Hiếu Trang dịch từ bản tiếng Nga
Phần 2

Trong lò sưởi chỉ còn lại là những lưỡi lửa nhỏ, hơi lạnh từ các góc phòng lan tới, nhưng không ai nhúc nhích trong khi George lại đốt một tẩu thuốc. Ông thở dài, đổi chiều gác chân làm cho các khớp xương kêu răng rắc và tiếp tục câu chuyện:
- Cũng cần nói thêm rằng tất cả mọi người chơi trong ván bài tối hôm đó đều nhất trí phải tìm cho được Brower và trả cho anh ta món tiền được bạc. Có thể ai đó cho chúng tôi là chập mạch, nhưng các bạn đừng quên rằng tuổi trẻ của chúng tôi đã trôi qua trong một thời nghiêm túc hơn bây giờ. Davidson hoàn toàn suy sụp. Tôi đã thử kéo anh ta ra một chỗ và tìm cách động viên nhưng vô ích. Anh chỉ lắc đầu và thất thểu đi về nhà. Tôi cũng không giữ anh lại. Cứ để anh ta ngủ một giấc, tôi nghĩ, và mọi chuyện sẽ không còn mang màu sắc u ám như bây giờ nữa, và khi đó hai người chúng tôi đi tìm Brower. Hai người thôi, bởi Wailden sẽ rời thành phố, còn Baker sẽ phải thực hiện “những chuyến thăm viếng xã giao”. Mình phải giúp Davidson lấy lại niềm tự tôn của bản thân. Với ý nghĩ đó tôi đến căn hộ của anh vào sáng ngày hôm sau. Anh vẫn đang ngủ. Tất nhiên có thể đánh thức, nhưng vào cái tuổi đó người ta ngủ rất say, và lúc đó tôi quyết định làm rõ một vài sự kiện.
- Trước tiên tôi nói chuyện với Stevens... - George nhướn mày vẻ dò hỏi khi nhìn người quản gia của mình.
- Đấy là ông nội của tôi, thưa ông, - anh này nhắc.
- Cám ơn.
- Con luôn sẵn sàng phục vụ ông, thưa ông.
- Lúc đó tôi nói chuyện với Stevens-ông nội. Cũng ngay ở chỗ này đây. Và tôi được biết có một tay Raimond Griar nào đó, một người mà tôi cũng hơi biết, đang quản lý công việc cho Brower. Griar làm việc trong sở thương mại của thành phố vì thế tôi vội vã tới văn phòng của ông ta đặt trong tòa cao ốc Flatiron. Ông ta có mặt ở văn phòng và chúng tôi ngay lập tức tìm được tiếng nói chung. Khi tôi kể cho ông ta chuyện xẩy ra tối hôm qua, một bên mặt ông ta hiện lên một loạt những xúc cảm phức tạp: nét thương hại, vẻ lo lắng, nỗi hoảng sợ.
- Henry, kẻ đáng thương! - ông ta thốt lên. – Tôi đã biết sự việc sẽ kết thúc như thế mà, nhưng không ngờ nó lại xảy ra nhanh thế.
- Ông nói gì thế? - tôi hỏi.
- Về cơn sốc thần kinh của anh ta, - Griar giải thích. - Chuyện đó xảy ra hồi anh ta ở Bombay, và có lẽ, không có ai ngoài Henry biết được hết các chi tiết. Tôi sẽ kể cho ông những gì tôi biết.
