Sách Tập đọc lớp 4 bậc tiểu học trước đây có một bài kể về “Lớp học giữa rừng mơ” thời kháng chiến chống Pháp. Ở lớp học ấy, thày trò đều cơ động và mơ mộng giao nhận cho nhau khoa học căm thù và các khoa học khác. Giữa thung lũng đá được che chở bằng những tán hoa mơ trắng phau của rừng Hương tích, lại dội về từ bên kia sông Đáy cái giọng đại bác cầm hơi của đối phương; kể như lớp học ấy là có một không hai trong nền giáo dục nhân loại thật đấy. Tôi và Thóc là hai trong số sáu mươi ba học sinh của lớp học lịch sử nói trên. Người thầy được kể trong bài tên là cô Bảo Quỳnh. Thóc, ngày đó đã có vợ và một đứa con trai thấy bảo đặt tên là thằng cu Ráy. Quê anh ấy ở An Lương, một làng mạn xế bắc với chùa Hương. Nghe nói làng tinh những đá cùng đá nhưng cổ sơ các cụ đã lập thành nơi thành chốn lam làm đẻ đái như bây giờ rồi. Chúng tôi học hành, chơi đùa và nghĩ. Và sống sót, nói chung khốn đốn hơn bài văn kia nhiều lắm.
Sở dĩ tôi nhắc đến anh Thóc là vì tình cờ hai mươi năm sau tôi gặp lại anh ấy. Thậm chí đã sống cùng anh, khi tôi tốt nghiệp trường sư phạm tỉnh H và được điều động về làm giáo viên xã An Lương. Anh Thóc cũng dạy học - gọi là giáo viên dân lập địa phương - ở xã nhà từ ngày hoà bình lập lại năm Năm-tư kia. Khỏi phải nói, chúng tôi vồ vập, thân quý nhau hết sức ồn ào và kết thành đôi tốt cọc cạch trong cỗ tam cúc sờn mép cũng đáng lắm vậy.
Tôi ở ngoài Tế lưu, ở “gửi rể” trong khu nhà giáo viên của trường vợ tôi giảng dạy. Ngày nào tôi cũng đi vã vào Lương. Tôi bỏ đường trục, đi tắt cánh đồng cho đỡ mỏi chân. Mất độ non giờ là tới. Bao giờ tôi cũng vào nhà anh Thóc, bù khú với anh dăm ba câu bào hao, chia nhau tép thuốc lào hay vài mụn chè Thái rồi mới lững thững ra miếu ngồi bảo học bầy trẻ. Ngày nào tôi cũng thấy sung sướng như nhau. Có dễ đời người chẳng còn gì hơn thế nữa?
Hồi này Thóc đã có bẩy cháu. Tối đi ngủ phải điểm cho đủ mười bốn bàn chân mốc mác của tụi trẻ mới dám sập phên cửa, yên dạ để thổi đèn đi nằm. Hôm nao thiếu hụt là khốn. Cả nhà cứ gọi là tong tưởi cái nùn rơm đến đỏ đồng rạng ngõ như thể ma trơi. Ai nấy hú hờ luôn miệng cho đến tận khi túm được cu cậu. Tôi đã có nhiều bận tham dự trận “hờ đò khan” kiểu này nên có kinh nghiệm hơn anh chị Thóc. Chỉ cần soi đuốc nùn rơm đến gò Đọi hay mấy cái lều vịt ngoài cõi thì thể nào cũng bắt gặp các cậu. Bên đống xương chuột nướng hiện lờ mờ giữa làn khói mỏng và khen khét mùi gộc tre ẩm, thể nào vài ba cậu cũng đương thì co con tôm bên nhau, phô bầy vẻ no ấm ngây ngô ra với sương đêm vô thường ngay ấy mà! Những bận như thế, anh Thóc thường hay thở dài, buông thõng: “Nếu không rèn cho chúng nó bóp mồm bóp miệng ngay từ bây giờ, ngộ nhỡ nhớn lên thành giặc, lấy ai gồng gánh nỗi đời cho?”