Từ hôm có chú em ở bộ đội về phục viên, mọi sinh hoạt trong gia đình có nhiều thay đổi, cách bài trí bị đảo lộn. Chỗ cửa sổ trước đây kê bàn làm việc của vợ chồng Liên trên cửa thay bức rèm là hai dò phong lan rủ xuống những những sợi màu xanh mềm mại. Bây giờ kê vào đó là một cái giường cá nhân, còn phong lan thì chú em để sau nhà. "Cái của này ấy mà - chú nói - chỉ làm lá ngụy trang là tốt". Gian bên cạnh kê một cái giường đôi của vợ chồng Liên, giường "mô đéc" kiểu Đức. Nó cũng là một thứ trang sức trong nhà, vì thế tấm màn gió ít khi được kéo che kín. Nhưng bây giờ không chỉ dùng màn gió. Chính - chồng Liên - đã mang về một tấm bình phong to uỵch, trông thô hết chỗ, cốt để che kín cái giường. Duy chỉ có giường mẹ vẫn đặt ở buồng trong. Đã từ lâu mẹ mệt, có hôm không ra phòng ngoài kể cả những khi có khách.
Đó là mẹ chồng Liên, bà ở góa từ năm ba mươi lăm tuổi, đằng đẵng nuôi con đến bây giờ. Người đàn bà luống tuổi ấy đã sống những ngày chờ đợi, vì thế trông bà đầy vẻ ưu tư nhưng đôi lúc có pha thêm cả một chút kiêu hãnh nữa. Bà rất hài lòng với người con dâu đầu, vừa chu đáo, vừa nền nã, mặc dù đôi khi Liên khá tỉa tót, từ lọ hoa trên bàn được cắm những bông hoa lúc nào cũng chúm chím nở, đến tấm đăng ten móc tay rất cầu kỳ treo ở buồng mẹ... Chị làm ở phân viện thiết kế mỏ. Còn Chính - chồng chị - chỉ huy phó công trường xây lắp Bình Khê. Anh có phần vụng về trong thẩm mỹ, nhưng rất chặt chẽ trong nhận thức, kể cả những lo toan riêng tư. Họ sống với nhau lặng lẽ ít thấy điều ra tiếng vào. Hàng xóm nhiều người cho rằng đây là một gia đình hạnh phúc. Căn nhà của họ mọi thứ đều vừa phải, ngăn nắp. Nhà còn rộng, nhưng họ không kê nhiều giường, chỉ khi nào có khách mới đặt thêm cái giường bạt, vì lẽ trước đây nhà ít khách ngủ qua đêm.
Nhưng từ khi có chú em về, bạn bè hàng phố cà kê, có hôm trải cả chiếu xuống đất mà ngủ. Liên vốn là người gọn ghẽ, chị thích đặt từ cái gạt tàn thuốc lá, lọ hoa đến cái phích nước, nhất nhất cứ phải theo ý chủ. Nhà cửa lúc nào cũng sạch bóng. Nhưng từ hôm chú em về, chỗ nào cũng thấy tàn thuốc lá. Đã là mùi thuốc lá thì chị không tài nào chịu nổi, mùi khét của nó cứ xộc vào mũi, vào miệng rồi lộng lên óc. Vì thế, một hôm thấy chú em bảo:
- Đến phải bỏ cái của này, tốn lắm bà chị ạ.
Chị mừng đến nỗi suýt reo lên. Cố nhiên chị phải tìm mọi cách động viên chú em bỏ thuốc. Thế là chú bỏ thật. Chị thấy nhà thoáng ra, nhẹ nhõm. Ai ngờ, hai hôm sau chú xách về một cái điếu cày. Chú bảo, đấy là "khẩu súng chống tăng", đã thế, nó lại đựng trong cái thùng sắt tây han gỉ, đáy thùng toàn bã điếu với những mẩu đóm vụn, khai mù. Mỗi lần chú đặt cái "khẩu súng chống tăng" ấy lệch ở bên mép rít một hơi, cái điếu rung lên sòng sọc, mắt lim dim chú ngả tấm lưng to như cánh phản đánh "rắc" một cái xuống thành ghế xa lông. Một đụn khói hình nấm tản ra nồng nặc. Đến lúc này Liên lại mong chú em cứ hút thuốc lá như ngày trước.
Lúc rỗi chú nằm trên chiếc giường con, vắt chân chữ ngũ, ngoe nguẩy theo nhịp bài hát tiếng tây, những bài chú hát thì luôn luôn sai điệu nhạc. Mắt chú lơ đãng nhìn qua cửa sổ rộng thoáng vì đã mất hai dò phong lan, thấy dây phơi toàn những thứ của phụ nữ trắng toát, chú khụt khịt mũi:
- Cái của này ấy mà - chú nói - ở mặt trận thì đến B.52 cũng phát hiện ra chứ không cần đến cái anh "cán gáo".
Liên đỏ cả mặt. Buổi tối chị lẳng lặng chuyển nó vào đầu hồi nhà bếp.
