PHẦN THỨ BA
Chương 1

Tôi không biết tất cả đã bắt đầu như thế nào? Tôi không biết thần linh nào đã an bài tôi vào câu chuyện kỳ dị này.
Thế nhưng tất cả các việc đã phát sinh và đột nhiên đưa tôi vào một thế giới xa lạ, nó đã làm thay đổi cả định mệnh cuộc đời tôi, mà tất cả những việc xảy ra đều là sự thật, không phải một giấc mơ, cũng không phải chuyện hoang đường.
Tất cả đã bắt đầu như thế nào?
...................................
Đó là thời gian ba tháng, sau khi tôi đoạt được mảnh bằng học sĩ của trường Đại học. Nỗi vui mừng phấn khởi của ngày mới tốt nghiệp cũng đã qua, ba tháng nay, tôi đã gửi đi các mục quảng cáo và tôi phát giác ra, mảnh bằng đại hoc không giúp tôi tìm được một việc làm để kiếm cơm nuôi miệng. Buổi sớm, lúc ở trên lầu xuống dùng cơm là tôi cảm thấy vẻ mặt của chú thím tôi mỗi ngày một lạnh nhạt. Dĩ nhiên tôi tuyệt đối không thể trách cứ họ được, vì chú tôi chỉ là một người chú họ, ông không có trách nhiệm nuôi dưỡng tôi lại càng không có cái nghĩa vụ cho tôi vào đại học, thế nhung ông đã nuôi dưỡng tôi, lại cho tôi vào đại học.
Ông đã một trăm phần trăm không phụ lòng cha mẹ tôi ở chốn cửu tuyền. Nay, tôi phải khó khăn lắm mới đoạt được mảnh bằng đại học. Ít ra tôi phải có một việc làm để giúp đỡ chú thím và các em tiếp tục việc học mới là phải đạo.
Nếu cứ ở nhà chú ăn không ngồi rồi, cả ngày đi tới đi lui, chẳng làm một việc gì, thì bảo sao chú thím không khó chịu? Ngay cả đến tôi, tôi cũng cảm thấy áy náy trong lòng.
Sáng nay, ngồi vào bàn ăn, không biết thím cố ý hay vô tình nói:
- Mỹ Hoành, có lẽ sự đòi hỏi của cháu quá cao, đời bây giờ người nhiều việc ít, tìm việc làm mỗi lúc một khó, cháu cũng đừng hy vọng đồng lương quá cao, chỉ cần có nơi ăn chốn ở là khá lắm rồi.
Lời xa ý gần, dĩ nhiên ý thím là không muốn tôi tiếp tục ở trong nhà này nữa, tôi không phải trẻ con mà nghe không hiểu, trông chú có vẻ bất mãn. Ông xô ghế đứng lên, hằn học nói:
- Việc gì mà phải gấp? Để cho Mỹ Hoành nó thong thả tìm, tìm mãi cũng sẽ có việc.
Tôi không thể nào cứ nghiễm nhiên làm một gánh nặng cho chú thím tôi nữa vì họ còn phải lo cho ba đứa em nhỏ còn đang ở trung học.
Cầm tờ báo trên tay, không xem tin tức, xã luận gì cả tôi lật ngay sang trang quảng cáo, rao vặt. Tôi xem một lượt ở mục tìm nguời làm, gần như tất cả đều được tôi gửi lý lịch đi từ hai ba hôm trước. Chỉ có một mục tìm người được lồng trong hai lằn gạch đen to nét đã làm cho tôi phải chú ý.
