trung tuần sáng vằng vặc rọi qua cành khế thưa lá, in bóng Hậu trên vách bếp. Trời im gió. Sức nóng hừng hực ban ngày đang tan dần trong không gian tĩnh mịch của đêm vắng. Ngoài đường cái, có tiếng bước chân dồn dập, tiếng nói chuyện nho nhỏ của tuần phiên đi kiểm tra quanh làng, kéo theo tiếng chó sủa vang một hồi rồi tất cả lại chìm trong yên lặng. Duyên ngồi ghé trên bao thóc dựng sát cây cột tre chống mái hiên, vừa bốc khoai vừa bảo:
- Chị đã mỏi tay chưa? Để em xay cho một lúc!
Hậu đưa cánh tay quệt mồ hôi trên trán và đáp:
- Em cứ ăn đi. Để chị xay nốt mẻ này rồi mình nghỉ! Cũng may tối nay mát giời nên đở vất vả!
Duyên nhìn chị ngạc nhiên hỏi lại:
- Nghỉ luôn hả chị? Còn sớm mà!
- Còn sớm, nhưng tao phải gội đầu một cái. Ngứa quá rồi!
- Chị gội thì em cũng gội luôn!
Cả hai chị em đều mặc váy lơ lững đến bắp chân, bên trên chỉ có cái yếm nâu, phơi ra nguyên tấm lưng trần trắng muốt dưới ánh trăng. Aó cánh ngoài và khăn vuông đen đều máng trên thành cửa sổ. Xay lúa tuy không phải là công việc nặng nhọc ở thôn quê, nhưng vì đôi tay đẩy cần máy (cối) xay lúc nào cũng phải hoạt động đều đặn, nên chỉ một lúc là mồ hôi vã ra như tắm. Hai chị em đều có cái dáng dong dỏng cao, giống nhau từ tướng đi tới khuôn mặt, đến nỗi nhiều người tưởng lầm là chị em sinh đôi. Vì không cách biệt tuổi tác bao nhiêu nên hai chị em rất thân nhau và mọi chuyện lớn nhỏ đều kể cho nhau nghe, kể cả những tâm sự thầm kín, những mơ ước lứa đôi trong cuộc sống.
Ăn xong củ khoai, Duyên bưng bát nước trà nguội uống cạn rồi đứng dậy, vừa đúng lúc Hậu cũng dừng tay vì thóc trong máy (cối) xay không còn nữa. Hậu thấy rõ lớp mồ hôi chảy thành dòng từ bờ vai trần xuống tới cạp váy. Cô thở mạnh, với tay lấy áo và khăn máng trên cổ rồi giục Duyên:
- Thôi, đi tắm! … Nhớ bưng rổ khoai vào bếp!
Hai chị em vào buồng lấy quần áo rồi kéo nhau ra giàn nước kế bên bụi chuối bên hông nhà. Bình thường thì hai chị em hay xuống tắm dưới ao. Nhưng đêm nay trời sáng sủa quá, tự dưng thấy ngại vì nhà hàng xóm ở bờ ao bên kia có đến năm cậu con trai hay rình để nhìn Hậu và Duyên vào những đêm trăng trung tuần.
ở nhà trên, bà Lương đang u sầu nói chuyện với chồng về sự “thay lòng đổi dạ” của bà Cần, không hỏi Hậu cho con trai của bà nữa. Ông Lương ngồi hút thuốc lào và uống trà liên tục, không phát biểu lời nào. ở với chồng mấy chục năm, bà Lương biết những khi chồng trầm lặng như thế là những lúc trong lòng ônh buồn lắm. Bà chép miệng than:
- Ông nhớ không? Bằng tuổi cái Hậu bây giờ, tôi đã đẻ thằng Tân rồi!
Chợt nhìn thấy hai con ôm quàn áo ra giàn nước, ông vội bảo vợ theo thói quen của một thầy lang:
- Bà ra bảo chúng nó tắm nhanh nhanh lên rồi vào. Ngồi ngoài ấy mà dầm nước, đêm hôm gió máy …
Bà Lương đứng dậy. Ông nói vói theo một câu an ủi vợ:
- Tôi giục là giục thế thôi. Cha mẹ nào mà chả mong cho con mình sớm yên bề gia thất. Nhưng duyên số chúng nó chưa đến thì biết làm sao! Nói cho cùng thì có hai đứa chúng nó ở nhà, bà với tô cũng đỡ vất vả!
Bà Lương không nói gì, rảo bước nhanh xuống thềm, băng ngang mảnh sân rộng ra hướng giàn nước. Dù chồng đã nói như thế, nhưng bà vẫn cảm thấy ấm ức và muốn chửi bà Cần một trận cho hả. Làng này, gia đình bà tuy không giàu nhưng vốn được trọng vọng vì thuộc loại có chữ nghĩa. Con bà tuy không đẹp lắm nhưng so ra cũng dễ coi, thế mà bà Cần lại ngang nhiên rút lại lời nói, thì còn gì là uy tín của người lớn với nhau.
Hôm sau, cả nhà vui hẳn ra, bà Lương cũng quên bẵng đi nỗi ấm ức và mối hận lòng đối với câu chuyện của bà Cần ngày hôm qua. Cậu hai Tân, đứa con đầu lòng của ông bà bấy lâu nay đi học ở Hà nội, hôm nay về quê nghỉ hè. Bốn anh em gặp nhau, chuyện vãn không ngừng. Sau bửa cơm chiều, ông bà Lương ngồi ở nhà trên uống trà, còn Duyên, Hậu và Tân ra ngồi ngoài hiên nhà hóng gió. Duyên nhìn anh rồi nũng nịu:
- Anh Hai kể chuyện cho chúng em nghe đi. Chúng em thích nghe chuyện lắm! Bố dạo nầy mệt hay sao ấy, chả kể chuyện cho chúng em nghe nữa!
- Vừa lúc ấy, cậu út Hoàn đi đâu về, từ ngoài cổng băng ngang mảnh sân chạy ập vào ngồi xuống bên cạnh Tân, phanh cút áo ngực cho mát và lên tiếng:
- Anh Minh, con bác Tuyền bị bắt rồi! Lý trưởng cho người đến tận nhà bắt giải lên tỉnh. Người ta kéo ra xem đông lắm, đứng chật cả hai bên đường, em cũng chạy theo mãi đến sân đình mới về!