. Ngày ấy tôi mới lập gia đình, chưa đụng vào miếng khổ của đời người một cách thật tay nên cũng chưa hiểu được đống lý thuyết “luyện đói” của anh Thóc. Chẳng hiểu ích lợi của nó như thế nào trong cuộc sống sẽ còn lê thê phía trước đời mình, để ra nông nỗi Thóc phải cảnh giác từ xa một cách nhanh nhảu thế. Chỉ cảm cảm như là anh khôn ngoan, thậm lõi đời chứ chẳng kém hẹm gì ai. Thật đấy, này nhé, bữa ăn, anh bảo chị đong đều các suất ăn cho mọi người vào những cái ngăn cặp lồng tráng men vằn vện y thể doanh trại quân đội. Song, chúng lại nông choèn. Còn bọn trẻ thì ngồi quanh mâm nhưng bao giờ tôi cũng thấy thiêu thiếu thế nào. Mãi sau mới biết tại vì cái rổ rau lang giữa mâm vống lên, che khuất nửa mâm làm mình xoay phía nào cũng lệch lạc như bị thiếu một nửa số thành viên mâm ăn. Nhìn bọn trẻ vươn cổ nuốt những khoanh sắn khô đã ngâm nước trước khi thổi để được dôi cơm và bớt phải gắp, tôi bao giờ cũng thấy lòng dạ nao nao. Tôi không sao nhấc đũa và nổi những hột cơm trắng tinh - cơm nguyên, không độn sắn, khoai hay bất cứ thứ nông sản phụ nào - vào miệng mình. Cái nhẽ của nó là vì chị Thóc đem bới riêng cho tôi số cơm nằm bẽn lẽn trong góc nồi sắn nghi ngút nhà anh chị. Chị lại còn đơm lèn lên chiếc bát “nội phủ” mỏng tang như giấy để dúi nó vào tay tôi. Bận nào tôi cũng phát nấc lên vì nhời đe của chị: “Chú mà san cho đứa nào, chớ chết! Tôi thì cạch mặt!”. Thóc không nói gì. Anh chỉ ậm ừ, nhìn đồng nước trắng loá ngoài xa bằng cặp kính cận xuýt xoát 20 điốp: “ Tôi khiếp cái thằng bán tơ. Nó chỉ đứng có hai câu trong già ba nghìn câu Kiều mà bao nhiêu là kiếp người, bao nhiêu câu còn lại liêu xiêu, điêu đứng. Ghê cả đời!”
Thóc giữ chân thư ký công đoàn nhà trường. Nhiệm kỳ nào anh cũng trúng. Có dễ vì anh thạo xin xỏ. Lối sống bình quân tạo ra sự thiếu thừa oái oăm, nhưng không được nói, chỉ xin thôi: xin lĩnh lương, xin duyệt cho mua cân lòng lợn, gói thuốc lào, xin đủ mọi thứ thiết thân cho nghề nghiệp như lọ canh-ki-dốt [1] bên trạm xá về thay mực đỏ chấm bài, xin mua thêm chục bát sành chia cho đoàn viên ăn uống…Lần nào hình như anh Thóc cũng “mát tay”. Đến nỗi cô Xinh hiệu trưởng cứ khen khéo rằng anh Thóc là thằng “Phạm Nhan” [2] ba đầu sáu tay mười hai con mắt. Cô Yến dạy môn sinh vật thì lại lẩm bẩm: “Phạm gì? Ngữ ấy có mà phạm…phòng! Nom kìa, cái sinh thực khí của đồng chí thư ký công đoàn chúng ta lùm lùm cả đống lên đấy. Rồi thì cứ gọi là nạn nhân mãn! Nát nước như chơi!”. Chín người mười ý, nghề đời nó là vậy, biết đâu mà lần? Tôi thì tôi lại ưa cái nết chín chắn mà hồn hậu của anh Thóc hơn cả. Tôi nhớ sau năm Bẩy lăm, một hôm công đoàn cấp trên rót xuống cho một món trợ cấp đột xuất gọi là để “mừng đại thắng”. Tiền vào nhà khó …thật đúng là gió lùa mọi nhẽ. Chia đều, thì mỗi phần được là bao? Cho cá nhân thì, giời ạ, biết lấy ai làm cái người khó khăn vào loại “tiên tiến” ấy bây giờ? Ai mà chẳng cần trợ cấp thật nhiều? Thế mới chết! Bình bầu miệng thì nói thật, quanh năm giơ đến mỏi cả tay cho đủ mọi thứ danh hiệu của bao nhiêu là cuộc thi đua lớn nhỏ trong trường rồi. Khoản bầu ấy dễ như bỡn vì rằng nó suông. Đằng này, các cụ đã có câu - cấm có sai bao giờ - “đồng tiền đi liền khúc ruột” cơ mà? Tay chân giơ lên, nể nang, thiếu tế nhị…”Hay ta bỏ phiếu kín?”, Thóc bật tửng lên như vừa tìm ra chân lý chống lại nhẽ đời “ăn cho đều, tiêu cho sòng” bấy lâu. Ai nấy vỗ vào đồm độp, rồi tíu tít hưởng ứng cuộc bầu bán. Chả mấy nỗi cả hội đồng giáo dục chúng tôi đã lựa chọn một cách sáng suốt ra người đột xuất khó khăn nhất trường mình. Ôi chao, anh Thóc quả là người tháo vát, can đảm và xứng đáng với sự tin cậy của cánh đoàn viên chúng tôi quá đi mất.
