Hành tinh khổng lồ quay quanh ngôi sao HD 209458, cách trái đất 150 năm ánh sáng (hình mô phỏng).
Lần đầu tiên các nhà thiên văn học Mỹ quan sát được bầu khí quyển của một hành tinh khổng lồ nằm ngoài hệ mặt trời. Đó là những đám khí tương tự như ở sao Mộc, với nhiệt độ lên tới 1.100 độ C.
Kết quả đã được hai nhà khoa học David Charbonneau và Timothy Brown giới thiệu trong một cuộc họp báo tại Trung tâm NASA ở Washington.
Bầu khí quyển của hành tinh lạ được tìm thấy như sau: Các nhà khoa học dùng kính thiên văn Hubble chụp ánh sáng của ngôi sao mẹ HD 209458, cách trái đất 150 năm ánh sáng. Vào những thời điểm nhất định, trước khi đi đến trái đất, ánh sáng từ ngôi sao này phải xuyên qua hành tinh bay quanh nó. Vì vậy, dựa vào sự thay đổi trong quang phổ, người ta xác định được sự có mặt của một bầu khí quyển xung quanh hành tinh này, và thậm chí còn biết cả thành phần hóa học của nó nữa.
Hành tinh lạ nặng gấp 220 lần trái đất, quay quanh ngôi sao mẹ với chu kỳ 3,5 ngày/vòng. Bầu khí quyển của nó nóng đến 1.100 độ C, nên khó có thể tồn tại sự sống. Theo ông Charbonneau, phát hiện này cho phép nhóm khoa học giả định rằng, có thể nhiều hành tinh khác trong số 76 hành tinh ngoài hệ mặt trời mà Hubble đã quan sát được cũng có khí quyển.
"Cách đây khoảng 10 năm, việc nghiên cứu những hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời vẫn là điều không thể. Và hy vọng tìm thấy một bầu khí quyển còn mong manh hơn nữa", ông Charbonneau nói. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, với sự giúp đỡ của kính thiên văn Hubble, hầu như tháng nào người ta cũng phát hiện ra một hành tinh mới.
Theo các nhà thiên văn, bầu khí quyển bao bọc quanh một hành tinh là "tấm áo" che chở sự sống. Ví dụ ở trái đất, hỗn hợp khí ôxy, nitơ và CO2 đã cho phép các sinh thể hữu cơ tồn tại, và nếu chúng ta tìm thấy các nguyên tố này ở hành tinh khác, thì chúng ta có thể giả định rằng ở đó cũng có sự sống.
Minh Hy (theo dpa, CNN )

Xem Tiếp: ----