Cả hai chị em cùng sửng sốt trước bản tin sát đánh, bởi ai cũng biết rất rõ Minh, cùng chà lứa với Tân và cùng được gửi xuống học ở Hà Nội. Riêng với gia đình này thì Minh còn có mối liên hệ sâu xa hơn vì thuở nhỏ, Minh là học trò của ông Lương, đã từng ngày ngày đến ngồi xếp bằng trên chiếu để học chữ Nho. Câu nhận xét đầu lưỡi được ông Lương nhắc đi nhắc lại về Minh là:
- Thằng này sáng dạ lắm, nhưng chỉ phải cái nghịch như quỉ!
Minh ngồi ở nhà ông Lương được hai năm thì ông bà Tuyền cho con bỏ chữ Hán để đổi sang tiếng Tây và chữ quốc ngữ, rồi xuống Hà Nội trọ học ở nhà một người bà con. Cùng ở Hà Nội, nhưng Tân ít gặp Minh vì khác trường và khác ngành. Tuy ít gặp nhưng anh thường nghe thiên hạ nhắc đến những hoạt động của Minh mà ai cũng coi là khá táo bạo thời bấy giờ.
Hậu hỏi Hoàn:
- Có biết bắt về tội gì không? Nấu rượu lậu chắc?
Hoàn lắc đầu đáp:
- Em không biết! Nhưng nhà ấy thì có bao giờ nấu rượu lậu!
Hậu buột miệng nhắc đến việc nấu rượu lậu là vì làng này Tây đoan hay về bắt rượu. Có khi bắt trúng người nấu rượu lậu thật. Cũng có khi bắt oan chỉ vì người ta thù oán, cố tình làm hại nhau bằng cách giấu tang vật, như bã rượu, nồi ba mươi, bong bóng trâu v.v.. ở bờ ao hay trong phần ruộng của người mình thù, rồi báo Tây đoan về bắt.
Nghe Hòan nói Duyên cũng phụ họa theo:
- Đúng! Nhà bác Tuyền xưa nay có bao giờ dính dáng đến rượu! Anh Minh bị bắt chắc là vì ông lý Bân vốn không ưa anh ấy, nên tìm cớ bắt!
Hậu lắc đầu bàn góp:
- Ông lý dù có ghét thì cũng phải có lệnh trên mới bắt được chứ!
Tân nén tiếng thở dài, đăm đăm nhìn ra sân. Anh biết Tân bị bắt vì nguyên cớ gì, nhưng anh không thể nói với các em. Thực dân Pháp có một sai lầm là càng đào tạo đông nhân tài, càng khuyến khích dân bản xứ đi học nhiều, thì số người chống Pháp lại càng đông. Chẳng hạn như chính bản thân Tân, thuở còn ở nhà, có bao giờ nghĩ đến đất nước đâu. Nhập trường với bao nhiêu thanh niên cùng lứa tuổi, bị lôi cuốn vào phong trào đấu tranh đang lan rộng, không gia nhập tổ chức này thì cũng ghi danh vào hội kín khác. Những tấm gương ái quốc của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, tiếng bom Sa Điện Phạm Hồng Thái, tất cả đã làm nức lòng người tuổi trẻ, nhắc họ cái nhục của người dân không còn chủ quyền đất nước. Minh là một trong những người ấy. Minh đã bị bắt. Biết đâu một ngày nào đó sẽ đến lượt Tân, Tân hạ giọng vừa đủ các em nghe:
- ít lâu nay, thanh niên bị bắt nhiều. Làng này còn ít đấy, chứ ở Hà Nội thì đông lắm! Tây kết án họ là “làm giặc”. Nhưng thật ra họ là những người chống Tây để giành lại độc lập!
Lũ em cúi đầu suy nghĩ. Duyên buột miệng nói:
- Anh Minh nom lù đù thế mà cũng dám chống Pháp! Bạo nhỉ!
Thật ra thì Minh không phải chàng trai lù đù như Duyên nhận xét. Duyên giả vờ gán cho Minh hai tiếng đó chỉ vì ông bà Truyền là chỗ quen biết với bố mẹ của Duyên và dân làng vẫn đồn nhau là ông bà Lương muốn gả Duyên cho Minh sau khi anh tốt nghiệp trường cao đẳng thương mại. Thói quen của con gái thời ấy là dù trong lòng có yêu ai, thì bên ngoài vẫn phải làm bộ hững hờ như Duyên đang nói về Minh. Làng này, hầu như ai cũng biết cái tính ngang tàng của Minh. Ông bà Truyền thì than với hàng xóm là “nó thông minh nhưng bướng bỉnh. Cha mẹ sinh con, giời sinh tính”. Các cụ kỳ hào chức sắc thì mắng Minh là “thằng không biết kẻ trên người dưới”. Chỉ có bằng hữu ngày ngày gần gũi, mới biết Minh là người muốn phá vở tất cả các lề lối cũ mà anh cho là không còn hợp thời nữa. Chống ngoại xâm và xóa bỏ hủ tục xã hội là hai mục tiêu mà Minh muốn nhắm tới, sẳn sàng theo đuổi bất chấp trở ngại. Còn nhớ cách đây hai năm. Minh về nghỉ hè với gia đình đúng dịp Hải Ninh xảy ra một chuyện bi hài mà giờ này cả làng chưa ai quên. Cách nhà Minh bốn căn, có cô Lụa góa chồng sống thui thủi với đứa con còm cõi. Hai mươi ba tuổi, gái một con hơ hớ, ra vào trong căn nhà nhỏ quạnh quẽ, bao nhiêu ve vãn bướm ong dồn dập đến với Lụa. Từ các quan viên chức sắc đến trương tuần và thậm chí cả thằng mõ trong làng cũng muốn tạt vào ngủ một đêm với Lụa. Nhưng chẳng ai làm gì được. Rồi bổng dưng cả làng giật mình vì tin Lụa có bầu! Thôi, phen này thì bỏ mẹ rồi! Làng Hải Ninh vui như tết, bởi cái tục “ngả vạ” vẫn còn duy trì mạnh mẽ. Không chồng mà chửa là làng sắp có đại tiệc. Xóm trên thôn dưới đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao vì đã lâu mới vớ được một người chửa hoang. Các cụ khăn đóng áo dài, khệnh khạng kéo ra sân đình, mặt ai cũng đằng đằng sát khí để tỏ rõ cho con cháu biết mình đang đau khổ vì luân lý suy đồi! Thằng Mõ cất giọng lanh lãnh, gõ mõ liên hồi, “Chiềng làng chiềng chạ. Thượng hạ đông tây”, đi rao khắp hang cùng ngõ hẻm cho mọi người biết. Bao nhiêu nhân khẩu quanh năm chạy ăn từng bửa, nay tạm quên đi nổi thống khổ ngàn đời để kéo nhau ra nhìn mặt cô Lụa khôn ba năm dại một giờ. Trương tuần gậy gộc hùng dũng, nhận lệnh lý trưởng, áp giải Lụa cho các cụ hỏi tội. Lụa gửi con cho mẹ, mặc áo tứ thân, váy lĩnh, tóc` vấn đuôi gà, đi giữa hai gã tuần phiên nhiều lần ve vãn Lụa. Bụng Lụa chưa lớn lắm, nhưng ngực đã căng phồng, đẩy cái yếm trắng nhô lên một cách khiêu khích. Các cụ ngứa mắt lắm. Trong thâm sâu ai cũng ấm ức vì dụ mãi mà không chiếm được Lụa, nay mới có dịp trả hận. Chánh tổng người bệ vệ, hút xong điếu thuốc lào khai vị, đập ba-toong vào cột đình và lớn tiếng mắng, y như cảnh Thị Mầu trong tuồng Quan Âm Thị Kính:
- Con kia! Mày dám làm nhục cả làng này! Mày ngủ với ai, phải khai ra ngay không thì ông chẻ xác mày ra!
