Dịch giả : Nguyễn Thuỵ Ứng
Chương 69
PHẦN 4

Năm một nghìn chín trăm mười sáu. Tháng mười. Đêm tối. Trời mưa và gió to. Một vùng đất trũng có nhiều rừng. Những dãy chiến hào trên một bãi lầy mọc đầy liễu đỏ. Trước mặt là những hàng rào dây thép gai. Dưới đáy các chiến hào toàn một thứ bùn lạnh giá.
Chiếc lá chắn đẫm nước che cho người lính quan sát nhấp nhoáng một ánh ảm đạm. Vài ánh lửa thưa thớt le lói trong những căn hầm đào hàm ếch bên vách các chiến hào. Một viên sĩ quan béo lùn dừng chân trước cửa một căn hầm dành cho sĩ quan. Anh ta lần ngón tay ướt sũng theo đường khuyết, vội vã cởi những cái cúc trên áo ca-pốt, giũ nước trên cổ áo, chùi qua quít đôi ủng vào bó rơm đã bị dẫm lún xuống bùn, xong đâu đó mới đẩy cửa, khom lưng, bước vào trong hầm.
Cây đèn dầu nhỏ chiếu lướt trên mặt người mới đến một dé ánh sáng vàng vàng, nhớp nhúa như dầu. Viên sĩ quan nằm trên giường ván nhỏm dậy trong chiếc áo vét mở phanh. Hắn đưa tay lên vuốt mớ tóc hoa râm rối như bòng bong, ngáp dài:
- Đang mưa à?
Đang mưa đấy. - Người khách trả lời rồi cởi áo ca-pốt, treo lên cái đinh bên cạnh cửa cùng với chiếc mũ cát-két nát nhẽo vì sũng nước.
- Ở chỗ các ngài ấm quá. Nhiều người cũng hấp hơi nhỉ?
- Chúng tôi vừa đốt lửa. Tệ hại nhất là nước mạch dưới đất cứ rỉ lên. Quỷ quái nào biết được, mưa thế nầy chúng mình cũng đến phải bán xới… có phải không? Ngài nghĩ thế nào, ngài Buntruc?
Buntruc sát sát hai tay vào nhau, khom lưng, ngồi xổm bên cái bếp lò nhỏ:
- Các ngài nên lấy gỗ mà lát mặt đất. Trong hầm của chúng tôi tuỵệt lắm, đi chân không cũng chẳng sao. Litnhitki đâu thế nhỉ?
- Ngủ rồi!
- Đã lâu chưa?
- Đi tuần về là lăn ra giường.
- Đã đến lúc đánh thức dậy chưa?
- Ngài lay dậy đi. Đánh ván cờ chơi.
Buntruc đưa ngón tay trỏ miết cho hết nước mưa trên hai hàng lông mày vừa thô vừa rậm rồi khẽ gọi, đầu vẫn không ngửng lên:
- Ngài Evgeni Nicolaevich?
- Ngủ say rồi - Người sĩ quan tóc hoa râm thở dài.
- Ngài Evgeni Nicolaevich?
- Gì thế - Evgeni Nicolaevich chống khuỷu tay nhỏm dậy.
- Ta đánh cờ đi.
Evgeni Nicolaevich thõng chân, đưa bàn tay nhẽo nhợt hồng hồng lên xát rất lâu bộ ngực mũm mĩm.
Sắp chơi xong ván đầu thì có hai viên sĩ quan đại đội năm bước vào: đại uý Kalmykov và trung uý Trubov.
- Có tin mới đây! - Kalmykov vừa bước tới ngưỡng cửa đã kêu lên. - Rất có thể là trung đoàn chúng ta sẽ được điều khỏi nơi nầy.
- Tin từ đâu thế? - Viên thượng uý tóc hoa râm Merkulov mỉm cười vẻ không tin.
- Bác không tin à, bác Petia?
- Tôi thú thật chẳng tin chút nào.
- Đại đội trưởng đại đội pháo gọi dây nói báo cho chúng tôi biết đấy!
- Làm thế nào mà hắn biết được à?
- Hắn vừa ở ban tham mưu sư đoàn về hôm qua mà lại.
- Được tắm hơi nước một mẻ thì cũng thú đấy.
Trubốp mỉm cười khoái trá và làm ra vẻ như đang cầm cái chổi đập vào hai bên mông hắn(1). Merkulov bật cười:
- Trong hầm chúng tôi chỉ cần đặt cái nồi lên là xong. Nước thì ê hề, muốn bao nhiêu cũng có.