°
Hè năm ấy chúng tôi lại đi “trại hè”. Đúng ra là đi dự lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ sư phạm để có thêm ít vốn liếng dắt lưng, dằn bụng. Năm học kế còn có của chia chác cho bọn trẻ khát chữ làm người ở khắp mọi xó xỉnh làng quê. Trại chúng tôi đặt ở làng Quế. Nó nằm giữa Tế (chỗ tôi ở) với Lương (nhà anh Thóc), nhưng là một hình tam giác mà Quế là đỉnh. Đi trại là phải ăn ở tập trung, đằng đẵng cả tuần mới được về nhà chiều thứ bẩy. Cái chính là được gặp nhau sau chín tháng người đầu bãi, kẽ cuối nguồn trải ra khắp huyện có hằng vạn học trò. Nam giới thì chuyện gẫu, tán nhảm. Các cô giáo thì tháo áo cũ, đan áo mới hoặc ngồi tính toán muôn chuyện vặt vãnh trong cái gia đình luôn thiếu hụt của từng người. Còn kiến thức chính trị thì lại khác. Chúng tôi chỉ ưng nghe những buổi “thời sự”. Giảng viên là nhà tuyên huấn chân đất cấp trên nhưng thật gần gũi vì cái vẻ dân giã. Ông hé cho chúng tôi vài chuyện bí mật gọi là phổ biến nội bộ, “nghe để biết”. Đai loại như trong đấu tranh ngoại giao, ông X. của ta, sau khi bắt tay với cái thằng Y. của địch, đã lén lau tay bằng một chiếc khăn tay đặc biệt, sau đó ông X. ông ấy ném chiếc khăn dính mồ hôi xâm lược kia vào sọt rác ở góc phòng họp quốc tế. Nghe được những “tin mật” như thế quả là sung sướng. Hãnh diện lắm vì mình là đồng bào, là nhân dân của cái con người kiêu hùng kia. Về nhà lại kín kín hở hở phun ra, dặn người nghe rằng cái tin đáng tự hào sắp nghe đây, rồi ra là không có được phổ biến rộng đâu đấy! Và như thế trình độ chính trị của giáo giới được nâng cao dần lên. Về nghiệp vụ, chuyên môn sư phạm thì chúng tôi còn được bồi dưỡng nhiều kiến thức khoa học nhớ đời. Thí dụ bộ môn Văn chúng tôi năm nào cũng thay sách giảng văn và văn phạm. Có lần, một chuyên gia ngôn ngữ về thỉnh giảng cho trại chúng tôi. Ông ta mắng xơi xơi chúng tôi rằng căn cứ vào đâu mà trường nào, nơi nào cũng chăng câu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" như hình thức khẩu hiệu? Xét về ngữ pháp, nó là một chân lý, một mệnh đề độc lập duy nhất đúng. Nếu vu cho nó là khẩu hiệu thì thử hỏi quần chúng hô theo như thế nào nào?...
