Nếu bạn nhìn thấy một cậu bé tóc húi cao, tầm vóc trung bình, da đen với vẻ mặt bướng bỉnh, luôn luôn mang một chiếc quần cộc, áo may-ô ba lỗ hay cởi trần, đầu trần và chân trần đang chơi đùa cùng đám bạn, hoặc lăn lê dưới mương nước bắt cá. Đừng ngạc nhiên. Đấy có thể là tôi. Tôi của một thời nhỏ bé.
Bốn tuổi, tôi đi mẫu giáo. So với các bạn trong lớp, tôi nhỏ nhất. Không phải vì Ba Mẹ ham hố cho tôi đi học sớm để sau này làm vương làm tướng hay để tỏ ra khôn ngoan già dặn gì so với đám bạn mà đơn giản vì không có ai chăm trong khi chị Ba nhất định không chịu dắt tôi theo khi đến lớp. Chắc lúc đó bạn bè chọc chị dữ lắm. Ba Mẹ phải đi làm. Lúc đó không có nhà trẻ như bây giờ để con cái hai tuổi có thể dung dăng gởi vào. Mẹ phải năn nỉ cô giáo mẫu giáo trường làng cho tôi được đi học. Tôi không nhớ lúc đó là mình bao nhiêu tuổi. Bốn tuổi là sau này nghe kể lại. Nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái lớp học lúc ấy. Nhà tranh. Vách gỗ. Nền nện đất thịt chắc khừ. Cô giáo tóc dài thỉnh thoảng hất ngược ra phía sau ngồi ở một bàn lớn bên cạnh tấm bảng đen. Cô giáo mẫu giáo thì thời nào cũng vậy, lúc nói cứ nhả từng chữ như chim mẹ mớm mồi. “Hôm nay lớp mình vẽ hình bông hoa, nào, cả lớp, bông hoa có gì nào, cháu nào biết...”. Cả bầy chim con ngồi theo hình chữ U xung quanh tấm bảng, há miệng chờ chim mẹ. Tôi ngồi ở một cạnh trên hình chử U ấy, dưới bức tranh vẽ hoa quả ngon lành, mắt thỉnh thoảng mắt liếc về cánh cổng gỗ: Nếu không thấy bóng anh Hai hay chị Ba, tôi… khóc.
Học được một tuần, tôi… xé vở. Bây giờ, tôi vẫn không hiểu được lý do tại sao mình làm thế. Cuối buổi học, cô giáo bảo tất cả xếp vở lại, cô sẽ đến thu tất cả và cho vào tủ nhỏ, sau đó ra sân xếp hàng ngay ngắn để về. Liếc mắt không thấy chị ngoài cổng gỗ, tôi bắt đầu khóc. Và kiên quyết không xếp vở, không xếp hàng. Nước mắt nước mũi tèm nhem, tôi khóc mỗi lúc mỗi to, như có nỗi oan ức nào ghê gớm đang đổ ập xuống đầu. Bên cạnh, thằng bé mắt lồi đang nham nhở cười, cô bé áo hoa lấm chấm xanh đỏ với đuôi tóc vổng cao chăm chú nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên hiện rõ trong đôi mắt, rồi sau đó che miệng khúc khích. Cô giáo đến bên cạnh, hình như cô ôn tồn hỏi tôi điều gì đó, sau này tôi hình dung có lẻ lúc đó cô hỏi: tại sao con khóc, y như bà tiên ông bụt trong truyện cổ tích hay hỏi vậy. Tuyệt nhiên không thấy bóng chị, thế là tôi xé vở. Cô giáo lắc đầu khi chị đến: “Nói với Ba Mẹ em còn nhỏ quá…”. Điều này có nghĩa là, tôi sẽ tiếp tục hoặc chơi ở nhà với con chó Vàng, hoặc cùng chị Ba đến lớp học, ngồi bên cạnh chị to hó cuối lớp, chơi với con cào cào bằng lá dừa hay tự gấp giấy, vẽ vạch vằn vện lên một cuốn vở trong khi miệng luôn ngậm kẹo đủ màu xanh vàng đỏ. Buổi chiều thì có nhiều người ở nhà. Tha hồ vòi vĩnh. Một năm sau, tôi chính thức đi học. Lần này thì đúng là “Mẹ tôi âu yếm dắt tôi đi…” như lời một nhà văn mô tả.
