"Mau lên! Trời ơi làm gì chậm rù như bà già vậy, tàu chạy bây giờ!". Hải đâm sầm vào những hành khách cuối cùng đang cố leo lên tàu, Hân ôm ba-lô lúp xúp đuổi theo.
Khi cả hai kịp té nhào vào toa tàu và cánh cửa tự động vừa khép lại, Hải ôm chầm lấy Hân vui mừng reo lên: "Kịp rồi! Hú hồn!". Cô đang còn thở dốc, lồm cồm bò dậy lảo đảo tìm chỗ ngồi. "Đừng có lợi dụng "dê" người ta! Toa bao nhiêu? Ghế số mấy?". Hải liếc xéo bạn đồng hành, làu bàu: "Làm như ngon lắm! Xí, gái già!".
Hân nửa nằm nửa ngồi thiêm thiếp dựa đầu vào vai Hải gà gật. Cô mệt quá sức sau mấy ngày hội thảo liên miên, mất ngủ do lệch múi giờ, lại còn cái lạnh cắt da của một mùa đông như muốn ăn tươi nuốt sống người ta nữa. Hải đang chăm chú đọc sách, loại tiểu thuyết giải trí rẻ tiền đọc trên tàu xe. Anh thỉnh thoảng bật lên cười hích hích làm vai rung lên, mái đầu Hân rung theo lóc xóc: "Yên coi! - Hân bực - Đã khó ngủ rồi còn quậy nữa!". Hải bỏ sách xuống liếc nhìn vẻ mệt mỏi của cô ngao ngán ra mặt: "Một thời oanh liệt nay còn đâu? Sao già khụ đến nông nỗi này!". Hân có vẻ ngượng. Cô ngồi thẳng người lên sửa lại tóc tai và áo xống.
Được vài phút cô chịu hết xiết đành dựa đầu vào thành ghế tiếp tục gà gật. Hải thấy khuôn mặt trẻ thơ của Hân tuy già dặn hơn nhưng vẫn còn nét phụng phịu thuở nào. Cái thuở hai đứa Việt Nam lúp xúp vác cái ba-lô to kềnh sau lưng bước chân vào giảng đường Đại học Cologne ở Đức. Mang tiếng học thạc sĩ mà cả hai trông như con nít chưa qua tuổi vị thành niên.
Một lần, Hân tủi thân mình bé nhỏ quá, Hải phải quát lên: "Thì mình là chó kiểng quý phái, ham gì giống berger to xác dữ dằn?". Hân làu bàu: "Tự nhiên ví mình là chó!" nhưng từ đó cô không thèm mặc cảm nữa. Cả hai lao vào học như thể trên đời này không còn thú vui nào hơn. Một người đến từ miền Trung sỏi đá, một kẻ xuất thân Sài Gòn phồn hoa. "Vậy mà kỳ! - Hải đùa - Mắc gì thân như đã gặp nhau từ ba kiếp trước!".
Chợt tiếng Hân ngáy nhè nhẹ vang lên. Trong toa tàu ấm áp, có vài hành khách lịch sự nhưng lạnh lùng. Họ nói tiếng Đức, có thể là người Đức cũng có thể là người Áo. Thật khác cái không khí vui nhộn và thân thiện trên những chuyến tàu đêm sang Thụy Sĩ dạo nào.
Lần đó, Hân cũng thiêm thiếp ngủ rồi đột ngột ngáy tô tô làm những hành khách đi chung nhìn hai người tủm tỉm. Hải đá chân vào cô đánh thức nhưng cô vẫn hồn nhiên say giấc nồng.
Giờ Hân đã là giám đốc văn phòng đại diện của một tập đoàn Đức ở Sài Gòn, chỉ có Hải là ở lại, "Ai biểu Hải cam lòng làm "chó kiểng" trong cộng đồng berger to lớn!?". Hân đã trách anh khi cô về nước một mình. Hải thích làm việc ở môi trường châu Âu. Anh lý giải. Nhưng cả hai đều hiểu. Lý do chính không nằm ở đây.
