Nhà văn N.K, người Hiệp đã yêu quý từ lâu, gửi thư mãi Thành phố Hồ Chí Minh ra: “Sắp tới mình ra Hà Nội họp, muốn tới chỗ ông chơi. Ông tìm cho mình gặp mấy nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra. Mình muốn hỏi chuyện thẳng họ, biết đâu có thể viết về họ”.
Hiệp cười. Tưởng gì, muốn gặp mấy “nhà tỷ phú” thời mới nào có khó. Vùng này mấy năm nay nhan nhản các ông chủ, bà chủ đứng đầu hàng tỉnh, có vị vươn sang địa phương bạn, có vị mò mẫm tung hàng tận châu Mỹ, châu Âu. Hiệp vội vã viết thư mời nhà văn. Kể ông này cũng nhiễu sự. Dễ trong đó không còn ai chắc? Nhưng để thay đổi chỗ ở, thay đổi con người, hẳn cảm xúc cũng dễ đến hơn. Cũ người thì mới ta!
Hiệp bị viêm khớp, phải đi bệnh viện Trung ương. Người lái chiếc xe con là bạn con rể Hiệp, hai đứa cùng học phổ thông, cùng vào đại học, giờ mỗi đứa mỗi nghề. Nghe tin bố bạn ốm nặng, cậu chàng đánh hẳn chiếc xe mới tinh về đón: “Thưa bố, bố phải đi xe này mới đảm bảo bệnh tình. Con sẽ lái chậm, tránh mọi ổ gà, đưa bố đến phòng khám trước giờ làm việc”. Chàng ta nói liến thoắng, rồi cười phá, sợi tóc hớt cua rung rung trên đầu, che đi bộ mặt gầy gò xương xẩu. Hiệp cười nụ. Đúng giọng anh chàng “xế”. Chuyện nổ ngô rang, từ lúc lên xe đến dọc đường dài. Như lâu lắm mới gặp lại. Như lạc nhau mấy mươi năm, nay được dịp hàn huyên. Cậu con rể Hiệp cũng ồn ào chuyện. Xem chừng hai ông bạn này khó dứt nổi tâm sự.
- Này anh, ta giới thiệu tên tuổi nhau đi chứ?
- Xin vâng. – Anh chàng vòng vội tay lái tránh một vũng nước. – Con tên Luân, Nguyễn Kim Luân. Ông thì con rõ từ rất lâu, khỏi phải nói thêm. Dạo này ông nghỉ hưu hay còn làm việc?
- Tôi hưu dăm năm nay rồi. Cái bệnh khớp quái ác, nó sưng tấy đầu gối, sưng tấy mắt cá chân, đau buốt đêm ngày, không đi lại được. Lắm lúc đau quá, ôm chân trên giường, đầu óc tỉnh queo muốn chết lắm!
- Ấy chớ, bố không được quyền nghĩ thế. Bố phải sống vài chục năm nữa cho chúng con nhờ.
- Tôi còn làm được việc gì, các anh bảo nhờ. Bận chân các anh thì có. Đúng đau gì khổ nấy. Các anh đau khớp đâu mà biết.
- Chúng con chưa đau khớp nhưng đau thứ khác, thưa bố đau tiền. Suốt ngày con chỉ quẩn quanh mỗi chữ tiền. Ngày nào không kiếm được mươi, mười lăm triệu là bồn chồn, tất cả sẽ treo niêu.
- Anh lái xe này, kiếm sao nổi số tiền to ấy? Chả nhẽ buôn đô-la, buôn vàng?
Chàng Luân tủm tỉm cười, tiếp tục tăng ga. Chiếc xe lướt nhẹ, mặt đường nhựa. Cậu con rể Hiệp vội đỡ lời bạn:
- Thưa bố, con quên giới thiệu. Cậu Luân đây là giám đốc một Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng công nghiệp lớn. Chiếc xe này là chiếc thứ năm cậu ấy mua và tự lái lấy. Đơn vị cậu ấy đóng giữa thủ đô, có bốn ngôi nhà cao tầng, trong tay vốn lưu động cũng vài chục tỷ.