Nhà không có tivi, buổi tối tôi thường hay sang nhà hàng xóm để xem ké. Cả xóm có được ba chiếc tivi đen trắng 14 inch, nhưng chúng tôi thường tập trung ở một nhà “dễ tính” nhất để xem. Nhà dì Xuân. Ban ngày, dì Xuân bán chè, do đó nhà có những chiếc ghế gỗ nho nhỏ cho khách ngồi ăn. Lý tưởng lắm. Tôi và chị thường đến sớm để giành ghế. Và tiện tay lột luôn lớp vỏ bên ngoài đậu ván giúp dì. Những hột đậu ván bị chai cứng thì để dành lại nấu nước uống. Thơm thật thơm. Ngon thật ngon. Uống đến đâu biết đến đấy. Chúng tôi thường ngồi xem từ đầu cho đến cuối chương trình. Từ Những bông hoa nhỏ, băng qua Thời sự để đến Phim, Ca nhạc hay Cải lương. Và ao ước: nhà mình cũng có một chiếc tivi để xem, lúc đó không thèm ngồi ghế nữa, mà… nằm. Vừa nằm vừa xem tivi, vừa thò tay ra ngoài nhón lấy khoai lang luộc hay bắp rang thì thú vị biết mấy. Được ngồi ghế là nhờ đến sớm. Đến trể một chút chỉ còn việc ngồi xuống nền nhà tráng xi măng đen thui, mùa đông lạnh toát. Những tối có cải lương, nhà đông nghìn nghịt người. Nhiều người vừa coi vừa khóc, xót thương cho số phận của Kiều, của Lựu, hoặc căm giận, tức tối trước thái độ hống hách của ông Đề, ông Lý… Chị Lan cực kỳ dễ khóc, buồn cũng khóc, vui cũng khóc, muốn biết chị khóc buồn hay khóc vui thì cố gắng nhìn vào miệng chị để phân biệt. Lần nào đi xem, chị cũng bế theo đứa con trên tay. Mẹ chảy nước mắt, con khóc. Trông thật buồn cười. Bọn trẻ con như chúng tôi thì chí cha chí chách hơn, chỉ thích những phim chiến đấu hay Trong nhà ngoài phố với anh Ba đau khổ, chị Tư xả láng cười muốn vỡ bụng. Có lần thằng Khôi sún tè cả ra nhà khi xem một phim ma nào đấy không nhớ rõ. Một phần sợ … ma. Một phần sợ đứng lên ra ngoài thì mất chỗ ngồi.
Thỉnh thoảng, ở phường có chiếu phim. Đó là loại phim nhựa, căng lên một tấm vải làm màn chiếu, từ đấy hiện ra đầy đủ thế giới xung quanh. Lúc chiếu, máy chiếu phim chạy kêu xè xè, và tiếng người thuyết minh người đọc ra rả, thỉnh thoảng có lên cao hay xuống thấp giọng để diễn đạt trạng thái nhân vật. Những đêm như vậy, bọn nhóc chúng tôi vui lắm. Ngay từ chiều, khi nghe trong gió lúc rõ lúc nhạt vọng đến: phim truyện màu chiến đấu của Liên Xô, là đã hí hởn, khoái chí. Thế là ăn cơm sớm, là tắm rửa sạch sẽ, là nhanh chóng xem bài, rồi tót ra phường, và... đứng đấy ngắm nhìn mọi người. Đơn giản vì không có tiền để mua vé. Hồi đó, cứ mỗi vé người lớn được kèm theo một trẻ con. Vậy là chúng tôi xin đi “kèm”. Thích nhất là gặp được hai anh chị nào đang yêu, lúc đó trông họ thật đáng yêu bởi sự… dễ tính. Nhưng có quá nhiều trẻ con như bọn tôi, nên không phải lúc nào cũng xin được. Và cũng không phải lúc nào cũng may mắn gặp “hai người yêu nhau” rộng rãi, dễ tính. Túng thế phải làm liều. Chúng tôi đào một góc nhỏ hàng rào. Lần lượt từng người chui vào rồi nấp sau mấy bụi cây um tùm nồng nặc mùi amoniac. Tập trung khoảng gần mười người, chúng tôi bắt đầu hô một, hai, ba rồi đồng loạt chạy loạn xạ vào đám người trong bãi. Đội bảo vệ dữ lắm. Một chuyến mười người thì lọt sàn cỡ sáu, bảy người. Ba hay bốn người bị bắt thì ăn vài bợt tai, vài cú đá đít rồi tống đầu ra ngoài trở lại. Cứ như thế, chúng nó lại tìm cách trở vào. Đội bảo vệ dòm ngó ở chỗ này thì chúng tôi lại dỡ rào ở nơi khác, cứ thế, chúng tôi chẳng bỏ sót một buổi chiếu phim nào cả.