Nhiều bà đứng vây quanh, chả có nhiệm vụ gì cũng tốc váy nhảy chồm chồm lên mà xỉa xói, bởi vì “một người lảm đĩ, xấu danh đàn bà”!
Lụa cứ đứng yên, không trả lời mà cũng nhất định không khóc, không van xin. Lý trưởng mặt đỏ gay, tiếp lời chánh tổng:
- Mày gan phải không? Con này láo! Cụ chánh hỏi mà mày không giả nhời hả? Thằng nào đã ngủ với mày? Mày khai ra, tao bỏ tù nó! Mày không khai thì mày khổ vào thân!
Lụa vẫn đứng yên, mắt mở trừng trừng nhìn lý trưởng, nhớ lại những lần ông tạt ngang, gạ gẫm Lụa. Lý trưởng đập cái quạt xuống chiếu và nạt lớn:
- Được rồi, để xem mày gan to đến đâu! Trương tuần! Trói nó lại!
Có tiếng dạ thật lớn, nhưng chẳng thất ai xông ra trói. Trên chiếu chủ tọa, mỗi người nạt nộ một câu rồi các cụ chụm đầu vào nhau thì thầm một lúc như bồi thẩm đoàn hội ý trước khi tuyên án. Cuối cùng lý trưởng mới đứng dậy, dõng dạc công bố quyết định: Lụa phải thửa một bửa cổ đãi cả làng từ già đến trẻ để tạ tội. Cứ “tám hai bốn một”, cả ngàn nhân khẩu không được thiếu người nào!
Đến nước này thì Lụa mới sợ. Tiền đâu ra? Bán cả nhà cũng không làm nổi bữa cỗ! Lụa òa lên khóc! Lý trưởng chỉ mặt quát:
- Bây giờ thì đã chịu khai chưa? Thằng nào làm cho mày có chửa? Khai ra để làng bắt vạ nó! Không khai thì một mình mày chịu! Nghe chưa!
Sau câu nói ấy, bao nhiêu cặp mắt đều đổ vồn vào Lụa chờ đợi. Các cụ hồi hộp lắm vì đang nóng ruột muốn biết đứa nào may mắn đã ôm ấp Lụa trong khi Lụa từ khước biết bao nhiêu ông có máu mặt trong làng! Các bà lại càng hồi hộp hơn, chỉ sợ Lụa khai ra thủ phạm là chồng mình!
Đang lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy thì bỗng có tiếng đáp:
- Bẩm các cụ! Con đây ạ! Con là cha đứa bé trong bụng cô Lụa đấy ạ!
Mọi người đều giật mình sửng sốt, nhốn nháo nhìn quanh xem ai vừa lên tiếng. Các cụ kỳ hào ngồi xử án chồm người trố mắt ngó ra. Một thanh niên rẽ đám đông, khoan thai tiến lên trước sân đình. Người ta ồ lên một tiếng rồi xầm xì bàn tán như ong vỡ tổ. Chàng thanh niên đó chính là Minh. Làng nầy chỉ có vài người như Minh, như Tân được đi học tận Hà nội, nên người ta nể nang lắm. Và vì nể nang, người ta càng kinh ngạc tại sao một chàng trai đầy tương lai như Minh, lại hạ mình ngủ với Lụa để bây giờ lâm vào cảnh dở khóc dở cười! Trai tơ gái goá là chuyện hiếm hoi trong làng! Có người toan chạy về báo tin cho ông bà Truyền biết, nhưng lại tiếc rẻ, đứng lại xem làng xử trí với Minh như thế nào! Chính Lụa cũng trố mắt nhìn Minh tự hỏi tại sao Minh lại tự nhận đã ngủ với Lụa. Minh mặc áo dài trắng, quần cháo lóng vải nội hoá, chân đi guốc mộc, dáng dấp thư sinh, dịu dàng đưa mắt nhìn Lụa khẽ gật đầu. Lụa buột miệng kêu lên nho nhỏ:
- Cậu Minh! Sao cậu lại...
Minh xua tay lắc đầu làm hiệu bảo Lụa đừng nói. Trên chiếu chủ toạ, sau lưng chánh tổng, ông phó lý đang bưng bát nước chè đưa lên miệng, nhìn thấy Minh, đánh rơi bát nước, đổ lênh láng trên đũng quần. Bởi ông là chú ruột của Minh! Ông lật đật đứng dậy, chạy xuống lôI tay thằng cháu ngông cuồng và mắng:
- Mỗy rồ rồi hả Minh? Chỗ nầy đâu phải là chỗ cho mày đùa. Mày có ăn có học sao lại dại thế là thế nào? Đi về ngay!
Ông biết chắc chắn thủ phạm không phải là Minh, bởi hai hôm liền, Lụa đã chay sang kêu cứu với ông để nhờ ông nói khéo với chức việc trong làng. Ông không thể nào ngờ được thằng cháu mình tự dưng nhảy ra quàng cái ách vào cổ. Ông tái mặt ngượng ngùng với quan viên chức sắc và bàng dân thiên hạ đang trố mắt nhìn thằng cháu ông. Minh từ tốn bảo ông:
- Chú cứ để yên cho cháu nói! Chú lên ngồi đi, để mặc cháu!
