Anh vùng dậy khi chiếc đồng hồ điện tử rẻ tiền trên tay chỉ 6h. Dễ chừng đã vài ba tiếng trôi qua anh chìm sâu trong biển của ký ức, cái biển đầy ắp mùi lá long não, mùi sấu chín và mùi cà phê đêm với những vỉa hè sương mai lùa qua mái ngói cũ. Bên ngoài lán, tiếng chim chóc chuyền cành lách chách, nghe như cả tiếng mưa rơi.
Anh nhón gót chạy, đạp chân qua những khoảng ngập lá, đến bên bờ suối. Nước từ khe đá tuôn ra ấm nóng, khoảng không tĩnh mịch, anh mang áo quần, đồ lót lên cành cây rồi lội đến đúng chỗ có tia nước khe, nghiêng người trên một tảng đá cho nước xói vào. Anh mỉm cười với cách chữa bệnh của mình, chẳng có thấy sách nào hết, mò mẫm như bản tính muốn thực nghiệm hết của loài người, ngay trong cái việc trị nấm hắc lào, cái bệnh mà bất cứ dân Hà Nội ăn nước máy nào đi bộ đội đều mắc phải.
Ngâm mình khá lâu trong dòng nước đầu nguồn với một niềm tin như kẻ mê tín: "Mọi khởi nguồn thuỷ đều sạch" đây là thứ thuốc hiệu nghiệm nhất, mãi rồi anh mới đứng lên. Khi quay trở lại, anh đi chậm ngắm nghía khu rừng, nơi hằng ngày anh vẫn đi qua, nơi đơn vị anh đang đóng trại chờ ngày giải ngũ. Nghe người dân địa phương kể lại, rằng khu rừng này hàng trăm năm qua ít có dấu chân người, chỉ có nhiều voi xanh vượn trắng với những bầy gấu long lanh đi từng bầy, ăn quả cọ, trông thấy người tưởng cùng loài ăn cọ với mình, mũi hếch lên ngửi ngửi. Khu rừng với những vạt nứa mai cùng ngàn loại dây leo chằng chịt. Bây giờ đi qua nếu có vấp chân vào đám dây ấy là nứa reo xào xạc, là bướm ma nhảy lên tanh tách và cả khu rừng như thức dậy tấu lên bản giao hưởng về mùa.
Anh đi qua một quãng rừng mà ánh sáng không lọt nổi vòm lá rậm rịt, hơi ẩm mốc bốc lên, có mùi của nấm, mùi mộc nhĩ, mùi cành cây mục nát. Ngửi thấy cái mùi ấy anh bất giác nghĩ về thời gian, về thân phận con người và dòng suy tư lại trôi về cái biển ký ức như lúc sớm mai, lúc còn nằm im trong cái lán bộ đội dựng tạm. Ðôi chân cứ tự đưa anh đi, ra khỏi cái nơi thiếu ánh sáng mặt trời, đưa anh đến một tảng đá lớn đầy rêu xung quanh như một chiếc giường phủ bằng nỉ. Anh nằm xuống đó, ngước mắt vào khoảng không bao la thăm thẳm trên cao, lòng trôi về phố cũ, nơi anh giã từ, bốn năm về trước để vào quân đội.
Nơi ấy là thành phố, những con đường rợp bóng cây. Những cây sấu chi chít quả, những màu xanh non tơ, ngả nghiêng bên cái cửa sổ tầng hai nhà anh màu sơn tróc lở, nơi in dấu một thời trai trẻ của anh. Cái giàn hoa ti-gôn rủ tới chân tường, màu hoa khiến cho cả đời anh mơ mộng. Nơi ấy có nhà nàng, người mà chỉ bằng cái nhìn đã khuyến khích trí tưởng tượng của anh bay bổng. Nhà nàng ở tầng trệt trong cái khu biệt thự gồm bốn căn hộ gia đình, hằng ngày anh và nàng gần như chạm mặt nhau mỗi khi đi ngang.