- Ẩm ướt quá, ẩm ướt quá, các ngài chủ nhà ạ - Kalmykov đưa mắt nhìn khắp bức tường ghép bằng gỗ tròn và mặt đất sũng nước rồi lầu bầu.
- Bãi lầy ở sát cạnh sườn mà lại.
- Thôi các ngài hãy cảm tạ Đấng chí tôn đã cho các ngài được ngồi trong bãi lầy, chẳng khác gì được nằm trong lòng Chúa cứu thế, - Buntruc nói xen vào. - Ở các chỗ khô ráo sạch sẽ, người ta đang phải tấn công đấy, còn chúng ta ở đây, thì cả một tuần mới bắn hết một băng đạn.
- Tấn công còn hơn là nằm ở đây để thối rữa dần ngay khi còn sống sờ sờ.
- Thôi đi bác Petia ơi, người ta nuôi bọn Cô-dắc chúng mình đâu phải để đem nướng trong những trận tấn công. Bác làm vẻ ngây thơ cụ như thế chỉ là giả dối thôi.
- Thế theo ý cậu thì để làm gì?
- Theo một thói quen đã có từ xưa, mỗi khi cần chính phủ tìm cách dựa vào dân Cô-dắc để chống đỡ.
- Cậu chỉ nói chuyện nhảm nhí, - Kalmykov xua tay.
Tại sao như thế lại là nhảm nhí?
Như thế đấy thôi, Thôi đi, ngài Kalmykov ơi, sự thật thì không thể nào bác bỏ được đâu - Trong chuyện ấy làm gì có sự thật sự thiếc gì…
- Nhưng đó là một điều ai cũng biết. Bác vờ vẫn làm gì nữa?
- Chú ý, xin các ngài sĩ quan chú ý. - Trubov hô to rồi cúi chào như trên sân khấu, chỉ Buntruc. - Bây giờ thiếu uý Buntruc sẽ ra nói tiên tri theo sách sấm của Đảng xã hội dân chủ(2)
- Ngài làm trò múa rối đấy à? - Hai con mắt của Buntruc làm Trubov phải nhìn ra chỗ khác, anh cười gằn.
- Nhưng không sao, ngài cứ tiếp tục đi, mỗi người đều có năng khiếu và sứ mạng của mình. Tôi nói rằng từ giữa năm ngoái, chúng ta đã không còn chính mắt nhìn thấy chiến tranh nữa rồi. Vừa bắt đầu chuyển sang chiến tranh trận địa(3) là các trung đoàn Cô-dắc được phân ngay đến những nơi thâm sơn cùng cốc và xếp xó để chờ đúng lúc cần thiết.
- Rồi sau đó thì sao? - Evgeni xếp những quân cờ hỏi.
- Rồi sau đó, khi nào trên mặt trận bắt đầu có những phong trào phản đối (mà điều đó thì không thể tránh được: binh lính đã bắt đầu chán ghét chiến tranh, chứng cớ rành rành là số lính đào ngũ đang ngày càng tăng), lúc ấy lính Cô-dắc sẽ được tung đi dẹp các cuộc bạo động. Chính phủ giữ bộ đội Cô-dắc cũng như người ta mắc sẵn một hòn đá lên đầu cái gậy. Khi cần sẽ lăng hòn đá ấy để đập vỡ sọ cách mạng…
- Anh bạn hết sức thân mến của tôi ơi, anh mải mê đi quá xa rồi đấy! Những điều anh giả thiết không đứng vững được đâu. Trước hết là con người không thể nào biết bước phát triển của sự việc. Anh dựa vào đâu mà biết rằng trong tương lai sẽ có những phong trào phản đối và gì gì nữa? Nếu chúng ta giả thiết như thế nầy chẳng hạn: quân đội đồng minh đánh tan quân Đức, chiến tranh kết thúc một cách vẻ vang thì lúc đó anh sẽ trao cho dân Cô-dắc vai trò thế nào? Evgeni vặn lại.
Buntruc cười nửa miệng:
- Kết cục đâu có được như thế, hơn nữa lại còn đòi một kết cục vẻ vang.
- Chiến sự còn đang kéo đài…
- Còn kéo dài lê thê nữa là khác - Buntruc nói trước.
- Cậu nghỉ phép về từ bao giờ thế - Kalmykov hỏi.
- Từ hôm kia. - Buntruc chúm môi, đá lưỡi, đẩy ra một đám khói nhỏ, rồi nhổ mẩu thuốc còn lại.
- Cậu nghỉ phép ở đâu thế?
- Ở Petrograd.
