Hiền lơ mơ rồi bật dậy khỏi giường, mắt nhắm mắt mở chạy xuống cầu thang: "Chị Vinh ơi! Chị Vinh....". Hiền gọi giật giọng. Nhà cửa im phăng phắc. Mới sáng ra mà mọi người đã đi đâu hết cả? Hiền vùng vằng đi về phía tiếng chuông cổng đang rung lên từng hồi: "Ai gọi gì sớm thế?"- Hiền gắt gỏng giật tung cánh cửa. " Dạ... xin lỗi... cho... xin cánh diều...". Hiền giương cặp mắt sưng vù vì tối qua thức khuya về phía gã con trai quần đùi, áo may ô, đen trùi trũi ấp úng nói giọng Sài Gòn đặc sệt: "Diều nào?" - Hiền hất hàm hỏi trỏn lỏn. "Dạ... diều... móc trên đó" -Gã trai vừa nói vừa rụt rè chỉ lên ban công tầng trên. Theo tay gã chỉ, Hiền thấy một cánh diều hình con bướm vàng rộm đang đậu trên giàn hoa Trang Đài. "Chờ đấy!" Hiền nói trống không và chẳng thèm nhìn gã, uể oải đi lên tầng trên. Hiền gỡ con diều đem xuống dúi vào tay gã rồi đóng sầm cửa lại, miệng làu bàu: "Mới sáng ra đã... To như cái thùng rồi mà còn chơi diều, đúng là đồ dở hơi!”. Mắt nhắm mắt mở, Hiền đi về phòng ngủ và đổ uỳnh ra giường. Hiền buồn ngủ kinh khủng vì tối qua thức khuya để ôn thi tới ba giờ sáng.
Két... ke… e.... ét. Rầm! Mắt nổ đom đóm, đầu xe của Hiền đâm sầm vào gốc cây vì có cái gì đó thúc mạnh vào phía sau xe. Tà áo dài vướng vào bánh xe kéo Hiền ngã dài xuống đường, đau điếng. “Tại sao lại cứ phải mặc áo dài vào ngày đầu tuần cơ chứ?". Hiền bực tức nhìn hai gấu quần cuốn vào xích xe dầu mỡ bám đen nhẻm. "Xin lỗi... vì đã đâm vào... Có sao không?". Hiền quay ngoắt lại nơi phát ra tiếng nói. Tiếng hỏi im bặt, gã trai đen nhẻm giọng Sài Gòn hôm trước đang lúng túng. Lại là gã ta. Hiền đứng phắt dậy gào vào mặt gã: "Còn không sao hả? Tại sao cứ ám quẻ người ta mãi thế?", "Dạ... xin lỗi. Vì đường đông quá... Nhưng...”. Miệng rối rít xin lỗi, tay gã e dè chỉ vào Hiền. "Đông. Đông cái gì? Xe không có phanh hả?...". Hiền vừa gào vừa sấn xổ về phía gã trai. Gã ta cứ lùi, mắt tròn xoe, miệng ú ớ, tay thì chỉ vào thắt lưng Hiền. Thấy hành động lạ, Hiền ngạc nhiên ngó xuống người mình thì... ôi thôi! Tà áo dài đằng sau rách tới tận... Trời ạ!. Hiền như quả bóng xì hơi, lùi rúm vào gốc cây, mặt xanh lét, nhìn xung quanh thấy nêm chặt người. Mãi sau Hiền mới lắp bắp được một câu: “Giúp tôi với...”. Gã trai đang đứng đực ra nãy giờ, vội gật đầu rồi cuống quýt dựng xe Hiền lên. “Đưa tôi về nhà được không?”- Giọng Hiền thều thào. Giọng gã lại cuống quýt gật đầu: “Được… vì nhà tôi cũng gần đó” rồi chợt đứng đực ra ấp úng “Nhưng xe... của tôi không có chỗ chở đằng sau, chỉ có cái gióng đằng trước thôi...”. "Cũng được! Lên xe và nhắm mắt vào đi" - Giọng Hiền lại kẻ cả. Gã trai một tay dắt xe đạp của Hiền, chân giữ thăng bằng, mắt nhắm tịt. Hiền nhìn trước, nhìn sau rồi leo vọt lên gióng xe đua của gã. Lưng Hiền được ngực gã che kín, hai ống quần rách nham nhở Hiền xắn lên, tà áo đằng trước Hiền để lên tay lái gã... Thế là ổn. OK. Đi thôi!. Hiền nói, gã trai chới với một chút rồi thả đều những vòng xe. Chẳng ai biết Hiền vừa bị gặp tai nạn.