Nàng thì nhìn anh vừa đắm đuối vừa bối rối, còn anh thì rụt rè đáp trả cái nhìn ấy mà không dám nói, chỉ một hồi trống ngực rền vang. Tầng trệt, nhà nàng, có một phòng thí nghiệm, nơi nàng hay mặc chiếc áo bờ-lu trắng và đi đi lại lại, tay lắc chiếc lọ trong suốt nhìn rõ cả màu cái chất bên trong. Có những đêm mất điện, căn phòng thí nghiệm của nàng vẫn sáng nhờ ánh sao trên trời hắt vào qua ô cửa sổ. Những đêm như thế thật thú vị đối với anh vì anh có thể thoả thuê nhìn ngắm nàng từ một góc hành lang mà không ai biết. Vừa ngắm nàng anh vừa thì thầm một mình, vừa đắm đuối mơ về những cái hôn đầu tiên của cậu học sinh tuổi hoa niên với người con gái trưởng thành hơn mình đến bảy, tám tuổi.
Bây giờ nằm đây, trên tảng đá này, mắt đuổi theo đám mây bay lững thững qua khoảng trống, anh hít một hơi thật sâu cho lồng ngực căng lên, rồi tiếp tục trôi như mây vào dòng suy tưởng ấy. Có lẽ giờ đây nàng cũng như anh, tay vẫn lắc cái lọ trong suốt nào đó nhưng lòng trôi về năm tháng cũ, và hẳn là nàng chưa lấy chồng. Ðôi mắt sẫm màu ngày ấy, cái nhìn khuyến khích ấy với những tiếng thở dài, lẽ nào không phải vì anh, và lẽ nào lại không phải là để dành riêng cho anh. ở trong cái khu tập thể ấy làm sao có thể nói to lên được. Nói to lên được rằng là "chúng tôi yêu nhau" hay "anh yêu em", nhất là giữa những con người biết nhau từ ngày còn bé tí (và không ai có thể lớn lên được bao giờ). Sự chênh lệch tuổi tác, cái cập kênh của anh học trò với cô nàng đã có việc làm, hẳn một công việc hứa hẹn tương lai trong phòng thí nghiệm? Mẹ nàng sẽ nói gì, còn cha anh sẽ ra sao khi biết anh và nàng thầm yêu trộm nhớ?
Cha anh, một người nghiêm khắc, luôn đánh thức anh dậy vào 6h sáng mỗi ngày, cho dù giấc mơ của anh lúc đó còn đang dang dở. Ông chờ cho anh xỏ chân vào đôi dép lạnh dưới chân giường, rồi cùng anh men theo bóng tối cầu thang đi ra sân thượng. "Nào con, hãy tập đi. Một. Hai. Ba. Bốn. Ðàn ông phải có thân thể cường tráng để nuôi dưỡng tri năng". Với người cha như thế anh không thể thổ lộ những điều chỉ mới manh nha trong lòng. Bây giờ, mây vẫn trôi ngang, anh tưởng như vẳng nghe đâu đây bản hoà tấu một chương Hồi tưởng. Anh nhắm mắt lại cho thanh âm hiện lên thành màu sắc.
Bức tường vôi loang lổ vết chân chim từ màu xám chuyển sang màu be vàng và trong một đám bọt xà phòng ngũ sắc, anh nhớ rõ ràng còn năm ngày nữa thì anh sẽ rời bỏ khu rừng, rời bỏ những ngày dài đằng đẵng. Anh mơ màng nghĩ tới ngày hôm đó, rồi anh sẽ ngỏ lời với nàng, chắc bố sẽ không còn nghĩ anh là bé nữa. Anh chẳng còn phải băn khoăn bên đôi giầy cũ của cha, bởi bây giờ anh chẳng cần đến nữa, đã có đôi giày quân đội cấp cho. "Chẳng những ta sẽ ngỏ lời là ta sẽ cưới nàng". Anh mở mắt và lại bắt gặp một đám mây khác trôi qua, anh nói to lên: "Ta sẽ cưới nàng, khi ta đã có công ăn việc làm". Anh mỉm cười nhớ lại cái ngày chưa nhập ngũ, cứ sau khi tập xong với bố, anh chạy xuống dưới lòng đường, đuổi theo quả bóng trong cùng với một lũ chưa học hết phổ thông. Con đường vừa được quét sạch, bọn kia vừa đi vừa đá reo la hét ầm ĩ còn anh thì lẳng lặng tìm cách đưa bóng vào gôn. Anh biết rõ ở bên này đường, sau ô cửa sổ luôn luôn có ánh mắt nàng dõi theo hăm hở. Ðôi lần anh đã tìm cớ để nằm lăn xuống mặt đường mà cho đến bây giờ anh vẫn chẳng biết rõ vì sao lại thế.
