Ngày nối ngày như một sợi dây xích, mắt nọ lồng vào mắt kia… Hành quân, chiến đấu, nghỉ ngơi. Nắng. Mưa. Mùi mồ hôi ngựa trộn lẫn với mùi da của yên ngựa bị hun nóng. Vì tinh thần luôn luôn căng thẳng, cho nên không phải là máu và chỉ có thuỷ ngân bị nung bỏng chảy trong các mạch máu. Do mất ngủ, đầu nặng hơn cả những trái đạn pháo ba điu-im. Grigori chỉ mong được ngả lưng, đánh một giấc cho béo mắt! Ngủ xong lại đi theo cái cày trên những luống đất mềm mềm, miệng hút sáo ra lệnh cho những con bò, tai lắng nghe tiếng những con sếu kêu lanh lảnh như tiếng kèn đồng, tay nhẹ nhàng gỡ trên má những sợi mạng nhện óng bạc không biết từ đâu bay tới, mũi luôn luôn ngửi mùi đất mùa thu mới vỡ, ngây ngất như mùi rượu vang. Nhưng đâu có như vậy. Chỉ thấy những dải lúa bị dẫm dụi xuống thành đường đi. Bên đường là những đám tù binh bị lột quần áo, người đầy bụi bậm, đen xạm như những xác chết. Đại đội tiến, những cái móng sắt dưới vó ngựa đập xuống mặt đường, dẫm nát hoa màu. Quân Cô-dắc kéo đến thôn nào, những tên thích cướp bóc cũng tới lục soát các gia đình có người bỏ đi theo Hồng quân, chúng dùng roi ngựa đánh vợ, đánh mẹ những kẻ bị coi là phản bội… Những ngày mất hết sức sống vì buồn khổ cứ kéo dài, nhưng đều bị gió quét hết khỏi ký ức. Không một sự kiện nào, dù là quan trọng, qua rồi mà còn để lại chút dấu vết gì. Đời sống hàng ngày trong lần chiến tranh nầy có vẻ buồn ngấy hơn đợt chiến trận trước, có lẽ vì xưa kia người ta đã được nếm đủ mùi rồi. Nhưng đối với bản thân cuộc chiến tranh, tất cả những kẻ đã từng trải qua lần trước đều có vẻ coi khinh: tất cả các mặt địa bàn chiến sự, binh lực sử dụng cũng như mức tổn thất so với lần đánh nhau với quân Đức đều chỉ là trò trẻ. Riêng cái bóng đen của Thần chết vẫn lù lù không nhỏ đi chút nào chẳng khác gì trên các chiến trường ở nước Phổ và nó vẫn bắt con người ta phải khiếp sợ, phải ngay ngáy phòng thân như loài vật. - Thế nầy mà cũng gọi là chiến tranh à? Chỉ là một cái gì nhại lại chiến tranh mà thôi. Trong trận chiến tranh với Đức, có khi quân Đức chỉ nã cho một đợt pháo là mấy trung đoàn liền bị nhổ rễ. Nhưng bây giờ trong đại đội mới có hai thằng bị thương đã nói là có tổn thất! - Bọn cựu chiến binh lý sự với nhau. Tuy vậy cái kiểu chiến tranh trò trẻ nầy vẫn cứ làm người ta tức tối. Tâm trạng bất mãn, mệt mỏi, phẫn nộ tích lại mỗi ngày một nhiều. Trong đại đội ngày càng nghe thấy những ý kiến lải nhải: - Chúng ta tống cổ bọn Đỏ thổ tả ấy ra khỏi đất đai sông Đông là đánh nước mã hồi thôi. Chẳng tiến qua địa giới làm gì cả? Cứ mặc cho nước Nga, còn chúng ta thì cứ sống theo kiểu của chúng ta. Chúng ta sẽ không xông sang nhà chúng nó để áp đặt trật tự của chúng ta làm gì. Suốt mùa thu các trận chiến đấu chỉ diễn ra uể oải ở gần Filonov. Trung tâm chiến lược chính là Sarysin, cả bên Trắng lẫn bên Đỏ đều ném vào đây những lực lượng tinh nhuệ nhất, còn ở mặt trận miền Bắc, trong hai bên tham chiến không có bên nào thắng thế. Cả hai đều tích luỹ lực lượng, chuẩn bị giáng một