Hiệp giật mình. Anh chàng này là một giám đốc, lại giám đốc tấm món? Ông đảo mắt nhìn Luân lần nữa, xem cung cách anh chàng đúng mác ấy không? Ông lặng người, ít chuyện. Ông ngượng. Xưa nay ông vẫn nghĩ, giám đốc một doanh nghiệp phải anh chàng cỡ khác. Ông đã viết một truyện, anh chàng giám đốc của ông là một cán bộ trung lưu, đến đâu cũng com lê cà vạt, cũng bụng phệ lặc lè, cũng đèo thêm cô thư ký trẻ. Bao nhiêu chuyện xảy ra cũng từ cô thư ký này. Những chữ ký khống lấy trộm vật tư, những chữ ký rút tiền ngân hàng chia nhau, những chữ ký kèm theo những chiếc hôn. Bà vợ ông ta mò mẫm tìm ra khách sạn ông trú. Bà bắt quả tang chồng cùng “con đĩ” ngay trên giường. Ông viết và được đăng trang nhất một tờ văn nghệ. Con rể ông đọc, nó vốn giáo viên chịu khó đọc văn chương, rụt rè: “Bố viết thế này, mấy ông giám đốc đọc được chỉ thiếu nước độn thổ. Hình như, con nói hình như thôi, các cây bút bây giờ thành kiến nặng với mấy nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Trang viết rứa, điện ảnh rứa, sân khấu cũng rứa. Thấy mặt họ xuất hiện thì y như tiêu tiền chùa như xé vải, là thêm cô thư ký trẻ khuynh đảo, là mắt la mày lém. Chẳng rõ họ đang làm ăn những gì ngoài chuyện chơi bời, tiệc tùng xả láng, bồ bịch lăng nhăng, bỏ bễ gia đình vợ con”. Ông Hiệp tự ái: “Dễ tôi viết không đúng. Anh thử lượn ngoài phố, đến các khách sạn, các tiệm ăn, các khu vui vầy xem. Những người bình dân, thu nhập thấp như cánh tôi, cả đời sống không thể bén mảng tới. Họ uống rượu ngoại như uống nước lã, một chai John Walker cũng triệu trên triệu dưới. Mấy con nhóc tháp tùng thì ỏn ẻn ngồi đứng, ngứa cả mắt. Đạo đức xem chừng đang đảo điên, lộn tùng phèo hết”. Cậu con rể nhìn bố vợ, chống chế: “Con đâu nói bố viết sai. Con muốn nói bố viết chưa đầy đủ. Bố hãy tới mấy vị trời phú nọ xem tận mắt cung cách họ làm lụng lẫn thực sống. Nếu vị nào cũng na ná như các bố viết thì đất nước mình chỉ một nước chết. Đồng tiền lúc này làm ra đâu dễ, đổ mồ hôi lẫn sôi nước mắt, còn đổ cả máu nữa”. Ông Hiệp lim dim mắt. Chiếc xe bon khá nhẹ mà các gối khớp vẫn cọ nhau đau nhói. Luân vẫn nhịp nhàng vòng lái, đường cái năm nay hầu như bê tông hoá, xe băng vài chục cây số giờ nhẹ như không. Hai bên đường dày kín nhà mới cất hoặc đang xây dở, ngổn ngang gạch đá vôi vữa. Đất nước vào công nghiệp hoá, tiến độ xây dựng ồ ạt nom nhỡn tiền. Trên đỉnh một nhà đang cất nóc, mấy cô gái chuyền các xô vữa nói cười thật sự vui vẻ tươi tắn.
- Này, anh Luân ạ, anh đọc báo có rõ cụm chung cư nhà Thanh Xuân bị rút bớt mấy chục cột thép. Chúng thật gan, giám sát và thi công thông đồng nhau. Chúng bít kín các lỗ bê tông giữa các cột, cốt, tránh bên chủ kiểm tra.
- Dạ, con đọc rồi. Bởi thế hơn chục đứa phải vào nhà pha bóc lịch. Bởi thế những nhà chung cư khác mang vạ, xây xong không có người hỏi mua, đành im ỉm khoá. Người mua mặc cả liệu phòng ở trụ nổi năm mươi năm không. Người bán tắc cổ, không thể trả lời. Trong kéo ra, ngoài đẩy vào, đầu Ngô mình Sở, chẳng còn ra sao.