Tôi hay kiếm chuyện mua thuốc lá cho Ba vào buổi trưa. Một công đôi chuyện, vừa trốn ngủ trưa vừa có thể la cà đàn đúm. Quán bán thuốc ở tận ngoài đường cái. Từ nhà đến đường cái khoảng ba trăm mét nhưng lúc đó thấy xa lắm. Giữa nhà và đường cái là nhà ông Lễ khùng, râu tóc bù xù không bao giờ cắt, móng tay móng chân dài ngoằn bám đầu cáu bẩn, mắt trợn trừng và miệng luôn lầm bầm câu gì không rõ. Tôi không sợ ông Lễ, trái lại, bọn tôi càng khoái chí khi chọc phá cho ông la lối. Lúc đó bọt mép ông sùi ra, giơ tay chỉ trỏ lên trời rồi đấm ngực thình thịch, nằm vật xuống đất. Anh con trai chạy ra bế ông vào nhà, đuổi chúng tôi chạy có cờ. Còn bà Lễ bán hàng ngoài chợ, cứ vài ba ngày lại kéo tay níu áo mắng vốn từng phụ huynh. Thế nhưng, tôi thực sự sợ bầy ngỗng nhà ông. Chúng kêu quàng quạt ma quái và luôn tìm cách mổ rất đau vào chân những người qua lại trước cửa nhà. Đôi lúc, để đi ngang nhà ông mua thuốc lá, tôi phải đứng chờ một người nào đấy đạp xe đi ngang, xin ngồi lên phoocpaga phía sau rồi co hai chân lên cao để tránh bầy ngỗng.
Không như bây giờ, mùa hè thực sự là mùa chơi xả láng. Khoảng nửa tháng cuối cùng của kỳ nghỉ mới bắt đầu sắm sửa áo quần, sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Chúng tôi có vô khối trò chơi trong mỗi dịp nghĩ hè. Buổi tối, chúng tôi thường chơi Hô-lê-manh. Chia đều người ở hai phe, sau đó mỗi phe một bên chui rúc lẫn trốn thế nào thì tuỳ nhưng phải nhận cho ra và hô đúng tên từng người của phe kia. Mỗi lần hô đúng, người bị điểm trúng tên sẽ chết, buồn hiu ra ngoài ngồi chầu rìa. Hô nhầm, người chết lúc đó sẽ là người hô. Cứ như thế phe nào chết hết trước thì thua. Lúc chơi, chúng tôi thường cởi trần. Da đứa nào cũng đen, lẫn vào bụi cây khó nhận biết. Tôi và Thắng thường đổi cả quần cho nhau. Cùng tạng người, sau khi đổi quần, tôi thường giả bộ hớ hênh xoay cặp mông ra khỏi bụi cây để phía bên kia hô nhầm. Thắng đôi lúc cũng công phu chạy về nhà, mang thêm chiếc áo khác màu rồi ung dung lấy xe đạp chạy thẳng qua phía bên kia bắn chết một người, xong cười hí hí chạy về nhà cất xe ra chơi tiếp. Vào những buổi có mưa rào, chúng tôi lấy săm xe đạp đốt lên đi soi ếch. Rất dễ, thấy bờ cỏ động đậy, chúng tôi chỉ việc đến túm lấy ếch bỏ vào giỏ. Trong những buổi như vậy, chúng tôi tranh thủ đặt mấy cái lờ hay giăng vài mảnh lưới rách lượm được ngang con nước chảy. Đi soi ếch một lúc, trước khi về kiểm tra lờ và lưới thế nào cũng có thêm vài chú cá dính vào. Những đêm trăng sáng thì đông hơn, trẻ con của ba xóm cùng nhau tụ tập về sân trường cấp I trong xóm. Có lúc tất cả cùng trộn lẫn vào chơi, có lúc mỗi xóm mỗi phe, có lúc… đánh lộn, có lúc chạy theo mấy anh lớn tuổi hơn xem… những người yêu nhau nói gì….