"Cần: Bí thư Hán văn phái nữ, từ 22 đến 25 tuổi, chưa có gia đình. Trình độ: học xong chương trình trung học trở lên, viết chữ đẹp, yêu nghệ thuật. Xin viết tự thuật và kèm theo ảnh bán thân và toàn thân mỗi thứ một chiếc, xin ghi rõ chiều cao, cân nặng và tuổi tác, cùng số lương yêu cầu. Gửi về Ông Thạch Phong, Vườn Thúy, số... Đường... "
Một mục cần người thật quái gở, nó cho tôi cái ấn tượng là ông Thạch Phong nào đó, không phải cần bí thư Hán văn mà là tìm ý trung nhân. "Ảnh bán thân và toàn thân mỗi thứ một chiếc, phải ghi rõ chiều cao, cân nặng và tuổi tác." Những điều đó bắt buộc người có khả năng làm việc cần phải ghi rõ và đính kèm hay sao? Họ đang cần người cho việc làm hay là cần người cho họ? Tôi vất tờ báo sang một bên không có ý định gửi phiếu lý lịch đi. Thực ra, nếu tôi có gửi đi chăng nữa, thì cái hy vọng được chọn lựa cũng quá mỏng manh, tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này rồi.
Ăn cơm sáng xong, tôi vẫn không sao thoát khỏi nỗi buồn phiền nó đang dằn vặt tâm can. Việc làm! Việc làm! Tôi lại vớ vội tờ báo lên tay, xem lại một lần mục cần người khi nãy, tại sao không thử một lần nữa xem sao? Thêm một cơ hội tức là thêm một hy vọng! Hơn nữa, mục cần người này cũng có một vài điểm hấp dẫn. Ngoại trừ có nơi ăn chốn ở ra, hai chữ Vườn Thúy đã quyến rũ tôi không ít. Có lẽ nó là một hoa viên rộng lớn. Có cây to, có dây leo chằng chịt, có đủ kỳ hoa dị thảo! Và bên trong còn có những gì? Một người khổng lồ ư? Không hiểu sao, bỗng nhiên tôi nghĩ cái tên "Vườn Hoa của Cự Nhân", kể lại chuyện một người khổng lồ cô độc, sống buồn tênh trong một vườn hoa to và đẹp. Thôi được! Cần người cho ai mặt xác họ, mình cứ gửi một phiếu lý lịch đi thử thời vận. Tôi thuận tay vớ một mảnh giáy và viết bức thư xin việc như sau:
"Ông sẽ phát giác ra, tôi là một con người rất tầm thường như bao nhiêu người khác trên thế gian này, cũng có hai tay, hai chân, một cái mũi, một cái miệng và một đôi mắt như họ. Tôi còn có cả một đầu óc chứa đầy những ước mơ và hoài bão tầm thường, nhưng tôi đang đi trên một con đường bé nhỏ gồ ghề, cũng như muôn ngàn người tốt nghiệp đại học khác, ở trước mặt một con đường không phải là một đại lộ khang trang, song tôi có can đảm dọn dẹp, chông gai và san bằng chướng ngại. Chỉ cần có một cơ hội, tôi nguyện sẽ đem những ước vọng tầm thường biến thành sự thật.
Có lẽ ông không có hứng thú đi nghiên cứu tài liệu về tôi, nhưng tôi thấy rất rõ rệt là tôi cần phải tự thuật tất cả. Tôi mười tuổi mồ côi mẹ, mười lăm mất cha. Từ đó tôi sống bám vào gia đình chú thím. Chú thím tôi đã nuôi tôi đến hoàn thành đại học các em tôi chỉ vừa học xong tiểu học. Chú tôi chỉ là một tiểu công chức, nên gia cảnh rất đỗi thanh bạch. Vì thế, ông có thể thấy rõ là một việc làm đối với tôi rất cần thiết. Nhưng nói thế không phải để đòi hỏi một lòng thương hại, trên thế gian này còn có rất nhiều người đáng thương hại hơn tôi. Tôi tin ở khả năng làm việc của tôi và tin rằng tôi không đến nỗi ngu si lắm, và tôi cũng mong rằng tôi làm được chu đáo những việc mà ông sẽ giao phó cho tôi.
Tôi không dám đòi hỏi số lương quá cao, việc làm của tôi đáng giá bao nhiêu thì ông có thể xem ở khả năng làm việc của tôi mà định đoạt nếu tôi có cái hân hạnh được Ông tuyển dụng".