đòn quyết định. Bọn Cô-dắc có những đội kỵ binh lớn. Chúng lợi dụng ưu thế nầy để tiến hành những trận phối hợp binh chủng, vu hồi bên sườn, đánh thọc vào hậu phương của địch. Bọn Cô-dắc dành được phần thắng chỉ vì đối phương gồm toàn những đơn vị Hồng quân tinh thần chưa kiên định mới mộ ở các vùng chủ yếu gần mặt trận. Những người lính quê ở hai tỉnh Saratov, Tambob đầu hàng hàng ngàn. Nhưng bộ chỉ huy Hồng quân vừa tung ra những trung đoàn công nhân, những chi đội thuỷ binh và kỵ binh là những cán cân lực lượng tập tức lấy lại thế cân bằng, quyền chủ động lại liên tiếp chuyển từ bên nọ sang bên kia, và hai bên lần lượt dành được những thắng lợi đơn thuần có ý nghĩa địa phương. Tuy có tham gia chiến đấu nhưng Grigori chỉ thờ ơ theo dõi bước tiến của cuộc chiến tranh. Chàng tin chắc rằng đến mùa đông sẽ không giữ nổi mặt trận nữa, chàng biết rằng tinh thần bọn Cô-dẳc đều hướng về hoà bình và không thể nào nói đến chiến tranh kéo dài. Năm thì mười hoạ trung đoàn cũng nhận được báo chí. Grigori cầmm lấy tờ "Biên khu sông Đông" in bằng giấy bọc hàng vàng khè với cả một niềm căm ghét, chàng nghiến răng đọc lướt qua những tin chiến sự. Còn bọn Cô-dắc thì chỉ vui vẻ phá lên cười khi chúng đọc to cho họ nghe những dòng tin lời lẽ hung hăng, cố tô vẽ một tinh thần phấn khởi: "Ngày 27 tháng Chín những trận chiến đấu đã diễn ra ở hướng Filomonovskaia, không phân thắng bại. Đêm 26, trung đoàn anh hùng của trấn Vosenskaia đã đánh bật quân địch ra khỏi trấn Botgornyi và bám sát quân địch, đột nhập vào thôn Lukianovsky, thu được rất nhiều chiến lợi phẩm và bắt được một số rất lớn tù binh. Các đơn vị Đỏ đã rút lui hỗn loạn. Tinh thần anh em Cô-dắc rất phấn khởi. Các chiến sĩ sông Đông đang xông lên dành những thắng lợi mới!" - Bọn mình đã được bắt bao nhiêu tù binh nhỉ? Một số lượng rất lớn à? Ô hô-hô, cái bọn chó đẻ! Vẻn vẹn ba mươi hai thằng! Thế mà cái bọn nầy… à-hà-hà-hà! Mitka Korsunov đưa hai cái tay dài ngoẵng lên ôm sườn, mở hoác hai hàm răng trắng nhởn ra cười. Bọn Cô-dắc cũng chẳng tin gì các tin tức về thắng lợi của bọn "Kadet" ở Sibiri và Kuban. Tờ "Biên khu Đông Thượng" nói láo trâng tráo, hoàn toàn không biết ngượng. Ovatkin, một gã Cô-dắc người quá khổ, có hai bàn tay rất to, đọc xong bài báo viết về vụ bạo động, của quân đoàn Tiệp Khắc, bèn nói ngay trước mặt Grigori: - Bây giờ chúng nó đang trấn áp bọn Tiệp, nhưng xong xuôi đâu đó, chúng nó có bao nhiêu quân sẽ điều cả đến đây nện chúng ta, rồi sẽ được chạy vãi đái… Nói tóm lại là… cái nước Nga ấy! Rồi hắn kết luận đầy vẻ đe doạ - Tưởng chuyện đùa đấy phải không? - Đừng có doạ người ta? Cái thằng nói chuyện ngu xuẩn làm mình đau cả bụng, - Prokho Zykov khoát lay không tán thành. Nhưng Grigori vừa cuốn thuốc hút vừa nhận định: "Đúng thế đấy!" trong lòng thầm cảm thấy khoái trá một cách ác ý. Tối hôm ấy, chàng mở phanh cổ chiếc áo sơ-mi dãi nắng đã bạc phếch đính hai cái lon vai màu cứt ngựa cũng bạc phếch, gù lưng ngồi rất lâu bên cạnh bàn. Khuôn mặt rám nắng của