Phần 1

Không có gì làm cho tôi sợ hơn là cơn mưa lúc nửa đêm, vì với tiếng tôi, nhìn giọt mưa rơi long lanh, nghe tiếng mưa rì rào, tí tách, chẳng khác nào những lời thì thầm bên tai, nhắc nhở lại quá nhiều nỗi buồn, của cuộc đời đã qua. Ai có tới một chợ quê, trong cảnh tha phương cầu thực với các gánh hát nghèo mới biết, mưa cầm chân người mua vui ở nhà, mưa làm cho sân khấu phông màn buông rủ buồn hiu. Con hát đói lạnh, không biết ngày mai sẽ ra sao, mà vốn liếng nào có gì cho cam, ngoài một giọng hát, hay một trò xiếc, trên hai bàn tay trắng.
Mưa rơi lộp độp trên mái lá nhà lồng chợ vắng tanh, chợ không người, sân khấu không ánh đèn, không khán giả, buồn ai oán, chung quanh mờ mịt gió nước, tiếng ếch nhái ồm ộp, một lúc vang vang, một lúc lặng thinh. Tiếng mưa rơi hoài, não ruột suốt canh thâu, tôi thao thức mòn mỏi cho tới khi thiếp đi, bàn tay lạnh vô tình đưa lên khuôn mặt không thể nào gột sạch dấu phấn trắng, chì đen, son đỏ. Đôi mắt sâu thăm thẳm lấy đêm làm ngày, trong mưa, từ cõi nào vảng lại tiếng cầu kinh hoang mang, dàn đồng ca của kiếp côn trùng nơi bùn lầy nước đọng không khác gì cuộc đời những người hát rong!
Tôi chợt thúc dậy ngu ngơ, phải một lúc mới nhớ mình đang ở đâu, tôi đang ngồi trên cái giường của tôi, một tấm ván đầy vết dao, những vết thương không bao giờ lành, đau đớn, ẩm ướt. Ngoài kia, một khoảng không gian u ám, bỗng có vài ánh đèn dầu tù mù, tiếng người thì thầm, chợ quê nhóm lúc nào, người ta gọi là chợ ma, trời chưa sáng chợ đã vội tan, còn một mình tôi trơ trọi ngơ ngác, mộng du nửa thức nửa ngủ, tôi đi, mơ hồ giữa trời đêm, đứng nhìn về phía nhà lồng chợ, nơi gánh hát rong của gia đình tôi mới tới chiều nay. Cơn mưa làm cho tấm bảng quảng cáo hình nhân nhạt nhoà, loang lổ, mưa cũng làm cho tấm bảng hiệu Nghệ Tinh, tên gánh hát nghèo của cha tôi hoen úa đi, mà cũng mưa khiến cho cả nhà đói meo như vầy đây, cha mẹ tôi cứ mãi lang bang, chúng tôi không có tương lai, sống rày đây mai đó, biết khi nào có một mái nhà, được về nhà. Cuối trời một màu mây biếc, màu tím pha chút xanh lam lạnh nhạt, lúc sau ủng hồng một ngày mới, trên những chiếc lá non còn long lanh giọt nước mưa khuya, còn ngày hôm qua ư, đã chết đi rồi.
Tôi rất thích những buổi sáng tinh sương, mọi vật như ngưng lại, hay là chưa bắt đầu cho những xôn xao, tâm hồn con người ta cũng chọt bâng khuâng yêu mến cuộc sống hơn, yêu người và mọi vật chung quanh hơn.
Buổi sáng nào, ổ đâu, nơi tôi ngang qua cũng đượm buồn, còn hơn là vậy nơi đây vắng người. Tôi chợt thấy cha tôi, tướng ông nho nhỏ thấp lùn, cái lưng tôi cũng gù gù cực nhọc như ông, ông chầm chậm bước ra khỏi nhà lồng chợ, điếu thuốc đen trên môi ông cháy đỏ lập lòe. Ông đứng trước chợ, buổi sáng hôm đó, nhìn gánh hát rong tội nghiệp của ông, có lẽ từ đầu hôm tới giờ, hay là suốt nhiều đêm dài trong cuộc đời cha tôi. Ông khó ngủ yên, cha tôi không có gì trong tay ngoài vài trò ảo thuật, và một xác gánh hát tả tơi. Ông đứng bất động một lúc khá lâu. Đó là một người cha hết lòng thương yêu vợ con, một nghệ sĩ tận tuỵ với nghề, đúng nhìn cơ ghiệp mong manh của mình, rã rồi sau cơn mưa lúc nửa đêm.
Ông xoay người lại và nhìn thấy con của ông, cho tới khi nào tôi ha lìa khỏi cõi đời nầy tôi không bao giờ dám quên giây phút đó, Cha tôi bước trên con đường thật đắng, mờ mờ sáng. Ông tới gần tôi, tôi chợt thấy tóc ông đã nhuốm bạc, chúng tôi cùng bước đi bên nhau, từ khi tôi chào đời cho tới khi tôi lớn lên, lần đầu tiên Cha tôi ở gần tôi vuốt tóc tôi. Ông không nói gì với tôi, điêu thuốc lá đen vẫn ở trên môi ông, cho tới khi trời rạng, hai cha con trở về nhà lồng chợ. Hon ba chục năm sau, trong một gánh hát khác, tôi có dịp trở lại chợ Sài Đôi, một sáng tôi bước trên con đường nầy, khung cảnh khác xưa biết là bao, sung túc hơn, nhà lồng chợ khang trang hơn, có một nhà hát bề thế hơn, tôi nhớ Cha Mẹ tôi bằng tất cả tấm lòng của người con, nhờ Cha con có một nghề để sống, làm vui cho nhiều người như Cha.
Tôi sinh ra trên một dòng sông, mái nhà của gia đình tôi là mui một chiếc ghe nhỏ. Cha tôi một người hát rong, sống lưu linh lưu địa. Ông có tánh hào phóng vô lo, lại khá nóng nảy. Nói như ông nội tôi thì... nếu trong lu của Cha tôi chiều nay còn chút gạo, ngày mai hẵng tính, gạo chợ nước sông, trên bến dưới thuyền, cá mắm tôm cua vùng lục tỉnh Nam Bộ bên cạnh con người. Còn Mẹ tôi là một người đàn bà bình dân, vui tánh, bà không biết một chữ cái, đổi lại nhiều trí tưởng tượng, bà hay kể về tôi:
- Thằng nầy ngộ lắm, mới đẻ nó ra, chút xíu nó đã cười rồi, chắc mụ bà móc miếng nó dạy nó làm hề?