Tôi nghĩ, lúc viết đơn xin việc trên tôi mang trong đầu ít nhiều thái độ bỡn cợt. Tôi không tin là mình sẽ được tuyển dụng cũng không tin việc làm này thích hơp. với tôi, vì vậy sau khi gửi thư đi, tôi cũng không còn bận tâm về nó nữa, thực ra cái mục cần người ấy được tiếp tục đăng suốt một tuần lễ. Lúc nó không còn xuất hiện trên mặt báo nữa, thì tôi cũng đem việc này ném lên tạân chín tầng mây. Cái thư xin việc có đi mà không có về.
Tôi lại tiếp tục tìm việc, song đi đến đâu cũng va đầu vào tường thêm một tháng nữa, lòng tự tôn và ý chí phấn đấu đã bị thực tế mài giũa đến tình trạng đáng thương. Tôi không còn đủ can đảm đi viết lý lịch nữa, cũng không muốn đối diện với bất cứ một ai. Thím không nói gì cả, nhưng bà bắt đầu cậy người giới thiệu cho tôi một bạn trai. Tôi thấy rất rõ rệt bây giờ, đang trải trước mặt tôi không còn là con đường bé nhỏ gồ ghề nữa mà là một cánh rừng âm u dầy dặc. Tôi sắp sửa nghĩ đến việc lập gia đình, đây là con đường duy nhất của phần đông phái nữ, rời bỏ nhà trường để bước vào xó bếp. Nhưng mà khổ nỗi, ngay đến một người có thể cùng tôi gầy chuyện trăm năm cũng chẳng biết tìm đâu ra.
Đang trong tình trạng tuyệt vọng này, tin tức từ " Vườn Thúy" đã đến, nó như một ngọn đèn lóe lên soi vào cánh rừng dầy dặc âm u! Đó là một lá thư màu trắng với chất giấy thật tốt, bên trên là hai giòng chữ giản dị viết bằng mực với nét chữ thật đẹp:
Dư tiểu thơ!
Mời cô vui lòng đến diện kiến tại địa điểm Vườn Thúy vào lúc 9 giờ sáng ngày....
Kính thư
Thạch Phong
Trong thư không có đề cập đến đã tuyển dụng tôi hay không, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi phấn khởi rồi. Tôi cầm chặt lấy phong thư, lòng nôn nóng muốn được gặp ngay chủ nhân Vườn Thúy và không hề nghĩ một tí gì về việc sẽ có một định mệnh kỳ dị nào sẽ đến với tôi trong tương lai.
Tôi tìm đến Vườn Thúy lần đầu tiên vào một buổi sáng mùa thu. Như sự dự đoán của tôi, nơi đây cách Thành phố thật xa. Chân tôi giẫm trên một con đường tráng nhựa thật đẹp con đường này đưa tôi thẳng lên núi, tuy lòng tôi có hơi hồi hộp về việc "khẩu thí” sắp tới đây, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn hai bên con đường nhựa ăn thông lên núi này, một bên thì lại là một rừng trúc xanh um xào xạc, còn một bên thì lại là một rừng thông thắm tươi hùng vĩ. Vẻ mảnh mai óng ả của trúc và vẻ hùng dũng hiên ngang của thông làm thành một so sánh khác biệt rõ rệt. Bên trong rừng trúc và rừng thông đều sạch sẽ, trên mặt đất phủ đầy những lá, nhưng lại không ẩm thấp. Trong rừng thông lại có cả những hòn nham thạch cao sừng sững, càng tăng khí phách cho thông. Đường nhựa thật rộng, xe hơi có thể chạy thẳng lên núi. "Vườn Thúy" cứ trong tên mà định nghĩa, nhất định phải ở giữa cánh rừng xanh biếc này. Tôi bị thông và trúc gợi cao hứng thú, tinh thần cũng được cổ võ bởi không khí trong lành của buổi sáng núi rừng. Tôi nghe như niềm vui rào rạt khắp chân thân. Mỗi một bước đi của tôi có mang theo niềm hy vọng được tuyển dụng trong công việc ở đây.