- Theo anh, phải vì mất đoàn kết, chia chác không công minh nên tố nhau, chuyện vỡ lở ra?
- Cũng một phần. Cái này bên công an họ biết kỹ, họ tung trinh sát ngay từ ngày đầu xây dựng. Nhưng theo con, đây còn là miếng đòn hiểm với người lãnh đạo cao hơn. Chính con cự lại đồng chí phụ trách. Đồng chí ấy bảo: “Công trình này là chủ trương của cấp uỷ dành cho người có thu nhập thấp, các cơ sở phải đúng lịch xây dựng”. Con nói: “Công trình xây xong, địa phương cất cho ai ở là quyền địa phương. Riêng quỹ vốn mới đáng phải nói. Không thể vì cái mác dành cho hộ thu nhập thấp mà rút bớt tiền các hạng mục. Nhà ở lâu dài, phải đâu cái lều cái quán mà bảo cất thế nào cũng xong”.
- Theo anh, không thể có ăn cắp vật tư trong chuyện này?
- Có chứ, vậy mới phải tù, mới treo niêu. Trong xây dựng không có chuyện làm nhà chỉ dành riêng người thu nhập thấp. Tất cả đều phải đúng quy trình kỹ thuật, đúng đồng tiền bỏ ra. Phân phối tất khác. Chiểu theo chính sách, hộ nghèo không đủ tiền mua thì chính quyền sẽ cân đối ngân quỹ bù trừ.
- Công ty anh hiện đang có bao nhiêu người?
Cậu con rể Hiệp nhanh nhảu:
- Công ty Luân là một công ty lớn, làm ăn hợp đồng với cả nước. Bộ phận kỹ thuật gồm hai lăm kỹ sư và kiến trúc sư, phần lớn thạo nghề. Thợ sản xuất gồm năm trăm người.
Luân đảo tay lái, giòn giã tiếp:
- Học xong đại học, con vào làm Nhà nước dăm năm. Dọc đường công tác, thấy bao nhiêu bất hợp lý không chịu được, con xin nghỉ việc. Mình vốn người làm lụng, chân tay thừa thãi thì không yên, cô vợ lại mặt mũi xưng xỉa cằn nhằn, con liền bổ đi làm tư. Con chạy tiền, chạy giấy tờ xin lập công ty. Mình mình bươn chải, đánh đông dẹp bắc, gây dựng dần mới được như ngày nay.
- “Ngày nay” gồm những nghĩa gì”?
Cậu con rể lại xắng xở:
- Nghĩa là Hà Nội có bốn ngôi nhà cao tầng dành cho sản xuất. Hải Dương, Hải Phòng đảm đương mấy chung cư. Quảng Ninh xây xong khu nuôi hải sản Bãi Cháy và khu cảng lẻ Cái Lân. Đà Nẵng bắt tay xây khu du lịch sông Hàn. Cả Đà Lạt, cả Thành phố Hồ Chí Minh…
- Thưa bố, con suốt ngày xa vợ con, suốt ngày quần với chiếc xe độc diễn này. Giao dịch cũng nó, chỉ huy cũng nó, thậm chí ăn chơi cũng nó. Mồ hôi mồ kê lúc nào cũng đẫm lưng. Bố tin không, con vừa vào thăm một anh bạn tù, thằng này mải vui ở đất nước người mất tăm nửa tháng trời, về nước bị thằng phó xốc cho một đòn nốc ao. Con hỏi nó cung cách gây dựng đơn vị, nó bảo: “Dùng đứa có tài thì tốt, nhưng phải nhớ đứa có tài lại phải có tâm, cái tâm suốt đời máu thịt với nghề nghiệp. Hãy xem chung quanh mình đứa tài nhan nhản, nhưng tâm dạ thì nhạt nhoét, chúng làm việc như cái máy, đứa nào chỉ biết đứa ấy”. Công ty con đang vào vòng làm ăn. Từ cái khâu tuyển người, con em bạn thân, con em con ông cháu cha vẫn nhận, nhưng nếu thử vài lần không nổi thì chuyển ngay lao động khác. Lao động chân tay cũng phải sớm thạo nghề, không dễ lơ mơ. Trong một công ty không thể còn kiểu người làm giả ăn thật, bỏ phứa từng công đoạn quy trình. Kìa, chỗ đầu cầu kia có một quán nước. Ta nghỉ mươi phút làm một hụm trà nhỉ? Con giờ hư đốn, sáng không ăn cũng xong nhưng không thể bỏ trà. Cái giống trà chỉ uống buổi sáng là sướng nhất, thú vị nhất.