- Thế ở trên ấy ra sao? Kinh đô náo nhiệt lắm đấy nhỉ? Chà, mẹ khỉ, nếu được về đấy một tuần thì mất gì mình cũng chẳng tiếc.
- Chẳng có gì thú vị lắm đâu, - Buntruc nói, anh cân nhắc từng tiếng, - Không có đủ bánh mì mà ăn. Trong các khu thợ thuyền chỉ thấy đói kém, bất mãn và phản đối ngấm ngầm.
- Chúng ta sẽ không thể bình an vô sự rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh nầy đâu. Các ngài thấy thế nào, thưa các ngài? - Merkulov nhìn tất cả mọi người, mắt có vẻ dò hỏi.
- Chiến tranh Nga - Nhật đã làm nổ ra cuộc Cách mạng một ngàn chín trăm linh năm. Chiến tranh lần nầy sẽ lại chấm dứt bằng một cuộc cách mạng nữa. Mà không phải chỉ cách mạng thôi đâu, còn nội chiến nữa là khác.
Trong khi nghe Buntruc nói, Evgeni có một cử chỉ không dứt khoát định nói lên ý gì, có lẽ hắn muốn ngắt lời thiếu uý giữa lúc anh ta chưa nói hết câu. Rồi hắn đứng dậy, đi đi lại lại trong hầm, mặt cau có. Hắn cố ghìm vẻ phẫn nộ, bắt đầu nói:
- Tôi rất ngạc nhiên thấy trong giới sĩ quan chúng ta lại có những phần tử như thế nầy, - Evgeni vung tay về phía Buntruc đang ngồi với cái lưng gù gù. Tôi ngạc nhiên vì cho đến nay, tôi vẫn chưa nhìn thấy rõ thái độ của anh ta đối với Tổ quốc, đối với chiến tranh… Một hôm trong lúc nói chuyện, anh ta đã phát biểu ý kiến một cách rất mập mờ, nhưng dù sao cũng đủ cho thấy rõ rằng anh ta muốn chúng ta thua trong cuộc chiến tranh nầy. Buntruc, tôi hiểu ý anh như thế có đúng không?
- Tôi tán thành thua trận.
- Nhưng sao lại thế được? Theo tôi thì dù anh là một người có những quan điểm chính trị như thế nào, nhưng mong muốn Tổ quốc mình thua trận thì đó là… phản quốc. Đó là điều nhục nhã đối với bất cứ một người đúng đắn nào!
- Các ngài còn nhớ không, cánh những người Bolsevich trong Duma(4) đã vận động chống chính phủ, và chính như thế chẳng phải là góp phần đẩy chúng ta tới thua trận hay sao? - Merkulov nói xen vào.
- Buntruc, anh tán thành quan điểm của họ phải không? Evgeni hỏi.
- Nếu tôi tuyên bố tán thành thua trận thì như vậy là tôi cũng tán thành quan điểm của họ. Nếu tôi, một đảng viên Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga mà không tán thành quan điểm của đảng đoàn đảng mình thật là buồn cười. Evgeni Nicolaevich ạ, tôi ngạc nhiên hơn anh nhiều vì anh là một người có học mà lại dốt nát về chính trị như thế…
- Tôi trước hết là một người lính trung với vua. Chỉ bóng dáng một "đồng chí Đàng viên đảng xã hội" cũng đủ làm tôi nghịch mắt rồi.
"Mày trước hết là một thằng ngu xuẩn, ngoài ra chỉ là một thằng anh hùng rơm tự cao tự đại", Buntruc nghĩ thầm và dập tắt nụ cười trên môi.
- Không có thượng đế nào khác, ngoài Ala(5)…
Trong giới quân nhân đã có một tình trạng thật là đặc biệt, Merkulov nói xen vào giọng như tự nhận lỗi:
- Không hiểu vì sao tất cả chúng ta đều đứng ngoài chính trị, anh nào cũng đèn nhà ai người ấy rạng.
Viên đại uý Kalmykov ngồi vê vê hai hàng ria quặp, cặp mắt xếch như mắt người Mông cổ sáng bừng bừng, nom rất sắc sảo. Trubov nằm trên giường, vừa lắng nghe giọng nói của mấy người điều qua tiếng lại, vừa ngắm bức tranh Merkulov vẽ ghim trên tường, đã vàng khè vì ám khói thuốc lá: một người đàn bà áo xống hở hang, mặt như bà thánh Madelen(6), mỉm nụ cười mệt mỏi và dâm đãng, mắt cúi xuống nhìn bộ ngực thỗn thện của mình. Hai ngón bàn tay trái khẽ kéo một đầu vú nâu nâu, ngón tay út tách ra, giơ lên, cố giữ chiếc áo lót đang tụt xuống, một vệt sáng mịn màng nổi lên trong chỗ hõm xương đòn gánh. Dáng nằm của người đàn bà thật quá yểu điệu, tự nhiên quá, các màu sắc kín đáo đẹp không tả được, vì thế Trubov bất giác mỉm cười, đắm đuối ngắm bức tranh vẽ với tài nghệ bậc thầy, và những lời trao đổi tuy có đưa đến tai hắn, nhưng không lọt được vào óc hắn.