Ông phó lý ngần ngừ một lúc rồi đau khổ trở lại chỗ cũ. Nước trà đậm thấm vào đũng quần làm ông ngứa ngáy khó chịu nhưng không tiện đưa tay ra gãi chỗ hiểm trên thân thể! Dân chúng vẫn ồn ào bàn tán. Lý trưởng phải quát lớn:
- Các ông các bà im lặng! Im, không thì tôi đuổi về hết bây giờ. Tuần đâu? Giữ trật tự!
Minh lùi lại đứng song song bên cạnh Lụa, nét mặt thản nhiên làm các cụ ứa gan. Nhất là lý trưởng. May cho Minh là truyền thống của làng bao giờ cũng nể người có học, nhất là lại có ông phó lý đang ngồi chung chiếu là chú của Minh, nên các cụ tạm nuốt giận, chưa ra tay trừng trị cái thái độ hỗn láo của anh. Lý trưởng hỏi Lụa:
- Thị Lụa! Có phải thằng nầy ngủ với mầy không? Phải khai cho đúng!
Lụa quay sang nhìn Minh hỏi ý. Nhưng Minh dõng dạc đáp ngay:
- Bẩm cụ lý, con đã nhận con là bố của đứa bé trong bụng cô Lụa, sao cụ còn hỏi làm gì?
Lý trưởng nắm cái quạt giấy chỉ vào mặt Minh quát:
- Tao không họi mày! Ai cho phép mày giả nhời!
Phó tổng cũng lên tiếng thị oai với Minh:
- Mày đừng tưởng mày học được dăm ba chữ võ vẽ rồi về đây ti toe lên mặt với mọi người. Tao nói cho mày biết: phép vua thua lệ làng! Không nể mặt cụ phó thì tao đã gang họng mày ra chứ lị!
Phó lý ghé tai chánh tổng nói một câu, Chánh tổng bụng phệ gật đầu rồi cố gắng mãi mới đứng lên được, giơ cây gậy dứ vào mặt Minh và nói:
- Thằng kia! Không được nhận vơ! Tội người nào làm người nấy chịu. Tao nể ông phó, tao tha cho mày! Cút về ngay! Đừng có làm mất thì giờ các cụ!
Quan viên chức sắc thấy chánh tông cố ý nhân nhượng đối với Minh, nên cũng ngồi im, không nạt nộ Minh nữa. Minh lễ phép trình bày:
- Bẩm cụ chánh! Con đội ơn cụ chánh và các cụ có lòng quảng đại mà tha thứ cho con. Nhưng cụ chánh đã thương thì thương cho trót. Con xin nói một câu rồi con về ngay, không dám làm phiền các cụ. Bẩm cụ chánh, cụ lý và các cụ. Bên làng Thắng cương tỉnh Bắc ninh, có câu chuyện nầy mới xãy ra. Chuyện thật trăm phần trăm, con không dám thêm bớt. Con xin thề trên có các cụ, dưới có các ông các bà, con mà nói điêu con không nhìn thấy mặt trời nữa. Vâng, bà Kiên ở làng Thắng cương góa chồng, ở vậy nuôi con. Bảy tám năm không tai tiếng gì, bỗng bà có chửa và bị làng ngả vạ, y như chị Lụa đây. Bà phải bán cả nhà cửa ruộng vườn để lo bữa ăn khoán của làng, đãi tất cả mọi người, từ đứa bé ẫm ngửa!
Minh đang kể chuyện thì có người chen vào:
- Thì đúng rồi chớ còn gì nữa! Chửa hoang mà lị!
Minh điềm tỉnh đáp:
- Giữa bửa tiệc, đang hầu rượu quan viên chức sắc thì bà ấy quay lại bảo đứa con bên cạnh: “ Con ơi, con vác cái vái của u về, để mình u thưa chuyện với các cụ “. Vâng, đúng thế ạ! Xin cụ chánh và các cụ bỏ lỗi cho. Bà Kiên vừa nói dứt lời, đứa con chưa hiểu gì thì bà ấy đứng ngay giữa đình tụt váy ra và đưa cho con, bảo nó mang về. Còn bà đứng tô hô ưỡng mãi bụng vào mặt các cụ, vỗ bồm bộp vào chỗ ấy và bảo:”Thưa các cụ, nhà cháu không mai mất sớm, cháu cứ tưởng cái nầy là của cháu thì cháu chơi. Hoá ra cái nầy là của làng thì xin rước các cụ, cứ việc đem về rồi muốn làm gì thì làm. Đây, nhà cháu xin trả lại các cụ!
Minh kể đến đây, cả sân đình cùng ồ lên, rồi người thì cười hô hố, kẻ thì che mặt lắc đầu. Những cô gái như Hậu như Duyên thì xấu hổ đỏ bừng mặt. Một ông bình phẩm:
- Gớm! Con mẹ nào mà bạo thế! Đến là tục tĩu!
Người khác cãi:
- Cậu ấy nói thế chứ đàn bà đâu lại có thứ đàn bà trơ trẽn đến thế! Giữa bàn dân thiên hạ mà dám tụt váy ra hay sao?
- Khiếp! Các cụ đang nhấm rượu mà bà ấy dám dí mãi vào mặt các cụ!
Một ông ra vẻ hiểu biết, cố tình nói lớn cho mọi người cùng nghe:
- Cậu Minh cậu ấy kể đúng đấy! Bà Kiên bên Thắng cương thì tôi biết! Hiền lành như cục đất, quanh năm mò cua bắt ốc, nuôi con sống qua ngày chứ có làm gì ra tiền! Nhưng mà ở đời, già néo đứt giây, tức nươc vỡ bờ! Chức sắc trong làng dồn bà ấy vào đường cùng. Con giun xéo lắm cũng quần! Bấc đắc dĩ bà ấy mới tụt váy ra giữa đình làng cho các cụ xấu hổ!
Có lẽ các cụ xấu hổ thật! Chưa nhìn thấy bà Kiên tụt váy, chỉ mới nghe Minh kể, các cụ đã lúng túng cúi mặt nhìn nhau. Lợi dụng tình thế, Minh quay lại nói với đám đông:
- Ông bà nào không tin, xin cứ hỏi thẳng bên Thắng cương thì biết. Bà Kiên vẫn còn ở làng ấy. Nhưng cũng nhờ bà ấy bà tục ăn khoán đàn bà chửa hoang không còn áp dụng trong làng nữa!
