Trần Bá Lộc,
cộng sự đắc lực của thực dân Pháp
 
Trần Bá Lộc (TBL) là người được xem như một tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân miền Trung & Nam Việt Nam những năm cuối thế kỷ 18. Nhưng ông cũng là người được nhắc đến với "công trình giao thông thủy và thủy lợi quan trọng đầu tiên ở vùng Đồng Tháp Mười.
Nhờ hệ thống kênh đào do Lộc chỉ huy, đã giúp việc giao thương nông sản, hàng hóa và tăng cường khả năng xả phèn, tiêu nước vào mùa lũ thêm tiện lợi...
Lúc đầu, chính quyền Pháp ở Nam kỳ rất dè dặt trước đề nghị của TBL, bởi vì theo họ Đồng Tháp Mười là "một cánh đồng không sinh lợi". Thế nhưng sau đó, giới cầm quyền Nam kỳ cũng chuẩn y kế hoạch của  Lộc với hai điều kiện là kinh phí tự túc và chỉ đào thử nghiệm hai đoạn kinh dài 8 km, rộng 3 m. Sau khi đào thử nghiệm thành công, Pháp mới cho vay vốn để đào kênh rộng lớn hơn…
A.Tóm tắt thân thế Trần Bá Lộc:
 
Trần Bá Lộc (TBL) sinh năm K.hợi 1839-mất K.hợi 26.10 1899. Quê quán ở Cù lao Giêng (An Giang ).Cha là Tú tài Trần Bá Phước, sinh sống ở Quảng Bình. Do những bất hòa trong gia tộc, năm 1829 ông Phước đã vào Nam mở trường dạy học  tại cù lao vừa nêu trên.Mẹ TBL là Nguyễn Thị Ở, con gái của Phó Quản cơ Nguyễn Văn Thắng.
Năm 1859, khi Pháp bắt đầu tấn công Sài Gòn, TBL còn đang chèo ghe từ nơi ở đến Mỹ Tho bán cá cho quân đội Pháp.Sau nhờ quen biết giáo sĩ Marc,Lộc được vào đội lính tập của Pháp, rồi được làm Cai tại Mỹ Tho (1861), Đội nhì (1862, TBL làm việc dưới quyền Tham biện Philastre, người mà sau này là đồng tác giả hòa ước Giáp Tuất 1874. Philastre nhờ TBL dạy tiếng Hán nên cũng viết được vài tác phẩm về Nam kỳ thưở ấy ), Đội nhất (1864).Đến 19-7-1865, được làm Tri huyện Kiến Phong (Cái Bè, Tiền Giang ).
Do quá nhiều “công lao” nhờ đàn áp các cuộc nổi dậy( TBL cùng con là Trần Bá Thọ, cũng là Đốc phủ sứ ở Cái Bè, khét tiếng là “cọp Cái Bè”…) TBL được thăng Tri phủ (1867), Đốc phủ sứ (1868), Thuận Khánh Tổng đốc hàm (hàm Tổng đốc Bình Thuận –Khánh Hòa )
Khi những cuộc khỡi nghĩa ở Nam & Trung kỳ đã bị phá vỡ, ông về lại Cái Bè, chức danh trên bị thay là Tổng Đốc danh dự (honoraie) Cái Bè …
B.Vài tư liệu về Trần Bá Lộc:
 
1/ Trích “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển:
“TBL, người khô ráo dỏng dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông ta bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù, chỉ chặt đầu y như quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ.Chính Toàn quyền Paul Doumer còn phải hạ một câu xác đáng:Nếu muốn (nhơn nghĩa )…thì thà đừng sai hắn (TBL) cầm binh!”
 
Sau việc bắt giữ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân năm 1875, ngày 26.5.1866, Phó Đô Đốc Hải quân Pháp De La Grandirere khen ngợi TBL:
Hãy tiếp tục phụng sự nước Pháp, đất nước mà ông là một trong những đứa con đáng tự hào …”
 
2/
Chi tiết về việc TBL bắt Thủ khoa Huân:
TBL cho quân lính về phủ Bình Dương (Gia Định ) bắt cha mẹ, vợ con của Đốc binh Hương, là một thuộc hạ thân tín  của Thủ khoa.Hương vì gia quyến nên tự trói mình ra hàng, rồi y bị Lộc buộc phải dẫn quân đi bắt Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo vào ngày 15/05/1875 lúc ông này đang dự tính quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện.Trên đường, Huân định nhảy xuống một ao sâu tự tìm cái chết, nhưng tên Cang kịp cản ngăn.Sau Pháp đem giam ông tại Mỹ Tho rồi dùng mọi mưu chước chiêu hàng nhưng không thành. Ngày 19 tháng 5 năm 1875 chúng cho tàu chở ông theo dòng Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An tại Bến Tranh để chém (12 giờ trưa). Năm ấy ông Huân  45 tuổi
(Sách Từ Điển Nhân vật lịch sửVN của Ng.Quyết Thắng &Ng. Bá Thế ghi:Ông Huân cắn lưỡi tự tử ngay tại pháp trường trước khi thực dân hành quyết!)
 