chàng nom rất nghiêm nghị. Dạo nầy chàng đẫy ra, các chỗ hõm cũng như hai bên gò má nhọn hoắt đều nây bằng, nhưng nom không khỏe mạnh. Chàng xoay xoay cái cổ đen xạm gân guốc, mơ màng vê vê bộ ria loăn xoăn đã đỏ ra vì phơi nắng và cứ nhìn chằm chằm vào một điểm với hai con mắt tức tối mấy năm nay đã trở nên lạnh như tiền. Chàng suy nghĩ căng thẳng, một cách hết sức vất vả khác hẳn ngày thường, và mãi đến khi đã nằm xuống ngủ, chàng mới nói như để trả lời cho một câu hỏi chung của mọi người: - Tiến thoái lưỡng nan! Suốt đêm Grigori không chợp được mắt. Chốc chốc chàng lại ra thăm con ngựa và đứng lại rất lâu bên thềm, người cứ như bị bó chát trong bầu không khí chết lặng, đen ngòm, loạt soạt như lụa. Xem ra ngôi sao chiếu mạng của Grigori vẫn còn vượng. Ngôi sao nhỏ xíu ấy vẫn lặng lẽ lập lòe toả sáng và còn chưa đến lúc nó rụng ra, rơi xuống, rạch lóe bầu trời với một vạch sáng lạnh lẽo. Chỉ trong một mùa thu mà có ba con ngựa bị bắn chết ngay trong khi Grigori đang cưỡi. Cái áo ca-pốt của chàng đã thủng năm chỗ. Thần chết như nô giỡn với anh chàng Cô-dắc nầy, và mới sà cái cánh đen của nó phẩy qua người chàng một chút thôi. Một lần có viên đạn bắn xuyên qua đầu cái cán gươm bằng đồng, sợi dây ngù rơi thẳng xuống chân con ngựa như bị cắt đứt: - Có ai đem hết tâm hồn ra cầu nguyện cho cậu đấy, Grigori ạ, - Mitka Korsunov nói với chàng và rất đỗi ngạc nhiên khi nó thấy nụ cười nở trên môi Grigori chẳng có gì vui vẻ. Mặt trận đã đi tới bên kia đường sắt. Hôm nào cũng thấy những xe vận tải chở dây thép gai đến. Hôm nào điện tín cũng đánh ra mặt trận mấy dòng chữ: "Chỉ ngày một ngày hai quân đội của các nước đồng minh sẽ được điều tới. Trước khi quân tiếp viện tới nơi cần phải cô thủ trên các đường biên giới Quân khu và chặn đứng các cuộc tấn công của quân Đỏ bằng bất cứ giá nào". Dân chúng bị bắt đi phu dùng thuốn sắt chọc xuống lớp đất đóng băng, đào những dãy chiến hào rồi lấy dây thép gai vây quanh. Nhưng đêm đêm, khi bọn Cô-dắc rời bỏ chiến hào về sưởi ấm trong các nhà dân, trinh sát của Hồng quân lại tiến sát các chiến hào, phá đổ các cọc hàng rào và đính những bản kêu gọi dân Cô-dắc(1) vào những cái gai han n của lưới dây thép. Bọn Cô-dắc đọc ngốn ngấu các lời kêu gọi ấy như đọc thư của người thân. Rõ ràng là trong những điều kiện như thế mà còn muốn kéo dài chiến tranh thì chẳng có nghĩa lý gì nữa. Trời đánh đùng một cái rét ngọt rồi cứ hết đợt tan băng lại đến những đợt mưa tuyết như trút. Tuyết ngập các chiến hào. Khó mà nằm lại trong đó, dù chỉ một giờ. Bọn Cô-dắc bị rét cóng, có những kẻ bị hỏng chân hỏng tay vì lạnh. Trong các đơn vị bộ binh và trinh sát, nhiều người không có ủng. Có những gã ra trận mà cứ như ra sân đuổi gia súc với đôi ủng ngắn ống và cái quần đơn. Người ta không tin vào quân Đồng minh. Một hôm Andrey Kasulin đã nói một câu chua chát: "Chúng nó sẽ cưỡi bọ hung đến?". Trong những lần chạm trán với các đội trinh sát Hồng quân, bọn Cô-dắc thường nghe thấy phía bên kia gào lên: "Nầy nầy! Các con chiến ngoan đạo kia ơi? Các anh đi xe tăng đến thăm chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ đi trượt tuyết đến thăm các anh đấy! Liệu mà bôi sẵn mỡ vào gót chân. