Lời mở đầu
Bạn tôi khẳng định: Chuyện đơn giản lắm ông ơi, nó hệt như ăn cơm biết khê hay sống; khô hay nhão; uống nước biết nước chè hay nước vối; uống rượu biết rượu “quốc lủi” hay rượu “quốc doanh”; nghe nhạc biết nhạc pop hay nhạc rock; vào sàn nhảy biết điệu nào nên ngoắy mông lắc đít, điệu nào tay trong tay du dương kiểu valse; đọc một bài báo biết ngay là từ báo Nhân Dân hay báo An Ninh Thế Giới; ra đường người đi bộ biết đường nào dành cho mình, đường nào dành cho xe cơ giới; người lái xe biết đâu là đường hai chiều, đâu là đường một chiều; ra chợ biết sạp hàng nào có thể mà cả, sạp nào không nên; mua hàng hóa biết đâu là đồ ngoại, đâu là đồ nội; nơi công công biết nơi nào không nên khạc nhổ, nơi nào không được to tiếng; nơi nào cần nhường cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai... v.v... và v.v...
Vâng, quả đúng như bạn tôi đã khẳng định, những chuyện kể trên nó xảy ra hàng ngày, hàng giờ, mọi nơi, mọi chốn, trên khắp mọi ngóc ngách nẻo đường của Việt Nam vậy nhưng với người Việt mình để thẩm định được sao mà khó khăn thế hả giời?
Người Việt quá thờ ơ với thời cuộc?
“Không phải thế đâu!” – Vẫn người bạn thôi phản biện - “Dân nhà mình bây giờ không như thời bao cấp đâu, nó chửi đời, chửi xã hội từ A-Z rồi lại chửi ngược từ Z-A đấy. Ông không biết thôi, tôi về phép, theo người nhà và bạn bè đi “bụi” khắp nơi thấy dân mình bây giờ bạo miệng lắm, giữa đường giữa chợ mà họ chửi lãnh đạo nghe còn hay hơn cả Hoài Linh hát cô đầu trên Paris By Night”.

Hoài Linh, hội viên Hội sân khấu Việt Nam
Nguồn: tintuconline.com.vn
Tôi bảo bạn: “Đồng chí” Việt Kiều có thổi phồng quan điểm không đấy?
Bạn tôi cãi ngay:
“Khổ lắm nhà mình bây giờ các “Cụ” ấy cho dân chửi xả láng, miễn đừng tụ tập, thành lập tổ chưc nọ, đảng phái kia, rồi hô hào lật đổ các “Cụ” ấy là được. Các “Cụ” giờ này khôn ngoan thực dụng đáo để! Lời chửi ngoài đường thì gió bay (vì trên báo các “Cụ” kiểm tra, ngăn chặn hết), nên chẳng hề chi đến cái ghế “Cụ” ngồi, cái hầu bao “Cụ” giữ đâu!
Nhưng dân mình cũng kỳ lạ lắm. Tức giận ai, hận thù ai thì phồng mang, trợn mép rồi dùng những từ ngữ ngoa ngoắt nhất, bẩn thỉu nhất để gán chửi, nhiều khi tới hộc cả máu tươi. Chửi cho đã miệng rồi thì ông nào bà đấy lại lủi thủi về nhà hệt như chó con bị chủ mắng cắp đít cuộn tròn trong ổ.
Nhiều người bắt đầu có tý tiền, được xếp vào giới trung lưu mới, cứ tưởng tượng (bở) rằng từ ngày đổi mới, dân mình được mở cửa hội nhập nên cũng học được ít nhiều tính quảng đại của “Tây đại nhân”, nhưng nghiệm lại thì không phải, bởi “Tây đại nhân” khi đã chửi cái sai là các ngài ấy quyết sẽ (hoặc buộc) sửa sai. Nhẹ là các ngài biểu tình, cao hơn các ngài bỏ phiếu chống, phiếu trống hoặc không đi bỏ phiếu. Dân nhà mình lại khác. Bố (mẹ) mày mà điên tiết thì bố (mẹ) mày sẽ chửi cho rẽ trời nẻ đất, chửi cho lộn mồ lộn mả tam-tứ-ngũ-lục cụ tổ nhà chúng mày lên mới thôi, nhưng rồi đâu lại... vào đó. Biết là chửi không đúng cách, đúng chỗ thì không mang hiệu quả nhưng vẫn cứ khoái thoả mãn cái tức cá nhân đã!