Lần đầu tiên chị mới được tiếp xúc với chú em. Trước đây chị chỉ biết trong nhà còn một người con trai nữa qua chồng chị, qua tấm "bảng gia đình vẻ vang" với cái tên Lương Văn Nghĩa. Rồi mẹ chồng chị khắc họa thêm, hai năm về nhà chồng chị thấy ít khi mẹ chồng không nhắc đến chú. Với tình thương bao la của mẹ, đứa em đã hiện lên trong tưởng tượng của Liên, nó đẹp giai, nó hiền từ và sâu sắc biết mấy. Mẹ nói: "Nhẽ ra cái chân bộ đội này là của thằng Chính chứ thằng Nghĩa chưa đủ tuổi đâu, là vì nó xung phong, nó lý sự anh Chính sắp hết lớp mười phải để anh ấy học hết. Con còn đang bơi cái lớp chín chưa xong - Bà mỉm cười - mẹ bố nó, nó nói nghe cũng phải, nó bảo: "Theo con, được người nào mẹ cứ giải quyết xong người ấy". Bao giờ nói về Nghĩa, mẹ cũng sôi nổi như vậy. Kể về hôm tiễn con lên đường mẹ nói: Hôm tiễn nó đi mẹ khóc, vậy mà nhìn thấy con bé đạp xe đi qua nó gọi: "Này em gái có tiễn anh không?... Xinh gớm mẹ nhỉ?". Làm mẹ phát phì cười.
Anh Chính nói về em lại khác. Anh bảo: "Cái thằng ấy nó nghĩ nông choèn choẹt". Chị hỏi: "Có phải chú ấy đi bộ đội thay mình không?". Chính dài giọng: "Nó... thích thì nhường nó".
Dù sao chị cũng thấy mến chú em. Nhìn tấm bảng "gia đình vẻ vang" chị thấy kiêu hãnh. Có phải mình chị đâu, cả anh Chính nữa.
Hồi mới về nước, anh đã lục nó từ trong cái hòm của mẹ, mẹ gói rất kỹ, anh bảo: "Phải treo nó lên, nhà mình có kém cạnh gì ai mà không treo nó lên hả mẹ?". ở đất nước ta nó kỳ lạ như vậy đấy, cho dù tờ giấy màu đỏ ấy có mặt ở khắp các gia đình, nhưng một gia đình nào đó thử thiếu nó xem, anh sẽ tự thấy trong lòng mình nó canh cánh, nó ngượng ngập. Dù cho là gia đình ấy mới xây dựng với nhau, họ cũng có đủ lý do để giải thích, tờ giấy màu đỏ, chữ vàng ấy đang để ở nơi bố mẹ ở quê hương. Vì đó là nghĩa vụ của chúng ta, nghĩa vụ dân tộc. Tuy nhiên cũng có kẻ chỉ biết phô trương điều đó.
Với Liên, chị nghĩ sâu hơn: Nếu Chính đi bộ đội thì sự thể sẽ như thế nào, anh có được gửi đi học ở Liên Xô? Anh có thành chỉ huy phó?... và điều này chắc chắn hơn, họ sẽ không quen nhau ở Lêningrát, không yêu nhau, không kết vợ chồng... Cứ suy diễn như vậy, nó vô cùng vô tận. Hãy giải thích với nhau thôi vì đấy là cuộc sống, cuộc sống nó xảy ra như vậy.
Rồi một hôm, vào buổi tối, bỗng có một người cao, to, lừng lững như che lấp cái cửa chính, cười khà khà:
- Xin chào cả nhà.
Chính ngỡ ngàng rồi sửng sốt reo lên:
- Thằng Nghĩa, thằng Nghĩa nó về mẹ ơi.
Liên vừa lúng túng vừa ngượng ngập, chị nói khẽ:
- Chú Nghĩa!
Khỏi phải nói sự mừng rỡ của cả nhà hôm ấy là như thế nào, nhất là mẹ, mẹ khóc. Nghĩa quẳng cái ba lô dúm dó xuống đất quàng cánh tay lực lưỡng ôm lấy mẹ. Chú rẽ ra từng sơi tóc bạc như sương trên đầu mẹ, giọng chú nghèn nghẹn:
- Mẹ ơi, tóc mẹ bạc hết rồi!
Chính lấy khăn đập vào bộ quần áo nhàu nát của chú, anh ngắm nghía chú hồi lâu, tấm tắc khen chú lớn, to ra. Anh hỏi:
- Mày ở đâu về?
- Cămpốt.
- Đi bao nhiêu ngày?
Chú chỉ vào tai bảo:
- Cái tai này một ngày có khoảng nửa giờ nghễnh ngãng, nên phải nói to to một chút.
Anh Chính ghé sát tai chú:
- Đi bao nhiêu ngày?
- Một tháng, đi theo đơn vị mà.
Anh xăm xắn hỏi chú về cái đất nước Cămpuchia đau thương. Thỉnh thoảng chú lại nghệt mặt ra nghe để anh hỏi lại, chú bảo:
- Nó giết người như ngoé, xác chết như rạ, mà rất vô tổ chức, không có mồ mả như ở ta.
Mẹ vẫn rờ khắp người con, mẹ hỏi xem chú có bị thương không rồi lại khóc. Liên bỗng thấy mình thừa, chị đâm lúng túng, mãi đến lúc chị hỏi xem chú đã ăn uống gì chưa, thì Chính mới giới thiệu:
- Chị dâu mày đấy!
