Dịch giả: Lê Bá Kông

Một toán dân trong thành phố đứng trên đường toa xe đỗ của nhà ga tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Kansas để đợi một chuyến tàu đêm đã bị chậm tới 20 phút.
Tuyết đã rơi dày đặc lên mọi vật; trong ánh sao mờ những hàng vách núi ở phía bên kia những cánh đồng cỏ rộng màu trắng, làm thành những đường cong mềm mại màu khói trên nền trời sáng. Những người đang chờ đợi ở đó đều đổi chân đứng dựa luôn luôn vì mỏi, tay thọc sâu vào túi quần, áo khóac ngòai mở rộng và hai vai so lên vì lạnh; thỉnh thoảng họ liếc nhìn về phía Đông Nam, là nơi đường xe lửa lượn theo bờ sông. Họ nói chuyện xì xào với nhau và đi tới đi lui tỏ vẻ nóng ruột dường như không biết nên làm gì. Chỉ có một người trong bọn có vẻ như biết chắc lý do vì sao mình tới đó, và người ấy đứng riêng hẳn ra; y đi đến đầu kia của sân ga, quay lại cửa nhà ga, rồi lại dọc theo đường sắt mà bước đi. Cằm y thụt vào trong cổ cao của chiếc áo khoác ngoài, đôi vai vạm vỡ của y ngả về phía trước, dáng đi của y nặng nề và quả quyết. Ngay lúc đó, có một người đàn ông cao lớn, gầy, tóc hoa râm, mình vận một bộ y phục Đại Quân tiến đến gần y. Người này lê bước khỏi đám đông và tiến lại, vẻ lễ phép, cổ vươn dài về phía trước cho tới khi lưng hắn gập lại như con dao nhíp mở ra chừng ba phần tư.
Hắn nói bằng một giọng the thé: "Anh Jim ạ, tôi chắc đêm nay tàu lại chậm nữa, có lẽ vì tuyết chăng?"
"Tôi không biết," người kia trả lời, có vẻ hơi bực bội, tiếng nói phát ra từ một chòm râu đỏ um tùm, mọc tua tủa dày đặc ở bốn phía.
Người đàn ông gầy đưa cái tăm xỉa răng bằng lông vũ mà hắn đang nhai sang mép bên kia. Hắn nói thêm bằng một giọng có vẻ suy tư:
-Tôi đoán, có lẽ không có ai ở miền Đông đi theo thi hài xuống đây.
-Tôi không biết.
Người kia trả lời cụt lủn hơn nữa.
-"Thật đáng tiếc ông ta không thuộc về một đoàn thể nào. Tính tôi thích đám táng do một đoàn thể tổ chức. Như vậy có vẻ thích hợp hơn với những người có chút danh tiếng." Người đàn ông gầy nói tiếp và trong tiếng nói the thé của hắn có một vẻ khéo léo để lấy lòng người nói trong khi hắn cẩn thận nhét chiếc tăm xỉa răng vào trong túi áo. Hắn vẫn thường cầm cờ cho các đám táng Đại Quân trong tỉnh.
Người đàn ông vạm vỡ quay gót trở lại, không trả lời, rồi đi ngược lên theo đường toa xe đỗ. Người đàn ông gầy lại nhập vào bọn người đang nóng lòng đứng chờ. "Lão Jim vẫn say rượu mèm như mọi ngày," hắn phê bình có vẻ như thương xót hộ.
Ngay lúc đó, một tiếng còi xa xa vang lên, và có tiếng lê chân trên sân ga. Một số thanh niên gầy và cao, thuộc đủ mọi hạng tuổi xuất hiện một cách đột nhiên và khúm núm như những con lươn bị tiếng sét đánh thức dậy; có một số chạy ra khỏi phòng đợi, nơi họ vừa đứng sưởi bên cạnh chiếc lò than đỏ, hay ngồi ngủ gà ngủ gật trên những chiếc ghế bằng nan tre; có người ở trong những xe hành lý, hay những toa tốc hành chui ra. Có hai người trèo xuống khỏi chiếc ghế của xà ích trong một cái xe tang đậu sát bên lề đường toa xe đỗ. Bọn họ vươn vai và ngẩng đầu lên, và một tia sáng rộn ràng bừng lên trong những đôi mắt lờ đờ của họ khi tiếng còi lạnh lẽo, rung động nổi lên như tiếng kêu gọi nam nhi trên khắp thế giới. Tiếng còi làm họ xúc động như một tiếng kèn, cũng như tiếng còi đã từng làm xúc động con người đang trên đường về quê hương hôm nay khi người ấy còn trẻ tuổi.
Chuyến tàu tốc hành đêm, đỏ như chiếc hỏa tiễn, chạy vun vút tới từ những đồng lầy về phía Đông, lượn theo bờ sông dưới những rặng cây bạch dương rung rinh bên cạnh những cánh đồng cỏ, và nhả khói ra từng đám lớn xám trên nền trời sáng và làm mờ cả sông Ngân Hà. Một lát sau, ánh sáng đỏ của đèn đầu tàu chiếu dọc theo đường tàu phủ đầy tuyết trước ga và lóng lánh phản chiếu trên những đường rầy đen và ướt. Người đàn ông vạm vỡ có bộ râu đỏ sồm soàm vội vã đi ngược sân ga về phía con tàu đang tới gần, vừa đi vừa bỏ mũ ra. Bọn người đằng sau y ngập ngừng, đưa mắt nhìn hỏi nhau rồi vụng về đi theo y. Tàu dừng lại và đám đông lê bước chạy tới toa xe tốc hành lúc đó đã mở cửa toang ra. Người đàn ông mặc bộ binh phục Đại Quân tò mò ngó cổ về phía trước. Người được đặc phái đi đưa tin hiện ra ở cửa toa cùng với một thanh niên mặc áo choàng dài và đội mũ kiểu du lịch.
