1. Tôi nhận được tin Tùng đi giật dây chuyền bằng xe phân khối lớn và đã bị bắt vào buổi sáng mà đến chiều vẫn chưa hết bàng hoàng. Người tôi như lâng lâng, như hẫng đi, cứ cồn lên bồi hồi khó tả. Tôi mở tủ, lần giở cuốn album. Vẫn còn đây tấm hình đen trắng cũ kỹ, bốn thằng tôi Tùng– Huy– Thông- Quốc trèo trên một khẩu pháo đại bác trước Viện bảo tàng Sở Thú, đứa nào cũng toét miệng cười quá đỗi hồn nhiên. Đó là năm học lớp ba. Chín năm, mọi sự thay đổi đến lạ kỳ. Quốc chuyển trường từ những năm cấp hai, lặn biệt tăm và bây giờ nghe đâu học rất dữ dội bên Lê Hồng Phong. Tôi và Huy vẫn học chung với nhau đến tận lớp mười hai, trải qua mọi yên bình và êm ả của đời học sinh. Duy chỉ có Tùng, nó không đi thẳng mà rẽ ngoặt, bước ngoặt đó lớn quá. Tôi nhớ, mới năm ngoái tôi còn thấy nó đi học bên Phan Đăng Lưu hay chạy ngang nhà tôi, gặp mẹ tôi còn chào rất lễ phép, vậy mà… Suốt cả buổi chiều hôm đó lòng tôi cứ băn khoăn, day dứt mãi.
2. Tôi thuộc loại người sống phải có bạn bè như thể phải có khí trời để thở vậy. Những ngày nghỉ học ôn thi hoặc nghỉ lễ, người tôi cứ bải hoải, thèm được đến lớp để nhìn những gương mặt thân quen, chọc phá hoặc bông đùa một câu gì đấy. Bạn thì tôi có rất nhiều, trong lớp ngoài lớp đủ cả. Giờ tan học, từ trên lớp ở lầu một xuống bãi giữ xe tôi cứ phải nhe răng cười chào liên tục những người bạn gặp dọc đường. Bản thân tôi tự giác hình thành một nỗi sợ: sợ vô ý gặp bạn thân trên đường mà quên cười chào. Nỗi sợ bạn phật lòng ấy nhiều khi tôi thấy nó thật chính đáng, nhiều khi lại thấy trẻ con và buồn cười đến lạ!
3. Đôi lúc, tôi tự kinh ngạc với chính mình, tại sao lại có thể cùng lúc kết giao được với những người bạn khác nhau đến vậy? Tôi yêu thích, đôi khi thậm chí tôn sùng những người bạn văn chương. Chơi với họ, sống với họ, tôi tự nhìn thấy mình được nâng lên nhiều lắm. Vậy mà khi chơi với những đứa bạn suy nghĩ thật nông cạn, không tâm hồn, không cảm xúc, lại thấy vẫn dễ dàng như thường. Tôi hoang mang quá, không biết bản chất thực của mình là đâu. Rồi lại hay tự an ủi bằng tư tưởng A.Q: “Như vậy dù sao cũng tốt hơn. Thích nghi tốt mà!”.
4. Có lần tôi chợt điếng người khi nhận ra rằng: “Bạn thì tôi có vô số kể, nhưng bạn thân thì chưa được trọn vẹn một đứa!”. Tôi nhớ hoài năm học lớp mười một, khi tôi còn là Phó Bí thư Đoàn trường, trong một lần cắm trại ở Củ Chi, đêm đến khi mọi người đốt lửa trại, quây quần bên nhau thành từng toán, hoặc ca hát, hoặc kể chuyện tiếu lâm, hoặc ngồi canh nồi chè sôi liu riu, tôi lại chui vào lều nằm một mình, tự nhiên thấy cô độc khủng khiếp. Mấy trăm người bạn bỗng chốc xa hút, tiếng đàn ghita bập bung, tiếng hát, tiếng cười nói lao xao cũng xa hút, tất cả chợt nhạt nhẽo quá, lạc lõng quá! Tôi đưa tay bíu lấy mép lều đã lạnh cóng đẫm sương đêm, trông lên bầu trời lạnh lùng cứ thẫm một màu khinh bạc, và giữa trời chấp chới một vì sao đơn côi lạnh giá. Một nỗi buồn chợt ập đến làm đông cứng cả người tôi. Nỗi buồn ấy bắt đầu từ chân, nọ chạy dọc theo sống lưng, len vào từng chân tóc, vào tận đầu lưỡi. Nó chạy đến đâu, người tôi tê cứng đến đó. Có lẽ sau này, mãi mãi không bao giờ tôi quên được cái nỗi buồn lạnh buốt gây ra bởi sự cô độc đó, cô độc giữa hàng trăm người bạn…
5. Huy học chung với tôi mười hai năm. Với khoảng thời gian dài đó, những đứa không chơi cũng phải chơi với nhau thôi, huống hồ tôi với Huy đã chơi chung từ năm lớp hai cho nên thân là phải. Hai thằng có thể ngồi kể cho nhau nghe những suy nghĩ, những dự tính một cách thoải mái, chân tình, dẫu những suy nghĩ đó đôi khi cao đẹp đôi khi xấu xa. Chỉ tiếc một nỗi Huy không thích và mù tịt về văn chương. Đó là một sự hụt hẫng lớn trong tình bạn của chúng tôi. Cho nên tôi luôn coi Huy là ba phần tư người bạn thân của mình mà thôi.