Lý trưởng nhanh miệng đáp lại:
- Làng nào có phép của làng nấy! Đây là Hải ninh, không phải là Thắng cương hay thắng nhu gì cả! Mày đem chuyện làng khác ra kể ở đây làm gì?
Ông phó lý, chú ruột của Minh mừng thầm vì thấy thằng cháu mình hỗn láo quá mà các cụ không nỡ trừng phạt. Ông thấy không nên để kéo dài cái trò dạy dỗ nầy, rũi các cụ nổi nóng thì sẽ phiền tới cả ông. Ông vội đứng lên, khẻ xá chánh tổng rồi nói:
- Tôi xin phép, trên có cụ chánh, cụ lý và các cụ, dưới có các ông các bà. Thằng cháu tôi nó trẻ người non dạ, nói năng thất thố làm buồn lòng các cụ. Nhưng ném chuột sợ vỡ đồ quý, nên các cụ cũng niệm tình bỏ qua cho nó, tôi xin hết lòng đội ơn. Thôi thì con dại cái mang, để tôi về nói lại với bố mẹ nó có nhời răn dạy nó …
Rồi ông phất tay đuổi Minh:
- Các cụ đã tha cho, sao không chào các cụ mà về đi, còn đứng đấy làm gì!
Ông trừng mắt nhìn Minh làm hiệu, nhưng Minh lại tiếp:
- Bẩm các cụ, các ông, các bà. Thế giới bây giờ đang thay đổi từng ngày mà chúng ta cứ bám lấy những hủ tục lỗi thời thì bao giờ mới tiến bộ được! Các cụ, các ông, các bà thử nhìn xem: Chị Lụa đây, chồng bị làng bắt đi phu, dầm mưa giãi nắng, không may bị ốm mà mất đi. Chị Lụa một thân một mình, con còn ẳm ngửa, chạy ăn từng bửa không đủ. Có bán cả nhà đi cũng không dọn nổi một bửa cỗ mời cả làng này! Các cụ đã dạy chúng con rằng: Miếng ăn là miếng nhục! Có no béo gì một bửa cơm của người cùng đinh! Thôi thì xin các cụ đại xá cho! Mẹ con chị Lụa sẽ muôn đời đội ơn các cụ!
Minh vừa dứt lời, dân làng đã ồ lên tỏ vẻ đồng ý. Họ ủng hộ Minh trước hết là vì chưa bao giờ họ được chứng kiến một người thường dân dám đứng ra tranh luận với các quan viên chức việc trong làng. Cảm tình của đám đông dành cho Minh, làm các cụ đâm ra bối rối. Lý trưởng vớt vát:
- Nhưng nó ngủ với ai, sao nó không khai ra?
Minh đáp:
- Thưa cụ lý. Chị ấy ngủ với ai thì sau khi sinh nở, con chị ấy chị ấy nuôi chớ cụ lý có nuôi đâu ạ! Mà nói xin cụ lý bỏ qua cho, thà chị ấy cứ giữ kín còn hơn khai ra, có khi lại làm làng mình dở khóc dở cười!
Mọi người ồ lên nhất trí. Những tiếng cười sảng khoái cất lên, những cái đầu gật gù nhìn Minh cảm phục:
- Có ăn có học nó khác! Cậu ấy nói cứng lắm. Các cụ không bẻ vào đâu được
Chánh tổng đứng lên tuyên bố giải tán để các cụ họp riêng, rồi sẽ cho dân làng biết sau. Người ta bu quanh lấy Minh và Lụa. Lụa cứ chấp tay xá mãi, cảm ơn Minh đã liều mình cứu cô thoát cơn hoạn nạn!
Quả nhiên từ đó các cụ lờ đi. Lụa khỏi phài bán nhà kàm tiệc. Chỉ có Minh là nổi tiếng như cồn, ai ai cũng khen ngợi. Riêng ông lý trưởng thì ấm ức lắm vì hai lý do: vừa mất bửa ăn, vừa tìm không ra thủ phạm ai đã ngủ với Lụa. Mối hận canh cánh ấy kéo dài đã hai năm, mãi đến nay lý trưởng mới nhận được chỉ thị từ trên tỉnh đưa xuống: Chờ Minh về đến nhà là bắt ngay về tội chống chính quyền bảo hộ!
Hôm nay nghe tin Minh bị bắt, Duyên bổng nhớ lại lời nhận xét của bố năm xưa khi bà Lương cứ muốn có ý gả Duyên cho Minh:
- Tính nết ngang tàng như nó thì rốt cục cũng chỉ mua lấy cái khổ vào thân thôi. Cái gương Cao-bá-Quát còn sờ sờ ra đấy!
Bất giác Duyên thở dài và càng cảm phục lời tuyên đoán của bố dù chưa biết đích xác Minh bị bắt về tội gì. Cô quay nhìn Tân và lo lắng cho anh, những người tân học mang đầu óc cấp tiến. Duyên nhớ lại năm ngoái, anh Tân cũng trở về với bộ mặt rất ưu tư, rồi nhân lúc hai chị em xay gạo ở đầu nhà, anh bảo:
- Vừa rồi, Hội đồng Đề Hình xử cụ Phan bội Châu, tuyên án khổ sai chung thân. Cụ là người yêu nước, nhưng hpong trào của cụ chắc đến đây là hết!
Lúc ấy, Duyên đã tò mò hỏi:
- Cụ Phan bội Châu là ai? Anh quen cụ ấy à?
Tân phì cười:
- Cô chả biết tí gì cả! Anh làm sao mà quen được cụ ấy! Anh như hạt các, còn cụ như sao Bắc đẩu! Anh đến gần thế nào được!
Rồi nhân tiện Tân cắt nghĩa:
- Cụ Phan bội Châu một đời bôn ba tìm đường cứu nước khỏi ách nô lệ của Pháp. Cụ là tấm gương ái quốc sáng ngời hiện nay!
Hai chị em nghe vậy thôi chứ không quan tâm lắm vì cụ Phan nào đó hoàn toàn là người xa lạ đối với họ. Nhưng hôm nay, tin Minh bị bắt thì lại khác. Minh là một người quen, dù không thân, nhưng gặp nhau quá nhiều lần trong làng, nhất là có thể nên duyên với Duyên. Cho nên cái tin ấy làm hai cô suy nghĩ rất nhiều, như mất một người thân.