Người thanh niên hỏi: "Bạn hữu của ông Merrick có đây không?"
Bọn người đứng trên sân ga ngập ngừng một cách không tự nhiên. Ông chủ ngân hàng là Philip Phelps trịnh trọng trả lời: "Chúng tôi đến đây để nhận lãnh thi thể. Cha ông Merrick yếu lắm nên không thể tới được."
Người đưa tin càu nhàu: "Cho người đại diện tới đây và bảo điện tín viên giúp cho một tay."
Người ta khiêng chiếc quan tài ra khỏi cái thùng và đưa xuống sân ga đầy tuyết. Đám dân thành phố lùi lại để nhường chỗ cho chiếc quan tài rồi lại xúm lại chung quanh quan tài và tò mò nhìn chiếc lá kè đặt trên nắp quan tài màu đen. Không ai nói năng gì. Người phu khuân vác đứng cạnh xe của hắn để đợi lấy hành lý. Đầu máy thở phì phào một cách nặng nhọc, và người thợ đốt lò chạy tới chạy lui giữa các bánh xe, tay cầm ngọn đuốc cháy vàng và một hộp dầu dài, và hắn ta đậy nắp trục bánh xe lại mỗi khi tra dầu xong. Một thanh niên người tỉnh Boston, là một trong số đồ đệ của nhà điêu khắc đã quá cố cùng hộ tống thi thể, bối rối nhìn quanh mình. Gã quay lại phía ông chủ ngân hàng là người độc nhất trong cái đám người đen ngòm, ngượng nghịu và co ro, xem ra còn có đủ tư cách để cho người ta muốn hỏi tới.
"Không có anh em nào của ông Merrick tới đây sao?" Gã hỏi bâng quơ như vậy.
Người đàn ông có bộ râu đỏ lần đầu tiên bước ra nhập bọn với các người khác và nói: " Không, họ chưa tới; gia đình họ hiện bị phân tán cả. Thi thể sẽ đưa thẳng về nhà họ." Y cúi xuống và nắm lấy một quai của chiếc quan tài.
Nên đi theo con đường dài lên đồi, anh Thompson ạ; đường đó đi ngựa dễ dàng hơn," người phụ tá kêu lên như vậy trong khi người chủ thầu đám táng đóng sập cửa chiếc xe tang và sắp sửa trèo lên chỗ ngồi lái.
Laird, lão trạng sư râu đỏ, lại quay lại nói với người lạ mặt: "Chúng tôi không được biết có ai đi theo thi thể hay không. Đường đi xa lắm, vì vậy ông nên lên xe ngựa đi." Y trỏ vào một chiếc xe độc mã ọp ẹp, nhưng người thanh niên trả lời cương quyết: "Cám ơn ông, tôi muốn cùng đi với xe tang."Rồi gã quay lại phía người chủ thầu đám táng và nói: "Nếu ông cho phép, tôi sẽ đi cùng xe với ông."
Họ trèo lên xe, rồi cho xe chuyển bánh dưới ánh sao, ngược lên ngọn đồi dài và trắng về phía thành phố. Những ngọn đèn trong làng yên lặng lấp lánh dưới những mái nhà thấp nặng chĩu vì tuyết phủ; và xa xa ở khắp bốn phía, những cánh đồng lan ra tới tận khoảng không trống rỗng, yên lành và rộng lớn như vòm trời êm dịu, và chìm đắm trong một bầu không khí yên tĩnh rõ rệt và trắng toát.
Khi chiếc xe tang ngừng lại bên hè lát gỗ trước một căn nhà trống trải cũ kỹ vì mưa gió, cũng cái đám đông phức tạp và khó tả tụ họp ở ngoài ga khi nãy, bây giờ lại túm tụm lại ở cổng. Sân trước nhà là một bãi lầy đã đông thành băng, và một vài tấm ván cong queo bắc từ vỉa hè vào tới cửa làm thành một cái cầu ọp ẹp. Cổng nhà chỉ còn một cái bản lề nên phải khó khăn mới mở rộng ra được. Steavens, người thanh niên lạ mặt, nhận thấy có vật gì màu đen buộc ở nắm cửa trước.
Tiếng kèn kẹt của chiếc quan tài kéo từ xe tang xuống được một tiếng kêu thét từ trong nhà vọng ra đáp lại; cửa trước bật mở tung ra và một người đàn bà cao lớn, vạm vỡ để đầu trần chạy vụt ra ngoài trời đang mưa tuyết, và ôm chầm lấy chiếc quan tài, miệng kêu thất thanh: "Con ơi, hỡi con ơi! Con trở về nhà với mẹ thế này đây!"
Trong khi Steavens ngoảnh mặt đi và nhắm mắt lại rùng mình vì một sự ghê tởm không thể thốt nên lời được thì một người đàn bà khác cũng cao lớn, nhưng gầy và xương xẩu mặc toàn đồ đen, chạy vọt ra khỏi nhà, nắm lấy vai bà cụ Merrick mà kêu lên: "Về đi, về đi mẹ ơi; không nên làm như thế này nữa!"
Giọng mụ trở nên trịnh trọng khúm núm khi mụ quay lại nói với ông chủ ngân hàng: "Phòng khách đã sẵn sàng cả rồi, thưa ông Phelps."