Tháng Tư rồi! 5h sáng, nắng đã đổ tràn trên mái phủ Tây Hồ. Mặt trời chưa lên hết mà chân trời đã xanh ngăn ngắt. Hiền mở cửa sổ nhìn sang nhà gã "hai lúa" và thổi một hồi còi. Sau tiếng còi của Hiền, gã ngó cái mặt đen nhẻm và cái đầu rối bù ra khỏi cửa, giơ tay nẩy tách một cái. OK! Hai phút sau cả Hiền và gã đã có mặt ở dưới cổng "Một... hai...". Hiền gào lên và phóng vít về phía trước. Hiền và gã lao vun vút trong ngõ nhỏ lòa xòa những cây cỏ hiếm hoi. 500 m... 50 m... Đây rồi “cánh đồng cỏ" nhỏ xíu như cái mặt bàn giữa thành phố của Hiền và gã hiện ra. Hiền lăn ra cỏ thở phì phì. Hôm nay gã chạy chậm hơn Hiền phải đến mười bước chân. Hiền cứ nằm như thế, một chân gác lên vai gã, mắt lim dim nhìn bầu trời trong vắt. Hết mệt, Hiền vùng dậy cởi giầy rồi nhẩy tung tăng trong đám cỏ bé tý như con cào cào. Chân Hiền đá roàn roạt trên cỏ. Hiền thích mê cái cảm giác mát lạnh của sương sớm ngấm vào hai bàn chân trần. Những lúc như thế, Hiền thường thấy gã ngồi im lặng, mắt hướng về phía chân trời xa thẳm.... Hiền hỏi gã nhìn gì? Gã không quay lại nhìn Hiền mà trả lời "Con gái mà dữ như bà chằn thế không tốt đâu! Sửa đi, kẻo con trai nó oải lắm”. Nghe gã nói, Hiền cười to, cảm tưởng tiếng cười của Hiền phải vọng đến tận đền Ngọc Sơn. Đúng là gã "hai lúa", chẳng biết gì cả. Con gái thời nay phải cá tính chứ - Hiền nghĩ thầm. Thực ra, Hiền cứ gọi gã là "hai lúa" chứ chẳng hiểu hai từ ấy là thế nào, chỉ biết có lần thấy Hiền chê trích ai đó "nhà quê" quá, gã bảo: "Có lẽ nói hai lúa nghe dễ thương hơn". Hiền hiểu có thể từ "hai lúa" trong Nam giống từ "nhà quê" ngoài Bắc, nên mỗi lần thấy gã "nhà quê" Hiền lại gọi là "hai lúa".
Đầu tháng Năm, mặt trời bắt đầu tỏa sức nóng xuống mặt đường. Buổi trưa, gã vẫn đợi Hiền trước cổng trường sau giờ tan học. Hôm nay cũng vậy gã và Hiền "đua xe" về tới tận cổng nhà. Thật là lạ, gã cao hơn, khỏe mạnh hơn vậy mà trong việc thi thố với Hiền bao giờ gã cũng thua. Chỉ có duy nhất một việc học là Hiền phục gã sát đất. “Hôm nay tui mời Hiền đi uống nước dừa Hồ Tây ghen!”- gã đề nghị. Hiền hỉnh cái mũi hếch làm kiêu: "Không khát". "Thôi mà, khát đi. Tui năn nỉ đó”. Hiền tròn xoe đôi mắt diễu cợt nhưng vẫn rẽ theo gã vào lối nhỏ rợp bóng cây cơm nguội. Xoay tròn cốc nước trên tay, gã ngập ngừng: "Từ mai buổi sáng tui không chạy thi, buổi chiều tui không thả diều cùng Hiền được nữa. Tui phải ôn thi, sắp tốt nghiệp rồi! Tốt nghiệp song, tui sẽ vô trỏng. Nhưng mùa này tui yên tâm bởi má tui không đau nhiều... Nhà có hai má con côi cút. Tui thương má lắm. Ba tui bỏ má con tui theo người ta mang theo nhỏ Thúy cỡ tuổi Hiền đó. Nhỏ hay khóc lắm, nhưng người ta bảo: Con gái hay khóc là sướng vì con trai sợ nước mắt, còn hay cười như Hiền là khổ đó!". Nghe vậy Hiền cười hẩy mũi và chẳng thèm hỏi gã là tại sao? Im lặng một lúc, gã tiếp: “Năm thứ ba rồi, Hiền nên chú trọng những môn chuyên ngành hơn. Bộ môn vi tính Hiền yếu lắm đó, chỉ giỏi chát chít thôi! Mà Hiền đừng mặc những chiếc quần nhiều túi nữa, nó che mất sự dịu dàng của Hiền". "Cái gì? Đã nói xong chưa? Mai đây chạy một mình!". Không để gã nói hết, Hiền quát tướng lên và bỏ đi: Gã là cái thá gì mà lên lớp Hiền chứ? Ừ thì cứ cho là gã lớn tuổi hơn, học giỏi hơn, nhưng gã cũng chỉ là gã "hai lúa". Bực bội, Hiền lao xe vun vút trên đường để lại đằng sau tiếng gã xa dần: Hiền nè, đợi đã...