Mẹ tôi thích câu nói hài hước nầy, bởi mỗi lần bà nói xong, ai cũng nhìn tôi lấy làm... lạ, như tôi đây là người từ cung trăng rớt xuống. Tôi quen dần với những nụ cười chung quanh tôi, từ thời thơ ấu cho tới lúc già, tôi sống khác thường với khuôn mặt buồn hiu. Và tôi cũng quen đi với nhiều ngộ nhận, vô cùng bất tiện khi quan hệ với cuộc sống, thói thường vốn vô tâm. Tôi trộm nghĩ: đầu tiên, sau khi tôi là một phôi thai, tôi là một trái tim nhỏ, lo lắng, hồi hộp, tự thân tôi không thể nghe được nhịp đập của tôi, mà là Mẹ tôi, lần hồi trong một thời gian khá dài tôi mới cảm biết được rằng tôi đang sống trong một thế giới nào đó, chật hẹp. Rồi... một hôm tôi lắng nghe tiếng thì thầm, tiếng người ở một thế giới khác sinh động hơn, nhưng tôi không hiểu họ nói gì, cho tới một buổi chiều, tôi thoát ra khỏi nơi đó, ngay lập tức tôi khóc, vì một vết cắt đau nhói nơi nào trong thân thể tôi, tôi liền mang một vết sẹo để đời, có thể gọi là xấu, mà tôi lại vô tội!
Đúng là một nơi xôn xao, vô cùng bất tiện cho tôi, nhiều tiếng động chung quanh tôi, tôi nghe tiếng tôi khóc và tiếng cười của nhiều người, rồi tôi bàng hoàng mở mắt, lần đầu thiệt là khó nhận biết hết thảy mọi thứ.
Bỗng trước mắt tôi chợt có một điểm sáng ngời, ngộ nghĩnh. Nó rất thu hút, làm cho tôi biểu lộ sự... ngạc nhiên, vì vậy mà Mẹ tôi mới nói tôi “ngộ”. Tôi bắt đầu lớn lên trong một không gian nho nhỏ cũng lại chật hẹp, tôi lật bò, đứng lên, trên sàn ván ẩm ướt của khoang chiếc ghe hát rong, sân khấu đầu tiên của tôi. Bắt đầu cho một cuộc phiêu linh dài. Khi tôi lớn hơn một chút, tôi mới biết: điểm sáng chiều nào làm tôi quan sát chính là cây đèn bão, cây đèn dầu nầy. Cha tôi vẫn thường treo trước mũi ghe. Mỗi khi chiều xuống, Mẹ tôi lại đốt lên ngọn lửa nhỏ, trên nền những dòng sông tối. Nói những dòng sông, bởi chiếc ghe, mái nhà của gia đình chúng tôi luôn chuyển bên, trong mịt mờ khói sóng.
Tôi chào đời vào một buổi chiều tàn, mà buổi chiều nào không buồn, nó là lúc chết của một ngày, còn sáng hôm sau là một ngày khác, cũng ngắn ngủi như ngày hôm qua, khi tôi được 5 tuổi, cái đèn bão Cha tôi bỏ quên ở một bến bãi nào đó. Tôi không thể quên nổi ánh sáng của ngọn đèn, cũng như không thể nào quên con chó nhỏ còi xương, bạn hiền của tôi, con chó tội nghiệp, lang thang, cùng đói meo như tôi trong những ngày tháng dài trôi sông lạc chợ. Ở miền Nam vào tháng mười, thường có những cơn mưa như trút hết nước từ trên trời xuống đất, đó là một mùa khắc nghiệt với dân gánh hát, phiêu bạt trong mưa và đói rã ruột.
Mẹ tôi nhìn mưa nói:
- Mưa dữ thần ôn vậy là tại ông tha mà bà không tha, mưa một trận mùng ba tháng mười, cái tích chuyện Ngưu Lang Chức Nữ có bầy quạ sói đầu đó nha.
Đúng là... mưa, không có gì khác, mưa giăng khắp chốn, mưa sầu mưa thảm, mưa rơi làm rỗ mặt con sông (thường thường có gương mặt phẳng lặng) sau chợ, trôi nổi những dề lục bình nghèo nàn chỉ trổ vài búp bông tim tím, khi có những cơn mưa dầm như vậy, lôi cuốn người lại lo sợ. Nhìn sấm sét chớp sáng lòe trên trời, nghe những tiếng vang động khủng khiếp, như trời sập, tôi luôn nghĩ sét sẽ đánh trúng mỗi mình tôi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ những gì mà con người gọi là tai nạn, là rủi ro, bội phần là để dành cho tôi, vì cái cớ là tôi quá nghèo, mà nghèo là vô cùng tận của nỗi khổ, luôn luôn bị ăn hiếp Nhưng khi nào mưa dứt hột, lại khác, trên mặt sông lĩnh lặng êm đềm, mọi vật sau cơn mưa dữ tợn, được gột sạch bụi trần ai, đễ rồi bầu trời thay cảnh mới cho một lớp tuồng khác, hữu tình hơn. Trên nền sân khấu lộng lẫy đó, người ta sẽ thấy nhiều điều huyền diệu, chẳng hạn một chiếc cầu vồng hiện lên từ chân trời nầy, bắc qua một chân trời xa thăm thẳm, tôi luôn ao ước đi tới chân trời xa diệu vợi nào, cho biết được nhiều điều hơn, như những cánh chim giang hồ.
Mẹ tôi lại nói, bà là người hay nói:
- Mống chuồng, chắc mèm là bữa nay có nắng hát được.
Trong nhà ai cũng mừng, chú Tài “say” người bạn chèo chiếc ghe hát cũng mừng, bởi vì hết những ngày mưa gió ế ẩm chỉ có cháo với “nước mắm rô ti”. Mẹ gọi món nước mắm kho quẹt, mặn đắng lưỡi bằng cái tên nầy. Chúng tôi tới một chợ quê, bến sông tấp nập kẻ mua người bán, lúc nầy Cha tôi chưa lên bờ, ông học của một người thầy Quảng Đông nghề bán thuốc dán, anh tôi trải trên nền đất ẩm ướt một miếng vải nhựa lớn, thời đó Cha tôi được nhiều khán giả biết đến như một nghệ sĩ “sân đất” nổi liếng, bên hông chiếc ghe ông cho vẽ chiếc nón cao, vài lá bài với con thỏ ngậm một cây gậy, biểu tượng của các nhà ảo thuật quốc tế, hàng chữ lớn: Sạc lô Trần, nhà ảo thuật trứ danh. Đoàn xiếc Nghệ Tinh.
Nhưng mặt đất chưa kịp khô ráo thì chân trời đã hiện ra những đám mây đen, còn có một cột mây lẫn nước cuốn tròn xoáy trong gió. Mẹ tôi cho mọi người biết đó là ông rồng đang hút nước? Có mấy ai coi trọng gánh hát bèo bọt bán thuốc dạo, nhưng mọi người thật vui khi có chiếc ghe xập xệ hát xiệc của Sạc lô Trần tới. Trên tấm vải nhựa Cha tôi bày đủ trò, tôi đánh trống, em gái tôi ngồi cạnh gõ cái phèng la, anh tôi chuẩn bị những lưỡi dao, vì chính anh là người phóng dao.