Chiều thứ bảy ấy, đột nhiên anh Thóc nắm tay tôi:
- Về tôi. Sai trẻ nó kiếm tý gì…anh em ta nhấc lên nhấc xuống?
Tôi lưỡng lự vì cả tuần lễ xa nhà, người ngợm nhếch nhác. Vả lại cũng ngại cứ nhớ đến sự đãi đằng quá sức của chị Thóc cho mình, tôi buồn thương đến âng ấng nước mắt.
- Thôi! - tôi lảng.
Anh Thóc đưa ngay ra cái lý làm tôi cứng lưỡi:
- Nhưng tôi không đèo chú về Tế thì chú bảo sao nào?
Tôi chưa có xe đạp làm phương tiện. Mọi tuần tôi vẫn ngồi nhờ anh Thóc trên chiếc xe “đầm” chằng đụp và rất hay hờn giận vô tội vạ của anh để về Tế. Nay anh đổi hướng về thẳng Lương thì tôi xoay xở thế nào. Huy động chức năng của đôi chân thì không khéo nửa đêm mới được gặp vợ con. Thôi thì đành “té nước theo mưa” vậy.
Vừa đánh đu trên cái “ba-ga” dặt dẹo, vừa lội bì bõm trong những khúc đường xe,û lại vừa nhảy choi choi trên những đoạn sống trâu gồ ghề, tôi cứ thầm ước ao giá mà mình suốt đời đừng có xe đạp. Vì nói thực, đi như thế này chả khác đi bộ là mấy. Đường từ Quế về Lương, do đi tắt cánh đồng nên số đường mà hai anh em phải cõng “ông chủ” có khi nhiều hơn đi vã. Đã vậy, thỉnh thoảng cái của nợ ấy lại “xì” ra một hơi não nề. Khéo mà tiếng rên này còn hăng hái và công nhiên hơn cả hai cái bụng của đôi “đầy tớ” tận tuỵ chúng tôi. Thóc tảng lờ mọi sự, làm như không thèm dây vào thêm bực. Tôi xui anh lấy bao ca-pốt [3] vẫn dằn bụng để mà chằng đầu van cho nó dễ bơm. Thứ “tim van” này ai có xe đạp đăng ký mà chẳng tích trữ phòng bị cho nhhững chuyến đi xa? Anh Thóc không thèm đếm xỉa đến ý kiến dụt dè của tôi. Anh cứ phăm phăm lôi chiếc xe tội nghiệp hếch vó, ngỏng cổ lệt xệt đàng trước tôi như bực bội lắm vậy. Tôi cắp khăn gói chuệnh choạng sau lưng anh, gắng kìm hãm cơn giận dỗi rất có thể xảy ra từ người bạn hiền và cục này. Tôi chọc:
- Thế tối về ông tính đãi món gì mà kín vấy?
- Chưa tính, nhưng chắc thể nào cũng có món cơm rượu nhà tôi bà ấy mới ngả. Nay về là ngấu. Tươm chửa?
- Chả cần thế. Hai bác cứ cho em một bữa âm ấm bụng. Xong, em ngủ một lèo. Sớm em còn ra Tế để hai bác… - tôi bỏ dở câu nói, ý muốn hiện thực hóa lời tiên tri của cô giáo Yến dạy sinh vật. Lại sợ. Đành im mồm để rơi câu đùa vô duyên xuống ruộng.
Tự nhiên Thóc hỏi như là bắt nọn tôi:
- Này, chú Minh. Chú cho rằng ở đời ta yêu cái gì nào?
Tôi “tụng” ngay, ra ý chặn họng anh:
- Tổ quốc, đồng bào, gia đình… chứ anh bảo...?
- Mình yêu cái chưa có! Chú cứ ngẫm mà xem. Chính cái chưa có ấy nó mới ràng buộc mình, đe doạ mình, dỗ dành mình đi hùng hục tới nó.
- Hư vô bỏ mẹ! - tôi lắc đầu trong đêm.