Nghĩa ngắm bà chị từ đầu đến chân, cặp mặt nheo ngheo, cái đầu gật gù, rồi bỗng chú lúng túng:
- Em... em chào chị nhé.
Sáng hôm sau, Nghĩa mới nhìn khắp nhà, nhận xét:
- Khang trang gớm.
Chính kể cho chú nghe về công việc vất vả hồi chạy vật tư, vật liệu sửa nhà.
- Đấy, ở nước ngoài được ít của, anh bán cả đi, dồn vào sửa cái nhà này - Chính nói - Vì thế bây giờ nhà mình cũng túng.
Chú đăm chiêu một lúc rồi chỉ vào góc nhà:
- Cái đài kia của ai?
- Thằng khỉ, không của nhà thì là của ai?
- Cái máy khâu kia của ai?
- Con khỉ?
Nghĩa lại ngó trước ngó sau, gật gù tấm tắc rồi quay lại bảo Liên:
- Bà chị ạ, thằng em cũng đi nước ngoài về đấy chứ?
Mẹ mủm mỉm cười âu yếm:
- Với mày, anh chị chỉ mong vác được cái xác về thôi con ạ.
ở nhà được một lúc, chú mất biến, làm cả nhà mong, nhưng mãi chiều hôm sau mới thấy chú khật khưỡng đi về. Thấy ông anh cáu, Nghĩa cười hì hì, giải thích:
- Qua nhà cu Chí, nó gọi vào chơi, cho uống rượu, thế là ngủ béng đi mất.
- Thế từ sáng tới giờ mày ở đâu?
Nghe không ra, chú lại nói:
- ở Cămpuchia khoái nhất là uống nước thốt nốt ngâm chua, chết lịm.
Anh Chính phải ghé sát vào lỗ tai chú:
- Từ sáng tới giờ, mày ở đâu?
- Từ nhà cu Chí nó kéo sang nhà thằng Ngân, từ nhà thằng Ngân sang nhà thằng Tộ (nhà thằng Tộ xây đẹp anh nhỉ). Từ nhà thằng Tộ sang nhà thằng Sơn, gặp nó đang bốc gạch, bèn giúp một tay. Lính chiến gặp nhau cũng khoái.
Nghĩa hay đi chơi về khuya, đi suốt, hôm ngủ ở nhà, hôm ngủ nhà bạn. Có lần thấy cái giường con đặt cạnh cửa sổ vẫn bỏ không, Chính tắt đèn to và bật đèn ngủ và... bật từng cái cúc áo của vợ thì bất ngờ nghe tiếng khịt mũi của chú em. Liên vội vàng kéo chăn trùm kín mặt. Hôm sau Chính mang về chiếc "li dô" bào vội trông như là chiếc liếp, che giữa cái giường đôi với gian ngoài. Từ đấy vợ chồng Liên có gì to nhỏ đều phải mang vào trong "buồng".
Chính rất chiều vợ, anh thích chiều lộ liễu. Anh không thích vợ mang nặng, nhất là từ hồi chị có mang, dù là bê chậu nước. Anh không thích vợ phải suy nghĩ, lo toan. Anh thích đi xem cùng với vợ, tất nhiên Liên phải xứng với mong muốn của anh. Nhưng từ hồi chú em về, chị thấy ngại. Từ những lời nói âu yếm trước đây họ vẫn thường nói với nhau, bây giờ chị thấy nó ngường ngượng thế nào ấy, dù chỉ là việc ra đón anh khi anh đi làm về muộn. Treo cái áo giúp anh. Múc giúp anh chậu nước, chị cũng ngại.
Một hôm, thấy anh khoắn khỏa hơn mọi ngày, tự anh mang tách chén đánh rửa, anh kỳ cọ bàn ghế, thỉnh thoảng lại hỏi Nghĩa:
- Tối nay mày làm gì?
Chú bảo chẳng biết làm gì cả.
- Tối nay mày ở nhà hay đi chơi?
- ở nhà. Hình như bọn nó hẹn đến chơi.
Chính thở dài lẩm nhẩm:
- ở nhà... khỉ thật!
Anh bảo vợ thu dọn nhà cửa vào cho gọn, rồi nói nhỏ.
- Mình ra mua cho anh một gói chè ngon, thật ngon đấy, với một gói thuốc.
Buổi tối, một xe ô tô xịt khói đỗ sịch trước cửa. Một người béo phục phịch bước vào. Chính vồn vã nắm tay ông ta trịnh trọng giới thiệu với cả nhà, đấy là ông giám đốc công ty xây dựng, thủ trưởng cơ quan anh. Anh vừa nói chuyện với giám đốc vừa đưa mắt dò xét chú em. Có lẽ anh sợ chú làm điều gì không tiện mắt. Khi giám đốc hỏi chú em, anh đon đả đỡ lời:
- Em nó chiến đấu mười năm ở trong nam, rồi ở Cămpuchia dũng cảm lắm đấy thủ trưởng ạ.