Đám đông vây tròn chúng tôi, ở hàng thượng hạng là đám con nít, nhiều đứa để đầu ba vá, lem luốc, ở truồng, la hét, chen lấn giành chỗ. Chú Tài “say” cầm cây roi mây đi vòng trong sân giữ trật tự. Khán giả người lớn cười nói vui vẻ, là mấy bà già trầu xách giỏ đi chợ, là đàn ông trọng tuổi đầu búi tó củ hành, rồi các cô gái trẻ bên cạnh chàng trai làng, chợ quê nhộn nhịp đầu trên xóm dưới, bởi tiếng trống của tôi thúc giục, tôi thích tiếng vang đanh giòn của mặt trống da bò, căng thẳng tới nỗi nhảy tưng cặp dùi trống bằng gỗ mun, màu nâu, cầm lâu ngày lên nước láng bóng bởi mồ hôi tay.
Em gái tôi nhỏ xíu ngồi gõ nhịp phèng la, cây dùi chạm vào mặt đồng, rất ăn ý với tiếng trống, rất nhịp nhàng với tiếng nói sang sảng của Cha chúng tôi. Ông lớn tiếng nhưng tướng thấp lùn, ông rất hãnh diện khi khoe với khán giả bộ chân cheo của ông. Ông có thể dlùng ngón chân đi một bài quyền trên chừng một chục trứng gà mà trứng không bể, ông gọi đó là thuật “khinh công”, những người làm nghề Sơn Đông mãi võ thường luyện võ nghệ phòng thân, cha tôi cũng phải như vậy. Ông còn làm Sạc lô với cái nón tròn như quả dưa hấu, và cây gậy mây, búng một cái cặp ngay vô nách, cái nón bay khỏi ót ông làm khán giả khoái chí cười rần, trò vui nhứt ở đâu cũng thích là trò ông tướng thầy ba biết đi vô nhà lồng chợ ăn cắp thịt heo.
Cha tôi đứng giữa sân khấu đất, ông rất dạn chuyện ăn nói, tiếng Tây tiếng Tàu, tiếng Miên ông biết mỗi thứ một chút, ngoài ra còn những chuyện tiếu lâm ngắn làm mấy cô gái nghe nhằm đỏ mặt tía tai. Trên sân diễn không hiếm chi chuyện ông gây lộn với khán giả, nếu như có ai nói sốc ông. Còn đám du thủ du thực, chuyên môn móc túi sợ Cha tôi như thần, nếu Cha tôi trông thấy chúng nó móc túi ai, lập tức ông quên ông đang là nghệ sĩ, ông nhảy tới tóm cổ nó thoi liền tại chỗ, ông có ngón đòn “sa bù lu” ra tay là bọn móc túi lỗ mũi ăn trầu. Nhiều lần như vậy khiến cho Mẹ tôi lo:
- Tụi nó móc túi người ta chớ nó móc túi ông đâu mà ông lo chuyện ba láp, nó thù vặt chém lén là mệt nha, nó tiểu nhơn đánh lén lưng mình phải sợ chớ.
Nhưng Cha tôi vẫn vậy, nóng như Trương Phi, thấy chuyện bất bình chẳng tha. Khán giả miền quê vừa ớn vừa khoái cha tôi mới là vui. Cha tôi rất ghét tay biện chà hống hách, cho nên khi nó nhờ ông nhổ cái răng, ông cố ý nhổ cho nó nhảy dựng lên, làm cho ai cũng hả giận, mà tay biện chà khó nói điều gì. Sạc lô Trần là một phần kỷ niệm của cô bác khán giả, sau nầy khi tôi đã lớn tuổi, nhiều người hỏi tôi, có phải là con của Sạc lô Trần không, tôi thưa là phải, lập tức cô bác gởi lời thăm Cha tôi mạnh giỏi, với nụ cười trên môi. Chính tôi cũng là một khán giả hâm mộ Cha tôi nhứt hạng. Trong đêm trường tĩnh mịch, tôi thường thấy ông cặm cụi một mình chế biến những trò ảo thuật vui, lúc đó tôi thương Cha tôi không kể xiết, ông là một nghệ sĩ cô độc, trong con người nhỏ bé nầy, có một tâm hồn nào khác hơn, trọng nghĩa khinh tài, khó ai hiểu hết được.
Tôi không quên hình ảnh ông nơi sân khấu đất, sân khấu nầy quả là khó diễn hơn sân khấu rạp lớn, khán giả ngồi rất gần, nhứt là đối với nghệ sĩ ảo thuật, sân khấu đất, có lẽ là như bây giờ người ta gọi là sân khấu nhỏ.
Cần phải đủ bản lĩnh tiếp cận người xem. Cha tôi là một trong những kịch sĩ bẩm sinh, độc diễn giỏi, có duyên nói, đi vào lòng người, ông đóng vai của chính ông, với nhiều sáng tạo, và đã đi vào những giai thoại của khán giả bình dân. Người ta nói Sạc lô Trần dẫn con trâu qua ống chỉ, điều đó tôi chưa thấy mà cũng không có ai thấy, những lời đồn đại nầy làm cho Cha tôi nổi tiếng thêm, nơi những chợ quê, khi đó chưa có nhiều trò giải trí, nhiều nghệ sĩ tài năng hơn như hiện nay.
Tôi đang nghe tiếng chính tôi cười khi nhớ lại trò ông tướng thầy ba. Cha tôi rất tinh nghịch, ông vừa nói giễu vừa xé một tờ giấy nhựt trình. Ông khéo tạo mảnh giấy vụn thành một hình nhân, ông trêu chọc hình nhân nầy với nhiều lời bóng gió tay biện chà, khiến cho bà con đứng ngoài hả đã, cười ngất ngư..
- Đây là ông tướng thầy ba đui then hồi nhỏ khó nuôi, má ổng đen thui cho nên đặt ổng tên là ông lô xí sộ, thầy ba ơi nói chuyện chút coi, thầy ba ơi.
- Ơi!
Có tiếng trả lời như tiếng con nít, làm cho khán giả hết hồn, thiệt ra chỉ có mình Cha tôi nói, đó là trò khẩu thuật nói tiếng bụng, Cha tôi lại “hỏi” thầy ba rằng:
- Thầy đi vô nhà lồng chợ ăn cắp thịt heo được hông, trả lời?
- Được!
Tiếng thầy ba trả lời dẻo nhẹo, như bà bóng. Cha tôi hỏi:
- Thầy ba nói được là phải làm được nghe chưa. Bây giờ thầy ba chịu khó cho tui để thầy ba vô cái ống nầy, khoan đừng có đi đâu nha cha nội, mấy bà già để tui lo cho, người cõi trên như thầy sao mà be he quá vậy?