- Tuyệt quá! - Trubov rời mắt khỏi bức tranh, kêu lớn những lời khen trầm trồ ấy thật không đúng lúc, vì nó rứt vào ngay khi Buntruc vừa nói xong câu:
- Chế độ Nga hoàng sẽ bị tiêu diệt, các ngài có thể tin là như thế?
Evgeni vừa cuốn điếu thuốc, vừa mỉm cười chua chát. Hắn hết nhìn Buntruc lại nhìn Trubov.
- Buntruc! - Kalmykov kêu lên. - Hượm cho mình nói đã, Litnhitki… Buntruc, ngài có nghe thấy tôi nói không? Thôi được rồi, cứ cho là chiến tranh nầy sẽ chuyển thành nội chiến… nhưng rồi sau sẽ ra sao cơ chứ? Được, các ngài sẽ lật đổ chế độ quân chủ, nhưng theo ý ngài, cách cai trị sẽ như thế nào? Chính quyền sẽ là chính quyền gì?
- Chính quyền của giai cấp vô sản.
- Nghị viện, có phải không?
- Thế thì chưa mùi gì? - Buntruc mỉm cười.
- Vậy đích xác là gì?
- Phải là nền chuyên chính của công nhân.
- À ra thế! Còn các phần tử trí thức và nông dân sẽ đóng vai trò gì?
- Nông dân sẽ đi theo chúng tôi, một phần những người trí thức biết suy nghĩ, còn thì… đối với số còn lại chúng tôi sẽ làm thế nầy nầy… - Loáng một cái Buntruc đã xoắn chặt một tờ giấy cầm trong tay từ lúc nầy, lắc lắc mấy cái, rồi nói rít rít qua kẽ răng - Đấy, chúng tôi sẽ làm như thế đấy!
- Các anh bay cao quá nhỉ… Evgeni cười nhạo.
- Và cũng sẽ ngồi cao, Buntruc nói thêm.
- Nếu thế cần phảỉ trải sẵn rơm.
- Không hiểu ma dẫn lối, quỉ đưa đường thế nào mà ngài lại tình nguyện ra mặt trận thậm chí leo lên đến hàm sĩ quan nữa? Những chuyện ấy thì làm thế nào ăn khớp với các quan điểm của ngài được?
- Thật là kỳ quặc! Một con người chống chiến tranh… hà hà… chống việc giết hại những người anh em giai cấp của mình, thế mà đùng một cái… là một thiếu uý?
Kalmykov vỗ bồm bộp hai bàn tay vào ống đôi ủng của hắn, cười phá lên một cách hồn nhiên.
- Thế ngài đã chỉ huy đội súng máy của ngài đưa bao nhiêu công nhân Đức xuống thăm Diêm vương rồi? - Evgeni hỏi.
Buntruc rút trong một túi bên của áo ca-pốt ra một cuộn giấy to tướng rồi quay lưng về phía Litnhitki, tìm kiếm trong đó giờ lâu. Cuối cùng anh bước tới cái bàn, đưa bàn tay rộng bè bè, gân guốc, vuốt phẳng một tờ giấy báo cũ vàng khè.