Còn chú em thì nâng "khẩu súng chống tăng" lên, để lệch vào một bên mép. Vợ chồng Liên run lên chờ cụm khói hình nấm sắp phả vào mặt thủ tưởng, thì bỗng dưng chú từ từ hạ điếu xuống bỏ vào cái thùng sắt tây han gỉ, chú bê vào buồng mẹ. Chú xin phép giám đốc ra ngoài. Chỉ nghe tiếng chú và mấy bạn ở ngoài sân nhưng họ không vào nhà. Nghĩa đã rủ bạn đi chơi.
Qua câu chuyện với thủ trưởng hôm ấy, chị được biết anh sắp được đề bạt làm chỉ huy trưởng.
Vì thế, sáng hôm sau nét mặt Chính tươi như hoa. Mới chỉ có ba năm, từ một kỹ sư, anh sắp thành chỉ huy trưởng. Anh hất hàm hỏi chú em:
- Mười năm đi bộ đội, mày được cấp gì rồi hả Nghĩa?
Chú em rít một hơi thuốc lào, nhả ra cụm khói hình cầu trước mặt làm bà chị phải chạy vội ra ngoài, chú khịt khịt mũi:
- Cấp tá cũng được ấy chứ, như thằng cu Thảm, cả đơn vị chết sạch sành sanh, còn một mình cũng giữ chốt. Hoặc cấp uý như thằng cu Bài dẫn đầu một tiểu đội vượt qua ba lần bùng nhùng đánh thẳng vào Buôn Mê Thuột. Lúc sư đoàn tới nơi tiểu đội chỉ còn ba thằng. Tóm lại cứ ục khỏe vào là lên quan, dễ lắm, không phiền phức gì cả. Còn em.... hồi ấy người ta lại giao làm cấp dưỡng.
Nói đến ăn, chú thật là người khó hiểu. Cái gì chú cũng bảo có khối. "Bộ đội có khối".
- ở Cămpốt ấy mà, có hôm mất đường tiếp tế, đào được củ chuối ăn cũng gọi là sang, không cứ nằm dài ra mà phơi nắng, mà nắng ở bên ấy thì cháy da,
cháy thịt.
Từ hôm chú em về, Liên bận thêm về cái tính thoải mái của chú. Chính lại không muốn chị bận như thế. Có lần chị vừa đánh rửa ấm chén xong, thì lại một lô bạn kéo vào, nói chuyện như phá, mà chuyện lính tráng thì dài vô tận. Vì thế lại một chầu dọn nữa. Chị càng ôn hòa bao nhiêu thì vì thương vợ, anh càng bực dọc bất bình bấy nhiêu. Anh bảo vợ: "Mặc kệ nó, không hơi đâu mà lúc nào cũng dọn". Cũng vì thế mà anh đâm cáu kỉnh, cục cằn. Có hôm anh đùng đùng vào buồng trong cằn nhằn với mẹ:
- Mẹ đừng chiều nó như vậy, nó hư ra đấy.
Mấy bữa trước mẹ đã phấn khởi đi lại được nhưng rồi lại nằm bệt xuống giường. Mẹ rầu rĩ nói:
- Mẹ có chiều đâu, mẹ chỉ thương nó, mẹ chỉ mong các con yêu thương nhau thôi.
Liên thấy khó nghĩ quá. Chị tìm cách khuyên chồng hãy bỏ qua cái tính thoải mái của tuổi trẻ, thì Chính lại bảo thẳng với em.
- Mày lêu lổng vừa vừa thôi, thì giờ rỗi lấy sách ra mà học, mà đọc.
Nghĩa cười hề hề (dạo này chú bớt nghễnh ngãng hơn), chú bảo ông anh là chỉ chơi một tháng nữa thôi, tháng sau có việc sẽ đi làm. Nhưng tháng sau, rồi tháng sau nữa, chẳng thấy ở đâu người ta gọi. Bạn bè thì mỗi lúc một đông. Vì thương vợ, Chính buộc phải bảo thẳng với em:
- Chị mày có mang ba tháng rồi đấy.
Nghĩa ngồi vắt vẻo trên ghế xa lông, ra chiều tư lự chú nói:
- Sau này đặt tên cho cháu thì đặt cho nó vần vào một tý đấy nhá. Thí dụ: Chính phải đi với trực, chính trực. Chính Chuyên, Chính Đáng, Chính Thể... còn Liên thì Liên Kết, Liên Thanh, Liên Miên, Liên Lụy...
Bà mẹ cũng phải phì cười:
- Nó giống đặc tính thày ngày xưa.
Hôm sau, Nghĩa ì ạch bê một tảng bê tông vào kê ở cạnh bể nước để chị bước lên bước xuống múc nước, chú bảo:
- Cái ông Chính chỉ thương vợ bằng mồm, chỗ này sảy chân một tý có phải gay không.
Nghĩa ít hút thuốc trước mặt chị hơn, hình như chú biết chị không chịu nổi mùi thuốc. Chị lại thấy thương thương chú em. Đàn bà vốn như vậy.
Một hôm đi chơi về, chú thấy nhà cửa khác đi, bàn ghế kê lại.