Biện chà có tiếng dê sòm, nghe vậy khán giả nhìn ông ta cười rộ lên. Tới đây Cha tôi bỏ hình nhân vô cái ống thiết tròn, cái ống nầy tôi phải lau chùi mỗi ngày, nó có hai ống, ống lớn che ngoài, ống nhỏ chứa sẵn thịt heo.
Mỗi lần diễn trò nầy Cha tôi dặn Mẹ tôi đi chợ sớm, mua thịt heo ngon, để sau buổi diễn, kho thịt với hột vịt cho cả nhà ăn. Tôi đánh trống theo lời nói của Cha tôi, ông thích tôi đánh trống, vì tôi hiểu ý ông. Thầy ba đã nằm trong ống thiết, Cha lại làm như lắng tai nghe:
- Ơi.
- Thầy ba nói trong nầy giống như đêm ba mươi, đen thui. Chịu khó chút nha thầy ba, chết chưa, cái ông nầy chưa gì đi rồi, thầy ba lặn vô chợ rồi, thầy độn thổ rồi, bà con chờ chút sẽ thấy thầy ba ăn cắp thịt heo về cho coi.
Ai cũng phải chờ, vì tò mò vốn là cái tánh chung của con người, chờ thầy ba đem thịt heo về cho nhãn tiền.
Trong lúc chờ, Cha tôi quảng cáo thuốc nhức răng, ông nói không có cái gì khổ cho bằng bệnh nhức răng, vợ hun cũng đổ quạu, ông nhái điệu bộ của người nhức răng.
Cha tôi diễn hay tới mức giống hệt, tuy ông không còn cái răng thiệt nào. Ông mời một người đàn bà bước vô sân, lúc đầu bà ta mắc cỡ, nhưng sau đó không vô không được vì bị những người khác đẩy vô:
- Hồi nhỏ tới bi giờ bà có nhức răng hông?
Cha tôi hỏi, bà kia trả lời:
- Dạ có, còn có một cái răng nầy thôi mà nó cũng nhức thấu trời?
Người đàn bà nầy chỉ còn một cái răng cửa.
- Bà có chồng chưa, có chồng rồi thì há miệng ra coi. Hai chuyện, có chồng hay nhức răng hoàn toàn khác nhau, song bà nầy vẫn há miệng. Ai lại không có một vài lần nhức răng, nó vô cùng khó chịu, nhưng hầu như không có thứ thuốc nào trị dứt, trong dân gian người ta lại nói, nhức răng là tại có con sâu ăn răng? Cha tôi nói:
- Tôi để miếng bông gòn trong miệng bà, thuốc nầy bắt được con sâu ăn răng, nghe chưa.
Có hai chuyện bây giờ phải đứng chờ, đó là chờ ông tướng thầy ba đem thịt heo về, hai là chờ coi con sâu ăn răng cho biết, bà nầy cũng chịu khó ngậm miếng bông gòn, với vẻ mặt tức cười. Lúc nầy Cha tôi giới thiệu những chai thuốc nhức răng, và lấy miếng bông gòn trong miệng bà già ra để trên một cái đĩa, trên đó bò lúc ngúc những con sâu “ăn răng”. Cha tôi bán được khá nhiều chai thuốc nhỏ, đó là những chai dầu Nhị Thiên Đường xài rồi trống không, ông pha chút rượu trắng với nước rễ cây, dán nhãn có hình Sạc lô với cái cằm sưng vù và cái răng to tướng, chai thuốc là một món quà cay cay, vô thưởng vô phạt.
Về sau nầy khi tôi lớn lên tôi mới biết khó khi nào trị được bệnh nhức răng, khán giả mua thuốc nhức răng của Cha tôi, như là mua vé coi ông vừa giễu vừa diễn xiệc ảo thuật cho vui, bà con cũng tha thứ không cằn nhằn gì, coi như ăn trầu nhả bã, hút thuốc phà hơi mấy đồng bạc giây lát cũng tiêu tan.
- Bên nầy mua bên kia mua, lẹ tay thì còn chậm tay... cũng còn, chờ chút bà hai, đợi chút xíu ông tư ơi, bán một tặng một, mua một chai tính tiền hai chai.
Có lẽ sân khấu tấu hài ăn nên làm ra một thời, mấy lúc hiện nay, là... nhờ Cha tôi chế ra cách nói chuyện vui kiểu chai thuốc bắt con sâu ăn răng. Ông còn là tác giả khuyết danh của khá nhiều chuyện tức cười như “con vịt ăn gì mà nó kêu cạp cạp” ông giải nghĩa rằng, con vịt ăn bắp, chỉ ăn bắp mới là cạp, giễu bình dân vậy mà ai cũng khoái.
Cha tôi biết viết và nói tiếng Pháp, nghe đâu ông sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng ông bỏ đi giang hồ. Ông nói và sáng tác miệng thuộc loại giỏi. Ông có một cây viết “máy” hiệu Parker thường giắt trên nắp túi không khi nào thấy ông viết gì, chỉ dùng để ký tên cho vui, ông có chữ ký kỳ lạ, nó như một cái hộp lớn trong đó nhốt lại mỗi chữ “Trần”. Chẳng mấy ai quan tâm thuốc của Sạc lô Trần có chữa khỏi bịnh hay là không, nhiều người còn cười hả hê mua dùm Cha tôi nhiều miếng thuốc dán, đau đâu dán đó, bịnh gì cũng hết? Vì Cha tôi hát mà không bán vé vào cửa cho nên thuốc cũng như tờ vé đứng, dùng để thưởng thức tài nói “pha trò” của ông mà thôi.
Cha tôi trở lại cái đĩa, ông có vẻ lo lắng cho bà già:
- Trời ơi con sâu trong miệng nè, bà không sợ nó cắn đứt lưỡi bà sao bà? Ban đêm bà ngủ bà có nghe con sâu nhai răng bà kêu cắc cắc không?
Thật ra đó cũng là ảo thuật, con sâu là những con mẻ từ hột cơm nguội, vô hại. Rồi như một lời tạ lỗi, cám ơn khán giả, Cha tôi lập tức biểu diễn những trò khác rất hay, mà không bán một thứ “thuốc” nào nữa. Ông lô xí sộ ăn cắp thịt trong nhà lồng chợ trở về, khi mở cái ống thiếc tròn, khán giả ồ lên một tiếng lớn, như thần thoại, ai cũng thấy rõ một miếng thịt heo ngon. Ông tướng thầy ba đi chợ còn hơn “nình bà” ông khéo lựa miếng thịt tươi rói, ai biết Mẹ tôi còn là một người nội trợ nấu ăn ngon, nếu như trời không mưa, món thịt kho hột vịt tuyệt cú mèo sẽ thay cho món “nước mắm rô ti” mặn rát lưỡi.
