Dịch giả: Phương Thảo Quyên

LTS: Khi người con gái lên xe hoa về nhà chồng, ai cũng ước mong sẽ được mãi mãi hạnh phúc bên cạnh chồng, con. Nhưng sự thực, phần đông những người con gái sau khi về nhà chồng, mới nhận ra, ngày lên xe hoa không phải là ngày "thuyền về bến đậu", mà chính là ngày "thuyền bắt đầu ra khơi", và quả thực kể từ ngày đó, sóng to, gió cả, bão tố mịt mù đang chờ đợi họ với không biết bao nhiêu bất ngờ và bi kịch... Nhưng có lẽ trong muôn ngàn sóng gió và bi kịch của đời sống vợ chồng, khó có ai có thể ngờ được, khi một cô gái Trung Hoa tên là Bảo Nữ ngoan ngoãn thành hôn với Bảo Vinh, một thanh niên đẹp trai và khỏe mạnh, nàng lại phải đối diện với một người chồng đồng tính luyến ái. Thê thảm hơn, cuộc sống của họ lại chìm ngập trong xã hội Cộng sản, một xã hội đầy bảo thủ, lạc hậu và thành kiến. Và đó chính là bế tắc của câu chuyện, bế tắc của cuộc đời, khiến Bảo Nữ trở thành một cô dâu mãi mãi là trinh nữ... Câu chuyện sống động Cô Dâu Mãi Mãi Là Trinh Nữ sau đây phỏng theo truyện ngắn The Bridegroom, trong tuyển tập truyện ngắn The Bridegroom của văn hào Hajin, do Nhà Xuất Bản Pantheon Books, New York, phát hành. Được biết, tác giả Hajin đã được trao giải Khôi Nguyên Văn Bút Hoa Kỳ và Giải Thưởng PEN/Faulkner.
°
Trước khi bố của Bảo Nữ (Beina) qua đời, tôi có hứa với ổng rằng tôi sẽ nuôi nấng con gái của ổng như con ruột của vợ chồng chúng tôi. Tôi vối ổng là bạn thân từ hơn hai chục năm qua. Ổng để lại đứa con gái duy nhất một phần bởi vì vợ chồng chúng tôi cũng hiếm muộn, không có con cái nối dõi tông đường. Kể ra giữ lời hứa cũng dễ dàng khi Bảo Nữ còn là một đứa con gái choai choai. Nhưng khi nó ngày càng lớn thì quả là một điều vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khổ sở - không phải vì lẽ nó ngang bướng hoặc quậy phá - mà bởi lẽ chẳng có thằng con trai, đàn ông nào để ý đến nó, hay nói ngắn gọn thì nó chất phác quá đi thôi. Đến hai mươi ba tuổi đời, nó cũng chưa có bạn trai, nên tôi bắt đầu lo. Kiếm ở đâu ra cho nó một tấm chồng bây giờ? Nhút nhát và rụt rè, nó không hề chịu làm quen với bất cứ một thằng đàn ông nào. Tôi cứ sợ rồi ra không khéo nó sẽ trở thành gái già.
Thế nhưng, bỗng đùng một cái, Hoàng Bảo Vinh (Huang Baowen) đến xin cưới Bảo Nữ, con gái nuôi của vợ chồng tôi. Tôi cứ như người mất hồn bởi vì chúng nó đã có bao giờ biết nhau đâu? Liệu thằng đó có nghiêm túc khi đòi cưới con Bảo Nữ hay chăng? Tôi sợ không chừng nó muốn phá Bảo Nữ nên tôi nhất quyết buộc chúng nó phải làm lễ đính hôn nếu nó thật tình muốn cưới con nhỏ. Tưởng nó chơi ai dè nó làm thiệt: mấy ngày sau, nó đến nhà tôi, mang theo một cặp gà trống thiến, bốn cây thuốc lá hiệu Sâm Nhung, hai chai rược Ngũ Gia Bì và một hộp trà lớn, hiệu Ô Long. Tôi lấy làm hài lòng, mặc dù đồ sính lễ của nó chẳng đáng là bao.
Hai tháng sau, chúng nó làm lễ cưới. Các đồng nghiệp của tôi chúc mừng gia đình chúng tôi với câu: Nhanh thiệt hả, Lão Cheng?!
Thật là nhẹ nhõm đối với vợ chồng chúng tôi. Nhưng còn đối với nhiều phụ nữ trẻ ở Xí Nghiệp Máy May của chúng tôi, đám cưới của Bảo Nữ quả là một cái tát vào mặt. Họ mỉa mai nói: Gà mái ngủ chuồng công! Hoặc Lọ Lem lấy Hoàng Tử! Mà thật vậy. Bảo Vinh là một trong những thằng đàn ông đẹp trai nhất ở Xí nghiệp chưa lấy vợ và không một ai trông đợi rằng Bảo Nữ, một đứa con gái cục mịch, ú na, ú nần, lại lấy được Bảo Vinh. Ngược lại, Bảo Vinh là một con người đàng hoàng và có học - tốt nghiệp Trung Học Cấp II chứ bộ! - mà lại còn không hút thuốc hoặc uống rượu hoặc cờ bạc nữa kìa! Phong cách cư xử của nó thật đẹp và lúc nào cũng lễ phép, tươi cười, không hô, không móm, mỗi lần cười, để lộ hàm răng trắng toát. Nói cách khác, nó giống như đàn bà, mềm mại, ăn nói nhỏ nhẹ nó còn biết đan áo, vớ len nữa cơ. Mặt khác, không có thằng con trai, đàn ông nào dám chọc ghẹo nó bởi vì nó có nghề võ. Ba năm liền, nó đoạt Giải Vô Địch ở Xí Nghiệp của chúng tôi. Nó cũng giỏi về môn Kiếm Thuật và Quyền Thuật Tự Dọ Hồi còn học Trường Cấp II, nó thường bị bọn học trò lớn hơn ăn hiếp nên bố ghẻ của cho nó đi thụ giáo ở một lò Võ Thuật ở thành phố quê quán của tía con nó. Một năm sau, không còn thằng nào dám chọc ghẹo nó nữa.
Đôi khi tôi không thể nào hiểu được về điều tại sao Bảo Vinh lại chịu cưới con nhỏ. Nó có cái gì để Bảo Vinh có thể mê nó được chứ? Liệu nó có thể thật sự thích cái gương mặt béo núc ních của con nhỏ hay chăng? Mặc dù chúng tôi có những nỗi nghi ngờ, nhưng vợ tôi và tôi không một ai có thể nói ra đều gì tiêu cực đối với đám cưới của chúng nó cả. Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là có thể Bảo Vinh quá tốt đối với đứa con gái nuôi của chúng tôi cũng không biết chừng. Cứ mỗi lần nghe một cặp vợ chồng nào đó ly dị, lòng tôi cứ như hoảng loạn lên.
Là Trưởng Ban An Ninh ở Xí Nghiệp, tôi có được chút đỉnh uy tín và làm tất cả những gì tôi có thể làm được để giúp đỡ cặp vợ chồng này. Liền sau khi đám cưới của chúng nó, tôi chạy chọt được cho chúng nó một căn hộ 2-phòng mới toanh, khiến những người vẫn còn dậm chân tại chỗ trên Sổ Phong Thần của những người may mắn được có tên trên danh sách những người chờ được cấp nhà ở, phải dậm chân bực bội. Nhưng tôi cóc cần những lời dị nghị, dèm pha của thiên hạ. Tôi đã làm hết sức của mình để đám cưới của Bảo Nữ được thành công, bởi vì tôi tin rằng nếu cuộc hôn nhân này thọ được trên 2 năm, tại sao nó lại không bền vững trong vài chục năm. Và một khi Bảo Vinh mang chức bố rồi thì khó cho nó giở trò lật lọng.
Thế nhưng sau khi lấy nhau được hơm tám tháng, Bảo Nữ vẫn chưa có bầu. Tôi chỉ sợ không khéo rồi Bảo Vinh nó sẽ sớm chán con vợ của nó và chạy theo con đàn bà nào khác, giữa lúc ở Xí Nghiệp, có khối con gái, đàn bà trẻ vẫn còn mê nó. Có mụ còn bạo mồm tuyên bố rằng mụ ta vẫn mở cửa nhà chờ nó suốt đêm. Nhiều mụ khác vẫn thường tặng cho nó biết bao nhiêu vé xem chiếu bóng hoặc phiếu mua thịt. Dường như những con mụ đó quyết tâm phá vỡ cuộc hôn nhân của nó với Bảo Nữ. Tôi căm thù họ ghê gớm, và chỉ mỗi việc nghĩ đến họ cũng đủ làm cho tôi nhức đầu hoặc buồn nôn. Nhưng nhờ ơn trời phật, thằng Bảo Vinh nó vẫn giữ thân giữ phận trong phạm vi của một người chồng đứng đắn.
Thế nhưng, một sáng sớm tháng 11, Bảo Nữ lù lù bước vào văn phòng của tôi. Nước mắt ràn rụa, nó bù lu, bù loa nói: "Tía ơi! Đêm hôm qua, anh Vinh ảnh không có về nhà!" Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, mặc dù đầu óc tôi tưởng chừng như quay cuồng. Tôi hỏi:
- Vậy chứ con biết nó đi đâu hay không?
- Con không biết. Con đi tìm kiếm ảnh khắp nơi nhưng không thấy.