Ban ngày có nhiều trò chơi hơn. Nào là một-hai-ba, năm-mười, thả diều, câu cá, nhảy ngựa, u, tượng đá, đá banh, banh phạt… nhưng thích nhất là trò Săn Bắt Cướp. Trò chơi này tha hồ sáng tạo và xử lý tình huống. Chia đều làm hai phe, đều cả số lượng và nam nữ. Rồi oẳn tù tì, hơn làm công an, thua làm cướp. Bên công an phân ra hai người làm chủ nhà. Số còn lại dĩ nhiên là công an oai phong lẫm liệt. Chủ nhà cười nói, chủ nhà ăn tiệc, chủ nhà tí tởn đi chơi, chủ nhà… quên khoá cửa. Thế là cướp đến. Cướp khoắn sạch sẽ từ cái quạt bằng lá cho đến nồi niêu soong chảo bằng nhựa. Rồi cướp dong. Trước khi dong, cướp còn nháy mắt cười cợt với đám công an đang ngồi bên cạnh. Chủ nhà về khóc lóc vật vã chán chê đúng mười phút và điên cuồng chạy khai báo công an. Mười phút là thời gian quy định để cho cướp tẩu tán tài sản khoắn được và tìm nơi ẩn náu. Sau khi khai báo, chủ nhà hoá thân thành công an và nhập cuộc tìm kiếm giữa hai phe. Có vụ công an nhanh chóng bắt giữ toàn bộ bọn cướp và thu hồi tang vật trả về khổ chủ. Có vụ cả công an và bọn cướp gặp nhau ở một xóm bên cạnh cùng nhau ăn mít hay mận vừa mới hái trộm được. Nhưng vụ nào rồi cũng để lại một vài dấu tích: trầy tay, sái chân, gai châm. Có lúc còn bị cả ong chích sưng to lên cả tuần, phải lấy vôi quẹt vòng tròn quanh vết chích. Chơi chán, chúng tôi cùng nhau ra sông bơi lội, tập cho nhau bơi ngữa, bơi sãi, bơi bướm, bơi chó… Rồi bắt còng đá bám trên bờ kè và sì sụp mò sìa. Sìa là con vật nhỏ, giống như nghêu, nhưng nhỏ hơn và có màu đen, cá biệt có những con rất to. Cứ ngồi ngâm nước đến cổ ở bờ sông, thò tay xuống đám bùn nhão nhoét khua khoắn, gặp sìa là bắt lấy, đôi lúc cào cáu trúng phải mấy thanh sắt gỉ hay miểng chai, chảy cả máu tay. Còng và sìa bắt được nướng ăn ngay trên bờ rất ngon. Nhưng cũng dễ bị đau bụng. Có lẽ do nướng chưa chín. Mà chín làm sao được. Đôi lúc miếng ăn đưa lên gần đến miệng còn bị vụt vào tay kẻ khác.