Tôi lại nghe tiếng tôi cười, nhưng cuộc đời không phải là một chuỗi cười thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn hạt nhỏ, hạt xấu hạt tốt, hạt cười hạt khóc, hạt hạnh phúc và vô hạnh, nó là xâu chuỗi vô thường.
Anh tôi ra sân, chú Tài “say” thay chỗ tôi đánh trống.
Chú đánh trống khá giỏi, tiếng trống của chú tôi không bắt chước được, nó có nhiều nhịp căng, có khi rời rạc, có khi liên hồi, tôi hay lắng nghe tiếng trống của chú Tài khi chú lia nhẹ chiếc dùi ở rìa trống, không thể giải thích được. Gần giống như người ta nghe nhạc giao hưởng, lạ thường thay nhiều khi những nốt nhạc lại gợi nhớ hình ảnh nào đó, có lúc là một dòng sông, có lúc là một áng mây và có lúc làm nhớ tới một người, tôi nào cho mình là người lương thiện, nhưng khi nghe tiếng trống tôi chợt nghĩ về Cha tôi. Tôi thấy ông là hai con người, một là chính ông, tuyệt đối lương thiện, còn người thứ hai sao mà xa lạ với tôi tới nỗi tôi ngạc nhiên và hổ thẹn, vì mình có những ý nghĩ đó với bậc sanh thành. Chẳng hạn như những đồng tiền bán thuốc “nhức răng” nằm đầy trên tấm vải nhựa buổi sáng hôm nào, chẳng qua tôi là một kẻ kiêu hãnh, làm dáng, chuyên rước cho mình nỗi khổ tâm, dù cho nó là những hạt cát vốn đã bẩn bụi trần gian.
Hình như tôi cũng có người thứ hai trong tôi, ai mà biết được, lần hồi tôi cho là có thật. Hai con người nầy trong tôi không hoà thuận, một trầm tư sám hối, còn một có cơ phá phách, hỗn loạn, bất kham. Chúng như một con gà chọi nhốt chung với một con vịt, một kẻ hung hăng thích xung đột, kẻ khác ngây thơ và hoàn toàn thụ động.
Thông thường, xiệc rong bán thuốc, thời đó biểu diễn làm quà, nó không có nhiều trò lớn, vậy mà ghe hát của Cha tôi có màn phóng dao. Khán giả không chỉ thích cười cợt, mà họ con thích cảm giác mạnh. Khổ nổi Cha tôi lại là người đánh trống cho màn phóng dao, ông là một nghệ sĩ cầu toàn. Tất nhiên tiếng trống của Cha tôi không thể nào chê, về sự điêu luyện, ông phối các âm thanh thường rất đơn điệu thành một chuỗi tiếng động thúc giục, hấp dẫn, lôi cuốn, và hồi hộp. Khi anh tôi xuất hiện ở giữa sân, anh như một ông Hoàng, với những lưỡi dao, trong tiếng trống trận mạc nôn nao. Còn tôi phải lủi thủi vác tấm ván phóng dao từ dưới sông cạnh đó lên bờ, chen qua nhiều người như mọi lần. Em gái nhỏ của tôi, và cả anh tôi, bước ra cúi chào khán giả. Em tôi là người đứng trước tấm ván.
Anh tôi là một người mà ai gặp, nếu đó lại là những cô con gái, thì khó thể nào quên, anh thật đẹp, nhứt là khi anh ra sân khấu, mặc cho đó là sân khấu đất tàn tạ.
Như một Hoàng tử bị đày đoạ xuống cõi trần gian, vị Hoàng tử nầy vừa tôi nghiệp vừa kiêu hãnh biết bao. Anh tôi tới đây từ một lâu đài trong chuyện cổ tích, mái tóc anh đen nhánh, nuôi dài chải chuốt, da anh trắng xanh, nụ cười mê hồn.
Còn tôi là ai? Từ trước khi tôi là một phôi thai chung dòng sữa Mẹ với anh, chúng tôi không biết nhau trước, nhưng bây giờ vị Hoàng tử là anh ruột của tôi, tội nghiệp là anh cũng đói khổ cùng cực như mọi người trong “Hoàng gia” chiếc ghe hát của chúng tôi có 6 người, Cha tôi, Mẹ tôi, anh em tôi và chú Tài “say”. Cuộc sống trôi giạt, giả thật qua nhiều năm tháng, điều tôi khổ nhứt lá trái tim quá đỗi nhạy cảm của tôi, nó thổn thức từ khi tôi chưa đủ hình hài, trôi theo tôi sau chiếc ghe hát, trên những dòng sông là tấm ván phóng dao, đầy thương tích như nỗi đau của kiếp người.
Thời thơ ấu của tôi, của anh em tôi cứ vậy, chầm chậm trôi theo những dòng sông vui buồn, trong cơ khổ đói khát với hoàn cảnh riêng biệt không giống ai. Vì vậy mà tôi trở nên rất ít nói, có khi nhiều ngày liền tôi không nói một tiếng, làm cho Cha tôi, nhứt là Mẹ tôi cứ tưởng rằng tôi bị ai đó cắt mất lưỡi. Tôi chỉ thầm nói trong cái đầu nhỏ của tôi hai chữ “tại sao” rồi cúi đầu nhẫn nhục, chịu đựng, bởi không ít người nhìn chúng tôi với đôi mắt chê trách, khinh miệt bầy xướng ca vô loài, mặc dù chúng tôi có ca hát chi đâu? Tôi sống phiêu linh một kiếp lục bình trôi nổi, thời tuổi nhỏ của tôi đi và sống qua nhiều nơi, buộc lòng tôi phải thấy nhiều, suy nghĩ nhiều hơn những thằng nhỏ khác. Đôi khi tôi ngồi cười một mình, Mẹ tôi cứ tưởng tôi bị tâm thần hay ma ám, Mẹ dâu có biết con rơi nước mắt vì những điều khổ tâm quá sức con, người Mẹ bình thường nầy nào đâu đã biết mình sinh ra một con người dị tật, nó có một trái tim quá lớn. Mưa vẫn rơi vào những tháng mười với tiếng trống, và trò phóng dao, bên bãi sông cuối chợ sáng chiều, nỗi đau luôn trở lại bất cứ lúc nào trong cuộc đời sau nầy của tôi, một vở bi hài kịch trúc trắc.
Tấm ván dùng để phóng những lưỡi dao, gồm có ba mảnh ván nhỏ ghép lại, phía sau nó có hai thanh gỗ chặn, một dưới thấp gần bàn chân tôi, còn hai dùng cho tôi giữ nó đứng thẳng. Tấm ván cao khỏi đầu tôi khi tôi đứng sau nó, còn cao hơn em gái tôi đứng ở phía trước nhiều.