Những gì tôi được nghe Griar kể lại đã làm cho tôi nghĩ về Henry Brower với một sự cảm thông và cảm tình sâu sắc. Người thanh niên trẻ tuổi ấy chắc chắn đã trải qua một thảm kịch thực sự. Giống như trong các vở kịch cổ điển, điều bất hạnh ở đây đã xảy ra như là hậu quả của một sơ suất vô ý - cụ thể là sự đãng trí. Brower với tư cách là đại diện của phái đoàn thương mại ở Bombay có quyền sử dụng một chiếc ôtô, vào thời đó là một của hiếm. Theo lời của Griar, Henry lúc đó vui sướng như một đứa trẻ lái xe chạy khắp các phố phường nhỏ hẹp và thấy lũ gà qué bay tán loạn còn đám phụ nữ quỳ sụp xuống cầu khẩn thánh thần che chở. Anh ta chạy xe khắp thành phố, lôi theo cả một đám đông những đứa trẻ rách rưới, chúng bám theo anh từng bước, nhưng luôn e ngại rụt rè khi anh ta đề nghị chúng ngồi lên đi thử trên chiếc xe - điều kỳ diệu của kỹ thuật đó. Đó là một chiếc Ford-Sedan kiểu A, một trong những chiếc xe ôtô đầu tiên có thể khởi động không cần quay maniven mà chỉ cần ấn nút đề. Tôi muốn các bạn nhớ lấy điều này.
Một lần Brower đi tới một địa điểm ở đầu kia thành phố để thỏa thuận với một quan chức địa phương việc ký hợp đồng cung cấp một lô dây cáp đay. Như thường lệ, tiếng rú của động cơ và làn khói xả mù mịt không thua kém gì tiếng ầm ầm của các loạt đạn đại bác đã lôi kéo sự chú ý của tất cả mọi người, trước hết là lũ trẻ.
Brower được mời ăn trưa với ông vua dây cáp đay, những bữa tiệc như vậy diễn ra rất trang trọng vì phải tuân thủ rất nhiều nghi lễ. Thế là không lâu sau khi dọn món thứ hai - lúc đó quan khách đang ngồi ở hàng hiên tiền sảnh phía trên con phố đông đúc - thì ở phía dưới đường có tiếng lạch xạch quen thuộc rồi tiếng rú của động cơ kèm theo tiếng hò hét và tiếng huýt hoan hô.
Một chú bé can đảm, con trai của một pháp sư địa phương nào đó, đã leo vào buồng lái, và tin rằng khi không có người da trắng ngồi sau tay lái, con rồng ẩn trong đống sắt này sẽ không nhảy ra ngoài. Và chuyện không hay đã xảy ra vì Brower quá chú ý vào cuộc thương thảo sắp tới đã quên ngắt khóa điện, nên chỉ cần ấn nút đánh lửa là xe vọt đi.
Dễ dàng hình dung ra cảnh cậu bé muốn tỏ vẻ trước mắt các bạn cùng lứa, cảnh cậu sờ mó chiếc xe, quay vô lăng và chúm môi huýt sáo bắt chước tiếng còi hơi. Cứ mỗi lần cậu giễu cợt con rồng ẩn trong xe là đám trẻ chắc chắn lại tỏ vẻ xúc động phấn khởi thành kính.
Có lẽ để khỏi tuột người khỏi ghế xe, cậu bé đã tì một chân vào bàn đạp ly hợp, và ngay lúc đó cậu vô tình ấn vào nút đề. Động cơ vẫn còn nóng và khởi động tức thì. Sợ chết khiếp, chắc chắn cậu bé đã rụt chân lại và chực nhảy ra khỏi buồng lái. Giá như đó là một chiếc xe cũ hoặc ở trong tình trạng bảo dưỡng tồi thì chắc là nó đã tự tắt máy. Nhưng Brower gìn giữ xe ở tình trạng tuyệt hảo và chiếc xe vọt tới trước, nhảy chồm chồm, rú rít gầm gừ. Brower vụt nhảy khỏi bàn và lao mình ra phố.