- Tôi đã bắn chết bao nhiêu công nhân Đức rồi, đó… là một vấn đề đấy. Còn chuyện tôi tình nguyện đi lính thì chỉ vì không tình nguyện cũng bị bắt đi như thường. Tôi nghĩ rằng những điều hiểu biết thu lượm được ở đây, trong chiến hào, sẽ có ích sau nầy… có ích trong tương lai. Đây, trong nầy viết như thế nầy nầy… - Và Buntruc đọc những lời của Lênin:
"Chúng ta hãy xem quân đội hiện đại. Đó là một trong những mẫu mực tốt về tổ chức. Và tổ chức nầy chỉ tốt vì nó mềm dẻo linh hoạt, đồng thời có thể đem lại một ý chí thống nhất cho hàng triệu người. Hôm nay, hàng triệu con người ấy còn ngồi ở nhà tại những miền khác nhau trong nước: Nhưng ngày mai, có lệnh động viên là họ tập họp ngay được ở những địa điểm đã chỉ định. Hôm nay họ còn nằm trong chiến hào: có khi nằm hàng tháng. Nhưng ngày mai họ sẽ xông lên xung phong trong một cách sắp xếp khác. Hôm nay họ làm những phép màu trong khi nấp tránh những đạn thường và đạn ghém. Nhưng ngày mai họ sẽ làm những phép màu trong khi chiến đấu trên địa hình trống trải. Hôm nay các chi đội tiên phong của họ đặt mìn dưới đất, nhưng ngày mai các chi đội ấy sẽ tiến hàng chục vec-xta trên mặt đất theo sự hướng dẫn của những người lái máy bay. Như thế gọi là tổ chức, khi hàng triệu con người, cùng nhằm một mục đích chung, cùng sôi sục một ý chí chung, thay đổi hình thức quan hệ và hình thức hành động của mình, thay đổi địa điểm và các phương thức hành động, thay đổi các vũ khí và công cụ cho phù hợp với các hoàn cảnh và yêu cầu đang thay đổi của cuộc đấu tranh. Vấn đề cũng như thế đối với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản. Ngày nay còn chưa có tình huống cách mạng…".
- Nhưng "tình huống" là gì nhỉ? - Trubov ngắt lời Buntruc.
Buntruc ngọ nguậy như một người bất thần bị đánh thức giữa lúc đang ngủ mê. Anh đưa khớp ngón tay cái lên cọ vào cái trán sần sùi, cố nghĩ xem Trubov vừa hỏi gì.
- Tôi muốn hỏi cái từ "tình huống" nghĩa là gì?
- Hiểu thì tôi hiểu, nhưng giải nghĩa cho xác đáng thì tôi không làm được… - Buntruc nở một nụ cười trong sáng, giản dị như con nít, kể cũng lạ khi nhìn thấy một nụ cười như thế trên khuôn mặt âm thầm, to bè bè của Buntruc, chẳng khác gì trên một cánh đồng mùa thu, rầu rĩ dưới mưa dầm lại thấy một chú thỏ non chưa thôi bú lông xám nhạt vừa chạy qua vừa nhảy nhót nghịch ngợm. - Tình huống là tình thế, là cục diện, đại khái có nghĩa là như thế. Không biết tôi nói có đúng không?
Evgeni khẽ lắc đầu, không hiểu ý hắn ra sao.
- Anh đọc nữa đi.
- "Ngày nay còn chưa có tình huống cách mạng, chưa có những điều kiện làm cho quần chúng sôi sục, nâng cao tính tích cực của quần chúng, ngày nay người ta mới đặt vào tay anh một tấm phiếu đi bầu, anh phải nắm lấy phải biết tổ chức, sao cho có thể dùng nó để đánh bại những kẻ thù của mình, chứ không phải để đưa vào những chỗ êm ấm trong nghị viện những kẻ cố bám lấy cái ghế bành vì sợ phải ngồi tù. Ngày mai người ta sẽ lấy lại tấm phiếu bầu ấy của anh, sẽ đặt vào tay anh khẩu súng trường và cỗ đại bác tuyệt diệu có tốc độ bắn rất nhanh, chế tạo với kỹ thuật cơ khí tối tân nhất, anh hãy nắm lấy các công cụ gieo chết chóc và phá hoại ấy, chớ nghe theo những kẻ tình cảm chủ nghĩa, chuyện than vãn rên rỉ, sợ chiến tranh. Trên thế giới còn có quá nhiều những kẻ cần phải tiêu diệt bằng lửa và sắt thép để giải phóng giai cấp thợ thuyền, và nếu lòng căm hờn và tuyệt vọng trong quần chúng đã tăng lên, nếu đã có tình huống cách mạng, thì anh phải sẵn sàng thành lập những tổ chức mới, đem dùng các công cụ gieo chết chóc và phá hoại rất có ích ấy để chống lại chính phủ nước mình và giai cấp tư sản nước mình…".
Buntruc chưa đọc xong đã thấy tên quản của đại đội năm gõ cửa, bước vào trong hầm.
- Bẩm quan lớn, có liên lạc trên trung đoàn bộ - Hắn báo cáo Kalmykov.