Cứ thế, tôi vừa đi vừa thong thả ngắm nhìn chung quanh, tình thật mà nói, tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ đến rất nhiều, rất nhiều những việc trong tương lai và chuyện việc làm trước mặt, vì thế, tôi hoàn toàn không nghe có tiếng động cơ của xe máy dầu đang xả hết tốc lực từ dưới dốc núi leo lên, đợi đến lúc tôi phát giác ra thì chiếc xe ấy đã vụt đến bên người tôi. Vì đường rừng làm quanh theo chân núi nên khúc quanh rất nhiều, trước khi chuyển vào khúc quanh người lái xe không trông thấy tôi; lúc ông ta trông thấy thì không còn thắng kip. nữa, hơn nữa, tôi lại đi ngay giữa lộ. Sự việc xảy ra thật nhanh, tôi ngã xuống và chiếc xe lao qua, tôi lăn một vòng trên đường mà không cảm thấy đau, chỉ nghe như nỗi kinh hoàng và phẫn nộ lên đầy lòng. Tôi gắng gượng ngồi lên, nhìn xuống chân, đầu gối bên phải bị xát trầy da, nhưng không nặng lắm, chiếc "Jupe" bị rách một mảnh vuông nhỏ. Tôi nghĩ có lẽ chiếc xe nọ không đụng vào tôi, mà chỉ bị tay lái hay một nơi nào đó móc vào áo. Tôi đứng thẳng người lên, chiếc xe nọ đã quay lại và đến gần bên tôi. Người lái xe vẫn ngồi yên trên xe.
Hắn có gương mặt đầy vẻ ương ngạnh và rắn rỏi của một người đàn ông khoảng 38, 39 tuổi gì đó.
- Tôi hy vọng rằng cô không bị thương?
Hắn nói lớn, gần như với giọng mệnh lệnh.
- Tôi hy vọng ông chạy chậm một tý!
Tôi nói với giọng giận dữ và phẫn uất, lẽ ra thì hắn phải xuống xe và tỏ vẻ biết lỗi mới phải.
- Không bị thương là phúc cho cô, cô đã cản đường đi của tôi.
Hắn lạnh lùng nói.
- Đường này đâu có phải của ông làm!
Hắn nhếch mép, khẽ cười khì một tiếng. Tôi trông thấy nét ngạo mạn và trêu cợt hằn rõ trên khóe môi của hắn.
- Con đường này? Chính tôi làm ra đấy.
Hắn nói bằng một giọng không mấy rõ rệt, tiếp theo đó, hắn lại lớn tiếng nói:
- Cô không có hề gì thì tôi đi đây!
Hắn sang số xe và vọt nhanh lên dốc núi. Tôi bực tức đến cùng cực và tự nhủ: "Xui đến thế là cùng nên mới gặp phải người sỗ sàng như vậy. Tôi to tiếng nói vội theo sau hắn:
- Tôi hy vọng ông sẽ lao đầu vào núi!
Xe hắn đã đi xa, chẳng biết hắn có nghe thấy không? Tôi dừng lại bên đường vài phút để vuốt lại nếp áo và định tĩnh tinh thần. Đây chỉ là một rủi ro nhỏ, tôi không bị thương hay trẹo chân tay chi cả. Tôi lại tiếp tục bước đi rồi quên khuấy đi câu chuyện kém vui đó, vì rừng cây của buổi sáng có một mầu xanh biếc và tiếng chim hót vang vang những nhịp khúc vui tươi.
Mặt trời đã lên cao, Đài-Loan vào thu, ánh nắng vẫn mang sức nóng như thiêu như đốt, tôi bắt đầu cảm thấy nóng bức và khát nước vô cùng. Phiá trước có một ngã ba đường, bên lề có một tàng cây to, bóng mát phủ trên mặt đất như hình dáng của cây dù. Tôi đi đến đó, dưới gốc có một chiếc ghế đá, trên ghế có khắc một hàng chữ: "Vườn Thúy kính tặng".