Lại tháng Năm, những con đường lại đỏ rực hoa phượng vĩ. Bãi cỏ tinh sương một mình Hiền ngồi nhìn về xa xăm. Đã hai mùa hè rồi, Hiền đã ra trường và đã đi làm cho một công ty nước ngoài. Công việc hối hả, lương cao, Hiền chẳng còn tý thời gian nào để tung tăng như con cào cào nữa. Cuộc sống mở ra những khắc nghiệt khiến Hiền nhớ những lời khuyên của gã. Sáng nay, Hiền dạy sớm, bãi cỏ này lâu rồi Hiền không đến, cái lần uống nước dừa ở Hồ Tây Hiền bỏ về ấy cũng là lần cuối cùng giữa Hiền và gã... Đúng như gã nói, gã đã đóng cửa học tối ngày. Hiền chạy một mình được vài lần thì nản nhưng cũng chẳng cần tìm gã. Rồi một buổi sáng, Hiền mở thùng thư trước cổng, một phong giấy màu hồng hiện ra chú bướm bằng cánh phượng đỏ rực với dòng chữ xiêu vẹo: "Hẹn gặp lại mùa hè nhé!" của gã. Buổi tối, Hiền trèo lên trước khuôn cửa phòng gã cũ rích đóng im ỉm. Chủ nhà bảo gã đã tốt nghiệp và trở về Sài Gòn rồi. Trở xuống, Hiền bỗng thấy thẫn thờ nhớ gã. Càng ngày, nỗi nhớ ấy càng quay quắt. Hiền đã từng mong một chuyến công tác Sài Gòn, rồi lại tự cười mình là ngớ ngẩn. Nhưng vẫn không khỏi nhớ gã… Ngày nào Hiền cũng xem dự báo thời tiết trên tivi và dỏng tai nghe "khu vực thành phố Hồ chí Minh không mưa...", Hiền lại thấy ấm lòng. Phía chân trời trong veo kia, gã ở nơi nào phía ấy? Hiền không biết tại sao mình lại nhớ gã, chỉ biết rằng gã đã chỉ cho Hiền bãi cỏ này và những buổi ngắm bình minh cùng gã. Hiền thấy mình lớn hơn và yêu mọi người hơn. Hiền không còn mặc những chiếc quần nhiều túi, không còn nói năng cộc lốc, ngang tàng như con trai nữa. Hiền đã "siêu" môn vi tính. Bây giờ tóc Hiền đã dài và Hiền đã biết khóc. Tất cả là nhờ gã. Nhưng bây giờ, Hiền cũng chưa biết tên thật của gã ngoài cái tên "hai lúa" Hiền thường gọi. Không biết trong tờ giấy gã viết, gã đã gọi Hiền là mùa hè hay hẹn gặp lại Hiền vào mùa hè? Hiền không biết, nhưng Hiền vẫn đợi. Hiền sẽ ngồi đây và đợi một tia nắng từ Sài Gòn mang tới./.
Hà Nội 5/2002
 

Xem Tiếp: ----