Cha tôi nhờ người thợ mộc chuyên đóng hòm đóng tấm ván nầy, đáng lý bằng gỗ thông mềm, nhưng rồi trại hòm không có loại ván nầy, nó được đóng bằng gồ dầu cứng, khổ nỗi tấm ván quá cứng, không “ăn” dao, cho nên ngoài việc đứng làm chú hề con mỗi đêm, phụ diễn với Cha tôi, ban ngày tôi còn phải tưới nước cho tấm ván mềm đi.
Cha quyết định bán chiếc ghe, lên bờ lập một đoàn xiệc nhỏ, trong đó có lý do đường sông lúc sau nầy có cướp mà cướp thì không từ ai...
Chúng tôi được đi xe hơi, đi tới đâu chú Tài “say” tìm mướn xe tới đó, nay chú được lên chức quản lý, đi xin phép hát. Cha tôi không còn hát sân đất, bán những chai, thuốc nhức tăng nữa, mà là một ông bầu, khá nhiều nghệ sĩ hát rong kéo về hợp tác. Cố chú Phi Long trước đây là nghệ sĩ phóng dao, nay chuyên đi dây thép trên cao, đặc biệt là chú đi guốc, đi xe đạp một bánh trên dây, có bác hai Đại Bàng chuyên xiệc trên chiếc xe đạp kiểu, bác hai cũng diễn ảo thuật, chú Lê Bân là người miền Bắc chuyên về trò đạp chiếc thang cao, với đứa con gái, nhỏ leo lên uốn dẻo. Một ban nhạc đệm nữa chớ, gồm tay đàn măng- đô-lin, ông tên là Bà Kim Cương, người đàn ông mù hết sức sạch sẽ, vui tỉnh, người vợ suốt ngày cằn nhằn, với đứa con gái không làm gì ráo, chỉ biết khóc, chú Bảy Hơn một người trước kia thổi kèn đám ma, và một tay trống, chú tên là Thành cái thùng trống là gia tài lớn của chú, chú Bê ốm nhách, hoạ sĩ vẽ quảng cáo, với bà vợ ho lao.
Ngoài ra còn có gia đình một người Hoa Miến Điện, gồm người chồng chuyên về trò chồng người, bốn người con, hai trai hai gái biểu diễn trò khéo, một gia đình người Hoa Chợ Lớn khác, người cha làm hề xiệc, cô con gái khá đẹp tung hứng. Cha tôi làm Sạc lô, một tiết mục khác, ông giả trang thành người Ấn Độ nuốt lửa và trò tàng hình, chú Chín Chim làm hề ngoài cửa, anh tôi là nghệ sĩ phóng dao. Đoàn xiệc duy nhứt lúc đó trong miền Nam là đoàn Nghệ Tinh của ông bầu Trần, chúng tôi hát ở những rạp khá lớn, nhiều nơi.
Mẹ tôi không biết chữ, nhưng nhờ đi đây đi đó quá nhiều, cho nên nói chuyện rất hay, bà hay đi coi bói, sau đó thuộc tuồng, lại bói cho người khác. Những buổi trưa trong rạp hát vắng người, bà coi bói cho người trong đoàn. Còn tôi lúc nào cũng kê tấm ván phóng dao trên một hàng ghế nằm nhìn lên trần rạp: Mẹ tôi là người tằn tiện, chính bà dành dụm được một số tiền trong thời gian Cha tôi làm nghề bán thuốc để cho Cha lập gánh hát.
Mẹ tôi có khách ngoài tới coi bói lúc nào tôi không biết, nhưng khi tới một rạp hát nào, bên cạnh phòng vé bà cũng cho dán một bảng hiệu riêng, do chú Bê vẽ, trên đó có một bàn tay, với những lá bài tây, lâu dần khán giả tới coi bói khá đông. Thu nhập của Mẹ tôi có vẻ tức cười, nhưng Cha tôi không có ý kiến, riêng ông thỉnh thoảng cũng có người bệnh... đau răng tới mua chai thuốc, hay nhờ ông nhổ dùm cái răng đau, ông còn có nghề cắt mây hay lột cườm trong mắt, một Đông Y sĩ bẩm sinh, khá mát tay.
Anh tôi ít khi có mặt trong rạp, chỉ có khi tới màn biểu diễn của anh, vào ban đêm, tới đâu, lúc nào anh cũng hay ngồi ngoài quán nước với những người bạn, anh luôn luôn có bạn, họ ngồi rất lâu, có khi là cả ngày trong quán nước hay quán cà phê giống như anh, những người bạn lạ mặt nầy trầm tính, nhưng khó biết họ từ đâu tới, làm nghề gì, nói chuyện gì. Cha tôi thì luôn đi đâu đó với chú Tài “say”, còn em gái tôi lúc nào cũng nằm trong một góc tối với xâu chuỗi và quyển kinh.
Giữa trưa, tôi nằm trên tấm ván phóng dao nghe Mẹ tôi bói bài cho một bà khách, một điều tôi phải công nhận là Mẹ tôi có năng khiếu coi bói... bẩm sinh, bà lại ưa quan sát, có thói quen bắt chước giỏi, lại nhiều tưởng tượng, bà còn thuộc lòng nhiều chuyện đời xưa, số vốn nầy vô tình khiến cho Mẹ tôi dẫn dắt câu chuyện bói toán trơn tru:
- Theo như lá bài nầy, con đầm chuồng nầy cho tui biết thì... hồi nhỏ bà bị bịnh nặng lắm.
Mẹ tôi trang bài, lật ra một con nói với bà khách, tôi thầm nghĩ, có người nào lúc còn nhỏ lại không bịnh nầy bịnh kia, chí ít cũng nóng ho. Bà khách giật mình:
- Dạ có tui đau ban khỉ, sém chết.
- Thấy chưa, tui nói không sai, bà còn té nữa phải không, té xuống nước, cái mạng bà lớn lắm đó nha...
- Dạ có tui té xuống giếng, may là má tui hay kịp vớt lên, không thì tui chết rồi, rồi cái, tui bịnh ban cua tóc rụng hết ráo, còn nữa, hồi hai tuổi tui nghe má tui nói lại, tui té xuống sông, chìm lỉm, vớt lên chết luôn mấy ngày, không biết sao bỏ vô hòm rồi tự nhiên tui sống dậy, rồi cái tự nhiên bây giờ tánh tui hơi tưng tưng.
- Ông bà khuất mày khuất mặt quở, biết sao hông, tại song thân của bà đặt tên bà quá đẹp, kỵ huý. Nhờ kiếp trước bà ăn ở nhơn đức hay giúp người cho nên quới nhơn độ mạng, cứu bà đó nghen.
- Ờ tui nhớ rồi, má tui nói hồi bốn năm tuổi tui đẹp mà dễ thương lắm, rồi cái ba má tui đặt tên tui là Mộng Hoa, hèn chi ông bà quở, bây giờ làm sao đây ba. Tui cũng hiền như cục bột, đứa con nít trong xóm, tui cũng không dám mích lòng, mà sao kỳ, tui... khổ triền miên.