Cũng may, cái ngõ nhỏ đã chạm bánh xe. Thóc tựa xe chái nhà và nháo nhác ra góc sân tối sờ soạng, khoắng sâu xuống chiếc cối đá thủng úp ngược. Chắc chẳng có gì. Thấy anh thở đánh thượt một cái. Anh lạch bạch vào nhà, hấp hay đôi mắt kính dầy cộp, đánh lửa thắp lên cái đèn ba giây cải tiến. Đèn tư lự một tý rồi bỗng sáng trắng lên, toả rộng khắp nhà. Đấy là nhờ bên trong anh Thóc đem chụp lên ống muống đèn một chiếc lọ thuốc tiêm đã mài thủng đáy. Cải tiến này nghe nói anh Thóc học được trên báo Khoa học Thường thức của trung ương, phổ biến đi khắp cả.
- Rửa tay chân rồi vào ngồi hút thuốc. Chờ tôi đi thắp bếp cái, - anh phân công rành mạch cho tôi.
Trẻ con lục tục gánh rơm tươi mới được chia ở ngoài sân kho về. Chúng rồng rắn vào chào “chú” í ới. Tôi san bớt một nửa chỗ hạt gắm luộc, buổi chiều mua vét đằng chợ Quế, cho chúng lấy cữ bằng vũm tay. Lại thấy tóp tép, rù rì lẩn vào bóng đêm chập chùng ngay tắp lự. Ờ nhỉ, heo may rồi còn gì? Lành lạnh làm sao!
Mảnh sân tối chợt hừng lên một quầng vàng ung ủng hắt ra từ phía bếp. Tôi đoán Thóc đã nhóm lửa. Không biết anh nấu nướng gì nhỉ? Cơm ư? Chắc chắn là không rồi. Đương tháng tám thế này bói đâu ra? Nhà anh Thóc có truyền thống chỉ ăn cơm trắng có ba ngày tết và mấy bận giỗ trong năm. Mà cũng chỉ giỗ “song thân phụ mẫu”, bốn cái là quá lắm rồi. Hay anh làm đồ nhắm? Thì bộ mặt thẫn thờ của anh bên cái cối đá thủng chẳng nói hộ rồi còn gì? Ơ, cơ mà biết đâu? Thế thì giỏi lắm thay! Tôi đang nghĩ đến con gà mẹ ngoan nết nhưng khú đế, đến chó mèo hàng xóm cũng rụng rời khi trông thấy nó từ bờ rào đàng xa…Không, anh Thóc trông cậy vào con gà này như nó là một con gà mái trong sách luân lý ngày xưa ấy…Không Thóc không thể cả gan như thế. Thế thì ông này có phép thần thông chăng? Ban nãy, nghe tiếng anh thì thào to nhỏ với chị chỗ cửa buồng. Lại nghe tiếng lanh canh của chiếc phạng sành trong chạn bát. Tiếng kêu vang rỗng lắm mà? Nếu anh chị ấy thi hành án con gà mái già thì ít nhất mình phải nghe tiếng nó giãy đạp đòi sống chứ nhỉ? Ngoại trừ “thị” đã ra gà thiên cổ vì tật bệnh ghê gớm hoặc già nua tới cõi...Nhưng như thế thì làm sao mà anh Thóc biết tin nhanh như điện thế được. Mà mò, mà vắt chân lên cổ từ Quế về, còn quyến thêm cả tôi?
Chị Thóc đặt trước mặt tôi một bát chiết yêu có ngọn. Mùi thơm tươi nồng của cơm nếp phải men phả ra ngát mũi. Món cơm rượu mà tôi rất ưa đây rồi!
- Chú Minh “thời” đi! Vừa ngấu đấy. Ăn cho ấm bụng. Nháng có đồ nhắm bố thằng Ráy mang lên, anh em uống thêm “nước” cho nó chín “cái” trong bụng một thể. Nếp độ này lên giá, mà phòng thuế nó săn khiếp lắm. Trên Thượng nó bắt cả nồi đáy về huyện. Cha con xì xụp cất húp với nhau. Nhao nhác quá. Vụ này cầm chắc lại vàng mắt thôi chú ạ.
- Thế dưới mình có dễ chịu hơn không chị?
- Tươm! - chị cười - Cánh chủ chốt dưới Lương mình, bố nào tối đến cũng cứ phải một chai ba [4] với đĩa nhắm lùm lùm. Không nhờ những cái mồm gầu ấy, mình chết rấp từ ất giáp nào rồi. Nhưng tôi nói là nói thóc gạo có tinh. Giá vổng lên thì rượu lên sao kịp?