Nó vừa bặm môi đến gần chảy máu, vừa giở chiếc mũ xanh công nhân, tóc lù xù như ổ quạ.
- Vậy chớ con thấy nó lần cuối cùng hồi nào vậy?
- Hồi bữa cơm chiều hôm qua. Ăn cơm xong, ảnh nói ảnh cần đi gặp một người nào đó. Tía cũng biết, ảnh thì có thiếu gì bạn bè ở ngoài thị xã.
- Thiệt vậy hả? - Thật tình mà nói, tôi đâu biết là thằng chồng của nó có nhiều bè bạn đến thế đâu. - Thôi con đừng có lo. Trở về xưởng và đừng nói với bất cứ về chuyện này. Để tía gọi điện thoại vòng vòng và kiếm nó cho.
Tội nghiệp con nhỏ thật. Nó đứng lên, lê cái thân bồ tượng của nó ra khỏi văn phòng của tôi. Có lẽ nó lên ít nhất cũng một chục cân từ sau ngày lấy thằng Bảo Vinh. Chiếc quần dungarees (quần liền áo, may bằng vải trúc bâu thô) chật ngang thắt lưng, trông như muốn rách không biết giờ phút nào. Nhìn từ ở đàng sau, trông nó như một củ su hào.
Bảo Nữ đi rồi, tôi gọi điện thoại ra rạp chiếu bóng Cầu Vòng, nhà hàng Victory và một vài tiệm ăn ở ngoài phố. Ơ đâu cũng bảo rằng họ không thấy ai giống như thằng Bảo Vinh. Vừa định gọi cho Thư viện Thị Xã, nơi lâu lâu vài tuần nó ghé lại một lần, thì điện thoại reo vang. Ở bên kia đầu dây, có người xưng là Phòng An Ninh Công Cộng và nói rằng họ đang giam giữ một công nhân của Xí Nghiệp, tên Hoàng Bảo Vinh. Tuy nhiên, người ở bên kia đầu dây lại không chịu cho tôi biết lý do tại sao Bảo Vinh bị bắt mà chỉ cho biết là: "Có hành động đồi phong, bại tục. Đồng Chí cần đến Văn Phòng của chúng tôi càng sớm càng tốt".

*

Hôm đó là một ngày thật lạnh. Tôi đạp xe xuống phố trong cơn gió bấc thổi vào vạt áo của chiếc áo ấm dài mặc ngoài của tôi, kêu phần phật. Hai đầu gối của tôi đau nhức, và tôi không khỏi rùng mình. Không mấy chốc, cơn suyễn của tôi lên đến cổ họng và tôi bắt đầu kéo. Bất giác tôi chửi bố thằng Bảo Vinh: "Tao biết mà! Tao biết mà!... " Cái linh tính của tôi, sớm muộn gì thì rồi thằng Bảo Vinh cũng lăng nhăng, tằng tịu với một con đàn bà nào khác thế mà đúng. Giờ đây nó lọt vào tay của Công An rồi thì cả Xí Nghiệp sẽ bàn tán sôi nổi về nó. Làm sao Bảo Nữ chịu cho thấu vụ này được chứ?
Thế nhưng khi đến Phòng An Ninh Công Cộng, tôi đã phải ngạc nhiên khi thấy khoảng một chục cán bộ của các Xí Nghiệp, Trường Học và Công Ty khác cũng đã có mặt sẵn ở đây rồi. Tôi quen biết hầu hết số đó, bởi lẽ họ phụ trách về các vấn đề an ninh ở nơi làm việc của họ. Một nữ Công An hướng dẫn chúng tôi vào một phòng họp ở trên lầu, với các cửa sổ được treo với những bức màn bằng lụa màu xanh lục. Chúng tôi được mời an tọa chung quanh một chiếc bàn dài gỗ gụ để chờ được thuyết trình về phiên họp. Nhìn chung quanh, mặt nào mặt nấy đều tỏ vẻ hoang man, lo lắng. Tôi nghĩ rằng Bảo Vinh có thể dính líu vào một tội ác tày trời - không ăn chơi trác táng thì cũng bề hội đồng. Về chuyện "kia", tôi chắc chắn là nó không thể là một thằng hiếp dâm, bởi lẽ bản chất của nó là một người tốt bụng, rất hiền lành. Tôi cũng hy vọng rằng đây không phải là một vụ chính trị - vì như vậy thì nhất định là không thể tha thứ được. Sáu, bảy năm về trước, một thằng nhóc con mới học hết Cấp 2, tài khôn bày đặt lập ra một tổ chức ở ngay trong thành phố, lấy tên là Đảng Giải Phóng Trung Hoa và chiêu mộ được chín đảng viên. Mặc dù chỉ quy tụ được vỏn vẹn chín (#9) đảng viên, tổ chức kín này cũng phong chức, phong tước, vẽ bùa mình đeo, bầu ra một Chủ Tịch, một Bí Thư và ngay cả một Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nữa kìa! Tuy nhiên, chưa kịp in ấn và phân phối Bản Cương Lĩnh, mang nội dung lật đổ chính quyền, thì Công An đã tóm cổ hết cả lũ. Hai tên đầu đảng đã bị kết án tử hình và bị mang ra hành quyết và số còn lại thì chịu khó ở trong khám, ăn cơm tù.
Trong khi còn đang suy đoán về nội dung tội ác của Bảo Vinh thì một cán bộ, tuổi trung niên, lù lù bước vào phòng họp, gương mặt nghiêm nghị, mắt ti hí. Anh ta cởi chiếc áo chẽn, máng ra sau lưng ghế và chễm chệ ngồi xuống chiếc ghế chủ tọa. À, thì ra đây là đồng chí Miao, Trưởng Sở Điều Trạ Mặc chiếc áo chẽn ngắn da cừu, anh ta làm tôi liên tưởng đến Thành Các Tư Hãn. To xương và mặt tròn vo như cái bánh bao, đôi mắt ti hí của ông ta trông thật sắc sảo mặc dù mới nhìn, giống như lim dim ngủ. Không cần khai mạc phiên họp với những lời nhận xét dài dòng văn tự, ông ta đi thẳng vào đề:
- Xin báo với các đồng chí là chúng ta đang phải đối phó với một ca đồng tình luyến ái ở ngay trong thị trấn của chúng ta.
Khi ông ta vừa dứt lời, cả phòng họp ồn lên như ong vỡ tổ. Kể ra thì chúng tôi đã từng được nghe nhiều lần nhóm từ đồng tình luyến ái nhưng chúng tôi thật sự chẳng biết ý nghĩa của nó là gì cả. Thấy chúng tôi mặt đực ra như những thằng ngáo, ông ta giải thích:
- Đó là một căn bệnh xã hội, như cờ bạc, hoặc mãi dâm, hoặc giang mai.
Khi giải thích, trông mặt ông ta lúng ta, lúng túng như người đau khổ vì bệnh trĩ không bằng! Một thanh niên, đại diện Trường Trung Học Số 5 của thị xã, giơ cao tay, hỏi:
- Thế những người đồng tình luyến ái làm gì?
Ông ta bật cười và đôi mắt của ông ta nhắm tít lại. Ông ta trả lời:
- Những người đồng tình luyến ái là những người cùng giới tính và có những quan hệ về tình dục giữa họ với nhau.
Có một đồng chí nào nào đó buộc miệng nói lớn: "Kê giao chứ gì!" (nghĩa là giao hợp qua hậu môn giữa đàn ông và đàn ông).
Cả phòng họp lặng thinh trong ít nhất nửa phút. Rồi sau đó có một người nào đó hỏi:
- Trong trường hợp này thì đó là tội gì?
Đồng Chí Miao, Trưởng Sở Điều Tra, giải thích:
- Đồng tình luyến ái bắt nguồn từ chủ nghĩa tư bản ở Tây phương và lối sống trưởng giả. Theo luật lệ của Nhà Nước ta, đó là một loại du côn chủ nghĩa (hooliganism). Do đó, tất cả những ai bị chúng tôi câu lưu đều sẽ bị kêu án, từ 6 tháng đến 5 năm, tùy theo mức độ trầm trọng của tội trạng cũng như thái độ của họ đối với tội lỗi của mình.
Một chiếc xe tải bóp còi ở dưới đường làm tim tôi đau nhói. Nếu Bảo Vinh đi ở tù thì vợ của nó ở nhà sẽ sống như một người đàn bà góa trừ khi nó ly dị với chồng. Tại sao nó cưới con nhỏ làm chi để rồi giờ đây sinh ra cớ sự như thế này? Tại sao nó làm hại đời của con nhỏ đến thế này được chứ?
Đầu đuôi vụ này bắt đầu với việc một nhóm đàn ông, đa số là thư ký, nghệ sĩ và giáo viên thành lập một câu lạc bộ gọi là Thế Giới Đàn Ông. Mỗi tuần, cứ đến chiều thứ Năm, họ gặp nhau ở một gian phòng rộng trên lầu 3 của một cao ốc của Viện Lâm Nghiệp. Khi mà câu lạc bộ chỉ thu nhận bọn đàn ông làm hội viên nên Công An sinh nghi và cho rằng đây có thể là một hội kín với xu hướng bạo động nên họ chọn hai thám tử để cài vào trong câu lạc bộ.