Kalmykov và Trubov mặc áo rồi đi ra ngoài. Merkulov vừa huýt sáo vừa ngồi xuống vẽ. Evgeni vẫn vê vê hai hàng ria, đi đi lại lại trong hầm, không biết đang mưu tính chuyện gì. Chẳng mấy chốc Buntruc cũng chào hai lên ra về. Anh đi lần theo dãy hào giao thông bùn lầy nhầy nhụa, tay trái giữ cổ áo, tay phải khép tà áo ca-pôt. Gió thổi từng trận theo lòng hào nhỏ hẹp, đập vào các bậc ụ đất trên vách hào, vừa rú vừa xoáy. Buntruc bước trong bóng tối, không hiểu sao khẽ nhếch mép cười. Về đến căn hầm của anh thì từ đầu đến chân anh đẫm nước mưa và nặc mùi lá liễu đỏ mục. Viên đội trưởng đội súc máy đã ngủ từ bao giờ. Trên khuôn mặt da bánh mật có hàng ria đen xì còn in những vết thâm quầng vì mất ngủ (hắn đã vùi đầu vào sát phạt ba đêm liền). Buntruc lục lọi trong túi dết của lính mà anh vẫn còn giữ, lấy ra một đống giấy mang ra gần cửa đốt. Anh nhét vào các túi quần hai hộp đồ hộp và vài vốc đạn súng ngắn rồi ra ngoài. Cánh cửa vừa mở ra trong một giây, gió đã ùa vào, thổi bay tứ tung đám tro xám còn lại sau khi Buntruc đốt đống giấy bên ngưỡng cửa, làm ngọn đèn mù khỏi tắt ngấm.
Sau khi Buntruc ra về, Evgeni nín thinh đi đi lại lại chừng năm phút, rồi đến bên chiếc bàn. Merkulov vẫn ngoẹo đầu xuống vẽ.
Chiếc bút chì vót nhọn trải ra trên tờ giấy trắng những đám đen đen chỗ đậm chỗ nhạt. Khuôn mặt của Buntruc hiện lên trên tờ giấy hình vuông với nét cười nửa miệng ngày thường của anh, cái cười như bất đắc dĩ.
- Cái mõm thằng cha nom rắn rỏi tệ, - Merkulov rời tay khỏi bức vẽ, rồi ngước nhìn Litnhitki.
- Phải, nhưng thế nào cơ chứ? - Litnhitki hỏi.
- Quỷ quái nào hiểu được nó? - Merkulov vừa trả lời vừa cố đoán xem đích xác Litnhitki muốn hỏi gì. - Nó quả là một thằng kỳ quặc. Bây giờ nó mới nói ra ý nghĩ của nó và nhiều điểm đã rõ ràng, còn trước kia mình thật chẳng biết đường nào mà lần khi muốn "giải mã" nó. Cậu biết không, trong bọn Cô-dắc, nó có ảnh hưởng lớn lắm đấy đặc biệt là ở chỗ bọn súng máy. Cậu không nhận thấy điều đó.
- Phải, - Litnhitki trả lời mập mờ.
- Bọn súng máy thì tất cả chúng nó đều là Bolsevich hết. Nó đã tuyên truyền xúi giục được bọn ấy rồi. Hôm nay mình rất ngạc nhiên thấy nó lật hết các quân bài của nó. Để làm gì thế nhỉ? Hay là nó muôn trêu gan chọc tức chúng mình, đúng thế đấy! Nó cũng biết trong đám chúng mình chẳng có thằng nào tán thành các quan điểm như thế, thế mà nó vẫn nói toạc móng heo tất cả ra. Mà nó đâu phải là một thằng bồng bột phổi bò. Một phần tử nguy hiểm đấy.
Merkulov đặt bức vẽ xuống, rồi vừa nói lên các ý nghĩ phân tích hành động kỳ dị của Buntruc, vừa cởi quần áo. Hắn treo đôi bít tất ẩm sì lên phía trên cái bếp lò nhỏ, lên dây đồng hồ, hút hết điếu thuốc rồi nằm xuống. Chẳng mấy chốc hắn đã ngủ thiếp đi.
Litnhitki ngồi xuống chiếc ghế đẩu Merkulov vừa ngồi trước đó mười lăm phút. Hắn ấn đến gẫy chiếc bút chì gọt nhọn hoắt, viết ngay lên mặt sau bức vẽ những chữ rất to.