Cậu bé bị hại bởi một sự ngẫu nhiên tình cờ. Cậu đã vùng vẫy hết sức để thoát ra, khuỷu tay phải chạm vào van tiết lưu... hoặc đè lên nó trong cơn tuyệt vọng, vì đó là động tác mà người da trắng thường làm để con rồng mất sức mạnh của nó. Nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn ngược lại, hỡi ôi. Chiếc ôtô tăng tốc đến mức chết người, lao xuống theo sườn thoải dốc của con phố đông đúc ồn ào, cán qua dãy sọt và đè bẹp những chiếc lồng tre đan nhốt gia cầm đem bán, chẹt vỡ tan tành những chiếc xe kéo chở đầy hoa. Đến ngã tư nó bay lên vỉa hè, lao vào tường nhà và nổ tung, bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ.
George chuyển chiếc tẩu sang khóe miệng bên kia.
- Đấy, đó là tất cả những gì Griar cho tôi biết từ lời Brower kể lại... Tất cả những gì nếu xem xét từ một đầu óc tỉnh táo. Còn lại là những lời mê sảng, bức xúc của anh ta về hậu quả của sự va chạm giữa hai nền văn hóa khác hẳn nhau. Trước khi Brower được gọi về rời khỏi Bombay, ông bố của cậu bé đã chết đến chỗ anh ta và ném một con gà bị cắt cổ vào cái người mà ông ta cho là kẻ sát nhân. Và kèm theo đó là những lời nguyền. Kể đến chỗ này, Griar mỉm cười, muốn tôi hiểu rằng ông ta và tôi là những người không mang thiên kiến mê tín gì, rồi rít một hơi thuốc, nói thêm:
- Trong những sự việc như vậy chắc chắn sẽ có những lời nguyền. Những kẻ đa thần giáo khốn khổ ấy không thể nguyền rủa mà thiếu những động tác ma mị đồng bóng. Bằng cách như vậy họ mới kiếm được miếng ăn cho bản thân.
- Thế lời nguyền như thế nào?
- Chẳng nhẽ ông không đoán ra? - Griar ngạc nhiên – Người Ấn Độ đó nói với anh ta: “Kẻ nào dùng phép thuật để hại trẻ con, kẻ đó sẽ trở thành một kẻ khốn khổ bị xua đuổi”. Ông ta nói: “Tất cả mọi sinh vật mà mày chạm tay vào sẽ chết ngay tức khắc. Từ nay và mãi mãi”. Lạy Chúa!
Griar cười khẩy.
- Thế còn Brower? Anh ta tin vào lời nguyền đó chứ?
- Có vẻ thế. Đừng quên rằng chuyện đó đã gây cho anh ta cú sốc khủng khiếp. Và suy theo câu chuyện mà tôi nghe ông kể lại, sức mạnh ma thuật đó với anh ta ngày càng tăng.
- Tôi hỏi địa chỉ nhà Brower, - George tiếp tục. - Griar lục giấy tờ và cuối cùng cũng tìm thấy địa chỉ tôi cần.
- Tôi không dám chắc là ông tìm thấy anh ta ở đó, - ông ta nói. - Brower, như ông biết đấy, không ai dễ cho anh ta thuê nhà, bởi vì tiền nong của anh ta cũng không dư dật lắm.
- Lời nói đó như roi quất vào tôi, - George thú nhận, - nhưng tôi vẫn lặng im. Có cái gì đó trong con người Griar mang vẻ tự mãn, kiêu ngạo một cách có vẻ quá đáng, vì chính ông ta cũng chỉ nắm được rất ít thông tin về Henry Brower... Tôi đứng dậy và bất chợt vô tình thốt ra:
- Tối quá tôi đã tận mắt thấy Brower tóm chân một con chó hoang gầy giơ xương. Sau mười lăm phút nó đã chết.
- Thật thế ư? Hay thật. - Griar ngạc nhiên, nhướn mày dường như điều vừa nói không có liên quan gì đến chủ đề của câu chuyện.
- Tôi đi ra phía cửa, - George tiếp tục kể, - nhưng trước đó cánh cửa đã mở và trên ngưỡng cửa cô thư ký của Griar xuất hiện.