Cả ba chị em cùng ngồi yên lặng cùng nghe ông anh cả nói ra những điều rất mới mẻ mà họ chưa nghe ai nhắc đến bao giờ. Bàng bạc trong những chuyện anh kể, anh luôn luôn hướng về đểm chính là nổi đau của những người dân mất nước. Xa xôi hơn, anh đề cập đến những nhà tư tưởng lớn của Pháp như Jean Jacques Rousseau hay Montesqueieu và cuộc đại cách mạng 1798 giành lại dân quyền cho quần chúng. Giọng Tân hết sức say sưa nhưng lắm khi không giấu được nỗi ngậm ngùi.
Trong nhà bổng có tiếng gọi lớn của ông Lương:
- Chúng mày đâu cả rồi? Hoàn ơi!
Duyên đang ngồi bên Hậu đứng bật dậy, vừa chạy vừa đáp:
- Dạ, con vào ngay. Bố cần gì đấy bố?
Trong phòng khách, tức là gian giữa của căn nhà, có bàn thờ tổ tiên, ông Lương đang tiếp khách, một người khách rất thân mà hầu như tuần nào cũng ghé đến đây với áo dài khăn xếp gọn gàng. Duyên khoanh tay cúi đầu:
- Cháu chào bác Tú ạ!
Khách không nhìn lại, thản nhiên đáp gọn:
- ừ, cháu!
Ông Lương bảo:
- Pha cho bố ấm chè mới. Bưng ấm xuống, bỏ hết bã chè, cọ sạch đi rồi hẵng pha. Mà nước phải thật sủi, nhe chửa?
Duyên nhè nhẹ xếp bộ tách và cái ấm vào khay để bưng ra giàn nước. Cô nghe ông Tú nói với bố cô:
- Tiên sinh cứ tin tôi đi. Vua Khải Định lấy 12 vợ, nhưng không có con. Hoàng tử Vĩnh Thụy là con người khác! Người trong hoàng cung nói ra ngoài là vua Khải Định không thícch đàn bà!
Ngừng một chút, ông Tú chép miệng than:
- Làm vua mà không thích đàn bà thì phí quá!
Ông Tú là một nhà nho mà nhắc đến “thiên tử” với giọng cười cợt thì đủ biết ý niệm tôn quân đã đến lúc suy tàn rồi. Thậm chí khi Khải Định mừng lễ tứ tuần, một danh sĩ miền Nam là Hùynh khúc Kháng từng làm thơ gọi vua là “thằng”, cho cho thấy vua không còn là biểu tượng của quyền uy tuyệt đối nữa một khi vua chấp nhận làm tay sai cho ngoại bang:
Ai về địa phủ hỏi Gia Long
Khải Định thằng nầy phải cháu ông?
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ
Vua thời còn đó, nước thời không!
Duyên bưng khay trà quay ra. Hậu trông thấy chạy lao lại phụ em để còn mau mau nghe Tân kể chuyện tiếp. Chả mấy khi anh em đầm ấm như thế nầy.
Bốn anh em đang miên man kể chuyện thì đến lượt bà Lương từ ngoài cổng cầm cái roi tre đi vào. Trong làng nhiều nhà nuôi chó, nên hễ cứ bước ra đường là bà phải thủ một cây roi cho yên trí. Từ ngoài cổng, nhìn thấy đàn con tụ tập đông đủ dưới mái hiên đầu nhà, bà vui lắm. Bà vẫn hãnh diện là con cái bà gắn bó chặc chẽ chứ không như nhiều gia đình khác, hơi một tí là anh em cãi nhau ầm ĩ. Bà đi nhanh lại, nhìn duyên và nhập đề ngay:
- Cậu Minh con bác Truyền bị bắt rồi! Khổ thân! Chả biết cậu ấy làm gì mà đến nông nỗi! Năm ngoái bị đuổi học. Năm nay bị bắt! Nghe nói cậu ấy vừa ở Hà nội về thì lý trưởng dẫn người ập vào bắt. Chắc là có lệnh lâu rồi!
Cậu út Hoàn lên tiếng:
- Chúng con biết rồi mẹ ạ! Con vừa ở ngoài đình về. Chính con nom thấy mà. Con với mấy đứa nữa đi theo anh Minh ra tận đầu làng. Anh ấy bị trói mà vẫn cứ nói cứ cười! Cụ lý cầm roi đuỗi mãi chúng con mới chịu về!
Bà Lương lo âu bảo Tân:
- Từ nay con làm gì cũng phải cẩn thận. Đứa nào rủ rê vào hộii nầy hội kia, con phải lánh xa ngay không thì có ngày mang họa vào thân! Ăn nói cũng phải giữ gìn mồm miệng! Hễ nghỉ học là về thẳng nhà, chớ có lang thang ở Hà nội. Mẹ nghe dạo nầy thanh niên bị bắt đông lắm! Nhớ đấy!
Tân cười trấn an mẹ
- Vâng, con nhớ rồi. Bố cũng mới bảo con như thế!
Cái tin đồng bà Lương vừa nêu ra là một sự thật. Trong hai năm 1925 và 1926, mật thám Pháp và tay sai càn quét mạnh mẽ, thả những mảng lưới lớn, đưa vào tù bao nhiêu người trẻ đầy nhiệ huyết. Họ thuộc đủ mọi đảng phái như Phục Việt, Việt nam cách mạng đảng … Riêng trường hợp của Minh thì không có chân trong bất cứ tổ chức nào. Những hoạt động của anh hoàn toàn do lòng yêu nước thúc đẩy mà thôi. Khi cụ Phan bội Châu bị bắt từ Thượng hải đưa về hỏa lò Hà nội, cả một làn sóng sôi sục khắp nơi hướng về cụ. Đến ngày cụ ra tòa, tháng 11 năm 1925, học sinh sinh viên từ các trường xa xôi hẻo lánh cũng đều biết tin, nhờ báo chí và nhờ các thầy giáo khi giảng bài đã đứng hẳn về phía cụ, coi cụ như tấm gương của lòng ái quốc. Đủ mọi tầng lớp quần chúng kéo nhau đến tòa. Thậm chí bạn hàng chợ Đồng xuân còn nghỉ buôn bán để rủ nhau đi. Điện tín khắp nơi gởi về tòa án Hà nội xin ân xá cho cụ Phan bội Châu. Một trong những sinh viên hăng hái nhất trong cuộc vận động nầy là Minh. Anh bị đuổi học từ đó vì nhà trường kết án anh làm loạn. Nghỉ học, nhưng anh ít về Hải ninh.