Cái giường con của chú đặt cạnh cửa sổ đã dịch sát vào mé trong, thay vào đó là cái bàn đọc sách của vợ chồng Chính. Trên bàn đặt một lọ hoa, bên cạnh xếp vuông vắn vài quyển sách kỹ thuật tiếng Nga bìa cứng. Cái thùng sắt tây han gỉ đựng ống điếu đã được thay bằng cái thùng đẹp hơn, lại sơn trắng, nhưng đã mang để vào buồng mẹ. Bàn uống nước được phủ vải hoa, trên bàn xòe ra những bông hoa dơn màu trắng, xen lẫn mấy bông hoa màu đỏ đầy vẻ tao nhã.
- Làm gì mà ác liệt thế này? - Chú hỏi.
Chính nói cho em biết, hôm nay là ngày sinh nhật của chị. Hồi học ở nước ngoài, năm nào anh chị cũng tổ chức như vậy. Nghĩa gật gù:
- Tây gớm.
Vì thế chị thấy ngượng. Mặc dù trước đó chị đã gàn chồng, không nên bày vẽ ra làm gì. Không biết chú ấy có thông cảm không. Nhưng anh gạt phắt:
- Thông cái gì, mình lạ nhỉ, sao phải thông cảm?
Bây giờ quả thật chị thấy ngại. Ngại quá đi. Đến nỗi chị không dám gặp mặt chú em mà đáng lẽ chị phải bảo chú từ sớm. Rồi biết đâu lát nữa bè bạn của chị đến chơi. Lại lù lù một cái ông to như hộ pháp hoặc không nói không rằng hoặc tương ra những câu đầy chất "lính tráng" thì tệ quá. Bạn bè Liên có mấy cô ở phân viện, mấy bạn ở phố trên. Gọi là ngày vui, bạn bè đến để khỏi quên nhau, thế thôi, nhưng mà sao ngại quá.
Khi đã lên đèn, bạn bè lục tục kéo đến, Chính trịnh trọng trong bộ "com lê", và nếu như mọi năm, anh sẽ quàng vai chị, hôn lên đôi má ửng hồng của chị, nhưng hôm nay vì ngại chú em anh chỉ nói:
- Chúc mình tăng được một tuổi.
Anh đưa cho chị một tặng phẩm nhỏ như mọi năm. Nhưng khỉ quá, Liên cứ đỏ mặt lên. Bạn bè nói chuyện rôm rả. Hết chuyện phương Đông đến chuyện phương Tây. Cả những chuyện khôi hài về cái lạc hậu của mấy bà nông dân so sánh với các nước tiên tiến. Có mấy người toàn là nữ, nam có hai. Nhưng thoáng cái chị không thấy chú em đâu, giật mình, chị thấy mình có lỗi, chị đi vào buồng trong thấy Nghĩa ngồi thu lu ở giường mẹ, đầu gối quá tai, mặt đăm đăm suy nghĩ.
Liên lúng túng:
- Em... ra đi, ngày vui của chị, toàn là bạn rất thân của chị thôi mà.
Chú nhếch mép cười, rồi vươn vai, khom người qua cái cửa nhỏ. Mặt đỏ bừng
bừng, chú chào mọi người, vẻ lúng túng. Liên cầm tay em giới thiệu:
- Em mình đấy, em mình ở bộ đội mới về.
Mấy cô bạn Liên vốn nghịch ngợm cũng đỏ mặt. Liên mời em điếu thuốc. Ngày vui duy nhất chị mua bao thuốc mời em. Chị nhìn Nghĩa, thấy chú ngồ ngộ làm sao. Chú vân vê điếu thuốc nói nhỏ:
- Em "ăn" thuốc lào quen, giờ hút thuốc lá nó nhạt thếch.
Mấy cô bạn bấm nhau cười. Bây giờ câu chuyện xoay quanh chú em. Mấy chị lớn tuổi bạo mồm bạo miệng, gán một cô trẻ măng với Nghĩa làm cô ta xị mặt xuống, còn Nghĩa thì vênh mặt lên. Họ hỏi Nghĩa ở bộ đội có tổ chức sinh nhật không. Chú nói:
- Cũng có mấy thằng nhà quê hay tổ chức sinh nhật. Nhưng chúng em chẳng cần hoa hoét gì cả. Vì ở rừng, chỗ nào mà chẳng có hoa. Em chỉ thích chúng nó sinh nhật thôi, vì sinh nhật thế nào chúng nó cũng xoay được thuốc.
- Thế em có tổ chức sinh nhật không? - Một chị lớn tuổi hỏi.
- Em ý à? Không, vì bao giờ em cũng hết thuốc trước chúng nó.
Lúc tan cuộc, cả nhà xúm vào thu dọn bàn ghế, cái giường con của chú lại được kê cạnh cửa sổ. Chị thấy chú cầm một nắm hoa dơn ngơ ngác nhìn trước nhìn sau. Chị nín thở chờ đợi số phận của mấy bông hoa mảnh mai ấy sắp bị quăng ra sau nhà, như hai dò phong lan dạo trước. Nhưng chú lại cắm vào cái lọ đẹp nhất. Cẩn thận đổ nước vào lọ, rồi tủm tỉm cười bảo chị:
- Cái này có khi còn tươi được mấy ngày nữa chị nhỉ?