- Xin lỗi, ông là ông Gregson?
- Vâng.
- Ông Baker vừa mới gọi điện. Ông ta yêu cầu nói với ông ngay lập tức đến địa chỉ nhà số 23, phố 19.
- Tôi rùng mình, - George thú nhận với chúng tôi, - vừa mới đây, lúc sáng tôi đã rẽ qua đấy, nhưng Davidson vẫn còn ngủ. Tôi đi ra phía cửa, còn Griar hết sức bình thản ngồi chăm chú đọc tờ Wall Street, miệng bập bập tẩu thuốc. Sau này tôi không gặp lại ông ta nữa, và các bạn biết không, tôi cũng không tiếc vì việc đó. Tôi rời khỏi đó với một linh cảm mơ hồ về một điều gì đó rất đáng sợ, cái điều chưa rõ nét, một nỗi sợ có thực liên quan tới một việc cụ thể, - một việc thật khủng khiếp, thật khó tưởng tượng mà ta không thể lường được theo cách suy nghĩ thông thường.
Ngay lúc đó tôi cắt ngang lời ông kể.
- Hãy làm ơn, George, chẳng lẽ ông muốn nói là anh bạn của ông, anh Davidson đã chết?
- Đúng như vậy, - có ngay câu trả lời. - Tôi đến đó cùng một lúc với viên dự thẩm, đang xác nhận trường hợp tử vong do tắc mạch não. Chỉ còn 16 ngày nữa là Davidson tròn 23 tuổi.
Suốt tuần tôi cố gắng thuyết phục bản thân là chuyện này chẳng qua là một sự trùng hợp tai hại và tốt hơn là nên quên nó đi. Tôi khổ sở vì mất ngủ, thậm chí người bạn tốt của tôi, Cutty Sark, bác sĩ, cũng bất lực không giúp gì được tôi. Tôi nói với bản thân mình: phải chia số tiền thắng bạc cho ba người chơi còn lại hôm đó và quên đi rằng Henry Brower đã có lúc nào đó xen vào cuộc đời chúng tôi. Chuyện đó bất thành. Tôi viết một tấm séc với số tiền đúng như trên và gửi tới địa chỉ mà Griar cho tôi - đến khu Harlem.
Brower không còn sống ở đó nữa. Người ta cho tôi một địa chỉ khác ở East Side, một khu có lẽ là không sang trọng nhưng cũng đủ tiện nghi. Nhưng sau mới rõ là anh ta cũng đã rời khỏi đây chừng một tháng trước cuộc gặp gỡ trên ván bài poker với chúng tôi, và đã chuyển đến East Village, một khu ổ chuột.
Người chủ nhà cho thuê, một gã đàn ông xương xẩu với một con chó đen to tướng gầm gừ đe dọa dưới chân, thông báo với tôi rằng Brower đã chia tay với ông ta vào ngày mồng ba tháng ba, ngay ngày hôm sau ván bài của chúng tôi. Tôi hỏi địa chỉ mới, người chủ nhà cho thuê ngửa đầu ra phía sau và tuôn ra một tràng tiếng òng ọc tựa như đang súc họng:
- Quý ông ạ, những người khi ra khỏi đây, chỉ có một địa chỉ: nhà mồ, hòm thư lưu. Thực ra đôi khi trên đường tới đấy họ dừng lại ở Bowery.