Bọn người khuân chiếc quan tài đi trên những tấm ván hẹp trong khi người chủ thầu đám táng chạy đằng trước mang những giá đỡ quan tài.Họ đưa chiếc quan tài vào trong một phòng lớn không sưởi nóng và có mùi ẩm ướt, mùi mốc và cả mùi si đánh bàn ghế, rồi đặt xuống phía dưới một cái đèn treo có những lăng kính kêu leng keng và đằng trước pho tượng John Alden và Priscilla của điêu khắc gia Rogers có cây leo nhân tạo vấn quanh. Henry Steavens trố mắt ra nhìn quanh mình với một niềm tin tưởng chán chường là đã có một sự lầm lẫn, rằng vì một lý do nào đó gã đã tới lầm nhà. Gã nhìn kỹ tấm thảm, những nệm ghế dầy bằng vải nhung thô, và tìm trong số những tấm bảng và những bình bằng sứ vẽ tay, để cố kiếm ra một dấu hiệu gì làm bằng, để cố kiếm ra một vật gì mà gã có thể tin được là của Harvey Merrick. Mãi tới khi gã nhận ra nét bút của bạn trong một bức chân dung bằng bút chì vẽ một cậu bé mặc váy và tóc quăn treo trên đàn dương cầm, gã mới cảm thấy vui lòng để cho những người quanh đó tới gần quan tài.
"Mở nắp quan tài ra, ông Thompson, để cho tôi trông thấy mặt con tôi," người đàn bà già nức nở kêu lên như vậy. Lần này Steavens vẻ sợ hãi, gần như van xin, nhìn vào tận mặt mụ già, một bộ mặt đỏ và sưng húp híp dưới những mớ tóc đậm, đen và bóng. Gã đỏ mặt, cúi nhìn xuống và rồi lại nhìn lên một cách gần như nghi hoặc. Có một vẻ gì mạnh mẽ trên mặt người đàn bà có thể nói là một vẻ đẹp hung ác nữa; nhưng trên khuôn mặt đó có những vết sẹo và vết nhăn của tàn bạo và những tình cảm mãnh liệt hơn nữa đã đem lại cho khuôn mặt đó một màu sắc đặc biệt và làm cho nó mất hết vẻ thanh tú, khiến cho nỗi buồn hình như không bao giờ có thể in dấu lên được nữa. Chiếc mũi dài căng ra và có bướu ở đầu, và hai bên mũi có nhiều vết nhăn sâu; đôi lông mày rậm đen của mụ hầu như giao nhau trên trán, răng mụ lớn, vuông và rất thưa, những chiếc răng có thể xâu xé người ta được. Trong phòng hình như chỉ có một mình mụ, bọn đàn ông bị lu mờ hết, hình như bị đưa đẩy như những cành que trên giòng nước chảy xiết và cả đến Steavens cũng cảm thấy như bị thu hút vào trong giòng nước xoáy.
Người con gái-người đàn bà cao lớn xương xẩu bận đồ đen, trên đầu có gài chiếc lược để tang làm cho mặt mụ dài thêm ra một cách lạ lùng-ngồi cứng nhắc trên ghế dài, hai bàn tay mụ để trong lòng rất dễ nhận vì có những đốt thật lớn, miệng và đôi mắt mụ sịu xuống; mụ trịnh trọng ngồi đợi mở nắp áo quan. Có một người đàn bà lai da đen đứng gần cửa, chắc hẳn là một gia nhân, có dáng điệu bẽn lẽn và một khuôn mặt hốc hác hiền từ và ủ rũ một cách đáng thương hại. Người này lặng lẽ khóc, lấy góc chiếc áo yếm bằng vải trúc bâu đưa lên lau mắt, thỉnh thoảng cố nén một tiếng nức nở dài. Steavens bước lại đứng bên cạnh người ấy.
Có tiếng bước chân nhè nhẹ trên cầu thang, và một ông già cao lớn và mảnh dẻ, sặc mùi thuốc lá, có mái tóc hoa râm lởm chởm rối bù, một chòm râu lem luốc, và vết tàn thuốc lá giây quanh miệng, ngập ngừng tiến vào. Lão chậm chậm tới gần quan tài và đứng yên, tay mân mê một chiếc mùi soa màu xanh bằng vải, hình như có vẻ đau đớn và bối rối vì nỗi sầu đau lớn lao của vợ lão đến nỗi lão không còn ý thức nổi điều gì khác nữa.
"Này này bà ơi, thôi đừng làm như vậy," lão rụt rè nói giọng run run và đưa bàn tay run rẩy ra vỗ khuỷu tay mụ một cách vụng về. Mụ vợ quay lại và ngả mình vào vai lão mạnh đến nỗi lão hơi loạng choạng. Lão không hề liếc mắt nhìn quan tài mà chỉ luôn luôn nhìn mụ với một vẻ lù đù, sợ sệt và cầu khẩn như thể một con chó nhìn cây roi. Hai gò má hom hem của lão dần dần ửng đỏ rồi đỏ bừng vì hổ thẹn. Khi vợ lão vùng chạy ra khỏi phòng, con gái mụ mím môi chạy theo. Người đầy tớ lặng lẽ tiến tới gần quan tài, cúi xuống nhìn trong chốc lát rồi biến vào trong bếp, còn lại chỉ có Steavens, lão luật sư và người bố. Lão già cúi nhìn mặt đứa con trai đã chết. Cái đầu đẹp đẽ của nhà điêu khắc khi nằm yên còn có vẻ cao quý hơn là khi ông còn bình sinh. Mái tóc đen loà soà trên vừng trán rộng; bộ mặt hình như dài lạ lùng, nhưng trên khuôn mặt đó người ta không thấy vẻ yên nghỉ như người ta thường thấy trên nét mặt người chết. Đôi lông mày cau lại khiến có hai nếp nhăn sâu bên trên cái mũi như mỏ chim, và cằm đưa ra phía trước như có vẻ thách thức. Hình như tình trạng cam go của cuộc sống lớn lao và chua chát đến nỗi cái chết cũng không thể làm giảm ngay tinh thần căng thẳng và làm cho nét mặt của ông trở lại bình thản hoàn toàn được, hình như ông vẫn còn canh giữ một vật gì quý báu, mà có thể có kẻ còn giành giựt mất của ông.