Dân thạo tin ở nhà lại còn kháo nhau: các “Cụ” nhà mình bây giờ hành xử cũng hơi bị... bắt đầu văn hóa và khoa học đấy, bởi các “Cụ” biết dân bây giờ không thể lúc nào cũng xỏ mũi rồi cột gốc cây hay dắt đi như thời 1930-1945 nữa. Bắt được cái thóp ấy nên thỉnh thoảng các “Cụ” giả vờ tuột... giây cương, vậy là đám dân đen vốn bị giam lâu ngày cuồng chân cuồng cẳng, mắt mũi ngáo ngơ, nay lỏng xích bèn thi nhau phi nước kiệu hoặc phẹt dăm bảy bãi cho bõ tức. Mấy “Cụ” chỉ chờ có vậy bèn huýt còi một phát! Vậy là chỉ trong chớp mắt đám con dân vô tổ chức kia đã bị các đồng chí trong tổ “triệt để” gô cổ, rồi tùy theo nặng nhẹ mà thưởng cho mỗi chú một cái thòng lọng hay một phát gậy vào gáy. Xong. Các “Cụ” phủi tay, mở sam-banh... ăn mừng thắng lợi. Quốc tế lên án hả? Thì từ phát ngôn viên Lê Dũng đến chủ tịch Minh Triết cứ mở cái băng cassette ca bài “Việt Nam chỉ giam giữ những người vi phạm luật pháp” là OK, người ta nghe hay không là chuyện người ta, mình cứ làm mặt lỳ, mặt thớt thì có chết thằng Tây nào đâu!
Trong bối cảnh như vậy những kẻ cao trí (hiểu đạo trời, thời cuộc) đều tự tìm đến chữ Nhẫn may ra có cơ tồn tại, bằng không cũng lại bị các đồng chí thân yêu của mình bế xốc lên như Phan Đình Giót rồi nhét đại vào lỗ châu mai! Đi đời một thằng “khủng bố”...
Người Việt rẻ rúm vận mệnh của chính mình?
Nhiều người bảo chẳng biết có phải là phản xạ hay bản năng tự nhiên của một dân tộc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, gần 100 Pháp thuộc rồi lại phân chia Bắc-Nam, đuổi Tây, đánh ta... nên dân mình ngày nay đã co hết cả... lại cho yên thân?
Trong bài viết “Một mình một lá phiếu” gần đây nhà thơ Bùi Minh Quốc đã gần như phải thét lên vì buồn giận cho sự rẻ rúm vận mệnh của người Việt trong nước qua cuộc bầu cử Quốc hội VN ngày 20/05/2007 vừa rồi.
Nhà Thơ Bùi Minh Quốc viết:
Đảng viên thì cứ cung cúc bỏ phiếu đúng tăm tắp theo sự sắp đặt xảo quyệt kia hết kỳ đại hội này đến kỳ đại hội khác, xong lại về ngồi rên rỉ than vãn với nhau nơi vỉa hè xó bếp. Người dân thì lúc điên máu lên là ào ào kéo nhau đi phá cửa đập nhà mấy tay cường hào ác bá thẻ đỏ, xong lại cầm phiếu cung cúc đi bầu cho những kẻ tệ hại chẳng kém, chỉ khác là chúng biết sửa sang mặt mày giọng lưỡi và chùi mép khéo hơn, để rồi chúng tiếp tục móc túi mình, cướp đất mình, bóp cổ mình.
Thế là thế nào?