"Bẩm quan lớn,
Những điều dự đoán mà trước kia tôi đã có dịp báo cáo lên quan lớn đến nay đã được chưng thực hoàn toàn. Hôm nay, trong cuộc nói chuyện với vài sĩ quan trong trung đoàn chúng tôi (ngoài tôi ra, còn có mặt đại uý Kalmykov và trung uý Trubov thuộc đại đội năm thượng uý Merlukov thuộc đại đội ba, thiếu uý Buntruc đã trình bày rõ ràng các nhiệm vụ mà anh ta đang thực hiện theo chính kiến của anh ta và chắc hẳn theo chỉ thị của những kẻ nắm quyền trong đảng của anh ra. Tôi thú thật là cĩtng không hiểu hết anh ta nói ra như thế với mục đích gì. Anh ta còn mang trong người một cuộn giấy có tính quốc cấm. Chẳng hạn anh ta có đọc một đoạn trích trong tờ "Người cộng sản", cơ quan của đảng anh ta, in ở Geneve. Không còn nghi ngờ gì nữa, thiếu uý Buntruc đang làm công tác bí mật trong trung đoàn chúng ta (còn có thể đặt giả thiết rằng chính vì thế anh ta đã tình nguyện đi lính và tới trung đoàn). Bọn lính súng máy đã là những đối tượng để anh ta trực tiếp tuyên truyền vận động. Tinh thần chúng nó tan rã. Ảnh hưỏng tai hại của Buntruc đã biểu hiện trong tinh thần trung đoàn: đã từng có những trường hợp từ chối không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu mà tôi đã kịp thời báo cáo lên Phòng đặc vụ của sư đoàn,… vân vân.
Mấy ngày gần đây thiếu uý Buntruc vừa hết phép trở về (anh ta đã nghỉ phép ở Petrograd) mang theo rất nhiều sách báo phá hoại mà anh ta đã được cung cấp. Hiện nay anh ta đang hết sức khẩn trương tìm cách mở rộng hoạt động.
Sau khi tổng hợp tất cả những điều trình bày trên đây, tôi xin đi tới mấy kết luận như sau:
a) Tính chất phạm pháp của thiếu uý Buntruc đã được xác định (các sĩ quan có mặt trong buổi nói chuyện với anh ra có thể tuyên thệ chứng nhận những điều tôi báo cáo),
b) Nhằm mục đích chặn đứng hoạt động cách mạng của Buntruc ngay bây giờ cần phải bắt giữ anh ta và trao anh ta cho toà án binh dã chiến xét xử.
c) Cần phải tức tốc kiểm tra chặt chẽ đội súng máy, thanh trừ các phần tử đặc biệt nguy hiềm, còn lại bao nhiêu thì chuyển về hậu phương hoặc phân tán xuống các trung đoàn.
Xin quan lớn đừng quên rằng tôi sốt sắng, thực lòng muốn phục vụ Tổ quốc và Đức Vua. Tôi có gửi bản sao bức thư nầy cho S.T. Kov.
Đại uý Evgeni Litnhitki
Ngày 20 tháng mười năm 1916
Tiểu khu 7 Sáng hôm sau, Evgeni sai tên lính hầu mang bản báo cáo lên sư đoàn bộ. Ăn sáng xong, hắn ra khỏi hầm. Sau vách chiến hào, bùn nhão nhầy nhụa, sương mù chập chờn trên bãi lầy, vương từng đám trên bờ hào như bị ghim vào gai của những hàng rào dây thép. Bùn lõm bõm dưới đáy hào, dầy đến nửa vét-sốc(7) Những dòng suối nhỏ nâu nâu chảy ra trong các lỗ châu mai. Vài người lính Cô-dắc mặc những chiếc áo ca-pôt ẩm sì bùn lấm bê bết đang ngồi xổm hút thuốc và nấu nước trà trong những cái nồi kê trên những lá chắn súng máy, súng trường dựa trên vách hào.
Evgeni bước tới nhóm lính Cô-dắc đầu tiên ngồi quanh đống lửa khói um. Hắn quát lên, giọng hung hãn.
- Đã bảo chúng mày bao nhiêu lần là không được nhóm lửa trên lá chắn rồi hử? Bọn khốn nạn chúng mày không hiểu hay sao?
Hai người lính miễn cưỡng đứng dậy. Số còn lại vẫn vén tà áo ca-pốt ngồi nguyên đấy hút thuốc. Một gã râu xồm, da ngăm ngăm, có cái vòng bạc lúc lắc dưới dái tay nhăn nheo, vừa đút thêm một nắm củi vụn xuống dưới đáy nồi vừa trả lời:
- Bẩm quan lớn, chúng tôi cũng sẽ rất sung sướng nếu không phải dùng đến lá chắn, nhưng làm thế nào nhóm được lửa bây giờ? Quan lớn thử xem nước ngập ngụa như thế nầy! Không tới một phần tư ác-sin ấy à?
- Rút lá chắn ngay?
- Như thế là chúng tôi phải nhịn đói ngồi đây hay sao? Ra thế… - Một gã Cô-dắc mặt to bè, đầy tàn hương, vừa nói vừa cau có đưa mắt nhìn sang bên.