Đôi môi của ông già mấp máy dưới chòm râu dơ bẩn. Lão quay về phía ông trạng sư, và nói bằng giọng kính cẩn và rụt rè: "Ông Phelps và những người khác cùng đi về với Harvey, phải không? Cám ơn ông, ông Jim." Lão nhẹ nhàng lật mớ tóc trên trán con trai lão lên và nói tiếp: "Nó ngoan lắm, ông Jim ạ, lúc nào nó cũng ngoan ngoãn. Khi nó còn nhỏ, nó hiền lành và ngoan lắm, nhưng không một người nào trong bọn chúng tôi hiểu nổi nó." Nước mắt từ từ chảy xuống chòm râu ông lão và rơi xuống áo của nhà điêu khắc.
"Martin, Martin ơi! Lên đây". Vợ lão từ trên đầu cầu thang gọi xuống. Lão già giật mình sợ hãi: "Được rồi, Annie, tôi lên đây." Lão quay đi, rồi lại ngập ngừng đứng lại với một vẻ do dự khổ sở; rồi lão với tay lại vỗ nhẹ lên mái tóc người chết và lập cập đi ra khỏi phòng.
"Khổ thân lão già, ông không còn nước mắt để mà khóc nữa. Hình như nước mắt ông đã cạn từ lâu. Ở vào tuổi ông chẳng còn biết gì là đau đớn lắm nữa." Ông trạng sư nhận xét như vậy.
Trong giọng nói của ông có cái gì làm cho Steavens ngửng lên. Khi người mẹ còn ở trong phòng, người thanh niên này gần như không còn nhìn thấy ai khác nữa; nhưng bây giờ khi gã thọat nhìn vào bộ mặt đỏ như son và đôi mắt đỏ ngầu của Jim Laird, gã biết ngay là gã đã tìm được điều mà từ nãy gã đau khổ vì không tìm thấy được-đó là cảm tình, là niềm thông cảm phải có ở một người nào, dù ở ngay đây nữa.
Người này có bộ mặt cũng đỏ như chòm râu, nét mặt sưng lên và không còn có những đường nét rõ rệt vì quá phóng đãng, và có một con mắt xanh sáng rực. Nét mặt ông có vẻ căng thẳng, như nét mặt của một người đang tự kiềm chế một cách khó khăn-và ông luôn luôn bứt chòm râu bằng một vẻ bực dọc lắm. Steavens ngồi cạnh cửa sổ, chăm chú nhìn ông vặn nhỏ cây đèn sáng chói lọi, và bằng một cử chỉ giận dữ, giữ cho những hột chai của cây đèn đang kêu leng keng khỏi lắc lư, rồi ông đứng yên để hai bàn tay nắm chặt vào nhau ở sau lưng và nhìn thẳng vào mặt nhà điêu khắc. Gã không thể không tự hỏi có mối liên lạc gì giữa thầy gã mà gã coi như chiếc bình sứ quý giá và con người này mà gã coi như là cục đất sét xấu xí của người thợ làm đồ gốm.
Từ trong bếp có tiếng ồn ào nổi lên; khi cửa phòng ăn mở ra mới biết rõ là chuyện gì. Người mẹ đang mắng chị giúp việc vì chị quên không làm xốt để ăn với món xà lách gà là món ăn làm sẵn cho những người thức đêm canh quan tài. Steavens chưa hề bao giờ được nghe những lời như vậy, thật là những lời mắng chửi lâm ly, bi thiết, độc ác thậm tệ có một không hai, cũng hung bạo và dữ dội như cơn sầu đau của mụ trước đây 20 phút. Ông trạng sư nhún vai tỏ vẻ ghê tởm rồi đi vào trong phòng ăn và đóng cửa lối đi từ phòng ăn xuống bếp.
Khi ông quay trở lại, ông nói: "Bây giờ đến lượt Roxy chịu trận, thật tội nghiệp. Trước kia gia đình Merrick đem mụ ra khỏi nhà tế bần; và nếu không vì lòng dạ trung thành, thì tôi chắc mụ dám kể nhiều chuyện làm dựng tóc gáy được. Mụ là người đàn bà lai da đen đứng đây khi nãy và lấy vạt áo yếm đưa lên lau mắt đấy. Mụ già thật là lăng loàn; chưa có ai như mụ. Mụ làm cho Harvey thật khổ sở khi anh còn ở nhà; anh rất lấy làm hổ thẹn về chuyện đó. Tôi không hiểu sao anh vẫn giữ được tính tình hiền lành."
Steavens chậm rãi nói: "Ông thật đáng thán phục, rất đáng thán phục, nhưng mãi tới đêm nay, tôi mới thấy được ông đáng phục là nhường nào."
"Dù sao đó cũng là phép lạ muôn đời; ở một đống phân như thế này mà lại có được một con người như thế." Ông trạng sư kêu lên, và khoa tay đưa một vòng như thể muốn ám chỉ một khoảng rộng lớn hơn là bốn bức tường trong đó họ đang đứng.
"Để tôi xem có chút gió nào không. Phòng này bí quá khiến tôi cảm thấy như muốn xỉu." Steavens vừa nói nho nhỏ vừa cố sức mở một cái cửa sổ. Nhưng khuôn cửa bị kẹt không mở ra được, vì thế gã thất vọng ngồi xuống và lấy tay kéo cổ áo. Ông trạng sư đi tới, lấy nắm tay đỏ của ông đập vào khuôn cửa cho lỏng ra và đẩy cửa sổ cao lên vài phân. Steavens cám ơn ông, nhưng cảm giác buồn nôn dần dần ứ lên tới cổ họng gã trong nửa giờ vừa qua khiến cho gã chỉ còn một điều ước mong-một cảm giác tuyệt vọng là gã phải rời khỏi ngay nơi này cùng với thi thể của Harvey Merrick. Chao ôi, bây giờ gã mới hiểu rõ nỗi niềm chua chát trầm lặng của nụ cười mà gã thường thấy trên đôi môi của thầy học gã!