Lúc nhỏ, tôi ghét chị kế lắm. Cách nhau năm tuổi nhưng lúc nào cũng giành phần hơn và phân chia công việc sòng phẳng. Tôi hay bị mất bút viết vì tội ham chơi nhưng đừng hòng sờ mó vào đồ dùng học tập của chị. Hai chị em hay học cùng buổi, do vậy ở nhà cũng cùng một buổi. Chị quét sân em phải quét nhà. Chị nấu cơm thì em phải lặt rau. Có Ba Mẹ ở nhà thì sướng, Ba Mẹ làm hết, còn không thì đừng hòng với chị. Thỉnh thoảng chị mách lẻo về tội tôi ham chơi, rách áo, đổ mực, trầy chân, trưa nắng tắm sông... Ôi thôi, những cái đó thì đầy rẫy, chị mách hoài không hết chuyện. Tôi bị Mẹ la tơi bời, kiểm tra bài vở ngặt nghèo hơn, đôi lúc bị phạt quỳ sấp mặt vào vách suốt hai tiếng đồng hồ. Nhưng bù lại, Ba hay ra tay cứu giúp thoát khỏi những trận đòn roi kề cận, mỗi kỳ nhận lương, Ba hay dắt tôi đi ăn mỳ quảng, cho thêm tiền ăn quà vặt. Sau mỗi trận phạt, anh Hai thường dẫn tôi ra sau vườn hứa làm cho con diều hay cái ná bắn chim. Còn chị thì tôi chịu, chẳng có gì để mách lẻo trả đũa. Ngày ôn bài chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, chị nói Mẹ bắt tôi ngồi dò bài cho chị. Trời ạ! Ngồi dò bài mà ngoài kia bọn đồng môn đồng lứa bày trò chơi kêu gào la thét ỏm tỏi, tôi chẳng để tâm vào được. Thấy tôi thấp thỏm, chị cố tình đọc sai một đoạn, hỏi tôi có đúng không, tôi nhanh chóng gật đầu cụp cụp, thế là chị khóc lên, rồi chạy đi mách Mẹ… Sao mà đáng ghét thế! Vậy mà mấy bác đến chơi thường khen chị ngoan, chị xinh, chị hiền lành, chị dễ mến. Sai lầm hết!
So với trong xóm, nhà tôi thuộc loại ít con và sinh thưa. Cứ người này lập gia đình thì người kia mới biết… yêu. Hình như càng lớn, chị càng đổi tính, giành… việc làm của tôi nhiều hơn thì phải. Cứ dành dụm đủ một số tiền, hai chị em cọc cạch chở nhau đi mua truyện. Lúc đến hiệu sách Nhân Dân, cả hai cùng tranh thủ đứng đọc một truyện, sau đó mua một truyện khác. Chị bán hàng cười, sau đó ưu tiên cho ngồi trên hai chiếc ghế ở cuối quầy, tha hồ đọc. Anh Hai và chị Ba sao tôi không rõ chứ từ khi chị kế yêu và lập gia đình, điều gì chị cũng kể cho tôi biết. Có lẽ vì lúc đó nhà chỉ còn hai chị em. Trong đám bạn chị, tôi có cảm tình nhất với một anh trông rất thư sinh, trông rụt rè, giúp tôi giải toán thật nhanh. Nhưng người đến nhà chơi nhiều nhất là một anh luôn mang quần Jean xanh lủng lẳng những túi là túi, nhanh tay nhanh miệng, việc gì trong nhà cũng có tay ảnh rớ vào, Ba Mẹ thích lắm. Một lần, tôi vô tình bắt gặp Jean xanh dừng xe, tay hất hất tóc trên trán, hóp bụng vuốt lại cho phẳng phiu chiếc áo, sau đó canh ngang nơi đầu gối chiếc quần cho thẳng thớm và tiện tay phủi phủi bụi trên giày trước khi vào nhà. Bất chợt, mọi tình cảm với anh chợt tan biến. Nhìn bộ dạng của tôi, chị hiểu. Và cười. Có gì đâu. Rồi chị yêu. Một người mà tôi không bao giờ ngờ đến. Trước đây, anh và chị gặp nhau là tranh luận. Cái kiểu tranh luận không phải để tìm ra một kết quả đúng nhất, mặc dù ẩn dưới lối phân tích mổ xẻ đến cạn kiệt một vấn đề để tìm cái sai và cái đúng, nhưng thực chất chỉ là một sự chọc tức khiêu khích lẫn nhau. Chuẩn bị đám cưới, bà con trong quê ra thật đông, sắp xếp đưa dâu phải ưu tiên giành phần cho ông chú, bà bác, không thì sẽ có giận dỗi, trách móc trong khi số người đưa dâu có hạn. Chị lại khóc và nằng nặc đòi phải có tôi. Trước đám cưới một ngày, hai chị em chở nhau đi xem phim, sau đó la cà đủ loại hàng quán, rồi đi uống cà phê. Chị nói: Từ rày bớt lêu lỏng ngoài đường, dành thời gian ở nhà nhiều hơn với Ba Mẹ. Lúc đó, tôi thấy chị thật lớn. Thật hiền. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi nghiêm khắt nhìn nhận lại bản thân mình: từ trước đến giờ, tôi chỉ làm những điều mình thích, tôi chẳng nghĩ gì đến những người xung quanh.