Kính tặng cho ai? Đúng rồi! Tặng cho bất cứ người khách đi đường nào, để họ có được đôi phút nghỉ ngơi dưới bóng cây râm mát. Bây giờ thì nó "kính tặng" cho tôi, tôi tự đùa và mỉm cười với mình. Tôi ngồi xuống ghế và vuốt lại quần áo một lần nữa, phủi sạch những vết bụi bám trên tay chân. Tôi ngồi yên đó, bất giác nghe một chút gì thỏa mãn, thỏa mãn về việc gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ cảm thấy một cách mơ hồ như cái danh từ "Vườn Thúy" không còn xa lạ đối với tôi, mà giữa nó và tôi đã có một liên hệ nào đó.
Chung quanh thật yên tĩnh, rừng thông và rừng trúc nằm im lặng lẽ. Con đường nhựa chạy ngoằn ngoèo lên núi, có một con đường lát đá nhỏ khác ăn sâu vào cánh rừng rậm, bên con đường đá có dựng một tấm bảng nhỏ chỉ "Đường đi vào Vườn Thúy" Con đường đá nhỏ cũng khá rộng ngồi ở đây có thể trông thấy thấp thoáng một dãy tường và mái ngói đỏ. Tôi nhìn đồng hồ, thời giờ còn rộng chán, tôi không cần vội lên đường. Tôi ngồi chừng mười lăm phút, không thấy một bóng người khách đi đường nào cả. Ánh nắng thật đẹp nhưng đúng vào phút ấy, bỗng nhiên tôi có một cảm giác dị thường, không biết vì giác quan thứ sáu hay vì một lý do nào khác, khiến tôi, đột nhiên rùng mình một cái. Tôi cảm thấy một cách rõ rệt là có người đang ở gần bên tôi, đằng sau một gốc cây hay một tảng đá nào đó, có người đang rình rập tôi.
Bỗng tôi cảm thấy ớn lạnh, tóc đằng sau ót tôi đột nhiên dựng lên. Không hiểu có một nguyên do nào làm tôi rùng mình, tôi đứng nhỏm lên và quay đầu lại, hoàn toàn do sự thúc đẩy của trực giác. Sau lưng tôi là một dãy rừng thông, có ba hòn nham thạch đứng sững ngang nhau như một tấm bình phong che ngang phía trước, ánh nắng chói chang, và trong rừng thông chẳng có chi cả. Bất giác tôi phì cười cho sự rối loạn thần kinh của mình. Bước chân trên con lộ đá, tôi nhắm hướng Vườn Thúy đi tới, và không bao lâu, tôi đến gần địa điểm ấy. Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi, nơi đây chỉ là một mảnh đất rộng được khai phá từ một triền núi, có hơn mười căn nhà được xây trên đó. Trông vào thì Vườn Thúy không quá cô độc như sự dự tưởng của tôi. Đây hẳn là cư xá cao cấp hoặc, những ngôi biệt thự của những kẻ giầu sang nhàn hạ.
Vườn Thúy nằm ở cuối con lộ, nó chiếm một khoảng đất rộng rãi, có tường trắng vây quanh. Một cành cây phượng vĩ từ trong vươn ra bên ngoài và có nhiều cây si to cao hơn cả tường dậu, lá đã được cắt xén thành những hình tròn và hình dạng của chim. Nơi đây là nơi nào? "Vườn Hoa của Cự Nhân" ư? Tôi đưa tay lên nhận chuông trên cửa, tấm bảng đồng đề "Vườn Thúy" phản chiếu ánh sáng chói chang vào tôi.
Một người đàn ông gầy gầy vào khoảng trên dưới 30 tuổi ra mở cổng. Sau này tôi biết được gã là tài xế của chủ nhân Vườn Thúy, và được gọi là chú Lưu. Bên trong cánh cổng quả nhiên là một vườn hoa vĩ đại, tròng đầy những hoa hường, hoa cúc, thạch trúc và vạn niên thanh.