Có một lần, khi Merrick đi thăm nhà về, ông có mang theo một tấm hình chạm nổi biểu lộ tình cảm đặc biệt và đầy ý nghĩa: đó là hình một bà già, gầy hốc hác ngồi khâu một cái gì gài trên đầu gối; trong khi đó một thằng nhỏ, môi dày, khỏe mạnh, mặc quần chỉ có một giải đeo, đứng cạnh và nóng nẩy giật giật áo người đàn bà để bà để ý tới con bướm mà nó vừa bắt được. Steavens cảm phục vì thấy cách nặn khuôn mặt gầy và mệt mỏi này rất khéo léo và tinh tế và hỏi thầy gã xem đây có phải là mẹ ông không. Gã còn nhớ mặt nhà điêu khắc lúc đó bừng đỏ.
Ông trạng sư đang ngồi ở chiếc ghế đu đưa cạnh quan tài; đầu ngả ra đằng sau và mắt nhắm lại. Steavens chăm chú nhìn ông, lấy làm lạ về đường nét của cái cằm của ông và tự hỏi tại sao có người lại đem dấu vẻ cao quý của mình dưới chòm râu xấu xa như vậy. Bỗng nhiên Jim Laird mở mắt ra như thể là ông cảm thấy cái nhìn sâu sắc của nhà điêu khắc trẻ tuổi.
Ông đột ngột hỏi: "Harvey sống với bản thân mình nhiều và ít giao du lắm, phải không? Khi còn nhỏ anh nhút nhát lắm."
Steavens tiếp lời ông: "Vâng, ông sống với bản thân nhiều và ít giao du lắm. Tuy ông rất mến người khác, lúc nào ông cũng có vẻ như lãnh đạm. Ông không ưa tình cảm mãnh liệt; tính ông hay trầm tư và có vẻ không tự tin lắm- lẽ tất nhiên trừ khi nào ông làm việc. Về công việc, ông tự tin lắm. Ông rất ngờ vực đàn ông và lại càng ngờ vực đàn bà hơn nữa, tuy nhiên ông không tin rằng họ xấu. Thật ra, ông sẵn lòng tin những điều tốt đẹp, nhưng hình như ông sợ không dám tìm hiểu."
"Con chó đã bị bỏng tất nhiên sợ lửa," ông trạng sư buồn rầu nói rồi nhắm mắt lại.
Steavens lại luôn miệng nói tiếp, kể lại tất cả cuộc đời niên thiếu khốn khổ đó. Tất cả cái xấu xa phũ phàng và ác nghiệt đó thuộc về một người mà khối óc sẽ trở nên một kho tàng vô tận, chứa đựng những ấn tượng đẹp đẽ- một khối óc nhậy cảm đến độ chỉ một bóng lá cây bạch dương rung rinh trên bức tường có ánh nắng cũng đủ sức in hình trong đó mãi mãi. Đúng vậy, nếu có ai có được chiếc đũa thần trong tay, người đó phải là Harvey Merrick. Mỗi khi đụng tới vật gì là ông phơi bày được những bí ẩn linh thiêng nhất của vật đó, giải thóat vật đó khỏi sự mê hoặc và phục hồi được vẻ đẹp nguyên thủy của nó. Mỗi khi ông tiếp xúc với vật gì, ông để lại một dấu tích đẹp đẽ- một tính chất tinh thần cao quý, một hương vị, một âm thanh, một màu sắc của riêng ông.
Bây giờ Steavens đã hiểu thảm cảnh thực sự của cuộc đời của thầy mình; không phải vì tình yêu hay rượu chè, như nhiều người tưởng lầm; nhưng mà là một vết thương từ thuở nhỏ và sâu nhất từ xưa tới nay- một nỗi hổ thẹn không phải do ông, nhưng mà ông không tránh được, mà ông giữ kín trong lòng kể từ khi còn thơ ấu. Còn bên ngòai là một cuộc tranh đấu ngọai vi một đứa trẻ, trôi dạt vào một bãi sa mạc xa lạ đầy xấu xa và đê tiện, thèm khát tất cả những gì thanh khiết, cổ kính và có truyền thống cao quý.
Đến mười một giờ, người đàn bà cao lớn mảnh dẻ bận đồ đen loan báo rằng những người canh thi thể đã tới và mời họ vào phòng ăn. Steavens vừa đứng lên thì ông trạng sư nói bằng giọng chua chát: "Anh vào đi, đó là một kinh nghiệm hay cho anh. Đêm nay tôi không còn hơi sức đâu mà tiếp bọn người đó; tôi đã chịu đựng họ hơn hai mươi năm nay rồi."