Một vài người trong nhóm dường như tỏ ra thân mật với nhau, như phần lớn thời giờ họ nói chuyện về điện ảnh, sách và các vấn đề thời sự. Thỉnh thoảng, họ chơi nhạc và khiêu vũ với nhau. Theo lời thuật lại của hai thám tử - hay công an nằm vùng ở bên trong câu lạc bộ - mỗi lần khiêu vũ như thế, cảnh tượng thật là lạ lùng. Họ Ôm nhau, nhảy từng cặp, hôn hít, nựng nhau không ngượng nghịu trước mặt những người khác. Một họa sĩ trung niên, xỏ lỗ tai đeo bông, nói: "Giờ đây tôi mới biết sống là thế nào! Chỉ có ở đây tôi có thể sống mà không thấy ích kỷ." Mỗi tuần, hai hoặc ba gương mặt mới lại xuất hiện. Khi con số hội viên lên đến gần 30 mạng, Công An ra tay và hốt trọn cả đám.
Sau phần thuyết trình của Xếp Miao, chúng tôi được phép tiếp xúc với các tội phạm trong vòng 15 phút. Một tên Công An dắt tôi vào một gian phòng nhỏ ở dưới hầm và để cho tôi đọc bản tự thú của Bảo Vinh trong khi tên công an đi dắt nó ra. Tôi liếc sơ qua bốn trang Hỏi & Trả Lời, theo đó thì Bảo Vinh là một hội viên mới của câu lạc bộ và chỉ mới đến đó có hai lần, chủ yếu bởi vì nó thích nghe họ nói chuyện. Tuy nhiên, trong bản tự thú, nó không chối cãi rằng nó là một người đồng tình luyến ái.
Gian phòng nằm ở cạnh một phòng vệ sinh nên hôi mùi nước đái. Tên Công An dắt Bảo Vinh vào phòng và ra lệnh cho nó ngồi đối diện với tôi ở một chiếc bàn con. Tay mang còng đôi, Bảo Vinh tránh không nhìn thẳng vào mặt tôi. Mặt của nó sưng húp lên và mang nhiều vết bầm. Một vết bầm to tổ bố vì bị đánh bằng gậy, dài khoảng một tấc, chạy dài trên trán của nó. Chiếc áo gió của nó bị rách toạc cổ ra. Bị ăn đòn nhừ tử như thế đó, nhưng xem ra nó chẳng sợ sệt tí nào cả. Sự bình tĩnh của nó khiến tôi đâm tức, mặc dù tôi cũng thấy thương hại nó. Tôi xụ mặt xuống và nói với nó:
- Bảo Vinh, mầy có biết rằng mầy đã phạm phải một tội ác hay không?
- Con có làm gì đâu! Con chỉ đến đó nghe người ta nói chuyện thế thôi - Bảo Vinh trả lời.
- Mầy nói rằng mầy chẳng có làm chuyện đó với bất cứ ai cả à? - Tôi hỏi nó câu đó để biết chắc mà cứu gỡ cho nó.
Nó nhìn tôi rồi ngó xuống đất, nói:
- Con nghĩ rằng con đã làm một điều gì đó, nhưng thành thật mà nói, con chẳng có làm gì cả.
- Thế nghĩa là gì?
- Con... con khoái một người ở trong câu lạc bộ. Nếu anh ta bảo con phải làm điều đó (kê gian), con có thể làm ngay - Vừa nói, môi của nó vừa cuốn lên như thể hãnh diện về điều nó vừa thốt ra.
- Mầy bệnh hoạn đến thế là cùng! - Tôi vừa nói, vừa đấm tay xuống mặt bàn.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, nó trả lời:
- Đúng vậy, bố! Con là một người bệnh hoạn. Bộ bố không biết rằng con bệnh hoạn như vậy sao?
Câu trả lời của Bảo Vinh làm tôi chưa hết chới với thì nó lại nói tiếp:
- Mấy năm rồi, con đã cố gắng làm đủ thứ để tự chữa lấy con. Con đã uống biết bao nhiêu thứ thuốc Nam, thuốc Bắc, kể cả hổ cáp (bò cạp), rắn mối và cóc. Nhưng chẳng có thứ nào công hiệu cả. Con vẫn còn khoái đàn ông. Con không hiểu tại sao con lại không khoái đàn bà. Bất cứ lúc nào gần đàn bà, tim của con nó lạnh như đá.
Tức cành hông trước lời tự thú của Bảo Vinh, tôi buột miệng hỏi:
- Thế tại sao mầy đòi cưới con Bảo Nữ? Để bêu riếu nó hả? Để bôi bẩn danh dự của gia đình nhà tao phải không?
- Làm sao con lại có thể làm chuyện đó được, hở bố! Trước khi tụi con cưới nhau, con đã nói trước với Bảo Nữ rằng con không thích đàn bà và có thể con không có con.
- Thế nó có tin mầy không?
- Thưa có. Vợ của con nó nói rằng nó không cần. Nó chỉ nói rằng nó cần có một thằng chồng, một mái nhà, như thế là đủ lắm rồi!
- Cái đồ ngu! - Tôi vừa nói, vừa móc chiếc mù-xoa trong túi ra để hỉ mũi, rồi hỏi tiếp - Nhưng tại sao mầy lại chọn nó khi mầy không có một chút hứng thứ nào ở nó chứ?
- Chuyện đó đâu có gì là khác thường đâu, bố! Đối với con, Bảo Nữ thì cũng giống như bất cứ người đàn bà nào khác, thế thôi.
- Đồ lưu manh!
- Nếu con không cưới nó thì ai nhảy vô cưới nó chứ? Chuyện lấy nhau giúp cho cả hai chúng con, vừa vớt vát mặt mũi cho Bảo Nữ, vừa che đậy chuyện đồng tình luyến ái của con. Ngoài ra, chúng con còn có được một căn phòng ấm cúng, một ngôi nhà để ở. Bố có thấy không? Con đã cố gắng sống như một người bình thường. Con có đối xử tệ bạc với Bảo Nữ bao giờ đâu? Bố nhớ lại xem!
- Nhưng cái đám cưới của tụi bây là dzỏm! Mầy nói láo với cả mẹ của mầy nữa, mầy có biết không?
- Nhưng Bảo Nữ nó muốn con lấy nó kia mà!
Tên Công An, nhìn đồng hồ, nãy giờ nghe hết mọi chuyện, ra dấu bảo buổi gặp mặt đã hết giờ. Mặc dù giận nó thật, trước khi ra về, tôi cũng hứa với thằng rể ác ôn của tôi rằng tôi sẽ cố gắng làm bất cứ việc gì để giúp đỡ nó. Ngoài ra, tôi cũng căn dặn nó là nên hợp tác với Công An và tỏ ra thành thật với họ, biết đâu may ra được nhẹ tội.
Về phần mình, tôi không biết phải làm gì đây bây giờ! Nhớ đến nó, tôi muốn bệnh, nhưng nó đã là người trong gia đình rồi, dù rằng chỉ là trên danh nghĩa, tôi có bổn phận phải giúp đỡ nó, chứ làm sao bỏ bê nó cho được?
Đạp xe đạp chầm chậm về nhà, lòng tôi nặng trĩu những ý nghĩ mông lung. Dần dần, tôi nhận thức được rằng mình có thể làm được một vài đều gì đó để ngăn ngừa chuyện Bảo Vinh khỏi bị ở tù. Có hai chuyện đầu tiên mà tôi phải làm là: thứ nhất, tôi phải giữ nguyên niềm tin rằng nó không có làm gì bậy bạ. Ở câu lạc bộ để giúp nó không bị nhốt chung với đám tội phạm hình sự và thứ hai, tôi phải làm thế nào để chứng minh rằng nó thật sự là một người bệnh hoạn ngỏ hầu để nó được điều trị ở nhà thương, thay vì bị nhốt ở trong khám. Một khi mà bị xem như là một tên tội phạm hình sự thì cuộc đời của nó kể như hai năm mươi: nó sẽ bị xem như là kẻ thù của xã hội, không đời nào chuộc lại được tội lỗi của nó nữa. Đến đời con, cháu của nó nữa kìa! Nghĩ đến đó, tôi dứt khoát thấy cần phải giúp đỡ nó với bất cứ giá nào.
°
Cũng may là cả đồng chí Bí Thư Thị ủy lẫn đồng chí Giám Đốc Xí Nghiệp của tôi đều sẵn lòng chấp nhận rằng Bảo Vinh là một người bệnh hoạn, đặc biệt là Bí Thư Zhu, một người rất khoái cái tài kung fu của nó và cũng đã từng mời Bảo Vinh về nhà để dạy thằng con nhỏ nhất của lão ta môn quyền côn. Bí Thư Zhu gợi ý rằng chúng tôi phải bằng mọi giá đừng để thằng Bảo Vinh nằm trong tay của Công An. Dắt tôi vào Phòng Vệ Sinh dành cho đàn ông ở trong Xí Nghiệp của tôi, Bí Thư Zhu nói nhỏ: - Này Lão Cheng, chúng ta phải làm thế nào để Bảo Vinh nó đừng lọt vào khám mới được!