Nhà có một cái … toalet. Nói cho oai vậy thôi chứ đó chỉ là một góc nhỏ cuối nhà. Ngoài chức năng chính, nó còn kiêm cả chức năng của một cái phòng…. đọc sách. Mỗi lần vào “phòng”, tôi ngồi lỳ trong đó ít nhất 2 giờ đồng hồ. Có hôm, Ba phải kêu ầm lên giục ra để đến… phần Ba. Mà các thành viên trong nhà ai cũng vậy. Tính qua tính lại, cái toalet là nơi được “ngồi” nhiều nhất so với tất cả các vị trí trong nhà. Bây giờ, đứa cháu đang đi nhà trẻ, không bao giờ chịu ngồi bô, mỗi lần vào toalet là túm theo một cuốn truyện tranh, ì ạch đặt lên bàn ngồi một miếng gỗ đệm rồi leo lên ngồi lỳ trong đó mặc dù nó chưa biết đọc một chữ nào. Ông anh rể ngồi chờ nó bên ngoài sốt ruột: nó mang cái gen của Mẹ.
Tối nay, ngồi nghe lại bài hát Cho Con, bỗng thấy nhớ gia đình ngày xưa quá. Bài hát này ngày trước mấy anh chị em vẫn thường nghêu ngao trong những đêm trăng sáng. Vào những đêm trăng như vậy, anh Hai thường mang chiếc chõng tre ra ngoài vườn, cả nhà tụ tập trên chiếc chõng đó, vừa hát hò ngắm trăng, vừa tránh nóng trong nhà. Lúc đầu là như vậy, nhưng về sau chiếc chõng sẽ được tôi và chị kế xoắn tay chia phần giang sơn lãnh thổ, mỗi người một nửa, và trên địa phận của mình chỉ cho Ba hoặc Mẹ ngồi lên thôi. Anh Hai và chị Ba lúc đó như những người lớn thật sự, nhường nhịn từ cái bánh cho đến chỗ ngồi, cả hai thường ngồi dưới đất, anh Hai đánh đàn tưng tưng đệm vào cho khí thế, bài gì thì bài, thế nào anh cũng đàn bài Mặt trời bé con cho chị Ba hát. Sau này lớn lên chút nữa, tập tò học ghita, tôi cũng được ông thầy dạy cho đánh bản nhạc này sau khi gò lưng bấm đủ các nốt đồ rê mi fa son la… Cuối mỗi buổi như vậy, tôi thường nằm im giả vờ ngủ, Ba hoặc Mẹ sẽ bồng vào nhà. Thích lắm.
Bây giờ, mọi điều đều thay đổi, xóm làng đổi thay, nhà cũ không còn, dĩ nhiên chiếc chõng tre năm nào cũng không còn nữa. Các anh chị đã có gia đình, thỉnh thoảng chủ nhật nào đấy mới tập trung lại nấu nướng, nhưng hiếm lắm. Trăng bây giờ không còn sáng và lóng lánh ánh vàng như trăng của ngày xưa. Đôi lúc ra biển chơi ban đêm, thấy trăng sáng mới biết đó là ngày rằm. Lưng Ba Mẹ đã còng, tóc đã bạc. Bạn bè cũ dần xa. Đứa Nam. Đứa Bắc. Đứa ở lại chính nơi sinh ra, nhưng cuộc sống không cho phép chúng tôi tung tăng như ngày xưa nữa. Thời gian tàn bạo quẹt lên mặt nhiều nếp nhăn không chừa một ai, cũng có thể thời gian xoá nhoà đi trong trí óc nhiều kỷ niệm. Nhưng tôi tin, “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi”. Giống như đêm nay, có một “cậu bé tóc húi cao, tầm vóc trung bình, da đen với vẻ mặt bướng bỉnh, luôn luôn mang một chiếc quần cộc, áo may-ô ba lỗ hay cởi trần, đầu trần và chân trần” đang tha thẩn đi dọc các ngóc ngách ngày cũ để tìm về với tuổi thơ và kỷ niệm.
Nguyễn Đình

Xem Tiếp: ----