Xe dừng, cô chủ quán trẻ măng đon đả mời khác. Hiệp ngỡ ngàng trước cảnh tượng đổi mới. Ngày nào qua đây còn phải sang phà, nạn chờ phả khổ quá đi đầy, phà chở ba bốn xe, dòng xe chờ dài hàng cây số. Con sông vẫn nhỏ như xưa, cây cầu đồ sộ bắc ngang nên sông càng như nhỏ hơn. Năm ba con đò bé bỏng lững thững cập bờ, chở người sang phố đi chợ quang gánh lổng chổng. Hiệp đảo mắt dọc cầu. Sớm, xe qua lại ít, cầu khá quang quẻ sạch sẽ. Dễ mấy năm ông mới đảo tới đây, trước có việc đi Hà Nội ông thường tắt đường khác, xa nhưng khỏi cảnh đợi phà đò.
Anh chàng Luân và cậu con rể vồn vã rót nước trà ra chén. Nom mã chúng thao tác, biết chẳng đứa nào chơi nghiện, không có dáng khoan thai của người ẩm trà sành điệu. Luân cung kính dâng ông chén trà bốc khói, miệng không ngớt động viên: “Ông khỏi lo nhỡ giờ. Con đã bấm rồi, kịp về Hà Nội ta làm bát phở Thìn. Riêng món phở thì thủ đô mình đặc sản. Không chỉ phở Thìn Bờ Hồ. Mà còn phở Bát Đàn, phở Ngô Quyền, phở Lý Quốc Sư… Con sẽ dẫn bố đến nơi nào bố thích. Nghe nói hồi chống Mỹ, bố suýt ăn bom tại bến phà này?”.
Ông Hiệp khẽ gật đầu. Cái hồi ấy xa lắc xa lơ, gần bốn chục năm rồi. Ông qua dây, một tràng bom xé rát tai nổ ngay đầu bến. May, ông chỉ bị đất bờ sông vùi, khi tỉnh lại thấy mình nằm trong bệnh viện dã chiến sơ tán đầu núi. Trong cái rủi hái được cái may. Tại đây ông gặp một cô nhân viên y tế. Cô này nền nã, chịu thương chịu khó chăm nom ông. Hai người yêu nhau, cưới nhau, sinh được cô con gái lớn. Vợ của anh chàng giáo viên văn đang xì xoạp uống trà cùng anh bạn Luân kia. Chóng quá!
Xe tiếp tục lên đường. Cây cầu rộng mượt, nhanh chóng lùi xa. Luân vi vu huýt sáo miệng, nom bề ngoài không thể đoán anh chàng đang ấp ủ nhiều mưu tính. Con chim lông đen kít đậu dọc đường, hốt hoảng tránh xe, bay vội lên cao.
- Ngày hôm nay, anh định làm những gì? – Hiệp hỏi tò mò thêm.
Luân thản nhiên:
- Đưa bố vào bệnh viên xong, con xin phép quay ngay về tỉnh lúa dưới kia. Trưa nay con phải họp với các cơ quan đương chức để ký biên bản quyết định. Này cậu - Luân ngoái sang phía con rể Hiệp - còn nhớ thằng Quân không? Cái thằng học cùng cánh ta, giờ làm phó cho công ty mình. Phân công hắn điều hành một hạng mục lớn, ký với bên Nam Dương. Hắn diễn ra cái trò y bên Thanh Xuân, rút bớt các cột cốt thép, ăn trộm vật tư. Trưa nay sẽ chính thức kết luận và mình sẽ thay mặt công ty ký vào.
Con rể Hiệp kêu to sau xe:
- Thằng cha sao quá liều? Nó không nghĩ đến hậu quả công trình, không nghĩ cái ngày phải đút tay vào còng số tám?