Bây giờ, gió thổi khe khẽ, chương Hồi tưởng đã kết thúc tự lúc nào không biết nữa, hơi lạnh từ mặt phiến đá hắt lên lưng anh. Anh lắc đầu như muốn rũ mình khỏi cái mùi của ký ức miên man, lại như muốn rũ cái thực tại đang tràn về lấn át, cắt ngang dòng mộng mơ suy tưởng.
Mặt trời đã lên cao, có lẽ đồng đội đã vào cuộc chơi bài như lệ thường ngày nghỉ, những trò giết thời gian thông thường, sự đam mê của những người thiếu niềm đam mê khác, âm nhạc, thơ ca, độc thoại, ái tình. Anh vơ đống quần áo lúc nãy buông rơi trên lá khô, lững thững đi về lán. Lúc này, những vết hắc lào đã se miệng, không còn ngứa ngáy như hồi tảng sáng. Anh cười thầm: "Với những áo bờ-lu trắng tinh anh vẫn khoác trên người trong phòng thí nghiệm, nàng sẽ nhìn vết hắc lào của một gã phục viên như thế nào? Liệu nàng có từ chối lời cầu hôn của ta. Và bố sẽ nói gì khi mà ta chưa kiếm được việc làm đã mang trong lòng lời đính ước?".
Khi anh khoác chiếc ba lô về đến cổng nhà thì giàn ti-gôn không còn nữa, khu biệt thự nay đã thành một trụ sở ngân hàng. Hàng rào sắt đã thay chỗ bức tường hoa cổ. Tấm biển bằng sắt hộp mạ chữ nổi vàng, bên trong có đèn điện tử, mỗi khi về là lại lấp la lấp lánh. Nhà anh người ta đổi cho một chỗ khác rộng hơn tí chút nhưng lui vào bên trong ngõ sâu, còn nhà nàng thì không biết ở đâu. Anh không dám hỏi bố và với mẹ thì anh càng không nên thổ lộ thì hơn.
Việc làm chưa có cho nên rất nhiều thời gian để cho anh suy tưởng và chìm vào dĩ vãng. Anh có cảm giác rằng ngôi biệt thự đã bay lên trời cùng lời tỏ tình câm lặng của anh. Còn đâu nữa cái hành lang với bóng tối mờ ảo, chỉ sáng lên khi chiếc mũ trắng của nàng xuất hiện. Còn đâu nữa chùm quả sấu non vẫy gọi tuổi hoa niên bên cửa sổ. Anh thấy mình trơ trọi quá. Có ai đó nói "thiếu em, anh thấy thiếu cả chính mình" một câu mà khi nghe được tiếng gọi của chùm sấu nhỏ thì anh còn chưa hiểu, bây giờ vang lên trong thanh đới của anh. Anh xếp lại các đồ đạc mang về từ nơi quân ngũ. Kỷ niệm bao giờ cũng đẹp. Mượn cái cưa bên hàng xóm, anh đóng lại chiếc giá sách. Những quyển sách giấy đã ố vàng, chứa đựng những cơn điên của trí năng nhân loại.