Báo chí Hà nội lúc ấy chỉ có vài tờ như Trung bắc Tân văn, Thực nghiệp dân báo. Anh mon mem nhờ người giới thiệu anh đến tòa sọan xin cộng tác, vì đó là con đường hữu hiệu để mở rộng tiếng nói. Họ không nhận Minh vào làm thường trực, nhưng hứa sẽ đăng những bài anh viết.
Cụ Phan bội Châu vào tù, nỗi buồn trong lòng người chưa nguôi thì tháng 3 năm sau, 1926, cụ Phan chu Trinh tạ thế ở Sài gòn. Hung tin đưa ra bắc rất nhanh. Khắp nơi đều làm lễ truy điệu. Minh lại đứng đầu cuộc vận động nầy mặc đầu anh đã bị cảnh cáo cấm tụ tập đông người. Lễ truy điệu Phan chu Trinh diễn ra khắp nơi, có chỗ công khai, có nơi kín đáo, có người bị bắt, có người được mật thám ngơ đi. Riêng Minh thì thực dân không tha vì trong lễ truy điệu, anh đã phát tờ truyền đơn in lại lời cụ Phan bội Châu nói với quan tòa “Tôi là người nước Nam, tôi biết yêu nước tôi. Tôi muốn đánh thức dân tộc Việt nam …” Trong đám đông dự lễ truy điệu, biết bao nhiêu tay sai mật thám trà trộn vào và Minh đã đưa truyền đơn cho cả những người đó. Chúng không bắt anh tai chỗ vì sợ phản ứng bất lợi trước đám đông. Chúng theo dõi và chỉ thị địa phương, chờ anh về là tóm liền.
Việc Minh bị bắt đối với bà Lương tất nhiên là một tin buồn vì hai gia đình quen biết nhau. Lát nữa đây, bà sẽ cùng chồng sang hỏi thăm một tiếng cho đúng thủ tục xã giao. Ngày trước, hai gia đình có bàn đến chuyện kết tình thông gia, để Duyên về nâng khăn sửa túi cho Minh sau khi anh tốt nghiệp. Nhưng bà Lương biết rõ việc ấy không thành bởi những chàng thanh nĩên từ nhà quê ra Hà nội học
Thường bị biến chất hoàn toàn, ít khi còn muốn lấy vợ ở quê nhà nữa. Bà không trông mong gì ở Minh mà chính Duyên cũng dẹp hẳn niềm hy vọng để về sau khỏi thất vọng. Nhà bà tuy nghèo, nhưng được phần đông dân làng trọng vọng chỉ vì họ quí cái danh nhà giáo của ông Lương và vì có thêm Tân đi học tận Hà nội. Chính vì thế, hai cô con gái bà được nhiều gia đình để ý, mặc dầu nhan sắc của hai cô chỉ ở mức trung bình.
Nghe mẹ nói về Minh, Duyên mơ màng nhìn xuống ao. Qua khóm tre thưa có những thân nhỏ uốn cong la đà chạm tới mặt nước, mấy con vịt đang nhàn hạ bơi lội, thỉnh thoảng chúi đầu xuống bắt cá. Duyên nhớ lại năm ngoái bất thần Minh đến thăm bố cô. Lúc ấy, hai chị em đang ngồi chẻ củi trong bếp, thoáng thấy Minh từ cổng đi vào, Hậu giật mình buông con dao và vỗ vào lưng Duyên:
- Ai như anh Minh kìa!
Duyên trố mắt nhìn ra rồi kêu lên nho nhỏ:
- Đúng rồi! Anh ấy chứ ai?
Cùng với câu nói đó, mặt cô đỏ bừng, vừa vui mừng vừa xấu hổ. Cô lấy làm lạ là mấy năm nay cô không còn nghe thấy bố mẹ nhắc đến chuyện lứa đôi của cô và Minh nữa, sao bổng hôm nay Minh lại đến? Thanh niên tân học ít ai muốn lấy vợ nhà quê! Bà Lương thường bảo thế cho nên bà có ý bỏ cuộc.
Nhìn thấy Minh bước vào sân, cả Hậu và Duyên cùng nhớ ngay đến câu chuyện chửa hoang của Lụa năm ngoái. Lụa đã sinh con, và điều bí mật lạ lùng là đến giờ nầy vẫn chẳng ai biết bố của đứa bé ấy là ai?
Hậu giục Duyên đi rửa mặt thay quần áo vì sợ ông Lương sẽ gọi Duyên bưng nước lên nhà. Duyên ngượng ngùng đứng dậy, vòng phía sau bếp ra giàn nước rồi vào buồng thay cái yếm trắng và cái váy mới. Đứng chải tóc trong buồng, cô nghe tiếng Minh chào ông Lương ở gian giữa. Cô nhìn qua kẽ vách ghép bằng nan tre, thấy Minh năm nay gầy hơn năm ngoái.
- Lạy thầy ạ! Thầy vẫn mạnh khỏe đấy chứ ạ!
Minh vốn người bạo dạn, ăn to nói lớn ngay từ thuở còn bé. Ông Lương ngồi ở bàn, đang xếp lại bộ chén cổ, ngạc nhiên thấy cậu học trò cũ bước vào. Ông vui vẽ hỏi:
- Anh nghĩ hè rồi đấy ư? Vào đây uống cốc nước với thầy!
Minh kéo ghế ngồi, miệng nói “Con xin phép thầy “ rồi thản nhiên đáp câu hỏi của ông Lương:
- Bẩm thầy đã nghỉ hè đâu? Nhưng con đã bị đuổi học rồi thầy ạ!
Ông Lương đang cầm cái se điếu, suýt nữa đánh rơi xuống đất. Ông sửng sốt hỏi lại:
- Anh bị đuổi học à? Sao thế? Thầy nghe nói anh học giỏi lắm cơ mà!
Rồi ông ngẩng lên, hướng xuống bếp gọi lớn:
- Chúng mầy đâu? Duyên ơi! Pha nước. Nhà có khách!
Nghe bố giục, Duyên rón rén từ buồng ngủ bước xuống bếp. Cô nghe tiếng Hậu vọng lên:
- Vâng! Con bưng lên ngay!
Ngoài phòng khách, ông Lương nôn nóng hỏi lại:
- Sao anh lại bị đuổi?
Minh cười thoải mái:
- Bẩm, con vận động bãi khóa để phản đối thực dân Pháp xử án cụ Phan bội Châu ạ!