Lời nói của Bí Thư Zhu làm tôi cảm động vô cùng. Giữa lúc đó, cái vụ đồng tình luyến ái của thằng Bảo Vinh bỗng nhiên trở thành một đề tài bình dân ở trong Xí Nghiệp. Một vài công nhân lớn tuổi nói rằng hồi trước Cách Mạng, nhiều diễn viên ở Nhà Hát Lớn Bắc Kinh ăn ngủ với nhau như tình nhân bởi vì kép nữ không được phép trình diễn trên sân khấu, và chỉ có có kép nam mới được đóng chung với nhau mà thôi. Bí Thư Zhu, một cây đọc sách, biết nhiều, hiểu rộng, cũng nói rằng các ông vua đời Nhà Hán cũng từng nuôi những tình nhân đàn ông, ngoài đám cung phi mỹ nữ của họ đó hay sao. Đồng chí Liu, Giám Đốc Xí Nghiệp, cũng xác nhận rằng vị Hoàng Đế Cuối Cùng Phổ Nghi cũng thường bắt bọm thái giám "bú cu và sờ chim" của ông ta (nguyên văn:... had often ordered his eunuchs to suck his penis and caress his testicles). Một số người khác còn khẳng định rằng đồng tình luyến ái là một cái gì đó của giới thượng lưu chứ không phải là một cái gì đó của bọn dân thường. Tất cả những thứ đó làm tôi muốn bệnh. Tôi cảm thấy xấu hổ với cái thằng rể mắc dịch của tôi nên đâu có dám tham gia vào những buổi nói chuyện tào lao đó, mà ngược lại, chỉ biết lẳng lặng đứng mà nghe, giả đò chuyện đó không quan tâm gì đến tôi.
Như tôi đã dự liệu, những lời đồn đại nổ như bắp rang ở trong Xí Nghiệp, nhất là ở Xưởng Đúc. Một vài người cho rằng Bảo Vinh là một người bất lực. Một vài người khác thì cho rằng Bảo Vinh là người lưỡng tính (hermaphrodite) - hay bán nam, bán nữ - cho nên vợ của nó làm sao có bầu được.
Để an ủi Bảo Nữ, một hôm tôi tìm đến thăm nó. Nhà của nó thật là khang trang, mọi thứ đều lớp lang, thứ tự. Hai kệ sách đầy nhóc các loại sách về Công Nghiệp, Tiểu Sử và Y Học... Ơ một góc của phòng khách là một cây móc nón, còn treo lủng lẳng chiếc áo lạnh màu đỏ của Bảo Vinh mua cho vợ của nó trước khi đám cưới, và ở một góc phòng bên kia là một chiếc giá đèn. Ở đối diện cuối phòng là hai chậu hoa anh thảo và hồng Bengale đang nở. Gần vách bên trong là một chiếc ghế xô-pha bọc nệm giả da màu da cam và một chiếc ống nhổ. Một chiếc tivi trắng đen chễm chệ trên một chiếc tủ con bằng gỗ gụ, sát vách tường phía ngoài.
Phải công nhận rằng đây là công trình của Bảo Vinh chứ vợ của nó thì không tài nào bày biện căn phòng của tụi nó được như thế cả: ngăn nắp, lớp lang, mặc dù một vài dấu vết của những thói hư, tật xấu vẫn chường ra trước mắt, như: một bao vải bột mì trống rỗng và một đống quần áo dơ nằm bừa bãi ở trên sàn nhà.
Vừa hớp một ngụm trà từ tách trà Bảo Nữ mới rót, tôi vừa nói:
- Tao rất buồn về chuyện của thằng Vinh. Tao không ngờ rằng nó lại tệ đến thế!
- Không phải vậy đâu tía! Ảnh là một con người tốt lắm. - Bảo Nữ vừa nói, vừa tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, rực sáng.
- Làm sao con lại có thể nói như thế được chứ?
- Thì ảnh lúc nào cũng tốt với con mà!
- Nhưng nó đâu có thể là một thằng chồng tốt đâu! Có đúng thế không?
- Tía nói như vậy là nghĩa làm sao?
Tôi nổi sùng, nói huỵch tẹc ra:
- Vậy chớ nó có ngủ với con thường hay không?
- Ồ! Anh đâu có ngủ với con bao giờ đâu. Anh nói rằng ảnh cần phải tập luyện võ công. A nh nói rằng: ngủ với đàn bà thì công phu rèn luyện từ bấy nhiêu năm trời đi đứt hết. Ngay từ lúc đầu, sư phụ của ảnh căn dặn ảnh là đừng có rớ tới đàn bà.
- Thế con cũng chấp nhận nữa à? - Tôi hoang mang hỏi, đồng thời mắng thầm trong miệng: Con gái gì mà ngu đần đến thế!
- Thật ra thì cũng không đúng lắm!
- Nhưng hai đứa bây cũng phải ngủ chung một giường một vài lần chứ, có phải như vậy không?
- Không, tụi con không có ngủ chung với nhau.
- Thiệt hả? Ngay cả một lần cũng không có nữa à?
- KHÔNG!
Bảo Nữ trả lời lí nhí trong miệng, mặt đỏ ửng một chút và nhìn chỗ khác, mân mê hai trái tai của nó với mấy đầu ngón tay. Đầu óc tôi choáng váng. Sau tám tháng lấy nhau, Bảo Nữ vẫn còn trinh! Và nó cũng cóc cần! Tôi với tay cầm tách trà ực một hơi.
Một bầu không khí nặng nề diễn ra. Cả hai tía con chúng tôi nín thinh và quay sang theo dõi tin tức Thời Sự buổi chiều trên đài. Đầu óc như tê dại của tôi không làm sao tiếp thu được những gì mà nữ xướng ngôn viên trên đài đang nói về những trận đụng độ giữa bộ đội Việt Nam và bộ đội Giải Phóng Quân Trung Quốc trên biên giới chung của hai nước.
Một lát sau đó, tôi nói với Bảo Nữ:
- Bố lấy làm buồn mà thấy nó mắc phải một vấn đề ghê gớm như thế. Nếu tía con mình biết trước có hơn không?
- Tía đừng có buồn phiền. Thật ra thì ảnh còn tốt hơn một người đàn ông bình thường nữa kìa!
- Con nói làm sao?
- Đa số đàn ông làm sao tránh khỏi chuyện gần gũi với đàn bà, chứ còn anh Bảo Vinh thì chỉ thích có một vài bạn bè con trai thôi. Như vậy đâu có gì là bậy bạ đâu? Như vậy còn tốt hơn, bởi lẽ do đó con không phải lo lắng về những thứ đàn bà quỷ quái ở trong Xí Nghiệp của chúng ta. Anh đâu có thèm ngó tới bản mặt của mụ nào đâu, tía thấy không? A nh sẽ chẳng đời nào có vấn đề về lối sống.
Tôi muốn bật cười khi không biết phải nói làm sao để giải thích rằng chồng của nó có những mối quan hệ tình dục với một người đàn ông, cũng như chồng của nó đang bị câu lưu ở đồn Công An chính vì vấn đề lối sống. Nhưng tôi lại quay sang một ý nghĩ khác khi nhận thức rằng: thà tốt hơn để nó tiếp tục suy nghĩ theo lối của nó. Nên tránh cho nó những phiền muộn về tinh thần vào lúc này thì hơn.
Rồi sau đó, chúng tôi quay sang bàn về chuyện làm thế nào để giúp đỡ Bảo Vinh. Tôi đề nghị Bảo Nữ viết một bức thư, nhấn mạnh về điều chồng của nó là một con người tốt, một người chồng ân cần, chu đáo với nó từ ngày chúng nó lấy nhau đến nay. Lẽ dĩ nhiên là nó đừng đá động gì đến tình trạng độc thân của Bảo Vinh trong những ngày sống chung với nhau. Ngoài ra, kể từ hôm nay, cho dù các đồng nghiệp của nó ở Xí Nghiệp có nói hành, nói tỏi gì tới mình, nó cứ tỉnh bơ, coi như chẳng có họ và đừng bao giờ nói lại, như thể không nghe, biết gì cả.
Về nhà, đêm hôm đó, tôi thuật lại cho vợ tôi nghe về thái độ của Bảo Nữ trong vụ này thì vợ tôi cười và nói: So với đa số bọn đàn ông, con trai ở trong thị xã, Bảo Vinh nó cũng chẳng đến đỗi tệ. Và con gái nuôi của ông cũng không phải là một con khờ.
°
Tôi năn nỉ Xếp Miao và một sĩ quan cao cấp Công An đối xử với Bảo Vinh một cách nhẹ tay một chút bằng cách đút lót cho mỗi người hai chai rượu mạnh và một phiếu để mua máy khâu hiệu Bươm Bướm. Nhận quà của tôi, xem chừng như họ sẵn sàng giúp đỡ nhưng chẳng hứa hẹn một điều gì. Nhiều ngày trôi qua mà chẳng thấy động tĩnh gì, tôi đâm ra lo đến độ vợ tôi sợ rằng chứng loét dạ dày của tôi lại tái phát cũng không chừng.
Nhưng một buổi sáng, Sở An Ninh Công Cộng gọi điện thoại báo cho tôi biết là họ đã chấp nhận đề nghị của Xí Nghiệp chuyển Bảo Vinh đến một bệnh viện tâm thần ở ngoại ô phía Tây Thị Xã, với điều kiện lãnh đạo ở Xí Nghiệp của tôi đồng ý thanh toán y phí cho Bảo Vinh trong những ngày nó nằm nhà thương. Tôi mừng như cha sống lại, chấp nhận ngay đề nghị của họ và thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, tôi được biết rằng khám đường của Thị Xã không có đủ chỗ để nhốt một lúc đến 24 thằng đồng tình luyến ái - hạng người không thể được nhốt chung với các loại tù khác - và cần phải được biệt giam. Do đó chỉ có bốn thằng bị nhốt ở khám đường, số còn lại, một số được cho nằm nhà thương, trong đó có Bảo Vinh, với điều kiện xí nghiệp, cơ quan của họ chịu trả bệnh viện phí, một số được gởi đi cải tạo ở các nông trường. Hai đảng viên trong số đó không phải đi ở tù, nhưng bị trục xuất ra khỏi Đảng - một hình phạt nặng nề khiến sự nghiệp, công danh của họ tiêu tán đường.