Từ hôm ấy, chị thấy mến chú em hơn. Chị cẩn thận xếp lại cái áo hôm chú mải đi chơi còn để ở dây phơi. Chị thường giũ chiếu ở cái giường cá nhân hàng ngày khách ngồi. Vì thế Chính càng bực dọc: "Hết mẹ chiều, rồi đến cô - anh nói - Nó hư ra cũng phải".
Chị cũng có ý định, sau này có công ăn việc làm, chị sẽ tìm cho chú một đám thật vừa ý. Nhưng đùng một cái mấy hôm sau Nghĩa khoe:
- Em sắp lấy vợ rồi đấy bà chị ạ.
Chị sững người, chị không thể nào hình dung nổi một con người ngay chính bản thân mình cũng chưa có một cái gì nền nếp mà dám lập gia đình riêng, nhưng nhìn vẻ trầm tư của chú chị đâm ra lo lắng.
- Cô ấy làm ở đâu?
- Bộ đội, nhưng cũng sắp về rồi chị ạ, về là em cưới liền.
"Cưới". Nghe tiếng ấy, Liên phải phì cười, bởi vì cái tiếng ấy lại phát ra từ Nghĩa. Nhưng chú chìa cho chị xem một cái phong bì thư. Chị thấy người gửi là Thanh Nga. Hòm thư... rồi với vẻ đăm đăm, Nghĩa thở dài nói:
- Công việc của em vẫn chẳng thấy gì, thế là sắp hết bốn tháng rồi đấy.
Được dịp, Liên góp ý luôn:
- Chú nghĩ thế cũng phải, trước hết cứ phải lo liệu việc làm, rồi sau ổn định gia đình cũng chưa muộn chú ạ.
Liên mang chuyện ấy khoe chồng. Chính trợn tròn mắt:
- Cái thằng ba lăng nhăng, vợ con gì nó.
Chị thảo luận với chồng;
- Hay mình xin cho chú ấy vào xí nghiệp của mình đi.
Chính thừ người. Quả thực ban đầu Liên được biết anh cũng định bụng xin cho chú em vào xí nghiệp xây lắp. Nhưng sau, thấy tính chú lông bông, anh ngại không biết có ảnh hưởng đến mình không. Bây giờ thật khó, anh sắp được đề bạt làm chỉ huy trưởng. Anh cảm thấy như mọi người nhìn anh có phần xét nét hơn. Có thể chỉ vì một việc của chú em, người ta lại xì xào cho là lợi dụng thì hỏng hết. Anh bèn nói lảng:
- Cũng chả có lớp gì cả, cứ để "ông" khu phố ông ấy xếp, biết đâu chẳng có cái lớp gì hay.
Thỉnh thoảng lại thấy chú lên ủy ban khu phố. Mỗi lần thấy cái dáng của chú thất thểu, áo khoác cầm tay, kéo rê gần chấm đất từ ủy ban về là chị biết không xong. "Thế là "sểnh" mất cái chân lái xe rồi". Chú nói. Chị an ủi: "Lái xe làm gì, hòn đất trên xe cũng còn biết nhảy". Lần khác chú phàn nàn "thế là sểnh mất cái chân kiến trúc". Chị lại an ủi: "Kiến trúc thì suốt ngày xa nhà, đi làm gì chú". Nhiều hôm chú lên cả Xuân Sơn chơi. Chú bảo chị:
- Ước gì được vào cơ khí Xuân Sơn, trên ấy vui lắm. ở tập thể lại có mấy thằng em quen.
Dạo này Nghĩa ít đi chơi, lên ủy ban về, chú lại nằm dài ở giường cá nhân, lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Một hôm, chú ngồi chống cằm bảo chị:
- Em nhớ mấy thằng lính tại ngũ quá, bà chị ơi.
Chị thấy một cái gì đó cứ đầy lên trong cổ. Chị cũng buồn như chú, nỗi buồn khó tả, phân vân, một lúc chị mới nói:
- Thế nào người ta cũng phải xếp việc cho chú chứ?
Nghĩa đứng bật dậy:
- Họ xếp chứ, sẽ có việc làm chứ. Nhưng chúng em về một lúc đông thế này, thì đến thủ trưởng anh Chính chắc gì đã giải quyết ngay được.
Trong gia đình đang tranh luận về việc lấy vợ của chú. Vì cho đến nay, dù có nghi ngờ như Chính thì một tháng đến ba lá thư của Thanh Nga gửi về cũng phải cho đó là chuyện có thực. Trong nhà có ba người thì ba ý kiến gần như khác nhau. Bà mẹ thì mừng, nỗi vui ấy đọc thấy trong đôi mắt màu khói của mẹ. Mẹ nói: "Nó đã hai mươi sáu tuổi đầu rồi, cho nó lấy vợ đi để mẹ còn được nhìn thấy..." Chính thì phản đối, anh không thích cậu em lấy vợ, trong khi chưa có một cái gì cơ bản. Liên cũng thế, song chị lại nghĩ: sự đã rồi có nói chỉ làm phiền lòng chú thôi. Đàn bà vốn hay nghĩ đến những chuyện cụ thể, chị nghĩ, hay bàn với chồng, bán cái đài đi để bù đắp cho chú cưới vợ. Nhưng cái đài thỉnh thoảng anh vẫn mở băng nhạc nhẹ ra nghe khi phải đọc sách căng thẳng. Hay bán cái máy khâu. Máy khâu chị thích để khâu vá, nó là một thứ rất gia đình đấy. Cuối cùng chị âu yếm nhìn cái nhẫn đeo trên ngón tay trắng mịn bảo chồng:
- Mình ạ hay ta bán cái nhẫn cưới này đi, để tổ chức gia đình cho chú Nghĩa.