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ đến chơi nhà thôi!" Đến trung tuần tháng Mười một. Hồng quân chuyển sang tấn công. Họ chiến đấu bền bỉ, dồn các đơn vị Cô-dắc về tuyến đường sắt nhưng chỉ một thời gian sau, các chiến dịch mới tiến tới bước ngoặt. Ngày mười sáu tháng Mười hai, sau một trận chiến đấu dằng dai, kỵ binh Hồng quân đánh bật được trung đoàn 33, nhưng tại khu vực của trung đoàn trấn Vosenskaia hồi nầy đang triển khai ở gần thôn Colodediansky, họ đã vấp phải một sức chống cự kiên quyết. Từ sau những dãy hàng rào đầy tuyết vây quanh các sân đập lúa, các xạ thủ súng máy của trấn Vosenskaia đã đón tiếp quân địch tiến trong đội hình bộ binh bằng những loạt hoả lực bắn quét. Dưới hai bàn tay giàu kinh nghiệm của gã Anchipov người thôn Kargin, khẩu súng máy nặng bố trí ở cánh bên phải đã bắn tản theo chiều sâu rồi phạt ngang các đội hình tản khai của địch đang tiến vọt từng chặng. Một đại đội bị phủ kín dưới khói đạn. Nhưng từ cánh bên trái đã có ngay hai đại đội tiến ra vu hồi. Lúc trời sắp hoàng hôn, một chi đội thuỷ binh vừa được điều tới mặt trận đã thay thế các đơn vị Hồng quân bắt đầu tấn công uể oải. Họ không nằm xuống, cũng không hò hét, cứ lầm lì xung phong thẳng vào mấy khẩu súng máy. Grigori bắn không ngừng tay. Buồng đạn bốc khói. Nòng súng nóng bỏng, cháy cả ngón tay. Chàng chờ súng nguội bớt, rồi nhét một kẹp đạn mới, và nheo mắt đưa đầu ruồi đuổi theo những hình người đen đen đằng xa. Anh em thuỷ binh đã đánh quị bọn Cô-dắc. Các đại đội Cô-dắc tháo ngựa, phi như bay qua thôn, chạy lên gò. Grigori quay đầu nhìn lại, bất giác để rơi dây cương. Từ trên gò nhìn ra xa có thể thấy cánh đồng tuyết với những mũi đất mọc đầy cỏ dại bị tuyết lấp kín và những cái bóng màu tím ngắt của buổi hoàng hôn trải dài trên sườn khe núi. Trên cánh đồng ấy, suốt một khoảng dài đến một vec-xta, xác của những người thuỷ binh bị hoả lực súng máy bắn chết nằm lấm tấm như những nốt ban đen. Trong những chiếc áo vải buồm và áo da ngắn, họ hiện lên đen đen trên mặt tuyết như một đàn quạ đậu xuống để sắp sửa bay lên… Chiều hôm ấy, các đại đội Cô-dắc bị đánh tan nát trong trận tấn công của địch, đã mất liên lạc với trung đoàn trấn Elanskaia và một trong các trung đoàn có phiên hiệu của khu Ust-Medvedisky trước kia bố trí ở bên phải họ. Chúng dừng lại nghỉ đêm trong hai thôn trên bờ một con sông rất nhỏ, nhánh của sông Buduluc. Từ lúc hoàng hôn, Grigori đã theo lệnh tên đại đội trưởng đi bố trí những vọng gác. Lúc trở về đến trong ngõ chàng gặp tên trung đoàn trưởng và tên phó quan của trung đoàn. - Đại đội ba đâu? - Tên trung đoàn trưởng ghìm cương hỏi. Grigori trả lời. Hai tên kia thúc ngựa đi. - Đại đội thương vong có nhiều không? - Tên phó quan đã đi một quãng rồi còn hỏi thêm. Không nghe rõ câu trả lời, hắn hỏi lại: - Thế nào? Grigori