Vườn hoa có vẻ đã được hoạch định hẳn hoi, có một hòn núi giả được xây bằng đá nằm ở giữa một bồn nước có vòi phun cao, trong kẽ đá mọc đầy các loại hoa cỏ, một cây xương rồng nở đầy hoa mầu hồng nhạt, có gần hai ba chục cây hoa hồng khác loại, mầu đỏ, mầu hồụng, mầu vàng, mầu trắng đang nở rộ, khoe mầu dưới ánh nắng. Nhưng ở đây không hẳn là một vườn cây rợp bóng. Ngoại trừ những cây phượng và cây si được cắt xén quanh tường ra, trong vườn chỉ có vài cây hoa trà và cây dâu là có hình dạng to lớn, vì vậy cả một vườn hoa trong thật sáng sủa, sạch sẽ và đầy sinh khí. Ngôi biệt thự trong vườn được xây hai từng theo lối tây phương, bên ngoài tường, sân nhà được lát gạch mầu đỏ, hai bên hiên rộng rãi có xây những cột trụ bằng xi măng có vân giản dị. Một con đường đá nhỏ chạy dài từ ngoài cổng vào đến gian chính, gian bên cạnh là nhà xe. Cổng nhà xe được mở rộng bên trong có một chiếc xe hơi kiểu nhỏ mầu đỏ thẫm.
Tôi được dẫn vào phòng khách. Đó là một căn phòng rộng lớn, sáng sủa. Ba mặt phòng đều gắn cửa kính lớn, ánh sáng bên ngoài lùa vào tràn ngập căn phòng. Ghế mây hình vòng cung, bàn tròn dài nho nhỏ làm bằng cây dầu và một bộ sa-lon mầu xanh. Đồ vật trông giản dị, nhưng nó biểu lộ cả một thứ gì... không giản dị trong ấy. Cái vẻ đẹp đẽ, quí phái và tinh khiết, làm cho người khách lạ, có một mối thiện cảm không thể nào diễn tả bằng lời. Trên tường không treo tranh liễn, chỉ treo một bó hoa hướng dương to bện bằng mây. Một người con gái giúp việc khoảng 18, 19 tuổi ra tiếp tôi. Cô ta cười lộ hàm răng trắng đẹp, mang cái tinh khiết tương tự với vườn hoa nhà này.
Cô ta niềm nở hỏi:
- Thưa, có phải cô là cô Mỹ Hoành không ạ? Ông chủ đang chờ cô đấy.
- Vâng! Tôi đáp và cảm thấy hồi hộp.
- Hiện ông chủ ở trên lầu. Ông muốn tiếp cô ở phòng đọc sách, mời cô lên trên ấy.
Tôi đi lên lầu, không còn tâm trí đâu để ngắm nhìn cách bày biện trong nhà. Tôi bước vào một căn phòng rộng rãi, có ghế salon, có kệ sách, có thật nhiều sách làm người nhìn hoa cả mắt, có một chiếc bàn thật to, và... một người đàn ông quay lưng về phiá tôi đang loay hoay tìm sách ở chiếc kệ cao ngất, chiếm trọn một bức tường. Cô người làm đứng cạnh tôi lên tiếng:
- Thưa ông, Dư tiểu thơ đã đến rồi đây!
- Biết rồi! Người đàn ông nọ nói không quay đầu lại.
Tôi nghe tiếng đóng cửa sau lưng, chỉ còn mình tôi đứng đó. Tôi nghe tim đập nhanh trong lòng ngực, không hiểu sao tôi lại hồi hộp đến thế, lòng bàn tay rịn ướt mồ hôi.