Lúc Steavens ra và đóng cửa lại, gã ngóai nhìn lại ông trạng sư ngồi canh quan tài dưới ánh đèn le lói, tay đỡ lấy cằm. Cũng lại cái toán người ô hợp đứng trước cửa toa xe lửa tốc hành lúc này đang lê bước vào phòng ăn. Dưới ánh đèn dầu họ ngồi riêng ra và người ta mới nhận rõ từng người một. Ông mục sư xanh xao, yếu đuối, có mái tóc bạc và râu mép màu vàng, ngồi xuống cạnh một chiếc bàn nhỏ ở góc và để quyển kinh thánh lên bàn. Người bận binh phục Đại Quân ngồi xuống sau lò sưởi và dựa ghế của hắn vào tường một cách thỏai mái, rồi móc túi tìm chiếc tăm xỉa răng bằng lông vũ. Hai ông chủ ngân hàng, Phelps và Elder ngồi riêng ra ở một góc đằng sau bàn ăn để cùng nhau bàn cãi cho xong đạo luật mới về cho vay lãi và ảnh hưởng của đạo luật đó đến việc vay tiền có thế động sản. Ông chủ địa ốc, lão già có bộ mắt tươi cười giả đạo đức, cũng đến nhập bọn. Người buôn bán than củi và người chuyên chở trâu bò ngồi đối nhau ở hai bên cái lò đốt than và đặt chân lên cái bệ bằng kền. Steavens móc túi lấy một quyển sách ra và bắt đầu đọc. Câu chuyện chung quanh gã xoay quanh những vấn đề địa phương trong khi trong nhà đã im lặng bớt. Khi chắc chắn là tất cả mọi người trong gia đình đã đi ngủ rồi, lão mặc áo Đại Quân xốc vai lên và duỗi chân ra rồi móc gót giày vào ghế.
"Chắc phải có chúc thư chứ, ông Phelps?" Y hỏi bằng một giọng the thé yếu ớt.
Ông chủ ngân hàng cười một cách khó chịu, và bắt đầu gọt sửa móng tay bằng con dao nhíp cán hạt trai.
Đến lượt lão hỏi lại: "Khỏi cần chúc thư gì hết, phải không?"
Lão mặc áo Đại Quân táy máy không ngồi yên, lại đổi vị trí ngồi lần nữa, và đưa đầu gối lên gần cằm hơn nữa. Hắn léo xéo nói: "Tại sao lão già nói Harve gần đây làm ăn cũng khá."
Lão chủ ngân hàng kia xen vào: "Tôi cho lão có ý nói rằng Harve gần đây không xin lão cầm cố thêm trại nào khác nữa để cho nó theo học thêm."
Lão mặc áo Đại Quân cười khẩy: "Hình như tôi nhớ là không lúc nào Harve không đi học."
Thế là cả bọn lại khúc khích cười. Lão mục sư lấy mùi xoa ra hỉ mũi inh ỏi. Lão chủ ngân hàng Phelps gập dao nhíp lại nghe đánh cách một cái. Lão nói bằng giọng đạo mạo và suy tư: "Thật đáng buồn con trai lão già không khá hơn được. Bọn họ không bao giờ giúp đỡ nhau. Số tiền mà lão tiêu cho Harve đủ để tậu gia súc cho cả chục trại nuôi, mà chẳng khác gì đem tiền đổ xuống sông xuống biển. Nếu Harve chịu ở nhà và trông nom ít gia súc mà họ có và nuôi súc vật ở trại của lão dưới đồi thì chắc bây giờ họ cũng khá rồi. Nhưng lão già phải cho người nuôi rẽ nên bị họ ăn bớt cả đầu lẫn đuôi."
Lão buôn bò nói chen vào: "Harve chả bao giờ biết gì về gia súc đâu. Nó không tinh khôn chút nào hết. Còn nhớ khi nó mua mấy con la của Sander không? Nó tưởng mấy con la này mới 8 tuổi trong khi cả tỉnh không ai không rõ rằng bố vợ Sander cho vợ Sander làm của hồi môn trong dịp làm lễ cưới cách đây đã 18 năm, mà lúc đó mấy con la này đã lớn lắm rồi."
Cả bọn lại cười một cách kín đáo, và lão mặc áo Đại Quân lấy tay xoa đầu gối, khóai trá như một đứa trẻ con.
Lão bán than củi lên tiếng: "Harve chẳng bao giờ có óc thực tế, và có điều chắc là nó không ưa làm việc. Tôi còn nhớ lần cuối cùng nó về nhà, đêm hôm nó đi, lúc lão già xuống chuồng giúp người làm công buộc ngựa để đưa Harve ra tàu, và trong lúc Cal Moots đang sửa hàng rào, thì Harve bước ra ngòai thềm nhà và réo lên tiếng như tiếng đàn bà:- Anh Cal Moots ơi! làm ơn vào buộc hộ tôi rương quần áo đi!"
Lão mặc áo Đại Quân biểu đồng tình: "Anh thì anh biết chuyện Harve như thế, còn tôi thì tôi còn nhớ nghe nó gào lên khi nó đã lớn lắm rồi, đã mặc quần dài, và mẹ nó thường lấy roi da đánh nó trong chuồng bò vì nó để cho mấy con bò ăn đến bội thực khi nó chăn bò từ đồng cỏ về nhà. Một lần nó cũng làm chết một con bò của tôi như vậy- một con bò giống Jersey thuần túy, và là con bò sữa tốt nhất của tôi, và bố nó phải đền tôi. Thằng Harve để con bò chạy đi mất trong khi nó mải mê nhìn mặt trời lặn bên kia đồng lầy."
"Lão già thật nhầm lẫn khi gởi nó đi học ở miền Đông," lão Phelps nói bằng một giọng khôn ngoan như giọng quan tòa, vừa nói vừa lấy tay vuốt chòm râu dê.
"Vì thế mà đầu óc nó bị nhồi toàn những chuyện phi lý. Lẽ ra thằng Harve cần theo học một trường thương mại hạng khá nhất ở Kansas City."