- Tôi nói cái nầy bà đừng sợ, có người ghen ghét bà muốn hại bà.
- Trời ơi ai mà ác nhơn sát đức vậy không biết?
Tôi ngẫm nghĩ đây không phải là coi bói thông thương mà hai người đàn bà tâm sự với nhau, ai cũng đã qua thời con gái, giở nuối tiếc kiếm cớ nhắc lại, đôi khi chỉ để khen mình. Mẹ tôi xào bộ bài tây:
- Con đầm rô nầy, người nữ nầy hại bà chớ ai vô đây, còn thằng tây già nầy là chồng hiện tại của bà, bà có tới bốn đời chồng, mà không lần nào trọn chuyện tình ngãi. Chồng bà lớn tuổi hơn bà phải không, bà phải có người chồng nhỏ tuổi hơn, bà mới có hạnh phúc.
Tôi lại nghĩ, tất nhiên là vậy rồi, bao giờ thì trong các cuộc hôn nhân người chồng luôn lớn tuổi hơn người vợ. Bà khách có vẻ hối tiếc, số phận người phụ nữ thật truân chuyên.
Vẻ hối tiếc hiện rõ trên khuôn mặt người đàn bà nầy, nó đã có quá nhiều nếp nhăn theo thời gian. Mẹ tôi chỉ một con bài:
- Hồi còn trẻ bà hết lòng thương người trai nầy, tức là ở kế bên nhà bà, nhưng hai bên gia đình không đồng ý, trắc trở cho tới bây giờ, đúng chưa.
Bà khách bật khóc, bây giờ chỉ còn một mình bà nói, còn Mẹ tôi lắng nghe, câu chuyện thật dài, cho tới trời xẩm tối. Bà khách trả tiền công coi bói cho Mẹ tôi, Mẹ tôi tiễn chân người đàn bà đáng thương nầy ra cửa rạp.
Tôi còn nghe vẳng lại lời khuyên chí tình của Mẹ tôi:
- Tánh bà khổ vì thương người, không phải ai cũng một bụng như mình đâu, nhứt là đàn ông, cái bụng bà tốt, nhưng mà bà còn phải trả nợ trần ai nhiều. Kiếp trước bà là đàn ông, bỏ bê, hất hủi nhiều người, phụ tình nhiều người, phụ tình thì tình phụ, cái số của bà là vậy.
Đoạn nầy tôi nghe như trong chuyện cổ tích nào đó, mà Mẹ tôi hay kể cho mọi người nghe. Không sao, Mẹ tôi và bà khách không có gì giận nhau trong chuyện coi bói, chỉ có một chuyện, có lẽ người khách còn phải lo, là con đầm.
Người nữ rắp tâm hại bà, nhưng theo tôi sự lo lắng đó vô ích, bởi vì kẻ thủ ác đó vẫn nằm trong bộ bài, nghĩ vậy vì tôi chưa biết câu chuyện về sau nầy của Cha tôi với những quân bài ác liệt.
Mẹ tôi coi bói như nói chuyện đời, việc nầy giúp bà có chút tiền mọn, lai rai bỏ vô con heo đất. Con heo đất nầy Mẹ tôi mua đã lâu, để khỏi mua con heo đất khác, bà có một cách riêng, khi con heo đất “ăn no” bà đập một lỗ nhỏ dưới bụng nó moi lấy tiền ra, bà tiện tặn dán cái bụng nó lại bằng giấy báo, khi nào heo lại “ăn no” bà chỉ có việc xé mảnh giấy báo đó, không đập con heo.
Tôi thấy con heo đất nầy từ hồi tôi còn nhỏ xíu cho tới khi tôi trở thành một ông già, nó vẫn ở cạnh Mẹ tôi nhưng bà vẫn nghèo, tôi nghẹn ngào biết rằng bao năm Mẹ vẫn dành dụm bằng cách đó trong khi Cha tôi phóng túng vô lo, ông không có chút khái niệm nào về... ngày mai. Mẹ tôi coi con heo đất nầy là quới nhơn hộ mạng cho đủ thứ việc trên đời, đau ốm, hoạn nạn mưa gió, bà còn một cái bùa hộ mệnh khác là con bồi rô trong bộ bài tây, với thật nhiều ảo ảnh.
Một đêm vắng lặng sau khi vãn hát, tôi nằm thao thức trên tấm ván phóng dao. Suất diễn tối rồi em gái tôi suýt chút gặp nạn. Không phải chỉ lần nầy mà nhiều lần khác, khi tôi đứng vịn ngoài sau tấm ván, tôi nhìn qua kẽ hở, tôi nghiệm rằng sự nguy hiểm không lường trước được, không biết nó sẽ xảy ra lúc này. Trò phóng dao, theo tôi nó không xuất phát từ xứ sở hiền hoà nầy, mà nó du nhập vào đây từ một nơi người ta ăn thịt người, nơi mà người ta quen việc phóng mũi dao tiêu diệt con mồi.
Biết bao nhiêu đêm tôi cứ suy nghĩ về cái sự vô lý của trò diễn đầy bạo lực nầy, một người đứng im cam chịu hàng chục lưỡi dao bén ném về phía mình, buồn nhứt người đó lại là em gái tội nghiệp của tôi, nó như bị đóng đinh lúc còn sống. Sao chỉ mỗi một mình tôi thấy điều đó, mà nào phải tôi đây là bậc cứu nhân độ thế cho cam, tôi cũng là một con người nhỏ bé tội nghiệp, một con kiến bò quanh miệng chén. Kẻ thủ ác vô hình nào đó tinh nghịch tạo nên hoàn cảnh nầy chăng, tôi nghiệm ra trong đó có đồng tiền là thống soái, còn thói vô tâm nữa, nó là câu chuyện của muôn đời.
Không có gì buồn hơn cái rạp hát lúc đêm khuya, Cha tôi nằm chèo queo, trong cái mùng rách, còn Mẹ tôi ngồi trước bộ bài tây. Bà tự coi bói cho mình, bà nói với bà:
- Bà sinh ra đã quá nghèo rồi, còn gặp ông chồng giang hồ lãng tử cũng nghèo rớt mồng tơi. Phải trên sáu mươi tuổi gia đình bà cơ may mới có nhà có cửa như người ta, mới cất đầu lên nổi nghe chưa.
Mẹ tôi nhìn Cha tôi, len lén chậm nước mắt, bà ao ước trong tưởng tượng, một cuộc sống khác cho cả gia đình. Hàng đêm Mẹ ky cóp bỏ chút tiền lẻ vào con heo đất. Tôi thầm xin lỗi Mẹ, tôi cứ tưởng bà không thương yêu gì tôi, không phải như vậy, chỉ vì tôi khó hiểu, mà bà là người mộc mạc.