Thi thoảng trong lúc cắt, bào, cưa, đóng, anh lại hình dung về nàng, về một nơi nào đó nàng đang sống. Và không thể tự trả lời đích xác là nàng đang vò võ nhớ anh hay nàng đã lấy chồng. "Khổ thật, tại sao ta có thể đi một mình trong rừng vắng khi có thể bất cứ lúc nào con lợn rừng nanh dài mõm nhọn xuất hiện và phanh xác ta ra như bỡn mà không thấy sợ, như ta đã sợ mỗi khi định cất lời tình ái với nàng". Anh không bao giờ cắt nghĩa được: Lời yêu đầu tiên nặng như trái phá, mà chỉ cảm giác về nó. "Và thế là, có thể nàng sẽ vuột bay đi mất". Nàng đi đâu nhỉ - Và bây giờ nàng ở đâu. Không thể hỏi mẹ, càng không thể hỏi một ai đó, nhỡ đâu người ta biết hết bí mật của mình? Song điều đó không quan trọng, nhỡ người ta biết hết về nàng và người ta sẽ bảo anh: "Nàng đã có chồng và ai lại đi theo đuổi cái điều phi lý đến thế". Nếu người ta bảo thế thì anh sẽ phải dàn xếp thế nào với những mộng mơ cùng suy tưởng của mình. Từ lâu những suy tưởng đã cột chặt anh với nàng, với hình ảnh nàng ngày càng đẹp thêm lên mãi, thậm chí còn khác xa cả nguyên mẫu nữa cũng chẳng hề gì.
Anh cởi bộ quần áo quân phục bạc màu vẫn thường mặc ở nhà để làm các việc lặt vặt. Thế giới thường chê những người đắm đuối trong cảm giác chiến thắng, mê mải chiến tranh nên cứ hoài niệm bộ quân phục, nhưng đó là thế giới của những tư duy xa xỉ, của vật chất dư thừa, chứ với anh mặc cho đến rách bộ quân phục chỉ là vì không có tiền mua bộ khác.
Song dù sao nhà hát cũng không thể bỏ mặc nó được, anh khoác lên người một chiếc áo khác cũng đã cũ, nhưng sạch sẽ và tương xứng với giày. Anh thèm nghe giao hưởng, thèm nghe âm thanh của nữ hoàng dàn nhạc, tiếng violin. Và cho đến mãi tận bây giờ anh vẫn còn ngạc nhiên rằng tại sao vào thời nghèo khổ như thế thì giao hưởng thường được biểu diễn ở nhà hát thành phố với giá vé anh có thể bước vào, còn bây giờ thì không.
Nhưng thành phố lại mất điện, cửa nhà hát mở rồi lại đóng. Anh thong thả đến một quán cà phê, nơi anh đoán thế nào cũng gặp người bạn vong niên thuở trước. Thuở trước, tức là cách đây 4 năm 6 tháng 5 ngày, thời gian anh sống trong quân ngũ. Người bạn trai mà anh yêu quý chẳng khác gì nàng, nhưng cũng như đối với nàng, anh không bao giờ nói thế. Chỉ khác rằng đối với người bạn này thì anh trò chuyện, anh ngồi kề hàng ngày bên chiếc bàn con xộc xệch và ở đó, hai tách cà phê đôi khi bị bỏ cho nguội ngắt.
Bây giờ, anh ngồi xuống bên một cái bàn như thế nhưng quán còn vắng người, điện mất. Mà cũng có thể không còn đông hơn được bao năm nữa vì cà phê cũng là một thứ xa xỉ thời nay. Anh triền miên suy nghĩ. Sương đã buông từ lâu, mặt đường ẩm ướt. Tự nhủ lòng: "Ta cứ ngồi thật lâu vì ở tuổi bốn mươi, ta có hai mươi năm đã mất". Anh nhìn lũ thiêu thân lượn dưới ánh đèn đường và thầm mong một chiếc cửa màu xanh đâu đó hé mở, nàng hay một vận may nào đó bước ra đến bên anh, mỉm cười đưa tay nắm lấy bàn tay anh giơ ra chờ đợi và kéo anh đứng lên, cùng nhau hát lên khúc tráng ca đồng vọng một thời. Nhưng chẳng có cánh cửa nào hé mở.
Rồi anh bạn vong niên bước đến, đầu tóc rối bù, điểm những sợi bạc, dưới ánh đèn vàng yếu ớt hắt ra từ chiếc bàn cao nơi chủ quán cà phê đang lúi húi tay thìa tay phích. "Nào hãy gọi thêm một tách nữa, ta chia nhỏ thời gian, được không anh bạn".