Nghe xong quyết định của Sở An Ninh Công Cộng, tôi phi nước đại xuống Xưởng Lắp Ráp và tìm Bảo Nữ. Nghe tôi báo tin mừng, nó khóc òa lên vì sung sướng. Nó lật đật chạy về nhà và gom vội một túi quần áo của chồng nó rồi quay trở lại văn phòng của tôi. Hai tía con chúng tôi vội vã đến Sở An Ninh Công Cộng. Tôi đèo Bảo Nữ ngồi ở đàng sau bót ba-ga, tay ôm túi quần áo như thể ôm một đứa con nít. Gặp gió xuôi, xe đạp của chúng chạy nhanh như gió nên chúng đôi đến nơi trước khi Bảo Vinh và đồng bọn được gởi đi bệnh viện. Nó đang ngồi chờ trên một chiếc xe bít bùng, đậu ở trước Sở, với 2 tên Công An canh chừng. Những vết bầm ở trên mặt của nó đã lặn nên trông nó đẹp trai trở lại. Thấy chúng tôi, nó cười và nói nho nhỏ với chúng tôi:
- Con xin bố và vợ con giúp con một chuyện.
- Chuyện gì? - Tôi hỏi.
- Xin bố đừng cho má của con biết chuyện này. Bả già quá, chịu không thấu chuyện này đâu! Bố làm ơn giúp con, nghe bố!
- Vậy chớ tao phải nói với bả như thế nào bây giờ?
- Chỉ nói với bả rằng con tạm thời bị rối loạn tâm thần được rồi.
Nghe chồng nó nói đến đó, Bão Nữ hết khóc, nói to:
- Anh đừng lo! Tía và em sẽ không cho má biết. Anh cứ lo cho anh và về sớm là đủ rồi.
Nói xong, nó trao túi quần áo cho chồng. Bảo Vinh cầm túi quần áo, nín thinh, không nói một lời.
Về phần tôi, tôi gật đầu và hứa sẽ không cho mẹ của Bảo Vinh biết tất cà sự thật về vụ này. Nó cười với vợ của nó, rồi lại cười với tôi. Không biết tại sao, gương mặt của nó bỗng nhiên lại trở nên hiền từ, trông như con gái. Tôi nháy đôi mắt mấy lần và không hiểu nó là đàn ông hay đàn bà.
Cánh cửa xe bít bùng được đóng lại. Xe nổ máy và từ từ chạy ra khỏi cổng. Tôi thót lên chiếc xe đạp vừa lúc một cơn gió mạnh thổi ập tới, khiến tôi loạng choạng, suýt té. Bảo Nữ lót tót chạy theo một khoảng rồi nhảy thót lên bót ba-ga và chúng tôi ton ton đạp xe về nhà. Nó mập như con heo, nhưng nhờ chiếc xe đạp của tôi là loại xe thượng hảo hạng, hiệu Đại Phượng Hoàng, chúng tôi về đến nhà bình an vô sự.
°
Một tuần lễ trôi qua và tôi được Bảo Vinh gọi điện thoại nói chuyện một lần. Nó cho biết là bây giờ nó khá hơn và ít lo lắng, bồn chồn. Giọng nói của nó nghe tỉnh táo hơn. Nó căn dặn, lần sau có đến thăm, nhớ mang theo cho nó vài quyển sách, đặc biệt là quyển Tự Điển Kiến Thức Toàn Cầu, một loại sách hiếm có, được dịch từ tiếng Nga trong những năm 50s. Tôi không hiểu làm sao nó có được cuốn sách đó.
Sáng thứ Năm, tôi đi thăm Bảo Vinh. Bệnh viện nằm ở trên một ngọn núi, cách thị xã Muji khoảng 6 dậm, về phía Tây Nam. Vài cột ống khói lò cao lững lờ nhả khói ở phía sau những đám thông trụi lá ở phía Tây. Tôi đạp xe phom phom trên con đường tráng nhựa. Phía tay phải của tôi là những trụ điện cao thế chạy dọc theo lề đường. Thỉnh thoảng, tôi qua mặt một chiếc xe ngựa, chở đầy những bó rơm, với một, hai con ngựa con chạy lót tót theo sau. Sau khi đạp qua một chiếc cầu xây bằng đá và rẽ sang một ngọn đồi, một dãy cao ốc bằng gạch sừng sững hiện ra trên một dốc đồi thoai thoải, nối liền với nhau bằng những con đường mòn xi măng. Cao mút trên đỉnh đồi, qua khỏi các cao ốc, là một trại nuôi bò, với vài con bò sữa đang nhai cỏ và nhiều con khác túm tụm lại để giữ ấm.
Ơ đây thật là vô cùng thanh tịnh. Nếu không biết rằng đây là một bệnh viện Tâm Thần, các bạn có thể nghĩ rằng đây là một viện điều dưỡng dành cho các cán bộ cao cấp. Đến Trại 9, tôi được một bảo vệ yêu cầu xuất trình Giấy Phép Thăm Bệnh Nhân trước khi đưa tôi đến phòng của Bảo Vinh ở tầng trệt, vừa đúng lúc bác sĩ Trực, một người vạm vỡ, tuổi cỡ ngoài 40, đang khám bệnh cho nó. Ông ta bắt tay tôi và bảo rằng bệnh tình của thằng rể của tôi rất khả quan. Ông ta tên Mai, để râu quai nón, trông rất thông minh. Khi ông ta quay lưng lại để dặn một nam y tá về phương thức điều trị cho Bảo Vinh, tôi để ý thấy một mụn cóc to tướng ở ngoài lỗ tai, thiếu điều bít kín lỗ tai, giống như một máy nghe của những người điếc. Trông ông ta giống như người ngoại quốc, khiến tôi bỗng nhiên nghĩ rằng ông ta lai Mông Cổ hoặc Tây Tạng cũng không biết chừng.
Một lúc sau, ông ta nói:
- Chúng tôi cho anh ấy tắm điện.
Tôi nhăn mặt, hỏi:
- Cái gì? Thưa Bác Sĩ?
- Chúng tôi cho anh ấy tắm điện.
Tôi quay sang Bảo Vinh, hỏi:
- Tắm điện là làm sao?
- Hay lắm! Thật là êm. - Nó vừa nói, vừa cười, nhưng đôi mắt trông như cáu kỉnh và đôi môi bậm lại.
Viên nam y tá sẵn sàng dẫn Bảo Vinh sang phòng điều trị. Chưa bao giờ nghe nói đến lối điều trị tắm điện, tôi tò mò hỏi Bác sĩ Mai:
- Tôi có thể đi theo xem phương cách điều trị này được không, thưa Bác Sĩ?
Ông ta gật đầu, trả lời:
- Được chứ! Hãy đi theo họ đi.
Cả bọn chúng tôi ba người leo cầu thang, lên Lầu 2. Thật ra, ngoài tính tò mò còn một lý do khác để tôi đi theo họ xem coi Bảo Vinh có phải là một người bình thường hay chăng. Ở Xí Nghiệp của tôi, thiên hạ xầm xì với nhau rằng nó không có dương vật, do đó, nó thường tránh không tắm chung với các công nhân ở nhà tắm tập thể của Xí Nghiệp.
Sau khi cởi giày để ở bên ngoài và mang dép, chúng tôi đi vào một gian phòng nhỏ, vách sơn màu xanh đậu, sàn lót gỗ. Ở giữa phòng là một bồn tắm tráng men, trông đáng sợ, giống như một dụng cụ tra tấn không bằng. Ơ trên vách bên trong của bồn tắm có gắn những miếng kim loại vuông dài, có khoan lỗ. Ba miếng cao su dầy nối liền những miếng kim loại với một cỗ máy to, dựng sát vách phòng. Một tấm bảng Kiễm Soát chi chít đầy những nút, đồng hồ và công tắc được gắn ở trên cỗ máy. Tên y tá, lớn con, hàm vuông, mở vòi nước. Nước nóng bốc khói bắt đầu chảy òng ọc vào bồn tắm. Xong đâu vào đó, anh ta khởi động cỗ máy. Trông anh ta có vẻ thân thiện. Tên anh ta là Long Phú Hải. Anh ta nói rằng anh ta là dân nhà quê, nhưng nhờ ơn Đảng và Mao Chủ Tịch, anh ta được theo học và tốt nghiệp Trường Đào Tạo Y Tá Jilin!
Bảo Vinh nhìn tôi, vừa cười, vừa cởi nút áo chiếc áo dài sọc ngựa rằn của bệnh viện. Trông nó bây giờ lành lặn - những vết bầm ở trên mặt đã biến mất và trở nên hồng hào. Tuy nhiên, tôi vẫn phập phòng lo sợ về chiếc bồn tắm, thích hợp để hành quyết một tên tội phạm hơn là để điều trị một bệnh nhân. Đối với tôi, dù cho bệnh cách mấy đi nữa, tôi sẽ không bao giờ leo vô nằm ở trong đó để được trị bệnh. Dây điện chằng chịt như thế đó, lỡ chạm dây thì sao?