Người đàn ông nọ thong thả quay sang đối diện với tôi, tôi đứng thẳng người lên, ước gì tôi chưa vào đến nơi đây và ước gì tôi được lui ngay ra tức khắc, nhưng muộn mất rồi, người đàn ông nọ đang nhìn tôi từ đầu đến chân, không ngạc nhiên cũng không lấy làm lạ, trong ánh mắt ông ta tiềm tàng một nụ cười trêu cợt, tương tự với thái độ sau khi ông ta đụng tôi trên dốc núi. Xong ông ta chậm rãi nói:
- Chắt cô thất vọng lắm thì phải, vì tôi đã không lao đầu vào núi!
- Tôi... ơ... Tôi lưỡng lự định khiêu khích - nếu... nếu lúc nãy tôi biết là ông thì...
- Thì cô sẽ không nguyền rủa tôi?
- Tôi nghĩ... Tôi cảm thấy mình đang bị trêu chọc, dù cho tôi có cần thiết việc làm này đến đâu, cũng không thể vì thế mà quỳ lụy ai.
Tôi thầm nghĩ, tôi vẫn giữ ở trong lòng một nỗi bất bình mà chẳng tiện thốt ra!
Tôi thẳng thắng nói, có lẽ lúc ấy sắc mặt tôi thật khó coi, việc làm này coi như đi đời một trăm phần trăm.
Ông ta nhìn tôi một thoáng và cái vẻ trêu cợt ban nãy đã tiêu tan đâu mất. Ông ta đi đến chiếc ghế đối diện bảo tôi:
- Dư tiểu thư! Mời cô ngồi, rồi chúng ta cùng nói chuyện được chứ?
Giọng ông vẫn có vẻ mệnh lệnh, nhưng tôi bắt buộc phải nhớ rất có thể ông ta sẽ là chủ nhân của tôi, tôi bèn ngồi xuống.
Ông lại nhìn tôi, ánh mắt ông ta nghiêm lại, tôi nhận ra là ông ta đang dò xét tôi.
- Tôi có làm cô phật ý không?
Bỗng nhiên ông ta buông ra một câu hỏi đó và tôi vội vã đáp:
- Ông muốn nói về việc ở trên dốc núi, hay là ở đây?
Ông ta hơi mỉm cười, nhưng lần này không mang vẻ trêu cợt mà lại ôn hoà, ông ta gật đầu nói:
- Theo tôi thấy thì cả hai đều làm cô không được hài lòng. Nhưng tôi hy vọng cả hai điều đó không quan trọng.
Tôi mỉm cười:
- Thật thế! Không quan trọng.
- Thế thì chúng ta có thể vào vấn đề câu chuyện chính.
Ông ta mở ngăn kéo lấy ra một xấp giấy, đó là hồ sơ xin việc của tôi. Ông rút tấm ảnh ra nhìn kỹ một hồi, rồi lại nhìn tôi, hình như có ý so sánh ảnh và người có phải cùng là một không? Cuối cùng ông ta vừa ý, để tấm ảnh xuống và nhìn tôi nói:
- Lần tuyển nữ bí thư này, tôi nhận được hơn một ngàn sáu trăm đơn xin việc, trong số đó tôi chọn năm đơn, cô là người thứ năm mà tôi tiếp kiến.
Tôi im lặng không nói gì nhưng chắc mẩm, có phần năm hy vọng rồi đấy! Phải chi lúc nãy tôi không nguyền rủa ông ta trên dốc núi.
- Công việc làm tính chất đơn giản, nhưng cũng không quá đơn giản. Phần cốt yếu là cô giúp tôi soạn lại một mớ tài liệu, tài liệu này là một cuốn gia-phả của dòng họ Thạch nhà tôi, trong ấy gồm có những văn cảo, nhật ký và thư từ của tổ phụ tôi, cần phải sắp xếp lại rồi căn cứ theo nhật ký của tổ phụ tôi, dùng một lối hành văn có hệ thống mà viết thành một quyển "Truyện ký".
Tôi xen vào nói:
- Tôi thiết tưởng, sao ông không mượn một nhà văn để làm công việc này?
- Cô muốn nói...
Trông dáng ông ta có vẻ bất mãn:
- Cô không muốn làm việc này ư?