Steavens hoa mắt lên không đọc được nữa. Phải chăng những người này không hiểu gì sao và cành lá kè trên quan tài không có nghĩa gì đối với họ sao? Ngay đến tên cái thành phố của họ có lẽ sẽ nằm yên mãi trong quyển chỉ dẫn của nhà bưu điện và không được ai nhớ tới nếu thỉnh thoảng không được thế giới nhắc nhở tới vì có liên quan đến tên của Harvey Merrick. Gã còn nhớ điều thầy gã căn dặn trong lúc lâm chung, sau khi hai lá phổi bị nghẹt làm tiêu tan mọi hy vọng bình phục, và nhà điêu khắc đã yêu cầu môn đệ của mình mang thi thể mình về quê nhà. Ông thầy gã nói với nụ cười yếu ớt: "Nơi đó không phải là nơi dễ chịu để ta yên nghỉ trong khi thế giới đang biến chuyển, đang hoạt động và đang cải tiến nhưng có lẽ sau cùng chúng ta nên trở về nơi chôn nhau cắt rún của chúng ta. Dân trong tỉnh sẽ đến nhìn tôi một lần chót; và sau khi họ nói lên cảm nghĩ của họ thì tôi không còn thấy sợ gì lắm về lời phán quyết của Thượng Đế nữa!"
Lão buôn bò bình luận thêm: "Người trong họ nhà Merrick mới 40 tuổi mà đã chết thì là chết non đó; bọn họ thường sống lâu lắm. Có lẽ vì hắn uống nhiều rượu quá." Ông mục sư dịu dàng nói: "Họ bên mẹ hắn sống cũng không lâu lắm, và tạng người Harvey cũng không được khoẻ." Ông còn muốn nói thêm nữa. Trước kia ông dạy giáo lý cho Harvey và ông mến Harvey lắm; nhưng ông cảm thấy ở vào địa vị ông không thể nói nhiều được. Chính các con trai ông cũng không ra gì, và cách đây chưa đầy một năm, một đứa con ông đã được mang xác về nhà bằng chuyến xe lửa tốc hành, vì bị bắn chết trong một sòng bạc ở Black Hills.
Lão buôn bò lên giọng đạo đức: "Tuy nhiên, không thể chối cãi được rằng Harvey thường thích rượu vang đỏ, hoặc nhiều màu, và rượu hẳn đã làm cho nó thành khờ khạo ngu ngốc."
Ngay lúc đó, cửa vào phòng khách rung ầm lên và mọi người giật mình sửng sốt, nhưng rồi yên tâm ngay vì chỉ thấy có Jim Laird bước ra. Lão mặc binh phục Đại Quân cúi đầu khi nhìn thấy ánh mắt xanh đầy tia máu của Jim Laird. Tất cả bọn đều sợ Jim; lão là một bợm rượu, nhưng lão biết cách bóp méo luật pháp cho hợp với quyền lợi của thân chủ, mà ở cả miền Tây Kansas này không ai xoay xở luật pháp được như lão, dù đã có nhiều người thử làm như vậy. Lão trạng sư đóng cửa lại phía sau lão, dựa lưng vào cửa, và khoanh tay lại, đầu hơi ngoẹo về một bên. Mỗi khi lão có thái độ như vậy ở tòa án là mọi người đều vểnh tai lên vì thường đó là điềm báo hiệu những lời châm biếm thao thao bất tuyệt, chua chát và cay độc.
Lão bắt đầu bằng một giọng khô khan, bình thản: "Trước kia tôi cũng có mặt với các người khi các người ngồi cạnh quan tài của những chàng trai sinh trưởng ở tỉnh này; và nếu tôi không quên thì các người không bao giờ lấy làm vừa ý khi các người bới móc đời họ ra. Làm sao thế? Tại sao ở thành phố Sand City này, số thanh niên đứng đắn cũng hiếm như số những nhà triệu phú vậy? Người ngòai có thể nghĩ rằng có chuyện gì không tốt đẹp trong cái tỉnh tiến bộ của các người. Tại sao Ruben Sayer, luật sư trẻ tuổi xuất sắc nhất của tỉnh ta từ trước đến nay, khi ở trường Đại học về đây vẫn đàng hoàng ngay thẳng, sau lại sinh ra rượu chè, làm ngân phiếu giả, rồi tự vẫn? Tại sao con trai lão Bill Merrick lại chết vì quá chén trong một quán rượu ở Omaha? Tại sao con trai ông Thomas đây lại bị bắn chết ở một sòng bạc? Tại sao thằng thanh niên Adams lại đốt hết máy xay lúa để lường gạt hãng bảo hiểm, rồi đi ở tù?"
Ông trạng sư ngừng nói, duỗi tay ra và lẳng lặng đặt một bàn tay nắm chặt trên bàn. "Tôi sẽ nói cho các người biết. Vì các người chỉ nói chuyện tiền nong và mánh khóe lưu manh vào tai chúng ngay từ khi chúng hãy còn mặc quần con nít; và các người luôn luôn chỉ trích chúng như các người vừa chỉ trích đêm nay, đề cao hai ông bạn Phelps và Elder của chúng ta lên làm khuôn mẫu cho chúng, cũng như ông cha chúng ta đề cao George Washington và John Adams. Nhưng bọn thanh niên chúng hãy còn trẻ, còn non nớt trong những công việc mà các người bắt chúng làm, và làm sao chúng có thể sánh được về tiền bạc với những nghệ sỹ điêu luyện như Phelps và Elder? Các người muốn chúng trở thành những tên lưu manh thành đạt; nhưng chúng chỉ là những tên lưu manh bị thất bại- khác nhau là ở chỗ đó. Chỉ có một thanh niên độc nhất sinh trưởng ở miền biên giới này giữa thế giới trộm cướp và thế giới văn minh mà không bị hư hỏng, và các người thù ghét Harvey Merrick vì Harvey được tiếng tăm, hơn là các người thù ghét tất cả những thanh niên khác vì chúng thất bại. Trời ơi, các người ghét Harvey biết bao! Bạn Phelps đây thường ưa tuyên bố rằng bạn có thể mua hoặc bán tất cả chúng ta hễ khi nào bạn muốn; nhưng bạn biết rằng Harve không coi cái nhà ngân hàng và luôn tất cả những trại chăn nuôi của hắn ra gì hết; và bạn Phelps không thể chịu được người ta coi thường bạn như vậy.