Một trạng thái gần như không thể hiểu nổi. Cứ như thể bị ma ám, bị mất vía. Cả một đội ngũ đảng viên, cả một nhân dân từng kiên cường bao nhiêu, bất khuất bao nhiêu trong lửa đạn mà nay đổ khờ ra như thế? Khờ đến mức đứng trong phòng kín một mình một phiếu tha hồ hít thở thoải mái (thậm chí có thể trung tiện cũng không sao) mà không thể có lấy một giây tỉnh ra rằng mình đang bỏ phiếu bầu cho những kẻ sẽ bóp cổ mình.
Đi đóng thuế thì rất cẩn trọng chi li với đồng tiền xương máu mồ hôi nước mắt của mình, mà đi bỏ phiếu thì… thế đấy.
Làm sao đây?
Làm sao để người dân hiểu được rằng cái lá phiếu mình cầm trong tay cũng thấm nặng xương máu mồ hôi nước mắt chẳng khác gì đồng tiền cầm đi đóng thuế. Làm sao để người dân ý thức được sức mạnh đem lại phúc/hoạ của lá phiếu trong tay mình?
Làm sao?
Làm sao?
Khó thật.
Chẳng lẽ phải ngồi đợi đến ngày các bà các cô thợ cấy của chúng ta biết bức xúc (xin lỗi, bức xúc như cần trung… tiện) rủ nhau tìm đọc Giăng-giắc Rút-xô, Mông-tét-squi-ơ, Tốc-cơ-vin trước khi đi bỏ phiếu? (Một mình một phiếu – BMQ)
Dân trong nước cũng nhiều người than phiền: kể cũng lạ thật! Thường ngày nhuệ khí đả phá các “Cụ” (dĩ nhiên bằng miệng thôi, giống như một số người trên diễn đàn tự do DCVOnline vậy) lên cao ngất trời là thế, vậy nhưng các “Cụ” chỉ cần giơ dùi trống lên rồi thỉnh nhẹ một nhịp, vậy là già, trẻ, trai, gái, Bắc-Trung-Nam, miền xuôi, miền ngược (thậm chí cả các đồng chí Việt kiều yêu nước về thăm quê hương) đều răm rắp hàng một để: Kính Cụ! Chúng con đã có mặt để nghe “Cụ” dạy bảo ạ!
Sau ngày bầu cử Quốc Hội Việt Nam 20/05/07 bạn tôi gọi phôn cười khơ khơ trong máy, anh kể về một ông bạn đồng nghiệp, cùng Sở làm đã vỗ vai anh hỏi thăm:
- Sao, hôm qua mày có đi bầu cử không? Chọn ai?
Ông bạn tôi bảo biết gã hỏi móc nên chỉ à ừ cho qua chuyện. Gã đồng nghiệp nhe răng cười:
- Nhưng mày có theo dõi trên TV cuộc bầu cử tại Việt Nam đấy chứ?
Bạn tôi gật đầu quả quyết:
- Dĩ nhiên!
Gã đồng nghiệp không để anh yên, lại hỏi:
- Này, dân nước mày không có việc gì làm ngoài việc đi bầu cử à?

Hơn 99% cử tri cả nước đi bầu (22 giờ ngày 20/5/2007)
Nguồn: laodong.com.vn
Ông bạn tôi bảo thường ngày anh ta hay tếu táo cùng gã đồng nghiệp là nước tao (tức Việt Nam CHXHCN nhà ta) không có người thất nghiệp, mà người ta chỉ gọi là “những người không có công ăn việc làm”. Thấy ông bạn tôi ngồi im thít, gã đồng nghiệp bảo: “Ở nước tao và các nước dân chủ phương Tây nói chung chưa bao giờ có chuyện 90% người dân đi bầu cử. Thế mà ở Việt Nam tụi bay lúc nào cũng cỡ trên 90 thậm chí suýt soát 100%! Ghê thật, kỷ lục thế giới hết kỳ này qua kỳ khác!