Vào thời đó Bowery mà sau này qua năm tháng đã biến thành một vùng ngoại ô, một nơi gì đó mà ngày nay rất khó mà tưởng tượng ra: nơi cư ngụ của những kẻ vô gia cư, nơi trú chân cuối cùng của những kẻ bất hạnh đã mất đi hình hài con người, luôn mơ đến một chai rượu vang rẻ tiền và mùi thơm của chiếc bánh mì bột trắng để quên đi thực tại. Nơi đó có vài chục quán trọ đêm, một vài căn nhà tình thương để cho bất kỳ một kẻ lang thang nào trú ngụ qua đêm và rất nhiều những con ngõ nhỏ chật chội thích hợp cho việc có thể trải ngay một tấm đệm đầy rận lên vỉa hè. Tôi đã nhìn thấy những con nguời, đúng hơn là những bóng ma kiệt quệ vì rượu và ma túy. Ở đây không ai dùng tên thật. Tên để mà làm gì đối với những kẻ đã trượt xuống tận đáy, gan bị ăn rỗng bởi cồn công nghiệp, mũi sưng phồng vì côcain, ngón tay ngón chân lạnh cóng, thay cho hàm răng chỉ còn lại những lỗ đen. Tôi mô tả Henry Brower cho từng người tôi gặp nhưng không thu được kết quả gì. Những người chủ quán bia chỉ nhún vai. Rất nhiều người qua đây thậm chí không buồn ngẩng đầu.
Ngày đầu tiên tôi không tìm được anh ta, rồi ngày thứ hai, thứ ba. Vào cuối tuần thứ hai một người thú nhận là mấy ngày trước đây ở quán trọ Dewari anh ta đã nhìn thấy một người đàn ông có bề ngoài như thế.
“Quán trọ” chỉ cách đây hai dãy phố. Sau quầy tiếp tân là một ông già cổ hủ với chiếc sọ nhẵn bóng không còn một sợi tóc và cặp mắt kèm nhèm. Trên kính cánh cửa sổ đầy ruồi bâu có dán một tờ thông báo: “ Ngủ một đêm - 10 cent”. Tôi bắt đầu mô tả Brower, ông già lặng lẽ gật đầu. Khi tôi dứt lời ông nói:
- Tôi biết anh ta, anh bạn trẻ ạ. Biết đấy. Có cái là đầu óc tôi dạo này kém lắm... Nếu anh ta không tiếc một đôla thì có thể tôi nhớ ra đấy.
Tôi đặt một tờ đôla lên bàn và nó biến ngay như có phép thần. Đấy là một nhà ảo thuật các bạn ạ!
- Anh ta có trọ ở chỗ chúng tôi đây, anh bạn trẻ ạ, nhưng sau đó lại đi rồi.
- Đi đâu, ông biết chứ?
- Ngay lập tức làm sao nhớ ra được. Anh đừng có tiếc một đôla nữa đi.
Tờ bạc thứ hai cũng biến mất một cách thần kỳ như thế. Ông già đột nhiên vui hẳn lên, và từ trong ngực ông ta vọt ra... không, không phải là tiếng cười mà giống như tiếng ho của người bị lao.
- Thôi được, - tôi nói, - ông đã cười thỏa thích rồi, và vì chuyện đó tôi đã trả thêm cho ông rồi. Và bây giờ tôi muốn biết anh chàng đó đã chuyển đi đâu.
Ông già lại ho lên vui vẻ.
- Còn đi đâu được nữa, đến nằm sau hàng rào khu đất Pottere, anh ta đã nhận được một chỗ lâu dài ở đấy, làm bạn với lũ quỉ! Sao anh không cười, anh bạn trẻ? Sáng hôm qua, tôi nghĩ là anh ta bị cóng lạnh vì ban ngày hôm trước lúc tôi tìm thấy anh ta, người anh ta vẫn còn âm ấm. Anh ta ngồi thẳng đuột như tượng. Tôi lên chỗ anh ta làm gì à? Để nói rằng hãy nộp 10 cent ra đây, hay là... nghỉ cho khỏe. Đúng là bây giờ thì anh ta đã nghỉ bằng tiền nhà nước hẳn hoi dưới ba thước đất rồi. - Câu đùa tự nói ra đó lại đem đến cho ông già một cơn ho vui vẻ của người già.