3 /TBL dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng:
 
Năm 1885, em ruột TBL tên Trần Bá Hựu, đang làm quan cai trị tại Long Thành &bạn của Hựu cũng là Đốc phủ Trần Tử Ca  ở Hốc Môn.Cả hai đều bị nghĩa quân sát hại, khiến TBL càng thêm hiểm ác.Vào ngày 5.2.1886, Lộc nhận lệnh đem quân lính đến Phú Yên và y nhanh chóng bắt được nhiều nồng cốt của nghĩa quân như Lê Thành Phương, Nguyễn Tấn Hanh, Lê Khanh, Bùi Điền, Nguyễn Tự Tân, Lê Trung Đình …; cuối cùng là lãnh tụ Thưởng đều sa vào tay Lộc và tất cả bị xử chém 
(Căn cứ biểu do Tirant thiết lập ngày 11-6-1887 gửi Thống đốc Nam Kỳ (tư liệu số Aix11.929), viết: “Có ba đợt hành quyết: ngày 1-6 có 5 người, trong đó có Lê Khanh; ngày 7-6 có 12 người, trong đó có Mai Xuân Thưởng và Bùi Điền; ngày 12-6 có 9 người và ngày 13-6 có 1 người. Tổng cộng có 27 người bị hành quyết (Theo TS. Đinh Bá Hòa,báo Bình Định)
 
4/ TBL dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Tứ Kiệt (1868-1871):
Căn cứ Đồng Tháp Mười bị vỡ và chủ tướng Võ Duy Dương không còn nữa, nhưng nghĩa quân vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Họ tản về các làng quê sinh sống và đợi thời cơ mới. Đó là trường hợp của các ông Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Đước mà nhân dân gọi là “Tứ Kiệt ”.
Những hoạt động ngày càng mạnh mẽ của nghĩa quân như bí mật đột nhập vào trong thành Mỹ Tho đốt cháy kho lương thực, tiêu diệt 1 tên thủ kho, làm bị thương 3 tên khác vào đêm ngày 1.5.1868.Như trận đốt cháy đồn Cai Lậy vào sáng ngày 24.12.1870 thu được nhiều chiến lợi phẩm …  khiến cho thực dân hết sức lo ngại. Vì thế, Pháp đã ra lệnh cho TBL dẫn 1.200 quân,để tìm bắt “Tứ Kiệt” và tiêu diệt nghĩa quân.Cuối cùng,“Tứ Kiệt” cũng không thoát khỏi tay Lộc. Sau khi dụ hàng không thành, ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ (14-2-1871), “Bốn Ông” bị xử chém tại chợ Cai Lậy.( nguồn:www. tiengiang.gov.vn )
5/ TBL dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Võ Thiệp:
Từ ngày 10/3/1887, lực lượng Pháp và Trần Bá Lộc từ Phú Yên ra đàn áp phong trào Cần vương ở Bình Định. Nhằm “chia lửa”, Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Đương chỉ huy nghĩa quân Phú Yên  yểm trợ. Nhưng đến làng Quang Hiên, xã Nhơn Thành, huyện Tuy Phước thì lọt vào ổ phục kích.Đa số nghĩa quân đều hy sinh, Nguyễn Thị Vân Đương bị thương rơi vào tay đối phương. Võ Thiệp chạy thoát  nhưng sau đó ông trở lại nhà lao Tuy Phước tìm cách cứu vợ và Võ Trứ đang bị giam giữ, thì bị địch phát hiện nên cả hai vợ chồng đều hy sinh tại chân núi Phụng Sơn, huyện Tuy Phước…
(Theo ThS. ĐÀO NHẬT KIM,Hội Sử học Phú Yên)
C.Giai đoạn cuối đời của TBL:
 
-Đối với những người bản xứ cộng tác với Pháp, viên Toàn quyền P. Doumer ưu ái Lộc hơn hết.Nên tháng 8. 1898, y cử Lộc vào Hội đồng tối cao Đông Dương, năm sau y lại cho Lộc tháp tùng thăm quốc vương Xiêm La (Thái Lan ).Vài tháng sau chuyến đi này, Lộc ngã bệnh nặng,( biết sẽ chết Lộc căn dặn con cháu chôn y ở tư thế đứng (?)). P. Doumer có đến viếng thăm & khi Lộc mất, y đã ra lệnh làm lễ an táng thật to lớn !
-Sĩ phu vùng Cái Bè có câu liễn đối viếng như sau:
“Tả quân quốc ư lưỡng kì, Nam tảo Bắc trừ, thứ nhật niễu hùng nan dụng võ;
Bão lê dân ư Ngũ Hiệp, tư qui sinh kí, kiêm triêu chấp phất hận vô văn”
(Nghĩa:Giúp việc cho  Pháp & triều đình Huế ; đánh phá trong Nam ngoài Bắc, ngày ấy niễu hùng (?) này hết đường dùng võ ; Cai trị dân Ngũ Hiệp ( 5 thôn ở Cái Bè ), sống ở chết về, muốn nhắc đến công nghiệp mà không có cái văn nào tả xiết! )
 
- Về sau, người dân Cái Bè đốt cháy dinh thự nguy nga của TBL. Một nhà thơ tên Dị Nhơn Thị có thơ rằng:
Dám đem xương máu của đồng bào
Mà cất cái dinh thật lớn lao
Khói tỏa cung A, rằng chuyện cũ
Lửa thiêu dinh Bá, khác đâu nào!
“Phì da” quân đối “sơn hà cổ”
“Báo oán “ dân đồng “nhật nguyệt cao”
Nước sạch Cái Bè trong leo lẻo,
Làm gương cho sách để về sau.
 
( Tư liệu của Lê Nguyễn trong Sách Xã hội VN thời Pháp thuộc,nxb Văn hoáTT năm 2005. Trong sách này có ảnh của TBL )

*

(Bài đã được chuyển vào Tự điển bách khoa Wikipedia tiếng việt)
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn 

Xem Tiếp: ----