Tôi ngước nhìn chị, người đàn bà nhà quê bảy tám lần sinh nở mà vẫn gọn gàng. Tính tình thì chu đáo quá đỗi. Tôi trông theo nhịp xắt đều đặn đến buồn ngủ của lưỡi dao sắc như nước trên những khúc sắn còn nguyên vỏ lụa từ tay chị. Các lát sắn trắng muốt dưới ánh đèn trắng tinh trông thật ngon lành. Đang mùa đây. Chắc chị phải lặn lội vào tận chợ Bến, tìm mua của đồng bào Mường mới có thứ sắn bở và ít hao cũng như là không bị say như thế này. Cữ tới sắp vào trà rét đậm. Nhà anh chị sẽ chỉ có sắn khô sũng nước này làm thứ dằn bụng qua mùa đông. Ăn sắn phơi cả vỏ, nấu rượu nếp lậu, bán cho cán bộ xã, được tí cám bã nuôi lợn, bán lợn lấy tiền đong gạo lậu về nấu rượu…Cái vòng tròn muôn năm của chị tít mù như ông mặt trời xoay quanh trái đất kềnh càng và lam lũ của chúng ta này đây. Mà có ngừng được không? Ngừng để chết cả lũ à? Thế mới bảo sống khó hơn là chết chứ?
Nhoáng cái đã thấy anh Thóc bưng lên một đĩa có ngọn. Không hiểu thức nhắm gì mà xem ra ông đầu bếp có vẻ hài lòng lắm. Thấy anh đặt cẩn trọng trên bàn, sau khi đã một tay bưng một tay dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ tạp nham như điếu đóm, ấm chén lỉnh kỉnh trên ấy. Nhanh đến mức tôi chẳng giở tay đỡ anh được tí tẹo nào. Chả vì tôi cũng đương “triển khai” bát cơm rượu ngọt miệng của chị Thóc vừa cho. Song mùi hành mỡ phi thơm toả ra từ đĩa thức nhắm lạ mà anh Thóc vừa đệ lên đã thu hút sự chú ý của tôi.
- U cái Thơm ra vườn hái quả ớt với nắm rau húng. Mau! Mà này, nhấc cánh rào nhẹ tay kẻo xộc xệch là đổ sạch. Để mai sớm tớ sửa bù. Nhoáng là xong ngay…Nào, quất đi, chú Minh!
- Gì đây anh? - tôi so đũa, ghé mắt vào đĩa đồ ăn hấp dẫn cả về hình thức lẫn hương vị trên bàn.
- Đố biết! - Thóc gắp thận trọng một cọng rau thơm đặt vào bát, rồi mới nhẹ nhàng lùa đũa, run run khêu lên một “con” đen đen trong đĩa đồ nhắm kỳ lạ trên bàn. Cuối cùng là nước chấm ( thứ nước màu cánh gián cứ nức lên mùi chanh tươi cuối mùa mới bòn trong vườn ), anh rưới nó lên hai thức kể trên độ mươi giọt, cốt tăng thêm sự đặm đà chua chát hay sao ấy. Xong, anh nhấc chén tống rượu huơ huơ trước bàn, cười tinh quái sau tròng kính cận nặng đến tối đa. Nó xoáy sâu và loang loáng như cái đít chai dầy, thách thức tài khám phá của tôi.
- Ốc sào à? Ờ mà không phải. Sao lại giòn thế?
- Ăn đi rồi đoán mới đúng được. Cho nó bõ cái công đi bộ với lại hầu thằng xe đạp. Nào, tợp mạnh lên!