"Ông già Phelps cho rằng Harve uống rượu nhiều quá. Những người như tôi và ông già Phelps mà đi phê bình người khác uống rượu nhiều.
"Bạn Elder cho rằng Harve tiêu tiền của bố bừa bãi và có lẽ không được có hiếu lắm. Nhưng chúng ta còn nhớ rõ ràng giọng ông bạn Elder đây thề trước tòa án quận rằng bố ông nói dối; và chúng ta đều biết rằng ông già sau khi hợp tác với con đã mất hết cả tiền của và thanh danh- Nhưng có lẽ tôi nói chuyện đời tư nhiều quá, có lẽ tôi nên nói tiếp điều tôi muốn nói!"
Ông trạng sư nghỉ một lát, đứng thẳng người lên và kể tiếp: "Harvey Merrick và tôi cùng học một trường, tại miền Đông. Chúng tôi học hành rất đứng đắn, và đều mong muốn một ngày kia các người có thể hãnh diện vì chúng tôi- Chúng tôi muốn trở nên những danh nhân. Phải, thưa các ngài, cả đến tôi và tôi chưa mất hết óc hài hước đâu nhé, cả đến tôi cũng muốn là danh nhân.
"Tôi trở về đây để hành nghề, và tôi được biết rằng các người không hề có ý muốn tôi trở thành danh nhân. Các người muốn tôi trở thành một trạng sư đầy thủ đoạn- phải rồi, chính thế! Ông bạn cựu chiến sỹ đây muốn tôi xin cho ông thêm tiền cấp dưỡng vì ông bị bệnh khó tiêu; bạn Phelps thì muốn đo đạc lại đất trong quận để chiếm lấy nông trại của mụ góa Wilson, bạn Elder thì muốn cho vay lãi 5 phần trăm và thu cả vốn và lời cho đủ; và bạn Stark đây thì muốn gạ mấy mụ trên Vermont bỏ tiền đầu tư vào mấy vụ cầm cố nhà đất không có giá trị hơn tờ giấy lộn. Ồ, các người quả thật rất cần tôi, và các người sẽ còn cần tôi nữa!
"Hừ, thế là tôi trở về đây để trở nên một tên trạng sư lưu manh theo ý muốn của các người. Các ngài làm bộ kính nể tôi; thế nhưng các ngài lại ném bùn dơ vào Harvey Merrick, vì các ngài không làm nhơ được tâm hồn người quá cố và cũng không trói được tay người ấy. Ôi! các người quả là những tín đồ Thiên Chúa Giáo sáng suốt! Có nhiều lần khi nhìn thấy cái tên Harvey trên mặt một tờ báo miền Đông tôi cúi đầu hổ thẹn, nhưng cũng có nhiều khi tôi ưa nghĩ đến anh ở nơi xa xôi, xa cách cái chuồng heo này, và đang leo cao bực thang danh vọng mà anh đã tự tạo cho mình.
"Còn chúng ta? Bây giờ, khi mà chúng ta đã vật lộn, lừa dối, đổ mồ hôi, trộm cắp, và thù ghét theo kiểu của những kẻ đã vật lộn mà chỉ chuốc lấy thất vọng ở một tỉnh nhỏ cay nghiệt không còn sinh lực ở miền Tây, thử hỏi chúng ta đã làm được những gì? Harvey Merrick tất không bao giờ muốn đánh đổi một cảnh mặt trời lặn trên đồng lầy để lấy tất cả những gì mà các người có, và các người biết rõ điều đó. Vì sự khôn ngoan không lường được của Thượng Đế, tôi không thể giải thích tại sao một nhân tài lại có thể phát sinh tại cái nơi đầy thù hận và ghen ghét này; nhưng tôi muốn ông bạn từ Boston tới đây biết rằng những câu chuyện quàng xiên ông đã được nghe trong đêm nay là những lời ca tụng độc nhất mà bất cứ danh nhân thực sự nào cũng có thể được nghe từ miệng một bọn người bệnh hoạn, lạc hướng, giầu có và tham lam như những tay tài phiệt của thành phố Sand City hiện có mặt ở đây- xin Thượng Đế sẵn lòng tha thứ cho thành phố này!"
Lão trạng sư chìa tay để bắt tay Steavens trong khi lão đi qua mặt gã, vớ lấy áo choàng của lão trong phòng đợi, và ra khỏi căn nhà trước khi người mặc áo Đại Quân có đủ thì giờ thò đầu ra và nghểnh cổ lên nhìn quanh đồng bọn.
Ngày hôm sau Jim Laird say mèm và không thể dự đám táng được. Steavens tới văn phòng tìm lão hai lần, nhưng rồi phải lên đường về miền Đông mà không được gặp lão. Linh tính cho gã biết rằng gã sẽ nhận được thư của lão, và gã để địa chỉ mình trên bàn luật sư; nhưng nếu Laird có thấy địa chỉ đó, lão cũng không bao giờ phúc đáp. Điều mà Harvey Merrick ưa chuộng ở con người Jim Laird chắc đã bị chôn vùi theo quan tài của Harvey Merrick vì nó không bao giờ lên tiếng nữa, và Jim bị cảm mà chết khi lão lái xe qua miền núi Colorado để đi biện hộ cho đứa con trai của lão Phelps gặp chuyện rắc rối vì đốn gỗ của Chính phủ.
Người dịch: Lê Bá Kông

Xem Tiếp: ----