Khi cuộc trò chuyện đã đến hồi thú vị, anh cảm thấy như muốn những suy tư của bạn tuôn ra theo dòng ngôn từ nhiệt thành. Người ấy nói về Bạch, về cái gì đó như thể chân dung nàng, về nền văn minh cổ xưa và về các danh nhân lịch sử, về các đường xoắn ốc, nhưng ngay sau đó với vẻ buồn bã người ấy nói về các siêu thị, sân bay, điện thoại cá nhân và minifax, nơi người ấy vừa đi qua một hội nghị khách hàng. "Con người đi không ngừng tới chỗ huỷ diệt". Anh có cảm giác là người ấy định nói thế, và đúng lúc ấy thì gió thổi làm lá bàng rụng xuống như bầy chim đập cánh xuống mặt đường. Anh nhìn ra hè đường phía bên kia, bỗng nhận ra rằng bức tường bong vữa loang lổ là cái anh ưa nhìn hơn những ngôi nhà chọc trời mà người bạn vong niên vừa vẽ ra trong tâm tưởng anh.
"Thôi trở về với cái hằng có" người bạn vong niên cùng anh đứng dậy: "Ông thì quên đi suối khe, rừng xanh, những cuộc hành quân và 40 ngày húp cháo. Còn tôi cũng quên những ngôi nhà chọc trời, cửa kính xanh", hai người chia tay nhau. Nếu theo cách suy nghĩ của anh bạn kia thì anh phải hỏi: "Thế bây giờ tôi và anh chúng ta đi về đâu?" nhưng tiếng xào xạc của lá bàng vỡ dưới gót giầy đã giúp anh trả lời ngay câu hỏi ấy cho mình: "Ta đi về nàng". Qua câu chuyện không đầu không cuối của người bạn, anh tin chắc rằng nàng ở ngôi biệt thự duy nhất còn lại ở đầu phố. Anh bước những bước dài để đi đến đó và như chạm vào một người quét rác lúc đi ngang qua, cũng giống cái người thuở trước, người này không cao bằng cán chổi và đi tới anh từ gốc cây giâu gia. Anh định hỏi thăm cô ta về nàng, nhưng rồi lại thôi, anh sợ hình ảnh của nàng bị san sẻ bởi những điều vụn vặt ấy.
Tới đầu phố, anh nhìn ngôi nhà có cổng sát vào bao lơn bằng gang đúc, những cánh cửa lắp kính dày màu tím hoa mua, thi thoảng được hé ra nhưng khó lòng đoán được giờ này bên trong niềm vui chế ngự và không lọt ra ngoài hay nỗi chán chường vô vọng đang chôn vùi dưới lớp đệm dày. Hay là sự mong nhớ nào đó có liên hệ tới anh? Không biết nữa. Nhưng ai lại nhìn lâu vào nhà người ta khi đi ngang qua như thế. Và làm thế nào để hỏi, nếu không xưng danh với một lý do rõ ràng nào đó, bởi biết đâu không phải nàng sẽ ra mở cửa mà một anh chàng to béo, râu cạo nhẵn thì sao? Trống ngực anh lại đổ hồi: "20 năm đã mất, chỉ ký ức là có thật". Lời trong tim như khúc tưởng niệm tuổi hoa niên, anh mỉm cười với bản thân mình, bốn mươi năm kiếm tìm việc làm không có. Cái lúc người ta cần loại người có tuổi, có kinh nghiệm sống, phải chỉ kinh nghiệm thôi thì anh chưa có tuổi, và chưa có tuổi là chưa có kinh nghiệm gì. Cái lúc người ta cần loại người trẻ, sức vóc, học hành, mới, thì anh đã bốn mươi, kinh nghiệm hành quân chả áp dụng được vào việc gì, cho nên anh vẫn không đến được với người ta, nhưng chả lẽ. Câu hỏi còn dở dang chưa có phần cuối vang lên trong tâm trí thì anh thấy nàng xuất hiện trên bao lơn gang đúc, mắt sầm tối, buồn như ngày nào và béo hơn một chút. Nàng đưa mắt nhìn xuống phố, không biết nàng có nhìn thấy anh không, còn anh thì đứng như trời trồng, một giây ngắc ngư.