Khoảng sáu giờ sáng, một tốp hải quan lên tàu kiểm tra hộ chiếu làm mọi người choàng tỉnh khỏi giấc ngủ vốn cũng rất chập chờn. Có vẻ đã lấy lại sức, Hân không thèm ngủ nữa, cô kể đủ thứ chuyện tiếu lâm trên đời với Hải. Hai người chụm đầu cười hí hí hồn nhiên làm những hành khách chung toa phải ganh tị. Trời dần sáng để lộ khung cảnh bên ngoài đang phủ tuyết trắng xóa.
Tàu đang đi qua những ngôi làng nằm dưới thung lũng, những cây thông chóp nhọn và các mái nhà nhỏ xinh phủ đều một màu tuyết trắng rất dày. Những làn khói xám nhẹ nhàng tỏa ra khỏi những căn nhà be bé.
Hẳn người ta vừa thức dậy khơi lò sưởi cho một ngày mới, nhiều ấm áp và bình an. Hân lấy máy ảnh ra chụp rất nhiều nhưng biết rằng mình đã thất bại khi cố nhét cảnh thần tiên này vào ống kính bé nhỏ. Thung lũng nối thung lũng, làng tiếp làng, những mái nhà phủ tuyết trắng nhấp nhô, vài ngôi giáo đường vươn cao tháp chuông cũng đắm mình trong màu trắng mùa đông. "Đừng chụp hình như một bà già nhà quê lên tỉnh nữa, tụi Đức nhìn kìa!". Hải kéo áo Hân. "Kệ! - Hân thì thầm - Giống đang lạc vào xứ thần tiên của một thời thơ ấu.
Này là "bà chúa tuyết" kia là "cô bé bán diêm". Hải lắc đầu cười khùng khục: "Đầu đầy sạn mà cũng bày đặt mê truyện cổ Andersen!". Hân phớt lờ giọng điệu châm chọc của anh, cô quờ nắm lấy tay Hải bóp mạnh đầy xúc động: "Thật bình an. Giống như mình đang cầm tấm thiệp Giáng sinh vẽ những ngôi làng nhỏ xinh đắm chìm trong tuyết trắng. “Thật không uổng công bay mười mấy tiếng từ Việt Nam sang Berlin công tác, rồi đi tiếp xe lửa đến Cologne, chịu đựng căn hộ mất trật tự của Hải mấy ngày chờ Hải xong việc để cùng đi Áo.
Ôi! Thật ung dung tự tại, một mùa đông nước Áo…". Hải rên lên: "Chúa ơi, làm thơ nữa. Công nhận mới mấy năm xa cách mà sến thấy sợ". Hân không đáp, cô tì mặt vào kính, môi hơi hé thoáng cười. Anh choàng tay qua vai cô kéo sát vào người, miệng thì thầm: "Ước gì thời gian đừng trôi…".
Hải muốn cúi xuống hôn nhẹ lên gò má hồng thơm mịn của Hân, và cái cổ dài trắng muốt như thiên nga luôn làm anh điên đảo nữa. Nhưng anh biết, lại một lần nữa anh không thể vượt qua chính mình. Có phải tại Hân lúc nào cũng tỉnh táo, thậm chí lạnh lùng như tuyết trắng ngoài kia, hay tại Hải không đủ bản lĩnh giữ lấy người con gái quá cao vọng này.
Đến Vienne, hai người bắt đầu một ngày đeo ba lô lang thang viếng thăm kinh thành âm nhạc. Những nhân viên của các phòng hòa nhạc ăn mặc như thời Mozart với áo choàng lịch lãm đứng trên các con đường trung tâm mời chào du khách một tối lãng mạn với vĩ cầm. Xe ngựa và người xà ích cũng trong trang phục xưa rong ruổi khắp thành phố phục vụ khách thập phương.
Chưa đi được bao lâu Hân đã than rét quá chịu không thấu, máu bốc lên mặt cô đỏ rần, những bông tuyết không ngừng rơi xuống mái tóc đen thật dày. "Chắc xỉu quá - Hân thều thào - Tìm một cái quán trà nào vào uống thôi!". Hải không thấy rét đến mức ấy, mấy năm nay sống ở Đức anh đã quen với cái lạnh ngọt ngào. "Ai biểu đi chơi mà lựa mùa đông?