Tôi buộc miệng hỏi Bảo Vinh:
- Có đau hay không?
Vừa trả lời: "Không!", Bảo Vinh bước vào đàng sau một bức màn bằng vải ka-ki ở một góc phòng và cởi quần áo ra. Trong khi đó, khi nước vừa đầy nửa bồn tắm thì tên y tá lấy một bao nylon nhỏ đựng bột trắng từ một ngăn tủ, dùng kéo cắt bao nylon đó và đổ bột vào bồn tắm. Có thể đó là một dung dịch hóa chất hoặc muối. Hắn xắn tay áo lên rồi cúi nửa người xuống để quậy dung dịch bằng cả đôi tay to lớn và gân guốc.
Trước sự sững sờ của tôi, Bảo Vinh vén màn bước ra nhưng còn mặc một cái quần xà lỏn sạch. Không do dự, nó bước vào bồn tắm và nằm ngửa xuống, như một người bước vào một hồ bơi nước ấm. Tôi vô cùng sửng sốt, hỏi vội:
- Đồng chí đã mở điện cho nó chưa?
Y Tá Long Phú Hải trả lời:
- Rồi! Nhưng ít thôi. Tôi sẽ tăng lên từ từ.
Nói xong, anh ta quay trở lại cổ máy và điều chỉnh một vài nút vặn. Quay sang tôi, hắn nói tiếp:
- Bác biết không! Rể của Bác là một bệnh nhân gương mẫu đó, lúc nào cũng tỏ ra hợp tác với chúng tôi.
- Phải vậy chứ sao!
- Chính vì thế mà chúng tôi cho anh ấy tắm điện. Các bệnh nhân khác được cho mang còng ở đôi cánh tay để chạy điện. Một số la thét như heo bị thọc huyết mỗi khi được chạy điện như thế. Thành thử ra chúng tôi phải trói họ lại.
- Thế chừng nào nó sẽ lành bệnh, hả đồng chí?
- Tôi không chắc lắm.
Trong khi đó, Bảo Vinh nằm im re trong bồn tắm, với nước được nạp điện, đôi mắt lim dim và cái đầu tựa trên một miếng cao su đen ở trên đầu bồn tắm. Trông nó có vẻ thoải mái.
Tôi kéo chiếc ghế và ngồi xuống. Bảo Vinh dường như không muốn nói chuyện mà muốn tập trung vào buổi điều trị nên tôi đành im lặng, quan sát nó. Thân hình của nó gầy nhưng chắc người, đôi chân không có một sợi lông. Trông nó khỏe mạnh về thể chất. Thỉnh thoảng nó thở ra một hơi dài, yếu ớt.
Khi tên y tá tăng cường độ dòng điện, Bảo Vinh cũng bắt đầu cựa quậy ở trong bồm tắm như thể bị đau nhức ở đâu đó trong cơ thể. Tôi lo lắng, hỏi: "Con có sao không?", nhưng không dám sờ nó.
- Không có sao cả.
Nó trả lời, nhưng đôi mắt nhắm tít. Những giọt mồ hôi bắt đầu đổ trên trán của nó. Trông nó xanh rờn, đôi môi thỉnh thoảng lại bậm chặt lại như thể người đang khát nước.
Rồi sau đó, tên y tá tăng thêm dòng điện, khiến Bảo Vinh quặn đau và sôi bọt mép chút đỉnh. Rõ ràng là nó đang bị đau đớn. Cuộc tắm điện này không làm nó đỡ đau đớn như nó đã từng xác nhận. Với một chiếc khăn lông, y tá Long lau mồ hôi trên trán của Bảo Vinh và nói nhỏ nhỏ: Chờ tôi một chút, tôi sẽ cúp điện trong vòng vài phút. Bảo Vinh bỗng gắt tiếng, la lớn: "Mở điện mạnh hơn nữa cho tôi!", mắt nó vẫn nhắm nghiền, gương mặt nhăn nhó.
Tôi có cảm tưởng như nó tự thấy xấu hổ lấy nó. Cũng có thể cái bản mặt của tôi ở trong phòng điều trị này khiến nó không được thoải mái. Đôi bàn tay của nó nắm chặt lấy hai bờ thành bồn tắm, đôi cườm tay run và cong lại. Ba phút trôi qua, cả ba chúng tôi không nói một tiếng và gian phòng trở nên yên lặng, một sự yên lặng vô cùng ngột ngạt.
Khi tên y tá từ từ giảm cường độ dòng điện xuống, Bảo Vinh cũng trở nên bình tĩnh lại. Mấy ngón chân của nó ngưng giựt giựt.
Không muốn quấy rầy nó với sự hiện diện của tôi ở trong phòng, tôi bước ra ngoài để tìm đồng chí bác sĩ Mai để bày tỏ lòng biết ơn của tôi và cũng để biết xem chừng nào Bảo Vinh sẽ lành bệnh. Bác sĩ Mai không có ở trong phòng của ông ta nên tôi đi ra ngoài để kiếm một chút gió mát. Mặt trời đã lên cao và tuyết trắng xóa khiến tôi nhắm nghiền mắt một lúc để khỏi chóa mắt. Tôi ngồi xuống một chiếc băng và đốt một điếu thuốc. Một bộ đội cái đi ngang qua, tay xách một thùng sữa không, miệng hát nhẩm bản nhạc "Mời Đồng Chí Uống Tách Trà" (Comrade, Have a Cup of Tea). Trông con bé đẹp gái và giọng hát của nó nghe cũng hay hay. Tôi nhìn theo đôi bím tóc của nó lắc lư nhè nhẹ trong gió.
Lòng tôi bỗng dưng thấy thương hại cho Bảo Vinh. Tội nghiệp cho cái thằng đàng hoàng như nó, lý ra phải có vợ đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc và tận hưởng một cuộc sống bình thường.
Hai mươi phút sau, tôi trở vào phòng điều trị. Trông Bảo Vinh có vẻ mệt mỏi và còn hơi run rẩy. Nó nói với tôi rằng khi cường độ dòng điện tăng lên, nó có cảm giác như thân hình của nó bị hàng trăm con muỗi cắn. Do đó, nó không thể nằm lâu ở trong bồn tắm quá nửa tiếng đồng hồ.
Tôi thấy thương hại nó và nói:
- Bố sẽ nói với các đồng chí lãnh đạo thái độ thành thật và sự hợp tác của con đến độ nào cho họ biết.
- Ồ, con cảm ơn tía nhiều lắm. - nó vừa nói, vừa nghiêng cái đầu, tóc còn ướt. - Con cũng cảm ơn tía mang cho mấy quyển sách.
- Con có cần gì nữa không?
- Không.
- Bảo Vinh à! Bố hy vọng rằng con sẽ được xuất viện trước Tết Nguyên Đán. Bảo Nữ nó đang cần con.
- Con biết. Con đâu có muốn bị nhốt ở đây suốt đời đâu!
Tôi cũng nói cho nó biết rằng vợ của nó đã viết thư, nói dóc với bà già chồng của nó rằng chồng của nó bận đi công tác xa. Chuông cơm trưa reo vang lên trong trại và ở bên ngoài, các loa phóng thanh cũng vang lên điệu nhạc Chí Nguyện Quân Hành Khúc. Y tá Long bước vào phòng, tay bưng một mâm cơm, miệng nói:
- Bữa nay ăn đậu hũ chưng với bắp cải xào và canh giá.
Tôi đứng lên và từ giã ra về.
Khi tôi báo cáo tình trạng của Bảo Vinh với lãnh đạo của Xí Nghiệp, ai cũng lấy làm phấn khởi. Nhóm từ tắm điện có thể đã khiến trí tưởng tượng của họ làm việc dữ lắm. Bí Thư Zhu cứ lắc đầu lia lịa, nói:
- Tội nghiệp cho Bảo Vinh phải chịu đựng cực hình như vậy biết chừng nào!
Tôi đã không giải thích với họ rằng tắm điện là một hình thức điều trị nhẹ hơn những hình thức điều trị khác hoặc mô tả ra sao mà chỉ nói: Họ ngâm nó ở trong nước được nạp điện mỗi ngày. Cứ để sự sợ hãi ám ảnh họ, tôi nghĩ, biết đâu họ sẽ thương hại Bảo Vinh hơn một khi nó được xuất viện.
°
Bảo Vinh nhập viện đến giữa tháng Chạp thì đã đúng một tháng. Ở nhà, Bảo Nữ ngày nào cũng nói rằng nó muốn vào bệnh viện để xem chồng của nó ra sao và muốn lãnh chồng của nó về nhà trước Tết Nguyên Đán. Trong lúc đó, mấy con mụ đồng nghiệp của nó đồn đại đủ thứ chuyện, như là những buổi tắm điện làm cho da của Bảo Vinh giộp lên. Một mụ khác còn bạo mồm, bạo miệng nói rằng do tắm điện nhiều quá, chim của Bảo Vinh bị teo lại. Một con mẹ khác còn thêm mắm, thêm muối rằng... thằng chồng của nó bây giờ ăn chay, nghe mùi thịt, cá là buồn nôn, buồn ọe. Còn cái con nhỏ từng tuyên bố rằng nó vẫn để cửa mở ban đêm để chờ nó thì mới vừa lấy chồng và hãnh diện nói với mọi người là... đã có bầu rồi. Nhiều người khác thì tỏ ra tử tế và và dễ chịu với Bảo Nữ, xem nó như là một người vợ bị chồng đối xử bạc bẽo. Lãnh đạo ở Xưởng Lắp Ráp bố trí cho Bảo Nữ làm ca ngày.