Quỳnh lại khác. Là con gái, nhưng nó rất hiểu tôi, đặc biệt trong những lúc nói chuyện về văn chương. Nó từng tuyên bố với đám bạn học: “Thằng T. là bạn tâm giao của Quỳnh”. Câu nói đó của nó làm tôi cảm động và sung sướng. Nhưng đôi khi nghĩ kỹ lại, tôi chợt nhận ra điều đó chưa hoàn toàn. Tôi con trai, Quỳnh con gái, chỉ mỗi một sự tâm đắc về văn chương thôi làm sao đủ xây nên một chiếc cầu nối kết hai tâm hồn vốn khác biệt nhau về tâm sinh lý. Rốt cuộc, Quỳnh cũng chỉ là ba phần tư người bạn thân của tôi.
Tôi không tìm được bạn thân vì tôi khó khăn quá chăng? Có nhiều người khi nói chuyện cảm thấy rất tâm đầu ý hợp, nhưng càng đi sâu, sự bất tương đồng bắt đầu manh nha và càng tăng. Điều đó thường gây cho tôi một nỗi thất vọng. Từ thất vọng, tôi đâm ra e dè và sợ sệt, vì biết đâu chính mình cũng có thể gây ra nỗi thất vọng cho người khác bằng cách đó. Thế là tôi không còn dám bộc lộ hết mình như trước, nói năng cũng giữ kẽ, thậm chí đôi khi còn cố tình làm người khác hiểu sai mình đi. Và tôi biết, với cách sống như thế, mãi mãi sẽ không bao giờ tôi có thể tìm được một người bạn tâm giao…
6. Tôi lại đứng trên bục, huơ tay huơ chân, gân cổ lên mà hét về kế hoạch cho một chuyến cắm trại hoặc buổi liên hoan cuối năm, với một hy vọng mong manh sẽ nối kết bạn bè lại ở lần họp mặt cuối cùng của cái tập thể không mấy đoàn kết này. Và tôi biết, ba mươi mấy người bạn của tôi ở dưới kia, sẽ có người thông cảm với ước mong của tôi, nhưng cũng sẽ có người coi gã bí thư này suốt năm chuyên lăng xăng làm những trò trẻ con. Quả thực là như thế!
Ngày học cuối cùng, của lớp mười hai, của cả một đời học trò sắp khép lại, tôi chợt lơ vơ nhớ tới người bạn đầu tiên trong đời đi học của tôi hồi lớp một. Ngày ấy, tôi là một học sinh chậm tiến, cuối giờ luôn phải ở lại để cô giáo kèm thêm cách tập đọc, tập viết vì không theo kịp bạn bè, lại nhút nhát nên không dám và không chơi với bất kỳ ai. Suốt cả năm lớp một tôi chỉ biết mặt và biết tên người bạn gái ngồi kế bên – chính bạn ấy là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều, và trong thâm tâm tôi luoon xem bạn là người chị gái của mình.
Ngày học cuối cùng, của lớp mười hai, của cả một đời học trò sắp khép lại, tôi chợt bồi hồi nghĩ đến những người bạn đã lần lượt bước qua đời mình…
Tụi bạn tôi giờ đang chí choé ký tên áo của nhau, cả đám con gái, ngày thường vốn rất trang nghiêm và điềm đạm, ý tứ là thế, giờ cũng đưa áo dài lên cho ký, nào là “mến thương”, nào là “kỷ niệm”, rồi cả “forever” nữa… Tôi thì chỉ mong, tha thiết một điều rằng, năm sau nếu có tình cờ gặp nhau trên đường, xin đừng làm ngơ và chỉ cần cười chào một cái, vậy là đủ rồi!
Sài Gòn, 9 tháng 6 năm 1997

Xem Tiếp: ----