Ông bạn tôi cười, không trả lời. Gã đồng nghiệp thấy vậy cũng nhe nhởn, nói tiếp:
- Mày đúng là thằng ngốc! Chỉ cần cân nhắc một chút mày có thể thấy ngay rằng, khi số phần trăm người đi bỏ phiếu cao ngất như vậy thì chỉ có thể từ các nguyên do sau: Một là dân nước mày không hiểu gì về luật bầu cử; hai là các cử tri bị tụi nó dí súng vào đít rồi bắt đi bầu cử như hồi còn Đông Đức cộng sản. Cái vụ một người bỏ phiếu luôn cho cả gia đình rất chi là hài hước! Cũng rất có thể cử tri nước Việt Nam nhà mày không biết đọc nên phải nhờ người giúp, mà đội quân nhiệt tình làm vụ này thì Đảng cộng sản nhà mày có cả triệu, cả công khai lẫn bí mật, đúng không? – Gã đồng nghiệp cười toét rồi dùng ngón tay ra hiệu – Mày nên khuyên Đảng nhà mày điểm chỉ lên giấy cho chính xác! Lúc ấy nói mới tin được...
Bạn tôi hỏi gã đồng nghiệp:
- Nếu ở nước tao mày sẽ làm gì?
Gã người Đức cười, nói tỉnh bơ:
- Để chọn lựa giữa sống và chết, tao sẽ chọn sự sống/tồn tại, kế đó là để tìm cách chuồn đi đâu đó cho dễ thở và thoải mái hơn khi tao có cơ hội.
Những người xung quanh tôi về phép Việt Nam ngày càng nhiều. Trở lại ai cũng có cùng tâm trạng như vậy. Người Việt mình giống như những kẻ bị ngợp nước đôi lần nên hễ nhìn thấy nước là hoảng hay chí ít cũng tìm mọi cách hoặc tạo cho mình một cự ly thật sự an toàn hơn là tiếp tục lai vãng đến gần cơn sóng luôn có nguy cơ nhấn chìm mình lần nữa.
Vâng, ai cũng bảo (tự ngầm hiểu) với nhau: hãy cứ tồn tại đã thì mới có cơ hội để tiếp tục tính chuyện tương lai. Nhưng ý nghĩ sinh tồn ấy dường như chỉ là một ảo ảnh. Và ở một góc độ nào đó gã đồng nghiệp nọ đã nói trúng vào nỗi đau của dân tộc Việt. Đất nước đã hòa bình rồi mà sao vẫn không ngớt dòng người dân nước Việt rời đất nước để ra đi mưu sinh ở khắp nơi trên thế giới, với cái giá không chỉ bằng tiền, bị tù tội, trục xuất mà nhiều khi mất cả sinh mạng: từ việc vượt rừng lội suối qua các nước Ba Lan, CH Czech với giá chục ngàn đô la, tới cưới vợ lấy chồng giả để sang Hoa Kỳ và Tây Âu với giá 3, 4 chục ngàn, hay với 5, 7 ngàn để được đi lao động chân tay hoặc lấy chồng người ở Đài Loan, Nam Hàn, Malaysia, Singapore, Lebanon...
Trong bảng tổng kết danh sách đơn xin tị nạn quí đầu năm 2007, báo chí Đức đã cho biết số lượng người tịn nạn đến từ Việt Nam gia tăng không bình thường, và đứng hàng thứ 6 sau các quốc gia: Thổ (Turkey), Miến Điện (Mayamar), Nigeria, Bangladesh và các nước thuộc Nam Tư cũ (Yugoslavia).
Sự ra đi của những người dân đất Việt phải chăng là sự thẩm định chính mình?
Thay cho lời kết
Nhạc sĩ Trần Tiến đã viết một bài ca, có đoạn:
Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga
Bạn tôi ăn xin trên đường phố Mỹ
Người Việt tài năng lang thang nơi đâu
Xa dấu quê nhà…
Anh có đau không?
Tôi đã thấy người Việt năm xưa con Rồng, cháu Tiên
Thật thà yêu nhau xây dựng nước
Người Việt giờ này lừa nhau ngay trên quê hương
Cũng chính vì nghèo...
Anh có đau không?
Lời của anh bạn người Đức không phải là sự mỉa mai mà có lẽ đúng với suy nghĩ và hoàn cảnh thực chất của những người Việt chúng ta?
CHLB Đức, 25/05/2007
Việt Hà - Tự sự

Xem Tiếp: ----