Mắt Chính cau lại, anh ngồi lỳ một lúc lâu. Bỗng dưng Liên thấy như chính mình có lỗi. Cái nhẫn này thường áp vào môi anh, cái nhẫn này mang đầy kỷ niệm của những ngày hạnh phúc. Cái ngày qua chiếc khăn voan màu trắng, chị nhìn thấy anh sang trọng nâng đôi bàn tay mềm mại, mịn như nhung của chị, đeo vào đấy cái nhẫn vàng óng. Anh hôn lên nó, rồi hôn vào đôi môi mọng đỏ hạnh phúc. Bỗng chị thấy mình quá ư là thực dụng, và cuối cùng chị chỉ còn biết lặng lẽ nghe anh nói: "Cô ấy mà, rồi thì cô rút cả ruột đưa cho người khác".
Có một điều khiến chồng Liên buộc phải lo, Nghĩa lấy vợ rồi vợ chồng chú sẽ sống thế nào, ở đâu? Chỉ xếp một cái giường cá nhân kia cũng đã thấy bất tiện quá, lại còn vợ, rồi con, rồi đủ thứ...
Nhưng rồi bỗng một hôm Nghĩa hớn hở mang giấy báo về khoe chú đã được tuyển vào nhà máy cơ khí Xuân Sơn. Đúng theo ý chú, cả nhà mừng cho Nghĩa, mẹ ngồi hẳn dậy, đưa đôi tay khô khốc đấm vào lưng rồi nhón nhén đi ra ngoài. Đã lâu mẹ mới đi ra nhà ngoài như thế. Trông mẹ trẻ ra, mừng mừng, tủi tủi.
- Thế là mọi việc đến với tôi rồi - Nghĩa nói - có việc làm, sắp lấy vợ - chú tủm tỉm cười nhấp nháy đôi mắt vốn to và đen, tôi sắp có nhà riêng. Nhà riêng nghiêm chỉnh.
Chính trợn mắt:
- Mày kiếm nhà ở đâu?
- Thế này nhé - Nghĩa giải thích - đấy là cái tài ngoại giao của thằng em, nên đừng thấy em đi chơi mà chán, em đi làm quen đấy. Em ăn cánh với ông giám đốc cơ khí Xuân Sơn. Em trình bày với ông ta rằng em sắp lấy vợ. Ông ấy nói:
- "ừ thế thì mừng cho mày". Em hỏi: "Thủ trưởng có mừng thật không? Tao còn nói dối mày à? Thủ trưởng có ủng hộ không? Ông ấy giơ tay: ủng hộ chứ! "Thế thì tôi muốn xin một gian nhà tập thể có được không?" "Ông ấy ngần ngừ một lúc rồi nói "được chứ" nhưng ông ấy bảo rằng: "Trước mắt cứ phải vào ngay tập thể mà ở rồi từ đấy người ta mới xếp phòng riêng cho". Nhân tiện có mấy thằng bạn quen của em cũng đang ở tập thể. Thế là em nghe ông ấy ngay.
Chính nín thở nghe chú em nói rồi bỗng thở phào một hơi, mặt đầy vẻ phấn chấn. Anh khen cái thằng ranh con thế mà khôn. Nhưng mẹ đến gần nhìn thẳng vào đôi mắt con, hỏi khẽ:
- Con lại đi hay sao, hả Nghĩa?
Nghĩa sợ đôi mắt màu tro đang long lanh ấy đọc thấy ruột gan mình, chú quay mặt đi, giải thích:
- Mẹ chẳng biết lo xa. Bây giờ kiếm được một gian nhà tập thể có phải dễ đâu mẹ. Bạc nghìn đấy.
Chính tán thưởng:
- Trả hỏa hồng vài ngàn là ít đấy, mẹ ạ.
Nghĩa gật gù nói thêm:
- Phòng ở lại sang, có khi còn chắc chắn hơn nhà mình, vì thế phải chớp lấy ngay mẹ ạ.
Mẹ vẫn nhìn Nghĩa trân trân, làm chú phát ngượng. Mẹ nói:
- Cái nhà này có từ thời ông nội, để cho bố của con rồi đến các con... nhưng dù cái mái nó không che nổi...
Nghĩa gạt đi, bảo mẹ là phong kiến. Rồi chú lại sượng sùng tán tỉnh:
- Mẹ biết không, thế là gia đình ta lại có hai căn nhà, đây một nhà, Xuân Sơn một nhà. Thế là nay mẹ ở trên này với vợ chồng anh chị, mai lên với chúng con. Thỉnh thoảng phải đi cho nó đỡ buồn chân mẹ ạ.
Liên thấy chú em có một cái gì đấy, một cái gì đấy mà chỉ có gần chú mới thấy rõ hơn.