- Nghĩ chứ, nhưng đồng tiền bẩn thỉu thúc lưng nó. Nó đang bị tạm giam chờ xét xử. Ông ơi, thằng Quân này thực sự một thằng tài năng. Con tuyển nó không chỉ bạn, còn bởi cái tài của riêng nó. Đọc bản thiết kế nó thảo, nhận ra ngay sở ngón một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, rành mạch, đâu đấy, không chê được từ chi tiết nhỏ. Giữa kiến thức nhà trường, với thực tế thi công cách nhau thật xa. Nhà trường chỉ dạy ta kiến thức chung nhất, nhưng cũng cũ nhất. Còn thực tế cuộc sống mài rũa ta hiểu biết mọi chuyện cụ thể và luôn mới mẻ. Con đọc mẫu thiết kế Quân gửi, bụng bảo dạ thằng này được, nó không sách vở, nó đầy sáng tạo. Được nó cộng tác thì công ty ắt vào cầu, việc tất nở rộ.
- Vậy mà…, ông Hiệp toan nói hết ý nhưng vội ngừng. Ông muốn nghe Luân thổ lộ.
Luân thở dài:
- Con người ta chẳng biết đến đâu là dừng. Quân cũng rứa. Công ty Nam Dương là một đơn vị hùng mạnh. Bọn con cậy cục mãi mới thầu phụ được mấy công trình trọng tâm. Quân phụ trách điều hành một hạng mục. Nó chỉ huy đêm ngày tại chỗ. Tưởng yên, đâu ngờ nó loạn, xén đứt mất bốn cột thép. Công an người ta thoại tới con. Họ mời trưa nay giám đốc về Nam Dương nghe kết luận điều tra.
- Trời đất, sao anh không bảo trước, lại bận tâm về bệnh tật lão già này?
- Chuyện nhỏ. Đưa bố đi viện cũng là một việc trong ngày. Bố khỏi nghĩ ngợi. Chúng con phận làm con, hiếu thảo với bố mẹ lúc nào, tốt cho chúng con lúc ấy. Bởi chúng con rất bận. Mà bố mẹ mỗi tuổi mỗi già, người già như chuối chín cây, nay còn, mai rụng. Vợ bỏ, vợ mất có thể còn kiếm vợ khác. Bố mẹ không may lâm nạn, hỏi tìm đâu bố mẹ trở lại?
Hiệp nghếch tai, bắt đầu chú ý những lời Luân. Càng nói càng nhận ra sức nghĩ, sức làm của chàng ta. Nó đánh bật hình bóng người giám đốc xưa cũ trong đầu óc ông lâu này. Nó lay động những ý nghĩ trái chiều ông vẫn thường ấp ủ. Xem chừng Luân còn giấu nhiều tâm trạng trong cái vỏ xuềnh xoàng, ăn mặc giản dị, không chút cầu kỳ, thậm chí có thể gọi buông tuồng. Anh chàng Quân nào đó đang lâm nạn tày trời. Anh ta đang trông chờ vị thủ lĩnh cứu độ. Vị thủ lĩnh vẫn lặng lẽ xoay vòng vô lăng, vẫn thủ thỉ chuyện trò với ông bố bạn mình, vẫn coi cái việc đang xảy tới kia là tất yếu.