Phàng Tài Vụ, trong lúc đó, vẫn tiếp tục trả lương cho Bảo Vinh như thể là nó đang nghỉ phép bệnh. Có thể họ làm chuyện đó vì không muốn làm phật lòng tôi cũng không biết chừng.
Sáng thứ Bảy, tôi và Bảo Nữ lên bệnh viện Tâm Thần thăm Bảo Vinh. Con nhỏ không biết đạp xe đạp và từ nhà đến bệnh viện thì lại xa, tôi đèo không nổi cái thây mập của nó nên chúng tôi đi xe buýt. Hai tuần trước, nó cũng đã đi thăm chồng của nó và mang thêm một mớ quần áo len và sách cho chồng.
Chúng tôi đến bệnh viện, trước xế trưa. Bảo Vinh trông khỏe mạnh và tinh thần phấn chấn. Dường như những cữ tắm điện đó đạt kết quả cũng không biết chừng. Trông nó vui vẻ và còn nựng vợ của nó trước mặt tôi nữa kìa. Biết tôi không ưa ăn kẹo, nó cho vợ của nó một mớ kẹo mà nó đã để dành được. Nó rót một ly cối sữa đậu nành, mời chúng tôi cùng uống, bởi lẽ ở trong phòng chỉ có mỗi một cái ly. Tôi không dám rớ đến ly sữa, không biết liệu cái bệnh đồng tình luyến ái có lây lan hay không. Thấy nó vồn vã và ân cần với vợ của nó, tôi cũng mừng thầm trong bụng. Nó lắng tai nghe vợ nó kể chuyện trong xưởng, thỉnh thoảng cười một cách khoái chí. Mới thấy hai đứa nói chuyện với nhau, ai dám nghĩ rằng Bảo Vinh là đàn ông lại cái đâu!
Muốn để cho vợ chồng chúng nó được thoải mái hơn, tôi bèn đi ra ngoài. Lang thang đi lên lầu và gặp y tá Long đang ngồi viết trước một bàn gấy, ở trong Phòng Y Tá Trực. Cửa mở nhưng tôi vẫn gỏ cửa. Giật mình, Y Tá Long lật đật xếp cuốn sổ lại và đứng lên.
Tôi vội nói:
- Tôi không muốn làm chú giật mình, chú tha lỗi cho.
- Ồ, không có gì đâu Bác! Tôi không dè có người lên trên này thế thôi.
Tôi móc trong túi xách ra một cây thuốc lá, hiệu Hoa Mẫu Đơn và để lên bàn, nói:
- Tôi không muốn làm mất thì giờ quý báu của chú em mà chỉ xin chú em nhận món quà mọn này của tía con chúng tôi thôi.
Thật tình mà nói thì tôi không muốn hối lộ y tá Long, mà trái lại, tôi thành thật biết ơn anh ta đã đối đãi tử tế với Bảo Vinh.
- Ồ! Bác đừng cho cháu cái thứ này. - Long nói.
- Uả! Chú không hút thuốc à?
- Cháu cũng hút thuốc vậy. Nhưng bác nên để dành cho Bác Sĩ Mai thì tốt hơn. Ông ta đã giúp đỡ Bảo Vinh nhiều hơn.
Tôi hơi ngạc nhiên, không biết tại sao nó lại không lấy thứ thuốc lá hảo hạng này nếu nó cũng hút thuốc lá? Thấy tôi còn đang phân vân, nó nói tiếp:
- Cháu vẫn đối đãi tử tế với Bảo Vinh mà không cần phải được Bác cho quà cáp gì cả. Anh là một người tốt. Chính bác sĩ mới là người mà Bác phải vô nhớt!
- Không, bác còn một cây nữa để cho ổng đây nè!
- Một cây mà nhằm nhò gì ở đây, Bác! Bác phải cho ổng ít nhất hai cây lận kìa!
Tôi cảm động trước sự thật thà của Y Tá Long, cảm ơn anh ta và từ giã anh ta. Bác sĩ Mai tình cờ vẫn còn ở trong văn phòng của ông tạ Khi tôi gõ cửa và bước vào, ông ta đang xem một số báo mới nhất - Tạp Chí Đời Sống Phụ Nữ - với trang bìa sau in ảnh của Đồng Chí Giang Thanh trong một phiên tòa, mặc đồ đen, tay bị còng, đứng giữa hai nữ Công An trẻ. Bác sĩ Mai xếp tờ báo để xuống bàn và mời tôi ngồi. Trong gian phòng, toàn là những kệ đầy nhóc sách và hồ sơ dầy cộm. Một mùi trái cây thúi phảng phất ở trong phòng. Ông ta trông có vẻ hài lòng khi thấy tôi.
Sau vài câu xã giao, tôi móc hai cây thuốc lá ra, trao cho ông ta và nói:
- Xin Bác Sĩ nhận nơi đây lòng thành thật biết ơn của gia đình chúng tôi nhân dịp Tết Nguyên Đán.
Ông ta cầm lấy hai cây thuốc lá, để lên bàn, lí nhí nói:
- Cảm ơn nhiều lắm!
Bỗng nhiên tôi vọt miệng, hỏi:
- Thưa Bác Sĩ, Bác Sĩ có nghĩ rằng Bảo Vinh sẽ lành bệnh và về nhà trước Tết được chăng?
Ông ta ngạc nhiên, nhìn tôi, hỏi ngược lại:
- Ông nói cái gì? Lành bệnh hã?
- Vâng, đúng vậy, thưa Bác Sĩ.
Ông ta lắc đầu lia lịa, vừa bước đến xem cửa phòng có được đóng kín hay không. Trở lại bàn giấy, ông ta ra dấu cho tôi ngồi xích lại gần hơn. Nghe lời ông ta, tôi kéo chiếc ghế tới một chút rồi tì hai cùi chỏ tay lên bìa cạnh bàn giấy của ông ta để chờ nghe ông ta nói gì.
- Thành thật mà nói với Ông - bác sĩ Mai nói - cái bệnh đó không có thuốc chữa!
- Bác Sĩ nói gì?
- Đồng tình luyến ái không phải là một chứng bệnh, Ông biết không? Mà đã không phải là một chứng bệnh thì làm sao chữa được? Ông đừng có nói với ai rằng tôi nói ra điều này nghe chưa?
- Thế thì tại sao lại hành hạ Bảo Vinh như thế hoài chi vậy?
- Công An họ gởi nó đến đây, chúng tôi làm sao dám không nhận nó được chứ? Mặt khác, chúng tôi cũng muốn giúp cho nó cảm thấy dễ chịu và hy vọng phần nào.
- Thế đồng tình luyến ái không phải là một chứng bệnh à?
- Đúng vậy. Đồng tình luyến ái không phải là một chứng bệnh. Để tôi nói thêm với ông một lần nữa: thằng rể của ông không có thuốc nào chữa được cả. Đây không phải là một chứng bệnh mà chỉ là một sự ưa thích về tình dục. Nó cũng có thể là do bẩm sinh mà ra, như một người thuận tay trái (left-hander), chẳng hạn. Ông hiểu kịp không?
- Thế tại sao cho nó tắm điện hoài vậy? - Tôi vừa hỏi, vừa hoài nghi.
- Phương pháp trị liệu bằng điện được đề ra trên sách vở - một tiêu chuẩn điều trị đòi hỏi bởi Bộ Y Tế Công Cộng. Tôi chẳng có cách nào nào khác hơn là thi hành các quy định của Đảng và Nhà Nước đề ra. Do đó, tôi đã chẳng áp dụng những phương pháp trị liệu mạnh hơn đối với thằng rể của Ông. Tắm điện là nhẹ lắm rồi đó. Ông thấy không, tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được giúp đỡ cho nó. Sẵn đây, tôi cũng bật mí cho Ông biết thêm là: cho đến nay, phương pháp trị liệu bằng điện chỉ chữa được một trong hàng ngàn người đồng tình luyến ái. Tôi đã thử với dầu cá thu, hoặc súc-cù-là (chocolate), hoặc thịt heo quay... nhưng chẳng có thứ nào mang lại kết quả tốt đẹp cả. Nhưng thôi, đủ rồi. Tôi đã nói nhiều quá, Ông biết không?
Mà thật vậy, ngồi nghe ông ta nói, đầu óc tôi cứ như tê dại. Bên ngoài cửa sổ, một bầy chim se sẻ đang giành mồi với nhau. Tôi đứng lên, lẩm bẩm trong miệng lời cám ơn ông ta. Ông ta giụi điếu thuốc đang hút dở lên thành cửa sổ và nói:
- Tôi sẽ đặc biệt săn sóc cho thằng rể của ông. Ông đừng có lo.
Tôi uể oải đi xuống với Bảo Nữ ở phòng dưới lầu. Bảo Vinh trông vui vẻ ra. Nó nói với tôi:
- Nếu con không thể về nhà sớm hơn, tía cũng đừng thúc họ cho con xuất viện. Họ sẽ không giữ con ở đây suốt đời đâu mà lo!
Tôi đáp:
- Ừ! Để bố xem làm được gì thì làm.