- Tao bảo mày… rút lá chắn ra? - Evgeni đưa ủng đá một cành cây đang cháy ra khỏi đáy nồi.
Gã râu xồm đeo vòng tai mỉm cười vẻ bối rối và tức tối, vừa múc nước mới ấm ấm trong nồi ra vừa khẽ nói:
- Thôi các cậu ạ cứ coi như là được uống nước trà rồi.
Bọn lính Cô-dắc âm thầm nhìn theo viên đại uý đi xa dần trong chiến hào. Trong hai con mắt ướt ướt của gã râu xồm có những ánh long lanh rung rung.
- Thằng chó, nó làm nhục mình!
- Chao ôi! Một người khác lồng dây đeo súng lên vai, thở dài thườn thượt.
Evgeni đi đến khu vực trung đội bốn thì Merkulov đuổi kịp hắn. Merkulov thở hổn hển bước tới, chiếc áo vét da còn mới tinh loạt soạt mùi thuốc lá hạng tồi nồng nặc. Hắn gọi Evgeni ra một chỗ, nói hấp tấp:
- Cậu biết tin chưa? Đêm qua Buntruc đào ngũ rồi…
- Buntruc ấy à? Sa-a-ao?
- Nó đào ngũ rồi… Cậu có hiểu không? Thằng Ichnachit đội trưởng súng máy nằm cùng hầm với thằng Buntruc nói rằng sau khi ở chỗ chúng ta ra, Buntruc không về hầm nó nữa. Như vậy là vừa ở chỗ chúng ta ra nó đã chuồn thẳng… Câu chuyện là như thế đấy.
Evgeni nheo mắt lau rất lâu cái kính kẹp mũi.
- Hình như cậu hồi hộp xao xuyến lắm thì phải? - Merkulov nhìn Evgeni có vẻ dò hỏi.
- Mình ấy à? Cậu làm sao thế, đầu óc vẫn bình thường đấy chứ?
- Làm sao mà chuyện ấy lại làm mình xao xuyến? Việc xảy ra bất ngờ nên mình ngạc nhiên thôi.
Chú thích:
(1) Khi tắm hơi nước, người Nga cầm cái chổi bện bằng những nhánh bạch dương đập vào người (ND).
(2) Nguyên văn "Sách giải mộng của Đảng xã hội dân chủ", Đảng xã hội dân chủ là tiền thân của Đảng cộng sản Liên Xô. (ND).
(3) Năm 1915 quân đội các nước đánh nhau trên mặt trận miền Đông đã kiệt sức, phải chuyển từ chiến tranh vận động sang chiến tranh trận địa (chiến tranh chiến hào), Mặt trận miền Tây đã chuyển sang trận đia chiến sớm hơn, từ cuối năm 1914 (ND).
(4) Quốc hội nước Nga thời Nga hoàng, thành lập năm 1906, cải tổ năm 1907, bị người Bolsevich giải tán năm 1917 (ND).
(5) Dịch nghĩa khẩu hiệu của người theo đạo Hồi trong các cuộc chiến tranh đánh những người theo đạo khác "La in is-kha-in-a-la". Ý Buntruc muốn bảo Evgeni. "Mày chỉ là một thằng cuồng tín" (ND).
(6) Theo Kinh thánh, là một người đàn bà trụy lạc, được Giêsu cứu về sau hiển thánh, lễ ngày 22 tháng bảy (ND)
(7) Mỗi véc-sốc là 4,4cm.

Truyện SÔNG ĐÔNG ÊM ĐỀM LỜI NGƯỜI DỊCH Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 Chương 171 Chương 172 Chương 173 Chương 174 Chương 175 Chương 176 Chương 177 Chương 178 Chương 179 Chương 180 Chương 181 Chương 182 Chương 183 Chương 184 Chương 185 Chương 186 Chương 187 Chương 188 Chương 189 Chương 190 Chương 191 Chương 192 Chương 193 Chương 194 Chương 195 Chương 196 Chương 197 Chương 198 Chương 199 Chương 200 Chương 201 Chương 202 Chương 203 Chương 204 Chương 205 Chương 206 Chương 207 Chương 208 Chương 209 Chương 210 Chương 211 Chương 212 Chương 213 Chương 214 Chương 215 Chương 216 Chương 217 Chương 218 Chương 219 Chương 220 Chương 221 Chương 222 Chương 223 Chương 224 Chương 225 Chương 226 Chương 227 Chương 228 Chương 229 Chương 230 Chương 231 Chương 232 (Chương kết)