- Ồ! không! Tôi vội đáp. Có chứ ạ, nhưng tôi e không có đủ khả năng.
- Cái đó phải đợi cô bắt tay vào việc mới rõ được.
- À! Thưa vâng! Dĩ nhiên!
Bỗng tôi cảm thấy tôi đã bị khuất phục và trở nên thụ động.
- Làm xong tài liệu của tổ phụ tôi, rồi đến lượt phụ thân và của... một người khác. Tôi sẽ trao cho cô xem rất nhiều thứ, kế đến là cõ giúp tôi xem các thư từ và trả lời. Cô xem, liệu cô có thể làm được không?
- Vâng, tôi có thể làm được!
Tôi nói mà không khỏi nghi hoặc, có lẽ nào cái công việc mà ông ta vừa nói, không thể không làm được? Hay là ông ta có mục đích nào khác?
- Cô cần phải ở lại đây, vì thời gian có mặt ở nhà của tôi không nhất định, giờ làm việc cũng không nhất định nốt. Mỗi tuần lễ cô có một ngày nghỉ và những ngày nghỉ này sẽ do tôi quyết định, được chứ?
- Thưa được!
Tôi tự nhủ, có thể giảm bớt được gáng năng cho chú thím tôi là được lắm rồi!
- Về số lương của cô...
- Ông ta trầm ngâm một lát:
- Tạm quyết định là hai ngàn một tháng.
- Dạ.
Tôi hơi kinh ngạc, vì số lương vượt quá xa dự liệu của tôi, tôi chần chờ chưa dám tin ở thính giác của mình:
- Thưa thế nghĩa là... ông... ông đã bằng lòng tuyển dụng tôi?
Tôi lí nhí hỏi.
- Dĩ nhiên, hay là cô không muốn làm?
- Thưa không phải thế!
Tôi nói lớn và cảm thấy vui mừng khôn xiết.
- Thưa đến bao giờ tôi mới bắt đầu làm, thưa ông?
- Ngày mai!
Ông ta nói một cách giản dị và xô ghế đứng lên:
- Cô hãy về mang đồ đến đây, cần nhất là đến trước buổi trưa, vì chiều tôi bận đi khỏi. Ngay bây giờ, cô có thể về nhà sửa soạn đồ đạc.
Tôi cũng đứng lên nhìn ông ta với vẻ nghi ngờ, đối với tôi, tất cả đều như một giấc chiêm bao, không có vẻ gì là thực cả. Tôi lại lí nhí hỏi:
- Nhưng mà, như thế này... đã quyết định rồi ư?
Sắc mặt ông ta lộ vẻ khó chịu.
- Cô còn thắc mắc điều chi nữa?
Dĩ nhiên, còn có những vấn đề như là, người đàn ông này là ai? Thạch Phong, một cái tên hay là một biệt hiệu? Nghề nghiệp của ông ta là gì? Tất cả những điều này không khác thường? không đặt biệt ư? Trong ngôi biệt thự của ông ta còn có những con người như thế nào? Trong tương lai tôi sẽ sống chung một nhà với ai? Việc thắc mắc thì hẳn là nhiều rồi, nhưng tôi không dám hỏi tiếp, vì nét khó chịu càng lúc càng in rõ trên mặt chủ nhân tôi. Tôi cần phải biết điều một tí! Trừ phi tôi không muốn làm việc ở đây. Vì vậy tôi đành nuốt ực vào lòng tất cả những câu hỏi và khẽ nói:
- Thưa không! Không có chi thắc mắc cả. - Thế thì, ngày mai sẽ gặp lại.
Ông ta nói và quay người sang tìm kiếm sách. Tôi lẳng lặng rời khỏi căn phòng. Tôi không phải là khách, nên không có quyền buộc chủ nhân phải tiễn đưa. Tôi bước chân đi một minh xuống chiếc thang lầu rộng rãi.
Thế là tôi đem hành lý đến sống trong "Vườn Thúy".