cứ cắm cổ đi, không trả lời. Suốt đêm có những đội vận tải không biết của nơi nào kéo qua thôn. Một đại đội pháo dừng lại rất lâu bên cạnh ngôi nhà Grigori ở cùng với bọn Cô-dắc. Qua cái cửa sổ một cánh có thể nghe thấy những tiếng chửi tục, tiếng kêu của bọn coi ngựa và những tiếng chân nhộn nhịp. Vài tên lính pháo binh và liên lạc của trung đoàn bộ không có mặt trong thôn cũng vào trong nhà để sưởi. Đến nửa đêm lại có ba tên pháo thủ của đại đội pháo vào thêm làm chủ nhà và bọn Cô-dắc mất cả ngủ. Ở một nơi gần đấy, chúng có một cỗ pháo bị sa lầy dưới lòng sông, vì thế quyết định nghỉ lại một đêm rồi sáng hôm sau sẽ lấy bò kéo cỗ pháo lên. Grigori thức giấc, chàng nhìn rất lâu bọn pháo binh, chúng vừa gừ gừ trong họng vừa cậy những đám bùn đóng băng bám trên ủng, cởi ủng cởi tất và hong những miếng vải bọc chân lên ống khói của cái lò xây dưới đất. Rồi lại thêm một tên sĩ quan pháo binh bùn váy đến tai. Hắn xin được cùng nghỉ đêm rồi cởi áo ca-pốt và đưa tay áo chiếc áo quân phục cổ đứng lên lau rất lâu những vết bùn bắn đầy mặt với một vẻ rất là thẫn thờ. - Chúng ta bị mất một khẩu pháo. - Hắn vừa nói vừa nhìn Grigori bằng hai con mắt chịu đựng như mắt của một con ngựa mệt mỏi. - Cuộc chiến đấu hôm nay thật chẳng khác gì lần ở Matrekhaia. Vừa bắn được hai phát đã bị chúng nó mò ra ngay… Thế là chúng nó dập xuống cho một trận ra trò, trục khẩu pháo lập tức bị gãy! Mà khẩu pháo lại đang nằm trong một sân đập lúa. Cứ tưởng còn kiếm đâu được một nơi ngụy trang tốt hơn nữa! - Kèm theo bất cứ câu nào hắn đều chửi một lời rất tục tĩu. Có lẽ đó là do thói quen và chửi cũng chẳng có ý thức gì. - Ngài thuộc trung đoàn trấn Vosenskaia à? Nhưng ngài uống nước trà nhé! Bà chủ nhà thân mến ơi, bà cho anh em tôi mượn cái samova nhé, có được không? Thằng cha hết sức lắm mồm, nói chuyện với hắn một lát đã chán ngấy. Trà uống thì hết tách nọ đến tách kia. Nửa giờ sau, qua chính miệng hắn, Grigori được biết rằng hắn sinh ở trấn Platonovskaia, đã tốt nghiệp trường thực nghiệp, có tham gia trận chiến tranh với Đức, và lấy vợ hai lần đều chẳng ra sao cả hai. - Bây giờ thì "Amen" cái Quân đội sông Đông thôi! - Hắn vừa nói vừa thè cái lưỡi đỏ lòm nhọn hoắt ra liếm mồ hôi trên cặp môi cạo nhẵn nhụi, - Chiến tranh sắp kết thúc đến nơi rồi. Ngày mai mặt trận sẽ vỡ và chỉ hai tuần nữa chúng ta sẽ có mặt ở Novocherkask. Họ đã mang cái mộng tấn công vào nước Nga với những thằng Cô-dắc chân không? Như thế họ có phải là những thằng ngu đần dại dột không nào? Còn bọn sĩ quan chính ngạch, tất cả chúng nó đều chỉ là những thằng đểu cáng vô lại? Ngài là dân Cô-dắc à? Đúng thế à? Chúng nó muốn dùng bàn tay của các ngài để bới hạt dẻ trong lửa ra cho chúng nó xơi đấy. Còn chúng nó thì cứ rúc trong các cơ quan hậu cần để cân thóc và lá nguyệt quế! Hắn luôn hấp háy hai con mắt không màu sắc nom cứ như mắt rỗng, ngọ nguậy cái thân mình to lớn và chắc nịch, người ngả hẳn xuống mặt bàn, trong khi đó hai bên mép cái miệng rộng dành ra cứ trễ xuống một cách