Ông Lương chớp mắt không nói gì. Tuy không bày tỏ ý kiến, nhưng trong lòng ông vừa nhen nhúm chút nể phục. Tính khí của Minh thì ông không lạ, lúc nào cũng muốn làm chuyện khác đời. Ông lẩm bẩm nói một mình:
- Hồ mã tê Bắc phong. Việt điểu sào nam chi. Phan tiên sinh đổ đầu kỳ thi hương năm Canh tý, tức là đã cách đây 25 năm. Tuy thành đạt nhưng tiên sinh không màng công danh, chỉ bôn ba tìm đường cứu nước!
Minh bụột miệng chen vào:
- Bẩm thầy! Quả đúng như thế đấy ạ!
Ông Lương nhìn Minh hỏi:
- Thế bây giờ anh định làm gì?Về ở nhà luôn sao?
Minh cười:
- Bẩm thầy con cũng chưa biết ạ!
Vừa lúc ấy Duyên bưng khay nước lên, bước đi chầm chậm, ngượng ngùng cúi đầu chào Minh:
- Anh sang chơi ạ!
Minh khẽ nhón người đứng dậy, nhưng không đứng hẳn, chỉ lom khom cho ra vẻ lịch sự rồi lại ngồi xuống ngay:
- Chào cô Duyên, tôi mới về, sang chào thầy!
Duyên đặt ấm chén trên bàn rồi bước lui ra cửa và xuống bếp với chị. Một lúc sau, hai chị em thấy ông Lương tiễn chân Minh xuống tận sân. Duyên đứng dậy, nép sau cửa bếp trông theo, mãi đến khi Minh ra khỏi cổng Duyên mới vào buồng thay lại bộ quần áo cũ để tiếp tục chẻ củi.
Rồi từ đó, một năm qua, Duyên không gặp lại Minh, cũng chẳng có một lời nào nhắn hỏi. Chuyện quan hệ tình cảm giữa hai người coi như không còn gì. Anh chàng bị đuỗi học nhưng không về Hải ninh, cứ lang thang trên tỉnh. Cho đến hôm nay Minh mới về thì bị bắt ngay tại nhà. Minh bị bắt, làm bà Lương lo sợ, dặn đi dặn lại Tân phải hết sức cẩn thận và Tân dĩ nhiên cũng phải hứa cho mẹ an lòng.
Bà Lương bỏ vào nhà. Bốn anh em lại tiếp tục câu chuyện dở dang. Hậu cầm cuốn sách của Tân, lật qua lật lại nhưng không biết đọc. Tân nhìn các em chợt nãy ra một ý định táo bạo, liền hỏi:
- Các em có thích đọc chữ quốc ngữ thì anh dạy cho! Biết chữ rồi thì truyện gì cũng đọc được, chả cần phải người khác kể cho mình nghe nữa!
Như một phản ứng tự nhiên, Hậu đưa mắt nhìn vào nhà, sợ bố nghe được cái đề nghị cấm kỵ của Tân. Nhưng dĩ nhiên ông Lương không nghe thấy, bởi ông ngồi ở phòng khách, đang chúi đầu vào bàn cờ tướng. Niềm vui duy nhất của ông trong quãng đời còn lại là đánh cờ với người bạn học cũ cùng hoàn cảnh, đó là ông Tú Nhân. Mượn quân cờ để quên thế sự, như người uống rượu tiêu sầu.
Chữ Nho đã chính thức bị triều đình bãi bỏ từ năm 1919 để thay vào đó bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Bãi bỏ chử nho thì cái công đèn sách bao nhiêu năm cũa những người như ông Tú Nhân, ông giáo Lương, đều đổ xuống sông hết! Bởi vậy, hai ông thường gặp nhau để tâm sự, để trách cứ cuộc đời “thương hải biến vi tang điền” lắm khi làm hai ông rướm lệ!
Ngoài đầu nhà, Hậu hồi hộp nói nhỏ với Tân:
- Thằng Hoàn thì nó biết đọc biết viết rồi. Chỉ có hai đứa chúng em là con gái. bố cấm học chữ, sợ làm bại hoại gia phong. Nếu anh dạy chúng em thì phải giữ kín. Bố biết thì bố đánh chết!
Duyên dí ngón tay vào trán Hoàn và bảo:
- Ăn thua là mày! Cái mồm mày cứ oang oang lên, bố biết được thì chúng tao ốm đòn!
Tân trấn an:
- Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày anh dạy vài chữ. Nhanh lắm. Có khi chỉ một hai tháng là đọc được! Bố không biết đâu! Khi anh đi rồi thì Hoàn thay anh dạy cho các chị!
Cả hai cô đều phấn khởi gật đầu. Phấn khởi vì nhìn trước thấy rằng họ là những cô gái đầu tiên ở Hải ninh biết đọc biết viết. Hai cô sẽ có thể tự đọc truyện mà chẳng cần nhờ tới ai kể lại. Biết bao nhiêu người trong làng hễ có việc phải viết lá đơn, đều cạy cục đến nhờ ông Lương hoặc Tân viết giúp. Chỉ nay mai Hậu hoặc Duyên sẽ thay cha và anh làm công việc đó cho dân làng. Cái viễn ảnh một cô gái quê cầm cuốn sách đọc là điều mà cả hai chị em đều thấy vừa kêu sa vừa lãng mạng.
Tân nhắc lại:
- Muốn học thì phải đóng sách, phải mua bút!
Thờ bấy giờ, tập vở hầu như chưa có ở Hải ninh, vì hàng xén có bày bán chắc cũng chả ai mua. Họ chỉ bán những xấp giấy rời để người ta viết thư hay làm đơn. Trên huyện trên tỉnh mới có trường, giấy bút bán dưới nầy làm gì! Bởi vậy, muốn có ngay một cuốn vở để tập viết thì phải mua những tờ giấy rời, lấy kim chỉ đóng gáy lại. Cậu út Hoàn bảo hai chị:
- Tạm thời chưa có giấy thì lấy lá chuối non mà tập viết cũng được. Lật úp tàu lá chuối xuống, lấy cái que mà viết lên thì cũng rõ chả thua gì viết trên giấy!
Tân cười dễ dãi:
- Thế cũng được. Dạo còn bé, anh cũng hay vẽ trên tàu lá chuối. Nhưng trước sau gì cũng phải sắm giấy bút mới học nhanh được. Bút mực và cả bút chì nữa!
Duyên hăng hái đáp:
- Sáng mai em chạy ra chợ. Hôm nay thì cứ thử tạm dùng lá chuối cũng được!