Ðứng trên cao thì gọi người dưới thấp tiện hơn mà nàng không gọi. Hay nàng không nhìn thấy? Hay hình hài anh đã thay đổi? Anh như muốn tan ra thành nước, chảy lênh láng trên vỉa hè thuở trước, để khỏi trầm mặc về cái nhìn vô tình của nàng. Người ta bảo những người như anh, sinh ra từ phố cổ, nơi mùa thu, sương cứ ùa về trành qua ngói cũ, bay giăng giăng trên mặt hồ xưa, là những người nhạy cảm quá mức bình thường, chứ bây giờ đâu trên thế gian này con người chẳng vô tình như nàng hôm nay.
Anh muốn hắng giọng, muốn đánh tiếng cho nàng nghe thấy. Nhưng anh đỏ mặt trong bóng tối. Cái việc đánh giọng, hắng tiếng đang trở thành mốt của những chàng trai cô gái mới lớn có tính nóng ruột, còn với anh thì việc ấy như đã quá lứa lỡ thì.
Ðúng lúc ấy thì nàng ào ào xuống, đon đả. Anh nhắm mắt lại tưởng đâu như núi lửa phun, như nham thạch chảy nóng bỏng, như tầng ozone bỗng nhiên thủng một lỗ hổng, lửa trời đỏ rực tuôn chảy sáng loà trên đầu, dưới chân.
Cái cảm giác ấy, phút giây ấy dài như trăm năm hay bao nhiêu anh không hiểu thấu, không sao đoán định được. Cho đến khi anh mở mắt, thì ngạc nhiên quá đỗi, nàng khoác tay một anh râu xồm, lùn tịt, đi ngang qua anh còn ngoái lại nhìn. Anh nghe câu nói như một câu đã nghe quen mà không sao hiểu nổi: "Mình đã về đấy à, hôm nay thắng hay thua?". Chắc nàng hỏi về một trận chiến giữa những quân tàn bạo và những người anh hùng nhân ái. Còn anh, anh có bao giờ hiểu nổi mình đã thua hay thắng, chỉ biết cánh tay đang khuỳnh ra cho nàng khoác vào kia không phải tay của anh, tay áo anh không phải như thế và gầy guộc chỉ bằng một nửa.
Bỗng mưa như trút nước xuống mặt đường làm anh ướt đẫm và nước mưa kéo anh ra khỏi cơn mơ mộng về dòng nham thạch nóng bỏng trước cánh cổng biệt thự đầu phố. Anh nhận ra ngày đã tàn và anh cất bước. Gió lại ào đến làm cho lá bàng rơi như bầy chim vỗ cánh, anh lại chạm người vào cán chổi quét khuya. Anh mỉm cười vì suýt nữa đã sai lầm, hỏi thăm về một người trong đời không có thực.
Chỉ biết rằng sau đó mười năm có một người đàn bà giống nàng, đôi mắt sẫm buồn, mặt đầy ưu tư đau khổ, không khoác tay ai, một mình, đến ngôi nhà mới của anh lúc này đang vang lên tiếng dương cầm quen thuộc, đặt cái túi da bạc màu một thời đầy ắp, rồi hỏi: "Cô có nhớ tôi không? Cái hành lang thủa ấy. Ðã từng hôn nhau và em đã trót một thời".
Nàng nói ngắt quãng, xen lẫn tiếng thở dài não nề, nhắc lại những kỷ niệm. Rồi nàng tố giác kẻ vô tình nào đó, căm ghét anh ta và nàng khóc, nước mắt lăn dài trên gương mặt một thời. Anh đỡ lấy nàng, nhưng vẫn chẳng biết làm thế nào để an ủi được nàng, chỉ biết bảo người bạn gái khác đã có mặt trước khi nàng đến, pha thêm một ly cà phê. Rồi cả ba cùng im lặng cho đến lúc đĩa CD lại dạo đầu một khúc Hoàng Hôn khác đầy ắp âm thanh đàn dây, nữ hoàng của dàn nhạc thuở nào./.

Xem Tiếp: ----