Tôi và anh cùng ngồm ngoàm nhai, uống, chấm, mút thả cửa. Chỉ riêng tôi vẫn chưa nhận ra mình đương va cái gì vào miệng (?). Mà nói thật, mồm tôi thuộc loại mồm ăn mồm uống chứ không đến nỗi nào. Vậy mà không đoán ra anh Thóc chế tạo thứ thực phẩm gì lạ miệng đến như vậy. Nó được chiên chín đen lên, tròn tròn như cái vỏ ốc nhưng mà lại nhẹ bỗng và không phải sạn cứng như thứ canxi chết tiệt kia đâu. Gắp một đũa phải ba bốn con mới chặt chịa. Chấm sơ vào nước chấm - loại nước muối có rắc vài ba cánh mì chính làm hàng để vắt chanh tươi cho bốc - thì nó thấm thứ nước cám dỗ này, hình như, vào đến tận xương tuỷ của thứ thực phẩm diệu kỳ ấy. Đặt nó lên vài ba lá kinh giới, húng dổi với lại sương xông. Mùi quyến dũ đã bắt mũi mình rồi đấy. Sau rốt là “luyện” hỗn hợp có một không hai này với rượu tăm làng Lương, ớt chỉ thiên xanh hái đêm ngậm sương thu xé lưỡi…Sơn hào hải vị ở đâu không biết; tôi chỉ thấy nhẹ cả người. Có nhẽ khắp kỳ cùng thân thể tôi đều được nhai, nuốt và thấm thía hết mọi chỗ.
- Chịu đấy. Món gì mà “găng” vậy ông Thóc?
- Tôi với chú ăn tình nghĩa là chính. Đừng bận tâm.
Tôi đã hơi la đà, đâm ra nói quẩn:
- Tình nghĩa dễ hỏng việc đấy bác ơi!
- Ừ, bát nháo chi khươn cả. Giá cứ say được thế này mãi. Nhỉ!
Đã đói, mệt, lại được ăn ngon miệng, dù chẳng biết người ta đãi mình thứ gì, tốn kém ra sao, hay có ảnh hưởng gì tới no đủ, thiếu hụt của chị Thóc với lại các cháu không, tôi cứ gắp, nhai, uống tì tì cho tới lúc chị Thóc xếp dọn mọi cái bát chén rếch ra sân. Cũng êm dịu, lễ phép như bao lần anh chị từng đãi tôi trước đó. Tôi thấy anh Thóc tủm tỉm cười dưới cái quầng đèn đã toè ra thành ba bốn ngọn trước mắt tôi. Tôi lăn vội xuống chiếc phản gian nhà anh, nói với về miền thức một câu lấy lòng anh chị:
- Đếm thiếu chân, nhớ gọi tôi dậy tiếp ứng nhá…
Sáng sau tỉnh giấc, biết mình lỡ hẹn với vợ con ngoài Tế, tôi chồm luôn ra sân. Anh Thóc đã ở ngoài vườn từ lúc nào. Quần lửng dưới gối, chân trần, lưng lại vắt vẻo một nắm lạt bánh tẻ, anh đương hí húi bên hàng rào sân trước. Nhô lên trên những ngọn rau già màu tía là hàng cọc rào xô lệch mà anh Thóc đương buộc lại các nẹp tre cho phên giậu thẳng thớm và chắc lại.
- Ngủ ngon chứ? Hút thuốc đi. Đợi nháng tôi đèo ra Tế. Chiều anh em mình xuống trại luôn.
 Tôi lụng bụng:
- Nhỡ hết mọi việc. Chỉ tại cái bữa rượu tối qua. Mà này, ông rán con gì sao nhai cứ giòn tan trong miệng thế hở?
Thóc cười, chỉ chỉ lên những nút lạt mới buộc trên nẹp vườn. Tôi sực nhớ những con quăn quăn tròn mà mình ăn tối hôm qua vừa ngon vừa ngưa ngứa, thốt lên:
- Giời ạ, rượu lạt! Đến nước này không khéo món đất sét kho lá mơ mùa lụt [5] phải xuống chiếu dưới mất!
- Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi đây này chú Minh này!
Thóc giơ nắm lạt lên rũ rũ để cho những bông hoa cau đã rụng vào đấy được rớt hẳn xuống mặt đất. Tôi ngẩng lên buồng cau bói mùa đầu trên kia. Một nỗi thấp thỏm bâng quơ chợt rơi chếch mặt tôi. Và sự đau đớn nhẹ nhàng cũng rụng lả tả giống như hoa cau ấy, không rõ xuống đến tận đâu ở dưới đáy lòng mình? 