thê thảm và nét mặt hắn vẫn giữ nguyên cái vẻ ngoan ngoãn vâng chịu như nãy của một con ngựa bị đối xử tàn tệ. - Xưa kia, dù dưới thời Napoleon cũng vậy, đánh nhau thật thú biết mấy? Quân đội hai bên tiến tới gần nhau, giáp là cà một trận, rồi lại mỗi bên đi một ngả. Chẳng có mặt trận mà cũng chẳng phải ngồi rũ trong chiến hào. Nhưng bây giờ mà muốn mò mẫm tìm hiểu trong các chiến dịch thì sẽ vỡ mẹ nó đầu. Nếu xưa kia bọn viết sử đã quen nói xằng nói bậy thì bây giờ họ sẽ càng nói bậy nói xằng hơn trong khi viết về cuộc chiến tranh nầy! Chỉ là một trò chán ngấy chứ không còn là chiến tranh nữa! Chẳng có màu sắc gì cả. Thật là bẩn thỉu! Và nói chung là hoàn toàn vô nghĩa lý. Tôi thì chỉ muốn lôi hai tay chóp bu của hai bên đến cho họ choảng nhau một trận. Tôi sẽ bảo: "Thưa ngài Lenin, đây là một lão quản để giúp ngài, ngài hãy học ở lão cách dùng súng. Còn ngài, thưa ngài Krasnov, nếu ngài không biết thì thật là nhục cho ngài". Sau đó cứ để cho hai tay chơi với nhau như David và Goliat(2) ấy: bên nào thắng thì bên ấy nắm chính quyền. Đối với nhân dân thì ai cai trị họ mà chẳng thế. Ngài thấy thế nào, ngài thiếu uý? Grigori không trả lời. Chàng đờ đẫn nhìn những cử động giật giật của đôi vai và hai bàn tay rất nhiều thịt, cái lưỡi đỏ lòm luôn luôn động đậy trong cái lỗ miệng nom rất tởm. Chàng buồn ngủ lắm rồi vì thế rất bực mình với gã sĩ quan pháo binh ngu xuẩn và đáng ghét nầy. Hai cái chân đẫm mồ hôi của hắn hôi xù như mùi chó, ngửi đến buồn nôn… Sáng hôm sau Grigori tỉnh dậy với cái cảm giác nhức nhối như đang đứng trước một việc gì đó chưa được giải quyết. Cái kết cục nầy, Grigori đã đoán thấy trước từ mùa thu, nhưng dù sao chàng vẫn cảm thấy kinh ngạc vì nó đã ập tới một cách quá đột ngột. Grigori thấy rằng cái tinh thần chán ghét chiến tranh trước kia, chỉ len lỏi trong các đại đội và các trung đoàn như những con suối rất nhỏ, nhưng đến nay các con suối nhỏ ấy đã họp lại với nhau lúc nào không biết thành một dòng sông mãnh liệt. Và bây giờ chàng đã nhìn thấy dòng nước đó ào ào tràn qua mặt trận như muốn nuốt chửng hết thảy. Khi trời sang xuân, người đi trên đồng cỏ cũng thường thấy như thế. Mặt trời chói lọi. Bốn bề toàn một màu tuyết tím ngắt chưa bị suy suyển chút gì. Nhưng bên dưới lớp tuyết ấy đang diễn ra cái công việc tuyệt đẹp, làm đi làm lại hàng năm từ ngàn đời nay, nhưng mắt con người không nhìn thấy được, là giải phóng hòn đất. Mặt trời gặm dần lớp tuyết, đục khoét nó, từ từ, làm cho nước thấm từ bên dưới lên. Chỉ qua một đêm đầy sương mù là sáng hôm sau, váng băng mỏng trên mặt tuyết đã ràn rạt, ầm ầm chìm xuống, nước lũ xanh lá cây chảy trên núi xuống đã sủi bọt ngầu lên trên tất cả các con đường cái và đường mòn. Từng đám tuyết đang tan dở bắn vung tứ phía dưới vó ngựa. Trời đã trở ấm. Các ngọn gò cát được bốc trần. Thứ mùi nguyên thuỷ của đất sét và cỏ mục xông lên nồng nặc. Đến nửa đêm, các khe núi bắt đầu gào rú ầm ầm, những cái khe bị những mảng tuyết trôi chảy vào đầy ắp cũng vang lên. Những