Lạ thay tuy là con ông, tôi lại không biết nhiều về Cha tôi, ông ít khi tới gần hay nói chuyện với tôi. Còn Mẹ tôi là một người Miến Điện lai Hoa, bà nói tiếng Hoa pha tiếng Miến Điện với nhiều thổ ngữ lạ kỳ. Tôi khó biết tôi là người... gì. Thật lòng đôi khi tôi vẫn thấy như mình sống nơi đất khách, mặc dù nơi tôi sinh ra là đây. Trong tôi hỗn mang nhiều thứ cội nguồn pha tạp, khó biết gốc rễ ngọn ngành. Những làng quê miền Nam, nơi gánh hát rong chúng tôi đi qua, có nhiều cô bác đồng hương người Hoa với Mẹ tôi sinh sống bằng nhiều thứ nghề bán tạp hoá, thợ thổi ve chai, làm thủ công, may dệt, thầy thuốc Bắc, bán hủ tiếu, nhiều gia đình an cư lạc nghiệp, giàu có, sống yên vui trong lòng bà con người Việt hiếu khách hiền hoà. Lần hồi lớn lên theo sông nước, tâm trạng “đất khách” trong tôi mất hút, tôi sống vui trong cộng đồng không chút kỳ thị. Tôi biết ơn vùng đất Nam Bộ gạo trắng nước trong đã cưu mang chúng tôi. Tôi vô cùng lưu luyến nơi tôi sinh ra, nuôi tôi lớn lên, còn quê ngoại xa tít mù khơi chỉ là nơi mơ màng trong giấc chiêm bao, hình như là một bức tranh thuỷ mạc, chốn nào không thật.
Từ ngày lên bờ tôi cực hơn với tấm ván phóng dao, gánh hát tới nơi nào rạp ở xa bến sông, từ rạp tôi phải lôi tấm ván nặng đó xuống sông để ngâm nước, mà lúc nào lượt về nó cũng nặng hơn gấp bội. Tôi lớn không nổi vì đói và mất sức. Nhiều năm ròng rã trôi qua, khi tôi cố lớn được một chút, tôi vác nó, tôi cõng nó như một món nợ đời, đôi khi với tấm ván còng lưng, tôi chợt nghĩ hay là mình thọ án, phải khổ sai bởi một tội lỗi nào ở kiếp trước? Tuy vậy cũng có thể nói, tấm ván nầy đem lại cho tôi những giây phút êm đềm, nặng nề trên bờ, nó lại nổi trên mặt nước, tôi đeo bám nó tập bơi, khi đã bơi giỏi, tôi nằm trên tấm ván thả nổi phiêu linh. Có khi từ bến chợ, tôi với tấm ván xuôi dòng tới tít mù khơi, cho tới chiều, con nước chảy ngược lại, tôi với nó trôi về bến cũ, luôn luôn có những trái bần ổi xanh chua mà em gái tôi rất thích, vài nhánh bông lục bình màu tím buồn buồn.
Mẹ tôi nhìn thấy tôi vác tấm ván phóng dao về rạp hát, nặng là vậy mà vẫn không sao, bà khen:
- Thằng nầy coi ốm nhom vậy mà mạnh dữ hén.
Cha tôi thì vô tư, còn anh tôi nhìn tôi như không có, không phải là anh thiếu lấm lòng, nhưng anh là một người trầm tính, tỉnh táo bởi nỗi khổ của riêng anh, và quen chịu đựng... khi nhìn thấy nổi khổ của người khác. Em gái tôi thở dài khi nào thấy tôi mỗi năm tôi thêm một tuổi mà vóc hình vẫn vậy, gần như người lùn, cằn cội xác xơ. Tôi ốm nhom, cổ tay đầy gân xanh, nhỏ xíu, người ngợm trơ xương sườn. Mẹ đâu có biết mỗi lần con vác tấm ván qua mắt Mẹ, con cố gắng làm như không khổ cực nặng nề gì, để Mẹ khỏi lo âu cho con. Càng thương Cha bao nhiêu tôi càng thương Mẹ tôi gấp ngàn lần, bộ bài tây và con bồi rô không giải mã hết những ưu tư.
Vào mùa hanh nắng, sau Tết, gánh hát bận rộn hơn, một hai đêm nơi nầy, sáng lại ở nơi khác, qua nhiều thị trấn, làng xã nhộn nhịp. Miền Đông, Miền Tây, nhưng nhiều nhứt vẫn là Miền Tây. Từ Tân An, Bến Lức, Chợ Đệm, Rạch Kiến, Chợ Đào, Sài Đôi, Cái Bè, Cai Lậy, trở lại miệt Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Tân Hương, Tân Hiệp. Tấm ván phóng dao giờ đây phơi mình trên mui xe, trời không mưa, sông luôn xa rạp hát, tấm ván lúc nào cũng khô cứng, khiến cho công việc của tôi nặng nhọc hơn, tấm ván không mềm, những lưỡi dao có cơ bật ra, trò diễn không hấp dẫn, tôi lo cho tới nỗi ai nhìn mắt tôi cũng biết, nhưng rồi họ cũng khó biết thằng nhỏ nầy lo cái gì, lo cái gì mà lo.
Tôi lo cả ngày lẫn đêm, tôi muốn tấm ván oan nghiệt nầy biến mất đi cho rồi, tôi lo cho em gái tôi. Càng lo hơn, vào một buổi trưa trong nhà lồng chợ vắng người, tôi thấy anh tôi ngồi tỉ mỉ chùi thật bóng bộ dao bén, gia tài của anh. Buổi trưa nơi nầy thật hiu hoạnh, các cành cây đứng gió, nắng vàng rực ngoài sân chợ, bỗng có tiếng gà trưa gáy vang lạ kỳ. Thị trấn Tân Hiệp nằm rải rác hai bên con đường độc đạo về lục tỉnh, còn chút dấu vết nhà ga xe lửa, chiếc cổng và đoạn đường sắt trơ trọi.
Trong nhà lồng chợ có một xác chiếc xe hơi nhỏ, bánh xe xì hết hơi, sườn xe xiêu vẹo, người ở chợ nói với nhau chiếc xe đó bị tai nạn, nhiều người chết chủ xe kéo về bỏ đó, mỗi đêm thường nghe tiếng khóc văng vẳng của cô gái nào đó đã chết. Nhưng khi tan hát anh tôi vẫn nằm ngủ tỉnh queo trên mui xe, bây giờ anh ngồi trên đó chùi những lưỡi dao.
TẤM VÁN PHÓNG DAO
Tiểu thuyết của Mạc Can
Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2005
Nhà xuất bản Hội nhà văn (2005)
65 Nguyễn Du - Hà Nội Tel & Fax: 8222135
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Phan Hách
Chịu trách nhiệm bản thảo: Nguyễn Khắc Trường
Biên tập: Lê Minh Khuê
Vẽ bìa: Trần Đại Thắng
Sửa bản in: Minh Phước