Mà thật vậy, nếu những lời của bác sĩ Mai mà là thật thì tôi cũng không thể làm gì khác hơn cho Bảo Vinh. Nếu đồng tình luyến ái không phải là một chứng bệnh, tại sao nó lại cảm thấy bệnh và cố gắng tìm cách chữa trị? Nó không biết mắc cỡ à?
°
Bảo Nữ bận rộn dọn dẹp nhà cửa từ sau ngày đi thăm chồng của nó ở bệnh viện. Nó đi chợ mua hai con vịt trống và dự định làm vịt quay, món ăn mà nó nói rằng chồng của nó thích nhất. Nghe nó nói mà lòng tôi nặng trĩu. Một mặt thì tôi cũng muốn thấy Bảo Vinh sớm được xuất viện để về nhà ăn Tết, mặt khác, tôi vẫn đắn đo không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu bệnh tình của nó vẫn rề rề hoài. Tôi không dám tâm sự với bất cứ ai về những ý nghĩ của mình, ngay cả với vợ của tôi, một người đàn bà lắm mồm. Chính cái mồm bô bô, ba ba của bả mà cả Xí Nghiệp đều biết là Bảo Nữ còn trinh và nhiều người gọi nó là Cô Dâu Còn Trinh.
Ngày này qua ngày khác, tôi không biết phải làm gì. Tôi lấy làm vô cùng lẫn lộn: ai cũng nói rằng đồng tình luyến ái là một chứng bệnh, ngoại trừ bác sĩ Mai, người mà tôi không dám nói với bất cứ ai cái ý kiến lạ đời của ông tạ Lãnh đạo Xí Nghiệp sẽ điên tiết với tôi nếu họ biết rằng đồng tình luyến ái không có thuốc chữa. Xí Nghiệp chúng tôi đã chi trên ba ngàn đồng nhân dân tệ cho Bảo Vinh từ ngày nó nằm bệnh viện rồi chứ bộ! Tôi cứ tự hỏi trong đầu óc của mình: nếu đồng tình luyến ái là chuyện tự nhiên thì tại sao lại có đàn ông, đàn bà? Thế hai người đàn ông lấy nhau và sinh con được chăng? Tại sao trời không cho đàn ông có lỗ như đàn bà? Tôi cảm thấy hoang mang với những ý nghĩ của tôi. Giá tôi có thể thấu hiểu được cái nghĩa đen của những lời giải thích của bác sĩ Mai. Giá tôi có được một người bạn dễ thông cảm để bày tỏ tâm sự của mình thì hay biết mấy.
Tôi chưa biết phải xử trí ra làm sao với vụ này thì, năm ngày trước Tết, Miao từ Sở An Ninh Công Cộng gọi điện thoại cho tôi. Ông ta thông báo cho tôi biết rằng Bảo Vinh chứng nào tật ấy, cho nên Công An đã trục xuất nó ra khỏi bệnh viện và đem nó đi nhốt ở khám lớn ở Quận Tangyuan. Xếp Miao nói ở bên kia đầu dây: Lần này nó làm thiệt!
Tôi thét lên:
- Không thể có chuyện đó được!
- Chúng tôi có bằng chứng lẫn nhân chứng. Và nó cũng chẳng chối cãi gì cả, Lão Cheng à!
Tôi câm miệng lại, không biết nói gì thêm.
- Nó cần phải bị giam ngay thôi. - Xếp Miao nói.
- Đồng chí có chắc rằng nó là bóng lại cái thiệt hay không?
Xếp Miao gắt giọng nói:
- Không, nó không phải là bán nam, bán nữ. Chúng tôi đã tra khảo nó: về phương diện thể xác, nó là một người đàn ông, mạnh khỏe và bình thường. Nhưng về mặt đạo đức, đây là một căn bệnh tâm thần, giống như bệnh ghiền á phiện.
Để điện thoại xuống, tôi cảm thấy choáng váng, miệng rủa thầm, Bảo Vinh đã tự giết nó. Thì ra nó và tên y tá Long Phú Hải đã âm thầm giở trò giao kê với nhau trong những ngày nó nằm ở bệnh viện. Cái thằng cô hồn y tá đó đã thường nuôi Bảo Vinh với khẩu phần gấp đôi cá, thịt trong các bữa ăn. Ngược lại, Bảo Vinh đã tháo chỉ các bộ đồ bằng len và đan cho thằng kia một chiếc áo tay, cổ chui bằng len. Một tối nọ, khi hai đứa chúng nó đang nằm ôm nhau ở trong Phòng Trực thì một lão lao công già đi ngang qua hành lang và ho khan. Long Phú Hải hồn vía lên mây, yên chí rằng lão già đó đã trông thấy hết những gì mà hai đứa đã làm. Mấy ngày liền, Bảo Vinh cố gắng cách mấy để thuyết phục Long Phú Hải, Long Phú Hải vẫn không thay đổi thái độ, dứt khoát cho rằng Bảo Vinh đã cám dỗ nó. Long Phú Hải còn nói rằng lão già lao công vẫn thường cười vào mặt của nó như hàm ý rằng lão sẽ tố cáo hai đứa nó với lãnh đạo của bệnh viện. Cuối cùng, chịu không nổi, Long Phú Hải tìm lên văn phòng của Bệnh Viện Trưởng và khai hết đầu đuôi tự sự. Nhờ thế, không giống như Bảo Vinh bị kêu 3 năm tù ở, Long Phú Hải chỉ bị án treo: nếu hắn lao động tốt, học tập tốt, phấn đấu trở thành một người tốt, hắn có thể tiếp tục giữ cái nghề y tá của hắn.
°
Tối hôm đó tôi đến báo cho Bảo Nữ về diễn biến tày trời đó của chồng nó. Nó sụt sùi khóc khi nghe tôi kể lại đầu đuôi cớ sự. Mặc dù nhà cửa đã được dọn dẹp từ mấy ngày nay, nhưng nhìn kỹ thì vẫn còn bừa bãi; đa số những chậu bông đã chết hết phân nửa và đĩa, chén, quần áo chất đống, thấy mà phát sợ. Vừa lau mặt bằng chiếc khăn bàn lông màu hường, nó hỏi tôi:
- Thế con phải ăn làm sao, nói làm sao với bà già chồng của con bây giờ?
- Nói cho bả biết tất cả sự thật, chứ biết làm sao bây giờ!
Nó ngồi nín thinh. Thấy vậy, tôi nói tiếp: Hay con nên nghĩ đến chuyện ly dị thử xem!
Bảo Nữ vừa khóc thét lên, vừa nói:
- Không thể được! Anh là chồng của con và con là vợ của ảnh. Nếu mà con có chết, linh hồn của con cũng thuộc về ảnh. Chúng con đã thề nguyền với nhau là chúng con sẽ chẳng bao giờ xa rời nhau. Để thiên hạ muốn nói gì thì nói, con biết ảnh là một người tốt kia mà!
- Thế tại sao nó lại đi ngủ với thằng Long Phú Hải?
- Anh chỉ muốn mua vui một vài giây, phút thế thôi. Chỉ có vậy thôi. Chuyện đó đâu có giống như ngoại tình hay đa thê gì đâu. Có phải vậy không?
- Nhưng đó là một tội ác, khiến nó bị bỏ tù.
Tôi nói, mặc dù trong thâm tâm tôi vẫn thừa nhận rằng Bảo Vinh là một thằng người đàng hoàng, ngoại trừ cái tật thích đàn ông. Nhưng tôi phải tỏ ra cứng rắn với địa vị làm cha của mình. Ngoài ra, tôi còn là Trưởng Ban An Ninh ở Xí Nghiệp, nếu tôi có một thằng rể tội phạm, ai còn kính nể tôi nữa chứ! Liệu tôi sẽ còn ngồi yên ở cái chức vụ của tôi được bao lâu nữa! Nếu tôi được Đảng và Nhà Nước cám ơn, cho nghỉ việc, ai sẽ bảo vệ cho Bảo Nữ?! Về phần Bảo Nữ, sớm muộn gì rồi nó cũng sẽ bị sa thải, bởi vì vợ của một tên tội phạm không thể được hưởng cùng những quyền lợi về công ăn, việc làm như những người khác.
Thấy Bảo Nữ vẫn ngồi im lặng, tôi hỏi tiếp:
- Bây giờ con sẽ làm gì đây chứ?
- Con chờ ảnh.
Tôi hốt một nắm hột dưa đựng trong một cái chén, đứng lên và đi lại cửa sổ. Ở dưới khung cửa sổ, chiếc lò sưởi kêu sè sè và xì ra một làn khói hơi nhỏ xíu. Ơ bên ngoài, xa xa vọng lại những tiếng pháo đì đùng, lẻ tẻ có, từng tràng có, ánh lửa lập lòe trong đêm tối. Tôi đi vòng vòng, nói:
- Nó không đáng để con chờ, con đợi. Con phải ly dị nó thì hơn.
Bảo Nữ tru tréo lên:
- Không, con chẳng đời nào ly dị ảnh.
- Trời đất quỉ thần ơi! Làm sao tía lại có thể có một thằng rể là tội phạm được chứ? Tía đã bị nhục nhã đủ quá rồi mà! Nếu con muốn chờ, muốn đợi nó thì con đừng bao giờ đến gặp tía nữa...
Tôi bỏ nắm hạt dưa lại vào chén, với tay lấy chiếc mũ nỉ và lủi thủi bước ra khỏi cửa.
Hết
 

Xem Tiếp: ----