Hôm nay trong lúc xếp quần áo cho chú chị thấy một phong thư mới gửi của Thanh Nga, nghi nghi ngờ ngờ, chị mang thẳng phong thư ấy vào buồng trong. Không do dự, chị bóc ra xem. Liên giật mình vì nét chữ cứng cáp đập vào mắt, chị run run đọc:
"Minh Nghĩa yêu quý. Mình lại nhận được thư của cậu. Cậu vẫn chưa xin được việc làm ư, chưa có việc làm ư? Cái tai của cậu dạo này có khá hơn không? Hôm qua, lúc sinh hoạt tiểu đội, có một cậu lính trẻ măng thành thực hỏi tớ rằng: cậu ấy luôn mang danh là một anh chàng lêu lổng. Nhiều người thành kiến, cậu ấy không hiểu có phấn đấu được không? Mình bèn kể về cậu. Mình kể cái hồi đánh Plâycu, đơn vị chết nhiều quá mà xe tăng địch vẫn bò lên từng đàn. Chỉ còn một B.40. Ai ở lại chặn địch? Một cánh tay giơ lên đầu tiên: cậu. Bọn mình đếm đến quả thứ 10 rồi thấy lịm đi. Đến đêm mới thấy cậu mò về. Hóa ra cậu vẫn sống. Một bên vai đã nát ra, vàng xám. Anh chàng bắn súng chống tăng số một có cái gì để bồi dưỡng lại cái tai chưa?".
Mắt Liên hoa lên. "Đâu, thế Thanh Nga đâu?"- " Thanh Nga của bạn vẫn thế, anh chàng ngạo mạn của cậu đứng trên chốt 1732 mắt nhìn về hướng Bắc, mang đầy lòng tin ở phía sau. Cậu có biết tớ tin gì không? Tớ tin rồi cậu sẽ có việc làm. Phải có việc làm chứ, vì cậu là anh bộ đội một nghìn phần trăm sự thật. Phải không?".
"à này, cậu vẫn không thích ở nhà anh chị cậu à, ừ, nếu đúng như vậy thì phải tìm cách mà đi thôi. Bọn mình vốn thế".
Liên bỗng kêu lên một tiếng.
"Vết thương ở vai của cậu dạo này có bị đau không? Nghĩa à, biên giới dạo này nhiều con gái lắm, xinh lắm mày ạ. Không như ở Cămpốt, bọn mình phải mang cái tên con gái cho nó đỡ khô đi. Nếu có thể vài hôm nữa tớ sẽ ngỏ lời với một em, thanh niên xông pha, nếu chấm theo thang điểm 5 thì tớ chấm điểm bốn cộng. Thằng Bích Hồng lấy vợ rồi đấy. Nghĩa biết tin chưa, Minh Nghĩa?..."
Chị gấp phong thư lại. Lặng lẽ bước ra phòng ngoài, nhìn lên tờ giấy màu đỏ chói ngời cái tên Lương Văn Nghĩa. Chiếc ba lô của Nghĩa đã đặt gọn gàng ở trên giường, thế là chú sắp đi. Đúng là Nghĩa sắp đi. Chú và ông anh đi chào hàng xóm đã về đến ngoài sân. Chị nghe tiếng người anh căn dặn:
- Làm thợ cũng phải cố gắng mà học. Mày lêu lổng lắm, làm gì cũng phải cố mà kiếm cái bằng. Thời buổi này, sống không có bằng cấp thì cực lắm đấy.
Nghĩa lặng lẽ vào nhà bảo mẹ:
- Con đi vào khu tập thể đây, mẹ ạ.
Bà cụ lại nhón nhén đi ra ngoài, âu yếm nhìn con. Bà gật đầu rồi quay đi, giấu một giọt nước mắt lăn trên nếp nhăn. Còn Liên thì đứng sững ở cửa. Giọng run run, chị nói:
- Chú đi thật à?
Nghĩa chào mẹ, chào anh chị, đeo cái ba lô dúm dó, nhẹ tênh cách đây vài tháng chú mang về. "Khẩu súng chống tăng" thòi lòi ở bên cạnh. Chú nói:
- Con đi, mẹ ạ. Em đi. ở đấy về đây đi xe tháng không đầy mười lăm phút, không có gì mà cứ phải quyến luyến như trẻ con.
Nghĩa xốc ba lô lên vai, huýt sáo, hát một bài tiếng Tây ngang phè. Chú đi ra. Khi cái bóng cao to của chú lừng lững đi khỏi, căn nhà ấy lặng đi. Liên thấy nó trống rỗng. Thế là lại như xưa, ngăn nắp, gọn gàng, nền nã... chị ngước đôi mắt ướt đẫm nhìn chồng. Có thể như thế được không anh? Nhưng anh vẫn hoan hỉ, nhẫn nại. Rồi dường như không chịu nổi cái khung cảnh nặng nề này, anh cáu:
- Thì nó thích cứ để nó đi, có phải nó đi Cămpốt đâu mà sợ?
Anh lầm lì bước ra phía cửa, lột cái chiếu ở giường cá nhân rũ bụi, rồi lặng lẽ tháo từng cái thang giường cẩn thận bó thành một bó.

Xem Tiếp: ----