khoảng đất cày đen mịn như nhung mới được bóc trần lên một làn hơi ngòn ngọt. Trước khi hoàng hôn xuống con sông nhỏ xíu trên đồng cỏ rên rỉ, phá vỡ lớp băng, cuốn những mảnh băng trôi theo, rồi chạy ào ào, tràn trề, đầy ắp như vú mẹ. Kinh ngạc trước cái kết cục bất ngờ của mùa đông, người qua đường đứng trên bờ cát, đưa mắt kiếm một chỗ còn tương đối nông, và giơ roi đánh ngựa đẫm mồ hôi đang ve vẩy hai tai. Nhưng tuyết bốn bề vẫn xanh rờn, thâm hiểm và ngây thơ, mùa đông trắng xoá vẫn như đắm trong giấc mơ… Trung đoàn rút lui suốt ngày. Những chiếc xe vận tải chạy long lên trên các nẻo đường. Ở một nơi nào đó bên phải, có đám mây xám như che đường chân trời. Những loạt đạn pháo binh nổ rầm rầm như đá lở phía sau đám mây. Các đại đội dẫm lõm bõm trên những con đường đã tan tuyết đầy phân ngựa. Vó ngựa trộn nhão tuyết ẩm, bùn bết vào đầy những đám lông hình bàn chải phía trên mông ngựa. Bọn lính liên lạc cho ngựa phóng theo hai bên đường. Trong những bộ lông xanh đen bóng nhẫy, những con quạ đầy vẻ quan trọng và ngượng nghịu như những anh chàng kỵ binh đi bộ, ngật ngưỡng đi một cách oai vệ bên lề đường. Như trong một buổi duyệt binh chúng để chỗ những đại đội Cô-dắc, những phân đội bộ binh rách rưới lam lũ, những đoàn xe vận tải rút lui qua trước mặt. Grigori hiểu rằng cái lò xo phát động cuộc rút lui một khi đã mở chốt, đã văng ra rồi thì không còn có gì đủ sức ngăn chặn được nữa. Và ngay đêm ấy, chàng đã tự ý rời bỏ trung đoàn với cả một quyết tâm đầy hân hoan. - Anh sắp sửa đi đâu đấy, anh Grigo Panteleev? - Mitka Korsunov hỏi. Từ nãy nó đã đưa cặp mắt châm biếm theo dõi Grigori mặc áo mưa ra ngoài áo ca-pôt và mắc cả thanh gươm lẫn khẩu Nagan vào giây lưng. - Nhưng cậu hỏi làm gì? - Tò mò muốn biết đấy thôi. Những viên tròn tròn hồng hồng đã hiện lên trên gò má Grigori, nhưng chàng vẫn nháy mắt trả lời một cách vui vẻ: - Đến cánh đồng "Đi đâu thì đi". Cậu hiểu chưa? Chàng nói xong bước ngay ra khỏi nhà. Con ngựa của chàng đã sẵn yên cương, đứng bên ngoài. Grigori rong ruổi cho đến lúc trời rạng trên những con đường bốc hơi mù mịt trong một đêm giá buốt. "Mình sẽ ở nhà ít bữa, xem mọi người qua cái nạn nầy như thế nào, rồi sẽ lại quay về trung đoàn cũng được", - Chàng thoáng có một ý nghĩ như của một kẻ đứng ngoài cuộc về những con người hôm qua còn cùng chiến đấu sát cánh với mình. Rồi hôm sau, lúc buổi chiều, chàng đã dắt ngựa vào trong sân ngôi nhà của bố, con ngựa lảo đảo vì mệt mỏi, gầy rộc đi sau chặng đường hai trăm vec-xta chạy trong hai ngày. Chú thích: (1) Có lẽ đây là kêu gọi lịch sử của Xô-viết các uỷ viên nhân dân do Lenin và Stalin ký ngày 30-5-1948, hô hào nhân dân lao động Cô-dắc vùng sông Đông và sông Kuban đấu tranh chống lại bè lũ phản cách mạng bên trong và bên ngoài. (2) Theo cựu ước, David là con một nhà địa chủ ở Betlecai, đánh nhau với tên khổng lồ Goliat của quân đội Philixtanh, giết được tên nầy bằng cách lăng một hòn đá vào trán nó, nhờ đó làm cho quân địch như rắn không đầu, bị đại bại. (ND)