Tại chiều Hân mới đi như vậy!". Hân không đáp, cô sấn đến lao vào lòng Hải tìm hơi ấm. Anh bật cười ôm chặt cô vào người. Họ lang thang tha nhau trong làn tuyết khắp thành Vienne. Hẳn Hân vẫn còn rét nhưng Hải thấy chưa bao giờ ấm áp đến vậy. Anh vào một cửa hàng lưu niệm mua tặng cô bức tượng bán thân của nữ hoàng Sissi. "Có thấy Hân đẹp giống Sissi không?", cô hất cằm kiêu kỳ hỏi. "Vịt bầu so với thiên nga! - Hải che miệng ngáp - Phải chi được vịt quay cũng đỡ, để tui ăn thịt một lần…".
Mấy buổi tối trôi qua, hai người nằm trên hai chiếc giường đơn trong khách sạn. Thỉnh thoảng Hải dụ: "Qua đây nằm chung cho ấm!" rồi nhảy sang ôm chầm lấy Hân. Anh rúc vào chiếc cổ thơm tho của cô, nghe tim cô đang đều nhịp bình thản. Hai người tâm sự chuyện công việc đến lúc tận đêm khuya. Lúc biết mình sắp ngủ, Hân ra lệnh: "Về bển đi!" rồi quay lưng vào hướng khác.
Nằm nhìn cái dáng yêu kiều của cô trùm kín trong lớp chăn dày, Hải nghe tiếng cô đều đặn thở. Anh ước Hân ngáy vống lên hay ít ra cũng để lộ những động tác trần tục, không khí đặc quánh lại, sao ray rứt thế này…
...
"Một dòng sông xanh, lá lá, la la, một dòng tràn mông mênh, một dòng sông ý biếc, một dòng sầu mấy tiếc, một dòng trời xao xuyến, một dòng tình thương mến, một dòng còn quyến luyến…". Hải bật cười nhìn Hân vừa hát Le beau Danuble bleu vừa xoay vòng theo điệu valse một mình.
Dưới kia dòng Danuble lặng lờ trôi trong tiết đông buốt giá. Anh cười vốc một nắm tuyết ném xuống: "Sông này mà xanh chắc Hải cũng dám… cầu hôn Hân lắm!". Hân không hát nữa, cô nhìn xa xăm vào dòng nước xám màu: "Cuối năm Hân lấy chồng!". Có thể Hải nghe nhầm, nhưng anh vẫn đủ bình tỉnh để phản xạ: "Sao?".
Hân thở dài quay lại nhìn anh, chăm chú và giễu cợt: "Sao trăng gì, lúc nào cũng gọi người ta là gái già. Cũng phải phấn đấu dụ được một người chứ!". Lúc cô bình thản nói mình sẽ lấy một người Đức hiện sống ở Sài Gòn, anh muốn nhảy xuống sông Danuble chết phứt cho rồi. Sao cuộc đời trớ trêu đến vậy.
Hồi đó Hân luôn "đả đảo phát xít" vì bị dân Đức kỳ thị trong lớp học, giờ về Việt Nam lại đâm đầu vào. Hân nhìn vẻ mặt đau khổ của Hải, cô ước gì mình có thể thổ lộ: "Nếu làm được Danuble đổi màu, em nhảy xuống nơi này cũng cam lòng". Nhưng cô biết, dòng sông chỉ xanh trong khúc tình ca lãng mạn. "Mình về đi! Lạnh quá!", Hân sẽ sàng đề nghị. Hai người im lặng nắm tay nhau đi dọc triền sông một đoạn dài. Một cơn gió đông đột ngột thốc đến rợn người, Hải run lên, môi anh mấp máy: "Hãy quay lại đây với anh vào mùa hè…".
Mùa hè, Hân mỉm cười để rơi một giọt nước mắt, khi bầu trời trên cao trong ngần phản chiếu, biết đâu Danuble sẽ…
Sài Gòn, 28/3/2007.

Xem Tiếp: ----