- Con không sốt ruột – Luân tiếp - chỉ tiếc một điều mình công phu rèn cặp mà vẫn tuột khỏi tay, kết quả của việc thiếu ý chí ở một con người. Bây giờ người học cao khá nhiều, nhưng người dốc tâm đeo đuổi cả đời vì sự nghiệp, mất ăn mất ngủ vì nó, coi sự nghiệp như một lẽ sống khắc khoải, hỏi được mấy. Nhà trường dạy dỗ nhưng chẳng nổi bao nhiêu, vốn dĩ lọt thỏm như muối bỏ biển. Lại quá xưa cũ. Học trò ra trường thường ngơ ngơ ngác ngác trước những chuyện cuộc sống đầy rẫy phức tạp. Bình chân như vại, khỏi nói, đẻ ra một lớp người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Thảng hoặc mới thật sự chạm trán vài vị tâm huyết nghiệp nghề, thiếu nghèo nhưng vẫn bám chặt với cái đích mình theo đuổi, càng gian nan càng sáng chói tấm gương. Nói vậy đúng không cậu? Luân hất đầu phía cậu con rể Hiệp. Nghề nào cũng có thể gặp được số người dốc lòng như thế. Như nghề dạy học của cậu, giữa khối đông đảo thầy giáo, cô giáo ngày ngày chỉ đứng lớp đúng giờ, chẳng hé chút nào sáng tạo thì riêng cậu vẫn lặng thầm vượt lên. Đâu phải thi đua. Đâu muốn chơi trội. Bởi từ đấy gói trọn niềm vui nỗi đau của chính cậu. Người tuy ở xa nhưng vẫn dõi mắt theo sát cậu. Nếu không, hẳn cậu không còn bạn mình. Nhiều đêm thao thức, mình vẫn thường cắn môi lẩm nhẩm. Trong khoảnh khắc ngỡ vô tận, cảm giác cô đơn mạnh mẽ ập tới, mình đang sống với ai đây, làm từng ấy việc liệu đã mấy người cảm thấu? Nỗi cô đơn cứ đeo đẳng bám sát, đồng tiền thu về phỏng mấy ích, vợ con đề huề đã hẳn mặn mòi hạnh phúc? Trên đời đầy nỗi quạnh hiu sẵn sàng ập tới mình ư?
Ông Hiệp cầm chiếc gậy chống đặt bên, nhìn nhanh Luân. Con người này đổi khác dần trong mắt ông. Đã lâu la gì, mới từ mờ sáng đến giờ, ông từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác.
- Trưa nay, anh phải xa bố con chúng tôi thật sao?
- Vâng, thưa bố, con sẽ phóng xe bảy tám chục cây số giờ. Con sẽ tới đúng hạn phía địa phương yêu cầu. Con không ký thì mọi tội lỗi Quân vẫn có thể mờ mờ tỏ tỏ. Con ký rồi, tất Quân sẽ bị xử tội tù.
- Anh cũng nên nhớ Quân còn là bạn anh, cả một gia đình trông mong vào trí lực nó.
- Thế con mới phải ký. Con ký xong, nó chính thức thụ án thì con cũng chính thức cùng nó ngồi tù. Người ta sẽ không tha con, bởi con là giám đốc, liên đới chịu trách nhiệm. Cái cơ ngơi con vun xới bao năm rồi sẽ theo nhau bay biến bởi tai hoạ này. Nhà cửa dễ bị niêm phong. Tài khoản ngân hàng sẽ bị khoá. Thiên hạ được một phen ồn ĩ chê bai, thêu dệt. Biết nói sao đây, mình làm mình chịu tiếng đời.
- Có nghĩa công ty anh chỉ tồn tại từ giờ đến trưa nay thôi? Hay anh quan trọng hoá vấn đề để tôi hiểu rõ công việc anh hơn?
- Không, con nói đúng thế, bố khỏi lo. Rồi con sẽ có cách vực lại công ty. Cua máy cáy đào. Thiên hạ vốn nhiều quân tử sẵn sàng giơ tay cứu độ người bị nạn.
Xe dừng cổng bệnh viên đúng chín giờ sáng. Luân dìu ông Hiệp vào tiền sảnh phòng khám, trong khi cậu con rể líu tíu lo phần nộp các thủ tục. Luân xin phép chia tay, nét mặt tươi tỉnh, không chút âu lo. Chiếc xe con nhả một đợt khói mỏng, vù phóng về phía cuối đường Giải Phóng, mất hút giữa khối đông người và xe qua lại.
Ông Hiệp thẫn thờ nhớ anh chàng Luân. Bức thư nhà văn N.K từ Thành phố Hồ Chí Minh chợt hiện về. Ra ông này chuyển hướng viết từ rất lâu, vươn xa trước nếp nghĩ ông đến gần chục năm, ông thì vẫn mò mẫm theo lối cũ. Mình lạc hậu thật rồi, ít ra cũng lạc hậu trước bạn bè đồng nghiệp. Cuộc sống thì vẫn đó, ồ ạt qua mặt, đông đúc và cuộn chảy như dòng sông mùa này băng nước cuốn trôi, dòng sông quê ông, cũng của riêng Luân, của tất cả mọi người, giữa hai bờ xôi mật.

Xem Tiếp: ----