°
Tôi vào Sài gòn, chuyển sang làm ngoại thương do sự gia ơn của ông anh vợ. Chuyện chẳng đáng nói nhiều. Chỉ biết tôi đã đi đây đi đó, ăn uống đủ mọi thức ngon miếng lạ ở kỳ cùng cái trái đất bé tẹo này. Lắm lúc đã có vẻ quên làng An Lương cùng với bữa rượu lạt nhà anh chị Thóc, nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng rất xúc động với cô giáo Bảo Quỳnh đáng kính ngày xưa của chúng tôi. Cô tôi đã sắp sáu chục tuổi. Đã phải đeo răng giả, song cô giáo vẫn xung phong đi lao động hợp đồng với nước bạn Angôla tận châu Phi nóng bức kinh người. Cô sang làm chuyên gia giáo dục. Dạy triết học, một môn học ít gần gũi với kim cương và bột ngô, hai sản vật dồi dào của xứ này, cô bảo thế. Thấy tôi, cô mừng rỡ lắm:
- Anh có gặp lại các anh chị em hồi học ở…
- … Hương Sơn - tôi nối lời cô giáo cũ -. Thưa cô ít lắm ạ. Nhưng con nghe nói ai cũng trưởng thành. Có anh bây giờ lên đến bộ trưởng.
- Ừ, thế cô cũng mừng. Cô thì gần như không gặp lại ai, ngoài anh lần này. Phải nói cũng nhờ chuyến ra ngoài thế này đấy.
Tôi thấy cô giáo tôi buồn buồn. Nỗi buồn cũng chân thành như thời tôi còn được ngồi nghe những lời dạy bảo của cô ở thung mơ. Có điều ngày ấy cô tôi chân thành trong niềm vui. Bây giờ cô chân thành trong nỗi buồn khó tả lắm. Tuổi già? Nghề nghiệp? Hay khát vọng dở dang? Thật không dễ tìm lời đáp khi ta chỉ có tình yêu thuần mộc và ta lại chửa một lần từng trải cái nhẽ lỏng đặc của đời người…
Trước khi chia tay, cô lén nhìn xung quanh rồi cúi xuống mũi giầy nói rất khẽ:
- Cô nghe nói “họ” sắp cắt hợp đồng của cô rồi!
Tôi chưa hiểu nỗi buồn của người về hưu nên cười nói bả lả ra ý mừng vì cô giáo sẽ được nghỉ ngơi, di dưỡng tuổi già sau bao nhiêu là năm tháng làm lụng xa gần đến như thế. Mãi tới lúc cô hạ giọng hỏi tôi: "Này, Minh bảo cô nên mua thứ gì về bên nhà bán thì được lãi? Chả là cô muốn kiếm tý tỉnh, phòng mai kia…".
 Lòng tôi nặng trĩu. Thương cô quá mà không dám lộ ra vì sợ làm cho cô tủi thân. Tôi đành bàn bạc với cô cách thức mua sắm, đóng buộc và vận chuyển về bên nhà. Theo tôi nghĩ với món tiền nhịn ăn nhịn mặc mà cô tôi vừa kể, khéo ra, về nước thể nào cô giáo cũng sống tùng tiệm được qua ngày chứ chòng chọc vào đồng lương hưu nhẹ tông của nhà giáo ấy ư? Khác nào những sợi lạt ngày xưa Thóc đã tháo ra khỏi rào, chiên lên cho tôi nhắm rượu với nó.
12/1987 
Nguồn: Rút từ tập Con họa mi nông nổi, tập truyện ngắn của Minh Chung, Nxb. Hội Nhà văn, H., 6/2004; (Truyện từng đoạt giải Nhất Hội Nhà văn TP HCM năm 1988)
Chú thích của tác giả:
[1] dung dịch thủy ngân - iốt sát trùng vết thương.
[2] tên viên tướng giặc Nguyên tương truyền có phép phân thân.
[3] bao cao su, công đoàn phân phát cho đoàn viên có gia đình rồi.
[4] Dung tích khoảng một phần ba chai 750 ml (chai rượu Ty do nhà máy rượu Văn Điển sản xuất ).
[5] xem Việc làng của Ngô Tất Tố. 
 

Xem Tiếp: ----