- Ông có nhận thấy điều gì lạ không? - tôi hỏi mà không dám thú nhận với mình rằng đã đặt rất nhiều hy vọng vào câu hỏi đó. - Một điều gì đó không được bình thường cho lắm?
- Có điều gì đó như thế đấy, nhưng ngay lập tức thì không... - Tôi đặt lên mặt quầy một đôla để gợi trí nhớ của ông già. Tờ bạc lần này cũng biến nhanh đáng kinh ngạc, nhưng sau đó không thấy cái điệu cười kiểu ho hen như trước nữa.
- Nhận thấy quá đi chứ, - ông già linh hoạt hẳn lên.- Ai luôn phải gọi xe chở xác nào? Vì thế tôi rất thông thạo về những người chết. Tôi đã nhìn thấy họ, lạy Chúa tha tội cho con, ở khắp mọi nơi! Nào lủng lẳng trên khung cửa, nào nằm trong giường, nào vắt mình trên thang chữa cháy, trong trời băng tuyết, mặt mũi xanh nhợt như đít nhái, chai ruợu còn kẹp giữa hai đầu gối. Còn có một người khoảng ba mươi năm trước đã ngộp nước mà chết trong bồn tắm chỗ chúng tôi. Nhưng anh chàng này,... hắn ngồi dưới gầm cầu thang xoáy trôn ốc, chỉnh tề trong bộ com lê - đầu chải mượt, ngực ưỡn ra như thể một nhân vật quan trọng ở khu người giàu ấy. Và tay trái nắm chặt lấy cổ tay phải. Phải, tôi đã nhìn thấy đủ loại người chết, nhưng kiểu này thì chưa; một người chết tự bắt tay mình!
Tôi đi bộ ra bến tàu và suốt dọc đường, như lời của một chiếc đĩa hát hỏng, câu nói cuối cùng của ông già cứ ám ảnh tôi. Một người chết tự bắt tay mình!
Tôi đi đến tận mép nước nơi làn nước xám bẩn thỉu vỗ vào những cọc sắt hoen rỉ, ở đó tôi lấy tờ séc một nghìn đô la trong túi ra xé thành từng mảnh nhỏ rồi ném xuống nước.
George Gregson đổi tư thế và hắng giọng ho. Những hòn than lập lòe lụi tàn trong lò sưởi, căn phòng chơi bài rộng rãi ngày càng thấm hơi lạnh. Bàn ghế dường như mất vẻ hiện hữu, bồng bềnh như bóng ma, như thể trong một giấc mơ nơi mà ranh giới hiện tại và quá khứ bị xóa nhòa. Những lưỡi lửa yếu ớt hắt ánh sáng màu da cam vàng vọt lên hàng chữ khắc trên thành lò sưởi: Bí mật ở trong chính câu chuyện chứ không phải ở người kể.
- Tôi gặp người đó có một lần, - George lại cất tiếng, - mà giờ đây anh ta lại vẫn như hiển hiện trước mắt tôi. Cũng phải nói rằng, chuyện này giúp tôi quên nỗi đau của mình: người nào có thể sống giữa mọi người mà không e ngại, người đó sẽ không còn cô đơn nữa... Stevens, anh mang áo bành tô cho tôi chưa? Tôi phải lê về nhà đây, đã đến lúc tôi phải đi nằm rồi.
Khi Stevens mang áo bành tô đến, mắt George lại chú ý đến cái nốt ruồi trên mặt người quản gia phía bên trái khóe miệng. Ông mỉm cười:
- Dù sao ông cháu nhà anh cũng giống nhau quá đi mất. Ông nội anh cũng có một cái nốt ruồi đúng như thế, ở đúng chỗ đó.
Stevens lặng thinh mỉm cười đáp lại. George bước ra khỏi phòng và chúng tôi cũng nhanh chóng giải tán.
Hiếu Trang dịch từ bản tiếng Nga

Xem Tiếp: ----